NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
QUYỂN BA
Chương năm
23 tháng 12, 1990
Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ thứ 117 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này.
Hôm nay chúng ta lại đi nốt đoạn kinh Hoa Nghiêm, với ngài Thiện Tài. Cái vòng từ diệu tâm nở ra thành pháp giới muôn hình vạn trạng này thì biều hiệu bằng chữ “HÙM,” còn chữ “ÚM” là tượng trưng cho biển tâm vô sanh diệt. Trong những hiện tượng hữu hạn đó đều có cái mầm của vô hạn. Khi cái mầm vô hạn dần dần nở ra, đó là Thủy Giác và là biểu hiệu cho một hành giả muốn trở về với diệu tâm, và chữ “HÙM” sẽ dần dần trở về chữ “ÚM.”
Khi Thiện Tài đi bước đường cầu đạo này, tức là ngài tu hành đã lâu, có thủy giác từ xa xưa rồi, bây giờ đã gần trở về tới nơi, có nghĩa rằng chữ hùm sắp trở thành chữ úm. Nên khi Thiện Tài đến ngài Di Lặc, tâm thức của ngài Di Lặc phần lớn nhập vào pháp giới rồi, nhưng nhập pháp giới xong là phải cụp cái bông hoa pháp giới lại, thu tâm thức nhỏ lại, chui tọt vào điểm không hư đó. Lúc nhập pháp giới thì rất mênh mang bao la, trải thân tâm trên tất cả mọi chỗ, không một cọng cỏ nở ra, không có một chúng sanh động đậy, hay một hạt mưa rơi v.v… mà các ngài không biết. Nhưng đến khi chui vào điểm không hư ấy thì lại phải “cụp” tất cả pháp giới lại, thành một điểm phi không thời gian để trở về biển Bát Nhã. Tương tự như trong Tây Du Ký kể Tề Thiên Đại Thánh có cái thiết bổng, mỗi lần muốn nó to ra thì lắc lắc kêu to lên, thì cây thiết bổng lớn ra, đến khi muôn thu nhỏ lại thì cũng lắc lắc và kêu “nhỏ, nhỏ,” thì cây thiêt bổng nhỏ lại chỉ bằng một cái kim cài bên mang tai. Tề Thiên Đại Thánh muốn cây thiết bổng to lên chỉ để đánh ma thôi, còn chúng ta muốn tâm lớn vô lượng là chỉ để nhập pháp giới, và khi muốn thu tâm nhỏ lại, nhỏ hơn vi trần là để chui vào điểm không hư của Bát Nhã, viên mãn một chu kỳ nở ra và cụp lại.
Nay xin đi vào kinh…
Lúc này, Thiện Tài gặp ngài Di Lặc, ngài Di Lặc hiện ra, rồi ngài Di Lặc khen ngợi công đức của Thiện Tài. Thì đây, tiếp theo…
KINH: Di Lặc Bồ Tát khen ngợi công đức của Thiện Tài làm cho vô lượng trăm ngàn chúng sanh phát tâm bồ đề, rồi bảo Thiện Tài rằng: Lành thay, lành thay, này thiện nam tử, ngươi vì lợi ích tất cả thế gian, vì cứu hộ tất cả chúng sanh, vì siêng cầu tất cả phật pháp, nên phát tâm vô lượng bổ đề. Này thiện nam tử, ngươi được lợi lành, khéo được thân người…
GIẢNG: “Khéo được thân người…” là Thiện Tài đã tu hành nhiều kiếp, phước đức nhiều nên có được một thân căn thuần thiện.
KINH: Khéo trụ thọ mạng…
GIẢNG: Phát bồ đề tâm chính là để trụ thọ mạng mình lại. Khi chúng ta tinh tấn phát bồ đề tâm, thì ngay đến hạn chết, thọ mạng cũng có thể kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa, vì các vị quỉ thần cũng phải làm thế nào kéo dài cái thọ mạng ấy, để nuôi dưỡng bồ đề tâm. Trong kinh còn nói, nếu có người nào quán huyễn giỏi, thì khi các quỉ thần muốn tới bắt hồn người đó cũng không nhìn thấy. “Khéo trụ thọ mạng,” là nói phát bồ đề tâm. Có một điểm cần lưu ý là ngài Di Lặc chuyên nói về Không, vì ngài hiện giảng Bát Nhã và duy thức học trên cung trời Đâu Suất, nhưng trong này ngài lại nói về Bồ Đề Tâm. Đủ biết các ngài thứ gì cũng giỏi cả, nhưng các ngài cũng tùy theo tâm thức của chúng sanh để chuyên dạy về một môn nào thồi. Mà cũng xin quí vị nghe kỹ ngài Di Lặc dạy về bồ đề tâm, vì không có một đoạn kinh nào nói hay và thơ mộng đến thế, đoạn này dài khoảng ba chục trang.
KINH: Khéo gặp đức Như Lai xuất hiện..
GIẢNG: “Gặp đức Như Lai xuất hiện” là vị Phật xuất hiện trong tâm Thiện Tài. Ý ngài Di Lặc muốn nói, Thiện Tài khéo làm nở vị Phật trong tâm mình…
KINH: Khéo thấy Văn Thù Sư Lợi đại thiện tri thức.
GIẢNG: Tức là khéo thấy được Trí huệ của mình, vì muốn thấy được ngài Văn Thù rất khó, một là phải có thiên nhãn lớn, hai là phải giữ tâm mình vừa đại bi, vừa bát nhã. Ở đây, trong kinh hay dùng chữ “khéo,” tức là dụng tâm không bị lệch, không thiên về có cũng không thiên về không. Như chúng ta đến chùa, tụng kinh hay giảng kinh bao giờ cũng phải khéo giữ cái tâm chẳng có, chẳng không. Nếu thấy điều gì không như ý cũng không cáu giận hay những gì thích ý cũng không vui mừng, mà giữ cái tâm bình thản, khi có tâm “chẳng có, chẳng không” ấy nhiều vị quỉ thần sẽ gia hộ cho. Cũng như ngày xưa, lúc mới đi thuyết pháp, tôi còn mong đông người đến nghe, nhưng bây giờ thì sao cũng được, tất cả những gì ngoài đời đều là những cơ duyên cả, không thể cưỡng cầu.
KINH: Thân của người là thiện khí, được những thiện căn đượm nhuần, được pháp lành nuôi lớn, bao nhiêu giải dục đều được thanh tịnh, đã được chư Phật đồng hộ niệm, đã được thiện hữu nhiếp thọ.
GIẢNG: Trong thế gian có hai thứ dục, một thứ dục thường gọi là “ngũ dục,” thích những cái thô kệch, như ăn, uống, danh vọng, tiền bạc, những xúc giác êm ái mịn màng v.v… Nhưng trong đạo phật còn một thứ dục khác gọi là “thắng dục,” là một thứ dục muốn đi lên trên con đường tu hành,muốn tới Diệu Lực.
KINH: Tại sao vậy? Vì tâm Bồ Đề như chủng tử.
HỎI: Tâm bồ đề để đi đến diệu tâm?
ĐÁP: Khi còn ở dưới thấp thì nó tách ra thành hai khía cạnh, một khía cạnh là Bát nhã và một khía cạnh là đại bi. Tâm bồ đề là bao gồm cả bát nhã và đại bi. Chính ra, nếu nói kỹ thì có nhiều thứ tâm. Như Hỷ Tâm, Xả Tâm, Sám Nguyện Tâm v.v… nhưng chúng ta chỉ cần nhớ đơn giản về cái tâm có hai khía cạnh, bát nhã và dại bi là đủ rồi.
Vậy câu hỏi tôi muốn đặt ra rằng, tâm bồ đề có khác với tâm bát nhã không? Cũng gần giống, nhưng tâm bát nhã thì các ngài nhấn mạnh vào cái Như Thật Không, còn tâm bồ đề thì tiến tới cả Như Thật Không và Như Thật Bất Không. Nên ngôn ngữ, nhiều khi không có đủ để diễn nói hết được, như chữ tâm và chữ thức, nhiều khi chúng ta bắt gặp trong kinh nói rất chùng nhau, người đọc rất dễ lạc và hay bị bối rối.
HỎI: Trong sách nói về thực đại thừa và quyền đại thừa. Hai cái đó khác nhau thế nào?
ĐÁP: Quyền đại thừa có thể nghiêng về có, có thể nghiêng về không. Lên đại thừa viên dung thì phải giữ cái tâm không nghiêng về có, cũng không nghiêng về không. Tựa như con chim bay bằng hai cánh, nếu cánh bên này lệch hoặc cánh bên kia lệch cũng đều té cả, hai cánh phải thăng bằng, tức giữ cái tâm không có, không không, và nếu giữ được cái tâm ấy thì đi qua chỗ nào, hoạn nạn nào cũng được thoát cả.
KINH: Vì tâm bồ đề như chủng tử, vì có thể sanh tất cả Phật pháp.
GIẢNG: Tâm bồ đề như là cái ruộng chứa tất cả chủng tử để sau mọc lên những thứ cây Bạch Tịnh Pháp, nói tóm lại, tất cả Phật pháp đều là bồ đề tâm. Ngoại đạo thì chưa biết đến chỗ đó, chưa biết là chính Tâm ấy dệt nên thế gian, cứ nghĩ rằng phải có một vị Thượng Đế toàn năng sinh ra, điều đó không đúng lắm, vì còn nông.
Tâm bồ đề như chủng tử có thể sanh tất cả pháp lành, vì vậy trong kinh mới nói rằng phát bồ đề tâm thì có nhiều công đức. Vì vậy, trong chúng ta, ai không phát bồ đề tâm thì vị đó tự cô phụ mình, như thấy một viên ngọc vô giá ngay trước mắt, ngay trong mình, mà ta không biết nhặt lấy.
Từ đây, ngài Di Lặc toàn dùng những ví dụ rất cao đẹp để nói bồ đề tâm.
KINH: Bồ đề tâm như ruộng tốt vì có thể sanh trưởng bạch tịnh pháp cho tất cả chúng sanh.
GIẢNG: Pháp Bạch Tịnh là những thiện căn tốt, sanh từ tâm, bắt đầu bằng tâm bồ đề, cũng như một mảnh đất phì nhiêu, đã được gieo trồng chủng tử bồ đề tâm, sau sẽ nở lên những cây cỏ lúa tốt.
KINH: Bồ đề tâm như đại địa, vì có thể gìn giữ tất cả thế gian.
GIẢNG: Tất cả pháp giới này đều mọc trên bồ đề tâm ấy. Chúng sanh cứ tưởng chúng ta trụ trên trái đất này, nhưng trái đất này lại trụ trên hư không, mà hư không ấy trụ phải trụ trên thức luân,và thức luân trụ trong bồ đề tâm ấy. Đây là ngài nói thí dụ đơn sơ để cho chúng sanh đời sau như chúng ta hiểu thôi, là đức tính của tâm bồ đề như đại địa.
Quí vị cứ thử nghĩ, tất cả tinh hà, đại địa, cả thế giới vũ trụ càn khôn này cứ lửng lơ trong hư không, ai giữ nó? Còn hư không kia thì sao? nó trụ vào đâu? Chỉ có đạo Phật dạy rằng quang minh của tâm thức dệt nên sắc tướng này, tất cả những thứ đó hiện ra trong tâm, trụ trong tâm rồi nó cũng tiêu dung trong tâm. Nên nhiều khi nghĩ như vậy, thì chỉ còn cách đảnh lễ kinh, vì không có kinh, không có lời của bậc Đại Giác nói ra, thì không một ai có thể nghĩ ra được cả.
KINH: Bồ đề tâm như tịnh thủy, (nước thanh tịnh), vì có thể rửa sạch phiền não nhơ nhớp.
GIẢNG: Khi chúng ta phát tâm bồ đề, thì có thể trừ được phần nào phiền não. Trước sân hận, tham lam bao nhiêu thì từ khi phát bồ đề tâm, sân hận, tham lam ấy bớt dần đi (tuy không thể hết được ngay trong kiếp này), vì vậy kinh mới nói rằng rửa những phiền não nhơ nhớp, những chuyện ái, ố, thị phị v.v…
KINH: Bồ đề tâm như gió lớn, vì vô ngại khắp ở thế gian.
GIẢNG: Gió lớn đi qua, lại trong không gian vô ngại thì bồ đề tâm còn ghê gớm hơn nhiều, nó đi qua đất, qua nước, qua lửa, qua hư không. Vì những thứ kia chỉ như bọt nước tụ lại hiện ra trong bồ đề tâm ấy. Như trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy, tất cả sơn hà, đại địa, tinh tú, nhật, nguyệt v.v… đều hiện lên trong tâm như cụm mây trắng trong vòn trời xanh. Đó là một chân lý vô đẳng đẳng mà không có tôn giáo, hay khoa học nào có thể ngờ tới được.
KINH: Bồ đề tâm như lửa mạnh, vì có thể đốt tiêu củi kiến chấp.
GIẢNG: Nếu ta chịu khó suy nghĩ kỹ, sẽ thấy kiến chấp của ta rất nặng nề, vì sao? Vì ta luôn sống theo những thói quen cũ, huân tập từ nhiều kiếp, nhất là hay chấp lấy ý kiến của ta, người khác nói cũng không bao giờ chịu hiểu, cứ tưởng là mình thắng giải. Mà không hiểu rằng mỗi chúng sanh như một lăng kính lung linh, mỗi cái chiếu rọi mỗi khác, mỗi người nghĩ mỗi khác vì họ ở vị Irí khác nhau. Đến khi ta thông suốt mọi quan niệm, hiểu rõ cái lăng kính ảnh hiện của Tâm, lúc đó ta sẽ nhìn thấy rõ những quan niệm của người khác và tại sao họ lại suy tư như vậy. Tất cả chỉ là ảnh hiện, không có một lý lẽ nào cố định cả, chỉ tùy chúng sanh nhìn lăng kính như thế nào thì pháp giới ảnh hiện như thế. Vì vậy, khi ta có tâm bồ đề, thì nó như lửa mạnh đốt tất cả những củi kiến chấp.
KINH: Bồ đề tâm như tịnh nhật, vì chiếu khắp tất cả thế gian.
GIẢNG: Tịnh nhật là mặt trời không bị mây che phủ.
KINH: Bồ đề tâm như mặt nguyệt sáng, vì những pháp bạch tịnh đều viên mãn. (bỏ một đoạn). Bổ đề tâm như cung điện vì an trụ pháp tam muội.
GIẢNG: Một hành giả khi tu tập tam muội sẽ có thiền lạc sung sướng vô chừng. Như là hành giả dạo chơi trong ấy, trong cung điện Tâm một cách rất thoải mái.
KINH: Bồ đề tâm như khu vườn, vì trong đó dạo chơi hưởng pháp lạc. …(Bỏ một đoạn)… Bồ đề tâm như đại hải vì tất cả công đức đều vào trong đó.
GIẢNG: Tất cả pháp giới không có gì khác, chỉ có mỗi cái tâm ấy. Như nếu chúng ta đi trong vườn cây, hay đi ra biển, hay xuống phố, nhìn thấy tòa nhà cao chọc trời, khu phố, hàng quán v.v… mà quán chiếu rằng, cây ấy, biển ấy, khu phố ấy v.v… đều mọc trong tâm mình, vì một ngày kia, những thứ đó sẽ biến đi, nhưng tâm này còn lại, vẫn an nhiên.
PHẬT TỬ: Thưa ông, quán như thế thì quả thật là khó rất khó, vì vô lý quá. Làm sao tất cả những vật ù lỵ thế mà lại mọc trong tâm mình được? hi.. hi.., mắc cười chịu không nổi!
ĐÁP: Nghĩ cho cùng thì cũng khó thật. Chính tôi ngày xưa cũng vấp mãi về điểm này. Nhưng mấy năm gần đây, tôi mới thấy rằng tất cả cũng chỉ có thể mọc trong tâm ra chứ không thể có một lý thuyết hay lời giải thích nào đúng hơn. Quán chiếu được như thế, thì khi gặp một điều gì chướng duyên ta sẽ không cảm thấy khó chịu lắm, như khi ta làm bất cứ chuyện gì trong ngày, khi telephone, nghe tiếng nói léo nhéo lấc cấc, hỗn hào ở đầu giây bên kia trả lời, thì quán rằng, tiếng vang ấy cũng chỉ mọc trong tâm ta mà thôi. Hoặc giả, khi ăn cơm,nếu nghĩ rằng miếng cơm ấy, cũng từ tâm ra, (lấy một phần tâm bên ngoài, đắp vào phần tâm bên trong), cứ thế, quanh quẩn, lòng vòng như vậy, khi quán chiếu được như vậy thì cho dù thức ăn dở cũng không lưu ngại được ta. Hay gặp những trường hợp tệ hơn, như có người đến đánh chửi mình, ta cũng phải quán rằng người ấy, cũng mọc trong tâm mình ra, chứ ở ngoài không có gì cả. Ngày xưa, lúc đi xe bus hoài,có khi phải ngồi bên cạnh một bà Mễ, hay anh Mỹ đen to tướng, lúc đầu tôi cảm thấy khó chịu, nhưng sau khi quán chiếu thấy, bà Mễ, anh Mỹ đen này, từ vô lượng nhân duyên, từ nhiều kiếp đều từ trong tâm mình, nay hiện ra đến bên ta, nên ta chịu nghiệp khó chịu vì thế. Tôi nói ra đây để gieo thêm những thiện duyên, chứ không mong quý vị chấp nhận ngay được đâu, phải mài tâm, suy tư lâu thì hy vọng mới vỡ ra được phần nào.
Đó là một lối quán chiếu cho tâm ta nhẹ nhàng được đôi phần và sự thực là vậy. Còn một đều cần nữa là không nên… nói về mình, đừng nói mình làm được điều này, điều nọ, đừng khoe, đừng hãnh diện, cũng đừng so sánh mình với người, những gì tốt của ta thì cứ im đi, càng im lặng thì công đức lại càng lớn, còn nói um xùm, đăng báo tùm lum, thì công đức co lại. Đến khi chết thì chúng ta chỉ tính với quỉ thần chứ có tính được với người đâu? Khi ta chết, dù cả thế giới này cũng không kéo được sự sống cho ta, nhưng nếu có công đức, các vị quỉ thần có thể giúp chúng ta, đưa ta đến chỗ an ổn được. Nên cần nhớ, đừng nói gì đến “cái ta,” đó là cách tập bỏ cái ngã tương đối dễ nhất.
HỎI: Nhưng thưa ông, trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng nên phải nói đến cái hay của mình để người khác họ lấy đó làm gương chứ!
ĐÁP: Như vậy vẫn là tùy cái tâm của ông, như tôi đã giảng nhiều lần ở đây. Chúng ta có thệ làm bất cứ gì, người ngoài trông có vẻ sai trái, nhưng còn tùy tâm mình làm lúc đó, mục đích việc làm ấy có lợi cho người thì tốt. Nếu ông nói về cái tốt của mình chỉ với tâm vô ngã, lợi người thì nên làm chứ. Nhưng khó có trường hợp ấy lắm, vì phần đông, chỉ nói vì có ngã, vì sự hãnh diện khoe khoang, nên tôi mới khuyên như thế. Tất cả đều do tâm, ông có thể chửi người kia với cái tâm từ bi thì rất tốt. Trong kinh kể, đức Phật một kiếp họ, ngài làm vua, nuôi 500 Bà La Môn, khuyên những vị ấy tụng kinh đại thừa, nhưng các vị chỉ biết ăn chơi, không chịu tu tập, ngược lại cứ giết dê, bò để tế thần thôi, nên ngài phải giết sạch, để cho 500 vị Bà La Môn này khỏi bị đọa. Vì tâm từ mà giết nên ngài không bị thọ quả báo.
KINH: Bồ đề tâm như núi Tu Di, vì bình đẳng nơi tâm các chúng sanh.
GIẢNG: Tại sao lại nói núi Tu Di bình đẳng? vì trong một ngày, núi Tu Di hiện nhiều màu sắc, óng ánh, (tâm chúng ta cũng óng ánh nhiều màu khác nhau). Lúc ấy, nếu núi Tu Di phát ra ánh sáng xanh thì tất cả những chúng sanh nào đến gần, đều mang mầu sắc xanh. Lúc nó phát ra ánh sáng hồng, hay bất cứ mầu nào chúng sanh đến gần cũng đều đồng màu với núi Tu Di cả. Vì thế mà gọi là núi Tu Di bình đẳng nơi tâm các chúng sanh. Cũng như chư Phật có tâm đại bi bình đẳng, độ tất cả chúng sanh, tùy theo căn cơ mà độ.
KINH: Bồ đề tâm như núi Thiết Vi vì nhiếp trì tất cả thế gian.
GIẢNG: Trong Hoa Nghiêm có kể, có những chặng Hương Thủy Hải, trong đó có những rặng núi Thiết Vi. Và trong kinh Địa Tạng lại dạy, trong núi Thiết Vi ấy có địa ngục.
KINH: Bồ đề tâm như núi Tuyết Sơn vì sanh lớn tất cả cây thuốc trí huệ.
GIẢNG: Núi Tuyết Sơn là núi Hymalaiya trong đó có rất nhiều cây thuốc mà chúng ta không thể biết hết. Trong kinh nói đến những cây thuốc rất lạ, có những cây thuốc đến tận nơi, nếu chúng ta phước đức kém sẽ không trông thấy nó, không hái được, dù ở ngay trước mắt. Cũng như chuyện đi biển, tất cả đều do phước đức và trí huệ. Trong kinh Hiền Ngu kể, ngày xưa, có những đoàn thuyền khoảng năm, sáu trăm người rủ nhau đi biển, không phải đánh cá mà tìm ngọc ngà châu báu, trong biển có nhiều Long Vương giữ ngọc ngà, châu báu. Song những người không có phước thì dù có đứng trước kho tàng ấy cũng không thể nhìn thấy được, người có phước đến đâu thì chỉ được nhìn đến mức đó thôi. Nói tóm lại, tất cả đều do tâm hiện, cũng như ngài Thiện Tài, vì đầy đủ phước đức trí huệ, nên khi vừa sanh ra thì dưới đất nứt ra bao nhiêu kho tàng châu báu, vì đều do phước đức mà ra. Hiểu như vậy, ta không nên cưỡng cầu làm gì, vì mong cầu cũng là một điều khổ rồi.
KINH: Bồ đề tâm như Hương Sơn, vì xuất sanh tất cả hương công đức. Bồ đề tâm như hư không, vì những diệu công đức rộng vô biên….(bỏ một đoạn)… . Bồ đề tâm như liên hoa, vì chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian.
GIẢNG: Đi vào thế gian này mà không bị nhiễm, không khởi tâm mong cầu vướng mắc vào đâu cả thì cần phải có bồ đề tâm.
KINH: Bồ đề tâm như thuốc hay vì trị được tất cả bệnh phiền não. …(bỏ một đoạn)… Bồ đề tâm như bạch chiên đàn, vì trừ những nóng tham dục làm cho mát mẻ.
GIẢNG: Có thứ hương gọi là Bạch chiên đàn, bôi hương ấy thì trong người cảm thấy mát mẻ.
KINH: Bồ đề tâm như hắc trầm hương, vì có thể xông khắp pháp giới.
GIẢNG: Tôi cũng chưa biết thứ hắc trầm hương này mọc ở đâu, nhưng chỉ cần đốt độ một thù, hơi hương xông khắp tất cả pháp giới. (Chúng ta nên để ý những thí dụ ngài dùng, đôi khi những cái đó tuy có ở Diêm Phù Đề của chúng ta, thường xuất hiện trên núi Tuyết Sơn, mà vì phước mỏng, chúng ta không gặp được, hoặc có gặp cũng không biết được thuốc hay để dùng, và công dụng của nó ra sao. Nên chịu khó đọc qua, để biết được trong cõi Ta Bà này cũng có nhiều thứ thuốc hay và lạ.)
KINH: Bồ đề tâm như Thiện Kiến Dược vương, vì phá được tất cả bệnh phiền não.
GIẢNG: Thiện kiến dược vương có lẽ là một loại thuốc mọc trên Tuyết Sơn, người uống vào có thể phá được phiền nảo.
KINH: Bồ đề tâm như thuốc Tỳ-cấp-ma, vì nhổ được tất cả hoặc tiễn.
GIẢNG: Tỳ-cấp-ma là một loại thuốc uống vào sẽ hết những mũi tên của sự mê hoặc. Trong kinh nói nhiều thứ lạ, nhưng đều là có thật cả. Nhiều người đọc kinh, không tin những điều ấy, họ cho rằng đó chỉ là những thí dụ tượng trưng. Nhưng kinh không bao giờ nói lời hư vọng, lúc nào lời kinh cũng có hai nghĩa, một nghĩa ở trong, và một nghĩa ở ngoài. Trong thì nói tâm chúng sanh như thế, nhưng ngoài cũng có vật đó thật, vì lúc nào trong ngoài cũng tương Ưng, không bao giờ có trong mà không có ngoài, hoặc ngược lại. Có nhiều vị đọc Hoa Nghiêm, cho rằng những cảnh giới trùng trùng, đều là những thế giới tưởng tưởng. Đó là một sự lầm lạc ghê gớm. Lại có vị còn nói rằng, người Ấn Độ nhiều tưởng tượng quá, (Đức Phật đâu có phải là người Ấn, ngài chỉ thị hiện xuống Ấn để dạy những người ngoại đạo mà thôi.)
Nên phải hiểu, tất cả những chữ trong kinh, không có chữ nào hư vọng, chúng ta đọc chưa hiểu vì tâm thức còn kém cỏi, nghiệp chướng còn quá nặng nề, che mất chân tâm sáng ngời ấy thôi.
KINH: Bồ đề tâm như Đế Thích, vì là tối tôn trong tất cả vua chúa. Bồ đề tâm như Tỳ Sa Môn, vì dứt được tất cả khổ nghèo cùng.
GIẢNG: Trên tầng trời Tứ Thiên Vương có bốn vị Vua Trời. Nơi tầng trời Tỳ Sa Môn, có một vị tên là Công Đức Thiên, chuyên trông coi về của cải, vàng bạc châu báu, và sự giàu có ở thế gian. (Không biết ngài thị hiện là người Nam hay người Nữ, nhưng thường trong sách nói là người nữ.) Ngài lúc nào cũng đi chung với một người em gọi là Hắc Ám Thiên.
Nếu ngài Công Đức Thiên chuyên cho của, ngược lại, ngài Hắc Ám Thiên chuyên cho họa. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có kể, một hôm, có một người Trí gặp được vị Công Đức Thiên thì sung sướng lắm, nhưng sau đó lại thấy một người nữ rất xấu xí lù lù theo sau, ông này vội đuổi bà Hắc Ám Thiên đi mà bảo rằng: “Xin ngươi đi cho, tôi chỉ tiếp bà đẹp đẽ này thôi (Công Đức Thiên)”. Nhưng ngài Công Đức Thiên bảo rằng: “Không được, bao giờ chúng tôi cũng đi đôi với nhau, (ý nói rằng, có phước là phải có họa), nếu ông muốn tiếp phải tiếp luôn cả hai.” Nghe xong, người ấy vội xua tay mà nói rằng: “Vậy xin hai vị đi mau cho, tôi thực tình chẳng dám nhận phước của ngài để phải gánh họa nữa.” Các vị đó đều ở cung trời Tỳ Sa Môn thiên vương cả.
KINH: Bồ đề tâm như Công Đức Thiên vì trang nghiêm với tất cả công đức.
GIẢNG: Ở đây chỉ nhắc đến Công Đức Thiên thôi mà không nhắc đến Hắc Ám Thiên, vì bồ đề tâm thuộc mặt thuần thiện, phước đức.
KINH: Bồ đề tâm như kiếp hỏa đốt cháy, vì có thể cháy tiêu tất cả hữu vi.
GIẢNG: Khi chúng ta phát bồ đề tâm, trong tâm ta như có một thứ lửa lớn, có thể đốt cháy tất cả những phiền não. Tất cả những gì chúng ta chấp trước, hoặc lậu v.v… đều tiêu dung. Nên những pháp hữu vi đều được thăng hoa thành pháp vô vi.
KINH: Bồ đề tâm như thuốc vô sanh căn, vì trưởng dưỡng tất cả Phật pháp.
GIẢNG: Thường cây nào cũng phải có rễ, nhưng không biết có cây nào mà chỉ có thứ rễ vô sanh không?
KINH: Bồ đề tâm như thủy thanh châu, vì có thể thanh tất cả phiền não trược. Bồ đề tâm như châu như ý…, bồ đề tâm như áo lông ngỗng, vì chẳng dính bụi sanh tử.
GIẢNG: Khi chúng ta phát bồ đề tâm ngày càng lớn rộng thì cũng giống như một người mặc áo lông ngỗng ngày xưa của Tàu, áo ấy không bị dính bụi. Còn bồ đề tâm thì không bị dính bụi sanh tử.
KINH: …(bỏ một đoạn)… Bồ đề tâm như gương sáng, vì hiện khắp tất cả tượng pháp môn. Bồ đề tâm dường liên hoa…, bồ đề tâm như đại long vương vì có thể mưa tất cả diệu pháp.
GIẢNG: Vị Bồ Tát mang bồ đề tâm có thể thuyết tất cả diệu pháp như Long vương làm mưa thấm nhuần tất cả chúng sanh.
KINH: Bồ đề tâm dường như mạng căn, vì chấp trì thân đại bi của Bồ Tát.
GIẢNG: Bồ đề tâm tương tự như mạng căn, nếu phát bồ đề tâm thì mạng căn sẽ dài ra, vì chấp trì thân đại bi của Bồ Tát. Nên chúng ta cần phát bồ đề tâm, vì nó như căn rễ, mọc trong tâm sâu bao nhiêu thì mạng căn dài chừng ấy. Dù số phải đoản thọ, thì các vị quỉ thần cũng phải làm sao kéo dài hơn để cho ta có dịp tu hành trưởng dưỡng bồ đề tâm ấy.
Mà khi một vị Bồ Tát có thân đại bi thì tất cả hộ trùng trong người phải biến đi hết. Chúng ta thường có 84 ngàn hộ trùng trong người, vì ta chưa phát tâm bồ đề, hoặc nếu có phát cũng lắt lay, đứt đoạn, rễ bồ đề chưa sâu, cây bồ đề chưa mọc. Nhưng các vị Bồ Tát lại khác, cây bồ đề của các ngài xum xuê, nên thân căn các ngài rất thanh tịnh, bước vào mức pháp thân Bồ Tát, các hộ trùng không còn, và Bồ Tát có thể nương vào một người đàn bà mà thọ sanh nhưng chính ra lại là hóa sanh, không phải thai sanh. Nhân nói về mạng căn, tôi cũng xin nói qua cho quí vị thấy chữ “căn” trong nhà Phật rất lạ lùng, mà chắc ít ai để ý. Thường chúng ta chỉ biết có sáu căn, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý, thêm nữa thì có dương căn và âm căn. Nhưng trong đạo Phật lại nói, chúng ta có tới 22 căn, song chúng ta chỉ biết được những căn hữu hình thôi, còn đạo phật nói thêm những căn vô hình, nếu tu lên cao, nó cũng sẽ hiện tướng.
Như một người đọc kinh lâu, người ấy sẽ nảy sinh lòng tin chắc sâu xa, tin nơi chân lý duy tâm sở hiện, thì tín tâm ấy, lâu dần, phát ra một luồng lực tạo thành một căn. Khi đã có tín căn, người ấy không bao giờ con nghi ngờ điều gì trong kinh nói, dù có người bài bác, dù sống giữa ngoại đạo, dù sống trong một thế giới không ai biết đến Phật giáo là gì, dù khi lâm chung gió nghiệp nổi lên ào ào mà vẫn tin vào kinh đại thừa, vẫn tin vào đức A Di Đà và có thế giới Cực Lạc và vẫn cầu vãng sanh. Trong 37 phẩm trợ đạo, ngoài những căn thô kệch thông thường còn nói thêm năm thứ căn, và tu hành để cốt làm nở thêm năm căn ấy. Sau khi có tín căn, hành giả sẽ có tinh tấn căn, lúc bấy giờ hành giả hành trì không hề lười mỏi. Như các vị Bồ Tát có tinh tấn căn, các ngài tu tinh tấn ba la mật, có sự tinh tấn không bờ mé, có thể ngồi tu trong rừng khổ hạnh, một ngày chỉ ăn vài hạt mè mà không bao giờ khởi tâm thối thất. Sau đó, sẽ sinh ra niệm căn, lúc đó vị Bồ Tát có một trí nhớ không bao giờ quên, dù quán chiếu cảnh gì cũng luôn nhớ đến mà không sao lãng. Sau đó lại được định căn và huệ căn.
Trong đạo Phật, nhiều khi chúng ta đọc kinh thấy ngơ ngác, vì ngài thường nói từ cái vô hình ra hữu hình, ngài nói những cái bắt đầu khởi từ tâm, huân tập lâu dần sẽ trở thành căn, rồi trở thành lực, khi thành lực, các vị Bồ Tát sẽ có tự tại lực. Ở đây tôi chỉ kể sơ sơ mấy loại căn thôi, còn những căn khác chưa cần nói đến.
Những căn này, người thường hay khoa học gia chưa thể biết nổi, chỉ một bậc Đại Giác có đủ ngũ nhãn mới có thể nói ra được. Chúng ta tu hành, mới có một chút tín tâm, một chút tinh tấn, (thỉnh thoảng lại thối thất), nên chưa hiện được thành căn.
KINH: Bồ đề tâm như cam lộ, vì có thể làm cho an trụ nơi cõi bất tử.
GIẢNG: Khi có tâm bồ đề rồi tu hành dần dần sẽ đến cửa bất tử, có thể sống vô lượng kiếp cũng được. Một thí dụ là sang được nước Cực Lạc.
KINH: Bồ đề tâm như tấm lưới lớn, vì nhiếp khắp tất cả chúng sanh.
GIẢNG: Trong đạo Phật thường hay dùng chữ “lưới,” vì tất cả quang minh, pháp môn đều như một tấm lưới lớn, cũng như người thợ đánh cá, quăng lưới bắt cá, song chư Phật và chư đại Bồ Tát chỉ quăng lưới bồ đề tâm bắt chúng sanh để đặt sang bờ vô thượng chánh giác.
KINH: Bồ đề tâm như lưới chài, vì nhiếp lấy tất cả kẻ đáng được hóa độ.
GIĂNG: Tôi nghĩ ý niệm về lưới, hay ý niệm về hoa nở là những ý niệm gợi cảm mà ta cần nhớ.
KINH: Bồ đề tâm như câu mồi, vì bắt những kẻ ở trong bực hữu lậu.
GIẢNG: Ngài ví chúng ta như những con cá, nếu cá ấy phát được bồ đề tâm rồi thì sẽ vượt được bậc hữu lậu. (Hữu lậu là còn rỉ sót, tức là còn luân hồi trong tam giới.)
KINH: Bồ đề tâm như thuốc a-già-đà, vì có thể làm cho người vô bệnh vĩnh viễn được an ổn.
GIẢNG: Trên th ực tế, có thứ thuốc như vậy, nhưng vì chúng ta không đủ túc duyên nên chẳng biết.
KINH: Bồ đề tâm như thuốc trừ độc, vì có thể tiêu hết độc tham ái. …(bỏ một đoạn)… Bồ đề tâm như thị tứ, vì là chỗ đổo63ii chác của thương gia Bồ Tát.
GIẢNG: Trong kinh dùng nhiều thí dụ thật lạ. Thị tứ là một tỉnh thành lớn, mà ở đó thường có những thương gia đến đó để đổi chác những vật cần dùng với nhau. Còn Bồ Tát thì đổi chác những tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả của các ngài, để thay đổi những tâm tham, sân, si của chúng sanh.
KINH: Bồ đề tâm như thuốc luyện vàng, vì có thể trị được cặn phiền não.
GIẢNG: Thường thợ luyện vàng hay để một chút thuốc luyện vàng cho chất vàng được tốt. Còn khi có bồ đề tâm, cũng tiêu trừ được những cặn phiền não.
KINH: Bồ đề tâm như mật tốt, vì viên mãn tất cả vị công đức.
GIẢNG: Ngày xưa, các ông lang y khi làm thuốc chữa bệnh, họ thường cho mật vào để tăng khí vị của thuốc. Bồ đề tâm cũng vậy, như mật tốt có thể làm viên mãn những công đức của Bồ Tát.
KINH: Bồ đề tâm như châu Đế Thanh, vì hơn hẳn trí của thế gian và nhị thừa. Bồ đề tâm như tiếng trống tan canh, vì đánh thức chúng sanh say ngủ bởi phiền não.
GIẢNG: Phàm phu chúng ta luôn đam mê chạy theo những phiền não, kiết sử của mình, khiến sống say, chết ngủ. Bồ đề tâm khiến ta không say ngủ, và thăng hoa trí huệ.
KINH: …(bỏ một đoạn)… Bồ đề tâm là diệu bửu…, bồ đề tâm như lưới nhơn đà la, vì có thể phục A Tu La phiền não. …(bỏ một đoạn)…. Này thiện nam tử, bồ đề tâm thành tựu công đức vô lượng như vậy. Tóm lại, phải biết bồ đề tâm đồng với công đức của tất cả phật pháp. Tại sao vậy, vì nhân nơi bồ đề tâm mà xuất sanh tất cả bồ tát hạnh. Tam thế Như Lai từ bồ đề tâm mà xuất sanh.
GIẢNG: Tất cả bồ tát hạnh đều do bồ đề tâm mà ra.
KINH: Vì thế nếu có ai phát tâm vô thượng bồ đề thời là đã xuất sanh vô lượng công đức, có thể nhiếp thủ khắp nhất thiết trí đạo. Này thiện nam tử, ví như có người được thuốc vô úy thời rời năm điều khủng bố. Những là lửa không cháy được, độc không hại được, gươm dao không đứt được, nước không làm trôi chìm được, khói không xông ngộp được.
GIẢNG: Khi bồ đề tâm tăng trưởng, có năm thứ không thể hại được, là nước, lửa, độc, gươm dao và khói.
KINH: Cũng vậy, đại Bồ Tát được thuốc nhất thiết trí bồ đề tâm, thời lửa tham không cháy, độc sân chẳng hại, dao hoặc không đứt, dòng hữu lậu chẳng cuốn trôi, khói giác quán không thể xông hại.
GIẢNG: Khi Bồ Tát có tâm bồ đề thì lửa tham không cháy, tức là dứt hẳn tâm tham, độc sân chẳng hại, dứt hẳn sân hận, dao hoặc lậu không thể cắt đứt, không bị trôi lăn theo dồng nước hữu lậu, và khói giác quán không thể xông hại. Trong thiền nhà Phật khi tu lên đến sơ thiền còn giác còn quán, nhị thiền thì bỏ giác, còn quán, tam thiền bỏ cả quán lẫn giác v.v… Khói giác quán là sự suy nghĩ của hành giả làm cho tâm chao động. Đây là ý nói về mặt trong tâm thức. Còn mặt ngoài đời thì nếu có rơi xuống nước, hay rơi vào lửa thực cũng không thể bị hại được, hay cọ người mang dao đến chém cũng không đứt được. Tóm lại, bên trong thì tiêu trừ những nghiệp lậu, còn bên ngoài thì thoát những tai nạn như vậy, luôn luôn phải nhìn hai mặt trong ngoài. Nếu chỉ nghĩ đến ý nghĩa tượng trưng, thì chỉ nhìn thấy một mặt. cần nhớ trong tâm ra sao, bên ngoài sẽ tương ưng như vậy.
KINH: Ví như có người được thuốc giải thoát thời vĩnh viễn không hoạn nạn. Cũng vậy, đại Bồ Tát được thuốc giải thoát trí bồ đề tâm, thời lìa hẳn sanh tử hoạn nạn. Ví như người cầm thuốc ma-ha-ưng-già, rắn độc nghe mùi thời liền tránh xa. Cũng vậy, đại Bồ Tát gìn lấy thuốc đại-ưng-già bồ đề tâm, thời tất cả rắn độc ác phiền não nghe hơi, thảy đều tan mất.
GIẢNG: Chúng ta thấy rõ, luôn luôn Kinh nói một câu ngoài, một câu trong, luôn luôn có hai vế đi đôi như thế. Được thuốc đó rắn ngoài nghe hơi thuốc phải tránh xa, đồng thời ở trong lửa phiền não cũng tiêu dung nếu gìn giữ bồ đề tâm ấy.
KINH: Ví như có người cầm thuốc thiện kiến, có thể trừ tất cả bệnh tật dã mang. Cũng vậy, đại Bồ Tát cầm thuốc thiện kiến bồ đề tâm, trừ hết tất cả bệnh phiền não.
***
Đến đây, tôi xin tạm ngưng, xem vị nào cần hỏi, xin cứ hỏi.
HỎI: Thưa ông, trong sách thường nói đến cái “tâm bình thường nhi kiến đạo.” Nhưng từ nãy giờ ông ca ngợi đến cái “tâm bồ đề” quá, vậy thì giữa hai tâm đó khác nhau ra sao? Có thể coi tâm bát nhã, hay tâm bồ đề và tâm bình thường là một hay không?
ĐÁP: Trong nhà thiền, ý nghĩa,của tâm bình thường là cái tâm không yêu ghét không chao động, tĩnh lặng. Đó chỉ có một chút phần bát nhã,(huệ khô) mà thiếu đại bi. Nói rõ hơn, chữ “bình thường” ấy chỉ ở mức độ bát nhã còn thấp. Song tu để được cái tâm bình thường ấy, với căn cơ thấp kém của chúng ta, thì cũng khó đạt lắm rồi, chứ không phải dễ đâu. Nhưng nhìn lên cao hơn, y vào lời kinh, thì tâm bình thường chỉ mới đi được 1/3 đường thôi. Trong nhà thiền, các vị thiền sư sau khi được tâm bình thường rồi (tức là đã có satory, hoặc thoáng kiến tánh, thoảng thấy được tánh), phải vào núi tu thêm 30 năm đễ cho cái tâm bình thường ấy vững, không bị lay chuyển, sau đó phải khởi đại bi, “thõng tay vào chợ,” tức là vào giả, vào nhân gian độ sanh, không biết bao nhiêu ngàn kiếp mới được cái tâm vừa đại bi, vừa bát nhã.
HỎI: Trong Lão giáo, còn nói đến cái “tâm hồn nhiên,” thì cái tâm này thế nào? có “kiến” được gì không? và cái thấy đó lên đến mức độ nào?
ĐÁP: Lão Tử là một vị Bích Chi Phật (nếu so sánh mức độ tu chứng trên con đường Phật giáo), ngài nói đến cái tâm hồn nhiên. Nhưng tâm hồn nhiên chưa phải là tâm bát nhã, cũng chưa phải là tâm đại bi, mà đó chỉ là sự hồn nhiên của một người “anh nhi hạnh,” chưa biết yêu, ghét, chưa khởi vọng tình. Từ cái tâm hồn nhiên ấy, đến được tâm bát nhã, đại bi còn là một con đường rất xa. Ngài Lão Tử chỉ nói thế thôi,không triển khai gì, vì ngài là một vị Độc Giác, ngài giảng pháp môn tự độ, giữ cái “anh nhi hạnh.” Nhưng sau người Tàu lại lập thêm Thần Tiên Phái, muốn tu tập làm sao cho được trường sinh bất tử, tức là cố giữ cho thân xác này sống lâu. Kinh Lăng Nghiêm gọi đó là tu theo vọng niệm.
Tâm lý người thế gian, bao giờ cũng muốn níu lấy sắc thân này, muốn níu lấy tham dục vì nó là khoái lạc nhất của trần gian. Nếu chúng ta chịu khó đọc kỹ sẽ thấy rất rõ, nhiều tôn giáo khác từ mật thừa của Tây Tạng, Ấn Độ giáo, Thần Tiên giáo, Ai Cập v.v… đều có một phái cánh tay trái, luôn muốn níu giữ lại sắc thân lại. Vì loài người có khuynh hướng nắm chặt cái thân xác này, nên người tu hành chánh pháp phải cố vượt qua dục giới. Phật dạy, cửa ải dục giới rất khó qua, khi qua rồi ta sẽ có thân hào quang rất dễ tu lên, như thuyền buồm ra được đến bể, gặp gió đi rất nhanh. Gần đây, Việt Nam chúng ta cũng có những xu hướng “tân tăng,” có nghĩa là sư cũng có thể cưới vợ, đẻ con được, bên Nhật cũng thế, khắp nơi, không chỗ nào không có sự “lủng củng” về vấn đề đó. Cũng phải thông cảm cho những vị ấy, vì sao, vì con đường về Phật đạo xa xôi cần khổ quả, nên thà cứ chọn phù du trái đất này cho… xong chuyện!
Ở bên Nhật, xưa kia Thần Loan tuyên bố rằng ngài Quán Thế Ẩm hiện lên nói tôi phải… lấy vợ. Như thế mà dân Nhật cũng tin, vì họ phục vị này lắm. Bên đó, phong trào tân tăng rất mạnh, tiền bạc nhiều, kỷ luật chặt chẽ nhưng tâm linh thì rất sút kém. Con đường đi vào tâm thức có rất nhiều đường rẽ, mà tâm lý chúng sanh chỉ muốn kiếm những đường rẽ dễ tu, dễ chứng, hoặc đem lại một sự bình an nhất thời nào đó cũng đủ rồi, hoặc có cao lên nữa cùng lắm cũng chỉ đến những tầng trời, chứ chưa thể đưa con người đến sự giải thoát tột cùng.
HỎI: Xin ông cho một vài thí dụ cụ thể làm thế nào để phát được bồ đề tâm?
ĐÁP: Thứ nhất là phải đọc tụng kinh đại thừa, suy tư về giáo lý nhiệm mầu của kinh. Thứ hai là phải tụng chú, và sau những thời kinh, thường có những lời nguyện như tứ hoằng thệ nguyện mà ta vẫn thường đọc tụng là “chúng sanh vô biên thề nguyện độ, phiền não vô tận thề nguyện đoạn, pháp môn vô thượng thề nguyện học, Phật đạo vô thượng thề nguyên thành.” Nên cố gắng trong bất cứ trường hợp nào, từ những trường hợp làm ông vừa ý hay không vừa ý, làm o6ng yêu thích hay làm ông cáu giận, ông cũng nên khởi tâm hiểu biết thông cảm, để trưởng dưỡng từ bi tâm. Nhất là nên tập quên mình, bớt lo về mình đi, mà nên san sẻ bớt mọi thứ cho những người chung quanh.
Thật ra, những điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực hành cũng khó, vì sao? Vì chúng ta cả ngày có rất nhiều tâm niệm, song, nếu đem những tâm niệm ấy ra soi sét cho kỹ thì chắc có khoảng 98% là nghĩ về mình cả, ít khi nghĩ đến người khác. Tất cả đều là vì cái ngã. Đó chỉ là nói đến những tâm niệm thôi, còn những sự tạo tác, thi vi nữa thì cũng vậy. Nên muốn phát bồ đề tâm phải luôn nhớ đến kinh, tụng chú, quán tưởng đến pháp giới trùng trùng để hồi hướng cho tất cả chúng sanh, sau đó đưa dần đến những hành động làm cho người khác được vui lòng v.v…
Mà thật ra, tôi cũng khuyên các Phật tử không nên có tâm gấp gấp, cứ thong thả làm trong khả năng của mình, vì tâm chúng ta đã lang bang từ vô lượng kiếp rồi, càng gấp thì càng hỏng.
HỎI: Tâm bồ đề là tâm bát nhã hay tâm đại bi?
ĐÁP: Tâm bồ đề chính là cả tâm bát nhã và cũng là tâm đại bi. Nó như cái gương có hai khía cạnh, một mặt là bát nhã, (như thật không). Một mặt là đại bi, (như thật bất không). Tâm bát nhã thì chỉ nói riêng về khía cạnh rỗng không của tâm bồ đề ấy.
HỎI: Sao cứ phải cầu kỳ nói “như thật bất không” làm chi cho thêm mất công? Cứ nói “có thật” cho tiện việc hơn không?
ĐÁP: Nếụ nói “có” thì lại bị chấp vào khía cạnh ‘ “thật có”. Còn nói “như thật bất không” thì không bị vướng trong nhị biên, cũng là có, mà cũng là không. Tùy theo sự lắt lay của tâm thức. Cái bất không ấy là như thật, mà cái không đó cũng là như thật, nên Phật mới nói “bất không thành tựu Như Lai,” để chỉ nhấn mạnh cho chúng ta thấy rõ sự thật mà không chấp vào một bên nào cả.
HỎI: Theo tôi nghĩ, có ba thứ bậc, phàm phu chúng ta thường chấp là có, người tu thì chấp là không, (tức là đã cao hơn một bực rồi), nhưng cao hơn nữa là bất không, tức là cũng bác luôn cái không ấy, nên đó thuộc vào bậc thứ ba, chứ không phải cái “bất không” ấy có nghĩa là có. Không hiểu thiển ý đó có đúng hay chăng?
ĐÁP: Như vậy, ông chưa nghe buổi giảng về “tứ cú” ở đây. Tôi xin nhắc sơ lại cho quí vị nghe. Phật dạy, đối với tất cả những vật gì, tâm thức chúng ta có khả năng có nhiều thái độ,, có thể hư vô hóa vật ấy, hay chấp nó là có. Như chúng ta, từ vô lượng kiếp chấp rằng thân này là có, hay cái bàn, cái cây, tòa nhà, sơn hà đại địa này đều là có cả. Nhưng tâm thức cũng có thể coi sơn hà đại địa này là không cũng được, vì chỉ cần quán chiếu ngược lại lâu dần nó sẽ trở thành không. Chẳng hạn những vị trong tiểu thừa, quán vạn pháp đều do nhân duyên hợp thành, hay quán lý vô thường. Hoặc quán cao hơn như chư bậc Bồ Tát, quán tất cả đều chỉ là mộng, huyễn v.v… những lối quán ấy đều là đi vào không. Nhưng khi vượt lên trên cái có, cái không ấy, thì sẽ đến một mức độ khác là cũng có, cũng không. Mức thứ tư là chẳng có, chẳng không. Đó là tứ cú, nhưng tột cùng thì đến chỗ “vô ngôn,” như ngài Duy Ma Cật im lặng, không nói, vì không có một ý niệm nào có thể áp dụng để giảng giải cải Như Như của Tâm được.
Thế giới của kinh, khác hẳn những gì chúng ta hiểu biết, nên nhiều khi đi vào ta cảm thấy lạc lõng, lâu dần thì thấy lạ, suy tư thêm sau cùng lại thấy đúng, nên nó rất lạ lùng mầu nhiệm, nó cùng tiêu bớt cho chúng ta được nhiều phiền não.
Tôi thành thật khuyên quí vị rằng, khi chúng ta tụng Kinh Đại Thừa, nhiều khi thấy khô khan và thấy nản, nhưng cũng đừng nên nản, vì sau cũng quen dần với lối biện chứng của tâm thức. Và Phật cũng hay nói về công đức tụng kinh. Đừng tưởng rằng chúng ta dự trong đạo tràng thưa thớt này, bên ngoài trời mưa, lạnh lẽo, hay thấy chỉ có một ít người đến dự mà thấy nản, vì càng ít người bao nhiêu thì các chư Thiên càng xuống nhiều bấy nhiêu để nghe chúng ta tụng. Điều này đức Phật đã nói rõ trong kinh như thế, vì ngài cũng biết kinh khó tin, khó hiểu, khó vào, và chúng sanh rất dễ nản, nên ngài phải nói nhiều phẩm về công đức của người trì kinh là vậy.
Tôi xin tạm ngừng nơi đây.
Hẹn quí vị kỳ sau…