LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN
SỐ 1970
QUYỂN 12
Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn
PHẦN PHỤ LỤC
VĂN KHUYÊN TU TỊNH NGHIỆP CỦA SƯ TỬ PHONG NHƯ – NHƯ NHANG BÍNH
Thân là gốc khổ, giác ngộ sớm tu.
Sắc thân này có ai tin là gốc khổ, mãi đắm tham lạc thú thế gian mà chẳng biết nó là nguyên nhân của khổ. Kiếp phù sinh dễ trôi qua đâu có dừng mãi. Chất thân mong manh giả tạm đều sẽ bị tiêu mòn. Ngày chưa vào bào thai nào có hình nam nữ, chỉ do duyên với đất nước gió lửa giả hợp mà thành thì không tránh khỏi nỗi khổ tàn tạ của sinh, già, bệnh, chết. Trên không manh mối nắm níu, dưới không căn cội nảy sinh. Như bọt sóng chìm nổi còn mất trong khoảnh khắc, mong manh như hạt sương đầu ngọn cỏ có đó liền không. Kẻ sống lâu chẳng qua sáu, bảy mươi rồi mất, kẻ yểu mạng phần nhiều chỉ sống hai, ba mươi năm. Có kẻ biết ngày nay nào biết việc ngày sau, lại có kẻ lên giường vội biệt, một hơi thở ra xa cách muôn trùng. Ngài Tuyết Phong có bài tụng:
Một ngọn đèn côi trên bàn đêm
Lên giường để lại roi và giày
Ba hồn bảy phách đi theo mộng
Chưa rõ ngày mai đến hay không.
Nói rằng thân này không có việc đó thì sao mọi người đều bị nó lừa gạt. Gân ràng rịt bảy thước xương đầu, một túi da đựng thịt, chin lỗ thường chảy nước bất tịnh, sáu căn buông thả theo vô minh, tóc lông móng răng đầy cáu bẩn, nước mắt nước mũi nhơ nhớp như nhà xí, bên trong chỉ toàn là loài trùng tụ hợp, bên ngoài bị muỗi mòng rận rệp cắn rúc, bất cứ bệnh tật tai nạn nào đều có thể chết người, lại lạnh quá nóng quá khiến người mau già, mắt bị sắc dẫn đến ngạ quỷ, tai đi theo tiếng vào A-tỳ, miệng khi còn sống ăn đủ món, chết rồi chỉ thêm mấy giọt
dầu. Thơ của Trưởng Khôi có nói:
Hồng hồng trắng trắng chớ lừa nhau
Vô vị chân nhân thịt đỏ au
Bại hoại chẳng bằng thân chó lợn
Nên nay tu pháp quán tử thi.
Thân này không có chỗ nào đáng ưa thích, tiếc nuối, mọi người nên nguyện thoát khỏi nó, sao còn u mê đắm đuối phong lưu, điên đảo lo đủ mọi sự, hoặc trên đầu lâu cài hoa, hoặc xông hương lên túi da hôi thối này, mặc y phục để che đậy máu mủ, khoác gấm vóc để che khuất thùng phân tiểu. Dùng trăm phương ngàn kế gian tà nói sống đời muôn năm, chẳng biết đau đầu hoa mắt là vua Diêm-la đã sai người đến; tóc bạc da mồi là quỷ vô thường đã gửi thư tìm. Mỗi mỗi tham tài mê sắc đều là con đường tắt để mất thân người. Ngày ngày uống rượu ăn thịt đều là trồng sâu nhân địa ngục, trước mắt mưu cầu vui sướng nhất thời, thân sau chịu cay đắng muôn kiếp. Văn Tịnh độ viết:
Túi da máu thịt, gân cột xương,
Phàm phu điên đảo cho là thân
Đến chết mới hay chẳng phải ta
Vàng ngọc trước đây giao cho người.
Một khi mạng căn dứt tuyệt, bốn đại bị gió đao cắt, ngoài thì chân tay co rút, trong thì gan ruột nát tan, dù cho vợ con tiếc nuối cũng không cách nào giữ lại được. Giả như cốt nhục đứng đầy xung quanh cũng có ai thay cho ngươi được. Bài tụng xưa nói:
Cha mẹ ơn sâu rồi cũng biệt
Vợ chồng nghĩa trọng cũng chia lìa
Tình người như chim cùng chỗ trú
Hạn lớn đến thời mỗi bay đi.
Người sống chỉ dành đau đớn khóc than, kẻ chết không khỏi bị Thần thức bôn tẩu. Đường phía trước mù mịt, ngước mắt không bóng bạn bè, qua cầu Nại hà ngó lại không khỏi bị thương, vào quỷ môn quan có ai không thê thảm. Trần gian mới qua bảy ngày mà cõi âm đã bị áp giải gặp mười vua. Quan tào xử án không chút tình người, lính ngục cầm xoa không chút vui. Kẻ bình sinh làm thiện thì lên cõi Trời, làm tiên, làm người. Kẻ khi còn sống tạo ác thì giải vào nơi nước sôi, lửa cháy, dao cắt. Chảo nước sôi như núi lở, thế rừng kiếm như núi vọt lên. Đổ nước đồng vào miệng thì khắp người thịt nát, nuốt hòn sắt nóng đầy miệng bốc khói. Bị chém chặt thì máu thịt rơi lả tả, vào băng lạnh thì da đều nứt toác. Thân nát gió nghiệp thổi qua liền sống lại, mạng chung
La-sát hét liền sống. Trải qua trăm ngàn trên cõi người, trong địa ngục mới chỉ một ngày đêm. Điện Quang tập nói:
Vạc nước sôi, lò than hơi nóng tràn đầy chốn tối tăm
Rừng kiếm, núi dao cao vót tận Trời xanh
Chịu tội phải trải qua muôn kiếp
Ngục tốt đầu trâu mới cho đi.
Hồn phách tuy về nơi cõi quỷ mà thi thể còn nằm trong áo quan. Hoặc cách ba ngày năm ngày, hoặc đương sáu, bảy tháng, thây rữa ra thì sinh trùng, thành máu, hơi hôi xông khắp đất Trời, sình trương gớm ghiếc chẳng dám nhìn, mau mau hối thúc thảy vào nơi đống lửa hoặc chôn vùi nơi muôn dặm núi hoang. Thuở xưa hồng nhan im lìm đã trở thành lò tro lạnh, ngày nay xương trắng nơi hoang vu đã biến thành gò đất. Bài tụng của Ngài Hàn Sơn có nói:
Mặt hoa, da phấn đẹp như mơ
Ướp hoa, xông hương áo phất phơ
Ngày nay phong lưu đâu chẳng thấy
Liễu xanh, cỏ thơm, xương nằm trơ.
Ân ái đến đây là hết rồi, anh hùng thuở xưa nay còn đâu, nước mắt như mưa chốn cô liêu, gió thảm thổi lạnh vèo vèo, đêm tàn quỷ còn gào khóc, lâu năm quạ mổ chim rỉa, bờ hoang, khắp chốn là bia đá, trong đám liễu xanh treo xuông vàng mã, đến chỗ này có ai không tỉnh ra. Ngài Hàn Sơn nói:
Chim mổ quạ rỉa hết thịt da
Gió thổi, nắng soi, đầu lâu khô
Trước mắt thử hỏi kẻ bàng quan
Nhìn kỹ hình hài mình thử xem.
Kẻ có mắt thôi không còn đắm đuối, quay người chạy trốn khỏi bến mê, chớp mắt xé toạc lưới ái, tạo kế sống nơi hang quỷ nghỉ ngơi. Muốn biết trên cục thịt có chân nhân thì dù nam hay nữ cũng phải tu tập. Kẻ trí người ngu đều có phần. Chỉ xin soi chiếu lại mình liền biết bản thế vốn không.
Nếu chưa thể họ đạo tham thiền thì nên siêng năng trì trai niệm Phật, bỏ ác làm thiện, bỏ cũ tu mới, biến lục tặc thành sáu Thần thông, lìa tám thứ khổ được tám thứ tự tại, bèn có thể bảo Trời, hành hóa không ngăn ngại, thay Phật độ người, được mọi người tuyên dương, giúp gia tộc được giải thoát, giúp nơi nơi đều được giác ngộ, dạy mọi người ra khỏi trầm luân, trên giúp chư Phật chuyển bánh xe pháp, dưới cứu chúng sinh ra khỏi biển khổ, lời Phật nói không tin thì còn lời nào đáng
tin. Ở cõi người không tu vậy ở cõi nào dễ tu? Chớ bảo một ngày thay đổi cả, dù có ngàn Phật khó cứu ngươi, như lửa cháy đầu không thể đợi, xin ngay đây nhận lấy, chớ để đời này luống qua. Ngài Hàn Sơn nói:
Trăm xương tản mác lìa bùn đất
Một vật mãi mãi là của ai
Chi bằng ngay đây thông đường nẻo
Đầu lâu đầy đất mấy ai hay.
VẤN ĐỀ BA ĐIỀU NGHI LÚC LÂM CHUNG CỦA TÔNG CHỦ TỪ CHIẾU
Trong “Tịnh độ thập môn”, Từ Chiếu tông chủ đã răn dạy rằng: Vì người niệm Phật có ba điều nghi lúc lâm chung nên không sinh Tịnh độ:
- Nghi rằng từ xưa đến nay mình đã tạo những nghiệp cực nặng mà thời gian tu tập lại quá ít nên sợ rằng sẽ không được sinh.
- Nghi rằng tuy mình niệm A-di-đà, nhưng do tâm nguyện chưa thành hoặc tham, sân, si chưa hết nên sợ rằng không được vãng sinh,
- Nghi rằng mình tuy niệm A-di-đà, nhưng sợ lúc lâm chung Đức Phật không đến tiếp dẫn.
Vì nghi nên chướng ngại sinh khởi và đánh mất chánh niệm nên không được vãng sinh. Vì vậy, hành giả niệm Phật cần phải hết sức tin tưởng và ý chỉ thông sáng của kinh, không sinh tâm nghi ngờ. Kinh nói: “Niệm một tiếng A-di-đà Phật thì diệt trừ được tội nặng trong suốt tám mươi kiếp sinh tử.” Trên thì đạt đến nhất tâm, dưới thì thành tựu mười niệm là hành giả được tiếp đón để sinh về chín phẩm sen và xả ly được ngũ trược. Nếu hành giả đạt đến trình độ tâm tâm thông sáng, niệm niệm nhất hư, thì đoạn hẳn nghi tình và quyết định vãng sinh.
– Văn nói về chánh niệm vãng sinh lúc lâm chung của Hòa thượng Thiện Đạo.
Tri Quy Tử hỏi: “Bạch Ngài! Việc lớn ở đời là sống chết. Một hơi thở không vào là thân tâm người ta đã thuộc đời sau rồi. Một niệm sai lầm là người ta đã đọa vào luân hồi. Con đã từng được Ngài khai thị pháp niệm Phật vãng sinh. Chân lý của Pháp này quả là vô cùng sáng tỏ. Song, con lại sợ lúc bệnh và cái chết ập đến thì tâm thức sẽ tán loạn, lại sợ bị người khác mê hoặc làm động loạn chánh niệm, khiến quên mất cái nhân của Tịnh độ. Ngưỡng mong Ngài từ bi khai thị cho con thêm một lần nữa về phương cách quay về lối tắt, khiến con được thoát nỗi khổ của trầm luân?”
Sư nói: “Lành thay là câu hỏi ấy! Ngươi hãy lắng nghe!”
“Thế này: Tất cả mọi người muốn sinh Tịnh độ lúc lâm chung thì cần phải không sợ cái chết. Tất cả nên luôn nghĩ rằng, thân này có lắm nỗi khổ, không sạch, và có đủ các loại ác nghiệp trói buộc nhau. Nếu chúng ta được từ bỏ cái thân dơ bẩn này để siêu sinh Tịnh độ, để thọ nhận Vô lượng niềm an lạc, để giải thoát nẻo khổ sinh tử, thì đó là việc phù hợp với ý nguyện của mình; cũng như người cởi bỏ chiếc áo rách và được khoát chiếc áo quý. Nghĩa là, chúng ta nên buông bỏ thân tâm mà không nên sinh niềm luyến tiếc. Lúc bị bệnh, chúng ta nên lập tức nghĩ đến luật Vô thường và một lòng chờ chết, đồng thời nên dặn dò gia nhân, người khám bệnh, hoặc những người tới lui thăm viếng rằng: “Nếu các vị đang đứng trước tôi thì xin vì tôi mà niệm Phật, không nên nói những chuyện vô bổ, hay những việc tốt hoặc xấu trước mặt tôi. Cũng không nên đem những lời thương cảm mà an ủi, vỗ về hoặc mong cho tôi được an lạc; bởi lẽ, những điều đó là rỗng tuếch và vô ích!”
Nếu lúc bệnh chuyển nặng và sắp mất, thì thân quyến không được khóc lóc hoặc phát ra những tiếng thở than áo não làm rối loạn tâm Thần, làm mất chánh niệm của người tu. Tất cả chỉ nên đồng thanh niệm Phật cho đến lúc người tu trút hơi thở cuối cùng mới có thể buồn khóc. Bởi vì nếu người bệnh chỉ vừa khởi lên một niệm luyến tiếc thế gian, thì niệm ấy liền trở thành chướng ngại và làm cho người tu không được giải thoát. Nếu lúc lâm chung mà có được người hiểu rõ về Tịnh độ đến sách tiến thì quả là một sự may mắn lớn lao.
Nói chung, nếu người tu căn cứ vào những điều trên để thực thi thì chắc chắn được siêu sinh.”
Lại hỏi: Có thể tìm thầy để cầu thuốc chăng?
Đáp: Đầu tiên, việc tìm thầy để uống thuốc chẳng có gì trở ngại cả. Nhưng nên nhớ rằng, thuốc chỉ trị được bệnh mà không trị được mệnh. Nếu mạng sống đã hết thì thuốc có thể làm được gì? Nếu người tu giết mạng sống của loài vật để cầu sự an ổn cho bản thân mình thì không nên làm. Tôi thấy có nhiều người nhân bị bệnh mà trì trai; vừa thuyên giảm đôi chút thì họ lại bị thầy thuốc dùng rượu và thịt để hỗ trợ cho thuốc, nhân đó mà bệnh lại tái phát. Nếu người tu đã tin và biết rằng Phật lực có thể cứu mình thì việc dùng rượu thịt ấy nào có ích lợi gì đâu!
Lại hỏi: Cầu Thần cầu phước được chăng?
Đáp: Mạng sống của con người dài hay ngắn đã được định lúc còn sống, thì cần gì phải nhờ bàn tay của Thần kéo dài ra. Nếu do ngu si mà tin tưởng vào tà kiến rồi sát hại chúng sinh để cúng tế quỷ Thần, thì chỉ tăng thêm tội nghiệp và làm cho mạng sống bị hao tổn mà thôi. Nếu mạng sống đã hết thì phường tiểu quỷ sẽ làm được trò trống gì? Ngược lại, chỉ làm cho tâm thức áo não, chẳng cứu vớt được gì. Mong người tu nên cẩn thận với những tà niệm ấy. Chư vị nên dán bài văn này vào nơi mà mắt mình thường nhìn đến, và luôn luôn đọc nó để tránh sự sai lầm và quên mất lúc lâm chung.
Lại hỏi: Người ngày thường chưa từng niệm Phật có sử dụng pháp ấy được không?
Đáp: Với pháp này thì dẫu tăng hay tục, hay người chưa từng niệm Phật nếu áp dụng thì đều được vãng sinh. Tôi thấy có nhiều người ngày thường luôn niệm Phật, lễ Phật, tán thán Phật và phát nguyện vãng sinh hết sức ân cần. Nhưng đến phút lâm chung họ lại sợ chết nên không nói gì đến việc vãng sinh hoặc giải thoát cả. Đến lúc hơi tàn, mạng dứt, Thần thức đã vào nơi tăm tối, mới bắt đầu áp dụng phép mười niệm; việc làm ấy chẳng khác gì giặc đã đến cửa mới chuẩn bị chiến đấu thì còn cứu vãng được gì nữa!
Sinh tử là việc lớn nên tự bản thân của người tu phải nỗ lực mới nên việc. Nếu sai lầm chỉ trong một niệm là sẽ chịu khổ muôn đời và ai có thể thay thế cho mình! Ngưỡng mong người tu suy đi nghĩ lại cho thấu đáo vấn đề. Lúc rảnh rỗi, quý vị nên tinh tiến tu trì pháp này, vì đó là việc lớn lao dành cho lúc lâm chung.
– Phép mười niệm vào lúc sáng sớm của Từ Vân Sám chủ.
Mười niệm là: Mỗi ngày, vào sáng sớm, sau khi mặc áo tràng, hành giả đứng quay mặt hướng Tây, chấp tay và niệm lớn danh hiệu A-di-đà. Hết một hơi là một niệm. Đủ mười hơi như vậy là mười niệm. Chỉ tùy hơi của hành giả dài hay ngắn chứ không giới hạn ở số lượng danh hiệu Phật. Điều quan trọng là duy trì công phu ấy cho dài lâu và lấy lúc hết hơi làm mốc. Tiếng niệm Phật của hành giả không cao thấp, không nhanh chậm. Mục đích của mười niệm là khiến cho tâm hành giả không tán loạn, lấy sự chuyên tinh làm công. Vì thế, gọi mười niệm tức là nói rõ việc mượn hơi để gom tâm. Khởi niệm đó xong phát nguyện hồi hướng rằng:
“Đệ tử tên là… một lòng quy y Đức Phật A-di-đà. Nguyện Ngài dùng tịnh quang để chiếu soi con, dùng lời nguyện từ bi để nhiếp thọ con. Con nay xưng tụng danh hiệu Như Lai trong mười niệm, và vì đạo
Bồ-đề mà cầu sinh Tịnh độ. Thuở xưa, Đức Phật có nguyện rằng:
“Nếu có chúng sinh nào
Muốn sinh về nước tôi
Một lòng yêu và thích
Dầu chỉ niệm mười niệm
Nếu họ không được sinh
Tôi không thành Chánh giác
Chỉ trừ kẻ ngũ nghịch
Kẻ bài báng Chánh pháp.”
Nay con tự nhớ từ xưa đến nay không tạo nên tội nghịch, không bài báng Đại thừa. Con nguyện dùng mười niệm này để được vào trong biển đại thệ nguyện của Như Lai. Nhờ nương vào nguyện lực của Phật nên những tội lỗi của con được tiêu trừ, tịnh nhân được tăng trưởng. Lúc sắp mất tự mình biết được ngày giờ, thân không có bệnh khổ, ý không tham luyến và tâm không điên đảo như người nhập định. Đức Phật và Thánh chúng cầm đài vàng đến đón tiếp con, chỉ trong một niệm mà con đã sinh về Cực lạc. Lúc hoa nở thì con được thấy Phật, được nghe giáo pháp của Phật thừa. Phật tuệ của con được hiển bày, độ tất cả chúng sinh và hoàn thành lời nguyện Bồ-đề.
Bồ-đề nguyện.
(Lúc phát nguyện xong, hành giả lạy hoặc không lạy cũng được. Điều quan trọng là hành giả không bỏ một buổi nào suốt cả cuộc đời. Còn như không phát nguyện, thì tùy theo tâm mình mà được sinh về cõi ấy).
Kệ khen ngợi Đức Phật.
(Cùng văn hồi hướng phát nguyện. Đến tận cùng của sự thì đạt lý. Đây đều là những phương pháp được chư Tổ soạn. Những vị tu Tịnh độ nên tùy ý để dùng chung).
“Thân Phật Di-đà màu vàng chói,
Tướng quý ánh sáng không ai bằng,
Bạch hào uyển chuyển năm Tu-di,
Mắt xanh trong suốt đường bốn biển.
Vô số Hóa Phật trong ánh sáng,
Hóa Bồ-tát cũng nhiều vô cùng,
Bốn tám nguyện cứu độ chúng sinh,
Chín phẩm đều làm cho giải thoát.”
Ở đây niệm Phật một trăm, một ngàn cho đến mười ngàn tiếng, các danh hiệu Bồ-tát niệm mười tiếng hoặc một trăm tiếng; niệm xong, thì đọc bài hồi hướng phát nguyện:
“Con nay xưng niệm A-di-đà,
Công đức chân thật danh hiệu Phật,
Ngưỡng nguyện từ bi thương nhiếp thọ,
Chứng biết sám nguyện của lòng con.
Bao nghiệp ác con làm kiếp trước,
Đều do vô thỉ tham sân si,
Được sinh ra từ thân khẩu ý,
Nay con xin sám hối tất cả.
Nguyện con trong giây phút lâm chung,
Trừ sạch tất cả những chướng ngại,
Diện kiến Đức Phật A-di-đà,
Liền được vãng sinh cõi Cực lạc.”
“Nguyện đem công đức này,
Để trang nghiêm Tịnh độ,
Trên báo bốn ân nặng,
Dưới cứu ba đường khổ.
Nguyện những người thấy nghe,
Đều phát Bồ-đề tâm,
Lúc hết báo thân này,
Cùng sinh nước Cực lạc.”
Thập phương Tam thế nhất thiết chư Phật, chư Bồ-tát Ma-ha-tát…
Lại nói: Tám mươi bốn ngàn tướng vi diệu đều là bản tánh Di-đà,
cách đây mười muôn ức cõi nước đều là duy tâm Tịnh độ. Tịnh uế tuy khác xa nhưng không ngoài tự tâm. Chúng sinh và Phật tuy không đồng vào ngoài tự tánh. Tâm thể trống rỗng bao la không trở ngại đến đi, tánh vốn bao trùm nào cản trở lấy bỏ. Do vậy vừa khởi niệm liền lên cõi báu, trở lại quê nhà xưa. Búng tay liền đứng trước từ dung, nối lại tình cha con trong sáng. Bao đời trái đức chịu oan chìm nổi, ngày nay thành tâm lễ lạy cầu mong cứu giúp, ba tâm trọn phát, một lòng về Tây, tận đời vị lai vẫn nương về, trải vô lượng kiếp mà tán tụng.
(Niệm danh hiệu Phật và Bồ-tát như trên).
Con là Tỳ-kheo pháp danh là… vì cứu độ chúng sinh mà một lòng quy mạng đầu thành đảnh lễ, tán dương Đức Phật A-di-đà và Thánh chúng ba thừa. Nguyện ánh sáng trong sạch và thệ nguyện Từ bi nhiếp thâu con. Con nay vì để thoát quả báo khổ cõi Ta-bà cầu sinh Tịnh độ, viên mãn nguyện Bồ-đề mà phát tâm chân thành tu hành theo Tịnh
nghiệp. Nguyện đem công đức lễ bái, nhớ nghĩ Thánh hiệu Như Lai và tụng đọc kinh chú gieo vào biển thệ nguyện của Như Lai, nương sức từ của Phật mà các tội tiêu diệt, nhân Tịnh độ tăng trưởng, chánh niệm trước mắt, khi sắp qua đời biết trước thời khắc, thân không có bệnh khổ, nghiệp khẩu trong sạch, tâm không tán loạn nghiêng ngã như vào thiền định, Đức Phật và Thánh chúng tay bưng đài vàng, hương lạ, nhạc Trời đến đón rước con, chỉ trong một niệm liền sinh về cõi Phật, hoa nở thấy Phật, liền nghe Phật thừa, mau khai mở trí tuệ Phật, lìa chứng Vô sinh, rộng độ hữu tình đều về Tịnh độ. Chỉ nguyện Như Lai đặc biệt cứu giúp.
(Niệm danh hiệu…) Lại tụng:
Quy mạng cha lành nơi Lạc bang
A-di-đà dũng mãnh điều ngự
Một âm diễn nói kinh sâu xa
Bồ-tát Thanh văn, chúnh Thánh hiền
Ánh sáng lành chiếu khắp thâu nhiếp con
Thành tựu mười niệm, tam Bồ-đề
Xa hẳn năm trược sạch các duyên
Liền lên chin phẩm như Phật ở Trăng
Phật hiện nơi nước lòng con
Tâm con cũng hiện trong trăng
Phật Nguyện lực hễ còn thệ về nương
Nghe con khan cầu liền đến rước
(Niệm danh hiệu…)
Công đức niệm Phật, lễ sám, trì chú, tụng kinh trên một lòng đều quy mạng vì chúng sinh, hồi hướng thẳng đến biển nguyện của Phật A-di-đà ở thế giới Cực lạc, ngưỡng xin Thế Tôn dùng bánh xe nguyện lớn và thệ nguyện Từ bi nhiếp thọ cho ba nghiệp và thiện căn của con tăng tiến, nơi cõi ác này mau hết báo duyên, tất cả nhân sinh tử rốt ráo đoạn hết. Khi sắp mạng chung được chánh niệm vãng sinh, thấy Phật, ngộ tâm, trở lại độ tất cả chúng sinh. Các tội lỗi và nghiệp chướng con đều xin sám hối, nguyện được Phật tiếp dẫn, cùng về với Phật, giữ gìn tinh Thần Phật pháp, khắp với chúng sinh đều được lợi lạc mà khai triển oai linh, trong Tam-muội đồng được hộ về, nguyện Phật Từ bi thương xót nhiếp thọ.
(Niệm danh hiệu…) Lại tụng:
Kính lạy A-di-đà
Đại Từ phụ cứu đời
Chân pháp tạng sâu xa
Hiền thánh tăng ba thừa
Con với tâm thành thực
Cầu xin cõi tịnh Phật
Nguyện giữ thệ rộng xưa
Vô duyên từ dùng khắp
Ứng niệm theo cơ duyên
Giống như trăng trong nước
(Niệm danh hiệu như trước…)
Với công đức tụng kinh niệm Phật trên, xin chúc Tăng chư Thiên hộ pháp, báo đáp bốn ơn ba cõi, lợi lạc chúng sinh trong pháp giới. Chúng con xin sám hối gốc tội, trang nghiêm cõi Tịnh. Nguyện khi thân báo này sắp hết nhờ thiện căn chắc chắn được sinh về thế giới Cực lạc, thấy Phật nghe pháp, mau chứng Bồ-đề, rộng độ chúng sinh, rộng làm Phật sự.
(Niệm danh hiệu…)
KHUYÊN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI TU TRÌ
Nam-mô A-di-đà Phật.
“Nguyện cùng người niệm Phật,
Sinh hết về Cực lạc,
Thấy Phật thoát sống chết,
Độ tận theo gương Ngài.”
Đại Tạng kinh nói: “Người niệm Phật A-di-đà thì hiện đời tai nạn được tiêu trừ, tuổi thọ được trọn vẹn”. Đức Phật A-di-đà có lời nguyện rằng: “Lúc tôi thành Phật, nếu có chúng sinh khắp mười phương tin tưởng, yêu thích và muốn sinh về nước tôi, dầu họ chỉ niệm lớn danh hiệu tôi có mười tiếng, nhưng nếu không được sinh thì tôi thề không thành Phật”.
Mỗi buổi sáng, hành giả chắp tay, mặt hướng về Tây chí thành niệm Phật mười tiếng cùng niệm bốn câu kệ trên một biến. Nếu ngày nào hành giả cũng tu trì như vậy thì tự nhiên trong ao thất bảo ở Tây phương sẽ sinh một đóa hoa sen và ngày khác hành giả sẽ thác sinh vào đó. Quần áo, thức ăn của hành giả được hóa hiện ra theo ý nguyện của mình và được sống lâu không già.
Trong Long Thư Tịnh độ văn nói về sự cảm ứng rất nhiều, Vương Nhật Hưu khuyên tôi nên vẽ hai bức tranh Tây phương. Nguyện kẻ phát tâm Đại Bồ-tát viết, in thành khá nhiều bản. Bản nhỏ in mười bản, bản lớn in một bản, bản nhỏ cho người bất kỳ, bản lớn chọn người mà cho, bản nhỏ để khuyên kẻ tỳ thiếp, bản lớn để khuyên người làm quan. Nếu có thể in ấn toàn bộ và lưu hành rộng là phước đức không dễ lường. Nhân sự tụng đọc lại kèm việc in cho, nên biết đó là sự khuyên răn tốt lành nhất.
Khuyên răn khẩu nghiệp: Miệng tụng danh hiệu Phật như nhả châu ngọc (được quả báo cõi Trời, cõi Phật); miệng thuyết pháp giáo hóa như phóng ánh sáng (phá vỡ sự mê ám của người); miệng nói lời vô ích như nhai gỗ nát (chẳng bằng im lặng dưỡng hơi); miệng ưa đùa cợt như mùa dao kiếm (sẽ làm tổn thương người); miệng nói lời nhơ bẩn như giòi bọ (quả báo súc sinh, địa ngục); miệng nói lời lành như phun hương trong lành (như việc khen ngợi sở trường của người); miệng nói lời thành thật như mở vải vóc ra (dùng để độ người); miệng nói lời lừa gạt như nay hố bay nguy hiểm (làm người mê lầm); miệng nói việc ác như phun hơi hôi thối (như nói chuyện kém của người).
Đời người chẳng qua là ba nghiệp thân miệng ý; sát đạo dâm là ba nghiệp của thân; nói dối, hai lưỡi, thêu dệt, nói lời ác là bốn nghiệp của miệng; tham sân si là ba nghiệp của ý. Tổng cộng là mười nghiệp; nếu giữ gìn không phạm thì đó gọi là mười điều lành. Theo lời Phật dạy thì quả báo khẩu nghiệp nhiều hơn hai nghiệp thân ý. Do vì khởi ý niệm thì chưa hẳn thành hình ra bên ngoài, nhưng đã nói ra miệng thì liền thấy sự việc. Toàn thân làm ác còn có lúc bị khó khăn ngăn trở, còn miệng thì dễ phát ra lời. Chưa nói việc đời sau, chỉ nói việc đời nay, ví như có người khen kẻ khác một lời thì người ấy suốt đời được mang ơn, để phước cho cháu con. Nói một lời hại người, kẻ ấy suốt đời bịhại, liên lụy cháu con. Khẩu nghiệp quả thật nặng nề. Một lời nói ra sẽ trở lại với chính mình, cho nên nó thật đáng sợ. Kẻ oán Trời thì nghèo khốn, kẻ vô trí thì oán người, chỉ nên tự cẩn thận ngăn tránh. Thuật lại ý Hiền thánh ở đây là để khuyên ngăn. (Một thiên này, nếu ai có thể ấn tống thì người đó là bậc thiện nhân trong số những người thiện).
Con đường siêu thoát luân hồi nhanh và tắt.
Trong Đại tạng có hơn mười cuốn kinh nói về những sự việc của Tịnh độ Tây phương; mọi người đều được hóa sinh trong hoa sen, áo quần và thức ăn đều do hóa thành, mọi người được sống lâu không già.
Nói về pháp môn tu hành của Tịnh độ gồm có chín phẩm. Nay tôi chọn ra một phương pháp mà mọi người đều có thể tu hành.
Đó là, Đức Phật A-di-đà có thệ nguyện rằng: “Lúc tôi thành Phật, nếu chúng sinh tin tưởng, yêu thích và muốn sinh về cõi nước của tôi, dẫu họ niệm lớn danh hiệu của tôi có mười tiếng nhưng nếu không được sinh thì tôi thề không thành Phật.” Hiện đời, những chúng sinh ấy có thể tiêu trừ được tai nạn, giải được oán kết, tăng thêm phước và bảo toàn được tuổi thọ.
Phương pháp ấy như thế nào? Hành giả mỗi sáng chấp hai tay, mặt hướng về phía Tây, đảnh lễ mà niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát. Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát (mỗi danh hiệu mười biến).
Lại đảnh lễ mà niệm một biến bài kệ “Đại Từ Bồ-tát tán Phật sám hối hồi hướng phát nguyện”:
“Phật ba đời mười phương,
Đệ nhất A-di-đà,
Chín phẩm độ chúng sinh,
Oai đức không cùng tận.
Con nay quyết quy y,
Sám hối tội ba nghiệp,
Nếu có những phước lành,
Một lòng đem hồi hướng.
Nguyện cùng người niệm Phật,
Tùy thời hiện cảm ứng,
Lúc mất cảnh Tây phương,
Hiện rõ ràng trước mắt.
Thấy nghe đều tinh tấn,
Cùng sinh nước Cực lạc,
Thấy Phật thoát tử sinh,
Độ chúng sinh như Phật”.
(Lại đảnh lễ mà lui ra).
Bài kệ này có uy lực rất lớn. Nó có thể diệt trừ tất cả tội và nuôi lớn tất cả phước. Dạy người niệm sẽ được phước báu lớn.
Nếu hành giả chí thành tụng niệm như thế thì sẽ sinh vào Trung phẩm. Hành giả lại tinh tiến thêm nữa lại đem pháp môn niệm Phật này để giáo hóa tất cả mọi người, khiến cho họ cùng khuyến hóa lẫn nhau. Được như thế, hành giả chắc chắn sinh vào Thượng phẩm thượng sinh. Người tội ác tu tập cũng được sinh vào Hạ phẩm. Trong khi niệm
Phật thì ao bảy báu ở phương Tây sinh ra một đóa sen, nêu tên họ người niệm, ngày sau sẽ thác sinh vào đó. Việc này so với việc nói âm phủ ghi họ tên đợi khi tuyệt mạng đến bắt hoàn toàn khác nhau.
Nhân duyên niệm Phật báo ứng.
Con gái nhà họ Lương hai mắt đã mù lại được sáng. Phu nhân họ Bằng bị bệnh lâu ngày được lành. Trần Trọng Cử đuổi quỷ oán đi. Lưu Tuệ Trọng đêm ngủ không còn bị kinh sợ. Những hiện tượng ấy là hiệu quả của việc niệm Phật lúc còn sống.
Bà lão họ Đào thấy Phật xuất hiện giữa bầu Trời. Đàm Giám có được hoa sen trong chiếc bình. Hoài Ngọc được đài vàng đón về Cực lạc. Trí Thuấn thấy chim khổng tước bay và hót. Những hiện tượng đó là hiệu quả của sự vãng sinh lúc lâm chung.
Chí Thông có mây lành năm màu xuất hiện. Ông họ Lý được ba căn không hư hoại. Bảo Tạng có đồng tử hiện trên đỉnh đầu. Công Tắc có màu vàng hiện trong thôn xóm. Những hiện tượng đó là hiệu quả của sự thị hiện thân đời sau.
Người sinh Tịnh độ thì chỉ tiến thẳng đến quả vị Phật chứ không thối lui. Vì vậy, nếu ta khuyên một người tu Tịnh độ tức là ta đã thành tựu một chúng sinh làm Phật. Thông thường, làm một vị Phật tất sẽ độ vô số chúng sinh. Như vậy, những chúng sinh được độ đó đều bắt đầu từ nơi ta. Vì thế, phước đức của người khuyên dạy kẻ khác tu tập Tịnh độ là không có cùng tận.
Kệ của Đại Từ Bồ-tát nói:
“Khuyên được một người tu,
Bằng tự mình tinh tiến,
Khuyên được quá mười người,
Phước đức là vô lượng.
Nếu khuyên đến trăm, ngàn,
Gọi là chân Bồ-tát,
Nếu hơn cả mười ngàn,
Là Di-đà từ phụ.”
Kệ lại nói:
“Ân tình cốt nhục thương nhau,
Khó mong cầu được bạc đầu đoàn viên,
Lắm người mất buổi tráng niên,
Lại còn nhiều đứa trẻ con qua đời,
Chuyên cần niệm Phật A-di,
Trong ao thất bảo tức thì hóa sinh,
Được an lạc được trường sinh,
Vầy sum mãi mãi chẳng còn biệt ly.”
Thơ người xưa nói:
“Ngàn món chẳng được mang đi,
Có mang chăng, chỉ nghiệp tùy tấm thân.”
Những người có chí nguyện cứu đời không tự cảnh tỉnh và lo sợ hay sao?