HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH
(TT)
TUYÊN THỐNG 1 – KỶ DẬU (1909) 70 TUỔI
Việc vận chuyển Kinh khởi hành từ đảo Tân Tức, đến Ngưỡng Quang (Miến Điện) thì cư sĩ Cao Vạn Bang ra đón, tôi trú tại nhà cư sĩ hơn một tháng, sau đó ông hộ tống tôi đến Ngõa Thành. Lúc ở Ngưỡng Quang, Cao cư sĩ có thỉnh một tượng Phật bằng ngọc cúng dường chùa, tôi định rước về chùa Chúc Thánh thờ. Nhưng khi thuyền đến Tân Nhai, chúng tôi trú ở Đình Quan Âm, do đồ quá nhiều, phải thuê ngựa chở đến núi Kê Túc, nội hành lý không thì số ngựa mướn chở đã lên đến hơn 300 con. Vì tượng ngọc Phật quá nặng, ngựa không chở nổi, thuê người không ra, đành gởi tạm ở Đình Quan Âm, phải mấy năm sau mới thỉnh về được. Cao cư sĩ lưu lại đây hơn 40 ngày, đích thân lo liệu mọi việc, ông đã cúng của lại góp công, thật là hiếm có. Phái đoàn khởi hành, có hơn ngàn người hộ tống, đi qua Đằng Xung, Hạ Quan, các nơi v.v… đều được dân địa phương nghinh tiếp.
Phật Pháp vô biên
Đi hơn 10 ngày, người ngựa đều bình an, đặc biệt ở đoạn đường từ Hạ Quan đến Đại Lý, trời bỗng nổi sấm chớp, hồ Nhĩ Hải dậy sóng, hơi mây biến hóa kỳ ảo tạo ra nhiều cảnh tượng lạ lùng (nhưng không hề mưa). Về tới cổng chùa, (khi đại lễ nghênh Kinh đã đón được Đại Tạng vào trong an ổn rồi) thì mưa mới trút xuống tầm tã tới ngày hôm sau mới tạnh. Mọi người đều xúc động tán thán, cho là Lão rồng hồ Nhĩ Hải nghênh đón Kinh. Lúc đó quan Tổng đốc tỉnh Vân Nam, Quí Châu là Lý Kinh Hy, vâng chiếu chỉ triều đình, phái Sứ đến Đại Lý, cùng các quan đồng tới nghênh đón Kinh, được tận mắt chứng kiến các cảnh tượng huyền ảo này, ai nấy không nhịn được, đều suýt xoa tấm tắc ca ngợi “Phật Pháp vô biên”.
Phái đoàn nghỉ tại Đại Lý độ mười hôm, rồi từ Hạ Quan đi đến huyện Tân Xuyên, thẳng tới chùa Chúc Thánh, suốt lộ trình luôn được bình an, không có giọt mưa nào rơi xuống các hòm đựng Kinh.
Chở Kinh về đến chùa đúng vào ngày cuối năm – tức 30 tháng chạp – nhằm ngày Hương hội, ai cũng hoan hỷ, cho là điểu chưa từng có.
Muốn sống thì phải qui y Tam Bảo
Lúc chở Kinh đến chùa Vạn Thọ, Đằng Xung, tôi đang ngồi trong tiệm trò chuyện với Đề đốc Trương Tùng Lâm, thì bỗng có một con bò vàng chạy đến quỳ xuống trước mặt tôi, mắt nó tuôn lệ đầm đìa. Lúc này ông chủ bò là Dương Thắng Xương cùng đám người rượt đuổi bò cũng vừa chạy đến. Tôi nói với con bò: – “Con muốn sống thì phải quy y Tam Bảo”. Bò liền gật đầu. Tôi bèn thuyết Tam Quy rồi bảo nó đứng dậy, nó dễ dạy như người. Tôi lấy tiền bồi thường cho Dương Thắng Xương, nhưng y không dám nhận. Dương xưa nay chuyên sống bằng nghề mổ bò, giờ quá xúc động về chuyện này, nên dũng mãnh phát thệ: Từ đây bỏ hắn nghề đồ tể và xin quy y với tôi, Dương còn phát nguyện là sẽ ăn chay trọn đời. Đề đốc họ Trương chứng kiến cảnh này cảm động lắm, liền mời Dương Thắng Xương vào làm việc ngay trong tiệm của mình.
TUYÊN THỐNG 2 CANH TUẤT (1910) 71 TUỔI
Từ khi triều đình ra chỉ dụ cấm xâm phạm tài sản đất đai của chùa cho đến lúc Tạng Kinh được thỉnh về núi. Xem như Tăng chúng cả tỉnh an cư tạm ổn. Lý đề đốc là quan tỉnh Điền, phái người lên núi thăm và dẫn hết gia quyến đến xin quy y, dâng lễ cúng dường. Tôi cảm tạ ông. Sau đó tôi mời sư Giới Trần ra thất, nhắc nhở chư vị ở núi tôn trọng giới luật, khởi xướng việc giáo dục thanh niên, bài trừ tệ nạn. Đạo phong Kê sơn từ đây được chấn chỉnh. Tôi xin Quận trưởng Tân Xuyên thả các vị Tăng bị giam trong ngục và ân xá, giảm khinh cho các tội nhân.
Mùa hạ, tôi nhận được thư nhà do Cổ Sơn chuyển đến. Bấm đốt tay tính đã hơn 50 năm, tôi làm 3 bài thơ, trong đó có mấy câu:
Chi thử nhất sinh thanh bạch nghiệp
Cánh vô dư Sự ký tâm điền
Chỉ mong sạch nghiệp một đời
Đâu còn nhớ chuyện dư hơi làm gì
Cửu hỷ hồn vong trần thế sự
Mạc tương dư tập đáo Vân biên.
Chuyện đời lâu quá đã quên
Chớ đem thói cũ đến bên Vân này.
Ni sư Diệu Tịnh
Ni sư Diệu Tịnh họ Vương, là Thứ mẫu của ngài Hư Vân. Thân mẫu ngài Hư Vân là Nhan phu nhân, tuổi đã 40 mà chưa có con, nhờ khẩn cầu Đức Quan Âm mới có mang. Khi hạ sinh Ngài, thấy là một bọc thịt nên phu nhân thất vọng quá mà từ trần, Thứ mẫu lãnh việc nuôi dưỡng Ngài. Tánh ngài Hư Vân không thích ăn mặn, đến tuổi đi học thì không hảo sách Nho, lại ưa kinh Phật, phụ thân thấy vậy không vui, thường nghiêm trách. Năm Đồng Trị thứ 3, Giáp Tý, phụ thân mất, thứ mẫu Ngài bèn dắt hai cô dâu vào chùa xuất gia làm ni. Xuất gia được bốn tuổi hạ, cô họ Điền bị bệnh từ trần, còn lại cô ni họ Đàm pháp danh Thanh Tiết hiện ngụ ở Quan Âm Sơn thuộc đất Tương, bà đã gởi thư cho ngài Hư Vân báo tin thứ mẫu về cõi Phật năm Kỷ Dậu, được 8 tuổi hạ. Khi lâm chung Thứ mẫu đã ngồi kiết già, lưu lại bài kệ:
1. Nhân sinh dưỡng tử hữu hà ích
Dực ngạnh triền si tiện xung phi
Hoài thai mệnh nhược huyền ty hiểm
Ký sinh đắc an tạ thần kỳ
Nhũ hộ bất quyện niệu thỉ khổ
Như Sư phúng cầu bất tạm ly
Đãi đắc trĩ sổ thành bằng khứ
Từ thân suy lão du kháo thùy?
Người đời nuôi con có ích gì
Đủ lông đủ cánh liền bay đi
Mang thai mạng mẹ kề nguy hiểm
Sinh nở bình an tạ đất trời
Nuôi dọn chẳng nê mùi cứt đái
Bồng ẵm chăm nom chẳng tạm rời
Vừa mới lớn khôn liền tung cánh
Cha mẹ nhờ ai lúc lão suy?
2. Huynh bạc đệ hàn phụ vong cố
Khí ngã bà tức ánh hà y
Ngưng tình nan giải cúc dục niệm
Ích tưởng ích bi linh nhân đề
Dục tác quỷ mẫu tầm tử khứ
Cử mục vân sơn vạn lý vi
Nhữ năng chí biện sinh tử sự
Bất kiến Bàng Uẩn bả đạo vi?
Huynh bạc, đệ hàn, cha mất sớm
Ta cùng dâu dại biết nhờ ai?
Dứt tình, không nghĩ công nuôi dưỡng…
Càng tưởng càng buôn lệ đẫm mi
Muốn làm mẹ quỷ tìm con dại
Mây núi chập chùng xóa lối đi
Chí con nhất quyết lo sinh tử
Sao không học hạnh của Bàng Long?…
3. Tục tình pháp ái hà thù nghĩa
Sơn cầm thượng hiểu tê lạc huy
Tuy hoạch đồng nguyên phụng Phật tự
Nhật tẩy hàn sơn lãnh Thúy Vi
Nhi ký tảo vi không vương tử
Thế tôn tích tằng độ A Di.
Hận tư Ta Bà tận phiền não
Hưu tâm kim hướng Cực Lạc quy.
Pháp ái tình đời có khác đâu?
Chim còn về tổ lúc hoàng hôn
Tuy được chung nguồn nơi cửa Phật
Nắng xua giá lạnh núi non xanh
Con đã sớm làm con Đúc Phật
Thế Tôn xưa còn độ mẹ dì…
Buồn cõi Ta bà nhiều phiền lụy
Dừng tâm, ta hướng Cực Lạc đi.
4. Mỗi nhân ân ái luyến hồng trần
Tham mê vong thất bổn lai nhân
Bát thập dư niên giai huyễn mộng
Vạn sự thành không vô nhất nhân
Kim triêu giải thoát sinh tiền lụy
Hoán thủ liên bang tịnh diệu thân
Hữu duyên niệm Phật quy Tây khứ
Mạc ư khổ hải cam trầm luân.
Bởi do ân ái luyến hồng trần
Đắm say quên mất bổn lai nhân
Hơn tám mươi năm đều huyễn mộng
Vạn sự thành không chẳng một người
Sáng nay giải hết duyên đời trước
Đổi lấy thân vàng cõi Lạc Bang
Có duyên niệm Phật về Tây nhé
Đừng mê biển khổ chịu trầm luân.
Ngài Hư Vân được thư, buồn vui lẫn lộn. Buồn là vì ân nuôi dưỡng chưa báo đáp, vui vì thứ mẫu xuất gia hơn 40 năm, mệnh chung không điên đảo, lưu kệ mà mất, chứng tỏ đã được vãng sinh Tây phương.
Năm Dân Quốc 11 (1922) mùa hạ Nhâm Tuất
Trần Trung Hàn (Vinh Xương) kính ghi.
Phụ lục:
Thư của Sư ni Thanh Tiết:
“Kính lễ Tôn nhan,
Lòng luôn nghĩ đến, song núi mây cách trở, do liên lạc khó khăn nên thư gởi tới Ngài phải chậm. Kính chúc Ngài động, tịnh an tường, pháp thể kiện khang, được vậy thì chẳng mong gì hơn.
Từ khi Ngài giã biệt gia sơn, đến nay đã hơn 50 năm. Nghe Ngài ở Mân Hải (cổ Sơn), tôi không thể không nghĩ đến. Bởi chẳng rõ Ngài đã dạo gót đến phương nào, chốn non bồng ấy ở đâu? Vì quanh Ngài chẳng có người hộ vệ nên tôi cảm thấy rất ái ngại.
Bây giờ là tháng giêng dầu xuân, biết Ngài đã cao ẩn, sống an nhàn tự tại, tâm tư tôi buồn, vui lẫn lộn. Nghĩ đến Ngài trên đoạn lìa ân dưỡng dục, dưới dứt tình tóc tơ, đêm khuya trầm tư, tôi vẫn có thể an lòng, chấp nhận…
Nho giáo lấy Ngũ thường làm đạo, Tương Tiên xưa còn độ Văn công và vợ. Còn đạo Phật của ta chủ trương oán thân bình đẳng… Nhưng Điều Đạt, Da Du… Thế Tôn vẫn độ hết đấy thôi? Chúng tôi và Ngài nào phải không có duyên? Dù Ngài chẳng động niệm nhớ quê thì cũng nên quan tâm nghĩ đến ân đức cù lao. Nay xin kể sơ việc nhà cho Ngài hay:
Lúc Ngài ra đi, thân phụ cho người tìm kiếm khắp nơi, lòng thương nhớ khôn nguôi đến lâm trọng bệnh, ông cáo lão từ quan về nhà, dưỡng bệnh hơn một năm. Đến năm Giáp Tý, Đồng Trị thứ 3 (1864), giờ Tỵ, ngày mồng 4 tháng chạp, thì mệnh chung.
Sau khi an táng ông xong, Di mẫu dắt tôi cùng Điền Nga Anh đi tu. Di mẫu pháp danh Diệu Tịnh, Điền tiểu thư pháp danh Chơn Khiết, còn tôi là Thanh Tiết. Gia sản ở nhà giao hết cho chú thím quản để làm việc phước thiện công ích. Sau khi xuất gia được bốn hạ, Nga Anh bị bệnh thổ huyết, nhắm mắt về Tây.
Năm Ất Hợi, bá phụ bị bệnh mất ở Ôn Châu. Anh Cả tôi hiện trấn ở phủ Tây Ninh, còn Vinh Quốc, em họ Ngài thì dắt em thứ ba của Nga Anh đi Đông Dương. Riêng Hoa Quốc ở nhà để nối dòng, phần Phú Quốc thì từ khi đi theo Ngài tu đển nay bặt tin luôn. Lời xưa nói: “Đại thiện vô hậu” (nhà đại thiện không người nối dõi). Ngài tuy là Tăng tái sinh nhưng việc làm dứt hẳn đường hương hỏa, hạnh Bồ Tát độ sinh của Ngài vẫn không tránh khỏi lời đàm tiếu của kẻ ngu mê, cho là không hiếu nghĩa. Tôi vốn quý trọng linh căn thâm hậu của Ngài, thừa hiểu chí nguyện Ngài rất kiên cố, như hoa sen không nhiễm bùn nhơ. Vậy thì vì sao Ngài phải lìa bỏ quê? Quên hết cội nguồn? Tôi buồn đau trình thơ là vĩ muốn báo tin cho Ngài hay rằng:
Mùa đông năm ngoái, (Tuyên Thống năm đầu) 1909, Kỷ Dậu, vào giờ Thìn, ngày mồng 8 tháng 12, Vương thứ mẫu (tức Ni sư Diệu Tịnh) đã vĩnh biệt, về Tây. Lúc lâm chung, người ngồi kiêt-già đọc kệ. Làm kệ xong, khép mắt viên tịch. Có hương thơm lạ phảng phất mấy ngày, thân xác người vẫn đoan tọa tự nhiên như lúc còn sống.
Nay viết mấy dòng báo tin cho Ngài rõ việc nhà. Khi nhận được thư, xin Ngài hãy sớm lên đường (nhớ dắt Phú Quốc về theo) đừng chậm trễ, chớ phụ lòng tôi trông ngóng, được vậy thì thật may cho tôi. cầu mong Ngài – Bậc Thầy tôi – Được như Tôn giả Ca Diếp, phóng tử kim quang, làm bạn pháp cùng nhau.
Sa nước mắt ngóng trông, dù nói nghìn lời vẫn chưa hết ý, Ngày đêm mỏi mắt mong tin.
Quân diệc hồng nhạn biệt cố hương
Xung tiêu độc tự hướng nam tường
Khả lân đồng sào ai ai lữ
Vạn lý thu phong tục hận trường.
Ngài như hồng nhạn biệt cố hương
Bay thẳng, lòng không chút vấn vương
Chỉ tội bạn buồn nơi tổ cũ
Gió thu muôn dặm chở sầu thương.
Vọng đoạn thiên biên nguyệt
Lệ tuyền đẳng mãn tình
Ngã thê Tương giang thượng
Trúc ngân dĩ thành ban
Quân tắc thành đại đạo
Huệ nghiệp nhật đương tân
Tích thời hỏa trạch lữ
Nguyên thị pháp thành thân.
Dõi nhìn trăng xế ven trời
Lệ tuôn như suối bùi ngùi sầu vương
Tôi ở đâu dòng sông Tương
Nhìn vân trúc đã hằn đường thật sâu
Ngài thành đạo thỏa chí mầu
Trí tăng huệ sáng đức cao rỡ ràng
Xưa nhà lứa ta bạn đường
Nay đồng là bạn pháp thân nguyên thành
Kính chúc Ngài vạn an.
Quan Âm Sơn, Thanh Tiết đảnh lễ trăm lạy.
Kính thư”.
Phụ lục:
BÀI KÝ VỀ HOA ƯU BÁT ĐÀM
Kinh Pháp Hoa nói: “Diệu Pháp này, chư Phật Như Lai, đúng thời mới nói, như hoa Ưu Đàm, đúng thời xuất hiện”. Giờ nói về điềm lành, ba ngàn năm mới hiện một lần. Hoa Ưu Đàm này tiêu biểu cho quả vị đương lai, còn gọi là: Linh thụy (điềm lành).
Vào thời nay, trước đây cũng có điềm lành ứng cho người nghe pháp. Phía Tây tỉnh Điền, núi Kê Túc, chỗ ngài Ca Diếp giữ y nhập định. Quanh núi mấy trăm dặm, đã từng hiện thánh tích linh hiển của chư đại Bồ-tát ở đây rất nhiều. Từ đời vua Hàm Phong và Đồng Trị trở về sau, Phật pháp tỉnh Điền suy vi cùng cực, đạo tràng hư nát hết phân nữa, những người còn ở trong chùa cũng không phải là trụ trì tốt. Tuy mang danh xuất gia mà chẳng biết đến giới, định, huệ… toàn là hạng tăng không oai nghi, Tùng lâm bại hoại, khó thể kể hết.
Đến cuối đời Thanh, khi Thiền sư Hư Vân (Đức Thanh) đến lễ Sơ Tổ. Thấy toàn núi không ai chịu cho khách tăng ở tạm, đã than: “Đây là Đạo tràng của Sơ Tổ mà tông phong đọa lạc, luật giáo bất hảo đến thế…”, Ngài mới phát nguyện ra sức chấn hưng tùng lâm mười phương, làm mô phạm cho toàn núi.
Sư đến dưới ngọn Bát Vu, chọn ngay trên nền cũ của Am Bát Vu làm chỗ cư trú. Ngài bắt đầu xẻ núi, đào đất, xây nên chùa Nghinh Tường, phải mấy năm mới xây xong. Quy củ Tăng già từ đây được chỉnh đốn. Cũng năm ấy, Sư vào Kinh đô thỉnh Đại Tạng Kinh, được vua ban Tử y, sắc đề biển ngạch, phong tên chùa là “Hộ Quốc Chúc Thánh Thiền Tự”. Sư vâng chỉ trở về núi tiến hành mọi việc.
Năm nay, Sư thăng tòa, giảng Kinh Lăng Nghiêm, thì cây dẻ to ở trước sân bỗng trổ hơn mấy mươi đóa Ưu Bát Đàm. Hoa to bằng cái chậu hình dáng giống như hoa sen, sắc tợ vàng ròng, bên trong có nhụy thơm, rất tinh khiết. Hoa nở mấy tháng chưa tàn, ai chiêm ngưỡng cũng tấm tắc khen, cho là lạ lùng, hi hữu. Núi Kê Túc nhiều năm chẳng được nghe đến Phật pháp, nay đã có phúc duyên được nghe, duyên hi hữu cũng giống như Hoa Đàm ngàn năm xuất hiện. Điềm lành này thật không thể nghĩ bàn.
Vào đời Minh, lúc Đại sư Hám Sơn chưa xuất gia, trước sân chùa có trồng cây chuối, cũng trổ ra một đóa sen vàng, ngót ba tháng chưa tàn. Về sau, quả nhiên Ngài là bậc Thầy của trời người. Khi Ngài dời đến Quảng Đông, hưng long đạo tràng Lục Tổ, lập pháp hội ở chùa Pháp Tánh, trước sân đó cũng lại trổ một đóa sen vàng. Thường khi đạo Pháp hưng thịnh, ắt có điềm lành ứng hiện, báo trước. Có thể nói rằng, các bậc cổ đức cao tăng, đức hạnh sáng chói như mặt trời mặt trăng, đạo phong bao trùm trời đất, không phải chỉ có một mà thôi…
Lúc Lục Tổ chưa xuất hiện, cây Bồ-đề đã được trồng trước ở nơi giới đàn. Khi Ngài La Thập chưa đến, thì trong hoa sen đã hiện hình lâu đài… Các điềm lành như thế, trong giáo điển đều có ghi rõ. Cũng vậy, lúc ngài Hư Vân đến đây giảng Kinh, cây dẻ già bỗng trổ bông Ưu Đàm. Khi Ngài truyền giới ở Vân Thê, cây mai khô lại trổ hoa sen phả hương thơm ngào ngạt… qua điềm lành này, có thể đoán rằng Phật pháp tỉnh Điền sẽ hưng thịnh không kém đời Nguyên, Minh ngày xưa.
Mùa thu tháng 9 năm Mậu Tuất. Đệ tử Bồ Tát giới Trương Phác Hoằng thành kính ghi.”
Phụ lục chuyện Ngài Hư Vân kể:
Thị Giả Sùng Pháp
Lúc tôi ở chùa Chúc Thánh núi Kê Túc, thì Sùng Pháp làm thị giả, tính chú hiền lành thật thà. Đầu năm Dân Quốc, Quan Hiệp thống Lý Căn Nguyên kéo binh lên Kê Túc, tiến hành việc hủy chùa, đuổi Tăng. Tính mạng Tăng chúng toàn núi muôn phần đáng lo. Lúc đó, ông Lý dòm thấy Sùng Pháp mặt mũi thông minh dễ mến nên rất có cảm tình, liền bảo chú dẫn ông đi xem xét khắp nơi. Vừa dẫn ông đi, Sùng Pháp vừa cố gắng giải thích, phân trần cho ông Lý hiểu là Tăng chúng trong chùa đang bị oan. Lý nghe lời Sùng Pháp, truyền dừng ngay ác lịnh, toàn núi nhờ đó mà được an.
Sùng Pháp xuất gia ở chùa Nam Sơn thuộc thị trấn Nam Châu, chùa này có được mấy mươi mẫu đất, bị quan tịch thu hết. Lý điều tra biết được, buộc quan địa phương phải trả lại và Lý chỉ định cho Sùng Pháp được đến đấy làm Trụ trì chùa Nam Sơn, nhưng Sùng Pháp nhất quyết không chịu, chỉ xin ở lại làm Thị giả cho tôi mà thôi.
Gặp lúc tôi đảm nhiệm việc Giáo hội nên bận bịu tất bật, thường đi rày đây mai đó, bôn ba nhọc nhằn, Sùng Pháp đang bệnh mà vẫn ráng theo phụ giúp, nhưng giữa đường, bệnh phát nặng và chú lìa đời. Trải qua ba ngày, diện mạo nhìn giống như còn sống. Tôi xót thương lắm, trà tỳ xong đem xương cốt về chùa Cung Trúc, cho nhập tháp Phổ Đồng. Thấm thoát đã mấy năm trôi qua, chuyện cũng đi vào quên lãng.
Đến năm Dân Quốc thứ 6, tôi phải chở tượng Ngọc Phật từ Miến Điện về núi Kê Túc, lộ trình bắt buộc phải đi ngang qua đường Kim Ngưu, nơi này là vùng chiếm đóng của bọn cướp nổi tiếng hung dữ và gian ác. Chúa đảng tên Trương Kết Ba, thuộc dạng giết người không gớm tay. Chúng thường ra tay cướp bóc quấy nhiễu chung quanh, nên chẳng ai dám léo hánh qua lại chốn này. Vì vậy phái đoàn tôi đi trên đường, bỗng thành món mồi béo bở, vì nội lừa ngựa chuyên chở tính ra có mấy chục con, nếu quy thành tiền thì giá trị cũng đến mấy mươi vạn. Mà con đường này tiến, lui đều khó, dễ rơi vào vực thẳm. Đã đi là không thể dừng, tôi chỉ còn nước bắt buộc phải liều mạng, xông lướt hiểm nguy…
Khi cả đoàn đã tới được quán trọ, hành lý đồ đạc, lừa ngựa… tất cả đều phải để ngoài cửa. Tôi ngồi tịnh tọa một hồi, thần trí như đang mơ màng… thì bỗng thấy Sùng Pháp bước vào, dáng vẻ giống hệt lúc còn sống. Chú đắp y, trải tọa cụ ra lễ bái, thưa:
-Bạch Thầy! Thầy đừng lo, trên đường lúc nào cũng có đệ tử luôn theo hầu Thầy, tối nay bọn phỉ không tìm tới đâu!
Tôi biết là hồn phách anh linh, liền tặng cho chú một chưởng, nói:
– Ông chết rồi, còn tới đây gạt tôi!…
Đột nhiên tôi tỉnh giấc, Sùng Pháp cũng biến mất.
Đêm đó quả nhiên hoàn toàn an ổn, không xảy ra chuyện gì.
Tôi âm thầm thương cho Sùng Pháp, trong cõi u minh vẫn cố theo hầu tôi không rời, tặng cho chú một chưởng, ngay đó liền tỉnh.
Sùng Pháp là đồ đệ ưu tú thông minh, hiền lành, chân thật. Trong lúc bệnh nặng vẫn ráng theo lo cho tôi, vì Phật sự bôn ba, đến nỗi phải bỏ mình giữa đường. Chú là một Tăng sĩ mẫu mực, có đủ tác phong mô phạm. Vì vậy nên tôi cho ghi vào đây.
TUYÊN THỐNG 3 (1911) TÂN HƠI – 72 TUỔI
Mùa xuân, sau khi truyền giới xong, tôi cho khai bảy thất, trong 49 ngày, đề xướng tọa hương, tổ chức kiết hạ an cư và tất cả nghi lễ… Đến tháng 9, phong trào cách mạng Vũ Hán lan đến tỉnh Điền, khiến vùng này xảy ra biến loạn lớn. Huyện Tân Xuyên bị vây hãm suýt xảy ra đại họa. Vì quan Thống binh Lý Căn Nguyên hiểu lầm, kéo binh đến vây hãm và phá chùa trên núi Kê Túc, tôi phải giải thích cho ông rõ. Lý lui binh và xin quy y Tam Bảo.
(Những kỳ công của mình, ngài Hư Vân chỉ nhắc sơ qua. Song trong Điền Nam Ký Sự có thuật lại đầy đủ về đức độ của Ngài):
“Sư ở tỉnh Điền, ngoài việc hoằng pháp độ sinh, đã dẹp yên được nhiều họa lớn khó tưởng tượng nổi, xin lược ghi vài chuyện như sau:
Dàn xếp giúp Trương tri huyện
Năm Tuyên Thống cuối cùng, Tri huyện Tân Xuyên là ông Trương, người Trường Sa, tính tình hung hãn, ưa gây sự. Ớ Tân Xuyên có nhiều trộm cướp, hễ Trương bắt được là giết thẳng, cương quyết thanh trừng đến cùng, do vậy mà lạm sát rất nhiều người. Đạo tặc ngày càng bành trướng, kết bè lập hội… Giới Thân sĩ vì muốn thoát nạn cướp bóc, sống an, muốn duy trì được tài sản, bất đắc dĩ phải ghi tên gia nhập vào hội của chúng. Do vậy mà họ vướng lụy, bị Trương gia hình. Chư Tăng ở Kê sơn lỡ làm sai luật pháp, cũng bị bắt mấy mươi người, Trương chỉ kính trọng có Hòa thượng Hư Vân thôi.
Khi cách mạng Tân Hợi bùng nổ, dân Tân Xuyên hưởng ứng trước nhất, nhóm đảo chính hè nhau bao vây huyện. Trương lo cố thủ bên trong, lúc này bên ngoài lại không có binh cứu viện, xem như ông cầm chắc cái chết trong tay. Hòa thượng Hư Vân thấy tình hình nghiêm trọng, liền xuống núi, đi thẳng đến huyện. Đám đông vây thành thấy Ngài liền nói:
-Tên quan này là kẻ cùng hung cực ác, Sư hãy dụ hắn ra đây để tụi này giết quách đi cho hả giận!
Sư ậm ừ… Sau đó gặp tên thủ lĩnh phe đảo chính, y cũng ngỏ ý như thế, Sư bảo:
-Giết ông Trương không khó, chỉ sợ lời đồn không tốt lan xa. Vì đại sự chưa chắc chắn mà các ông đã vội vây thành giết quan, lỡ như viện binh đến, các ông sẽ bị trừng phạt và rước lấy kết cục không hay…
Thủ lĩnh hỏi:
-Vậy phải làm sao?
Sư ôn tồn góp ý:
-Thành Đại Lý cách đây hai ngày đường, Nghe kể quan Bố chánh Tứ Xuyên đã cử Vương công đến đó trấn nhậm rồi, các ông hãy đến Đại Lý mà kể tội ông Trương, tức nhiên ông ta sẽ bị xử theo luật, còn các ông thì không mắc tội vạ gì…
Thủ lĩnh nghe có lý, bèn truyền lui binh và nhường đường cho Sư đi vào thành. Lúc này ông Trương đang vác súng ống chuẩn bị cho trận đại tử chiến. Thấy Sư, ông bắt tay chào, nói:
-Tôi sắp ra đi vì nghĩa đây! Mớ xương tàn này phiền Thầy đắp cho một nắm mồ ở Kê Túc là đủ.
Sư an ủi:
-Không sao đâu! Lúc này các Thân sĩ do Trương Tỉnh Cán lãnh đạo đang rất được lòng dân, hãy mời ông ta đến đây hòa giải thì ổn thôi.
Quả nhiên khi Tỉnh Cán bàn bạc thương nghị xong thì đám người nổi loạn đều rút lui.
Tỉnh Cán sang Đại Lý, gặp Vương công đang kéo binh từ Đại Lý đến giải vây cho Trương tri huyện và hô tống ông ta rời khỏi huyện. Tỉnh Điền được độc lập. Sát Ngạc được bổ làm Đô đốc tỉnh Điền. Con trai ông Trương là bạn đồng học với Ngạc cũng được cử làm Trưởng ty Ngoại Giao. Sau sự cố này, ông Trương gởi thơ, hết lòng cảm tạ Sư:
“Ân đức của Ngài rất lớn, Ngài không chỉ cứu sống một mình tôi mà còn tạo phúc cho muôn dân ở Tân Xuyên. Bởi, nếu tôi có mệnh hệ nào, thì mối thù giết cha lẽ nào con tôi không rửa hận?…”
Chỉ một chuyện này thôi, cũng đủ thấy tầm quan trọng của việc Sư làm.
Giúp Tây Tạng thoát họa chiến tranh
Năm Dân Quốc vừa được thành lập, Đức Phật sống Tây Tạng cho rằng nước mình xa xôi hiểm trở, không chịu đổi cờ (theo Trung Quốc). Chính quyền Trung Quốc liền sai Ân Thúc Hoàn tỉnh Điền làm Tổng Tư Lịnh kéo hai Đại đội binh đi đánh Tây Tạng. Quân tiền phong đã đến Tân Xuyên, Sư rất lo, sợ vùng biên giới nổ ra ác chiến thì tai họa khó lường, Ngài bèn đi theo đoàn quân tiền phong đến Đại Lý, tìm gặp Ân Thúc Hoàn, góp ý:
-Người Tây Tạng vốn tin Phật, sao Ân Đoàn trưởng không phái một người giỏi Phật lý đến thương thuyết, tránh được cảnh dấy động can qua?
Ân nghe nói có lý, bèn thỉnh Sư đại diện thương thuyết giùm. Sư giải thích:
-Tôi là người Hán, đến đó e khó thành công. Chi bằng Ngài hãy đến Lệ Xuyên cầu thỉnh Lạt- ma Đông Bảo, vị này là bậc đạo cao đức trọng, rất được dân Tây Tạng yêu kính, tin tưởng, từng được phong là Tứ Bảo Pháp Vương… nếu Lạt-ma Đông Bảo nhận lời thì việc sẽ thành công.
Ân Thúc Hoàn bèn phái người theo Sư đến thỉnh cầu Lạt-ma Đông Bảo. Mới đầu, Lạt-ma khăng khăng từ chối, viện cớ rằng mình đã già yếu. Sư thấy vậy liền nói:
-Họa dụng binh của Triệu Nhĩ Phong dân Tây Tạng đến nay hãy còn kinh hồn bạt vía, lẽ nào Ngài tiếc ba tấc lưỡi của mình mà đành để cho ngàn vạn sinh mạng lẫn tài sản của bao người lâm vào cảnh thương vong?…
Nghe đến lời này, Lạt ma Đông Bảo liền đứng bật dậy, cúi đầu chắp tay vái tạ Sư và nói:
-Tôi đi! Tôi sẽ đi!
Lạt Ma đi cùng Sư Pháp Ngộ vào Tây Tạng. Thương thuyết xong, tỉnh Điền bãi binh. Dân Quốc thống nhất thành một nước. Trước đây, nhiều năm xứ Tây Khang và Tây Tạng thường xích mích với Trung Quốc, chiến tranh nổ ra dai dẳng không ngừng, sau cuộc thương thuyết trên, suốt 30 năm được bình an vô sự.
Hóa độ Lý Căn Nguyên
Sư rước Tạng Kinh về tỉnh Điền, sắp xếp phân phối và giáo hóa, các quan lại sĩ phu trong vùng, ngày càng kính ngưỡng Sư. Dân chúng từ già đến trẻ, không ai mà không biết đến Hòa thượng Hư Vân.
Khi cách mạng Tân Hợi thành công, vua Thanh mất ngôi, phong trào hủy chùa đuổi Tăng bộc phát lan khắp các tỉnh. Lúc này toàn bộ binh quyền tỉnh Điền đều thuộc về quan Nhiếp thống Lý Căn Nguyên. Ông kéo một đội binh hùng hậu đi khắp nơi tiến hành việc đuổi Tăng phá chùa. Nghĩ rằng Sư chỉ là một Hòa thượng quèn mà lại có khả năng mê hoặc lòng dân thái quá, nên ông chỉ đích danh Sư, truyền lệnh bắt, tai họa xem ra khó lường. Tăng chúng các nơi đều trốn hết. Riêng chùa của Sư có hơn trăm chúng, cũng bị kinh hoảng lây. Mọi người khuyên Sư nên trốn đi lánh nạn… Sư điềm nhiên bảo:
-Quý vị ai muốn đi thì cứ đi. Phần tôi, nếu đấy là nghiệp báo của mình, thì có trốn tránh cũng vô ích. Thà tôi đem thân này theo Phật…
Để Phật giáo tồn tại làm cái quái gì?
Nghe vậy Tăng chúng chẳng ai muốn bỏ đi, đồng tình nguyện ở lại. Vài ngày sau, quan Nhiếp thống Lý Căn Nguyên kéo binh đến chân núi, trước tiên ông đóng quân ở chùa Tất Đàn, ra lịnh cho binh lính lên Kim Đỉnh phá hủy tượng đồng Đại vương, Điện Phật và Điện Thờ Chư Thiên trên núi Kê Túc. Sư thấy tình thế cấp bách, bèn một mình xuống núi, đến tận cửa doanh trại, xin yết kiến ông Lý. Lính gác thấy Sư, bàng hoàng kinh hãi, đã không dám vào bấm báo mà còn thúc hối Sư hãy mau mau trốn đi, kẻo không họa dữ ập xuống, nguy hiểm khó lường… nhưng Sư chẳng nghe, cứ bình thản đi thẳng vào. Thấy Lý Căn Nguyên cùng quan Bố chánh Tứ Xuyên (là Triệu Phiên) đang ngồi trong điện. Sư cúi chào, Lý không thèm nhìn đến. Triệu Phiên có quen biết Sư nên hỏi thăm: – “Ngài đến có việc gì?”… Sư thuật lại việc vừa xảy ra. Lúc này Lý mặt bừng bừng sắc giận, thịnh nộ quát to:
-Để Phật giáo tồn tại làm cái quái gì, nào có ích chi đâu?…
Sư thưa:
-Thánh nhân lập giáo cốt để giúp đời lợi dân, dạy người sơ cơ tu sửa thân tâm, làm lành lánh dữ. Từ ngàn xưa đến nay, chính trị và tôn giáo luôn song hành, hỗ tương nhau. Chính trị giúp an dân, còn tôn giáo giúp cảm hóa dân, dạy dân chỉnh đốn đức hạnh. Đạo Phật dạy người điều tâm, vì tâm là gốc, nếu gốc được chánh thì vạn vật được yên, thiên hạ thái bình.
Mặt Lý dịu lại, y nói:
-Cho dù là vậy thì cũng chẳng nên đúc tượng tạc hình làm chi, chỉ tốn uổng phí tiền bạc….
Sư thưa:
-Phật dạy: Dùng tướng tiêu biểu cho Pháp. Nếu không dùng tướng để biểu trưng thì Pháp chẳng thể lan rộng, chẳng thể giúp người sinh tâm kính sợ. Mà lòng người nếu không biết kính sợ, thì không điều ác nào mà không làm – Vì không có sự nể sợ kìm cương thắng bớt… nên họ sẽ không cẩn thận lúc gieo nhân và hành động dễ rơi vào sai, trái. Do vậy mà tai họa loạn lạc sẽ phát sinh. Còn nói theo thế tục thì: “Nê Sơn lễ Thánh, Đinh Lan đẽo cây” Ớ nước ta các tộc họ đều có nhà Từ đường, thậm chí còn thờ phụng danh tượng của các nước Đông, Tây. Tượng được tôn tạo, chẳng qua là giúp người sinh tâm tin kính, có chỗ để quy hướng. Nhờ có lòng kính tin, người ta mới biết sợ tội tạo phúc, từ đó sinh ra biết cẩn trọng dè dặt trong mọi hành động. Cho nên hiệu quả và công đức của việc này không thể nghĩ lường. Song nói cho cùng thì “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai”.
Mặt Lý tươi dần. Ông gọi người mang trà đến mời Sư và hỏi tiếp:
-Nhưng… sao tôi thấy có nhiều Hòa thượng hành sự không đàng hoàng, làm lắm chuyện kỳ cục để thành hạng phế thải của quốc gia?
Sư thưa:
-Hòa thượng là từ dùng để gọi cho có sự khác biệt. Đừng vì chứng kiến vài tu sĩ không xứng đáng mà phế hết chư Tăng. Lẽ nào thấy một-hai vị Tú tài tệ lậu mà trách đức Khổng Tử? Như hiện giờ Ngài thống lĩnh binh lính, mặc dù quân kỷ có nghiêm minh, song không có nghĩa là tất cả binh sĩ đều thông minh, chính trực như Ngài! – Biển không bỏ loài tôm loài cá, dung chứa hết tất cả nên mới gọi là lớn. Phật pháp cũng giống như biển, không gì mà không dung. Tu sĩ là người được Phật cảm hóa, mộ đạo nên phát tâm xuất gia, hộ trì Tam bảo, họ âm thầm sửa đổi và chuyển hóa lặng lẽ, có hiệu quả lợi ích rất lớn, không phải là hạng phế thải như ông nghĩ đâu!
Vẻ bất bình đã tiêu tan, nét hài lòng lộ ra mặt. Lý phấn chấn đàm đạo với Sư. Thỉnh thoảng mĩm miệng cười, chốc chốc lại gật gù tâm đắc… cử chỉ không còn xấc xược ngạo mạn nữa… đầu ông càng lúc càng cúi thấp, ra chiều rất cung kính.
Rồi… Lý mời Sư ở lại dùng cơm, thắp đuốc đàm đạo đến khuya. Sư tiếp tục giảng về nhân quả phân minh, lưới nghiệp chặt chẽ… sau đó bàn đến nghiệp báo nhân duyên, thế giới tương quan, chúng sinh tương tục, lời rộng ý sâu… càng nghe càng thích. Lúc này, Lý đã thưa thốt ôn tồn, cư xử nhũn nhặn. Sự nể trọng Sư thể hiện hết ra mặt, Lý đối với Sư cực kỳ lễ phép. Khi Sư giảng xong, Lý thở dài, tỏ vẻ hối hận, nói:
-Phật pháp cao siêu như vậy mà con không hiểu thấu, đến nổi kéo quân đi giết Tăng phá chùa, tạo tội ác nghiêm trọng, giờ biết phải làm sao?…
Sư bảo:
-Đây chỉ là do phong trào nhất thời khiến vậy, chẳng phải lỗi của ông. Mong rằng từ đây về sau, ông dốc sức bảo vệ hộ trì đạo pháp thì công đức này rất lớn….
Lý nghe Sư nói vậy rất mừng. Hôm sau ông theo Sư về chùa Chúc Thánh, ở chung với chúng Tăng, cùng ăn chay mấy hôm. Lúc này trong núi bỗng hiện ánh Đại kim quang, sắc vàng chói lọi, từ đỉnh núi đến cỏ cây, đều phủ màu hoàng kim. Nghe kể rằng: trong núi có ba loại hào quang: Phật quang, Ngân quang và Kim quang. Phật quang thì năm nào cũng có, còn Ngân quang và Kim quang thì từ hồi khai sơn đến nay, chỉ hiện có vài lần. Tận mắt chứng kiến cảnh này, Lý xúc động lắm, càng thêm kính tin Phật, đối với Sư một bề thủ lễ đệ tử, Lý tôn Sư làm Tổng Trụ trì vùng Kê Túc, rồi dẫn binh đi.
Rõ ràng, nếu không nhờ đạo cao đức trọng của Sư cảm hóa, thì làm sao trong chớp mắt có thể dễ dàng chuyển đổi được Lý Căn Nguyên hóa dữ thành lành như thế?
Tiếp đến, Hội Phật giáo ở đất Hổ chế đặt hiến chương mới, gây đụng chạm chống trái khắp nơi. Sư phải ra Bắc đến Hổ, cùng Ký Thiền, Dã Khai hội họp. Xong, Sư vào lại Nam Kinh gặp Tôn Trung Sơn để thương lượng việc sửa đổi hiến chương. Mọi việc hoàn tất, Sư lại cùng Ký Thiền đến Bắc Kinh gặp Viên Thế Khải. Rồi Ký Thiền ngồi thị tịch ở chùa Pháp Nguyên, Sư lo liệu mọi việc xong thì đưa quan tài về Nam.
Sư đến tỉnh Điền, gặp Thái Ngạc, xin phép mở chi nhánh hội Phật giáo tại Điền Kiểm và cho xây Phật học viện, lập trạm bố thí thuốc, thuyết giảng kinh pháp, làm đủ Phật sự… nhờ có Lý Căn Nguyên hết lòng giúp đỡ nên mọi việc đều được chu toàn. Suốt 40 năm về sau, Lý đóng góp hết mình vì đạo. Bất cứ pháp hội nào, buổi giảng nào cũng có mặt ông tham dự. Giờ đây Lý là một vị Đại hộ pháp trung thành đắc lực, mộ đạo chí thành”.
DÂN QUỐC 1 (1912) NHÂM TÝ – 73 TUỔI
Ngài Hư Vân kể:
Sau khi trở về tỉnh Điền, tôi thành lập chi nhánh Hội Phật giáo tại Cung Văn Xương (Miếu thờ vua Vĩnh Lịch), tổ chức Đại hội, mời sư Liễu Trần lập chi hội ở Quí Châu. Đức Phật sống và các vị Lạt-ma từ Tây Tạng qua dự rất đông, cùng bàn việc lập Trường Phật học, Bệnh viện, Đoàn hoằng pháp, các hoạt động phúc thiện v.v…
Con sáo ở điền tạng
Năm ấy, ở Đại hội Phật giáo Điền Tạng, có một chuyện lạ nhỏ. Dân làng đem một con sáo biết nói đến phóng sinh. Mới đầu nó còn ăn thịt. Tôi quy y xong, dạy nó niệm Phật thì nó không chịu ăn mặn nữa. Sáo rất ngoan, dễ bảo, biết tự động bay ra, bay vào. Ngày nào nó cũng niệm danh Phật và Thánh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm không gián đoạn. Một hôm, nó bị chim ưng bắt đi, giữa không trung, vẫn còn nghe tiếng nó niệm Phật lảnh lót. Tuy nó mang thân thú nhưng lúc sắp xả báo thân, kề cận cái chết mà vẫn không bỏ niệm Phật. Lẽ nào làm người, lại chẳng bằng con sáo nhỏ kia ư?
Năm ấy, tôi ở lại Côn Minh hết mùa đông.
Năm này:
-Mồng 1 tháng giêng, Tôn Trung Sơn nhậm chức Đại Tổng thống lâm thời tại Nam Kinh.
-Tháng 2, vua Tuyên Thống tuyên bố thoái vị, nhà Thanh mất.
1. Động đất ở Côn Minh
Lúc tôi ở Côn Minh, Vân Nam tổ chức Hội Phật giáo thì toàn huyện Tích Nga, vào lúc 12 giờ đêm ngày mồng 2 tháng Giêng năm Nhâm Tý (1912), bỗng xảy ra trận động đất dữ dội: tường thành, nhà cửa, phòng ốc… đồng loạt đổ sập, người chết rất nhiều, chính quyền địa phương cùng Hội Phật giáo hợp lực cứu hộ. Tôi cũng đi theo, cùng mang dụng cụ đến phụ đào lấy thây người trong đống đổ nát. Trải qua năm ngày, số thi thể người lớn trẻ em lấy ra được tổng cộng hơn tám trăm. Trong đó có 84 cặp vợ chồng đang ngủ bị nạn. Kỳ lạ nhất là, có đôi vợ chồng bị chôn vùi nằm dưới đống đổ nát ngót mấy ngày, vậy mà khi được cứu lên vẫn còn sống và chẳng hề bị chút thương tích.
2. Thị giả Đăng Tịnh
Đăng Tịnh người Tứ Xuyên, Đồng Châu. Triều Thanh năm Tuyên Thống thứ 2, đến Chúc Thánh xin thọ giới. Tính tình thông minh lanh lẹ, tu học tinh tấn. Năm Dân quốc thứ Ba, vào giới kỳ mùa xuân Đăng Tịnh được mời làm Sư dần lễ, lúc này Sa di đầu đàn là Chân Tịnh, Có mượn của chùa 48 đồng. Thọ giới xong thì y bỏ về luôn.
Tiền nợ bỏ mặc, có đòi cũng không trả. Một hôm y gởi thư đến nói là đã có vị Sư nọ ở chùa Chúc Thánh đến đòi nợ và y đã trả hết rồi, còn bảo đến lấy chứng cứ (rằng có giấy tờ thường trụ đóng dấu hẳn hoi). Đăng Tịnh kiểm xem, nghi ngờ, nhìn kỹ, thì thấy dấu đóng trong phiếu đều là ngụy tạo. Giận lắm, muốn làm cho ra lẽ, nhưng tôi ngăn lại. Năm sau, đại dịch bộc phát, dân làng dưới chân núi chết hơn phân nửa, cả chùa đều bị nhiễm bệnh và chết cũng mấy người. Thị giả Đăng Tịnh cũng nhiễm bệnh nặng và qua đời.
Tôi cho chú bộ đồ lam mới, tắm rửa và thay đồ khâm liệm cho. Trà tỳ xong thỉ đưa nhập tháp. Hai năm sau (tức Dân Quốc thứ 5), vào giới kỳ ở chùa Chúc Thánh, Chân Tịnh lại đến, yên tâm vì nghĩ chuyện nợ nần của mình trước đây không còn ai truy cứu nữa. Hôm ấy, truyền Tỳ kheo đàn xong, tôi về thất không lâu, thì bên nhà khách báo rằng:
-Sư Chân Tịnh bỗng lăn ra chết giấc…
Tôi đến xem, thấy Chân Tịnh nằm ngất trên đất, miệng sùi bọt mép. Mọi người xúm lại niêm Phật cho y. Lát sau, y bỗng hét to rằng:
-Hãy mau cầm tiền lại trả cho thường trụ!…
Tôi hỏi Chân Tịnh: -Thế này là sao?
Y kể: – Sư thị giả Đăng Tịnh hiện tới, bắt con phải trả tiền đã vay cho thường trụ.
Tôi hỏi: – Lấy gì làm bằng?
Chân Tịnh thưa: – Con thấy ông ta mặc bộ đồ lam mới.
Tôi bèn khuyên vong linh Đăng Tịnh:
-Thôi con hãy bỏ qua đi! Nhân quả mỗi người tự làm, tự gánh.
Tôi nói vừa dứt lời thì Chân Tịnh hoàn hồn tỉnh lại. Nhưng lại bị chứng điên dại thất thường. Ngày nọ y ra quỳ thưa nơi Quả Đường rằng:
-Con bị bệnh hành do tánh hạnh bất chánh. Đăng Tịnh có lòng tốt đòi nợ giúp chùa, còn con lại tráo trở, làm lụy khiên thường trụ chẳng an, nay xin phát lộ sám hôi, kính trình mọi người rõ để chấm dứt một lỗi nặng đã chịu trừng phạt…
Thưa xong, Chân Tịnh hết bệnh, lấy giấy tờ rồi đi.