MA CHƯỚNG
TRÊN ĐƯỜNG TU
QUYỂN II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
MA TÂM MA SỰ CỦA NGƯỜI TU
CHƯƠNG MƯỜI
June 25, 1989
Vừa rồi chúng ta tụng phẩm thứ chín trong Hoa Nghiêm là phẩm “Quang Minh Giác”, có nhiều bài kệ rất hay. Chính ra là tôi đã giảng trong bản kinh này rồi, nhưng khi đọc lại những bài kệ ấy, thấy hay quá lại muốn trở lại giảng thêm lần nữa, những kệ đó là của Ngài Văn Thù Sư Lợi, trong đó nói về giáo lý ảnh hiện của Hoa Nghiêm, chỉ nói rằng Đức Phật ngồi một chỗ phóng quang vô lựợng thế giới, chiếu soi càng ngày càng xa, lúc đầu Ngài phóng quang đến muời thế giới, rồi đến 100 thế giới, 1000 thế giới, ức thế giới, nhẫn đến na-do-tha thế giới. Quang minh dần dần càng ngày càng sáng, “Quang minh giác” có nghĩa là sự giác ngộ bằng quang minh. Trong những thế giới đó dần dần hiện lên những đạo tràng rất rõ rệt, đạo tràng nào cũng có Đức Như Lai ngồi nhu thế và có một bậc Đại Bồ Tát lớn là đức Văn Thù Sư Lợi ở vô lượng cõi như vậy. Trong đó Ngài Văn Thù Sư Lợi nói những bài kệ để dạy chúng ta về trí huệ, về vấn đề này, chúng ta phải hiểu ra sao? Có thể nói bằng hai cách:
1/ Là pháp giới này cái nào cũng như là hạt châu cả nhẫn đến một hạt cát cũng là một hạt châu Ma ni, một hòn đá, một con kiến, một lá cây, một con người, vật v.v… Cũng đều là những hạt châu Ma ni, nó trùng trùng ảnh hiện như vậy, chiếu soi lẫn nhau, đó cũng là một cách nói. Ở trung tâm, nơi Diệu tâm, nơi mà nhà thiền gọi là cửa Trùng Quan ấy, chỗ đó cũng gọi là Thường Tịch Quang, chúng ta sống trong tâm thức ở vòng ngoài, còn chỗ trung tâm đó thì bất cứ chỗ nào cũng là trung tâm cả, vì Pháp giới chỗ nào cũng bổn cụ, nên chúng ta với tâm thức thấp sống theo thế giới sai biệt, nhiều khi không ảnh hiện nhau được rõ. Khi nào thế giới Ta Bà này có những pháp hội Hoa Nghiêm như vậy, có Đức Như Lai ngồi như vậy, có Ngài Văn Thù Sư Lợi đứng nói pháp, nói kệ như vậy, thì ở vô lượng thế giới cũng ảnh hiện y như thế. Đó là cái nghĩa ảnh hiện. Phẩm này, đặc biệt nói về giáo lý ảnh hiện, thì chúng ta phải hiểu tất cả chỉ là ảnh tượng cả, không có gì là nặng, không có gì là vật cả, tất cả những gì ta cho là nặng, như cái núi kia chăng nữa, cũng vẫn chỉ là ảnh tượng mà thôi.
Vấn đề này tôi đã nói rất nhiều ở bản kinh này rồi, nhưng tôi vẫn muốn trở lại, để nhấn mạnh cho quý vị thấy cái cốt yếu của nó. Thí dụ như ta trông một chúng sanh, một người nam hay nữ, thì có thể có ba lối nhìn, tùy theo tâm quán của người đó, nếu nhìn theo nhãn nhục của tâm phàm phu, với những vọng tình và vọng tưởng riêng, thì ta sẽ thấy đó là người nam, hoặc người nữ, thấy họ xấu xa hay đẹp đễ, thấy rằng ta khởi tâm yêu hay ghét. Lối nhìn đó không phải hoàn toàn sai, cũng đúng, nhưng nó chỉ đúng trên một bình diện tâm thức rất thấp. Đồng thời nó có một điều nguy hại nhất là nó khởi những vọng tình, vọng tưởng tạo nên nhiều phiền não, do đó mình phải trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Một lối nhìn thứ hai, cao hơn một chút, là lối nhìn theo như trong Kinh Đức Phật dạy về hộ trùng, đó là lối nhìn theo lối quán bất tịnh. Thì hành giả khi nhìn một thân người, thì thấy đó là một cõi, trong đó có vô lượng vô số những thi trùng ngọ nguậy, lối nhìn này cao hơn, đúng hơn, đồng thời không khởi phiền não. Nhưng lối nhìn này chỉ có thể tự cứu được mình mà thôi (tự lợi) mà không cứu được người khác (lợi tha). Lên cao hơn nữa là lối nhìn thứ ba của nhà Phật, sẽ thấy rằng đó là một cảnh giới Hoa Nghiêm, là một hoa tạng thế giới, “thân là cõi, cõi là thân”, trong thân chúng ta đây chính là một cõi, trong đó chúng ta nuôi không biết bao nhiêu sinh vật (living things), bao nhiêu quỷ thần đi qua loại cõi ấy, dần dần quán chiếu cao hơn, sâu sắc hơn theo lối đệ nhất nghĩa đế, thì thấy trong đó có vô lượng những tinh hà, có vô lượng Phật, có vô lượng những vì sao lạc v.v… Nhìn như thế tức là ta có thể giải thoát không những cho mình mà còn bao trùm sự giải thoát cho tất cả, đồng thời, chúng ta ra khỏi được tham dục, đó là chỗ có thể dứt được sự tham dục. Ta cũng cần nhớ rằng, cõi chúng ta đang ở là Dục giới, nên tham dục ảnh hưởng rất nặng nề, và đó cũng là một chướng ngại rất lớn cho người hành giả muốn tiến tu trên con đường Bồ Tát…
Ngoài ba lối nhìn trên, còn có những lối nhìn lặt vặt khác như lối nhìn của một người nghệ sĩ, đạo sĩ v.v… nhưng những lối nhìn đó thuộc về lối nhìn của nhân thừa và tiên thừa, vẫn còn thấp lắm, chỉ có thể gột được một chút ít phiền não thôi. Chẳng hạn như khi ta yêu hay ghét một người nào, nhưng dần dần ta quán chiếu người đó như một thế giới Hoa Nghiêm, thì về sau tất cả vọng tình đều chuyển hóa, không còn gì… và đó là chìa khóa để có thể giải thoát được, tham dục và ngã mạn của mình.
Gần đây tôi có đọc được nhiều đoạn kinh rất hay, rồi từ từ sau này tôi sẽ đọc cho quý vị nghe, vì tôi thường muốn nói nhiều đến những điểm cốt yếu thôi, mà chúng ta thì còn nhiều điểm cốt yếu cần phải nói qua, thí dụ như về duy thức, về tứ cú, về những vô minh ngọn, vô minh gốc v.v… các thứ đó chúng ta cần phải hiểu, hiểu xong rồi thì tâm hồn rất thênh thang, không dễ bị lạc.
Nhưng hôm nay, chúng ta đang ở chỗ ma chướng. Trong lần trước, chúng tôi đã nói xong đoạn ma chướng thuộc về hành ấm, đồng thời đã nói qua về ngũ ấm rồi, mà cái ngũ ấm chính là xương sống của giáo lý nhà Phật. Tất cả các pháp môn, dù Duy thức, Trung quán hay Thiền định, hoặc Tịnh Độ, có thể dựa trên ngũ ấm để nói cũng đều được cả. Nay, tôi xin sơ lược lại cho quý vị nhớ. Ngũ ấm là năm lớp sương mù, không phải là một cũng không phải là khác, càng đi sâu vào tâm thức bao nhiêu thì quang minh càng vi tế bấy nhiêu, mà càng vi tế bao nhiêu thì càng có nhiều tự tại lực biến hóa bấy nhiêu, càng khinh thanh, càng sáng láng, so với phía bìa ngoài là sắc ấm trọng trược và thô kệch.
Trong chương trước, chúng tôi có trình bày với quý vị về ngũ nhãn để so với ngũ ấm, thì chúng ta cũng cần nhớ rằng, khi tâm thức ta còn trụ trong bình diện sắc ấm này, thì thường thường chỉ có nhục nhãn thôi. Khi hành giả tu thiền định Như Huyễn Tam Ma Đe mà đi vào đến thọ ấm và tưởng ấm thì lúc đó sẽ có thiên nhãn, thiên nhãn càng ngày càng triển khai, lớn rộng. Đen khi hành giả lọt vào được đến hành ấm, bắt đầu chớm bước vào thức ấm, vào nơi Không hải vi diệu, thì lúc bây giờ hành giả sẽ có huệ nhãn, huệ nhãn là nhìn thấy rõ tất cả các vật đều là không, chỉ là một biển quang minh không có một vật. Ở nơi đó, nếu là các vị Thanh Văn, chỉ quán những phiền não thôi thì sẽ được giải thoát ra khỏi ba cõi, vượt khỏi “phân đoạn sanh tử”, nhưng không thể có pháp nhãn được. Nhưng đối với những bậc Bồ Tát, khi tới đó, nhiều khi các Ngài không quán để tiêu diệt hết những phiền não, đôi khi các Ngài còn giữ lại đôi chút, mà các Ngài trú trọng nhất là khởi các sắc tướng để độ sanh. Lúc bây giờ, các Ngài đã đến được vô sanh pháp nhẫn, có pháp thân đại trí, nên các Ngài lúc nào cũng ở trong tam muội, luôn luôn khởi những sắc tướng và các cảnh giới để độ sanh, tức là quán giả. Độ sanh lâu dần, cho đến khi thuần thục rồi thì các Ngài có được pháp nhãn, rồi khi các Ngài vượt qua tất cả thức ấm đó đi sâu vào Tột Không, vượt được mười phẩm vô minh vi tế, gọi là “sanh tướng vô minh”, lúc đó vào được Kim Cang địa, sẽ đạt được đến Phật nhãn. Như vậy, cho ta thấy rằng, cái ngũ nhãn nó liên hệ rất mật thiết đến ngũ ấm, mà nói cho cùng, cái gì cũng liên hệ đến ngũ ấm cả. Rồi đến ngũ trược củng liên quan chặt chẽ với ngũ ấm.
Chúng ta tu Như Huyễn Tam Ma Đề, ngồi thiền, niệm Phật, tụng chú v.v… cũng đều phải làm con cá Tích đi qua năm lớp sương mù đó thì mới đắc đạo được. Tóm lại, con đường tu nào cũng phải đi qua năm ấm, vì chúng ta chỉ có năm ấm ấy thôi, không có gì khác cả, tất cả Pháp giới gói trọn trong năm ấm, tức là năm lớp sương mù càng ngày càng vi tế, càng ngày càng tự tại, càng ngày càng biến hóa rất nhiều.
Tỷ dụ nói đến những pháp môn khác, như Duy Thức học, theo ý tôi nếu nối liền duy thức vào với năm ấm thì sẽ hiểu rõ hơn rất nhiều, ở đây, có một vài vị thỉnh cầu muốn tôi giảng về Duy thức, nhưng tôi nghĩ thời tiết chưa chín lắm vì trong Duy thức có rất nhiều danh từ mới mẻ, có thể làm mù mịt thêm những người mới bước chân vào Phật giáo. Tỷ dụ như trong Duy thức khi nói về cảnh không thôi mà có nhiều danh từ: Tánh cảnh, độc ảnh cảnh v.v… Còn nói về lượng (về sự nhận thức) thì có: hiện lượng, tỷ lượng, phi lượng v.v… rồi nói về các tánh thì nói có tánh thiện, tánh ác, tánh vô ký, tánh vô phủ hay hữu phủ, hữu ký V..V.. Danh từ thì mang mang rất nhiều: Viên thành thật tánh, y tha khởi tánh, biến kế sở chấp tánh v.v… Trong 100 pháp, tâm vương, tâm sở, sắc pháp, phiền nào, định pháp, bất định pháp v.v… có rất nhiều danh từ. Neu muốn nói về Duy thức cho dễ hiểu thì phải có một cái bảng để vẽ thì may ra mới theo dõi được từng lóp, từng danh từ.
Muốn học về Duy thức, tôi xin quý vị về đọc trước, dù là không hiểu gì mấy đỗi, nhưng ít nhất cũng quen dần với rừng danh từ, sau này giảng thì dễ hiểu hơn, còn nếu đem ra giảng bây giờ thì ít người lãnh hội nổi. Hơn nữa, phần đông các cụ trong ban kinh này đều đi theo pháp môn niệm Phật, nên tâm thức rất đơn thuần, không quen mấy với rừng danh từ của Duy thức học. Nhưng nếu khi ta hiểu rồi, thì thấy cũng không có gì là khó, vì mỗi danh từ đều mang theo ý nghĩa của nó, làm cho sáng tỏ thêm Pháp giới này thôi. Nói đến Duy thức, chúng ta lại thấy rằng giáo lý của nhà Phật dạy ta cái gì cũng đều là ảnh hiện, chập chờn, đúng hay không đúng, lịch sử hay không lịch sử v.v… cũng đều là tùy tâm người nhìn. Thí dụ như cỗi nguồn của Kinh Hoa Nghiêm, Đại Bát Nhã và những pho kinh điển của Đại Thừa, có hay không có? Lịch sử hay không lịch sử? Khi Đức Phật nhập diệt, trong khoảng năm, sáu trăm năm sau không thấy có Kinh Đại Thừa lưu bố, chỉ thấy Kinh của Tiểu thừa. Mãi đến 600 năm sau, khi Ngài Mã Minh và Ngài Long Thọ ra đời thì bắt đầu mới hiện lên nhiều cuốn Kinh Đại thừa, (trước đó có lẽ chỉ có Pháp Hoa, Lăng Nghiêm thôi), sau đó mới có những cuốn Hoa Nghiêm, Đại Bát Nhã v.v… Nên nhiều người cho rằng những cuốn Kinh đó không phải Phật nói.
Sau đó, khoảng 300 năm nữa (tức là 900 năm sau khi Phật nhập diệt), lúc bấy giờ mới xuất hiện hệ thống Duy thức. Nhưng lúc đó hệ thống Duy thức cũng rất lãng đãng, mơ hồ, không hiểu rõ ai làm nên, dựa theo lịch sử thì thấy rằng, trong Kinh Phật có mấy bộ nói về Duy thức, mà nói rất ít, như trong Lăng Nghiêm chỉ nói qua một chút thôi, Lăng Già nói nhiều hơn một chút, khoảng vài chục câu hay vài chục trang, ở chỗ khi Ngài Đại Huệ đứng lên hỏi 108 câu thì Đức Phật nói một ít về Duy thức, chứ Ngài không giảng thêm chi tiết.
Lại còn có một bộ kinh là “Giải Thâm Mật” (bộ này tôi không được đọc), nghe nói là Phật cũng có nói một ít về Duy thức.
Nay tôi kể cho quý vị nghe câu chuyện để quý vị thấy rằng Đạo Phật cái gì cũng là chập chờn ảnh hiện, nên đối với những người không có lòng tin thì không thể vào được Đạo Phật, cứ sẽ vướng mắc vào A phải là A, B phải là B v.v… thì đó là hàng rào lớn ngăn cản hành giả đi sâu vào tâm thức. Đó là ba bộ Kinh nói về Duy thức, mà nói ít và rải rác, trong Lăng Già. Ngài nói vài đoạn, trong Lăng Nghiêm Ngài giảng về thức thứ tám (A-lại-da-thức), nó như dòng suối chảy rất nhanh, vì nó nhanh quá nên giống như là đứng lặng vậy, Phật bảo Ngài không muốn nói thêm, vì sọ chúng sanh không tin. Nhưng còn về các vị Bồ Tát thì các Ngài viết nhiều bài luận, giảng nói về Duy thức học.
Sư tổ về duy thức học là hai anh em nhà Thế Thân và Vô Trước. Ngài Vô Trước viết một cuốn mà tôi không được đọc, đó là cuốn “Du già sư địa luận” nói về Duy thức. Còn Ngài Thế Thân thì viết nhiều hơn, Ngài viết hai cuốn, cuốn thứ nhất là cuốn “Bách Pháp Minh Môn Luận”, cuốn thứ nhì là cuốn “Tam Thập Tụng” (30 bài kệ về Duy thức), mỗi bài kệ, chỉ có bốn câu thôi, giảng về Duy thức. Hai vị này cũng nói rất bí hiểm mù mịt, người nghe phần nhiều thấy hoang đường, khó hiểu. Chính Ngài cũng nói rằng: Mỗi tối Ngài phải xuất thần thức lên cõi trời Đâu Suất để gặp Ngài Di Lặc, nghe giảng về Duy thức, trở xuống nhân gian ghi chép lại thành sách. Các Ngài nói hoang đường như thế, ai muốn tin thì tin. Sau là Ngài Thế Thân, đến thế kỷ thứ 4 Tây Lịch (Ngài Long Thọ là ở thế kỷ thứ 1), Ngài làm một ít bài kệ, sau đó lại có những vị tiếp nối như mười vị luận sư mà tôi không nhớ hết tên, đại khái như Ngài Trần Na, Ngài Hộ Pháp, Ngài Nguyệt Xứng v.v… đi theo Duy thức học đó. Đôi khi các Ngài cũng bất đồng ý kiến với nhau, vì khi đi sâu vào thức ấm thì nó rất mịt mùng vi diệu nên những ý kiến có khi móng tâm sai lạc, còn Đức Phật chỉ nói một phần ít thôi. Sau đó, có Ngài Huyền Trang bên Tàu sang Tây Trúc, Ngài đến đại học Na Lan Đà học với Ngài Giới Hiền về Duy thức, rồi về nước viết cuốn “Thành Duy Thức luận”. Học trò của Ngài là Ngài Khuy Cơ cũng viết về Duy thức. Đó là lịch sử của Duy thức cho chúng ta có khái niệm qua về nó, để nếu quý vị muốn học về Duy thức, thì tìm những cuốn sách đó về đọc trước, sau này có cơ duyên tôi sẽ giảng.
Còn sách chữ tiếng Việt nói về Duy thức rất ít chỉ có một cuốn của hòa thượng Thích Thiện Hoa dịch từ chữ Hán, vì cụ là người tu hành cẩn thận, nên dịch không dám nói một cách phóng khoáng, chỉ dịch theo đúng những bài kệ mà thôi, cụ dịch ba mươi bảy bài kệ của Ngài Thế Thân, dịch cuốn Bát Thức Quy Củ Tụng của Ngài Huyền Trang và cuốn Bách Pháp Minh Môn Luận của Ngài Thế Thân, còn bộ Thành Duy Thức Học thì không có ai dịch cả. Ngoài ra, còn một cuốn sách của Duy thức chúng ta cũng nên đọc của thầy Nhất Hạnh là cuốn “Vấn đề nhận thức trong Duy Thức Học”…
Thực ra, khi học duy thức, không nên quan niệm một cách gò bó và cứng ngắc, vì thức tức là “biến hóa”, duy thức tức là mô tả cái “cây thức biến”, là hoa lá tâm thức, khi đi vào chúng hữu tình thì nở ra cái trí gì, thức gì v.v… Ta phải hình dung một hình ảnh cái cây, vì tất cả đạo Phật dạy rất trừu tượng, nếu không hình dung thành một hình ảnh nào thì rất khó hội nhập được. Nên phải hiểu, mỗi một chúng hữu tình, nhẫn đến một vật vô tri, vô giác đều mọc lên từ chân không như một đóa hoa, nên phải hiểu Đạo Phật là “triết lý của bông hoa”, trông mọi sự, mọi vật thì ta hình dung ra dễ dàng hơn. Giống như một cái cây, một bông hoa mọc lên, đi qua năm lóp sương mù, khởi từ chỗ mịt mùng kia, nơi ở trên chỗ thức ấm, đến chỗ thức ấm thì nhà Phật gọi là “sanh tướng vô minh”, lúc đó một niệm mê mờ bỗng dưng phụt lên, mọc thành một cái cây bắt đầu đi xuống, ở đây gọi là “căn bản vô minh” (gốc) cũng là sanh tướng vô minh. Nhà Phật bao giờ cũng dung theo hình ảnh “cây”, vô minh “gốc” và vô minh ngọn. Vì vậy, cái vô minh gốc đó, phàm phu chúng ta không có cách gì nhìn thấy được, phải có pháp nhãn hay Phật nhãn mới nhìn thấy, ngay các bậc Thanh Văn cũng chưa nhìn thấy được nó, các Ngài chỉ làm bặc được những vô minh thô thôi. Ngài Mã Minh nói, phải là một bậc Đại Bồ Tát ở bậc Đẳng Giác mới nhìn thấy rõ cái vô minh gốc mọc lên từ biển Diệu tâm ấy, rồi ngày càng đi xuống lóp thô kệch hơn. Vì vậy, tôi mới nói phải nối liền với năm ấm là thế, nó mọc từ biên địa bờ mé kia, đi xuống, vào thức thứ tám là thức sơ năng biến, từ thức sơ năng biến trở lên là cái vô minh gốc mà Ngài Mã Minh gọi là Nghiệp tướng, chuyển tướng và hiện tướng. Cái đó, phải là bậc Đẳng Giác mới biết rõ được, tức là có thể nhìn thấy được niệm sanh, còn những bậc ở dưới chỉ nhìn thấy niệm trụ, niệm dị và niệm diệt thôi. Cây tâm thức đó mọc qua thức sơ năng biến xuống hành ấm, kết thành một cái Ngã, tương tự như một gốc cây, sau đó nó mọc thành thân cây (thức thứ sáu), từ thân cây mọc ra năm cành, hoa lá là năm giác quan: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân). Từ hành ấm trở xuống, nó trở thành cái vô minh chi mạt, là một loại vô minh tế có ba lóp, còn vô minh thô thì có sáu lóp biến hiện của nó. Vì thế, chúng ta phải hiểu kỹ ngũ ấm, sau này học mọi thứ khác thì có thể đối chiếu với ngũ ấm đó thì sẽ thấy rõ ràng hơn, đồng thời cũng nên nhớ rằng, trong ngũ ấm ấy, càng đi sâu vào trong càng vi tế, khinh thanh, càng biến hóa và nhiều tự tại lực hơn. Tôi có làm một cái bản đồ về ba cái tế và sáu cái thô đó nhung có lẽ phải để một kỳ giảng khác mới có thể giảng được vì phải nhờ người vẽ lại và copy cho mỗi vị một bản, ta nên đọc trước và suy tu, đến khi giảng thì có thể dễ hiểu hơn.
***
Chúng ta vẫn giảng Hoa Nghiêm, vì những cái này cũng đều là Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa v.v… cũng thế, khi nào chúng ta hiểu Kinh đủ thì khi đọc Kinh nào cũng thấy giống nhau, mà cũng là khác, giống là vì tất cả các Kinh, Phật cũng chỉ dạy có cái Tâm ấy thôi, khác là vì tùy theo từng cuốn Kinh, Ngài dạy theo những lăng kính, những lối nhìn khác nhau mà thôi. Vì vậy, tôi muốn nói truớc những điểm cốt yếu của nhà Phật để quý vị suy nghĩ, sau đó, dần dần khi nói thêm về ngũ ấm thì phải nói đến duy thức, đến tứ cú, đến vô minh gốc, vô minh ngọn v.v… Như vậy, chúng ta mới có thể thấu suốt một phần nào về giáo lý nhà Phật, sau đó ta đọc Kinh nào cũng không còn thấy bỡ ngỡ và vấp nữa.
Nay, xin trở lại phẩm Ma chuớng trong Kinh Lăng Nghiêm.
Những ma chướng ở tầng lớp bên ngoài như ở sắc ấm, thọ ấm, tuởng ấm thì thuộc về phần thô, thường thường là những chủng tử bên trong nôi lên như tham dục, kiêu mạn, hay mong cầu thì sẽ chiêu cảm Thiên Ma ở ngoài vào. Nhưng khi đi vào hai lớp hành ấm và thức ấm thì hành giả đã đi vào bình diện hết sức vi tế rồi. Theo duy thức học nói, ở chỗ thức ấm, sự tri giác (tức là sự nhận thức) của thức ấm ở bình diện vi diệu đó rất lạ lùng, gọi là hiện lượng, tức là nó có thể trực nhận ngay thấy tánh cảnh. Rồi thức ấm chuyển xuống và chia làm 2 phần, tướng phần là cảnh giới bên ngoài và kiến phần là cái chiếu soi năng kiến. Năng kiến lúc đó có một trực nhận hiện lượng thâm sâu mầu nhiệm, biết rõ ngay cảnh giới ấy là gì chứ không phải suy tư, tưởng tượng như ở mức độ phàm phu chúng ta. Lần lần, đi xuống đến hành ấm, là bắt đầu kết thành một cái gút (một cái ngã) ở bình diện này, vẫn còn vi tế hết sức, nhưng bắt đầu nhuốm vọng tình, vọng tưởng nhiều, bắt đầu lệch lạc nên mạt na thức chỉ có một sức nhận thức gọi là phi lượng có nghĩa là lúc nào cũng chỉ nhận thức cái ngã và phi ngã thôi, và sự nhận thức thường lờ mờ lệch lạc, vì luôn luôn chấp ngã. Do đó được gọi là phi lượng là nhận thức lờ mờ tương tợ thôi, không đúng với sự thật mấy đỗi. Xuống thêm một tầng nữa là ý thức thì có tỷ lượng. Nếu ta trở lại ngũ ấm và Ma chướng thì sẽ thấy những ma chướng ở ba bình diện của sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm nó rất thô, nhìn thấy rõ. Lúc đó, nếu hành giả khởi tâm tham dục hay mong cầu, hoặc tâm kiêu mạn, thì tự nhiên sẽ chiêu cảm Thiên Ma tới khiến cho hành giả rơi vào ma chướng, vì phần nhiều những ma chướng đều là vì khởi tâm tham dục vô bờ bến. Nhưng khi vào đến hành ấm thì ma chướng vi tế hơn, lại không có ngoại ma xen vào. Tôi xin dùng một ví dụ cho dễ hiểu: Lúc bấy giờ, hành giả đi vào hành ấm và thức ấm rồi, cũng tương tự như những phi hành gia bay phi thuyền lên không gian, ban đầu, phi thuyền phải vượt qua bầu khí quyển trước, tức là trong sắc ấm, thọ ấm và tưởng ấm. Ra ngoài khí quyển lọt vào không gian, lúc bấy giờ chỉ một ý nghĩ, hành động sai nhỏ cũng làm cho phi thuyền lạc đi rất xa rồi, cũng thế, chỉ cần hành giả có một móng niệm không đúng, nghĩ rằng đây là hữu biên, kia là vô biên, cái này là thường còn, cái kia là đoạn diệt V..V.. cũng có thể lạc vào ma ý rất xa, và hành giả không thể đạt đến Diệu tâm được. Vì vậy càng tu sâu vào tâm thức bao nhiêu mà còn móng một ý niệm thì không thể nhập được cái bản thể bất khả tư nghi được, hoặc sẽ dừng chân tại đó mà không tiến được xa hơn nữa, vì lúc bấy giờ, sức tâm rất nhạy, vi diệu, thần lực rất nhiều.
Bởi vậy, Đức Phật, sau pháp hội Kinh Lăng Nghiêm Ngài bèn đưa chìa khóa về ngũ ấm, mà Ngài chỉ nói rất cô đọng là kiên cố vọng tưởng (sắc ấm), rồi hư minh vọng tưởng (thọ ấm), rồi đến dung thông vọng tưởng (tưởng ấm), rồi đến u uẩn vọng tưởng (hành ấm) rồi cuối cùng đến hư vô vi tế vọng tưởng (thức ấm), càng ngày càng vi tế, khinh thanh, sáng láng, nhiệm mầu và biến hóa.
Cũng như vừa rồi tôi đọc một bài báo, nói rằng, khoa học tuyên bố rằng, họ có thể dùng hai mặt kim cương, ở giữa là một lớp khinh khí (hydrozen), rồi dùng sức ép, ép cái khinh khí ấy giữa hai miếng kim cương kia, khinh khí là một chất nhẹ nhất, mà bị ép trong sức ép khoảng 1 triệu lần hơn sức ép của không khí thì lúc đó, khinh khí biến thành kim khí, trở thành mặt gương sáng soi ghê gớm, như thế chứng tỏ rằng, tất cả cái vô hình sinh ra cái hữu hình. Nhưng khoa học cần phải dùng sức ép, còn trong pháp giới thì đó là sức của nghiệp lực xoay vần mãi tạo thành những cảnh giới và thân căn chúng sanh.
Nay, tôi xin đọc những đoạn Kinh trong phần thức ấm, xin quý vị lắng nghe cho kỹ, vì theo riêng tôi, chỉ cần lắng nghe thôi, mà chưa cần hiểu nhiều, cũng đủ tiêu trừ một số nghiệp chướng rồi.
Kinh: Những ma sự thuộc thức ấm… A Nan, thiện nam tử kia tu pháp Tam Ma Đề, khi hành ấm hết rồi, thì cái then chốt lay động u uẩn chúng sinh ra các loài thế gian…
Giảng: Trong Kinh muốn nói, khi hành ấm đã được tiêu dung, thì hành ấm đó chính là những cơn lốc quang minh u uẩn phụt lên, tạo thành những thân căn chúng sanh và tất cả thế giới. Hành giả lúc bấy giờ đã đi qua những cơn xoáy quang minh đó, thì cái then chốt lay động u uẩn chúng sinh ra các loài thế gian sẽ bị vuợt qua. Có nghĩa là, cái ngã do những cơn lốc quang minh phụt lên và tạo nên những sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm đều được tiêu trừ và hành giả lọt vào biển quang minh không còn những cơn lốc xoáy đó, vào sâu hơn nữa, vào được cái biển quang minh, trong đó không có một vật…
Kinh: Riêng mối vi tế quan hệ sâu xa gây chịu nghiệp báo của ngã thể chúng sanh…
Giảng: Tức là cái nút (ngã) của hành ấm đó đã bị vượt qua.
Kinh: Cảm ứng đều bặt dứt…
Giảng: Những cái “gút” đó, đều bặt các tác động thô, vì thức ấm là hư vô vi tế, gần Niết bàn.
Kinh: Người đó hầu được đại giác ngộ noi bản tính Niết Bàn…
Giảng: Ta thấy trong Kinh nói rất là ẩn mật, “Người đó hầu như được đại giác ngộ nơi bản tính Niết Bàn…” Vì khi hành giả đã lọt được vào thức ấm kia rồi, vào biển quang minh vi diệu ấy rồi, thì thấy không còn cái nút xoáy của ngã nữa, thì tưởng rằng mình đã được giác ngộ nơi bản tính Niết Bàn rồi, nhưng kỳ thực vẫn chưa tới…
Kinh: Như khi gà gáy tan, xem qua phương Đông đã có ánh sáng
Giảng: Hành giả vào thức ấm ấy, thấy lóe lên từ diệu tâm ấy, vì cái thức ấm đó là cái hiện thức (thức bắt đầu hiện tướng), sâu hơn nữa là cái chân thức. Lúc này, hành giả đến chỗ như mặt trời sắp sáng, thấy lóe lên một chút ánh sáng của phương Đông thôi. (Kinh dùng chữ rất cẩn trọng và hay.)
Kinh: Sáu căn rỗng lặng, không còn rong ruổi nữa…
Giảng: Lúc đó, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều rỗng lặng, không còn rong ruổi vào vọng nữa. Rỗng lặng là thế nào? Lấy ví dụ con mắt là một tụ lạc, nơi ra vào của những quang minh, quang minh đi ra chiếu soi sự vật, rồi những hình ảnh đó lại đi vào trong tâm thức, lúc còn phàm tình, khi mắt phóng quang minh đuổi theo sự vật, giao thoa với những quang minh của sự vật, sau lại đuổi theo sự vật đó, nên không gọi là rỗng lặng được mà gọi là phiền não. Nhưng một hành giả tu Như Huyễn Tam Ma Đề, vào đến thức ấm, lúc đó nhìn sự vật không bị dính mắc, hoặc không khởi tâm rong ruổi theo nó thì cái đó gọi là rỗng lặng. Nên Kinh nói “không cỏn rong ruổi nữa” có nghĩa là vẫn liễu tri rành rẽ, nhìn cái bàn biết nó là cái bàn, người nữ, người nam vẫn biết họ là, nam v.v… nhưng không khởi tâm yêu thích, ghét, buồn, vui, lo sợ v.v…
Tôi xin nói thêm cho rõ nghĩa, cái mắt nhìn hình sắc, không rong ruổi nữa, cái tai nghe âm thanh không chạy theo tiếng, không cho cái đó là hay hoặc dở, lưỡi và mũi cũng thế, đến ý thức thì lúc đó sẽ đến mức độ nhớ quên như một, ý thức của chúng ta là khi thích hoặc ghét cái gì thì nhớ đến cái đó, nhưng vì nhớ cái đó mà quên đi cái kia, như mặt gương lồi lõm, chỗ lồi thì nó chiếu soi phía đó nhiều, mà lại chiếu soi một cách rất sai lệch và cong queo, nên chỉ nhớ có một mặt, còn mặt kia thì quên mất. Còn trong trường họp này, khi ý thức rỗng lặng, nó như mặt gương sáng phản chiếu tất cả mọi thứ mà không nhớ quên cái nào, vì vậy mới gọi là “nhớ quên như một”, không nhớ cái gì tức là tâm không trụ vào đó, không thích nó, còn không quên là vì không ghét cái đó, nên cũng không trụ vào nó, vì không trụ, nên nhớ quên như một.
Phật tử (góp ý): Thưa ông, một vài lần xả thiền, tôi cũng có được mức độ tâm thức ấy, tôi xin tả lại trạng thái đó là, có lần, sau một thời công phu thiền định, đến khi mở mắt ra, thấy tất cả đều như vậy, mà không khởi một tâm niệm ý thức rằng, đây là cái bàn, kia là cái ghế, màu sắc đẹp hay xấu, thích hay ghét v.v… tức là một tâm thức hồn nhiên nhìn tất cả không vọng động. Nếu lúc đó mà nhập thất khoảng năm, bảy ngày thì tâm thức đó có thế kéo dài được lâu hơn, rất tiếc, tôi chỉ có được trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi lại hết.
Đáp : Trường hợp của bác cũng là một trạng thái tốt đấy. Nhưng theo tôi nghĩ thì đó chưa phải đến tầng mức tâm thức rỗng lặng, nhớ quên như một như trạng thái trong Kinh tả đâu, Bác thử cố gắng một thời gian nữa xem sao.
Kinh: Trong và ngoài đều lặng sáng, vào được tính vô sở nhập…
Giảng: Tức là trong và ngoài đều yên lặng, sáng soi, không còn có cái gì để nhập hay xuất nữa, tức là không bám vào cái gì, không kết với cái gì, cũng không nhớ, hay quên một cái gì.
Kinh: Thấu suốt nguyên do thọ sinh của mưòi loài mười phưong, xét rõ nguyên nhân do chấp trước gây nên, các loài không thể hấp dẫn được…
Giảng: Lúc đó, hành giả khi vào được đến thức ấm, nhìn thấu suốt được nguyên do thọ sinh của mười loài chúng sanh mười phương, xét được thấy nguyên nhân chính là do chấp trước gây nên. Tất cả các loài chúng sanh phải thọ sanh đều là do sự chấp trước tạo nên mà ra cả, chấp trước là do những vọng tưởng, vọng tình như yêu, ghét, mừng, giận, lo buồn v.v… “Các loài chúng sanh không thể hấp dẫn được… ” Khi hành giả vào đến thức ấm, nhìn rõ tất cả các loài chúng sanh đều do chấp trước do những vọng tình, vọng tưởng gây nên, thì lúc bấy giờ không còn có một cái gì có thể hấp dẫn được vị đó phải đi thọ sanh.
Kinh: Nơi thập phương thế giói đã nhận đưực tính đồng…
Giảng: “Tính đồng” là biển quang minh của thức ấm, vì đã vượt qua được cái nút của ngã chấp rồi, thấy rằng tất cả pháp giới đều chỉ là quang minh, mà những quang minh này hư vô vi tế, những quang minh đó (theo thiển ý của tôi) bắt đầu chuyển theo đường vòng trôn ốc.
Kinh: tính tinh vi ấy còn tồn tại, phát hiện một cách bí ẩn. Ấy thì gọi là phạm vi của thức ấm.
Giảng: “Tính tinh vi” tức là những quang minh hiện thức (ngôn từ của Kinh Lăng Già). Trong Kinh Lăng Già dùng nhiều chữ rất hay, khi nói về Diệu tâm thì Kinh gọi là Chân thức, khi có vô minh khởi lên thì trong Diệu tâm ấy hiện tướng thành thức sơ năng biến, khi xuống đến mạt-na-thức, là chỗ chấp ngã thì gọi là Chuyển thức, xuống đến ý thức thì gọi là Phân biệt thức. “Tính tinh vi ấy còn tồn tại… ”, tức là những quang minh của hiện thức vừa mới phát hiện từ biển Tâm, phát hiện ra một cách bí ẩn rất vi tế, chưa làm phát hiện hành ấm u uẩn…
Kinh: Nên trong tính đồng đã chứng được của các loài…
Giảng: Tất cả các loài chúng sanh đều từ trong biển quang minh đó mà rả cả, nên chúng đều cùng một tính.
Kinh: Huân tập, tiêu hóa sáu căn…
Giảng: Tu ngược vào đến đây, hành giả không còn theo đuổi sáu trần nữa, gắng tu tập để tiêu dung sáu căn, khiến cho sáu căn hỗ tương lẫn nhau, có thể dùng tai để nhìn, tay để nghe, mắt để ngửi v.v…
Kinh: Làm cho khi hợp, khi chia được tự tại, cái thấy, cái nghe thông nhau, tác dụng thanh tịnh thay thế lẫn nhau, thập phương thế giới với lại thân tâm đều như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, thế gọi là hết thức ấm. Ngưòi đó mới vượt khỏi mạng trược, xét lại nguyên do cội gốc là vọng tưởng điên đảo, huyễn hóa rỗng không.
Giảng: Trong Kinh Lăng Nghiêm, đoạn của Ngài Quán Thế Âm nói về nhĩ căn viên thông có nói, lúc bấy giờ thân tâm thành một khối “bảo giác viên dung”, có thể dùng cái thân tâm đó làm bất cứ cái gì cũng được. “Làm cho khi họp, khi chia được tự tại…” Khi chúng ta có nhục thân này, những cảm giác mà chúng ta có thể cảm thấy được chỉ là do ở sự xúc chạm (họp) mà thôi, khi bị tách ra thì cảm giác không còn. Thí dụ như khoác một chiếc áo ấm lên người thì ta sẽ có cảm giác ấm hoặc nóng tùy theo thời tiết bên ngoài, khi cái áo được cởi ra thì những cảm giác không còn nữa. Một hành giả tu lên đến mức độ này thì cảm giác của thọ ấm không cần phải hợp và ly nữa mà vẫn có thể có được những cảm giác mà không bị chấp vào đó. “Cái thấy, cái nghe thông nhau… ”, cũng vậy, không cần phải dùng mắt hay tai mới có thể nghe hoặc thấy được, mà có thể dùng bất cứ cái gì cũng có thể thấy nghe được. Nói thì có vẻ hoang đường, nhưng chính sự thực nó là như vậy. ‘”Tác dụng thanh tịnh thay thế lẫn nhau…”, lúc đó sáu căn đều thanh tịnh, nên tác dụng của nó cũng thanh tịnh, có thể dùng thay thế lẫn nhau, tức là mắt có thể nghe, tai có thể thấy v.v… Tới mức này thì cả thập phương thế giới cùng với thân tâm đều như ngọc lưu ly trong suốt, lúc này hành giả thấy mình và pháp giới gần như là Một. Khi ấy, sáu căn có thể hỗ tương lẫn nhau, cả thân tâm và pháp giới là một bảo giác viên dung, và là khối chân thức. Đó là hết thức ấm, vượt qua được biển hiện thức để bắt đầu đi vào biển chân thức. Gọi là vượt khỏi mạng trược, nó chính là vô minh cỗi gốc.
Hỏi: Nếu nói về sáu căn hỗ tương, thì trường hợp khi phàm phu chúng ta nghe một tiếng nào đó từ lâu xa xưa từ 10, 15 năm trước, nay trong cái thấy của ta một đôi khi vẫn còn nghe văng vẳng cái tiếng ấy. Thì cái đó có phải thấy và nghe như nhau không!
Đáp: Nó cũng như nhau, nhưng cũng khác. Khác là vì ngày xưa ông nghe là do những âm vang phía ngoài vọng lên, đưa vào màng nhĩ, rồi chuyển lên ý thức và nhận ra tiếng. Nhưng bây giờ, âm thanh đó ở ngoài không còn vang nữa mà chỉ còn nghe được cái “Lạc tạ ảnh tử” ở trong tâm thức thôi, đó là cái tiền trần rơi rớt lại trong thức tâm mà ra, cái đó là nghe bằng ký ức, nên vai trò của ý thức là dùng ký ức để làm nổi lên trong tâm thức nên mới nghe được tiếng ấy.
Hỏi: Nhưng tôi có dụng tâm để nghe lại tiếng ấy đâu, vậy mà thỉnh thoảng vẫn nghe oang oang rất rõ, mà kỳ thực bên ngoài không hề có ẩm thanh ấy. Tại sao vậy?
Đáp: Nếu không dụng tâm thì ý thức không làm việc, nhưng vô thức lại làm việc, thành ra không có tác động của ý thức, tuy nhiên vì vô thức vẫn làm việc nên vẫn nghe được tiếng vang ấy. Lấy một thí dụ cho dễ hiểu, khi ta gặp một người bạn, ta nghe họ nói chuyện, cười đùa vui vẻ, rồi sau đó không gặp lại nhau nữa, bẵng đi 10, 25 năm, ta cũng không hề nhớ lại tiếng nói, cười của người ấy, thì cái âm thanh nói cười ấy nó sẽ đi đâu? Nó sẽ rơi vào trong vô thức của ta (thức thứ tám), nó nằm ở đấy, tạo thành một chủng tử, nhưng nó lại không nằm một cách ù lì bất động trong đó, mà nó vẫn âm thầm biến chuyển, huân tập, nó không mất đi hay hao mòn đi. Rồi một hôm, hốt nhiên dù không dụng tâm nghĩ đến họ, nhưng do nhân duyên chín mùi, lại nổi lên bình diện của ý thức, nên trong tâm tự nhiên ta nghe được âm thanh đó, dù rằng không có sự dụng tâm của ý thức móc lên chủng tử trong tàng thức.
Hỏi: Trường hợp này có được gọi là “thấy nghe như một không?”
Đáp: Không thể coi là thấy nghe như một được. Vì trường hợp này hoàn toàn khác, đó là sự làm việc của ý thức (thức thứ bảy), và tàng thức (thức thứ tám). Cỏn một hành giả tu cao lên đến mức vào đến thức ấm, thì cả sáu căn đều dung thông, hỗ tương lẫn nhau, không lưu ngại, không phải dùng ý thức để câu vớt những chủng tử từ tàng thức, cũng không cần đến vô thức đưa các chủng tử lên bình diện ý thức nữa, lúc đó tâm thức trong sáng nhiệm mầu như một tấm gương soi, ảnh hiện tất cả pháp giới, mắt không cần dùng chỉ để nhìn, tai không chỉ để nghe, mũi không chỉ để ngửi v.v… mà tất cả pháp giới đều ảnh hiện trong đó như nhìn thấy cung trời, chư Thiên ca múa v.v.
Hỏi: Như vậy thì cái thấy đó là bằng tưởng tượng mà ra?
Đáp: Không phải là tưởng tượng, vì tưởng tượng là tuy không thấy gì cả, chỉ dùng ý thức, cộng thêm một chút kinh nghiệm vẽ vời ra cảnh trời, cảnh chư Thiên. Còn nói về hồi tưởng thì trong trường hợp của ông hỏi, tức nhiên là đã có kinh nghiệm về tiếng vang ấy rồi, cách đi một thời gian, hồi tưởng lại, thì trong tâm thức hiện lên cái lạc tạ ảnh tử từ trong tàng thức nổi lên… Còn người tu hành hơn chúng ta ở chỗ vào ngay được vô thức ấy rồi, không cần phải câu một hình ảnh hay âm thanh nào lên cả, nên muốn nghe tất cả cái gì cũng đều hiện tiền, ứng hiện lập tức, hoặc nghe chư Phật thuyết pháp Hoa Nghiêm thì cũng nghe thấy được, hoặc muốn nhìn thấy Đức Phật thuyết pháp trong pháp hội Linh Sơn thì cũng nhìn thấy lập tức. Nhưng những cái nghe, cái nhìn của hành giả không cần phải dùng con mắt, hay cái tai, mà có thể nhìn bằng tâm thức. Vì kinh dạy: “Thập phương thế giới với thân tâm đều như ngọc lưu ly”. Có nghĩa rằng tâm thức và thế giới đồng như nhập một, nên cái thấy, nghe, hay, biết đều dung thông, hỗ tương lẫn nhau…
Kinh: A Nan, nên biết thiện nam tử đó đã xét cùng tính không của các hành…
Giảng: “Xét cùng tính không của các hành…” là xét đến tận cùng của các cái xoáy, gút của những cái flash phụt lên, những tia chớp nhoáng đó đều do nghiệp lực và đều là không cả…
Kinh: Trở về bản tính của Thức…
Giảng: Tức vào được đến thức ấm
Kinh: Đã diệt được sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt…
Giảng: Hành ấm là chỗ u uẩn của sinh diệt, nó phụt lên những tia chớp nhoáng, rồi tắt đi ngay, khi nó phụt lên thì gọi là “sinh” còn khi nó tắt đi thì gọi là “diệt” nó là chỗ xứ sở của sinh-diệt. Còn ở tưởng ấm (thức thứ sáu là xứ sở của cái nhớ và cái quên, và thọ ấm là xứ sở của cái hợp và ly, sắc ấm là xứ sở của sắc và không (Kinh Lăng Nghiêm). Khi một hành giả vượt qua được sắc ấm, thì sẽ vượt qua được ý niệm nhị biên về sắc không (duality), vào đến thọ ấm thì vượt qua được cái họp và ly, vì thọ ấm tức là gì? Khi một vật nào chạm vào thân căn chúng ta thì chúng ta sẽ có cảm giác, khi nào nó rời ra thì không còn thấy cảm giác nữa. Đó là thọ ấm, xứ sở của cái họp là cái ly, dụ như khi gặp một người thì ta lại khởi tâm thương, ghét v.v… cỏn tưởng ấm là xứ sở của cái nhớ và cái quên, như ý thức khởi lên một cái gì thì nó nhớ đến cái đó, sau nó khởi lên một cái khác thì nó lại quên cái trước để nhớ đến cái sau. Còn hành ấm thì nó là những cái nút hào quang phụt lên thì nó là sanh, chúng sinh tưởng nó là sanh nhưng chính nó cũng chẳng thực sanh, đến khi nó tắt đi thì gọi là diệt, nhưng chính thật nó cũng không có thực diệt, dụ như một người nhìn chăm chăm vào hư không, được một lúc mắt mỏi mệt thì thấy có hoa đốm hiện lên giữa hư không, thì gọi là hoa đốm sanh, đến khi không dụng tâm nữa thì không còn thấy hoa đốm nữa bèn gọi là hoa đốm diệt, kỳ thực nó không sanh không diệt. Lên đến thức ấm thì vi diệu vô cùng, nó là xứ sở của cái đứng lặng nhập vào cái đứng lặng. Đó là theo trong Kinh Lăng Nghiêm dạy thế, khi Ngài A nan hỏi cái ngằn mé của các ấm là gì, thì Đức Phật trả lời: Này A Nan, Sắc-Không là ngằn mé của sắc ấm. Nhớ-quên là ngăn mé của Tưởng ấm. Sanh-diệt là ngăn mé của Hành ấm, còn đứng lặng nhập vào cái đứng lặng là ngằn mé của Thức ấm. Ta cũng cần nên giải thích thêm câu cuối cùng này: Đứng lặng nhập vào cái đứng lặng là gì? Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy trong thức ấm có kiến đại và thức đại, cái thức đại nó đã đứng lặng rồi, nhưng nó còn phải nhập vào cái đứng lặng sâu hon nữa là cái kiến đại. Vì vậy, Kinh Lăng Nghiêm rất khó hiểu vì chỉ toàn nói đến những cái trừu tượng, mà ý thức chúng ta chưa thể mường tượng nổi.
Kinh: Đã xét cùng tính không của các hành, trở về bản tính của thức, đã diệt được sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt…
Giảng: Tuy rằng hành giả đã diệt được cái sinh diệt trong hành ấm rồi, mà đó là cái tạo ra chúng sanh, nhưng đến đây, chưa phải là chỗ tinh diệu của tịch diệt, chưa tới chỗ chân như nhiệm mầu đâu, chỉ mới chớm vào thức ấm mà thôi.
Kinh: Người đó có thể khiến noi thân mình các căn khác nhau khỉ hợp khỉ chia và thông suốt vói sự hay biết các loài thập phưong; cái hay biết đó thông suốt vẳng lặng, có thể vào tính bản viên…
Giảng: Ngài muốn nói rằng, khi một hành giả vào đến thức ấm rồi, thì có thể vào được tính bản viên, tức là có thể vào đến chân thức và chân tâm đó, nhưng chỉ mới chớm vào thôi nếu khởi tâm cho rằng “việc làm đã xong” rồi thì đó là rất lầm lạc. Tức là Ngài muốn dạy cho ngoại đạo biết như thế, vì phần đông ngoại đạo vào được đến đây rồi thì dừng chân, cho là đã đến bến, việc làm hoàn mãn thì chưa phải. Là dừng quá sớm.
Kinh: Nếu nơi chỗ quay về, lại lập ra cái nhân chân thường, và quyết định như thế là đúng, thì ngưòi đó sa vào cái chấp “nhân sở nhân”, trở thành bạn bè của bọn Sa-Tỳ-Ca-La chấp có Minh Đế, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ nhất, lập cái tâm sở đắc, thành cái quả sử quy, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn sinh ra giống ngoại đạo.
Giảng: Khi hành giả vào được đến thức ấm rồi mà tưởng đó là nhân chân thường, và quyết định như thế là đúng, khư khư cho rằng đã đến bến rồi, thì người đó sa vào cái chấp “nhân sở nhân”, tức là không phải nhân chân thường mà cho rằng nhân chân thường, lúc đó trở thành bạn bè của bọn Sa-Tỳ-Ca-La ngoại đạo, chấp là có Minh Đế. Vì lúc đó hành giả chấp thức ấm đó chính là cái Minh Đế tạo ra pháp giới này nên rơi vào ngoại đạo. Tóm lại, Phật muốn dạy ngoại đạo rằng đừng dừng chân ở đó, phải đi sâu hơn nữa, vì đó chưa phải là cái rốt ráo tối thượng đâu, chưa phải là Bồ Đề. Trong những ma chướng của thức ấm thì có thể dễ hiểu hơn hành ấm, không có cái vụ hữu biên, vô biên, mà chỉ là lầm rằng tưởng đã đến bến rồi.
Kinh: A Nan, lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt…
Giảng: Đó là chưa tới Niết Bàn, chưa đến chỗ Chân thức và Diệu thức…
Kinh: Nếu nơi tính đã nhập đưực lại ôm làm tự thể của mình…
Giảng: Trường hợp ở trên thì nghĩ rằng “cái đó” sinh ra vạn vật, nên đặt một danh ngôn là Minh Đế hay Thượng Đế, hoặc là Phạm Thiên, còn trong trường hợp này lại cho rằng cái đó chính là tự thể của mình mà không có gì khác ngoài thức ấm, nên nghĩ rằng, cái tự thể đó nó sinh ra tất cả mọi loài, và mình chính là Phạm Thiên đây. Đó là lầm lẫn.
Kinh: Cho rằng tất cả chúng sanh trong mười hai loài, cùng tột hư không đều tự trong thân mình phát sinh ra và quyết đinh như thế là đúng, thì người đó sa vào cái chấp “năng phi năng”, thành bạn bè của bọn Ma-Hê-Thủ-La, hiện ra thân vô biên, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ hai, lập cái tâm năng vi, thành cái quả năng sự, trái xa tính viên thông, đi ngưực đạo Niết Bàn, sinh ra giống Đại Mạn Thiên, chấp cái ta cùng khắp viên mãn…
Giảng: “Năng phi năng” tức là gì? Hành giả lầm vì cái này không có thể có khả năng làm ra được cái kia, mà lại nghĩ rằng nó có thể làm được ra cái kia. Có nghĩa là thực ra mình không sanh ra muôn loài, vì nó không năng, nhưng lại cho rằng nó có năng, tức là nó có khả năng làm được như nhóm ngoại đạo của Ma-Hê-Thủ-La, cho rằng, mình chính là Thượng Đế sanh ra các loài khác. Có nghĩa là mình không thể làm được điều đó mà lại tự cho rằng mình có thể làm được (sinh ra muôn loài) thì gọi là “năng phi năng”, rơi vào một giống “Đại Mạn Thiên” rất ngã mạn, chấp thấy chính mình ở cùng khắp viên mãn.
Kinh: Lại này thiện nam tử kia xét cùng tính không các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nên trong lúc quay về thấy có chỗ sở quy, lại tự nghĩ thân tâm mình từ chỗ kia sinh ra và cả thập phương hư không cũng đều do chỗ kia sinh ra, rồi tức noi cái chỗ sinh ra tất cả đó, nhận là cái thể Chân-Thường không sinh diệt. Như thế là ở trong sinh diệt sớm chấp là thường trụ, chẳng những lầm tính bất sinh mà cũng mê tính sinh diệt, an trụ trong mê lầm trầm trọng, mà quyết định là đúng, thì người ấy sa vào cái chấp “thường phi thường”, thành bè bạn của những kẻ chấp có Tự Tại Thiên, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ ba, lập cái tâm nhân y, thành cái quả vọng kế, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sinh ra giống Đảo-viên.
Giảng: Mấy trường hợp trên thì nhận lầm cái đó là Minh Đế chính là mình, còn đây thì nhận rằng chỗ đó chính là chỗ sở quy của mình, và muôn vật đều về chỗ đó (thức ấm), rồi cho rằng chân thường, nhận là cái thể chân thường không sinh diệt. Đại khái là như vậy, tức là hành giả vẫn quanh quẩn lầm lẫn trong thức ấm, thì hành giả sẽ sa vào cái chấp gọi là “thường phi thường”, chính cái đó vẫn chưa phải là thường, nó vẫn phi thường, vì thức ấm chưa phải là chân thức, nhưng hành giả lại cho đó là thường, nên gọi là “thường phi thường”.
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu nơi chỗ hay biết, nhân sự hay biết cùng khắp mà lập ra cái nhận thức rằng: cỏ cây thập phưong đều gọi là hữu tình, cùng ngưòi không khác, rằng cỏ cây làm người, người chết rồi trở lại thành cỏ cây thập phương. Nơi cái hay-biết-cùng-khắp, không có lựa chọn, và quyết định như thế là đúng, thì ngưòi ấy sa vào cái chấp “tri vô tri”, thành bạn bè của bọn Trà-Ba, Tiển-Ni, chấp tất cả đều có hay biết, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ tư, chấp cái tâm viên tri, thành cái quả sai lầm, trái xa tính viên thông, đi ngưực đạo Niết Bàn, sinh ra giống “Đảo tri”.
Giảng: Trong trường hợp này, hành giả đi vào thức ấm, thấy thức ấm ấy gần như Giác tánh, tất cả đều hay-biết, không có một mảnh thức ấm nào mà không có sự hay-biết, ngay cả hòn đá, cỏ cây và tất cả các loài hữu tình đều có tính hay-biết ấy. Nhưng cái hay-biết của cỏ cây (loài phi tình thần thức) khác với cái hay- biết của chúng ta (loài hữu tình thần thức) ở chỗ là thức giác của các loài vô tình thần thức của nó còn rất thô sơ, chỉ có sự hay-biết một chút xíu thôi, mà không có những suy tư và những vọng tình, vọng tưởng như chúng ta. Vì thức giác của chúng rất thô sơ nên trong Kinh mới gọi là “phi tình thần thức”. Ta cũng nên nhớ rằng, cỏ cây cũng có những thức giác thô sơ của nó, như nó biết hướng ra phía mặt trời, hay kim khí, nếu bị nung đỏ và nhúng vào nước nhiều lần thì trong sách vật lý học nhận rằng, cái kim khí đó cũng như bị mệt mỏi, như vậy có nghĩa rằng nó cũng có xúc giác của chính nó, nhưng ta phải biết phân biệt giữa các loài phi tình thần thức và hữu tình thần thức ở chỗ đó. Nhưng nếu hành giả trong trường họp trên, khi vào đến thức ấm thì như say như mê, thấy tất cả pháp giới lung linh kỳ diệu quá, tất cả đều là giác tính, cái gì cũng đều hay-biết rất mầu nhiệm, nên nhận lầm rằng tất cả pháp giới đều có hay biết ngang nhau. Rồi khởi ma ý cho rằng, người khi chết, sẽ trở lại thành cỏ cây, rồi cỏ cây khi chết có thể trở lại thành người. Mà không nghĩ rằng, cỏ cây kia nó cũng có giác tính của nó, có sự khác biệt là đó, chỉ là một thức giác mới nở thô sơ, cái thức giác ấy phải lần lần đi lên, như hòn đá là thấp nhất, lần đi lên đến cỏ cây, rồi đến các loài sinh vật thấp như các loài bò sát, rồi lần lần mới lên đến súc sinh, rồi người v.v… Còn trong trường hợp này, hành giả kết luận rằng, tất cả đều có giác tánh, nên có thể đầu thai lung tung, nên Phật dạy đó là rơi vào cái kiến chấp “đảo tri”.
Hỏi: Tôi có đọc một quyến sách nói rằng, từ cỏ cây, có thể biến thành động vật. Vậy thì, điều đó có thật hay không?
Đáp: Có chứ! Thí dụ như lá cây nó có thể hóa thành những con côn trùng rất thô sơ, như con đom đóm là do cỏ mà ra, gọi là “thấp hóa”. Cây cỏ đến một mức độ nào đó, với một điều kiện và thời tiết chín mùi thì nó có thể trở thành một loài sinh vật thấp hóa. Hoặc trong các sách Việt Nam nói rằng, con chuột đồng đến một lúc nào đó, nó có thể hóa thành một loại chim rẽ, những trường họp đó thì phần đông chúng ta không được nhìn thấy tận mắt, nhưng thiên hạ đồn như thế. Trong Pháp giới, sự chuyển hóa của muôn loài theo từng bậc leo thang dần lên cao. Một thí dụ khác, nếu quý vị có dịp đi vào những sở cá, hoặc lên Sea World ở San Diego, có những loài rong biển đang trên đà chuyển hóa, nó đang biến dạng nửa như cây, nửa như cá, nó vẫn đứng một chỗ vì nó là cây, nhưng nó lại rất linh động, ngọ nguậy để bắt những con cá lạc vào làm thức ăn cho nó. Pháp giới chập chùng như vậy.
Hỏi: Tôi có nghe người ta nói, con lươn chính là từ một loại rễ cây nào đó biến thành?
Đáp: Có thể lắm, Pháp giới này biến hóa một cách lạ lùng, chúng ta vì không có thiên nhãn nên không nhìn thấy được sự biến hóa của nó. Trong tạo vật, có sự tiệm tiến, đến một lúc nào thì nó trở thành đột biến, thí dụ như nhà khoa học Darwin đưa ra một thuyết “tranh đấu sinh tồn”, thế nhưng có những nhà khoa học chỉ nói đến những thuyết đột biến thôi, hoặc có những vị chỉ nói đến những thuyết tiệm tiến thôi. Nhưng thật ra, nó có những giai đoạn tiệm tiến trước, đến một lúc nào thì nó sẽ đến giai đoạn đột biến, chẳng hạn như con tầm hóa bướm, hay con ve sầu từ con sâu mà ra v.v… Nhưng khoa học chỉ nhìn thấy bề mặt của Pháp giới này mà thôi.
Hỏi: Nhưng nếu một vật mà hóa dần lên thành người thì chắc là lâu lắm nhỉ?
Đáp: Đúng vậy, cuộc hành trình để trở thành một thân căn như con người rất dài xa, vì phải qua làm súc sanh, chó, mèo v…. và sự biến hóa phải đi từ kiếp này sang kiếp khác, thường là vô lượng kiếp… Nhưng những con thú vật, cần nhất phải sống gần người, được tắm trong ba động tâm thức của người nhiều thì mới có thể lần thác sinh làm người được, cộng thêm những nghiệp duyên cũ, cho nên trong giáo lý nhà Phật, không thể khẳng định dứt khoát cái gì được, vì nhân quả trùng trùng, nên Pháp giới cũng trùng trùng biến hiện. Nhưng các nhà khoa học lại không biết được điều đó, sau khi nghiên cứu vài chục năm, lại cho rằng con người là sự tiến hóa của loài khỉ, nếu nói dứt khoát như thế thì không nhằm lý, nghiệp duyên tích lũy lâu đời mới chuyển hóa được. Để khi nào có dịp, tôi sẽ đọc một đoạn Kinh cho quý vị nghe Phật dạy, người như thế nào là vừa từ giống súc sinh lên, thế nào là ở chư Thiên xuống, thế nào là ở ngã quỷ ra v.v. Thí dụ, như trong nhà ta có nuôi một con chó, sống với ta được 14, 20 năm, đến khi sắp chết, nó đi ngửi chân từng người mà nước mắt cứ tuôn rơi, thì con chó đó có nhiều phần kiếp sau sẽ được thọ sanh làm người. Vì sao? Vì nó đã tắm trong quang minh ba động của loài người lâu quá rồi, chút trí huệ, không còn ngu si thuần túy nữa.
Trở lại trong đoạn Kinh Lăng Nghiêm, hành giả khi vào thức ấm, thấy tất cả mọi sự, mọi vật đều là giác tính, tất cả đều bình đẳng, nên lầm nghĩ khi người chết cũng có thể trở thành cỏ cây, gỗ đá. Điều này thường là sai, vì loài người có ba động tâm thức quá vi diệu rồi, phải do một cơ duyên mù mịt u mê mạnh mẽ lắm mới có thể tụt xuống thành loài sâu bọ được. Còn tất cả nếu tu ngược dòng đi lên, hoặc thuận dòng đi xuống theo chiều của nghiệp lực đều phải theo luật tắc biến hóa của pháp giới bằng con đường vòng xoáy trôn ốc, mà không thể bất thình lình nhảy ngang được. Tỷ dụ như khi gần chết, một người phải khởi tâm tham ăn, hay khởi tâm tham dục, sân hận ghê gớm lắm thì mới có thể tạo được cái sức phụt để phải bị đọa xuống. Xong vẫn có thể xảy ra…
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nên trong lúc đã được tùy thuận tính viên dung của các căn dùng thay lẫn nhau, lại nơi tính viên dung biến hóa phát sinh, cầu cái ánh sáng của Hỏa đại, ưa cái thanh tịnh của Thủy đại, yêu cái chu lưu của Phong đại, xét cái thành tựu của Địa đại, rồi sùng phụng mỗi mỗi cái, nhận những tứ đại kia là bản nhân và lập nó làm tính thường trụ, thì người đó sa vào cái chấp “sinh vô sinh”, thành bè bạn của bọn Ca Diếp Ba và bọn Bà La Môn, đem hết thân tâm thờ Lửa, thờ Nước để cầu ra khỏi sống chết, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ năm, chấp trước phụng thờ, mê tâm theo vật, lập cái nhân hư vọng, để mong cầu cái quả giả dối, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn sinh ra giống điên hóa
Giảng: Trường hợp này cũng dễ hiểu, nhưng tôi vẫn thường lấy làm lạ rằng, các Ngài tu hành đến mức độ này làm sao có thể lầm lộn được nhỉ? Các Ngài đã vượt qua sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm để vào thức ấm vi diệu này, tức là đã vượt được địa, thủy, hỏa, phong, sáu căn đã rỗng lặng rồi mà không hiểu sao lại còn phát những ma ý như thế? Nghĩ rằng, hỏa này, thủy này, địa này và phong này là chân thường được? Rồi lại quay ra thờ những thứ ấy, cho rằng đó là căn nguyên phát sinh ra vũ trụ. Đủ biết rằng, tâm chúng ta thật muôn hình vạn trạng, trùng trùng, điệp điệp không thể dứt được, nên trong tâm sinh ra nuối tiếc các đại (địa, thủy, hỏa, phong) rồi quay lại thờ những thứ ấy. Ấy là đi ngược lại đạo Niết Bàn, sinh ra giống Điên Hóa. Ở đây, chúng ta chỉ biết nương theo lời Kinh thôi, và tín giải chút ít, chứ không thể giảng rõ được, chỉ trừ khi thân chứng, tâm chứng mới hiểu rõ ý Phật muốn nói mà thôi.
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nên nơi cảnh viên minh, chấp cái rỗng trổng trong viên minh, bác bỏ tiêu diệt các sự vật biến hóa, lấy cái tính diệt hắn làm chỗ quy y của mình và quyết định như thế là đúng, thì người đó sa vào cái chấp “quy vô quy “thành bạn bè của bọn chấp không trong vô tưởng thiên, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ sáu, viên thành cái tâm hư vô, lập ra cái quả không vọng, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sinh ra giống đoạn diệt.
Giảng: Hành giả khi tu hành vào đến thức ấm rồi, vì chưa viên mãn tính Bồ Đề, lúc đó lại móng nghĩ rằng thức ấm này cũng rỗng không, đưa đến chỗ tất cả đều cho là đoạn diệt. Thì lúc đó lại sa vào cái chấp “quy vô quy”, tức là thức ấm ấy chưa đến chỗ sở quy, lại cho rằng đã đến chỗ quy rồi, lại chấp nó chỉ là hư vô thôi, nên rơi vào loại ngoại đạo chấp đoạn diệt.
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt. Neu noi tính viên thường, củng cổ cái thân cho thường trụ như tính ấy mãi không suy mất và quyết định như thế là đúng, thì người ấy sa vào cái chấp “tham phi tham”, thành bè bạn của bọn A-Tư-Đà, cầu được trường sinh, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ bảy, chấp trước cái mạng căn, lập cái nhân củng cổ vọng thân, đi đến cái quả kéo dài sự nhọc nhằn, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sinh ra giống Vọng Diên.
Giảng: Trường họp này là hành giả lạc vào con đường tu tiên. Đọc đoạn Kinh này chúng ta có thể hiểu được hai đoạn Kinh trước một cách rõ hơn, là vì khi hành giả đã vào được thức ấm rồi, nhưng có lẽ những tập khí cũ hốt nhiên trở lại, đâm nuối tiếc cái say đắm ngũ dục, nuối tiếc cái trần gian nữa sanh, nữa diệt kỳ ảo này. Chúng ta chưa đi đến mức độ tâm thức đó nên không hiểu, cảm thấy như buồn cười và vô lý, nhưng vì đến mức độ này vẫn còn trong vòng hoạt động của Ma Vương, nhưng rất vi tế, chỉ hiện lên bằng những ma ý mà thôi, nên lúc này, hành giả nảy lên nhiều móng ý một cách lạ lùng, tâm bị nén ép lâu ngày nên bị bung lên. Kinh bảo rằng, “đó là vì do công dung giao xen…” tức ỉà hành giả quán chiếu đe tiêu dung tất cả đi vào không, nên có thể tâm thức bị phản ứng như thế, như cây súng sau khi nhả đạn bị giật trở lại một chút, thì tâm thức cũng vậy, nếu biết thì không sao, nhưng nếu không cảnh giác thì làm mất tính Bồ Đề của Phật, rơi vào hàng ngoại đạo. Khi hành giả tiêu dung từ cái sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, vào đến thức ấm, nhưng vì chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt, tức là chưa viên mãn đến tột cùng của thức ấm đó, thì lúc đó tự nhiên bị phản ứng ngược. Lúc đó, lại nghĩ đến cái xác thân này, muốn khởi tâm củng cố mạng căn, không muốn bỏ nữa, không muốn nó suy tàn mất, rồi quyết định như thế là đúng thì hành giả sa vào cái chấp “tham phi tham”, thành bè bạn của bọn A-Tư-Đà, cầu mong được trường sinh, do đó nên sinh ra giống Vọng Diên (Diên là kéo dài, vọng là điên đảo, không đúng. Kéo dài cái vọng tưởng về chính cái thân mình). Chỗ này, có lẽ hành giả vì công dụng giao xen quá đỗi nên bị lật ngược lại, đáng lẽ phải nhớ lời Phật dạy, phải cầu cái “thân không thân”. Nhưng vì chưa vượt được tập khí cũ, thấy chỗ cũ đã mất, chỗ mới chưa có nên đâm nuối tiếc những gì đã mất, nảy sinh ra những tà kiến như thế. Vì vậy xoay qua củng cố thân mình, kéo dài thọ mạng đến vài ngàn năm, nên bị mắc vào cái bệnh “tham phi tham”, tức là tham cái không đáng tham.
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn cho tinh diệu của tịch diệt, xét chỗ các mạng thông lẫn với nhau, lại muốn giữ lại trần lao, sợ nó tiêu hết. Khi ấy bèn ngồi cung hoa sen hóa ra rất nhiều bảy thứ trân bảo và những gái đẹp. Buông lung tâm mình và quyết định như thế là đúng, thì người ấy sa vào cái chấp “Chân vô Chân”, thành bè bạn của bọn Ca-Chỉ-Ca-La, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ tám, lập cái nhân tà tư, thành cái quả xí trần, trải xa tính viên thông, đi ngưực đạo Niết Bàn, sinh ra giống Thiên Ma.
Giảng: Đọc đoạn Kinh này mới biết cái tâm chúng sanh nó chập chờn biến ảo khôn lường, rất thích đi ngang, đi dọc. Vì sao thế? Vì các Ngài dụng công lâu quá, ngồi trong rừng tu 30 năm, vào đến thức ấm rồi thì có thể bị lật ngược trở lại, sinh ra loài Thiên ma ngoại đạo. Trong trường họp này, hành giả khi vào đến thức ấm, thấy các mạng căn thông lẫn với nhau, nên lúc đó lại khởi ma ý muốn giữ lại tất cả, sợ nó tiêu hết. Lúc ấy, tự mình ngồi trên cung hoa sen, hóa hiện ra nhiều thứ trân bảo và các gái đẹp, buông lung tâm mình rồi quyết định như thế là đúng, nên sa vào cái chấp “chân vô chân”, sinh ra giống Thiên Ma. Nếu suy nghĩ kỹ trong trường họp này thì thấy đúng thật, lúc đó hành giả khi đã vào đến thức ấm, thấy tâm mình hết sức nhiệm mầu, nhiều khi lại còn thích hóa hiện, nên lại nuối tiếc cái trần lao kia, nên hóa hiện thêm ra, khiến lạc mất tính Bồ Đề, bỏ mất chính tri kiến.
Hỏi: Trong Kinh Phật thường nhắc đến Thiên Ma Ba Tuần, không biết có phải là loại này không?
Đáp: Ma Vương tên là Ba Tuần, có thể là một vị Bồ Tát khá cao, Ngài thị hiện làm Ma Vương để độ cho những hành giả tu đến mức độ này mà vẫn còn lạc nẻo. Cũng có thể là một vị Ma vương thật, tu cao, có khá thần lực, nhưng lạc nẻo. Nên pháp giới chập chùng khó nhận. Nói cho cùng, Ma Vương là biểu hiện cho pháp giới, cho tâm thức đa đoan muốn làm một cuộc hành trình đi xuống, đi ngang, dọc vào Vọng, còn Phật là chiều hướng của pháp giới đi trở về Chân. Vọng và Chân không thể lìa nhau được, khi đến chỗ Tột-Cùng thì không còn Vọng hay Chân nữa mà chỉ là Như Như tịch tĩnh. Và Ma Vương vẫn nằm trong phạm vi kiềm tỏa của Phật. Trở lại đoạn Kinh trên, lúc đó hành giả sẽ sa vào cái chấp “Chân vô Chân”, vì cái đó không phải là Chân mà lại chấp là Chân. Nên Phật lại khởi tâm từ bi, cảnh giác rằng đó chưa phải là Chân thường đâu, mà còn phải lặn sâu vào thức ấm hơn nữa. Có thể chúng ta bây giờ, khi đọc đoạn Kinh này khởi nghĩ rằng, hành giả này đã đi vào đến thức ấm vi diệu thế, vượt được bốn màn sương mù kia, sao lại hồ đồ khởi lên những tâm ý kỳ quặc như vậy? Nhưng sợ rằng nếu chính chúng ta tu hành đến mức ấy, có thần thông hóa hiện như thế, chưa chắc gì chúng ta đã cầm nắm được tâm ý theo chánh tri kiến một cách vững vàng, có khi cũng khởi lên tâm niệm tiếc nuối và muốn ngồi lì mãi trong đó, hóa hiện mọi thứ để chơi đã. Đó là trường hợp của các Thiên Ma và ngay cả Ma Vương Ba Tuần cũng vậy, vì lúc đó có thần thông biến hóa nhiều quá, có thể hóa hiện cả một cảnh giới thế gian, hoặc hiện lên trăm ngàn thiên nữ để nghe họ múa hát, và “du hí” đã, sau sẽ hậu xét. Vì vậy mới mất tính Bồ Đe, nên bị lạc vào ngoại đạo, Thiên ma.
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt nhưng chưa viên mãn chỗ tinh diệu của tịch diệt. Noi thức thể viên minh, cỗi gốc của sinh mạng, phân biệt chỗ
tinh, chỗ thô, quyết đoán chỗ Chân, chỗ Ngụy. Noi nhân-quả đền đáp, chỉ cầu cảm ứng trái vói đạo thanh tịnh, nghĩa là chỉ thấy Khổ đế, đoạn Tập đế, chứng Diệt đế, tu Đạo đế. Ở noi Diệt đế đã yên rồi, lại không cầu tiến thêm nữa và quyết đỉnh như thế là đúng, thì ngưòi ấy sa vào hàng định tính Thanh Văn, thành bè bạn của hạng Vô-Văn-Tăng, bị tăng thượng mạn, mê muội Bồ Đe của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ây gọi là bọn thứ chín, viên mãn tâm tinh ứng, thành cái quả thú tịch, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sinh ra giống Triền-Không.
Giảng: “Triền không” tức là hành giả chỉ ưa thích triền miên trong an lạc thanh tịnh đó của Không tam muội mà không khởi bi tâm trở ra để độ sanh. Trường hợp này khác với loài Thiên Ma, vì Thiên Ma thì dùng sức tâm mình hóa hiện tất cả các thú vui ngũ dục để tự hưởng. Còn những vị này, khi vào được đến thức ấm rồi thì phân biệt rõ chỗ này là chỗ tinh, chỗ kia là chỗ thô, quyết đoán được chỗ Chân, chỗ Ngụy, nơi nhân-quả chỉ cầu cảm ứng thôi nghĩa là cầu tiêu diệt những phiền não và vào được cái an lạc. Thấy rằng Khổ đế hết, đoạn được Tập đế, chứng được Diệt đế, và tu Đạo đế, tức là trong lỏng vẫn âm thầm chấp có khổ đế diệt, có pháp để tu, có một cái gì để chứng, nên cho rằng, con đường mình làm đã hoàn mãn, nên ngồi trong đó hưởng niềm trầm không thú tịch, và không chịu tiến thêm nữa. Tức là không phát khởi Đại bi tâm để độ sanh, nên rơi vào giống Triền-Không. Cũng vì thế, mà trong Kinh Đại Bát Nhã nói về “Thiền định Ba-La- Mật”, người tu thiền định Ba-La-Mật là giữ được tâm không tán loạn, mà tâm vẫn không ham mê thiền lạc, thì đó gọi là “Ba-La-Mật”. Tâm không tán loạn là định, nhưng khi vào được định rồi thì không ham mê cái định đó. Nên các vị Thanh Văn bị vướng vào cái triền không, vì an lạc quá. Nhưng an lạc này lại không giống như những thú vui hóa hiện thần thông của các loài Thiên Ma, vì Thiên Ma thích cái lạc thú của những gì có hình tướng, như cung điện, lâu các, trân bảọ, thiên nữ v.v… Còn an lạc của Thanh Văn là không hình tướng…
Kinh: Lại thiện nam tử kia, xét cùng tính không của các hành, đã diệt sinh diệt, nhưng chưa viên mãn chỗ tỉnh diệu của tịch diệt. Nên ở nơi tính Giác-Minh thanh tịnh viên dung, phát minh tính thâm diệu, liền nhận là Niết Bàn mà không tiến lên và quyết định như thế là đúng, thì người ấy sa vào hàng định tính Bích Chi, thành bè bạn của các vị Duyên Giác, Độc Giác, không biết hồi tâm hướng về Đại Thừa, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất chính tri kiến. Ấy gọi là bọn thứ mười, viên thành Giác tâm vẳng lặng, lập ra cái quả trạm-minh, trái xa tính viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sinh ra giống Giác Ngộ Viên-Minh nhưng không hóa được tính viên.
Giảng: Trường hợp này thì hành giả cao hơn Thanh Văn một chút, khi đến chỗ đó rồi thì cũng trụ vào trong thức ấm vi diệu ấy, sinh ra giống Giác Ngộ Viên Minh. Biết tâm mình có trí huệ, có một chút từ bi, nhưng vẫn không viên mãn được cái đại bi vì không hóa được tính viên. Sau khi Đức Phật nói mười loại ma chướng ấy rồi thì Ngài ân cần căn dặn khiến ta mới hiểu được là vì do cái tâm công dụng giao xen nên mới nảy sanh ra những thứ ấy.
Kinh: A Nan, mười thứ thiền-na như thế, giữa đường hóa điên, nhân nương theo sự mê lầm, trong chỗ chưa đủ lại nhận là đã chứng đầy đủ, đều do thức ấm và tâm công dụng giao xen, nên sinh ra những việc như thế…
Giảng: Khi hành giả tu để tiêu dung từ sắc ấm cho đến hành ấm, vào được đến thức ấm là cả một đoạn đường trường chông gai và nhiều ý chí dụng tâm, thường là nhiều kiếp mới thực hiện nổi cuộc hành trình ấy, và khi vào đến thức ấm, vẫn còn bị móng niệm những tà ý, làm lạc mất chánh biến tri.
Kinh: Chúng sanh mê mờ, không biết tự xét, gặp cái đó hiện tiền, mỗi mỗi đều dùng cái tâm mê lầm, còn ưa thích những tập quán cũ mà tự dừng nghĩ…
Giảng: Tập quán cũ như trường họp của Ngài Thiện Tinh Tỳ Kheo, muốn giữ lại những cảnh giới ngũ dục.
Kinh: Cho đó là chỗ quay về rốt ráo, tự bảo đã đầy đủ đạo Vô Thượng Bồ Đề, thành tội đại vọng ngữ…
Giảng: Vọng ngữ là vì các vị đó, khi thuyết pháp cho các hàng đệ tử thì tự nói là ta đã đắc Niết Bàn rồi.
Kinh: Bọn ngoại đạo tà ma khi nghiệp báo chiêu cảm hết rồi, thì sa vào ngục Vô Gián, hàng Thanh Văn, Duyên Giác thì không tiến thêm được nữa. Bọn ông để tâm giữ đạo Như Lai, sau khi tôi diệt độ rồi, đem pháp môn này truyền bày cho đòi mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sinh đều rõ biết nghĩa này, không để cho những ma tà-kiến tự gây ra những nạn lớn cho mình, giữ gìn thương cứu, tiêu dứt các tà duyên, khiến cho thân tâm vào được tri kiến của Phật, từ lúc ban đầu đến khỉ thành tựu, không mắc các đường rẽ.
Giảng: Nên chúng ta phải hiểu con đường đi đến chỗ nào có thể dừng được, chỗ nào không thể dừng được, vì khi vào được định, đến một lúc nào, hành giả hay khởi tâm si định, hay tâm tự phụ, nhưng quả thực rất khó khi giữ được chánh tri kiến, đi đúng đạo Bồ Đề, lúc đó, các vị Đại Bồ Tát và Phật lại phải đến nhắc nhở, cảnh tỉnh các vị đó đi lại theo con đường chánh đạo.
Kinh: Pháp môn như thế, các Đức Như Lai như số vi trần, trong hằng sa kiếp quá khứ đều vận dụng nó mà khai ngộ đạo Vô Thượng. Khi thức ấm hết rồi, thì hiện tiền các căn của ông được dùng thay lẫn nhau. Từ chỗ các căn dùng thay lẫn nhau, ông sẽ lên bậc Kim Cương Càn Tuệ Bồ Tát. Cái tâm tinh diệu viên-minh phát hóa trong ấy như mặt trăng báu ở trong ngọc lưu ly trong sạch.
Giảng: Tâm hành giả, khi đã diệt được hết thức ấm rồi thì sẽ phát sáng lên như trong ngọc lưu ly có mặt trăng ảnh hiện vậy.
Kinh: Rồi, cứ thế vượt lên các vị thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh tâm và thập địa kim cương Bồ Tát, tính Đẳng giác được viên minh vào bể Diệu-Trang-Nghiêm của Như Lai, viên mãn đạo Bồ Đề, về chỗ Vô sở Đắc.
Giảng: Cứ theo lời Phật dạy, sau khi diệt được hết thức ấm rồi, lúc đó sáu căn hiện tiền, có thể dùng thay lẫn nhau, tâm thì phát sáng như trong ngọc lưu ly ảnh hiện ánh trăng rằm. Đó là hết phẩm ma chướng. Nhưng con đường vẫn còn rất dài, vì hành giả lại còn phải vượt qua thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh tâm rồi lúc đó mới bắt đầu bước vào thập địa của con đường Bồ Tát đạo (từ thập tín đến thập địa của Bồ Tát, trong Kinh Hoa Nghiêm Phật giảng dạy rất rõ). Nay, tôi xin đọc thêm mấy đoạn mà tôi nghĩ cũng rất cần thiết cho quý vị nghe:
Kinh: Nếu các chúng sanh ngu độn trong thòi mạt pháp, chưa hiểu thiền-na, không biết Phật pháp mà ưa tu tam muội, không nên nghe họ mắc vào tà kiến, thì ông nên một tâm khuyên bảo họ thụ trì chú Phật Đảnh Đà La Ni của tôi, nếu chưa tụng được thì viết nơi thiền đường hoặc treo trong thất.
Giảng: Đoạn này là Ngài biết rằng, sau này vào thời mạt pháp, chúng sanh căn cơ kém cỏi, phước duyên cạn mỏng, tâm trí ngu độn, con đường tu hành lại nhiều ngã rẽ, nên Ngài lại khởi tâm từ bi khuyên chúng ta tụng chú Phật Đảnh Đà La Ni, hoặc vì văn cơ quá ám độn không tụng nổi thì viết những chú ấy treo trên thiền đường hoặc ở trong thất, lực của chú cũng làm cho tà ma phải lánh xa và thêm sự gia hộ cho chúng ta tu hành.
Kinh: (Bỏ một đoạn…) Này ông A Nan, Như Lai phát minh cho các ông biết rằng, bản nhân của ngũ ấm đều là vọng tưởng. Thân thể của ông trước kia, nhân cái tưởng của cha mẹ mà sanh, tâm của ông nếu không phải là tưởng thì không thể đến gá cái mạng vào trong tưởng. Như trước tôi đã nói: Tâm tưửng vị chua, trong miệng tự nhiên nước miếng sinh ra. Tâm tưởng lên cao, trong lòng chân nghe ghê rợn, dốc cao không có, vật chua chưa đến, cái thân thể của ông nếu không phải cùng loài hư vọng, thì làm sao nhân nghe nói chua thì trong miệng nước miếng chảy ra? Vậy ông nên biết, sắc thân hiện tiền của ông gọi là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.
Giảng: Đoạn này, Phật muốn dạy rằng, thân thể mà các ông thấy nó thô kệch nặng nề này, cũng chỉ là vọng tưởng thôi, vì sao? Vì khi cha mẹ khi có tâm tham dục khởi lên, giao hợp với nhau, thì thần thức sẽ gá vào cái tinh cha, huyết mẹ để tạo thành bào thai.
Kinh: Tức nơi tâm tưởng tượng vượt lên cao, vừa nói trước kia, nó có thể khiến thân ông thật chịu ghê rợn, nhân các thọ sanh ra, có the xúc động đến sắc thân, vậy hiện nay, hai thứ thọ thuận ích và vi tổn đang rong ruổi noi ông thì gọi là vọng tưởng hư minh thứ hai
Giảng: Đoạn này Ngài nói hơi bí ẩn, khó hiểu. Đại khái rằng, khi ta nghĩ đến phải đi lên bờ dốc cao và hẹp thì bàn chân tự động thấy rờn rợn, hay nghĩ đến trái mơ chua thì tự nhiên trong miệng chảy nước miếng. Như thế, có nghĩa là cảm giác và thân căn đều là một thể, vì vậy nó mới có thể tác động vào với nhau được. Những cảm giác ấy được gọi là những vọng tưởng hư minh.
Kinh: Do những ý nghĩ sai khiến sắc thân của ông, nếu sắc thân không phải cùng loài, thì làm sao thân ông lại theo ý nghĩ sai khiến, nhận các thứ hình tượng, sinh tâm chấp nhận các hình, phù hợp vói ý nghĩa, lúc thức là tưởng tâm, lúc ngủ làm chiêm bao. Vậy những vọng tình lay động tưởng nghĩ của ông gọi là vọng tưởng dung thông thứ ba. Sự chuyển hóa không dừng, xoay vần thầm thầm ròi đổi: Móng tay dài, tóc sinh ra, khí lực tiêu, da mặt nhăn, ngày đêm thay đổi mà không hề hay biết. A Nan, nếu cái đó không phải là ông, thì làm sao thân ông lại rời đổi. Nhưng nếu nó thật là ông, thì sao ông lại không hay biết? Vậy các hành niệm niệm không dừng của ông gọi là vọng tưởng u uẩn thứ tư.
Giảng: Lên đến tưởng ấm, tức là những tâm tưởng của chúng ta thì gọi là những vọng tưởng dung thông, hành là những vọng tưởng u uẩn thứ tư. Nay, tôi xin đọc đến thức ấm.
Kinh: Lại chỗ tinh minh đứng lặng, không lay động của ông gọi là thường còn thì nơi thân ông không ra ngoài những sự thấy, nghe, hay, biết. Neu nó thật là tính tỉnh-chân, thì không thể huân tập được điều vọng, vì thế nhân gì bọn ông trong mấy năm trước đã từng xem một vật lạ, trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến, về sau bỗng nhiên thấy vật lạ đó thì nhớ lại rõ ràng, không thiếu xót? Vậy trong tính tinh minh đứng lặng không lay động ấy, từng niệm, từng niệm chịu huân tập, không thể tính toán hết được. A Nan nên biết, cái đứng lặng đó, không phải thật, như nước chảy gấp trông như đứng lặng, Vì chảy gấp mà không thấy chứ không phải không chảy. Nếu cội gốc cái đó không phải vọng tưởng thì đâu lại chịu để hư vọng huân tập. Nếu sáu căn của ông chưa được tự tại chia hợp, dùng thay lẫn nhau thì cái vọng tưởng đó không lúc nào diệt được. Vậy hiện nay, cái tập khí quán xuyến tập trung những điều thấy, nghe, hay, biết của ông là cái vọng tướng điên đảo vi tế, huyễn hóa trống rỗng thứ năm, trong tính trạm liễu của ông.
Giảng: Đoạn Kinh này Ngài giảng khá dài, nhưng đại khái Ngài dạy nếu thức ấm đó nó chỉ toàn là những tinh minh vô cấu thì không thể huân tập được cái vọng, vì ngay đến cái thức ấm ấy cũng là còn một phần vọng lớn, và cái đứng lặng trong thức ấm ấy không phải là thật, mà nó như dòng nước chảy gấp, trông như đứng lặng, vì chảy gấp mà không thấy chứ không phải không chảy.
Kinh: A Nan, năm cái ấm đó do năm vọng tưởng tạo thành. Nay ông muốn biết giới hạn sâu cạn thì chỉ: “Sắc và không là biên giới của sắc ấm, Xúc và ly là biên giới của thọ ấm, Sinh và diệt là biên giói của hành ấm, Đứng lặng hợp vào đứng lặng là biên giới của thức ấm”
Năm ấm ấy vốn trùng điệp sinh khởi. Sinh thì nhân thức ấm mà có. Diệt từ sắc ấm mà trừ. Lý thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu. Sự thì không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết. Tôi đã chỉ cho ông về cái nút khăn kiết-ba-la, có chỗ nào không rõ. mà ông phải hỏi lại? Tâm ông cần phải thông suốt về cỗi gốc vọng tưửng đó, rồi đem truyền bày cho những người tu hành trong đời mạt pháp sau này, khiến cho họ biết hư vọng, tự sinh nhàm chán và biết có Niết Bàn, không luyến tiếc ba cõi…
Giảng: Khi nghe Kinh xong thì chúng ta cũng cần phải tự ý suy tư lâu ngày thì mong ra mới hiểu và thấm ít phần, còn chỉ đọc qua, hay lên chùa nghe giảng một vài buổi thì chỉ có thể tạo thêm cơ duyên cho nhiều kiếp sau mà thôi.
Trước khi kết thúc, tôi xin đọc thêm cho quý vị nghe một vài đoạn Đức Phật nói về cái tiêu tội của Kinh:
Kinh: A Nan, ví như có người đem thất bảo đầy rẫy hư không khắp mười phương dâng lên Chư Phật như số vi trần, vâng thờ cúng dường tâm không lúc nào sao lãng, ý ông nghĩ thế nào, người đó do nhân duyên cúng dường Phật như thế được phúc nhiều chăng?
Ông A Nan đáp rằng, hư không không hết, trân bảo không cùng. Ngày xưa, có chúng sinh cúng Phật bảy đồng tiền, đến khi xả thân, còn được làm vị Chuyển Luân vương, huống nữa, hiện tiền hư không đã cùng hết, cõi Phật đã đầy khắp và đều cúng đồ trân bảo, thì dầu suy nghĩ cùng tột các kiếp cũng không thể thấu được, phúc ấy làm sao còn có bờ bến.
Này ông A Nan, Như Lai lời nói không hề hư vọng, ví như có người gây đủ các tội tứ trọng, Thập-Ba-La-Di, giây lát phải trải qua địa ngục A-Tỳ phương này sang phương khác, cho đến cùng tột các địa ngục Vô Gián thập phương không nơi nào không phải trải qua. Nếu người đó dùng một niệm đem pháp môn này, khai thị cho ngưòi chưa học trong đời mạt pháp thì tội chướng người đó liền được tiêu diệt, biến cái nhân phải chịu khổ địa ngục thành cái nhân sinh về An Lạc quốc, được phước vượt hơn người thí cúng trước kia, trăm lần, ngàn lần, vạn ức lần, như thế cho đến toán số ví dụ không thể nói hết được.
Giảng: Riêng về đoạn Phật nói về công đức của người đọc Kinh Lăng Nghiêm thì chúng ta nên về suy tư và đọc kỹ lại, hoặc nên viết, giảng một chút về ý thú của Kinh, thì nghiệp chướng tiêu trừ được rất nhiều, lại còn tạo được nhiều cơ duyên sanh về Cực Lạc. Tới đây, tôi xin ngưng và kết thúc phần giảng về Ma Chướng là phẩm thứ 33 của Kinh Lăng Nghiêm.
Hỏi : Hồi nãy ông giảng rằng, Đức Phật cảnh giác chúng ta tu hành phải coi chừng rơi vào đường ma chướng, thì tại sao khi tu lên cao vào đến thức ấm vi diệu mà vẫn còn bị ma chướng?
Đáp: Bởi có lẽ vì mấy cái lý do tôi đã nói qua, một là cái tâm mình nó luôn luôn lay động muốn chiếu soi, thứ hai là tâm ấy còn nhiều tập khí cũ, có nhiều cái ngõ ngách u uẩn không thể lường được, thứ ba là có khi gia công tu hành một cách tinh tấn quá lâu, sau có một lúc nào hành giả bị phải ứng lật ngược, như Phật nói trong Kinh Lăng Nghiêm “Vì cái tâm quá sức công dụng giao xen…”, tức là hành giả tu quán chiếu tiêu dung dược bốn ấm trước, đến khi vào đến thức ấm, còn phải tiêu dung nữa, phải yết-đế, yết-đế…”, vượt qua, vượt qua nữa thì mới có thể vào được cái tột không hải ấy được, nhưng ở trong những trường hợp khi hành giả mới chớm vào đến thức ấm, thì lại có những phải ứng ngược lại, do tâm công dụng giao xen, nên mới có những tình trạng ấy, nhưng nếu tình trạng ấy có xảy ra mà hành giả vẫn biết được những điều đó, giữ được tâm Bồ Đề, không mất chánh biến tri, thì không sao ca, cứ để nó phụt khởi lên, để nó đi hết cái chu kỳ của nó, mình thì cứ an nhiên không bị nó rối loạn thì lúc đó mới vượt được thức ấm vào được bậc Kim Cương càn tuệ của các bậc Bồ Tát, nhưng như thế cũng chưa xong đâu, vì mới chỉ đi được 1/3 đoạn đường tu chứng thôi, cỏn phải lên các vị thập tín, thập trụ, thập hành, thập hồi hướng, tứ gia hạnh tâm rồi cuối cùng mới bước vào thập địa kim cương Bồ Tát, sau đó tính Đẳng Giác được viên minh, vào bể Diệu Trang Nghiêm của Như Lai, viên mãn đạo Bồ Đề, về chỗ Vô Sở Đắc.
Hỏi: Có phải những thứ đó đều là “nhất thiết do tâm tạo không”?
Đáp: Đúng! Nhưng đó là nói đến tột bờ mé nguồn gốc của pháp giới này, còn muốn làm một con cá Tích để trở về thì vẫn phải qua các bậc từ thô đến tế, tiêu dung dần dần để có thể trở về đến bể Diệu tâm. Càng về gần Diệu tâm thì pháp giới càng vi tế, càng có nhiều tự tại lực và càng dễ vào các tà niệm vì lúc đó thức tâm vẫn còn có móng niệm tự chiếu soi, nên càng tu cao, càng phải gần chư Phật, nếu không thì sẽ rơi vào hàng Thiên Ma, hoặc Thanh Văn, Duyên Giác v.v… Còn phàm phu chúng ta thì chưa vững, giới luật chưa tinh nghiêm, phước đức cạn mỏng, nghiệp chướng sâu dày, chỉ còn một con đường duy nhất Đức Phật đã từ bi chỉ dạy là tu theo pháp môn niệm Phật và tham bác thêm tụng chú để cầu vãng sanh, nếu có… “rớt” kiếp này không qua được Cực Lạc, thì đó cũng làm nhân gây thêm những cơ duyên cho kiếp vị lai, đời sau không bị sa vào ba đường dữ, có được thân người với năm căn đầy đủ, lại biết Phật Pháp để tiếp tục tu hành.
Tôi xin chấm dứt tại đây. Cầu chúc tất cả quý vị đạo hữu tinh tấn tu hành, thân tâm thường an lạc, và khi mãn báo thân này đồng được vãng sanh Cực Lạc quốc.
Nam mô A-Di-Đà Phật.
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Tịnh-Liên Nghiêm-Xuân-Hồng
Pháp danh Minh-Pháp