NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN BỐN

Chương sáu

Ngày 26 tháng 5 năm 1991

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ một trăm hai mươi tám về kinh Hoa Nghiêm và cũng là buổi thuyết giảng thứ mười lăm về Đại Bát Nhã tại chùa này.

Trước hết tôi xin thông báo là đã nhận được một bức thư từ Việt Nam viết sang nói rằng chùa Vạn Đức, chùa mà Thượng Tọa Thích Trí Tịnh đang trụ trì, đã nhận được ba trăm đô la của Ban Hoa Nghiêm chúng ta gửi rồi.

Chúng ta sinh nhằm thời mạt pháp này. Thời chánh pháp thường kéo dài một ngàn năm trong khi đức Phật còn sinh thời, nhưng đức Phật Thích Ca chỉ có năm trăm năm chánh pháp thôi. Sau đó là đến kỳ của chúng ta.

Kinh thường nói rằng, trong thời chánh pháp, căn cơ người tu rất cao và nhà Phật gọi đó là giải thoát kiên cố, tức là những vị tu thời ấu căn cơ cao, và lúc nào cũng hướng đến giải thoát, không chịu ngừng ở giữa đường, vì thế được gọi là “giải thoát kiên cố.” Kiên cố tức là vững chắc không gì lay chuyển nỗi. Vì vậy, kinh thường kể, có những vị đến nghe đức Phật giảng pháp lý vi diệu thì nhiều khi chỉ cần nghe một buổi kinh, hoặc hơn thế nữa, chỉ cần nghe một câu Phật dạy là đắc quả ngay. Sang đến thời tượng pháp, tức là thời kỳ khoảng độ vài trăm năm sau tây lịch, thời này căn cơ người tu đã kém đi ít nhiều, nên không còn được gọi là giải thoát kiên cố nữa mà gọi là thiền định kiên cố. Tức là những vị này có tu tập, có thiền định, nhưng thường họ chỉ dừng chân trong thiền định để hướng sự an lạc trong ấy mà không muốn khởi tâm đi lên nữa. Nên các ngài có thể có được định lực nhưng không tới được giải thoát, đồng thời chỉ hưởng cái trầm không thú tịch thôi. Đúng như thời kỳ bên Tàu nở ra những phái thiền, và thiền đốn ngộ. Chừng khoảng một ngàn năm gần đây, đã bước qua thời kỳ mạt pháp. Thời mạt pháp này kéo dài suốt thời kỳ kiếp giảm, tức còn rất lâu. Trong thời kỳ này, căn cơ người tu rất kém, phần nhiều cầu quả hữu lậu, đi chùa, lễ lạy lấy phước, ít chịu tụng kinh và nghe pháp, nên thường không hiểu giáo lý nhà Phật như thế nào. Trong thời mạt pháp, đức Phật huyền ký đó là thời đấu tranh kiên cố, giỏi lắm là chỉ đến đa văn kiên cố, và tăng, ni thường hay phạm giới, nhiều khi không có thời công phu và chỉ thích làm chùa đẹp, thật to, kinh gọi là tháp tự kiên cố.

Trong thời đấu tranh này, lúc nào chúng sanh cũng chạy theo vật, luôn luôn thích bạo động, còn người tu tại gia khá nhất chỉ đến mức đa văn kiên cố thôi, tức là cũng chịu khó dọc kinh sách Phật giáo, nhưng không tu tập gì mấy, giới thì không giữ nổi bao nhiêu, lại không thiền định, phần nhiều chỉ đa văn thôi, hiểu kinh mà không thấu nghĩa lắm, hành trì lại kém. Còn người xuất gia thường chỉ thích làm chùa to, trong đó có một vị sư nhỏ, lúc nào cũng bận bịu những việc thế sự, nên phần tâm linh có phần lơ là không ít. Sở dĩ tôi nói như thế chỉ là vì muốn nhắc rằng chúng ta ngày nay thường phải chọn lựa để tu theo pháp môn nào hợp với căn cơ của mình. Như ở Việt Nam trong thời Lý, Trần, dân chúng tu theo thiền định nhiều, và kèm theo tụng chú. Nhưng sau đó khoảng mấy trăm năm, họ lại chuyển sang tịnh độ và tham bác thêm tụng chú.

Nhân thể mới đây, có một vài phong trào thiền khuyên ngươi ta không nên tụng kinh và nên bỏ bàn thờ, vì vậy tôi xin đọc cho quí vị nghe một đoạn luận ngắn. Đoạn luận ngày xưa này nói rõ rằng, ngay tới những vị A La Hán, là những vị chỉ thuần tu thiền định mà rồi về sau cũng phải sang tịnh độ. Tôi vẫn thường nói trong ban kinh này, cửa ải Cực Lạc là một cửa ải ai cũng phải đi qua, dù là đi con đường nào cũng phải qua đó để có thể lên được vô sanh pháp nhẫn, sau đó mới sẽ thành Phật. Như trong kinh Hoa Nghiêm có nói rõ rằng có những thế giới tịnh, bất tịnh, thế giới diệu, thế giới uế v.v…, mà tu hành chính là để vượt khỏi thế giới uế này để sang thế giới tịnh rồi mới có thể lên cao được. Lên xong rồi lại trở về thế giới uế để độ sanh.

Nhưng từ xưa đến nay, chưa có một người nào nói rằng các vị A La Hán rồi cũng phải sang Cực Lạc cả. Nên hôm nay, tôi muốn đọc cho quý vị nghe đoạn đó. Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, ngài dạy cho các bậc Thanh Văn chỉ một phần rất nhỏ, ngài chỉ nói rằng các vị Thanh Văn vào Niết Bàn như củi hết, lửa tắt. Nhưng không nói các vị ấy đi đâu sau khi bỏ báo thân máu thịt này. Và trong kinh Pháp Hoa nói rõ đó chỉ là Niết Bàn hóa thành thôi.

Vậy thì các vị Thanh Văn sau khi bỏ báo thân này thì sẽ đi đâu? Và “củi hết, lửa tắt” có ý nghĩa gì?

Củi hết là tam độc tham, sân, si của các ngài đã hết. Mầm mống sinh tử không còn, vì thế không phải bị thọ sanh phân đoạn sanh tử, tuy vào một nơi vắng lặng tạm gọi là Niết Bàn, nhưng không phải là Đại Niết Bàn Tịch lĩnh của Chư Phật. Vì các ngài còn rất nhiều những biến dịch sanh tử, và các vị độn căn A La Hán, không hiểu được Diệu Tâm và không chịu tu lên nữa. Nhưng không vì thế mà có một nơi để các vị ngồi chơi mãi trong ấy, vì vận hành của pháp giới này bao giờ cũng là phải trở về Diệu Tâm và Nhập pháp giới trọn vẹn. Nhưng đức Phật đôi với các vị Thanh Văn sinh thời, ngài cũng không nói rõ, mãi đến khi ngài giảng Pháp Hoa mới nói đó chỉ là Niết Bàn hóa thành mà thôi, rồi thời kỳ Hoa Nghiêm ngài mới nói rõ đến việc “Nhập pháp giới.”

Nay, tôi xin đọc cho quý vị nghe một đoạn luận nói rằng tất cả các vị A La Hán, sau khi bỏ báo thân, đều được đức Phật đưa qua biên địa bên Cực Lạc, ngồi trong hoa sen báu được chư Phật phóng hào quang, gột rửa những ám độn, để có thể phát Tuệ Giác Vô Thượng, sau đó mới phát bồ đề tâm, vào bồ tát đạo đi đến Phật quả.

Sỡ dĩ tôi phải tìm tòi từng đoạn kinh, đoạn luận đem ra nói để cho quý vị thêm tín căn sâu chắc về con đường Tịnh độ, vì đó là con đường giải thoát rốt ráo trong thời mạt pháp này.

Đây là một đoạn luận do ngài Narada, một vị tu theo Nam Tông, trích dẫn trong cuốn “Đức Phật và Phật Pháp” trang 595. Đây chỉ là một đoạn luận nhưng ý kiến rất hợp với giáo lý đại thừa. Và khẳng định rằng tất cả những người tu hành, dù muốn hay không cũng phải sang Cực Lạc, mới đắc được Vô Sanh Pháp Nhẫn (Đệ bát địa Bồ Tát).

ĐOẠN LUẬN: Những vị đại đệ tử Thanh Văn đã chứng ngộ hai hạng tuệ giác là Thanh Văn Giác, và Độc Giác, trong khi còn và sau khi thân ngũ uẩn chấm dứt, vẫn còn tâm sợ sệt…

GIẢNG: Nghĩa là trong khi còn thân này, vào hữu dư niết bàn, và sau khi mất thân này vào vô dư niết bàn, thì vẫn còn tâm sợ sệt, vì tam độc chưa tẩy sạch những tập khí cũ.

LUẬN: Bởi vì các ngài chưa đạt được đại bi và trí huệ cao thượng.

GIẢNG: Tức là các ngài mới chỉ có tâm từ bi thường, và trí huệ bát nhã theo lối Thanh Văn, nên tâm vẫn còn rung động, đôi khi còn sợ sệt.

LUẬN: Do sự chấm dứt sinh lực…

GIẢNG: Chúng ta sở dĩ thọ sanh làm người hoặc các loài chúng sanh hữu tình khác là do trong tâm chúng ta có nhiều kiết sử, nhiều tham, sân, si khiến chúng ta phải đi thọ sanh. Nhưng các vị A La Hán đã diệt hết mầm mống tham sân si rồi nên dứt được phân đoạn sanh tử, không phải mang thân máu thịt này, không phải thọ sanh làm người hay làm chưThiên v.v… Nhưng tình trạng này chỉ tạm gọi là vào Niết Bàn Hóa Thành thôi, vì khi chấm dứt mầm mống ấy, là chỉ chấm dứt được phân đoạn sanh lử, mà chưa chấm dứt được biến dịch sanh tử.

LUẬN: Tạo nên bởi những năng lực trong quá khứ, các ngài có thể đắc niết bàn, tuy nhiên trong thực tế, các vị thánh tiểu thừa chỉ thành tựu một cái gì mường lượng như niết bàn gọi là Niết Bàn, giống như ánh sáng b| dập tắt.

GIẢNG: Cũng như hồi nãy tôi nói đến chữ “củi hết, lứa tắt” Củi hết là thân phân đoạn sanh tử không còn, như ánh sáng bị dập tắt.

LUẬN: Không còn trở lại tam giới nữa…

GIẢNG: Tức là không trở lại trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Nhưng phải trở lại những cõi khác vi diệu hơn.

LUẬN: Nhưng sau kiếp sống trần gian này chư vị A La Hán sẽ tái sanh vào cõi thanh tịnh nhất, trong cảnh giời hoàn toàn tinh khiết, ở trong một trạng thái xuất thần nhập hóa, mơ mơ màng màng bên trong những cánh hoa sen…

GIẢNG: Chư Phật đưa các vị A La Hán sang Biên Địa, nằm trong hoa sen xuất thần nhập hóa mơ mơ màng mang.

LUẬN: Sau đó đức Phật A Di Đà cũng như các vị Phật khác giống như vầng thái dương đã đem các ngài lên gột rửa, cho trí huệ được trong sáng, từ đó chư vị A La Hán tận lực tiến đến giác ngộ tối thượng và mặc dầu đã đạt được trạng thái giải thoát (tức là giải thoát tiểu thừa), các ngài hoạt động trong thế gian hữu vi cũng giống như các ngài đi xuống địa ngục. Rồi tích trữ dần dần yếu tố cần thiết của đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác, các ngài trở thành đạo sư của tất cả chúng sanh.

GIẢNG: Đó là hết đoạn luận. Đây là điểm từ xưa không ai nói tới, mà bên Nam Tông không ai biết đến Tịnh Độ cả. Còn bên Đại Thừa thì có những người chê bai Tịnh Độ. Nhưng trong các kinh như Hoa Nghiêm, Quán Vô Lượng Thọ v.v… đều khuyến tấn người cầu vãng sanh Tịnh Độ.

Tôi dám nói chắc rằng ở thời mạt pháp và trong cõi uế độ này không ai có thể tu tự lực mà đắc được vô sanh pháp nhẫn, phải cầu sang Tịnh Độ mới có thể lên đến mức độ ấy. Mà vô sanh pháp nhẫn chỉ mới là đệ bát địa, phải đi thêm bốn bậc nữa mới lên đến Phật quả.

Tiếp theo đây là đoạn kinh của Hoa Nghiêm, phẩm thập địa, nói rằng khi một vị Bồ Tát tu hành lên đến đệ thất địa, Viễn Hành Địa. Viễn hành là đi xa, tức là đi từ cõi uế sang cõi tịnh thì gọi là “đi xa,” sau đó lại trở về cõi uế để độ sanh.

Từ sơ địa đến đệ thất địa, các vị Bồ Tát tu lục độ, nhưng tu với cái tâm hữu công dụng, nghĩa là nghĩ rằng có mình làm, có người thọ dụng và có quả đắc. Nhưng bắt đầu đến địa thứ bảy trở lên, các ngài vẫn tu lục ba la một nhưng với tâm vô công dụng hạnh, làm mà như mình không làm vậy, độ chúng sanh, đồng thời cũng quán chiếu thấy người độ và kẻ được độ cũng là không, rồi cái hành vi độ cũng không. Và bắt đầu từ đây, các ngài mới vào chỗ biến hóa không cùng, vi diệu hết sức. Khi tới chỗ này rồi thì phải “đi xa,” vượt từ cõi uế sang cõi tịnh để đắc vô sanh pháp nhẫn, được pháp thân Bồ tát, được thân không phải thai sanh, lúc đó sẽ trở lại cõi uế độ độ sanh.

Tôi xin trích một đoạn trong Hoa Nghiêm, trang 334 cuốn số bốn.

KINH: Chư Phật tử, ví như có hai thế giới, một thời tạp nhiễm, một thời thuần tịnh.

GIẢNG: Pháp giới này chia làm hai, một phần là thế giới thanh tịnh, và một phần là uế độ (như cõi Ta Bà của chúng ta).

KINH: Chặng giữa của hai thế giới này khó qua được.

GIẢNG: Từ cõi uế chuyển sang được cõi tịnh rất khó qua.

KINH: Chỉ trừ bậc đại Bồ Tát có đại thần thông phương tiện huệ. Chư Phật tử, Bồ Tát ở các địa cũng như vậy, có tạp nhiễm hạnh, có thanh tịnh hạnh, chăng giữa của hai hạnh này khó qua được, chỉ trừ đại Bồ Tát có đại nguyện lực phương tiện trí huệ mới có thể qua được. Giải Thoát Nguyệt Bồ Tát hỏi: Thưa Phật tử, bảy địa Bồ Tát này là nhiễm hạnh hay tịnh hạnh?

GIẢNG: Bảy địa Bồ Tát là từ sơ địa đến thất địa.

KINH: Kim Cang Tạng Bồ Tát nói, thưa Phật tử, từ sơ địa đến đệ thất địa công hạnh tu tập đều lìa bỏ nghiệp phiền não, vì hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề vì phần được đạo bình đẳng, nhưng chưa được gọi là hạnh siêu phiền não. Chư Phật Tử, như Chuyển Luân Thánh Vương, ngự tượng bửu du hành tứ thiên hạ, biết có người bần cùng khốn khổ mà không bị lấy những họa hoạn đó, nhưng chưa được gọi là siêu nhân loại. Nếu bỏ thân Chuyển Luân Vương sanh lên trời Phạm Thiên, ngự Thiên Cung thấy ngàn thế giới, du hành ngàn thế giới, thị hiện quang minh oai đức của Phạm Thiên mới gọi là siêu nhân loại.

GIẢNG: Trong đoạn kinh này ý nói rằng, Bồ Tát tu từ sơ địa đến đệ thất địa chưa phải là pháp thân Bồ Tát, khi nào thân không còn thi trùng, bệnh tật nữa, thân thọ sanh theo ý muốn, không cần phải gá vào người đàn bà thì mới gọi là pháp thân Bồ Tát. Muốn có thân ấy cũng cần phải sang Tịnh Độ, nên trong kinh mới nói có hai thế giới, một thời tạp nhiễm, như tam giới của chúng ta – (lục giới, sắc giới, vô sắc giới — thì phải sang bên cõi tịnh độ mới gọi là siêu nhân loại được. Vậy có đại thần thông phương tiện nguyện lực là phải hiểu lòng đại bi của Chư Phật, hiểu rằng Bồ Tát càng lên cao bao nhiêu càng phải gần Phật mới có thể gột nổi vô minh vi tế cuối cùng. Vì trong kinh nói có những vị Bồ Tát đệ thập địa chỉ còn một, hai phần vô minh vi tế cuối cùng cũng không thể gột nổi mà phải gần Phật mới gột sạch được. Ở tịnh dộ khác với uế độ một điểm là luôn luôn được thấy Phật, được gần Phật, còn ở uế độ thì Phật thị hiện xuất sanh khó như hoa Ưu Đàm, bao nhiêu kiếp mới được gặp Phật một lần, và chưa chắc gì chúng ta có được đủ thiện duyên sanh nhằm vào thời kỳ Phật thị hiện thọ sanh.

Nhân thể, tôi cũng muốn nhắc lại một đoạn kinh kháx trong Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh, do ngài Quán Thế Âm nói, (tôi không mang theo cuốn kinh ấy đi hôm nay). Ngài nói rằng, từ kiếp lâu xa trước ở cõi đó, ngài được gặp đức Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai nói bài chú Đại Bi này, lúc bấy giờ ngài mới ở sơ địa, sau khi ngài nghe xong bài chú ấy thì ngài vượt không biết bao nhiêu kiếp sanh tử (tức là biến dịch sanh tử) lên đệ bát địa, rồi lừ đó đến nay, ngài luôn luôn ở những cõi Phật, sanh trong hoa sen, và hóa thân bời bời để độ sanh. Nói như thế để cho quí vị thấy rằng, người tu hành phải biết rõ về vấn đề biến dịch sanh tử, muốn diệt trừ biến dịch sanh tử ấy thì phải sang Tịnh Độ mà không có một cách nào khác.

Vì vậy, tôi lấy làm thương sót cho những vị nào vì quá say mê thiền mà bài bác Tịnh Độ. Say mê thiền là quyền của mình, nhưng không nên bài xích Tịnh Độ, vì pháp môn tịnh độ là chính kim khẩu của chư Phật nói ra. Có vị dùng luận lý thế gian, dùng vọng thức thô kệch của mình, chứng minh rằng con đường Tịnh Độ là một con đường đưa đến dị đoan, mê tín, lại còn tuyên bố rằng, đi theo con đường Tịnh Độ là những người ngu, điều này làm hoang mang cho nhiều người đang tu Tịnh Độ, nhẫn đến có nhiều vị bỏ ngang không tu theo pháp môn Tịnh Độ nữa. Chính vì vậy, chúng ta cần phải lên tiếng, vì chúng ta phần đông căn cơ chỉ có thể tu theo pháp môn ấy. Thiền chỉ là một cái “mode” cho giới trẻ còn say mê, muốn lao vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú, hay thực tế hơn, thì đó là một môn thể thao tinh thần, tìm một chút an lạc, một chút khỏe khoắn, một chút… thời thượng, mà không đưa chúng ta tới một bến bờ giải thoát nào. Muốn đạt được sự giải thoát, phải đi vào thiền kiến tánh thực sự, nhưng căn cơ người đời nay không đủ để đi theo pháp môn ấy, nhất là những người già. Cộng thêm những vị đại đạo sư rất hiếm hoi. Nhiều người đời này đi cầu đạo như những con thiêu thân, thấy ngọn lửa nào có vẻ lấp lánh, quyến rũ là lao vào, cũng có thể họ có được một điều gì nho nhỏ, nhưng ngược lại cũng có thể họ sẽ bị đốt cháy trong ngọn lửa ấy. Tôi thấy những người Phật tử đi cầu đạo thường rơi vào trong trường hợp này rất nhiều, kiến thức về kinh thì mù mịt, không rõ được chân, giả, vị thầy nào cũng thấy dường như đúng lý, chỉ thích huênh hoang, đắc ý và mong cầu một cách gấp gáp, cộng thêm tâm lý quần chúng chỉ thích cái gì “thời thượng.” Mỗi một khóa thiền có cả nam lẫn nữ, lấp nập như ngày hội, rồi nghe một vài điều rất sơ bộ… Có lẽ đến khi chết vẫn mê loạn không có đến một câu kinh nào để bám víu, cũng không nhớ đến một hồng danh để niệm nữa. Nên chúng ta là những Phật tử đã đọc tụng kinh đại thừa, biết một cách khái quát thế nào về kinh, thế nào là Tịnh Độ, thế nào về con đường tu thiền, cần phải vững tâm, đừng để bị lay động bởi những hào hoa hư ngụy khi nghe một thiền sinh kể về một vài cảnh giới họ thấy, chưa chắc gì những cảnh giới đó là một mức chứng đắc nào, mà thường chỉ là cảnh giới ma mà thôi. (Kinh Lăng Nghiêm cũng dạỵ rất rõ về điểm này.)

HỎI: Trong kinh Pháp Hoa nói đến Hóa Thành Dụ, nơi đó có phải một nơi như Cực Lạc không?

ĐÁP: Hóa thành dụ là Niết Bàn của Thanh Văn, không phải là Cực Lạc. Ngày xưa trong mười hai năm đầu, Phật giảng về Thanh Văn thừa, rồi sau dần dần ngài chuyển sang Đại Thừa. Đến cuối đời, ngài mới giảng Pháp Hoa, và nói rõ rằng tất cả Niết Bàn tôi dạy các ông ngày xưa chỉ là Hóa Thành thôi, vì tâm thức các ông còn yếu kém, hạn hẹp nên phải nêu lên một chỗ cho các ông nghĩ chân thôi, chứ thực ra đó không phải là Niết Bàn của chư Phật.

Vì vậy, tôi lấy làm lạ rằng từ xưa những người nói về đạo Phật thường chỉ nói đến giải thoát. Nhưng trong Kinh đại thừa nói rõ, giải thoát khỏi những phân đoạn sanh tử của Thanh Văn chỉ mới đi được một phần ba đường, còn mục tiêu tối thượng để thành Phật là phải nhập pháp giới trọn vẹn. Như trong kinh Hoa Nghiêm, trang 2 và 3, Phật nói ngài thành Chánh Đẳng Chánh Giác khác hẳn lối nhìn của hàng Thanh Văn. Vì ngài nhập pháp giới trọn vẹn, không có một bông hoa, một hạt bụi, một chúng sanh nào mà không ở trong thân ngài, đồng thời khi nhập trọn vẹn như vậy vẫn không thấy có một pháp nào có cả, phải song chiếu hai mặt vừa Bát Nhã, vừa Đại Bi như vậy mới được gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác.

HỎI: Trong thời này có nhiều vị đạo sư tự cho mình là Phật, rồi mở những buổi tập thể để mở các luân xa, hay truyền tâm ấn. Vậy thì, trên con đường tìm đạo, nhiều người khó thể phân biệt thế nào là chân, thế nào là giả. Xin ông nói sơ qua làm thế nào ta có thể phân biệt được?

ĐÁP: Đó là chỗ nguy hiểm cho những người đi học đạo, vì thời này, tà sư nổi lên như cát bụi, chân giả khó phân. Nhưng từ tám, chín năm về trước tôi vẫn thường cảnh giác trong ban kinh này là: Tất cả những người tự nhận là đạo sư, trước hết ta phải xét xem người ấy có vò ngã hay không, có thích phật tử lễ lạy, cúng dường nhiều không, thứ hai là người đó có khoe khoang về mình nhiều không? Khi nào ta thấy vị đạo sư đó thích được cúng dường, được lễ lạy, thì người đó coi như không dáng tin. Thứ hai, là những vị nào tự nhận mình là hóa thân của ngài Di Lặc, hay Thượng Đế, Phạm Thiên v.v… cũng đều hỏng. Vì những hóa thân chân thực không bao giờ nhận mình là gì cả.

Tâm lý Phật tử bây giờ đương quờ quạng, rất hăng say đi tầm đạo, thì cứ việc đi, chỗ nào cũng có thể tới, xem họ sinh hoạt thế nào. Nhưng đồng thời, trong khi đi tìm, quí vị nên lụng kinh, và tụng chú, tuy rằng cái lực lâu tới, (vì tâm lực của chúng ta còn yếu kém, chưa tương ưng với tâm lực chư Phật) nhưng chắc chắn chúng ta được sự gia hộ.

Trên con đường tu hành, nếu chúng ta có bị ốm đau, tật bệnh, hoặc chướng duyên đeo đuổi thì phải hiểu rằng tất cả những sự đó đều là đền nghiệp của ta từ nhiều kiếp trước, thay vì phải đọa xuống, thì phải chịu một vài căn bệnh trong đời này. Trong kinh Kim Cang nói rõ, nếu bị người ta chê cười, hay bệnh hoạn tức là vơi được nghiệp nhiều lắm. Đừng vội vã với tâm mong cầu, vì không gì có thể giải quyết một cách gấp gáp được, không bao giờ chỉ tu trong một vài ngày, vài tháng, vài năm mà có thể có được một quyền năng đội đá, vá trời. Cho dù nếu có phước duyên, gặp được vị tu hành đạo hạnh cao, có đôi chút thần thông, hay quyền lực họ cũng không bao giờ nói ra, vì nói ra thì cái quyền lực ấy kém dần đi, càng nói ra nhiều thì thần thông càng teo nhỏ lại, chỉ trừ khi đó là những thần thông của tụi ma, quỉ cho thì khi càng nói lại có thể càng tăng lên. Huyền lực chính là do từ công phu tu tập, cùng thiện căn phước đức của vị đó, nhưng càng nói ra, huyền lực lại càng kém đi. Vì sao thế? Vì bị vấp vào ngã chấp, nên càng ngày cái ngã ấy càng mài dần công đức của vị đó nên càng ngày càng kém đi. Ngược lại, những thần thông nho nhỏ do quỉ cho thì càng nói càng tăng lên, để chiêu dụ những người nhẹ dạ cầu mong, như vậy chúng ma sẽ có nhiều quyến thuộc. Cũng có thể nó sai sử vị thầy làm những điều càn bậy, để chơi thôi, đến khi ma quỉ chán rồi bỏ đi thì cả thầy lẫn trò đều rơi vào pháp luật. Ma đạo và Phật đạo khác nhau như thế. Sở dĩ ma dễ len vào trong tâm thức người tu hành để quấy phá vì trong lúc tu, tâm thức vị đó hơi bị rỗng, nếu vị này không khởi tâm tham cầu dâm dục, hay danh vọng, hoặc lợi dưỡng thì ma không thể xen vào được. Ngược lại, nếu hành giả chỉ cần khởi một tâm niệm lệch thì lập tức sẽ có một kẽ hở, ma dễ bề xâm nhập vào quây rối người tu hành, nếu biết thì không phải làm quyến thuộc của ma, nếu không biết sẽ làm quyến thuộc của chúng và nhiều đời nhiều kiếp phải luân hồi sanh tử, phá đi cái huệ mạng của mình mà không biết đến đời nào mới ra khỏi.

Ngày xưa, đức Phật có thể tự xưng ngài là Phật vì ngài có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp và hiện thần thông độ sanh và có vô lượng thiện thần theo hầu. Còn những người nào tự vỗ ngực xưng mình là thế này, thế nọ chỉ là những kẻ đi bán ảo tưởng, thời đại này là thời đại của sự lừa đảo, mà không có một cái nghề gì “phát tài” và khỏe bằng nghề đạo sư. Những người bị thu hút thường là nhưng người đàn ông và đàn bà sồn sồn, bắt đầu bước vào tuổi già dễ rơi vào sự cô đơn, phiền muộn, vì không có việc gì làm, sức khỏe lại kém, con cháu không có mấy thời giờ đến thăm, nên phải bám theo đám ồn ào ấy để mua một chút ảo tưởng nào đó, như mua ảo tưởng sẽ được khỏi bệnh, hay được cứu rỗi, hoặc để cảm thấy ấm áp, bớt cô độc, mà cái giá phải trả cũng không đến nỗi quá đắt, chỉ cần mất vài chục, vài trăm, hay một hai nghìn tùy theo sức thu hút của vị Tà Sư giáo chủ, và cái giá đó cũng “thuận mua, vừa bán,” không có gì đáng phàn nàn.

Phần lớn người đời nay quá khổ, làm ăn khó, cạnh tranh nhiều, chỗ nào cũng tranh giành để kiếm sống, nên con người cần phải tìm một bến bờ nào đó, một chỗ để trú chân thì dù có mất một chút tiền cũng không đáng tiếc. Nhưng họ không nhìn thấy được cái tại hại sâu xa hơn, vì đó chỉ đưa họ vào con đường đọa, trôi nổi trong đau khổ thêm nhiều kiếp. Sở dĩ tôi phải nói thế vì sau những vụ tà sư này, sẽ còn rất nhiều những vụ khác mọc lên như nấm trong tương lai, những trò chơi của yêu ma không bao giờ hết. Nên ta cần cảnh giác để biết đường con đường nào nên đi…

Nay chúng ta đi vào phần cuối của Hoa Nghiêm…

Lần trước chúng ta đến chỗ Thiện Tài đồng tử sau khi quán chiếu rất lâu thì thấy được ngài Phổ Hiền Bồ Tát lúc đó đang ở ngay trong chúng hội trước đức Như Lai.

Lần trước tôi đã giảng sau khi Thiện Tài đi chu du về phía Nam thì bây giờ phải trở lại chỗ cũ mới thấy được chỗ tuyệt đỉnh của con đường tu hành, tức là trở lại chỗ Bồ Đề Đạo Tràng chỗ đức Phật Thích Ca ngồi mà vị Phổ Hiền Bồ Tát cũng ngồi ngay tại đó. Nhưng nếu thiện căn chưa chín thì không thể nhìn thấy, cho đến khi nào nhãn lực và đạo lực chín mùi thì sẽ thấy được ngài. Và trước khi thấy thân ngài, Thiện Tài nhìn thấy rất nhiều tướng quang minh tạo lập lên thế giới, phần nhiều là những mây quang minh hiện thành những tinh tú, thành các cõi và cuối cùng là hiện thành những thân chúng sanh. Dần dần Thiện Tài nhìn thấy được từ một chỗ rất lớn như hư không xuống dần đến một thân căn thanh tịnh nhỏ bằng một người ngồi là ngài Phổ Hiền ngay trong chúng hội đạo tràng. Khi nhìn thấy ngài, thì kinh lại không tả ngài ra sao, mà lại tả tới chỗ cực nhỏ, tức là tả những lỗ chân lông của ngài để thấy trùng trùng hằng hà sa thế giới. Vì vậy mới gọi là NHẬP PHÁP GIỚI. Tức là đi từ chỗ rất lớn đến chỗ cực nhỏ, rồi từ những chỗ cực nhỏ như một đóa hoa nở ra đến chỗ cực lớn.

Nay, xin đi vào kinh…

KINH: Bấy giờ Thiện Tài đồng tử liền thấy Phổ Hiền Bổ Tát ở trong chúng hội trước đức Như Lai, ngồi tòa sư tử Bửu Liên Hoa, chúng Bồ Tát vây quanh rất là tôn nghiêm, thế gian không sánh được, cảnh giới trí huệ vô lượng vô biên khó lường khó nghĩ, đồng tam thế Phật, tất cả Bồ Tát không quán sát được.

GIẢNG: Khi nào một vị Bồ Tát nhìn thấy ngài Phổ Hiền thì phải có sức gia trì của ngài, cộng với nhãn lực với đạo lực lớn của chính hành giả ấy. Còn những vị Bồ tát khác không nhìn thấy được vì đạo lực của các vị khác kém hơn, không đủ nhãn lực để nhìn thấy quang minh vi tế ấy. Từ đây trở đi, trong kinh không tả ngài Phổ Hiền Bồ Tát ra sao, mà lại tả từ lỗ chân lông của ngài. Trong đạo Phật, tu hành là phải hóa-giải-không- gian-và-thời-gian, nên khị một Bồ Tát trông vào lỗ chân lông của một vị Bồ Tát lớn mà thấy trong đó có vô lượng thế giới, tức nhiên nhãn lực của vị Bồ Tát ấy cao siêu lắm rồi.

KINH: Thấy thân Phổ Hiền mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả thế giới vi trần số quang minh vân…

GIẢNG: Kinh không tả hình dáng ngài ra sao, mà chỉ nói đến lỗ lông của ngài tuôn ra không biết bao nhiêu mây quang minh. Đó là chỉ cho các bậc đã đắc đạo. Đức Thích Ca của chúng ta cũng vậy, nhưng chúng ta không nhìn thấy mà thôi, ở đây, tôi lại xin nhắc lại vị thiện tri thức thứ sáu là ngài Hải Tràng Tỳ Kheo, khi Thiện Tài đến thì thấy ngài ngồi mọp bên đường, nhưng từ trên đỉnh đầu, rồi từ mắt, từ tai, từ vai, từ bụng, từ đầu gối, nhẫn đến từ gót chân tuôn ra bời bời những hóa thân, ùn ùn không bao giờ dứt, đó mới gọi là chân đắc đạo giải thoát, là Nhập pháp giới.

KINH: Khắp pháp giới hư không giới tất cả thế giới, trừ diệt tất cả chúng sanh khổ hoạn, khiến các Bồ Tát sanh đại hoan hỷ.

GIẢNG: Thấy trong mỗi lỗ lông của ngài Phổ Hiền đều khởi lên vi trần số mây quang minh bủa khắp pháp giới chạm đến các chúng sanh diệt trừ những khổ hoạn của họ, như người điếc nghe được, người mù trông thấy, người câm nói được v.v… tất cả phiền não đều tiêu dung.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số những sắc hương diệm vân, khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng, để huân tập tất cả.

GIẢNG: Trong những lỗ lông ấy đều nổi lên những đám mây đầy màu sắc và những mùi hương rất thơm, nhưng mùi hương ấy bủa khắp pháp giới để huân tập cho tất cả chúng sanh. Nên tôi vẫn thường nói, tuy chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi lổm ngổm thế này, nhưng chúng ta đang được tắm trong quang minh của các ngài mà không hề hay biết, dần dần nếu biết tu tập, tâm ta sẽ tương ưng với tâm các ngài và ngài sẽ hiện tướng để viên mãn những nguyện của ta.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả vi trần số tạp hoa vân…

GIẢNG: Mây tuôn ra và trong những đám mây đó hiện ra rất nhiều hoa. Trong đạo Phật nói đến rất nhiều loại hoa, mà theo như kinh Hoa nghiêm, ta có thể coi các chúng sanh, và những hiện tượng cây cỏ, núi sông của pháp giới này là nở trên biển pháp thân đó, tương tự như một đóa hoa nở ra rồi cụp lại. Tất cả pháp giới nở ra thành thế giới này và vô lượng thế giới khác, đến khl kiếp hoại thì tất cả rút lại, cụp lại rồi biến vào chân không. Vì vậy, khoa học không thể hiểu nổi tại sao khi thấy những tinh hà càng ngày càng chạy xa nhau. Nhưng nếu ta nhìn theo con mắt Phật giáo thì sẽ thấy rõ, có thể là vì đương lúc đóa hoa pháp giới đang nở ra lớn, thì những tinh hà chính là cánh hoa, nhụy hoa càng ngày càng nở lớn ra nên càng chạy xa nhau hơn. Thân căn chúng ta cũng là một đóa hoa nở ra, khi già tàn lụi, thì nó rụng xuống thành cát bụi và rơi vào chân không.

KINH: Khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng mưa những diệu hoa.

GIẢNG: Ngài Phổ Hiền ngồi trong tam muội tịch bất động, mà từ những lỗ chân lông tuôn ra không biết bao nhiêu thứ quang minh mây, trong đó lại hiện ra những trận mưa hoa nườm nượp trong hư không. Chúng sanh nào đủ thiện căn đều có thể nhìn thấy những mưa hoa đó, ngược lại, những người căn cơ còn hạn hẹp như chúng ta không thể nào thấy được.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số hương thọ vân..

GIẢNG: Trong những quang minh vân ấy hiện ra những cây quí có hương thơm như cây chiên đàn chẳng hạn.

KINH: Khắp pháp giới hư không giới tất cả chúng hội đạo tràng mưa những diệu hương…

GIẢNG: Chúng ta là người trần mắt thịt, nên cái biết về pháp giới này rất hạn hẹp, vì trong hư không này, mọi hiến chuyển xoay vần rất kỳ ảo,nó thay đổi từng sát na một. Ngay bây giờ, có thể đang có nhiều thế giới được thành lập, hoặc biến hoại, hay ngay tại chỗ này, chư Phật đang thuyết pháp, nhiều mưa hoa, mưa hương rơi đầy khắp hư không, hoặc chúng ta đang sống trong một thân căn của một vị Bồ Tát lớn nào đó v.v… Vì sáu căn của chúng ta chỉ hoạt động được trong một tần số hay kích thước hạn hẹp nào đó thôi. Và chúng ta hoàn toàn không hay, không biết. Nên chư Phật khởi lòng từ bi nói cho chúng ta nghe, vậy mà cũng có rất ít người chịu tin, chịu hiểu. Thật đáng tiếc!

KINH: Trong mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật vi trần số diệu y vân, khắp pháp giới hư không giới chư Phật chúng hội đạo tràng mưa những diệu y.

GIẢNG: Ở đây lại nói những đám mây quang minh hiện lên những áo vi diệu.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bửu thọ vân…

GIẢNG: Bửu thọ vân cũng là những mây quang minh hiện ra những cây quý.

KINH: Khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng mưa ma ni bửu. Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả Phật sát vi trần số sắc giới thiên thân vân sung mãn pháp giới khen ngợi bồ đề tâm.

GIẢNG: Ngài Phổ Hiền vẫn ngồi đấy, nhưng trong mỗi lỗ lông phóng ra rất nhiều những mây quang minh trong đó hiện tướng dần dần pháp giới. Trên kia, hiện lên những hoa, hương, cây cỏ,(chúng vô tình), xuống đây thì hiện lên các vị chư Thiên (chúng hữu tình), sau đó các vị chư Thiên đều khen ngợi bồ đề tâm.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số Phạm Thiên thân vân, khuyến thỉnh chư Như Lai chuyển diệu pháp luân.

GIẢNG: Đoạn trên thì chỉ hiện ra Chư Thiên. Còn ở đoạn này thì hiện ra những Vua trời Phạm Thiên. Những vị Phạm Thiên thường là những vị vua cõi trời Quang Âm. Trong các kinh thường kể, khi một vị Phật thành Chánh Đẳng Chánh Giác dưới Bồ Đề Đạo Tràng ở một cõi nào thì bao giờ một vị Phạm Thiên cũng xuống thỉnh Phật chuyển pháp luân. Hạnh thỉnh chuyển pháp luân có công đức rất lớn, vì đức Phật có nói pháp chúng sanh mới thoát được khổ. Và nếu không có các vị Phạm Thiên thỉnh Phật thuyết pháp thì người đời sau không có kinh để đọc tụng và tu hành. Cũng như trong mười hạnh nguyện Phổ Hiền ta thường tụng đọc hằng ngày, có một hạnh gọi là “thỉnh chuyển pháp luân.” Trông thấy đức Phật phải thỉnh ngài nói pháp, cũng như trông một vị đạo sư, cao tăng, ta nên có hạnh khởi tâm thỉnh vị đó thuyết pháp, để chúng sanh được nghe pháp.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói rằng, ở những nơi đức Phật giảng kinh,có mấy hạng người kỳ diệu. Hạng người đầu tiên có công đức lớn là biết thỉnh Phật chuyển pháp luân, người thứ hai là biết hỏi. Thường đức Phật ít khí vô cớ nói pháp mà không có người hỏi, vì vậy người khởi tâm thưa hỏi do lòng từ bi thì công đức của vị đó rất lớn. Như trong những pháp hội, thường những vị đại đệ tử của Phật như ngài A Nan, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề v.v… cùng các vị Bồ Tát và Thiên Đế, các ngài hỏi thế không phải là muốn khoe cái trí hiểu biết của mình đâu, hoặc đôi khi các ngài cũng biết câu trả lời mà vẫn cứ hỏi, đó chỉ là vì các ngài nghĩ đến chúng sanh đời sau như chúng ta cần có kinh mà đọc.

Trong đạo tràng, khi có người hỏi, đáp, chúng ta nên tránh nhất là tâm sân, mạn, dù người kia có nói trái ý ta cũng không nên khởi lòng sân, vì như thế ta còn chấp ngã rất nặng. Và theo giáo lý nhà Phật, người hỏi cũng như người đáp, thường ta chỉ nên nói lên cái kiến giải của mình thôi, chứ không có thái độ bắt ai phải theo cái sự hiểu biết của mình. Ngay cả đức Phật ngồi thuyết pháp cũng thế, ngài không bao giờ bắt các vị đệ tử của ngàii nghe ngài đâu, mà lại nói rằng, các ông hãy lắng nghe cho khéo, nghĩ cho kỹ nếu đúng hãy theo, nên không bao giờ có sự tranh cãi với thế gian.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số dục giới thiên vương thân vân, hộ trì pháp luân của tất cả Như Lai.

GIẢNG: Đoạn trên kể rằng trong những quang minh vân sanh các chưThiên Tử, sanh vị Phạm Thiên, rồi đến những vị vua trời dục giới như vua Đế Thích ở tầng trời Đao Lợi. Như vậy, nếu các vị Phạm Thiên thỉnh Phật chuyển pháp luân, thì những vị vua Đế Thích này sẽ hộ trì pháp luân của Như Lai. Khi đức Phật nói pháp lớn xong, bao giờ cũng có những vị Tứ Thiên Vương, Vua Đế Thích và rất nhiều vị Dạ Xoa Vương, Quỉ Thần Vương tuyên thệ sẽ hộ trì kinh. Khi ta đọc tụng kinh nhiều tất nhiên sẽ được sự hộ trì, nên tôi vẫn nói là, tuy đạo tràng này nhỏ bé, đôi khi thưa thớt người dự, nhưng có thể có những vị Quỉ Thần và Chư Thiên xuống nghe kinh…

Trong các kinh ngoại đạo, thì có những vị thần ngoại đạo hộ trì những kinh ấy, còn kinh Phật nói ra, toàn những vị Thiên Vương, nhất là những vị Tứ Thiên Vương và Quỷ Thần Vương hộ trì. Trong kinh Hiền Ngu, Phật nói rõ rằng, khi có người tụng chú như Đại Bi, Bát Nhã hoặc chú Thủ Lăng Nghiêm mà tụng ra thành tiếng, đi ngoài đường, các vị chư Thiên đi tuần trên trời phải dừng lại mà nghe bài chú ấy. Kinh cũng nói rằng, một người giữ một giới thì có năm vị quỉ thần đi theo gia hộ, còn giữ năm giới như người tại gia thì có hai mươi lăm vị quỉ thần đi theo gia hộ. Nhưng nếu tụng chú Thủ Lăng Nghiêm, thì có tám mươi bốn ngàn đại quỉ thần đi theo gia hộ, ngài nhắc đi, nhắc lại mấy lần trong kinh như thế. Chúng ta là người tu hành kém, công phu nhiều khi hay giải đãi, làm sao được sức gia trì? Nên phải nhờ thần lực của chú, của kinh.

HỎI: Tại sao lại là con số 84 ngàn mà không phải một con số khác, nhiều hơn haỵ ít hơn chẳng hạn?

ĐÁP: Trong kinh thường hay nói đến con số 84 ngàn, như 84 ngàn trần lao, 84 ngàn pháp môn, 84 ngàn các Đạo Quỉ Thần v.v… là chỉ một con số lớn, vô lượng.

PHẬT TỬ: Tôi có đọc một cuốn sách (xin lỗi đã quên mất tên), có giảng về các đại kiếp, trung kiếp, tiểu kiếp, không biết một tiểu kiếp là bao nhiêu năm?

ĐÁP: Một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp, một đại kiếp gồm bốn trung kiếp. Một vị tu thiền định vào cõi Trời Vô Sắc Giới thì vị đó có thể thọ tám mươi bốn ngàn kiếp, ngồi trong thiền định lâng lâng, không có thân chỉ có tâm tưởng thôi. Nhưng đến khi hết phước báo mà phải bị tụt xuống bình diện thấp của sắc ấm thì  bị đau đớn như có mũi tên đâm vậy.

HỎI: Trong thế gian nàỵ, có thể có hóa thân Phật không, và có người nào có thể một đời tu thành Phật được không?

ĐÁP: Có thể có hóa thân Phật, nhưng khi làm hóa thân không bao giờ được tự nhận mình là hóa thân của một vị Phật hay vị Bồ Tát. Các ngài có thể hiện làm một kỹ nữ, hay một vị vua, quan, hoặc một vị ăn mày ghẻ lác v.v…, và những hóa thân ấy, không có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, mà luật tắc không bao giờ được nói mình là hóa thân cả, chỉ thị hiện để độ sanh thôi. Nhưng nếu hiện ứng thân có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thì có quyền nói mình là Phật, đồng thời phải có thần thông tràn đầy thế gian. Còn những người bình thường như chúng ta không bao giờ có thể tu một đời thành Phật cả, vì sao? Vì như đức Phật Thích Ca, ngài đã thành Phật trên từng trời sắc cứu cánh rồi, thị hiện xuống trần thành Phật để độ sanh và khích lệ người. Nên nếu đọc kinh kỹ ta có thể dễ dàng nhận được tà, chính.

Nay, xin trở lại kinh.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số tam thế phật sát vân…

GIẢNG: Ngài Phổ Hiền vẫn ngồi đây, lỗ chân lông tuôn ra những mây quang minh hóa hiện thành những cõi Phật. Ai tin được điều này? Vì vậy kinh đại thừa mới khó tin, khó hiểu, khó vào. Cũng như chúng ta luôn nghĩ rằng cõi này với tất cả chùa đình, bàn ghế, cây cỏ này v.v… đều do vật chất tạo nên, nhưng trong kinh Duy Ma Cật cũng nói rằng tất cả các cõi đều là hư không, đều ảnh hiện, hiện lên là đều do thần lực của chư Phật gia trì và nghiệp lực của chúng sanh chiêu cảm, để chúng minh sinh sống và tu hành. Vì vậy chúng ta ngồi trong cõi này tức là ngồi trong thân của các ngài. Nếu chúng tu tin được thì quả là một đều rất hy hữu, phải trồng túc duyên từ nhiều đời, nhiều kiếp, đến kiếp này mới gặp được kinh đại thừa, hơn thế nữa lại còn đọc tụng và tin hiểu.

” Trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số tam thế phật sát vân…” Những mây quang minh ấy không những hiện những cõi này, mà còn hiện cả các cõi quá khứ và vị lai đều hiện tiền trước mắt. Quí vị thử nghĩ xem có thể tin nổi không? Nhưng kinh không bao giờ nói lời hư vọng, chỉ tại mình nghĩ chưa tới mà thôi.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vị trần số thanh tịnh phật sát vân…

GIẢNG: Những mây quang minh hiện lên trong lỗ chân lông ấy tạo thành những cõi rất thanh tịnh.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bất tịnh tịnh phật sát vân, khắp pháp giới hư không giới, khiến tạp nhiễm chúng sanh đều được thanh tịnh.

GIẢNG: Lúc nào cũng nói đến cõi tịnh và bất tịnh. Vì vậy, y cứ vào kinh, tôi thiển nghĩ rằng, tất cả những người tu – dù tu theo thiền tông – trước sau cũng phải sang Tịnh Độ thì mới đắc được vô sanh pháp nhẫn, mới có đủ tự tại lực, thần thông để độ sanh.

Trong những kinh như kinh Đại Bảo Tích, Hoa Nghiêm đều nói đến những chân lý rốt ráo mà không thể có một cuốn sách thế gian nào nói được như lời kinh.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bất tịnh phật sát vân, khắp pháp giới hư không giới, khiến thuần nhiễm chúng sanh đều được thanh tịnh.

GIẢNG: Cõi Ta Bà chúng ta đang ở là một cõi uế độ trung bình, vì thế nghiệp lực tung hoành tương đối ít, như mười phần thì bất tịnh khoảng bảy phần, còn ba phần kia là tịnh, vì chúng ta còn biết tụng kinh, giữ giới v.v… Nhưng có những cõi bất tịnh phật sát vân thì trong đó chúng sanh thuần nhiễm, bất tịnh hoàn toàn, ở đây, chúng sanh không bao giờ biết đến kinh là gì, lúc nào cũng chỉ mang cái tâm thích chém giết nhau. Nhưng chư Phật và chư Đại Bồ Tát cũng phải gia trì ở những nơi đó khiến những thuần nhiễm chúng sanh đều dần được thanh tịnh. Đủ biết rằng, các ngài thường có tâm bình đẳng, thương chúng sanh như con đỏ, không một loài nào bị bỏ rơi, ngược lại, chúng ta cứ ngu si, nghiệp chướng sâu dầy, không chịu tin, không chịu hiểu, không hành trì đúng mức nên cứ phải trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Ví như mặt trời soi sáng khắp nơi, nhưng người mù vẫn không thấy, lỗi đó không do nơi mặt trời, chỉ tại người mù không nhìn thấy mà thôi.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số chúng sanh thân vân, khắp pháp giới hư không giới, tùy sở nghi giáo hóa chúng sanh đều khiến phát tâm vô thượng bồ đề.

GIẢNG: “Vi trần số chúng sanh thân vân” là những mây quang minh kết thành những thân chúng sanh (mà không nói là nhiễm hay tịnh?) nhưng các ngài gia trì cho nhưng chúng sanh ấy dần dần tới chỗ phát tâm vô thượng bồ đề.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bồ tát thân vân, biến pháp khắp hư không giới tán dương những danh hiệu của chư Phật làm cho chúng sanh tăng trưởng thiện căn.

GIẢNG: Sau khi ngài hóa hiện các thứ chúng sanh rồi, lại hóa hiện những vị Bồ Tát để chỉ tán dương niệm danh hiệu chư Phật thôi (tịnh độ).

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bồ tát thân vân, khắp pháp giới hư không giới tất cả phật sát tuyên dương tất cả chư Phật Bồ Tát, những thiện căn sanh khởi từ khi sơ phát tâm.

GIẢNG: Từ lỗ lông hiện ra những vị Bồ Tát tuyên dương những thiện căn từ khi phát bồ đề tâm. Như sau khi phát bồ đề tâm thì tu công đức gì, làm những hạnh nguyện gì v.v… để khuyến khích người tu trên con đường Bồ Tát đạo.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bồ tát thân vân khắp pháp giới hư không giới, trong mỗi phật sát nơi tất cả phật sát tuyên dương tất cả bồ tát nguyện hải và thanh tịnh diệu hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.

GIẢNG: Ở đây ngài lại nói về những nguyện hải và diệu hạnh.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh Phổ Hiền Bồ Tát hạnh vân, khiến tâm tât cả chúng sanh được mãn túc, tu tập đầy dủ đạo nhất thiết trí.

GIẢNG: Đủ trí huệ và phước báo. Trong đoạn kinh này, nói toàn đến những lỗ lông, mà trong mỗi lỗ lông có vô lượng cõi, vô lượng chư Phật, vô lượng chúng sanh v.v.., tức là ngài đang giảng cho chúng ta thấy từ một chỗ bé nhất có thể nở ra thành những cõi, những quốc độ và những thân căn chúng sanh.

HỎI: Thấỵ trong một lỗ lông những cảnh giới như thế là thấy theo mắt trần, thấy vì thiền quán, hay thấy bằng cái tâm?

ĐÁP: Như tôi đã nói nhiều lần, nhục nhãn của chúng ta rất hạn hẹp, chỉ nhìn được một khúc rất ngắn, nên cái thấy này không phải cái thấy của nhục nhãn đâu. Những vị tu hành cao, thiện căn và phước trí như ngài Thiện Tài có gần đủ ngũ nhãn rồi, ngoài nhục nhãn, còn có thiên nhãn, huệ nhãn và pháp nhãn nữa. Cảnh giới này là ngài nhìn bằng pháp nhãn.

KINH: Thiện Tài thấy cảnh giới thần thông tự tại của Phổ Hiền Bồ Tát như vậy, thân tâm hoan hỉ, hớn hở vô lượng.

GIẢNG: Khi chúng ta tu hành đã khá, có được cơ duyên gần được một vị Bồ Tát lớn, đồng thời các ngài khởi tâm muốn gia trì cho chúng ta mà hiện những thần thông, thì tự nhiên trong tâm ta sẽ khởi lên những niềm hoan hỷ, lâng lâng, đồng thời cũng đắc nhiều thứ tam muội cùng đà la ni. Cũng vậy, Thiện Tài đi gần tới chỗ nhập pháp giới, nên ngài Phổ Hiền gia trì để nhập sâu hơn nữa.

“Thiện Tài thấy cảnh giới thần thông tự tại của Phổ Hiền Bồ Tảt..”, tức là ngài hiện mọi thần thông, vì chư Phật dù không khởi một tâm niệm nào, những vẫn khởi thần thông tràn đầy thế gian. Nên trong kinh Tâm Địa Quán nói rõ, chư Phật là thần “thông biến hóa tràn đầy thế gian,” đừng tưởng thế giới là ù lì thế này thôi đâu, mà tất cả mọi sự, mọi vật đều biến đổi từng sát na một. Trong sự biến hóa vô cùng vô tận ấy, còn tùy theo cái tâm đập bập bềnh của chúng sanh mà hiện ra, nếu tâm ta nhạy bén, thanh tịnh, thì tiếp nhận được nhiều, còn tâm ta ù lì kém cỏi, thì chỉ nhận được rất ít thôi, đó không phải là lòng từ bi của các ngài không bình đẳng, mà do chính ám chướng sâu dày và nghiệp lực của mỗi chúng sanh không đồng mà thôi. Như người sanh manh, tuy không nhìn thấy được mặt trời, nhưng vẫn nhận được đầy đủ sức ấm áp của mặt trời tỏa xuống.

KINH: Lại thấy mỗi mỗi thân phần, mỗi mỗi lỗ chân lông của Phổ Hiền đều có Đại Thiên thế giới phong luân, thủy luân, địa luân, hỏa luân, đại hải, giang hà và những Bửu Sơn, Tu Di, Thiết Vi, thành ấp, cung điện, viên lâm…

GIẢNG: Đoạn kinh này lại nhắc lại tổng quát cho chúng ta nhớ. Cũng nhắc thêm những chi tiết để cho chúng ta thấy trong cõi Ta Bà này có những gì.

Trong kinh Hoa Nghiêm ở phẩm “Thành tựu thế giới,” khi một thế giới thành tựu, đầu tiên phong luân sẽ khởi lên, rồi đến thủy luân, những dòng nước xoáy, rồi đến địa luân, sau cùng mới đến hỏa luân, từ đó mới kết tụ tạo thành những tinh tú, ngân hà, hành tinh và trái đất này, mà trên những hành tinh có những đại hải, sông ngòi, bửu sơn, núi Tu Di, Thiết Vi, thành ấp, cung điện, viên lâm, rừng cây, núi đá. Cũng có tất cả trụ xứ của địa ngục, của ngạ quỷ, súc sanh, Diêm La Vương v.v…

KINH: Những cung điện của Thiên Long Bát Bộ, nhân và phi nhân…

GIẢNG: Có những trụ xứ của người, và cũng có những xứ sớ của những loài khác, như trong hư không này là xứ sở của phi nhơn. Đừng tưởng rằng trong hư không không có chúng sanh, ngược lại, chỗ nào cũng có đầy dẫy chúng sanh. Trong kinh nói những chi tiết rất lạ lùng, nói rằng, ở giữa hai thế giới có một khu vực rất đen tối, chúng sinh sống trong đó không bao giờ nhìn thấy được nhau, nhưng khi đức Phật phóng hào quang, thì chỗ đó cũng sáng lên, chúng sanh ở nơi đó hốt nhiên mới nhìn thấy nhau, nên ngạc nhiên kêu lên rằng, không hiểu chúng sanh ở đâu ra nhiều thế? Tất cả những cung điện, nhơn, phi nhơn, xứ sở đều được dệt bằng quang minh. Tới thế kỷ thứ 21 này, tôi chắc rằng khoa học sẽ chứng minh nhiều điều mà kinh đã nói từ ngàn xưa rồi.

KINH: Cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, nhật nguyệt, tinh tú, gió mây, sấm chớp…

GIÁNG: Là nói đến các vật, tức là những y báo bên ngoài.

KINH: Ngày, đêm, tháng, năm, giờ, đến năm kiếp, chư Phật xuất thế, chúng hội Bồ Tát, đạo tràng trang nghiêm, những sự như vậy đều thấy rõ cả.

GIẢNG: Trên kia nói cung điện, tinh tú v.v… thì chúng ta có thể tưởng tượng rằng, một người có pháp nhãn có thể nhìn thấy được, còn đây nói đến ngày, đêm, tháng, giờ v.v… là nói đến thời gian. Nhưng thời gian đối với chúng ta nó không có hình tướng thì làm sao có thể thẤy được?

HỎI: XIn lỗi, cho tôi ngắt ngang để hỏi một câu, kẻo chờ đợi lát nữa tôi lại quên mất. Trong đoạn nàỵ, chắc phải có trí của Như Lai, tức là đến khi thành Phật thÌ ta mới có thể thấy được như thế, có thể thấy được thời gian. Có đúng chăng?

ĐÁP: Cũng chưa cần phải thành Phật, nếu chúng ta tu đến đệ bát địa, tức là đến vô sanh pháp nhẫn, lúc đó bắt đầu chúng ta thấy không gian và thời gian đã hóa giải rồi, vì vậy mới có thể biến hóa được.

Trong Hoa Nghiêm, phẩm thứ 33 “Thọ Lương của Như Lai,” có đề cập đến vấn đề thời gian. Nói rằng, một kiếp ở cõi Ta Bà này, tức là mười sáu triệu năm chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Cực Lạc, một kiếp ở cõi Cực Lạc, chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Ca Sa Tràng Như Lai v.v… Như vậy, chúng ta phải hiểu rằng, theo đạo Phật, thời gian cũng chỉ là vọng tưởng của tâm thức mà thôi, tâm thức càng thanh tịnh bao nhiêu thì thời gian trôi qua càng lẹ bấy nhiêu. Vì khi tâm thức thanh tịnh, thì tần số quang minh của tâm thức phát ra rất mau lẹ, rất cao, nên thời gian như thu ngắn lại, và thọ mạng chúng sanh lại dài ra. Như thọ mạng người nhân thế kém thọ mạng của chư Thiên nhiều lắm, thọ mạng trung bình của chư Thiên là năm trăm năm, mỗi một ngày trên trời dục giới dài bằng khoảng một trăm năm dưới nhân thế, vì tâm thức họ thanh tịnh hơn. Sở dĩ các vị Bồ Tát có thể thấy rõ ngày, đêm, tháng, giờ, năm, kiếp v.v… của các cõi vì các ngài đo lường mức dộ thanh tịnh của chúng sanh ở đó, nên khi đem so thời gian giữa các cõi, tịnh uế thì một kiếp ở cõi này, chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi khác. Các ngài thấy, có lẽ do tâm ý, không phải do tâm nhãn. Nên nếu không hiểu lý “duy tâm sở hiện” thì không thể nào chấp nhận dược… Lấy một thí dụ dễ hiểu, một người ngồi thiền cao, họ có thể ngồi một lần hai, ba ngày, đến khi xuất thiền họ chỉ có cảm giác là thời gian hai, ba ngày vừa qua chỉ bằng khoảng một bữa ăn thôi, vì tâm thức người đó thanh tịnh. Ngay chúng ta đấy, chưa có kinh nghiệm gì về thiền quán hay một cơn định nhỏ nào, nhưng trong một ngày, vì một lý do này đó — đọc được một đoạn kinh hay, hoặc có một niềm vui nào đưa đến — làm cho tâm thức ta vui vẻ, nhẹ nhàng thanh thoát.., thì thấy một ngày qua rất nhanh. Ngược lại, nếu ngày hôm đó, ta gặp một điêu gì buồn rầu, hoặc gặp một tai nạn bất ngờ, làm cho tâm thức ta buồn rầu ủ rũ thì ngày đi qua một cách rất chậm chạp lê thê.

PHẬT TỬ (góp ý): Thưa ông, cũng giống như một nhà sinh vật học, khi nghiên cứu đời sống của một con ong, từ khi con ong nở ra còn là con ngài, rồi thành ong, rồi xây tổ v.v… tất cả việc làm và suốt đời sống của một con ong, nhà nghiên cứu học nhìn thấy suốt thời gian kéo dài chỉ khoảng vài tháng hay một năm chẳng hạn. Cũng vậy, các vị chư Thiên trên trời, nhìn xuống nhân gian chúng mình cũng giống hệt như thế, không khác!

ĐÁP: Đúng vậy nên trong kinh nói rất rõ rằng, các vị Chư Thiên nhìn xuống nhân thế, thấy chúng ta như một lũ giòi sống trong đám phân hôi, vì suốt ngày chúng ta chỉ có ăn, uống, toàn những thứ bất tịnh, rồi đi tiểu, đi tiêu, rồi khởi tâm tham dục, ngã mạn, sân hận lăng nhăng. Chúng ta sống trong “môi trường người” quen quá rồi, nên không biết, không để ý, nhưng chư Thiên thấy chúng ta hôi nhơ, khó thể chịu nổi. Ngày xưa, khi con người còn thanh tịnh hơn bây giờ, cũng có những trường hợp chư Thiên sống gần người, càng ngày đất trời càng xa cách, vì nghiệp chúng ta càng nặng, càng lún sâu vào bùn, nên chư Thiên không chịu nổi phải xa dần. Nên chúng ta cần luôn nhớ rằng, muốn tu hành phải cầu ra khỏi dục giới trước, và cửa ải dục giới rất khó qua, vì sự tham dục của chúng sanh rất nặng.

KINH: Như thấy rõ tại thế giới nầy, tất cả thế giới ở mười phương đều thấy rõ cả.

GIẢNG: Thấy rõ tất cả thế giới mười phương, đồng Ihời thấy rõ thời gian của từng các cõi, ngày, tháng, năm, kiếp v.v… ngắn, dài đều biết hết.

KINH: Như thấy thập phương thế giới hiện tại, tất cả thế giới tiền tế, hậu tế cũng thấy như vậy, nhưng vẫn chẳng tạp loạn nhau.

GIẢNG: Không những thấy thập phương thế giới trong hiện tại, mà còn thấy tất cả thế giới ở quá khứ thế nào, trong tương lai ra sao. Vì khi chúng ta vào được bạch tịnh thức, lúc đó ta có thể nhìn được tất cả tam tế. Còn chúng ta bây giờ, với tâm thức của người, chỉ trông được hiện tại, nhớ được quá khứ, vọng tưởng đến vị lai. Nhưng lên cao hơn như Phật, thì không nhớ tưởng gì cả, mà trông thấy rõ trước mắt, có thể thấy được trăm ngàn kiếp, vô lượng kiếp về trước, và cũng có thể biết được vô lượng kiếp về sau. Nhưng không bao giờ các vị cao nói ra, vì sẽ làm rối loạn luật tắc nhân quả, nghiệp báo. Như ngài Xá Lợi Phất, có thể thấy tám vạn kiếp của một con chim ngói về thời quá khứ, huống chi là một bậc Đại Giác (Phật). Trong kinh Hoa Nghiêm bao giờ cũng khẳng định là biết tất cả tiền tế, hậu tế, tất cả quá khứ, vị lai.

KINH: Như ở chỗ Tỳ Lô Giá Na Như Lai thị hiện sức thần thông như vậy, tại Liên Hoa thế giới, chỗ của Hiền Thủ Phật, hiện sức thần thông cũng như vậy.

GIẢNG: Chỗ Tỳ Lô Giá Na Như Lai chính là cõi Ta Bà này, và đức Thích Ca Mâu Ni cũng chính là đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, là hiện thân là một vị cổ Phật, nhưng cũng hiện thân là ngài Thích Ca. Thì thấy cõi Phật Thích Ca này như thế, đồng thời cũng thấy nhiều cõi khác như Liên Hoa thế giới, là một chỗ hết sức thanh tịnh, còn thanh tịnh hơn cõi Cực Lạc của đức A Di Đà nhiều, là chỗ của Hiền Thủ Phật hiện sức thần thông cũng như vậy.

KINH: Nhẫn đến tại tất cả thế giới mười phương, chỗ của tất cả chư Phật Như Lai, cũng hiện sức thần thông như vậy.

GIẢNG: Không những các ngài hiện sức thần thông trong một, hai cõi, mà lại hiện sức thần thông ở tất cả các cõi mười phương.

KINH: Mười phương tất cả thế giới, trong mỗi mỗi vi trần đều có pháp giới chư Phật chúng hội…

GIẢNG: Trong bất cứ thế giới nào cũng có chúng hội của chư Phật.

KINH: Chỗ mỗi đức Phật, Phổ Hiền Bồ Tát ngồi trên tòa Bửu Liên Hoa Sư Tử hiện sức thần thông cũng đều như vậy. Trong thân của mỗi mỗi Phổ Hiền đều hiện tất cả cảnh giới tam thế, tất cả cõi Phật, tất cả chúng sanh, tất cả Phật xuất hiện, tất cả Bồ Tát chúng, nghe ngôn âm của tất cả phật, pháp luân của tất cả như Lai chuyển. Lại thấy công hạnh của tất cả Bồ Tát, thần thông du hí của tất cả Như Lai.

GIẢNG: Đây chính là Nhập pháp giới trọn vẹn. Sau khi nhìn ngắm tất cả thần thông của ngài Phổ Hiền rồi thì thâu tóm lại rằng trong thân của mỗi mỗi Phổ Hiền đều hiện tất cả cảnh giới tam thế, các cảnh giới hiện tại, quá khứ, vị lai đều hiện lên trước mắt, không có một cõi Phật nào không ở trong thân ngài Phổ Hiền, tất cả chúng sanh ngọ nguậy lăng xăng đi ngang, đi dọc, cãi nhau, đánh nhau, giết nhau, sân hận, tham lam, si mê, tà kiến v.v… đều nằm trong thân ngài. Tất cả Phật xuất hiện, tất cả Bồ Tát chúng, các ngôn âm của tất cả chúng sanh, chúng sanh có những ngôn âm sai khác từng loài, tiếng người, tiếng quỉ, tiếng của Càn Thát Bà, tiếng của Long Vương v.v… ngài đều nghe thấy hết, vì tất cả đều ở trong tâm ngài, vì đó là sự biến hiện của tâm, như thế mới gọi là Phật, như thế mới gọi là NHẬP PHÁP GIỚI trọn vẹn.

HỎI: Nếu chỉ một thân của ngài Phổ Hiền đã hiện lên tất cả các thân Phật, thân các vị Bồ Tát chúng, vậỵ thì trong những vị Phật khác thì sao?

ĐÁP: Cũng thế, nói một cách rõ hơn là, phàm phu chúng ta cứ chấp có mình, có người, có tự, có tha. Nhưng trong Phật giáo lại dạy khác. Ngài dạy rằng, tất cả đều liên quan đến nhau, và CHẬP CHÙNG ẢNH HIỆN. Như tôi với ông, ông ngồi đấy, có nghĩa rằng ông đang ngồi trong tâm thức của tôi và ngược lại, tôi ngồi đây, tức là tôi đang ngồi trong tâm thức của ông. Nói một cách bao quát hơn, tôi ngồi đây, tất cả những vị ngồi nghe pháp trong đạo tràng này, cùng tất cả các cây cỏ, chùa chiền v.v.., chung quanh tôi đều ở trong tâm thức của tôi. Nhưng đồng thời, mỗi vị đều có tâm thức của vị đó, nên tôi cũng ở trong tâm thức của các vị. Vậy thì khi tôi nhìn pháp giới này, nhìn ngôi chùa này, cây cỏ, núi sông, mặt trời, mặt trăng kia là tôi nhìn theo một trường lực quang minh riêng của tôi, nó là một thứ thế giới đặc biệt của riêng tôi. Cũng vậy, ông cũng có một trường lực tâm thức riêng của ông nhìn vào pháp giới này, mà mỗi một tâm thức của mỗi người đều là một “trung tâm ảnh hiện pháp giới.”Mỗi chúng ta là một ngọn đèn đốt lên, rọi sáng, tất cả xen lẫn vào nhau, nhưng mỗi một ngọn vẫn đều có những đặc tính riêng của nó, như đèn dầu hôi, đèn điện, nến, bạch lạp v.v…, dù là loại gì nó cũng đồng một sự sáng. Chư Phật cũng thế thôi, các ngài nhìn tất cả pháp giới đều trong thân ngài, những vị Phật khác cũng đều nhìn thấy như thế, tất cả pháp giới cũng đều hiện trong thân các ngài. Giống như nhiều cái gương, mỗi cái đều óng ảnh phản chiếu tất cả sự vật chung quanh nó, nếu những cái gương tâm thức ấy trong sáng phẳng lặng tột bực thì nó soi chiếu lẫn nhau và mọi vật một cách rất trung thực, ảnh hiện trong nhau trùng trùng, điệp điệp (Chư Phật). Nhưng nếu những tấm gương tâm thức lồi lôm, méo mó không đều, thì nó cũng vẫn có khả năng ảnh hiện những sự vật chung quanh, cũng nổi lên trùng trùng điệp điệp, nhưng là những trùng điệp đầy lồi lõm do những vọng tưởng, vọng tình, nên nó đã tạo thành những hình ảnh méo mó, lệch lạc, lồi lõm tùy theo nghiệp lực của mỗi loài chúng sanh, và sự phản ảnh ấy không trung thực (trường hợp của chúng sanh).

HỎI: Như vậy có phải ngài Phổ Hiền Bồ Tát như là một biểu tượng cho tất cả?

ĐÁP: Đúng vậy, ngài Phổ Hiền là biểu tượng của một vị sắp đến quả vị Diệu Giác. Nhưng không phải chỉ biểu tượng “Symbolic,” mà ngài vẫn có thực, có thể hiện thân độ sanh được.

HỎI: Đây là chỉ nói đến các vị Bồ Tát, còn các vị A La Hán thì sao?

ĐÁP: Mức độ A La Hán còn thấp hơn bình diện này rất xa, tâm thức của các ngài chỉ mới đi được độ một phần ba đoạn đường, thành tựu quản không, chưa ra quản giả và đi sâu vào trung đạo. Còn ở đây là bờ mé của sắc và không, tâm thức của các ngài đã đi sâu vào trung đạo, là bờ mé để các vị sắp bước vào Nhập phảp giới trọn vẹn rồi.

HỎI: Trong kinh Pháp Hoa, cuối cùng cũng là ngài Phổ Hiền xuất hiện, kinh Hoa Nghiêm cũng vậy? Đó là một sự tình cờ hay có một ý nghĩa nào khác?

ĐÁP: Ngài Phổ Hiền tượng trưng cho cái diệu hạnh, phải làm tất cả những diệu hạnh ấy một cách ba la mật để cuối cùng mới đến được Phật quả. Ngài Phổ Hiền cũng là một vị Phật, nhưng ngài lại tượng trưng cho diệu hạnh, cũng như ngài Quán Thế Âm tượng trưng cho Đại Bi. Nhưng cũng phải hiểu rằng, các ngài vừa tượng trưng cho một hạnh, nguyện nào đó, vừa là Phật.

Khi chúng ta xuống phố chơi, nhìn thấy mọi cảnh giới, nhà cửa, chùa chiền, phố xá, người đi như mắc cửi v.v…, ta quán rằng, những thứ đó đều mọc trong tâm mình ra, tâm ta ảnh ra pháp giới ấy. Đó là lối quán cao nhất trong đạo phật, có thể gọi là quán như huyễn. Phải có một định lực cao mới có thể ngồi yên trong một chốn lao xao, ồn ào mà thấy tất cả những thứ đó đều mọc từ trong tâm mình, lúc đó chúng ta hơi nhập vào pháp giới một chút rồi, tức là thấy chúng sanh ngọ nguậy trong tâm mình, biết rằng những thứ đó không thật có, đều chỉ là những ảo ảnh, do từ nhân duyên nhiều kiếp kết tụ, đến kiếp này nở ra như vậy. Ngược lại, chính chúng ta cũng ở trong tâm các chúng sanh ấy ra. Đó là sự trùng trùng ảnh hiện của pháp giới này, vì không có một cái gì đơn thuần hay riêng tư độc lập, mà tất cả đều trùng điệp thẩm thấu liên quan với nhau, nương vào nhau để hiện lên mà thôi.

HỎI: Với tâm quán chiếu ở mức độ bao la, đó có giống như bên Duy Thức nói đến chữ “Đại viên cảnh trí” không?

ĐÁP: Duy Thức là sự giải thích của con đường hiện tướng đi vào vọng, lại còn hơi chấp có. Nhưng khi tâm thức lên đường TRỞ VÊ, lặn sâu vào Tàng thức, chuyển thành Bạch tịnh thức.., thì vào cảnh giới của Hoa Nghiêm. Ngày xưa, sau thời ngài Long Thọ khoảng hai trăm năm, trong đạo Phật có hai trào lưu: Một là Pháp tướng tông (Duy Thức), chấp có. Hai là Bát Nhã tông, chấp không. Đệ tử của hai phái đó thường cãi nhau kịch liệt, vì các vị đều chấp vào con đường của mình, đều có lý giải riêng, bên nào cũng nghĩ mình là đúng, mà không hiểu rằng cả hai đều dung thông nhau.

KINH: Thiện Tài thấy vô lượng đại thần thông lực bất tư nghì của Phổ Hiền Bồ Tát như vậy, liền được mười thứ trí ba la mật…

GIẢNG: Trong Hoa Nghiêm nói rõ, Bồ Tát nếu không có thần thông thì không thể nào độ sanh, ở mức độ thấp, Phật cấm thần thông, vì nếu phô trương thì chỉ làm tăng thêm ngã mạn. Nhưng lên cao, bắt buộc phải có thần thông để độ sanh. Vì khi một vị Bồ Tát ngồi thuyết pháp, nếu có một vài loại chúng sanh, như Ma Ba Tuần đến bảo rằng, ông nói thì tôi thấy cũng hay đây, nhưng ông nói được mười phần thì tôi cũng có thể nói được tám, chín phần, vậy ông phải hiện thần thông cho tôi xem tôi mới chịu tin. Vị Bồ Tát này bắt buộc phải hiện thần thông, còn không hiện được thì chỉ biết có lý mà chưa có sự. Trong các vị Tổ Thiền Tông bên Tây Trúc, các ngài hiện thần thông rất nhiều, khi tịch diệt bao giờ cũng bay lên không cao bảy cây đa la, thân chói sáng như mặt trời, trên tuôn lửa, dưới tuôn nước, để cho chúng sanh ngắm, sau từ từ đáp xuống đất ngồi xếp bằng tròn mà thị tịch.

KINH: Như là, trí ba la mật trong mỗi niệm đều có thể đi khắp tất cả cõi phật. Trí ba la mật trong mỗi niệm đều có thể qua đến tất cả cõi Phật. Trí ba la mật trong mỗi niệm đều có thể cúng dường tất cả Như Lai. Trí ba la mật trong mỗi niệm ở khắp chỗ của tất cả Như Lai để nghe pháp và thọ trì. Trí ba la mật trong mỗi niệm tư duy pháp luân của tất cả Như Lai. Trí ba la mật trong mỗi niệm biết sự đại thần thông bất tư nghì của tất cả Phật. Trí ba la mật trong mỗi niệm nói một câu pháp tột thuở vị lai biện tài vô tận. Trí ba la mật trong mỗi niệm dùng thân bát nhã quán tất cả pháp. Trí ba la mật trong mỗi niệm nhập tất cả pháp giới thiệt tướng hải. Trí ba la mật trong mỗi niệm biết tâm của tất cả chúng sinh. v.v…

GIẢNG: Khi Bồ Tát tu lên trên, độ cuối cùng là độ trí.

Tôi xin ngưng ỏ đây, để dành một ít thì giờ trả lời câu hỏi của một vị Phật tử từ kỳ trước. Đây là một câu hỏi rất hay, nên tôi muốn đem ra mổ xẻ xem quý vị nào có ý kiến gì không.

HỎI: Trong sách có kể lại chuyện ba anh em của ngài Thế Thân cùng tu, và cùng xin nguyện được lên cõi trời Đâu Xuất sau khi mãn báo thân này. Và có hẹn nhau rằng, ai chết trước sẽ về báo mộng cho những người còn ở lại. Sau đó,Ngài Sư Tử chết trước, không thấy về báo mộng, vị thứ hai là ngài Vô Trước (hay Thế Thân gì đó mà tôi không nhớ rõ), sau khi ngài chết xong khoảng ba năm sau mới về báo mộng. Ngài kể rằng: “Tôi đã lên cung Đâu Suất vào trong Nội Điện, chỉ được nghe một thời pháp rồi xuống đây ngay để báo mộng cho em, vậy mà thời gian dưới này đã trôi qua ba năm trường. Tôi cũng có gặp anh Sư Tử vẫn còn lảng vảng ở Ngoại Viện vì chỉ thích nghe Thiên nữ đàn hát chứ không vào nghe pháp.” Vậy câu hỏi được đặt ra là, tại sao trên cung trời ngài Thế Thân chỉ kịp vào trong nội điện, nghe pháp được một lúc thôi, thì xuống trần đã là ba năm. Vậy thì người trần thế trong ba năm làm được rất nhiều việc, có thể lấy vợ, sinh con, đi học ra trường, đi làm v.v…, vậy thì tại sao trên trời lại… kém thế? thời gian quá ngắn, chẳng kịp làm được việc gì cả? chỉ nghe được một thời pháp mà thôi?

Quí vị nghĩ sao về câu hỏi này? có ai có ý kiến gì không?

(Trong đạo tràng xôn xao, mỗi người mỗi ý, có vị giải thích theo khoa học, có vị giải thích theo tâm thức, có vị dựa trên Phật giáo để giải thích. Người đánh máy chỉ lấy ra một vài ý kiến sát với đạo Phật nhất mà thôi.)

Ý kiến của ông Mậu: Theo con mắt Phật giáo, tôi nghĩ rằng trên ấy thời gian và không gian, có lẽ… không có nhiều, còn dưới này có thời gian và không gian, nên chúng ta nghĩ rằng thời gian dài ngắn chứ thực ra… không có.

ĐÁP: Câu trả lời của ông nói cũng hay đấy, nhưng trên trời vẫn có không gian và thời gian, vì ở mức độ các tầng trời nó chưa được hóa giải, song thời gian và không gian hơi có khác, vì trên đó nó đã thăng hoa nhiều rồi.

Ý kiến của anh Xứng: Trên cõi trời, mạng sống chư Thiên rất dài, vì trong kinh nói, ở tầng trời Tứ Thiên Vương (tức là ở dưới cung trời Đao Lợi), một ngày một dêm bằng năm mươi năm ở cõi trần gian này, và thọ mạng của các vị trên đó là năm trăm năm. Nếu làm một con tính thì so với thời gian ở nhân thế chắc khoảng nhiều triệu năm, nên họ cũng vẫn làm rất nhiều việc, thọ mạng chúng ta chỉ có khoảng bảy mươi đến tám mươi năm mà thôi, thì ăn thấm gì với cái nhiều trên trời?

ĐÁP: Ha… ha…, anh trả lời hơi… lệch qua một bên rồi, vì anh không giải đáp đúng vào câu của người hỏi. Người hỏi có ý chê các vị trên trời, vì chỉ cần cùng một khoảng thời gian như thế, mà dưới nhân gian chúng ta làm được rất nhiều chuyện, mà trên trời chỉ có kịp nghe một thời pháp thôi. Nên tôi nghĩ, chắc ông Minh Đạo, người đặt câu hỏi, chưa lấy làm thỏa mân lắm đâu.

Ý kiến của cháu Toàn: Theo cháu, cháu chỉ muốn đưa ra một thí dụ nhỏ để quí bác nghĩ xem có đúng không? Dụ như có hai anh học trò vào lớp học, chỉ ngồi trong lớp khoảng một tiếng thôi, một anh thì ngồi mơ mộng chỉ nghĩ ngợi lung tung nên chỉ cần trong một tiếng đồng hồ anh có thể vẽ mộng rất nhiều chuyện, nhưng không có chuyện nào ra chuyện nào cả. Ngược lại, anh học trò kia, cũng thời gian là một tiếng, chỉ lo chăm chú làm bài thi. Vậy thì quan niệm thời gian đối VỚI anh học trò ngồi vẽ mộng rất dài, ngồi mãi mà giờ học không tan, còn đối với anh học trò kia, vì làm bài chăm chú nên một tiếng trôi qua đối với anh ta trôi qua rất nhanh. Nên quan niệm thời gian chỉ khác biệt theo cái nhìn của mỗi người. Cũng vậy, người nhân thế chỉ lo làm những chuyện… tùm lum, không có chuyện nào ra chuyện nào nên thấy dài, nhưng người trên trời lo thiền định thì lại thấy thời gian rất ngắn.

ĐÁP: Theo ý tôi, chú nhỏ này nói có lẽ đúng nhiều nhất, nhưng chưa diễn tả được rõ ý chính.

Ý kiến của ông Tâm: vấn đề thời gian ở đây chỉ là thời gian vọng tưởng, nên chúng ta chấp có thời gian có dài, có ngắn, nhưng thật ra thời gian không phải như vậy. Nên khi so sánh thời gian thì ta cứ tưởng ta làm được nhiều việc, nhưng rốt cục chẳng làm ra việc gì chính đáng cả, chỉ ăn với ngủ thôi.

ĐÁP: Ông Minh Đạo (người đã đặt câu hỏi) nghĩ sao về những câu trả lời của các vị trong ban kinh? Ông có thỏa mãn về những sự trả lời nào không?

Minh Đạo: Từ nãy giờ, những câu trả lời không giải thích được thỏa đáng hẳn vào câu hỏi của tôi. Vì sao? Vì nếu theo như cháu Toàn nói, vấn đề thời gian chỉ là của tâm lý mỗi cá nhân thôi, vì cùng một giờ, mà tâm lý của mỗi cậu học trò khác nhau. Câu trả lời này, nếu suy tư sâu xa, thì vẫn… chưa thấy ổn, vì sao thế? Vì cũng cùng một thời gian, ở nhân thế là ba năm, ở trên cung trời Đâu Suất chỉ ngắn bằng một thời kinh, vậy tại sao trên trời làm cái gì mà chậm thế? trong khi người nhân gian đã làm được bao nhiêu chuyện to lớn rồi.

Ý kiến của Anh Khiêm: Theo tôi nghĩ, nếu đem so sánh loài người chúng ta với các vị trên trời chỉ giống như những lũ côn trùng so sánh với chúng ta vậy. Như con phù du chẳng hạn, chỉ cần một ngày là đã xong một đời của nó. Nếu nhìn theo thời gian vật lý thì như nhau, một ngày của chúng ta, bằng một kiếp của con phù du, nhưng đứng trên tâm thức thì có khác biệt. Nên tuy chúng ta gọi là làm được nhiều việc thật, nhưng tâm thức chúng ta chẳng biết gì, còn một bài pháp mà ngài Thế Thân nghe được trên cung trời, tôi nghĩ (hơi ngập ngừng vì không chắc ý) nó… nó… vi diệu…, thâm sâu nhiều…

ĐÁP: So với con giun, con dế, một kiếp của nó chỉ kéo dài độ vài ngày, sinh con đẻ cái, rồi chết. Trong khi con người, khoảng thời gian vài ngày chẳng làm được gì cả? như vậy chẳng nhẽ con giun (trùng) hơn người chăng? Ha… ha…, nực cười thay cho cái vòng luẩn quẩn của pháp giới này. Thử tượng tượng, một đám giun, dế họp nhau lại,( như chúng ta họp ở đây), vỗ ngực vênh vang cho rằng, loài trùng chúng tôi còn hơn loài người các ông xa, vì chúng tôi đây, làm được lắm chuyện hơn các ông nhiều lắm, ha… ha…

…(Cả pháp hội cười ồ!)…

Nay, tôi xin trả lời câu hỏi của ông Minh Đạo…

Theo như nhận xét của tôi về những câu trả lời của các vị trong ban kinh, tôi thấy câu trả lời của cháu Toàn, ông Tâm và anh Khiêm có nhẽ gần đúng hơn cả. Vì vấn đề là chúng ta phải phân tích những sự việc, và thế nào là việc? Theo trong kinh vẫn thường dạy, trên trời ít việc, vui nhiều, khổ ít, duyên lự ít, (duyên lự là lo nghĩ tùy theo nghiệp duyên), định lự nhiều, (tư lự trong những cơn định). Còn thế gian thì vui ít, khổ nhiều, duyên lự rất nhiều, lo lắng nhiều quá, gần như bị nghiệp lực hoàn toàn chi phối, tức là lúc nào cũng phải lo nghĩ về việc phải làm. Nói một cách khác, “việc” là gì, đều chính do duyên lự mà ra, phải nghĩ cái này, cái khác, và làm chuyện này, chuyên nọ. Thử nghĩ kỹ, con người rất nhiều việc, riêng chỉ nói đến thân này thôi cũng đủ kéo ra biết bao nhiêu việc, như ta phải lo cầy cấy, canh tác, trồng trọt, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, xây cất v.v… tất cả những việc đó để lo cho con người có một đời sống tương đối dễ thở, rồi sau đó lại phải nấu cơm, rửa bát v.v…, lớn lên lấy vợ, rồi sinh con. Mà chuyện tình dục của con người rất… phiền toái, chỉ cần cao hứng một chút là ra một đứa con,rồi phải nuôi, phải dạy dỗ, đau khổ, hay sung sướng vì nó v.v… cứ thế, chuyện này tiếp nối chuyện khác không lúc nào ngơi nghỉ. Ngay cả đến sự giải trí của chúng la cũng phải làm đủ mọi chuyện, từ những đồ chơi giải trí phải mất công chế tạo, sau đó cũng phải đến chỗ giải trí, như nghe nhạc, nhảy nhót, đánh bạc, uống rượu v.v… chỉ có một thú giải trí ít tốn tiền và công nhất là thú đọc sách thôi. Rồi đến khi chết thì đầy sự sợ hãi, có khi bệnh tật kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Tóm lại, chúng ta Rất-nhiều-việc, và việc của chúng ta là do cái xác thân này, còn duyên lự nhiều, vì hay so đo, chấp chước nhiều nên thành những việc như thế. Và phải hiểu việc của người và việc của trời khác nhau thế nào, đằng nào tiến bước nhanh hơn. Ngược lại, trên trời vui nhiều, khổ ít, không bao giờ phải lao tác mới có cơm ăn, áo mặc, các vị chư Thiên không cần phải dệt vải để có áo mặc, không cần cầy cấy để có cơm ăn, thức ăn cứ hiện ra thôi, ăn xong lại biến đi, mà trên đó lại có những thứ cây mọc ra những loại áo rất đẹp, các chư thiên cứ lấy những áo đó khoác lên người, cung điện cũng không phải xây cất, sanh ra đã có cũng điện sẵn rồi, khi nghe Phật nói pháp cũng có thể mang luôn cả cung điện đi theo, (vì nó dính vào người), suốt ngày chỉ rong chơi trong vườn Hoan Hỉ, chỉ nghe những thiên nữ múa hát và những cây phát ra tiếng âm nhạc, ngay chuyện tình ái của họ cũng rất nhẹ nhàng, Thiên Tử và Thiên Nữ chỉ nhìn nhau mỉm cười, không có sự chung đụng gối chăn, tinh huyết, thì người nữ sẽ thọ thai ngay, cái thai là một cục bứu mọc trên đầu gối hay ở nách, cái thai ấy rơi xuống thành thiên tử, không cần phải nuôi nấng gì mà cứ theo thời gian lớn lên thôi, chỉ ăn những thức ăn trên trời tự nhiên hiện đến, thỉnh thoảng lại đi vào Thiện Pháp Đường, nghe vua Đế Thích nói pháp về thập thiện, hay vào cung Đâu Suất nghe ngài Di Lặc nói về Bát Nhã và giảng duy thức. Nhưng chỉ nghe một thời thôi các vị có thể đắc đạo được ngay, trong khi dưới nhân gian chúng ta cả nghìn bài pháp, hay vài vạn bài pháp mà chưa thấy đắc được gì cả.

Tóm lại, nhân gian chúng ta quá dở, tâm quá sức cạn cợt, khổ lụy nhiều, chỉ để cho nghiệp lực tự do tung hoành, nên chúng ta có đủ các thứ duyên lự đưa đến đủ các việc lăng nhăng, nhưng không việc nào có thể đưa chúng ta đi lên cả.

Vì vậy, nên dưới nhân thế trong ba năm, ta có thể đọc ba trăm cuốn sách, nhưng tâm thức chẳng tiến được mấy tí, ngược lại, càng ngày càng đi vào vọng, càng ngày càng duyên lự nhiều, càng phiền lụy nhiều. Nhưng các vị chư Thiên chỉ cần nghe một câu pháp, có thể đi vào bình diện tâm thức sâu hơn, và có thể tiến tu được. Nên mỗi nơi có những sự việc của nó, và những cái vui hay khổ lụy của riêng nó.

Tôi giải như thế không biết ông có thỏa mãn được chút nào chăng?

Minh Đạo: Trước khi đặt câu hỏi, tôi có dẫn chứng một đoạn kinh trong Pháp Hoa, sau khi đức Phật giảng kinh”Vô Lượng Nghĩa xứ,”ngài nhập vô lượng xứ định để biến tâm thức của chúng hội thấy được tất cả những sự thành, tựu, hoại, không của pháp giới, trùng trùng bao nhiêu cõi biến hóa, mà tất cả chúng hội đều thấy rõ. Nếu so với thời gian của nhân gian để nhìn thấy những dữ kiện ấy phải mất một khoảng thời gian dài hằng hà sa số kiếp, vậy mà ngài chỉ thu lại bằng thời gian uống xong một chung trà.

ĐÁP: Trong trường hợp này lại khác, vì có thần lực của Phật gia trì, nên thời gian kéo dài hay ngắn vô ngại, tùy tâm ngài khởi lên thế nào chúng hội sẽ thấy như vậy. Vì thời gian và không gian đối với ngài đã được hóa giải, ngài có thể nhìn thấy ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) hiện tiền trước mắt, mà thần lực của các ngài thì vô cùng, ngài có thể gia trì cho một người, nhiều người, một cõi, nhiều cõi, nhẫn đến hằng hà sa số cõi nhìn thấy không biết bao nhiêu biến chuyển mà những người được Phật gia trì cho thấy chỉ có cảm giác trải qua một thời gian rất ngắn. Nhưng ở đây, câu trả lời chỉ nói theo nghiệp riêng của mỗi loài chúng sanh có mỗi khác, vì tâm thức bất đồng, nên thời gian có mau, có chậm mà thôi. Cũng vậy, như một con giun (trùng) không thể vênh vang chê loài người làm ít việc, vì những việc của con giun làm không phải là “việc,” vì mức độ tâm thức của nó quá thấp, chỉ đi qua một chu kỳ sinh lý thế thôi, mà không có một chu kỳ tâm thức vi diệu. Và những việc của loài người, con trùng không thể làm được, nên nó không thể vênh vang vỗ ngực nói hơn người. Cũng vậy, chúng ta cũng không thể tự cho là hơn các vị chư Thiên cõi trời, vì những việc của chúng ta còn ở trong một mức độ tâm thức thấp và còn rất thô kệch, chỉ có ăn, uống, ngủ nghỉ và đắm nhiễm trong dục lạc… Còn người có một tâm thức cao hơn một chút thì cũng biết đọc sách, nếu chỉ là những sách lăng nhăng của thế gian thì tâm thức càng ngày càng đục ngầu, làm con đường vọng để cho chúng ta đi xuống, trôi lăn mãi. Trong khi các vị chư Thiên chỉ nghe một thời pháp tâm thức họ có thể thăng hoa. Nên chúng ta phải biết nhìn những cứu cảnh kết quả của sự làm việc hơn là so sánh nhiều hay ít, nói cách khác, ta phải nhìn cái phẩm nhiều hơn cái lượng.

HỎI: Vậy tại sao bên tiểu thừa khi một vị Tư Đà Hoàn chết đi còn phải trở lại cõi này bảy lần? Nếu mức độ tâm thức đã đạt đến bực thánh như thế thì còn phải trở lại làm chi?

ĐÁP: Đúng, trong kinh có nói các vị Tư Đà Hoàn (nhập lưu, tức là được nhập vào hàng thánh), còn trở lại dục giới bảy lần, nhưng trong dục giới có cả tầng trời chư Thiên luôn chứ không phải chỉ có trần gian này. Còn vị Tu Đà hàm chỉ phải trở lại một lần thôi.

Con người là ở một mức độ cùng cực (situation limite), nghĩa là nó ở mức độ đi xuống rất dễ, mà đi lên cũng được, và cũng là một chỗ giằng co giữa thiện và ác, giữa tịnh và uế, giữa thăng hoa và chìm nổi, giữa đời và đạo v.v… tâm thức con người tương đối cao, đồng thời phiền lụy cũng rất ghê gớm, nó là một chiến trường khốc liệt nhất, làm cho chúng ta đọa cũng dễ, hay thăng hoa đi lên cũng được. Bởi vậy nên con giun (trùng) không thể so sánh với loài người được vì nó chưa lên đến mức độ tâm thức cao như người. Còn nói đến các vị chư Thiên đã đi qua cái cửa ải khó nhất là cửa ải loài người rồi, đã đi lên được ít nhiều, tâm thức nhẹ nhàng thanh tịnh hơn nên dễ chuyển hóa hơn.

HỎI: Trong kinh có danh từ “sát na” đó là dựa trên cái sát na thời gian ở đâu? trên trời hay cõi nhân gian này?

ĐÁP: Ở mỗi nơi, có thời gian và sát na riêng của nó. Như dưới nhân gian, trên trời, loài côn trùng, một hệ thống thái dương hệ, hay bên cõi Cực Lạc v.v… mỗi một nơi có một thời gian riêng và sát na của nó, mà cái sát na là chỉ một thời gian ngắn nhất của mỗi cõi. Nhưng đều tùy theo tâm thức và nghiệp lực của chúng sinh mà thời gian dài hay ngắn, nên không thể nói sát na ở mọi chỗ đều giống nhau.