NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN BỐN

Chương ba

Ngày 14 tháng 4 năm 1991

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 125 về kinh Hoa Nghiêm và đồng thời cũng là buổi thuyết giảng thứ 12 về Đại Bát Nhã tại chùa này.

Trong các thứ kinh, quí vị có biết là Ma Vương, Thiên Ma và những ma dân ở trần thế này họ sợ kinh nào nhất? Đó là kinh Đại Bát Nhã, vì sao thế? Trong khi chúng ta bơi qua biển Hoa Nghiêm hoặc Lăng Nghiêm, và ngay cả khi nói đến ma chướng, họ cũng… khó chịu lắm, chắc cũng không sợ lắm, nhưng khi nói đến Đại Bát Nhã thì họ sợ. Vì Ma cũng giống như phàm phu chúng ta, chúng ta cũng chính ma dân, ma nữ đấy, họ bám vào cái có, vì tất cả thế gian này có thì ma mới hiện hữu được, và khi thế gian này có thì ma mới có quyến thuộc được, có thể có trò vui này, trò vui khác. Còn nếu tuyên bố và dạy chúng ta học về cái “Không” thì tất cả pháp giới này, ma nữ, ma dân, vui, buồn, đẹp, xấu trong thế gian này đều tiêu dung hết, vì người tu quán hiểu biết tất cả đều là Không, như thế hành giả sẽ dần dần ra khỏi lưới của ma, không thể nào trở thành quyến thuộc của ma được nữa, nên ma rất âu sầu, và rất khó chịu.

Quí vị có để ý từ khi tụng Đại Bát Nhã đến giờ, đạo tràng này trở nên thưa thớt đi không? Có thể cũng là một sự ngẫu nhiên, trùng hợp, cũng có thể nhiều khi sắp đi tụng kinh bỗng dưng xảy ra chuyện này, chuyện nọ, hay lên cơn đau bụng, hay nhiều khi ma sui làm cho ta khởi tâm lười biếng không muốn đi tụng kinh… Trong kinh cũng có một đoạn kể rằng, một lần A Tu La lên thiên cung khiêu chiến với ngài Đế Thích, túng thế quá, ngài lên hỏi ngài Di Lặc, được ngài Di Lặc dạy tụng câu chú “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA,” chỉ tụng câu ấy thôi mà đuổi tụi A Tu La chạy có cờ. Đủ chứng tỏ rằng, cái “Không” rất ghê gớm, huyền ảo.

Trong kinh nói rằng, những người nào nghe nói về cái Không này mà không nghi lầm, không kinh sợ, thì người đó là một người hy hữu, vì phần đông đều chấp có, mà bảo tất cả đều Không hết thì dĩ nhiên phải hoang mang. Như chúng ta, với tâm niệm phàm phu, luôn nghĩ rằng ta có vợ, con, của cải và nhất là có cái thân này, mà nghe Phật dạy tất cả những thứ đó đều Không cả dĩ nhiên cũng… không tin, chúng ta chưa đến cái mức độ cảm thấy sợ đâu, vì trí huệ của chúng ta chưa mãnh lợi lắm, tầng mức tâm thức chưa đi sâu vào trong. Nhưng những bậc khá cao về thiền quán như các loài Thiên Ma và Ma Vương thì họ sẽ thấy sợ.

Gần đây, tôi có đọc kỹ bộ kinh Đại Bảo Tích. Đó là một bộ kinh vô giá, vì trong đó nói có nhiều pháp hội có trăm ngàn vạn ức Ma Vương đến vân tập. Đồng thời các kinh khác chỉ có một đức Phật thôi, Kinh Pháp Hoa thì có hai dức Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Đa Bảo. Kinh A Di Đà thì có chư Phật thị hiện tướng lưỡi rộng dài ra nói lên những lời chân thật rằng có nước Cực Lạc của Phật A Di Đà nhưng các ngài không vân tập đến. Trong khi, Kinh Đại Bảo Tích có những pháp hội như pháp hội Đại Tạng, tất cả đại chúng và Chư Phật đều đến họp và cùng nói pháp, đồng thời trăm vạn ức Ma Vương tới họp, bàn nhau kế hại ông Sa Môn Cù Đàm, nhưng phần đông rốt cuộc cũng qui y cả. Có nhiều vị Ma Vương nói những câu thật ngẩn ngơ, ngây thơ như một đứa trẻ. Phần lớn Kinh Đại Bảo Tích giảng về Bát Nhã, nhưng cũng vẫn có Đại Bi.

Tóm lại, đạo Phật là đạo duy nhất nói về cái tột Không. Những tôn giáo khác, thường họ dừng ở Thượng Đế (Công giáo), hay dừng ở Phạm Thiên (Ấn Độ giáo), tuy thấp nhưng lại tiện, vì chúng sanh dễ hiểu và dễ tin, chứ nói về phi thần hóa, cái bản thể tuyệt vời, tột Không-Diệu-Hữu thì không mấy người tin. Chúng ta là những người Phật tử đọc tụng kinh Đại Thừa lâu rồi, và ngay cả chính tôi, ngày xưa tôi cứ trớ ra, vì khó lãnh hội quá, vì tâm thức còn nông quá, không thể tin được ngay.

Tôi đã thường nói ở đây nhiều lần, tất cả các tôn giáo từ cao đến thấp đều là vì giáo chủ của họ vào được trong những cơn tam muội nông hay sâu mà thôi. Nếu vị giáo chủ của tôn giáo đó vào cơn tam muội “nông” thì thấy pháp giới rất mờ mịt, không thể thấy rõ như Chư Phật, vì các ngài đã vào đến chỗ tột Không để biến thành Diệu Hữu, tương tự như con hương tượng chân đặt tới đáy, còn những vị giáo chủ khác tương tự như con thỏ bơi lõi bõi trên mặt nước mà chân không chấm được đến đáy.

Tùy theo tam muội nông hay sâu, khi các ngài xuất định, các ngài dạy lại cho chúng đệ tử của mình. Có những vị ngừng chỗ Thượng Đế, cho rằng “công việc đã xong,” nên chỉ nói đến một thứ Thần Ngã. Ngài Lão Tử là một vị Bích Chi Phật, cơn tam muội của ngài cũng khá sâu, nhưng ngài chỉ mới vào được cái Không của Thanh Văn thôi, vì vậy, ngài nói những câu cũng tương tự như đạo Phật, nhưng không được sâu lắm. Thí dụ trong Đạo Đức Kinh, gọi cái thực tại cuối cùng mờ mịt ấy là cốc thần, hang thần, hay cửa huyền quan, hay là hoàn hư rồi ngừng ở đấy, không đi sâu thêm được nữa. Chúng ta tu là tu cái hư tâm, mà cái hư tâm của đạo Phật là sâu đến đáy, trong khi cái hoàn hư của đạo Lão chỉ đến nửa chừng, đến Thức ấm rồi dừng lại ở đấy. Còn trong Dịch Học cũng nói Thái cực, nhưng không biết nói Thái cực như thế nào. Đạo Phật thì nói rằng cái đó lìa tất cả những ý niệm, vì dùng ý niệm nào cũng sai cả. Trong Dịch học cũng biết phần nào lối tu, như trong câu: “Quân tử chung nhật càn càn..,” “càn càn”là thuần dương, tức là người quân tử học Kinh Dịch suốt ngày thường nhìn tâm mình, nhìn vào cái mờ mịt bên trong mà không nhìn ngoại giới nữa.

Cũng đi trên một con đường, nhưng các huyền học khác chỉ tới được một mức độ bắt đầu vào thức ấm, vào Không Hải ấy, mà chưa thể lặn sâu vào đáy tầng của không hải đó, không nếm được mùi vị của những cơn Đại Tam Muội vô trụ. Tôi nói đây, để cho quí vị thấy sự thông suốt sâu, nông của các giáo lý, và cũng hiểu rằng túc duyên của chúng ta gặp được Phật pháp kể cũng là một đại hồng phúc cho đời này.

Tóm lại, tất cả các tôn giáo đều dạy đừng nên nhìn vật nữa, vì nhìn ngoại vật là sanh tử, là phiền não, là trôi lăn, vì lúc nào cũng thấy vật và khởi vọng. Ngày xưa, có những vị tu hành tự chọc thủng đôi mắt là vậy, vì phải nhìn vào vào trong, phải quay vào nhìn cái Tâm thì mới có ngày đưa chúng ta đến giải thoát được. Vì vậy, trong kinh Lăng Nghiêm dạy ta rất lạ lùng, nếu người tu hành chỉ nhìn vào cái Tâm ấy thôi, thì sẽ được giải thoát. Chúng ta hãy thử tập nhìn tâm chúng ta đi, như khi xuống phố, hay hành hương sang Trung Hoa, Ấn Độ v.v… ta hãy nhìn Tâm mình thay đổi ra sao, thì lúc đó chúng ta đang hướng nội rồi vậy, còn tất cả những gì bên ngoài đều thuộc về Ma Vương cả. Trong kinh, Chư Phật nói rõ rằng, tất cả dục giới này là của Ma Vương.

Nên trong thời gian chúng ta tụng Đại Bát Nhã, có thể ta gặp một vài điều chướng duyên, nhưng vì là Phật tử đã phát bồ đề tâm, thì dù có phải… tán thân mạng này, thì cũng cứ đi, và dù đạo tràng này thưa thớt hay đông người, chúng ta cũng đi cho tới cùng, vì tôi tin chắc rằng, ngoài chúng ta ra, còn có những vị quỉ thần trung bình, và đôi khi có Chư Thiên xuống nghe ta tụng Đại Bát Nhã.

Trong lần trước, tôi đã giảng một vài danh từ của Bát Nhã là chữ: Không, Bất, Phi, Lỵ, thâu tóm hệ thống bát nhã, đồng thời cũng giảng qua về hai chữ Đại Bát Nhã, và Đại Bát Niết Bàn. Tuy hai chữ này đều giống nhau nhưng cũng có hơi khác một chút. Đạo Phật bao giờ cũng vậy, về một khía cạnh thì bao giờ cũng nói đến Tột Không, không có một vật, rồi lại nói đến khía cạnh kia là khởi ra Diệu Hữu. Nên kỳ trước tôi có trình bày rằng Đại Bát Nhã chính là Đại Bát Niết Bàn nhưng Đại Bát Niết Bàn còn hàm chứa khía cạnh Như Thật Bất Không, vì tuy rằng vào Đại Bát Niết Bàn là vào biển tịch diệt, nhưng trong kinh nói Đại Niết Bàn còn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, và từ đó, vẫn khởi ra đủ sắc tướng.

Hôm nay, tôi muốn nói thêm đến những cặp chữ như: “Có, Không”, “ẩn, hiện”,“phi, tức”. Nói một cách nôm na, đạo Phật là đạo của Có, Không, của ẩn, hiện và của phi, tức. Thí dụ như phàm phu chúng ta, thường thường chỉ biết có. Thanh Văn thì chỉ biết không. Còn đạo Phật thì nói có cũng sai, mà nói không cũng sai, mà là chẳng có, chẳng không. Vì vậy, người xưa đặt ra câu thơ rất hay:

Có thì có thực mảy may,
không thì cả thế gian này cũng không.
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông,
ai hay không có, có không là gì.

Nghĩa là, khi tâm ta nghiêng về chấp có, thì cả pháp giới đều có, ngay cả những phiền não nhỏ bé nhất cũng rất thật có, và tâm ta thích phân biệt, thích chấp vào những vọng tình, vọng tưởng ấy, cho rằng người đó thực có, rằng câu chửi ấy có thực, và mảy may gì cũng có. Nhưng nếu tâm thức hành giả nghiêng về quán chiếu cái Không, thì dần dần tất cả vật đều trở thành không. Lên cao hơn một mức nữa thì hành giả xem tất cả thế gian như bóng trăng trong nước, và trôi vào sự quán chiếu như huyễn.

Còn về cặp chữ “ẩn, hiện” cũng thế. Khi đủ duyên thì vật ấy hiện lên, khi hết duyên nó lại ẩn đi. Ngày xưa, trong ngành tổ thiền bên Tây Trúc, có Tổ thứ mười một, trước khi ngài nhập diệt, hiện thần thông, truyền y bát cho Tổ thứ mười hai là ngài Mã Minh và để lại câu kệ:

Mê ngộ như ẩn hiện
Tối sáng chẳng rời nhau
Nay trao pháp ẩn hiện
Không một cũng không hai.

Tại sao mê, ngộ như ẩn hiện? Khi ta mê, tất cả trí tuệ giác tánh ẩn đi, mờ đi, để tất cả những vọng tưởng, vọng tình cùng quang minh của nghiệp lực nổi lên bời bời. Vì vậy, khi mê thì Phật tri kiến Giác tánh, Niết Bàn, Diệu Tâm, Chánh Pháp Nhãn Tạng v.v…, bị ẩn đi, khiến các nghiệp lực tung hoành, vì vậy nên gọi là Mê. Còn khi chúng ta Ngộ thì Trí Huệ nổi lên, làm mờ những quang minh của nghiệp lực, của phiền não kiết sử, cũng như cái gương, khi đã sạch bụi thì hiển hiện rõ mọi vật, nên gọi là Ngộ. Còn chữ “tối, sáng” cũng thế. Tối là nó chỉ hiện những quang minh mà mắt chúng sanh không nhìn thấy, còn khi hiện những quang minh mắt có thể nhìn thấy thì gọi là sáng. Tất cả chỉ là sự thay đổi của nhịp độ rung chuyển, mắt thường không thấy cho là tối, nhưng loài khác, có thiên nhãn thông lại cho là sáng, chư Phật thì thấy tối cũng như sáng, vì bất cứ quang minh nào ngài cũng nhìn thấy cả. “Nay trao pháp ẩn hiện,” là nói đến cái thông điệp ẩn, hiện, không một cũng không khác. Nếu nói là một cũng sai, vì tối, sáng có khác nhau, nhưng cũng không phải là khác vì tối, sáng ấy, cùng khởi lên từ Chân Tâm. Còn cặp chữ thứ ba là cặp ‘ ‘phi, tức.” Phi là không phải, tức là phải. Phàm phu thấy sắc tức là sắc, cũng tức là phi không, không phải không. Nhưng tu hành lên cao sẽ thấy, sắc là phi sắc, chúng sanh là phi chúng sanh, cõi là phi cõi, vi trần là phi vi trần. Đi sâu hơn nữa thì Sắc tức là Không. Đạo phật chỉ quanh quẩn ở mấy cặp chữ như thế thôi. Nhưng suy nghĩ lâu sẽ thấy sự kỳ diệu của cái Tâm biến hóa.

Chúng ta là những Phật tử tụng kinh Đại Thừa khá lâu, nên tôi nói những lời thâu tóm để quí vị có một ý niệm thông suốt về bí ẩn của Tâm biến hóa không cùng. Đạo Phật là tôn giáo tốì thắng nhất, vì dạy rằng, khi đến chỗ tột Không ấy lại biến thành Diệu Hữu. Trong đạo Phật cũng nhắc chúng ta rằng, ta có hai cơ hội tự nhiên để chuyển hiện. Cơ hội thứ nhất là lúc chết. Mỗi ngày, trung bình ta ngủ khoảng từ sáu đến tám tiếng, đó cũng là cơ hội chúng ta tập chết. Đến khi chết thật, thì có thể xuống địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, hoặc vọt lên các tầng trời, may mắn hơn nữa thì được vãng sanh nơi Cực Lạc, nếu nắm được cơ hội ấy thì hay lắm. Nên người nào chê bai pháp môn Tịnh Độ là những người chưa hiểu rõ đạo lý vận hành của pháp giới này, cũng không hiểu pháp giới là gì, và chư Phật đã từ bi hiện tướng lưỡi rộng dài thề rằng pháp môn tịnh độ là một pháp môn tối thắng, phải nương vào luồng sóng đó để đi lên, cũng như những con cá khi bị sóng biển đẩy vào nằm trên cạn, không rút xuống được. Còn nếu tu tịnh độ thì tương tự như những con cá mắc trên cạn nhưng được những làn sóng khác kéo lại xuống nước, vậy chớ nên chê bai Tịnh Độ, cho rằng đó chỉ là một pháp môn hạ liệt, để cho những bà nhà quê thiếu học tu thôi, vả lại, nếu tu theo lối thiền, và tu tự lực, phải giữ giới, tọa thiền liên tục trong tám mươi kiếp liên tục, mới đến quả vị A La Hán, hay tu hơn nữa, làm bao nhiêu hạnh nguyện mới đến Bồ Tát đệ thất địa, chưa bằng một bà nhà-quê-sang-được-Cực-Lạc, nằm trong hoa sen vài kiếp, tùy theo từng phẩm sen, đến khi hoa sen nở, được nghe Phật thuyết pháp, được đi cúng dường chư Phật, được các ngài thọ ký rồi lên ngay được Đệ Bát Địa và đắc được Vô Sanh Nhẫn. Vì vậy, chư Phật mới nói pháp môn này tối thắng, người nào không tin, không hiểu, không vào là tự cô phụ lấy mình. Vì làm sao sức người thường có thể tu lên đệ thất địa của bồ tát được? chỉ cần tu lên đến từng trời Tứ Thiên vương — là một tầng trời cõi dục thấp nhất — cũng đã là rất khó, chứ đừng nói lên cao hơn. Quả thật, càng đọc kinh, càng thấy con đường tu tự lực rất khó, nhiều ma chướng, nhiều chông gai sức người trong thời mạt pháp này, chắc chẳng mấy ai có thể làm nổi. Nên ngài Ấn Quang nói rằng:

– Trong thời mạt pháp, nếu không có pháp môn Tịnh Độ thì không có cách gì độ sanh được.

Nên tôi thấy khổ tâm và thương hại những người nào chê pháp môn Tịnh Độ, vì những người đó không hiểu được ý của chư Phật. Ta có thể xiển dương pháp môn Thiền của mình, nhưng chớ bài bác Tịnh Độ, vì như vậy là bài bác luôn cả chư Phật mười phương ba đời. Vả lại, niệm Phật đây cũng là Thiền, một pháp môn thiền tối thắng được nương vào tha lực của Phật A Di Đà.

Cơ hội thứ nhì là lúc kiếp hoại, trong lúc ấy, chúng sanh nào không tu, cũng tự nhiên được làn sóng của Thần Lực chư Phật và Nguyện Lực của chư Đại Bồ tát đưa lên sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nên phải hiểu, đến chỗ tột cùng thì nó lại biến, nói cách khác, đến mức độ khó khăn nhất thì lúc đó, một là tụt xuống, hai là đi lên, điều quan trọng là phải biết nắm lấy cơ hội mà thôi.

Ngài Mã Minh đã từng nói, trong pháp giới luôn luôn có sức huân tập của Chân Như, nó như một cái biển lớn, khi sóng ào ào xô vào bờ (hiện tướng thành thô kệch), luôn luôn có sức chiêu hút trở về (về Diệu Tâm), nên tất cả chúng sanh, dù tu hay không cũng được sức huân tập ấy hút lên để trở về Diệu Tâm ấy. Nhưng nếu chúng ta không tu, để tự nhiên cho nó hút lên thì phải trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp rất dài xa, cần khổ, lên lên, xuống xuống trong sáu nẻo luân hồi, còn nếu biết cách tu thì nhanh hơn, và nhất Ià biết nương vào sức huân tập ấy hay thần lực gia trì của Chư Phật và Nguyện lực của chư Đại Bồ Tát.

Trong đạo Phật, khi ta đến được bậc bất thối chuyển, tức là được vô sanh pháp nhẫn và được chư Phật thọ ký, thì đó là một bước tiến quyết định rất lớn. Sang Cực Lạc, dù phẩm sen nào cũng sẽ được mức bất thối chuyển. Nên, để tăng thêm tín tâm cho chư Phật tử về con đường Tịnh Độ, hôm nay, tôi xin dành một chút thì giờ để đọc cho quí vị nghe một đoạn kinh nói về một vị được Phật thọ ký vào bậc bất thối chuyển, để chúng ta thấy rằng, khi được Chư Phật rờ đầu, hoặc dẫm lên tóc, lên y của mình thì lúc đó là dấu hiệu được Phật thọ ký. Có những vị nằm lăn ra đất, Phật bước qua chỉ dẫm nhẹ vào lưng ông ta là vị đó được thọ ký bất thối chuyển ngay, nhưng nói thế thì thấy có vẻ dễ, chứ phải có nhiều túc duyên, tu hành nhiều kiếp, thân, tâm thanh tịnh đến một mức độ nào mới được gặp Phật, và phải như thế nào mới được Phật xoa đầu, hay dẫm chân trên lưng để thọ ký.

Tôi xin đọc một đoạn kinh để ta hiểu được tâm trạng của người được thọ ký ra sao.

(Trích trong bộ Đại Bảo Tích, cuốn 4, trang 400. Nói vồ tiền thân của đức Phật Thích Ca, lúc đó còn là một vị Bà La Môn tên Mê Gia).

KINH: Này Xá Lợi Phất, lúc ấy có một Bà La Môn tên là Chân Bửu ở cạnh núi Đại Tuyết (Tuyết Sơn), năm trăm nho đồng là đệ tử. Bà La Môn Trần Bửu này được mọi người tôn trọng, danh đức đồn xa.

GIẢNG: Vị này là một vị thầy Bà La Môn dạy về Ấn Độ giáo.

KINH: Giỏi nghệ thuật, thông đạt cứu cánh ba kinh Tỳ Đà, sách Ni Kiền Trà, luận Kế-La-Bà, luận Phân biệt tự, luận Y-Đế-Ha-Bà, luận Ngũ Phật Ký, luận tùy thuận thế, luận Từ Tự Chú, luận Trượng phu tướng, ở nơi quang minh đại giáo của tự tâm, Sư đều hiểu rành rẽ lý thú, khéo biết khai gián.

GIẢNG: Ngài Chân Bửu là một vị Bà La Môn, danh liếng đồn xa, biết tất cả các kinh, luận, sách về Ấn Độ giáo, kinh Tỳ Đà (chắc có lẽ là Kinh Vệ Đà ngày nay), sách Ni-Kiền-Trà, luận Kế-Đa-Bà, luận Y-Đế-Ha-Bà (Chữ “Ỵ” đấy chắc là về cái Y Minh), mấy kinh này chúng ta không biết rõ, chỉ có thể đoán mò thôi. Luận Tùy thuận thế, là luận theo thế gian, như nói đến chuyện tướng số, tốt xấu v.v… Luận Từ tự chú, nói đến vấn đề chú thuật. Luận trượng phu tướng, bên Ấn Độ giáo có rất nhiều sách tướng số, đại khái có những tướng như nếu lưỡi người nào có thể lè dài chấm đến chóp mũi thì người đó trong nhiều kiếp đều nói lời chân thật chẳng hạn. Tóm lại, vì Bà La Môn này là một vị khá giỏi, thông suốt được nhiều việc thế gian và xuất thế gian.

KINH: Trong năm trăm đệ tử có một nho đồng tên là Mê Già.

GIẢNG: Nho đồng là một người còn trẻ, đồng trinh.

KINH: Trí huệ thông đạt..

GIẢNG: Những kiếp trước của Phật Thích Ca, ngài cũng đi học ngoại đạo rất nhiều. Tất cả những người về sau thành tựu đạo Phật, thường những kiếp trước đều lang bang ở ngoại đạo cả, nên thỉnh thoảng chúng ta lang bang vào ngoại đạo cũng không nên sợ quá, phải lang bang để biết hết mới được, rồi sau mới vào đạo Phật, nhưng không biết mà cứ lang bang mãi theo ngoại đạo thì chỉ mất thì giờ mà không đem lại một kết quả hữu ích nào.

KINH: Trí huệ thông đạt, tài bằng với thầy là bà la môn Chân Bửu.

GIẢNG: Học trò là ngài Mê Già tài giỏi bằng thầy rồi, thầy dạy hết chữ rồi.

KINH: Kham làm đạo thủ…

GIẢNG: Vị Mê Già này vì giỏi quá, nên thầy cho một chức vị đại khái như lối trưởng tràng để phụ thầy dạy thêm những học trò khác.

KINH: Một hôm Mê Già thưa cùng thầy rằng, đạo sư nên biết cho, tất cả kinh luận được học đều đã thông đạt, nay tôi sẽ trở về sanh quán, làm sao báo đền được ơn đức đại sư? Thầy bảo rằng, này Mê Già, nếu đệ từ muốn báo ơn thầy, thì dùng của báu mới tỏ được hậu ý, đó là những gì? Nếu kiếm được đủ năm trăm đồng vàng thì đủ để tỏ hết lòng.

GIẢNG: Thầy biết Mê Già đã học hết chữ rồi và muốn trở về quê quán, nên nói với trò rằng, công ơn dạy dỗ ấy phải trả bằng những của báu, quí giá như năm trăm đồng tiền vàng mới gọi là hết lòng trả ơn.

KINH: Mê Già vâng mệnh, kính lễ rồi từ tạ thầy ra đi. Nho đồng ấy du hành khắp trong thành, đình, quán, quốc ốc, vương đô, xứ xứ tìm cầu của báu để tạ ơn thầy.

GIẢNG: Mê Già làm đủ các việc ở khắp nơi để kiếm liền cùng những của báu để tạ ơn thầy.

KINH: Họp đủ số tiền ấy rồi toan mang về báo ơn, đi lần đến chỗ thành Thạnh Liên Hoa, xa trông thấy thành đó trang nghiêm đẹp đẽ, hỏi thăm thì biết ngày ấy có đức Phóng Quang Như Lai (tức là đức Phật Nhiên Đăng).

GIẢNG: Trên con đường đi về tạ ơn thầy, Mê Già đi ngang qua một cái thành trang nghiêm, đẹp đẽ, dân chúng nói rằng vì hôm nay có đức Phật Phóng Quang Như Lai đi qua, nên dân chúng đón tiếp rất tưng bừng long Irọng.

KINH: Hỏi thăm thì biết ngày ấy có đức Phóng Quang Như Lai cùng hai mươi câu chi đại A La Hán và tám vạn bốn ngàn huệ giác sắp nhập thành nên nhân dân sắm sửa cúng dường lớn, do dó mà thành đó được trang nghiêm như vậy.

GIẢNG: Khi Mê Già vừa nghe đến tên Phóng Quang Như Lai tự nhiên trong vô thức bừng dậy, thấy có một niềm khát ngưỡng lạ lùng, tuy rằng đã có thầy là Bà La Môn Chân Bửu và định mang tiền về cúng thầy rồi. Nhưng thầy bà la môn này chỉ là “thọ nghiệp sư” tức là thầy ở nhân thế, và vì từ vô thức trỗi dậy, đã bao nhiêu kiếp trước học với ngài Phóng Quang Như Lai này rồi, nên lòng cứ cuồn cuộn, gần như quên phứt thầy nhân thế, mà chỉ nghĩ đến đức Như Lai này thôi nên khởi tâm muốn lấy năm trăm đồng tiền vàng định dâng tạ ơn thầy đem cúng dường đức Như Lai này đã, rồi sau lại kiếm tiền tạ ơn Chân Bửu sau.

KINH: Thoạt nghe danh hiệu Phật, Mê Già nho đồng được đại hoan hỉ, lòng tin thanh tịnh tự nghĩ rằng…

GIẢNG: Ngài tự nhiên có một lòng tin rất thanh tịnh, từ trước ngài chỉ học với vị thầy Bà La Môn thôi, nhưng có thể những chủng tử từ nhiều kiếp trong tâm đã chín, nở ra nên tự nhiên khi nghe danh đức Phật thấy lòng rất bồi hồi sung sướng, chỉ muốn gặp mặt mà quên hết mọi sự khác.

KINH: Tự nghĩ rằng, chư Phật Như Lai rất khó được gặp, rất khó thấy như hoa Ưu Đàm, như rùa mù đáy biển gặp được bọng cây nổi.

GIẢNG: Trong đạo Phật hay dùng thí dụ rùa mù gặp bọng cây nổi để thấy sự khó khăn, hy hữu khi được gặp Phật. Câu chuyện kể rằng, có một con rùa mù ngoài biển khơi, cứ một trăm năm thì nổi lên mặt nước một lần, trên mặt nước thỉnh thoảng có một khúc cây nổi trôi bập bềnh, mà cơ hội hiếm hoi thế nào để rùa mù chui đúng vào cái lỗ trên khúc cây nổi bập bềnh ấy. Đủ biết rằng xác xuất hiếm hoi thế nào, nên việc gặp được Phật cũng thập phần khó khăn hơn thế. Như chúng ta đây, lang bang không biết qua bao nhiêu ức kiếp cũng chưa có đủ túc duyên gặp Phật một lần, chỉ nghe được lời Phật để lợi trong kinh thôi, và khi đủ túc duyên gặp được ngài thì tất cả mọi sự gần như đã xong, đường tu cũng gần hoàn mãn.

KINH: Như rùa mù đáy biển gặp được bọng cây nổi, cả trăm ngàn đại kiếp hoặc được gặp một lần.

GIẢNG: Một tiểu kiếp có 16 triệu 800 ngàn năm, hai mươi tiểu kiếp mới thành một trung kiếp, mà phải bốn trung kiếp mới thành một đại kiếp. Kinh nói rằng, cơ hội của con rùa mù gặp được bọng cây nổi phải cần cả trăm ngàn đại kiếp mới gặp một lần, đủ chứng tỏ sự khó không thể tưởng tượng nổi. Nhưng trong kinh Nguyên thủy vàkinh Thanh Văn nói rằng chư Phật ra đời khoảng ba trăm ngàn năm một lần, vậy mà trong kinh đại thừa lại nói duyên gặp Phật còn khó hơn nữa, một trăm ngàn đại kiếp chưa chắc đã gặp được. Chúng ta cũng thấy, ngay trong trung kiếp chúng ta hiện đang sống, có tám kiếp đầu không có Phật ra đời, mỗi kiếp là 16 triệu 800 ngàn năm nhơn lên tám lần như thế, đến kiếp thứ chín thì có bốn vị Phật ra đời, kiếp thứ mười thì có ngài Di Lặc, rồi đến kiếp thứ mười lăm có 994 vị Phật ra đời.

Vì vậy, chúng ta mới xin vãng sanh Cực Lạc, vì gặp Phật ở cõi Ta Bà này khó quá, phần vì không có túc duyên, phần vì nghiệp chướng sâu dày, nên chỉ còn cách niệm Phật cầu vãng sanh thôi.

KINH: Nay ta được gặp thật là hi hữu, phải đem năm trăm đồng vàng này mua hoa quí, cúng dâng lên đức Phóng Quang Như Lai, rồi sẽ lại kiếm tiền khác báo ơn thầy.

GIẢNG: Mê Già tự nghĩ rằng, thôi cơ duyên gặp Phật đây thật hy hữu, y hệt như rùa mù gặp bọng cây, cần phải lấy tiền này cúng ngay, kẻo lỡ mất dịp, còn chuyện tạ ơn thầy sẽ tính sau vậy. Đủ cho ta thấy, trong kinh nói lên một sự ẩn mật giằng xé trong tâm thức ngài Mê Già, vì ngài chót học với một thầy nhân thế, học tốt cả y nho, lý số của thầy, nhưng căn của ngài Mê Già là căn tu Đạo Vô Thượng, rồi nghĩ rằng tất cả những gì học của thầy mình chưa ghê gớm lắm, vì vậy mới xin thôi thầy, nhưng dù sao, ơn thầy dạy cũng phải tạ ơn. nhưng kẹt là không có tiền, chỉ có năm trăm đồng thôi, thì cứ đem tất ra cúng dường đức Phóng Quang Như Lai trước đã, vì đây mới là vô thượng, tối thắng, còn chuyện kia thì sau này sẽ kiếm thêm tạ ơn sau cũng được. Kinh chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng, như ta cũng thấy tất cả những giằng xé diễn ra trong tâm thức của Mê Già.

KINH: Phải đem năm trăm đồng tiền vàng này mua hoa quí tới cúng dường lên đức Phóng Quang Như Lai, rồi sẽ lại đi kiếm tiền khác báo ơn thầy.

GIẢNG: Vì có nhiều thứ thầy, thầy này là thầy Vô I hượng, còn thầy kia là thầy nhơn thế, thuộc về hữu vi.

KINH: Lúc ấy có một nữ nhân tay ôm bảy cành bông Ưu-Bát-La từ phía chợ đi lại.

GIẢNG: Đúng lúc đó lại có một cô gái đi từ phía chợ trên tay cầm bảy bông hoa rất quí.

KINH: Mê Già đón hỏi, nơi nào có được hoa đẹp thế này? Nữ nhân đáp, tôi ở chỗ bán vòng hoa mua những hoa này với giá năm trăm đồng tiền vàng. Mê Già nói, hay tôi trả lại cô số vàng này, cô có chịu trao hoa cho tôi không? Nữ nhân chẳng chịu.

GIẢNG: Trong kinh không nói gì dài dòng, chỉ dùng chữ “chằng chịu” thôi, là ta đủ biết cô này dứt khoát không muốn bán cho Mê Già rồi, ta thấy tất cả thái độ của vị nữ nhân này trong chữ “chẳng chịu.” Trong kinh, khi một vị nữ nhân gặp một người nam đề nghị điều gì mà không bằng lòng thì nàng không nói gì cả, chỉ … chẳng chịu thôi. Thì ra, vị nữ nhân này đối với Mê Già cũng tương tự như ngài A Nan với nàng Ma Đăng Già, tức là có nhiều kiếp làm vợ chồng, cũng có nhiều kiếp tu hành làm huynh muội mà vẫn dằng xé giữa tình đạo và tình đời, đến kiếp này thì chấm dứt tình đời và chuyển hóa thành tình đạo. Nay, ta xem sự chuyển hóa của vị nữ nhân và Mê Già như thế nào…

KINH: Nữ nhân chẳng chịu, Mê Già lại nói, nay tôi có năm trăm đồng tiền vàng đây, cô giữ lấy một mình còn bảy cánh hoa này hai người cùng dùng chung có được chăng?

GIẢNG: Anh này đề nghị cũng khéo, tiền vàng thì nàng hãy giữ lấy một mình, còn hoa thì cả hai dùng chung được chăng? Chữ “dùng chung’ này chỉ một tâm thức của Mê Già chịu đi cùng một con đường với người nữ nhân này, chỉ vì muốn cầu đạo Vô Thượng. Chỉ một câu nói, ta nhìn thấy được tất cả tâm tư tha thiết của Mê Già.

KINH: Nữ nhân hỏi, anh muốn dùng hoa này làm việc gì? Mê Già đáp, tôi sẽ đem cúng dường đức Phóng Quang Như Lai.

GIẢNG: Tôi thật sự phục những câu kinh, kinh như dòng ngọc, như lưu ly, nhẹ nhàng và cảm động, hay hơn tất cả những sách tiểu thuyết thế gian gấp bội lần.

KINH: Nữ nhân nói, cứ như lời anh nói thì từ nay về sau, đời đời thường có lòng thương tưởng làm chồng tôi.

GIẢNG: Thế nghĩa là nàng hiểu rõ rằng chàng Mê Già này có duyên với mình, chứ không phải gặp người nào cũng nói thế được đâu. Phải chính người khách duyên nợ thì tự nhiên lòng chuyển nên mới nói được như Ihế. Tại sao nàng lại nói thế? “…thường có lòng thương tưởng làm chồng tôi…” vì anh thạ thiết đến mức độ đề nghị vàng cho nàng (của cải hữu lậu) giữ riêng, còn chàng và nàng cùng đem hoa này cúng dường (công đức lậu) Đức Phật. Nói một cách khác, ý chàng muốn là có dính líu huệ mạng đối với nàng, tức là chàng có lòng thương tưởng đến nàng nên mới đề nghị thế. Sự dính líu trai, gái trong kinh tả rất hay, mà luôn luôn kết cuộc cũng từ tình đời chuyển thành tình đạo.

KINH: nếu chịu như vậy, tôi sẽ giao cho anh hoa này.

GIẢNG: Ý nàng nói rằng, nếu anh có lòng luyến tôi, mà từ nhiều kiếp chúng ta dính líu tơ duyên với nhau, thì tôi không cần lấy vàng nữa, mà cùng đi cúng dường bó hoa này lên Phật Phóng Quang Như Lai.

KINH: Mê Già nói, thôi đi!

GIẢNG: Chữ “thôi đi” tôi cho là rất hay và mang nhiều ý nghĩa dứt khoát, chẳng chịu của Mê Già, vì chàng không muốn… rắc rối thêm nữa.

KINH: Mê Già nói, thôi đi! cô chớ nói như vậy, tại sao? vì tánh nữ nhân giao động nhẹ dạ, nhiều phóng túng.

GIẢNG: Mê Già không chịu vì chàng biết dính líu vào một vị nữ nhân nào thì cũng… nhiều rắc rối và tính tình họ dễ giao động, nhẹ dạ, nhiều phóng túng v.v… bao nhiêu thứ ấy, nghĩ tới đã thấy… phiền lắm rồi, nên Mê Già… chẳng chịu.

KINH: Tôi không thể hứa nhận lời cô được.

GIẢNG: Ở đoạn kinh này, không phải là nói xấu hay khinh thường gì nữ nhân đâu. Đừng tưởng đạo Phật coi thường nữ nhân, trong kinh Đại Bảo Tích có nhiều trường hợp nữ nhân rất ghê gớm, nói chuyện ngang hàng với đức Phật và ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Nên phải hiểu rằng đạo Phật không có tướng nam, nữ, lên đến tột cao thì tất cả đều đến chỗ trượng phu tướng, vì vậy mới có bộ luận Đại Trượng Phu.

KINH: Vả lại tôi sẽ ở trong vô số kiếp tu tập Phật pháp, bố thí rộng lớn.

GIẢNG: Cũng giống như trường hợp của Thái Tử Đại Oai Đức trong kinh Hoa Nghiêm, nói với nàng Cụ Túc Diệu Đức. Chàng nói rằng, từ giờ tôi sẽ đi trên con đường Bồ tát làm hạnh bố thí, không những tiền của mà cả thân tôi nữa, cả vợ, con thân bằng quyến thuộc thì nàng có chịu được không?

KINH: Hoặc tiền của, sản nghiệp, hoặc ngôi vua, thành ốc hoặc vợ con, hoặc đầu mắt xương tủy, đại khái tất cả trong thân, ngoài thân, không vật gì mà chẳng bố thí, hoặc có lúc sẽ bỏ cô mà vào trong phật pháp xuất gia.

GIẢNG: Đại khái Mê Già nói rằng, tâm chàng đã quyết đi trên con đường Bồ Tát hạnh,sẽ bố thí tất cả những gì sở hữu thuộc về mình trong thân (chánh báo), ngoài thân (y báo), tức là bố thí ba la mật.

KINH: Tánh nữ nhơn giao động, nhẹ dạ, phóng túng…

GIẢNG: Mê Già lại nhắc lại lần nữa về tánh tình người nữ, giao động, nhẹ dạ, phóng túng, không phải vì Mê Già muốn chê nữ nhân đâu, nhưng nữ nhơn người nào cũng thế cả.

KINH: Lúc tôi tu bố thí lớn cô có thể làm chướng ngại hạnh đại xả của tôi.

GIẢNG: Đây, quí vị nghe lời nữ nhơn trả lời, tôi cho là rất khẳng khái, và quyết chí muốn cùng đi trên con đường bồ tát đạo với chàng Mê Già.

KINH: Nữ nhơn trả lời, thiệt như lời anh nói thì có lợi ích cho tôi.

GIẢNG: Tức là trong nhiều kiếp, nàng đã làm khó khăn sự tu hành của chàng, nhưng kiếp này nàng đã hiểu rằng mình cùng phải đi bồ tát đạo với chàng thì mới có thể đến được đạo giải thoát. Vì nếu chàng bố thí, thì nàng cũng được lợi ích lớn.

KINH: Dầu cho hiện nay anh có đem thân của tôi đây bán lấy một đồng bạc, lòng tôi cũng không hối, quyết chẳng làm ngại sự bố thí của anh, hoặc chặt thân tôi ra thành từng đoạn để xả thí, quyết cũng không đổi lòng làm trở ngại tu tập Phật pháp của anh.

GIẢNG: Chúng ta thấy rằng, dù là một vị nữ nhơn, nhưng tâm tư người xưa lớn lao như vậy, ở đời này có ai dám nói những lời như thế? Ngay chúng ta đây, chắc cũng phải tu tập nhiều đời, nhiều kiếp mới có thể khẳng khái nói những lời như trên, “hoặc chặt thân tôi ra từng đoạn để xả thí, quyết cũng không đổi lòng làm trở ngại tu tập Phật pháp của anh.” nàng nói được câu này vì nàng đã tu đến mức nhìn thấy thân này chỉ là huyễn mộng, và đến chỗ sẽ có tất cả mọi thứ, nên sắc thân này, không lúc nào không có, chỉ vì tập khí nhiều kiếp nên ta chấp là có thật và khởi tâm chấp có sống, có chết.

KINH: Mê Già nói, nếu cô có thể bằng lòng như thế thì được, cô nên mau trao hoa cho tôi, nữ nhơn cầm hoa, trao cho Mê Già.

GIẢNG: Ta thấy, tâm tu người xưa rất lớn, chỉ cần vài câu nói thôi, nhưng cũng như một ấn quyết hứa hẹn, không gì lay chuyển được.

KINH: Được hoa, Mê Già tức thì đến chỗ đức Phật, xa trông thấy đức Phóng Quang Như Lai cùng vô lượng đại chúng oai nghi tương tự vô lượng trăm ngàn công đức trang nghiêm từ đầu kia đi lại. Thấy đức Phật Thế tôn, Mê Già sanh lòng tin thanh tịnh vô lượng hoan hỉ, kính mến, đến trước Phật kính lạy bao xiết vui mừng, lại thấy nhiều người trải y vô giá để cúng dường đức Phật…

GIẢNG: Lúc bấy giờ đức Phật đi qua một con lộ đầy bùn, những người tới đón Phật vội cởi áo mình ra trải xuống đường lót chân Phật.

KINH: Mê Già tự nghĩ rằng, nay tôi không có y tốt, chỉ có cái y da hưu xấu này, nên trải giữa đường đỡ chân đức Phật.

GIẢNG: Chàng Mê Già chỉ có mỗi một cái áo da hưu xấu thôi, những cũng vội cởi y trải trên đất. Nhưng cúng dường cốt yếu là từ cái tâm mình, còn đồ cúng dường chỉ là thứ yếu thôi. Dụ như có một người nghèo, chỉ còn mỗi cái khố che thân, hay một cái áo rách, mà muốn khởi tâm cúng dường với áo rách ấy còn hơn một vị vua cúng dường hằng trăm ngàn lạng vàng, vì tất cả những gì tư hữu của mình đều đem lên cúng dường Phật hết. Bố thí cũng thế, tùy theo của cải chúng ta có, nếu bố thí mà chỉ chọn những cái sắp vất đi, hoặc xấu xí không thích mặc nữa, hoặc đồ dư thừa thì không bằng một người chỉ có một manh áo, một miếng cơm mà hoan hỉ bố thí thì công đức của người này hơn trăm vạn lần công đức của người trên, vì tất cả vấn đề là sự xả bỏ. Đạo Phật dạy chúng ta những điều rất khó làm, vì vậy cả Ấn Độ ít người theo, vì… khó xả bỏ quá!

KINH: Lúc ấy, mọi người đua nhau đến lấy y da đem bỏ ngoài xa, và đều cười trách rằng, sao lại vì đấng báu quí nhất trong đời mà lại trải cái y da hưu xấu này?

GIÁNG: Dân chúng cùng đi đón Phật mang y hưu của Mê Già vất ra xa, cười chê rằng y này xấu xí thế mà trải ở đây làm gì? Đây cũng là thêm một thử thách sự nhẫn nhục của Mê Già, nếu nhẫn được lại càng có thêm công đức.

KINH: Mê Già vội chạy lượm y rồi đem trải trên chỗ đường ướt bên đường ngã tư mà nghĩ rằng, Phóng Quang Như Lai đấng Đại Từ Bi thương sót tôi, mắt thấy khắp của Phật và trí biết khắp của Phật thấy biết hiện việc này mong Phật lấy chân đạp lên y da hưu của tôi.

GIẢNG: Dân chúng trải y tốt trên con đường Phật sắp đi qua, không trải lên bùn lầy, còn Mê Già chỉ có một y da hưu xấu xí nên đành mang ra chỗ bùn lầy trải lên, và mong rằng đức Phật với mắt thấy khắp và trí biết khắp sẽ nhìn được tâm tư thành kính của con mà đi qua đặt chân lên y con là con đã mãn nguyện lắm rồi.

KINH: Phóng Quang Như Lai cảm thương liền lấy gót chân dẫm lên y da hưu của Y, thấy vậy, Mê Già lòng vui mừng hớn hở, liền đem hoa Ưu Bát La ném lên trên không phía trên đức Phật.

GIẢNG: Chúng ta khi cúng dường chư Phật thường mang hoa bỏ trong bình chậu, nhưng trong kinh thường kể, những vị tu hành cao, khi gặp Phật cúng dường hoa ném lên trên không trung cho rơi trên đức Phật, và bao glờ cũng vậy, do thần lực Phật gia trì những cành hoa ấy, kết thành đài đứng trên không, có khi đài hoa tỏa rộng khắp cả pháp giới. Đó gần như là một tục lệ, khi gặp Phật được thọ ký thì ném hoa lên hư không cúng dường đức Phật.

KINH: Trên hư không lại có vô lượng chư Thiên đồng thời rải hoa trời Mạn Đà La, Ưuu Bát La, Bát Đầu Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi và các thứ hương trời, chiên đàn, hương bột ,âm nhạc trời, thanh ca trời vang khắp hư không cùng cúng dường Phật. Hoa của Mê Già ở riêng một chỗ trên không biến thành vô lượng ngàn hoa Ưu Bát La, cánh hoa đều thòng xuống hiệp thành lọng hoa bay theo trên Phật.

GIẢNG: Khi một vị Bồ Tát tu lên đến chỗ gần được thọ ký thì được nhiều thần lực lạ lùng, và những thần lực này phần nhiều đều do Phật gia trì.

KINH: Thấy như vậy, Mê Già thêm hớn hở, phát khởi lòng tin thanh tịnh trước Phật, tháo mở búi tóc mầu hoàng kim mười hai năm để trải trên đất và phát nguyện vô thượng đại bồ đề: “Đời sau nếu tôi được thành Phật thì nay xin đức Phóng Quang Như Lai đưa tay an ủi.” Lại phát thệ lớn kiên cố rằng: “Nếu đức Phật lấy gót chân chẳng đạp trên tóc tôi, tay chẳng đưa an ủi tôi, chẳng thọ ký bồ đề cho tôi, thì tôi quyết định chẳng đứng dậy mà chết khô trên chỗ đất này.”

GIẢNG: Khi đức Phóng Quang Như Lai đã đạp lên y của Mê Già, thì lúc đó trong tâm Mê Già khởi lòng vui hớn hở, ngài liền lấy tóc mình để dài trong mười hai năm trải lên đất bùn đó cho đức Phật đi qua, sau đó liền phái thệ ngay rằng, nếu Phật không đi trên tóc tôi, cũng không đưa tay quán đảnh hoặc không thọ ký cho tôi đời sau này thành Phật thì tôi sẽ quyết chết khô tại chỗ này. Đọc đến đây, ta thấy tâm trạng quyết liệt lớn lao của người tu hành đời xưa vững chắc như thế, không có gì có thể lay chuyển nổi, coi thân xác như bèo bọt, mà chỉ quan tâm đến tâm linh thôi.

KINH: Này Xá Lợi Phất, Phóng Quang Như Lai ứng Đẳng Chánh Giác, có mắt thấy khắp, có trí biết khắp, trong ba đời không sự việc gì mà không thấu tỏ, biết rõ dục giải của Mê Già…

GIẢNG: Dục giải là lòng mong muốn của Mê Già.

KINH: Nên đức Phật cất gót dẫm lên tóc Mê Già.

GIẢNG: Sau khi dẫm lên, ngài quay lại bảo các vị đệ tử Thanh Văn…

KINH: Rồi ngài ngó bên hữu bảo chư Thanh Văn đại chúng rằng, này chư tỳ kheo, các ông chớ đạp lên tóc này, vì nho đồng này sau này vô số kiếp sẽ thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.

GIẢNG: Các vị Thanh Văn không thể đạp lên tóc một vị Bồ Tát được, vì căn cơ còn thấp quá, vì đó là trái với cái tôn ty về tâm linh trong pháp giới này. Cũng có nhiều đoạn trong kinh kể nhiều vị Bồ Tát được thọ ký, khi đức Phật đi qua lấy chân dẫm lên lưng (vì vị Bồ Tát ấy nằm lăn ra đường chờ mong Phật dẫm vào lưng mình), sau khi Phật ấn chân lên lưng thì vị Bồ Tát đó được Vô Sanh Pháp Nhẫn ngay, tức là được thọ ký. Khi đắc vô sanh pháp nhẫn rồi, thì thần thông biến hóa, đi xuống thế gian, thị hiện làm người, tuy gá vào thai người đàn bà nhưng đó chỉ là thị hiện thôi, kỳ thực là hóa sanh và gọi là “pháp thân Đại Sĩ.” Vì khi lên đệ bát đia, tức Biến hóa địa tức đắc vô sanh nhẫn, thì phá được ngã chấp, xóa bỏ được cái ngã của mình, và xóa được tám phần pháp chấp, nên Bồ Tát có “pháp thân’ toàn thân trong sáng như lưu ly, trong thân không còn hộ trùng, nên không phải bị thai sanh, chỉ hóa sanh, không còn bệnh tật, không phải ăn uống, hay bị đói khát. Chúng ta, những Phật tử trong ban kinh này, chỉ mong được đến mức đó thôi, đến chỗ này, vô sanh pháp nhẫn, là công việc làm gần như xong, và lúc đó có thể thực hành hạnh nguyện độ sanh của mình được rồi.

KINH: Chư tỳ kheo Thanh Văn chớ đạp lên tóc này, vì sao? Vì nho đồng này sau nầy vô số kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Này Xá Lợi Phất, lúc ấy Mê Già nghe Phật thọ ký, hớn hở vui mừng, liền bay lên hư không cao bảy cây đa la chứng được trăm ngàn câu-chi na-do-tha chánh định vô động, (định vô trụ).

GIẢNG: Khi một vị Bồ Tát được thọ ký bao giờ cũng bay lên hư không cao bảy cây đa la, (trong kinh không nói rõ một cây đa la bao nhiêu thước). Một người có thể giữ thân mình đứng trên hư không là một người đức hạnh rất cao, nếu không phải một vị Bồ Tát lớn thì không thể đứng trên hư không được. Như trong kinh Đại Bảo Tích kể có ngài Chúng Tôn Vương Bồ Tát bị ngài A Nan mách Phật rằng, Bạch Thế Tôn sáng nay con đi khất thực ngoài thành, con thấy vị Bồ Tát Chúng Tôn Vương ngồi chung giường với người đàn bà. Phật chưa kịp nói gì thì vị Bồ Tát này liền bay lên hư không, cao bảy cây đa la mà bảo A Nan rằng, này Đại Đức, Đại Đức có thấy người nào phạm giới mà đứng trên hư không được không? Một thí dụ khác trong kinh Hoa Nghiêm là ngài Thiện Trụ tỳ kheo là vị thiện tri thức thứ ba Thiện Tài gặp trên con đường tìm cầu thiện tri thức, thấy ngài đang đứng giữa hư không, Thiện Trụ có nghĩa là khéo trụ không nghiêng về bên này hay bên kia, tâm phải giữ giữa cái có và cái không thì mới thăng bằng được, vì vậy đạo Phật là đạo phi có không.

Trở lại đoạn kinh hồi nãy. “…Liền bay lên hư không  cao bảy cây đa la, chứng được câu chi na do tha chánh định“, trường hợp này cũng hơi giống như ngài Thiện Tài đến gặp vị thiện tri thức Bà La Môn Thắng Nhiệt, khi nhảy xuống đống lửa giữa núi đao lớn, trong thời gian tới xuống, ngài đắc được vô lượng tam muội.

KINH: Do thần thông trí lực, xem thấy phương đông có hằng sa vô lượng chư Phật đều thọ ký cho mình rằng, này nho đồng, sau này vô số kiếp ngươi sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, ba phương kia, bốn phương thượng hạ, mười phương chư Phật cũng đều thọ ký.

GIẢNG: Một khi một vị Phật thọ ký thì mười phương chư Phật đồng thọ ký cả. Cũng như trong kinh A Di Đà nói người sang được Cực Lạc sau khi nghe Phật thuyết pháp sẽ bay đi mười phương cúng dường mười phương chư Phật và được nghe các ngài thọ ký cho mình.

KINH: Được chư Phật thọ ký an ủi rồi, Mê Già từ trên không đến chỗ Phật, do lòng tin mà xuất gia tu tập phạm hạnh kiên cố thanh tịnh.

GIẢNG: Sau khi được thọ ký, Mê Già đến chỗ Phật xin xuất gia ngay, sau đó đức Phật chỉ nói: “Thiện lai tỳ kheo” thì râu tóc Mê Già tự rụng thành tỳ kheo đắc vô sanh pháp nhẫn. Trong kinh không nói Mê Già sau này đối với thầy nhân thế ra sao, dĩ nhiên, sự báo ơn bắt buộc sẽ có, nhưng kinh chỉ ngừng ở đây mà thôi.

Trong kinh Hoa Nghiêm phẩm thứ 35 nói rất rõ rằng, người không biết ơn, riêng cái không biết ơn ấy, cũng có thể đọa địa ngục rồi, nhất là những cái ơn về đạo.

KINH: Này Xá Lợi Phất, nho đồng Mê Già thuở ấy chính là thân ta vậy. Nếu có đại Bồ Tát muốn sớm được Phật thọ ký, thì nên ở nơi pháp môn vi diệu bồ tát tạng, nghe tụng, hiểu nghĩa dạy lại người, lại nên tu hành chánh hạnh giữ giới.

GIẢNG: Ý ngài muốn khuyến tấn các hàng tỳ kheo tu theo bồ tát đạo. “phải nên tu pháp môn vị diệu Bồ Tát tạng…” Bồ Tát tạng là con đường bồ tát tu hành sáu ba la mật, và nhất là phải tu hành chánh hạnh vô tướng, tu quán tưởng tâm không tịch, vô tướng, vô tác. Tại sao phải tu bát nhã, vô tướng? Vì ngài đã nhiều kiếp tu hành, nhiều lần đã gặp Phật mà không hề được Phật thọ ký, vì ngài tu toàn những hạnh hữu tướng. Lần này, gặp đức Phật Nhiên Đăng ngài tu vô tướng, vô công dụng nên được thọ ký. Như vậy, chúng ta thấy rằng tu hành theo lối bát nhã ba la mật rất sâu, rất cần khổ, khó làm, vì phải xả bỏ tất cả đến mức độ không còn thấy mình, thây người, thây chúng sanh, thấy thọ mạng v.v… nữa.

KINH: Tại sao? Vì ta nhớ lúc trước khi gặp đức Phật Phóng Quang Như Lai, không có pháp hạnh bạch tịnh nào mà ta chẳng tu hành, dầu vô lượng cần khổ như vậy nhưng chẳng được Phật thọ ký, tại sao? Vì là hữu tướng tu.

GIẢNG: Ngài đã tu tất cả mọi thứ hạnh như tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định v.v… nhưng không có bát nhã, vì chỉ có hữu tướng tu thôi.

KINH: Sau đó ta mới ở nơi pháp môn vi diệu đại Bồ Tát tạng nghe học an trụ chánh hạnh.

GIẢNG: An trụ chánh hạnh là gì? Như trong kinh Thắng Man, công chúa Thắng Man cũng nói, thọ trì an trụ chánh hạnh là tu tập tất cả hạnh nguyện mà tâm vẫn giữ không tịch, tức là tu tập theo đại bát nhã.

KINH: Đó là vô tướng hạnh, vô công dụng hạnh.

GIẢNG: Đại Bồ Tát từ đệ thất địa trở lên phải tu vô công dụng hạnh.

KINH: Và vô sở đắc hạnh.

GIẢNG: Tức là bát nhã, không thấy gì gọi là có sở đắc cả.

KINH: Tu tập vô tướng như vậy nên được đức Phóng Quang Như Lai thọ ký. Này Xá Lợi Phất, ta nhớ lúc đầu lúc gặp đức Phóng Quang Như Lai, ta được siêu quá tất cả hạnh hữu tướng.

GIẢNG: Lúc gặp đức Phóng Quang thì ngài được siôu tất cả các hạnh hữu công dụng, hữu tướng, mà tu hoàn toàn theo lối vô công dụng.

KINH: Lúc mới thấy Phật ta được tùy giác tánh tất cả pháp, lại được thông đạt tự tánh vô sanh của tât cả vật.

GIẢNG: Chì có thấy Phật thôi mà được tùy giác Linh tất cả pháp, tức là thấy tất cả pháp tuy có giác tánh nhưng đều là tánh không, không có pháp nào thực có, vì tất cả pháp điều là huyễn mộng, chỉ hiện lên thôi.

KINH: Lại được thông đạt tự tánh vô sanh tất cả pháp. Kế đó đức Phật thọ ký cho ta rằng Mê Già nho đồng sau này vô số kiếp sẽ thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Đương lúc Phật thọ ký ta chứng được vô sanh pháp nhẫn.

GIẢNG: Sự thọ ký và chứng được vô sanh pháp nhẫn thường đi liền với nhau. Thỉnh thoảng trong Bát Nhã, tôi có ý giảng chen vào một vài đoạn trong kinh Đại Bảo Tích, vì nói cả Chân Không lẫn Diệu Hữu cho đỡ khô khan, chứ chỉ giảng thuần kinh Đại Bát Nhã thì khô như sỏi, dễ làm nản lòng người nghe. Nó khô vì nói về trừu tượng nhiều quá, người nghe nhiều khi thấy hoảng sợ, vì không biết chỗ nào để nắm cả. Nên Phật nói, pháp của ta khó tin, khó hiểu, khó vào là vậy.

HỎI: Các ngài Lạt Ma của Tây Tạng, có phải hiện thân của ngài Quán Âm không?

ĐÁP: Truyền thuyết Tây Tạng vẫn cho ngài Lạt Ma Ma vị hóa thân Bồ Tát của ngài Quán Thế Âm, hay hóa thân của ngài Chuẩn Đề (cũng là một hóa thân của ngài Quán Thế Âm). Nhưng riêng tôi, chúng ta ngồi đây mà chỉ luận về các vị đó cũng như những người đứng dưới núi, chỉ chỏ bàn luận, đoán mò về những gì ở trên đỉnh núi cao. Nói tóm lại, ta chỉ biết vị đó tượng trưng cho một cái gì cao thôi, chứ không biết đích rằng các vị ấy có phải là hóa thân bồ tát hay không. Vả lại, còn phải tùy theo tâm thức của mỗi hành giả nhìn vào nữa.

HỎI: Xin hỏi ông mối tình của Mê Già và vị nữ nhân kia sau này ra sao? Vì tôi thấy nàng thề thốt ghê quá mà không biết có thực hiện những gì nàng nói không?

ĐÁP: Có thể ông chưa đọc nhiều kinh nên không có lòng tin những lời nguyện của những nhân vật trong kinh. Dù là nam nhân, hay nữ nhân khi họ phát những thệ nguyện lớn, thì đó như một cái ấn của nhà vua ấn xuống chiếu chỉ. Cũng vậy, những lời nguyện của chư vị này cũng như cải ấn, ấn xuống tâm, không bao giờ lay chuyển. Ta cũng cần phải hiểu rằng, tâm người xưa họ mênh mang và kiên quyết hơn chúng ta bây giờ nhiều lắm, như ở phẩm Thập hồi hướng trong Kinh Hoa Nghiêm, các vị Bồ Tát mới chỉ ở mức sơ phát tâm mà có thể phát những thệ nguyện rộng lớn mà nếu so với chúng ta, không có ai dám phát được một phần trăm, phần ngàn như vậy.

Trở lại câu chuyện dính líu về nam, nữ, trong kinh Hoa Nghiêm cũng có kể một vài trường hợp, và trong kinh Lăng Nghiêm cũng kể chuyện của ngài A Nan cùng nàng Ma Đăng Già. Phần nhiều những cặp như vậy họ dính líu với nhau mấy trăm kiếp rồi, đã là vợ chồng với nhau, trong thời gian ấy, một trong hai người muốn đi tu, người kia vì luyến ái quá nên phá, hay làm huynh muội cùng tu một thầy, vì vậy, giữa họ phảng phất tình đời và tình đạo giằng co nhiều kiếp, đến một kiếp nào đó thì được chuyển hóa. Trường hợp giữa Mê Già và vị nữ nhân kia, trong kinh chỉ kể đến đó thôi, vì nói cũng rất rõ rằng, từ này trở đi, cả hai đều cùng tu bồ tát đạo. Cũng như ngài Đại Ca Diếp, ông là con một vị Bà La Môn rất giàu có, bố mẹ muốn giữ ngài lại không cho đi tu, nhưng trong nhiều kiếp ngài tu hạnh đầu đà, (Tu theo tứ y: Thứ nhất, mặc y phấn tảo, lấy những miếng vải rách ngoài bãi tha ma, mang về giặt đi, khâu lại trăm miếng thành một chiếc áo mặc, gọi là y trăm miếng, nó tượng trưng cho sự thanh tịnh. Thứ hai, không được ngủ giường nệm, phải ngủ dưới gốc cây. Thứ ba, phải ngồi thiền quán ở nghĩa địa. Thứ tư là không được uống thuốc, chỉ uống thuốc thừa của người khác). Tóm lại, người tu theo tứ y coi thường thân mạng như thế, không có một cái gì để trìu mến thân mạng cả, ngài Ca Diếp tu theo lối đó. Lúc chưa đi tu ngài ở nhà rất giàu có, bố mẹ muốn giữ con nên cưới cho ngài một cô vợ thật đẹp, người nàng như được dát vàng vậy, kinh nói đó là người có mầu da hoàng kim, hai vợ chồng ở với nhau mà không có sự tham dục, cùng coi nhau như bạn đồng tu thôi, đến một ngày, cả hai cùng dắt nhau đi qui y đức Phật. Đó là những mối liên hệ nam, nữ đã đi đến giai đoạn chuyển hóa vào tình đạo.

HỎI: Trong đạo Phật có phân biệt nam, nữ không?

ĐÁP: Khi còn là phàm phu, dưới thấp thì có phân biệt. Tỳ kheo ni khi thọ giới phải thọ 348 giới, trong khi tỳ kheo chỉ có 250 giới thôi, mà sư nam thì hình như có thể phạm giới nhẹ được bảy lần, còn ni sư phạm giới một lần là thôi luôn, không còn cơ hội để tu được nữa. Vì sao? vì khi còn mức độ phàm phu, nếu làm thân người nữ thì nghiệp chướng rất nặng, tâm lại giao động, nhẹ dạ, phóng túng, đam mê nhiều. Nên lúc đầu đức Phật mới thị hiện không cho bà Kiều Đàm Di xuất gia, không phải rằng ngài “kỳ thị” nam nữ đâu, nhưng ngài muốn nhấn mạnh người nữ nghiệp nặng hơn, nên phải giữ giới nhiều hơn, ngài còn nói rằng, cho người nữ xuất gia, chánh pháp của ngài ngắn mất 500 năm. Người nữ thì cũng không được làm Ma Vương, Chuyển Luân Vương, Vua Đế Thích và cũng khồng thể thành Phật được. Nhưng tu hành lên cao thì không còn tướng nam, nữ mà chỉ có tướng trượng phu thôi, (thân trượng phu là cái dương căn thụt vào trong như con hương tượng vậy, tức là tình dục không còn nữa), nhưng nếu có tướng nam, nữ thì chỉ là thị hiện để giáo hóa chúng sanh mà thôi.

HỎI: Nhưng tôi thấy đôi khi người nữ tâm hồn họ còn cứng rắn hơn người nam nữa.

ĐÁP: Đúng vậy, chẳng nói đâu xa, trong ban kinh chúng ta cũng có một vị nữ nhân khẳng khải như trượng phu vậy. Nhưng nói trên phương diện chung, người nam có trí huệ hơn, ít hờn giận hơn, chóng quên hơn, trải lại người nữ lại kiên trì hơn, đam mê nhiều hơn, nên tất cả chùa chiền ở Mỹ có được phần lớn cũng do người nữ mà ra cả. Còn ở Việt Nam tranh đấu Phật giáo trong thời kỳ Ngô Đình Diệm cũng một phần do người nữ. Ngay trong việc tình duyên, người nữ đam mê lâu hơn người nam nhiều.

Bây giờ chúng ta đi vào Hoa Nghiêm …

KINH: Bấy giờ Di Lặc Bồ Tát nhiếp thần lực trong lâu các, đàn chỉ ra tiếng bảo Thiện Tài rằng…

GIẢNG: Lúc này, ngài Di Lặc đánh thức Thiện Tài ra khỏi tam muội sau khi đã viếng thăm tất cả những chỗ trong lâu các.

KINH: Thiện nam tử dậy! pháp tánh như vậy. Đây là những tướng trí biết các pháp của Bồ Tát làm nhơn duyên tu tập mà hiện ra. Tự tánh như vậy, như huyễn, như mộng, như ảnh, như tượng đều chẳng thành tựu.

GIẢNG: “Đều chẳng thành tựu” tức là đều không có thực, chỉ như mộng huyễn thôi. Khi Thiện Tài vào trong lâu các, do sức gia trì của ngài Di Lặc, đồng thời cũng do sức thiện căn của mình mà trông thấy tất cả những nhân duyên như vậy.

KINH: Nghe tiếng đàn chỉ, Thiện Tài liền từ tam muội dậy. Di Lặc Bồ Tát nói: Nàỵ thiện nam tử, ngươi ở trong giải thoát tự tại bất tư nghì của Bổ Tát thọ những hỉ lạc tam muội của Bồ Tát…

GIẢNG: Ý ngài Di Lặc nói, khi Thiện Tài vào trong tam muội ấy thọ được những hỉ lạc của tam muội ấy và thấy những cảnh giới như vậy.

KINH: Có thể thấy cung điện trang nghiêm của Bổ Tát thần lực gia trì, của trợ đạo lưu xuất, của nguyện trí hiển hiện. Ngươi thấy bồ tát hạnh, nghe bồ tát pháp, biết bồ tát đức, rõ Như Lai nguyện. Thiện Tài thưa, Bạch Đại Thánh, đây là sức oai thần gia hộ ghi nhớ của thiện tri thức.

GIẢNG: Do sức gia trì của ngài Di Lặc và các vị thiện tri thức cũng do thiện căn của Thiện Tài nên hiển hiện ra như thế.

KINH: Bạch Đại Thánh, môn giải thoát này tên là gì? Di Lặc Bồ Tát nói, này thiện nam tử, môn giải thoát này tên là tạng trí trang nghiêm nhập tất cả cảnh giới ba đời chẳng quên mất.

GIẢNG: Ý ngài muốn nói trong bạch tịnh thức của ngài đó là một cái kho lớn vừa chứa trí huệ, quang minh, đại bi v.v.., trong ấy có tất cả những chủng tử của các cảnh giới ba đời, và do sức nguyện và tam muội của ngài nên hiển hiện ra hết, không có cái gì là không hiện ra. Nên mới gọi là “Tạng trí trang nghiêm nhập tất cả cảnh giới ba đời chẳng quên mất.”

KINH: Này thiện nam tử, trong môn giải thoát này có bất khả thuyết bất khả thuyết môn giải thoát, là chỗ chứng đắc của Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ.

GIẢNG: Trong bạch tạng thức của ngài là chỗ chứng đắc của các Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, như vậy là tàng thức bao trùm pháp giới.

KINH: Thiện Tài hỏi, sự trang nghiêm này đi về đâu?

GIẢNG: Ý Thiện Tài muốn nói, ngài cho con xem lâu các ấy với tất cả sự trang nghiêm cảnh giới Phật trong ấy đi về đâu?

KINH: Di Lặc Bồ Tát nói: “Đi về nơi chỗ đến.” Thiện Tài hỏi: “Từ chỗ nào đến?” Di Lặc Bồ Tát nói: “Từ trong trí huệ thần lực của Bồ Tát mà đến, nương thần lực của Bồ Tát mà an trụ, không có chỗ đi, cũng không có chỗ trụ, chẳng phải tích tập, chẳng phải thường hằng, xa rời tất cả.”

GIẢNG: Ở đoạn kinh này, ngài trở lại theo lối nói đệ nhất nghĩa đế, sau này ngài mới nói theo lối thế đế. Nếu nói theo đệ nhất nghĩa đế thì tất cả những sự xảy ra trong tàng thức của ngài không có đến, không có đi, chỉ hiện ra thôi, tùy theo căn cơ tương ưng thì nó hiện lên cảnh giới ấy, chứ thực ra nó không từ chỗ nào đến, cũng không đi đến đâu. Vì sao thế? vì nó đến từ thần lực của tâm ngài Di Lặc, rồi an trụ trong thần lực đó, sau lại biến đi vào trong thần lực ấy, nói tóm lại, tất cả đều do thần lực của tâm ngài mà thôi. “Chẳng phải tích tập…” theo quan niệm của phàm phu, tích tập là gom góp lại, tích lũy lọi để trở thành một cái gì, nhưng Bồ Tát biết rằng, tất cả cảnh giới, của cải, tiền bạc, thân người v.v… đều là mộl trường biến hiện chập chùng. Như chúng ta đây, đi làm kỳ cụi, để dành được vài chục ngàn tưởng đó là một món tiền do công lao ta tích lũy lại nhiều năm, chứ không bao giờ hiểu được rằng cái đó là sự biến hiện, hiện lên do phước đức của mình, đến khi phước hết, quỉ thần sẽ thu xếp thế nào để cho mình mất đi, hoặc do thiên tai hoặc bị cướp bóc, bị lừa v.v.., để mất số bạc đó. Nên người khôn, khi họ có được nhiều tiền, họ phải biết làm phước.

KINH: Này thiện nam tử, như Long Vương làm mưa chẳng từ thân ra, chẳng từ tâm ra, chẳng có tích tập, mà chẳng phải là chẳng thấy. Chỉ do sức tâm niệm của Long Vương mà mưa tuôn khắp thiên hạ.

GIẢNG: Như Long Vương kia làm mưa nước không phải từ thân ra, cũng không phải từ tâm ra (vọng tâm), mà trong tất cả pháp giới chỗ nào cũng có, nhưng nó ẩn đi thôi, khi nào người có tâm lực, hay có cái duyên chín mùi thì tự nhiên nước hiện lên. Thí dụ như trong ta, trong người có chủng tử bị chết đuối, thì tự nhiên cơ duyên đưa đẩy cho phải bị chết đuối, hoặc vùng này có cái nghiệp phải bị hạn hán trong bao nhiêu lâu, thì nó sẽ xảy ra những vụ hạn hán mà không có cách nào chuyển được, cho đến khi hết nghiệp thì nó lại ẩn đi. Tóm lại, tất cả đều do tâm niệm mà ra. Như trong kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ, tứ đại, đất nước gió lửa chu biến khắp nơi, tùy theo nghiệp duyên của chúng sanh hay thần lực của Chư Phật và chư Đại Bồ Tát mà nó sẽ hiển hiện. Như Bà La Môn quyến thuộc, họ không lấy nước từ sông, hồ, hay giếng, mà lấy loại nước vô căn thủy, tức là nước không từ đâu đến, muốn có nước ấy, họ chờ những đêm trông sáng, đem một viên bảo châu soi dưới ánh trăng, tự nhiên có sự hòa hợp nào đó, nước chảy ra từ bảo châu ấy. Cũng vậy, nếu một vị tu hành cao, vào giữa sa mạc, hay vào rừng sâu, như ngài Huệ Năng chẳng hạn, ngài đến một nơi không có nước, ngài chỉ cần cắm tích trượng xuống đất thì nước phụt lên, Ma Vương trong hư không có thể lấy ra một trăm ngàn thiên nữ múa hát cho xem, nên biết rằng tứ đại chu biến khắp mọi nơi, đủ duyên thì nó hiện ra, hết duyên nó lại ẩn đi. Đạo Phật nói những chân lý rốt ráo ấy một cách khơi khơi, nên người thường rất khó tin, vì họ quen tin vào năm căn thô kệch của mình quá rồi, mắt không nhìn thấy, tai không nghe tiếng, tay không sờ chạm được v.v… thì không tin.

KINH: Cảnh giới như vậy chẳng thể nghĩ bàn. Này thiện nam tử, cũng vậy, những sự trang nghiêm trong lâu các này chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài, mà chẳng phải là không thây. Chỉ do thần lực của Bồ Tát và sức thiện căn của ngươi được thấy như vậy.

GIẢNG: Tất cả những sự vật hiện ra đều do thần lực của Bồ Tát và do thiện căn của mình, hai cái đó hợp nhau tương ưng thì nó hiện ra. Vì thế nó chẳng từ đâu đến mà cũng chẳng đi đến đâu.

KINH: Này thiện nam tử, như nhà ảo thuật làm những ảo sự, không từ đâu lại, không đi đến đâu. Dầu không lại không đi nhưng do ảo lực mà thấy rõ rằng.

GIẢNG: Như có lần tôi đọc cho quí vị nghe một đoạn kinh trong Đại Bảo Tích kể có một vị ảo sư vì tật đố, nên muốn dùng ảo thuật của mình để cúng dường đức Phật, sau không thành và sám hối, đức Phật bèn bảo ông ảo sư ấy rằng, này ảo sư, ảo thuật của ông không đi đến đâu cả, các Chư Như Lai mới là Đại ảo sư, không có ai bằng cả.

KINH: Cũng vậy, sự trang nghiêm này không từ đâu lại, cũng không chỗ đi, nhưng do quen tập sức huyễn trí bất tư nghì và do sức đại nguyện thuở xưa mà hiển hiện như vậy.

Thiện Tài thưa, Đại Thánh từ xứ nào đến đây? Di Lặc Bồ Tát nói, này thiện nam tử, Chư Bồ Tát không đến không đi, như vậy mà đến. Không đi không ở, như vậy mà đến. Không chỗ, không chấp, không mất, không sanh, chẳng ở, chẳng rời, chẳng động, chẳng khởi, không luyến, không nhiễm, không nghiệp, không báo, chẳng khởi, chẳng diệt, chẳng đoạn, chẳng thường như vậy mà đến.

GIẢNG: Ngài muốn nói đến cái vô tâm, tâm không khởi một ý niệm nào, vẫn bất động, nhưng vẫn đến như vậy.

KINH: Này thiện nam tử, Bồ Tát từ chỗ đại bi mà đến, vì muốn điều phục chúng sanh.

GIẢNG: Lúc đầu ngài nói về khía cạnh “như thật không,” vì tâm ngài chính là không, ngài đến từ tâm không ấy. Nay, ngài lại nói đến khía cạnh “như thật bất không'” cho chúng sanh đỡ ngơ ngác và hiểu hơn một chút, đến từ chỗ đại bi.

KINH: Từ chỗ đại từ mà đến, vì muốn cứu hộ các chúng sanh. Từ chỗ tịnh giới mà đến, vì tùy sở thích chúng sanh.

GIẢNG: Những vị Bồ Tát lớn có thể thọ sanh làm người vào một xứ nào đó, vì ngài biết ở xứ đó có nhiều chúng sanh thuần thục duyên lành, thích gặp thiện tri thức, nên ngài mang hình dạng người đến để độ sanh.

KINH: Từ chỗ đại nguyện mà đến, vì nguyện lực thuở xưa gia trì.

GIẢNG: Ngày xưa ngài nguyện thế nào thì bây giờ ngài làm thế ấy.

KINH: Từ chỗ thần thông mà đến, vì nơi tất cả xứ tùy thích mà hiện. Từ chỗ không lay động mà đến, vì hằng chẳng bỏ rời tất cả Phật.

GIẢNG: Tuy rằng hiện như vậy, như tâm ngài vẫn ở nơi không hải, vẫn trạm nhiên bất động.

KINH: Từ chỗ không thủ xả mà đến, vì chẳng bắt buộc thân tâm phải qua lại. Từ chỗ phương tiện trí huệ mà đến, vì tùy thuận tất cả chúng sanh. Từ chỗ thị hiện biến hóa mà đến, vì dường như ảnh tượng mà hóa hiện.

GIẢNG: Tất cả những gì các ngài làm đều là ảnh tượng, biến hóa. Và các vật ấy cũng vậy. Còn chúng ta tưởng là thật vì do xúc giác, đó là cái đánh lừa chúng ta nhiều nhất. Tóm lại, trong kinh ta thấy rõ, ban đầu ngài nói về khía cạnh “như thật không’ dần dần qua như thật bất không. Bây giờ, ngài lại qua thế đế, xin đọc tiếp cho quí vị nghe…

KINH: Nhưng này thiện nam tử, ngươi hỏi ta từ chỗ nào mà đến?

GIẢNG: Trước ngài đã nói theo đệ nhất nghĩa đế, nay ngài nói về thế đế, nói rõ những nhân duyên của ngài cho chúng sanh hiểu ngài từ đâu đến.

KINH: Này thiện nam tử, ta từ sanh quán nước Ma La Đề mà đến nơi đây.

GIẢNG: Tức là theo thế đế, ngươi đến nơi này cầu khẩn ta, thì ta từ nơi kia đến.

KINH: Này thiện nam tử, nước ấy có tụ lạc tên là Phòng Xá. Trong tụ lạc có trưởng giả tử tên là Cù Ba La, ta vì hóa độ người ấy vào Phật pháp mà ở nơi đó. Lại vì tất cả nhân dân đáng được hóa độ nên sanh nơi đó để thuyết pháp. Lại cũng vì cha mẹ, quyến thuộc nói pháp đại thừa cho được xu nhập nên ở nơi đó, rồi từ đó đến đây.

GIẢNG: Ngài vốn là một vị Nhất Sanh Bổ Xứ, thọ sanh ở đó là vì có người bạn đồng tu, người này cơ duyên đã chín mùi, thứ hai là nhân dân ở đó cũng đủ cơ duyên, thứ ba là những (thị hiện) quyến thuộc, cha,mẹ, họ hàng v.v… Tôi vẫn thường nói luôn là các vị Phật và các đệ tử của ngài thường thọ sanh theo từng chùm, lúc lỉu như những chùm nho, nơi nào cơ duyên chín mùi thì các ngài thị hiện thọ sanh. Nên phải nhớ rằng, tất cả những quyến thuộc của ngài như người vợ Da Du Đà La, Cù Ba, Ma Gia Phu Nhơn, Vua Tịnh Phạn v.v… tất cả quyến thuộc đều là những Bồ Tát thị hiện, người ngoài không có cơ duyên không thể lọt vào trong hệ thống quyến thuộc ấy, như chúng ta đây, phải sinh sau khi Phật diệt độ gần hai ngàn năm trăm năm vì chúng ta chưa có cơ duyên gặp Phật, huống gì mơ màng đến làm quyến thuộc của ngài.

Sau khi nói thế đế xong, ngài lại nói lên trên vì có rất nhiều tầng lớp…

KINH: Thiện Tài thưa, Bạch Đại Thánh, những gì là sanh xứ của Bồ Tát.

GIẢNG: Sau khi ngài Di Lặc nói ngài sanh ở xứ đó, thì Thiện Tài lại hỏi “những gì là sanh xứ của Bồ Tất?”

KINH: Di Lặc Bồ Tát nói: Này thiện nam tử, Bồ Tát có mười thứ sanh xứ: Bồ đề tâm là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh ra Bồ Tát. Thâm tâm là sanh xứ của Bổ Tát, vì là nhà sanh thiện tri thức. Chư địa là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh các môn ba la mật. Đại nguyện là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh diệu hạnh. Đại bi là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh tứ nhiếp pháp. Quán sát đúng lý là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh bát nhã ba la mật.

GIẢNG: Đạo Phật bao giờ cũng chập chùng để giải từ đệ nhất nghĩa đế, xuống thế đế rồi lại lên, không bao giờ ngừng lại ở một chỗ nào.

KINH: Đại thừa là nhà sanh xứ của Bổ Tát, vì là nhà sanh thiện xảo phương tiện. Giáo hóa chúng sanh là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh Chư Phật. Trí huệ phương tiện là sanh xứ của Bổ Tát, vì là nhà sanh vô sanh pháp nhẫn. Tu hành tất cả pháp là sanh xứ của Bồ Tát, vì là nhà sanh tam thế tất cả Như Lai.

Này thiện nam tử, đại Bồ Tát dùng bát nhã ba la mật làm mẹ, phương tiện thiện xảo làm cha, thí ba la mật làm nhũ mẫu…

GIẢNG: Đại khái cũng chỉ như thế thôi.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Này thiện nam tử, Bồ Tát siêu phàm phu địa, nhập bổ tát vị, sanh nhà Như Lai, trụ chủng tánh Phật như vậy, có thể tu các hạnh chẳng dứt tam bảo (Bỏ một đoạn)… Này thiện nam tử, Đại Bồ Tát sanh nhà tôn thắng như vậy rồi, vì biết tất cả pháp như ảnh tượng nên đôi với thế gian không ghét chê. Vì biết tất cả pháp như biến hóa nên không nhiễm trước các cõi hữu lậu. Vì biết tất cả pháp không có ngã nên giáo hóa chúng sanh lòng không nhàm mỏi. …(Bỏ một đoạn)… Vì biết tất cả tưởng như dương diệm nên vào trong các loài mà chẳng sanh điên đảo mê hoặc. Vì đạt tất cả pháp đều như huyễn nên vào cảnh giới ma chẳng sanh nhiễm trước (Bỏ một đoạn)… Này thiện nam tử, thân ta sanh khắp tất cả pháp giới.

GIẢNG: Các vị Bồ Tát lớn, các ngài có thể phân thân thọ sanh khắp tất cả mọi nơi, chỗ nào có chúng sanh tương ưng, nghiệp duyên chín mùi thì tự nhiên ngài sẽ thọ sanh cõi đó, hiện lên mà không có tác ý.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Đồng với tâm tưởng của tất cả chúng sanh, đồng thệ nguyện với tất cả Bồ Tát mà hiện thân mình đầy khắp pháp giới.

Này thiện nam tử, ngươi nên qua đến chỗ ngài Văn Thù Sư Lợi…

GIẢNG: Đến đây là hết với ngài Di Lặc, sắp qua đến ngài Văn Thù, tức là bắt đầu về lại cái bổn giác.