LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN
SỐ 1970
QUYỂN 05
Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn
Pháp sư Tuệ Viễn người thời Đông Tấn, là vị đầu tiên khởi xướng pháp môn Tịnh độ. Từ Thị Lang – Vương Mẫn Trọng là quan bản triều, đến Tiền Đường Lục cư sĩ ghi chép và tập hợp hơn hai trăm câu chuyện về vãng sinh rồi khắc thành bản để lưu truyền. Nay tôi không ghi lại tất cả mà chỉ chọn lấy “Người tu có giữ trai giới”, “Người tu thuộc bậc trung”, “Người tu thuộc kẻ có tội ác”, cho đến “Người tu trong lúc bị bệnh khổ”; cộng tất cả là ba mươi truyện. Những truyện này không ngoài mục đích khởi phát tín tâm cho hành giả.
Pháp sư Tuệ Viễn, thời Đông Tấn.
Tăng Tuệ Viễn người xứ Nhạn Môn. Ngài trụ ở Lô sơn, cùng Lưu Di Dân và tăng tục gồm một trăm hai mươi ba người kết thành Liên xã để tu tập Tịnh độ; và bảo rằng, mong ngày sau được thác sinh trong hoa sen. Ngài chuyên trừng tâm quán tưởng. Mười một năm đầu Ngài được thấy Thánh tượng ba lần nhưng vẫn im lặng. Sau mười chín năm, một buổi chiều tháng bảy, Ngài thấy thân của Đức Phật A-di-đà đầy cả hư không; trong ánh sáng hình tròn có các vị hóa Phật, hai Bồ-tát là Quán Âm và Thế Chí đứng hầu hai bên. Ngài lại thấy ánh sáng như dòng nước phân làm mười bốn nhánh; mỗi nhánh chảy theo hai hướng là trên và dưới; chúng tự thuyết giảng pháp vi diệu là Khổ, Không, Vô thường và Vô ngã. Những cảnh tượng đó giống như cảnh tượng mà kinh Thập Lục Quán đã mô tả. Đức Phật A-di-đà nói với sư Huệ Viễn rằng: “Ta đem sức mạnh của bản nguyện đến để an ủi ông. Bảy ngày sau, ông sẽ sinh vào cõi nước của ta.” Ngài thấy tăng Phật-đà Da-xá, Tuệ Trì và Đàm Thuận đứng bên cạnh Đức Phật. Những vị ấy vái chào Ngài và nói: “Sao sư đến chậm vậy? Trong lúc sư lại lập nguyện ước trước chúng tôi cơ mà!” Ngài Tuệ Viễn trò chuyện với họ và nói rằng: “Đầu tiên tôi ở Lô sơn và trong mười một năm được thấy Thánh tượng đến ba lần. Hôm nay lại được thấy, chắc chắn tôi được vãng sinh rồi.” Hôm sau Ngài nằm dưỡng bệnh đến bảy ngày thì viên tịch.
Thuở nhỏ, Ngài đọc tất cả kinh sử và rất tinh thông về Lão, Trang. Nhân lúc đến núi Thái hành, được nghe pháp sư Đạo An giảng kinh Bát-nhã nên Ngài đắc độ và liền nói: “Những nghị luận của Cửu Lưu Chỉ là bã và trấu.” Vì vậy, Ngài liền xuống tóc và thờ pháp sư Đạo An làm thầy. Sau đó, Ngài đến Lô sơn và không ra khỏi núi ấy suốt ba mươi năm. Ngài thị tịch năm tám mươi hai tuổi.
Lưu Di Dân, thời Đông Tấn.
Trình Chi tên tự là Trọng Ân, hiệu là Di Dân, ông theo Pháp sư Tuệ Viễn để tu tập Tịnh độ. Cư sĩ chuyên tọa thiền, quán tưởng và đã được thấy ánh sáng của Đức Phật chiếu rực rỡ, mặt đất đều hiện màu vàng chói, lúc ông đang nhập định. Ông cư ngụ tại núi Lô sơn mười lăm năm, năm cuối cùng lúc đang vào định, ông nhìn thấy Đức Phật A-di-đà; thân Ngài có màu tử kim, hào quang chiếu khắp nơi và Ngài duổi tay đến thất của ông. Xúc động vì cơ duyên hiếm có đó, nên ông rơi nước mắt và tự bày tỏ rằng: “Con biết phải làm cách nào để Như Lai xoa đỉnh đầu, cầm cà sa đến đắp lên thân mình?” Đức Phật liền xoa đầu, cầm cà-sa mà đắp lên người ông. Ngày khác, trong lúc đang tưởng niệm đến Đức Phật, ông lại thấy mình đi vào hồ thất bảo; trong hồ có hoa sen xanh và trắng xen lẫn nhau, nước trong vắt. Bên trong hồ có một người mà trên đỉnh đầu có ánh sáng hình tròn, giữa ngực có chữ vạn; người ấy chỉ vào nước trong hồ mà nói: “Đó là nước có tám công đức. Ngươi nên uống nước ấy!”. Ông liền uống nước và nghe ngọt lịm cả miệng, đến lúc quay về mà mùi hương lạ vẫn còn phát ra từ những lỗ chân lông trên thân thể. Ông liền nói với đại chúng: “Đây là duyên vãng sinh của tôi đã đến”. Chư tăng ở Lô sơn đều quy tụ để trợ niệm cho ông. Ông đứng trước tượng Phật, đốt hương, lay hai lạy mà khấn rằng: “Nhờ Di giáo của Bổn sư mà hôm nay con biết được từ phụ A-di-đà. Nén hương này, trước tiên con xin cúng dường lên Đức Phật Thích-ca, cúng dường đức A-di-đà; sau cùng xin cúng dường chúng Bồ-tát trong Pháp hội, đến chư vị Phật và Bồ-tát ở khắp mười phương; nguyện chư vị cứu độ cho tất cả hữu tình đều được sinh về Tịnh độ”. Khấn nguyện xong, ông liền nói lời từ biệt với đại chúng rồi ngồi ngay ngắn, mặt quay về hướng Tây mà đi. Ông mất năm năm mươi chín tuổi.
Khuyết Công Tắc, thời Đông Tấn.
Công Tắc là thành viên trong Liên xã của Ngài Tuệ Viễn. Sau khi mất, người bạn làm giỗ cho ông tại chùa Bạch mã ở Đông kinh. Lúc đó, toàn bộ rừng cây, điện vũ v.v… đều biến thành màu vàng, trong không trung có tiếng nói rằng: “Tôi là Khuyết Công Tắc. Ước nguyện được
sinh về Cực lạc của tôi đã hoàn mãn, nên tôi đến để báo cho đại chúng hay.” Nói xong, ông liền biến mất.
Hàn lâm học sĩ Trương Khán, thời Thạch Tấn.
Bình sinh, học sĩ luôn làm điều thiện, tin và học Phật, nguyện trì tụng Đại bi tâm Đà-la-ni mười vạn biến và cầu sinh Tây phương. Lúc nguyện trì tụng Đại bi hoàn thành là khi ông tròn sáu mươi tuổi; ông nằm dưỡng bệnh và chuyên tâm niệm Phật A-di-đà. Ông nói với người nhà rằng: “Tây phương Tịnh độ nguyên ở tại phòng phía Tây trong nhà, Đức Phật A-di-đà ngồi trên đài sen. Ông Nhi đang đứng trên đất cát vàng ở hồ mà lễ Phật và đùa giỡn.” Nói xong, ông niệm Phật hồi lâu rồi ra đi. Ông Nhi là cháu của học sĩ, mất lúc hai, ba tuổi.
Tăng Đàm Giám ở Giang lăng, thời Nam Tống.
Tăng Đàm Giám là người rất cẩn trọng đối với việc thực hành những trách nhiệm của mình, Sư thường ước nguyện được sinh về Cực lạc, được diện kiến Đức Phật A-di-đà. Vì vậy, dẫu làm được một việc thiện nhỏ sư cũng dùng hồi hướng cho Tịnh độ. Một hôm, trong lúc nhập định, sư thấy Đức Phật A-di-đà; Ngài lấy nước rưới vào mặt nhà sư mà nói: “Ta chùi sạch trần cấu cho ông! Ta rửa sạch tâm của ông! Thân và miệng của ông rất nghiêm tịnh!”. Ngài lại lấy một cành sen trong bình ban cho sư. Sau khi xuất định, sư liền từ biệt chư tăng trong chùa. Đêm dần khuya, sư đi một mình dưới mái hiên mà niệm Phật. Gần đến canh năm thì tiếng niệm của sư càng to thêm. Đến sáng, đệ tử vào vấn an như thường lệ thì thấy sư ngồi bất động trong tư thế kiết già, lúc nhìn kỹ mới hay sư đã viên tịch.
Tăng Tuệ Tiến thời Nam Tề ở Dương đô.
Năm ngoài bốn mươi tuổi, sư Tuệ Tiến phát nguyện tụng kinh Pháp Hoa; lúc bắt tay tụng thì bị bệnh, nên sư nguyện khắc in một trăm bản Pháp Hoa để sám hối nghiệp chướng. Lúc quyên tiền và khắc in xong thì bệnh cũng giảm dần. Sư nguyện đem công đức đó để hồi hướng cầu sinh Tịnh độ. Một hôm, bỗng nhiên giữa bầu Trời có tiếng nói rằng: “Công việc của ông đã xong. Ước nguyện của ông đã mãn. Kẻ được vãng sinh nếu không là ông thì là ai?” Sư nghe vậy liền nói: “Tiến con không dám lên Thượng phẩm, chỉ cần sinh về bậc thấp nhất của Hạ phẩm là cũng được bất thoái chuyển”.
Năm thứ ba, niên hiệu Vĩnh Minh, Sư hưởng thọ tám mươi tuổi và không bệnh mà viên tịch.
Tăng Bích Cốc Đàm Loan, đời Hậu Ngụy.
Đầu tiên, sư Đàm Loan ẩn cư tại Đào và có được mười cuốn kinh
của đạo Tiên; sư sung sướng tự đắc vì cho rằng đã đắc đạo Thần tiên. Sau đó, gặp vị tăng tên Bồ-đề Lưu-chi. Sư hỏi: “Đạo Phật có phép để sống lâu không chết chăng?”. Bồ-đề Lưu-chi nói: “Sống lâu không chết là con đường của Phật giáo.” Nói xong, Ngài liền trao cho sư cuốn kinh Thập Lục Quán và nói: “Nếu ngươi trì tụng kinh này thì không bị sinh hại trong ba cõi, không đến lại trong sáu đường, không màng chuyện đầy vơi, và không bận việc thành bại. Đó là sự sống lâu. Có kiếp thạch, có hà sa; số của thạch và sa cũng có hạn lượng nhưng thọ mạng thì vô lượng. Đó là phép sống lâu của Phật giáo!”. Sư thâm tín lời của Ngài Lưu-chi nên liền đốt kinh của đạo Tiên để chuyên tu tập Quán kinh. Dẫu lạnh nóng, tật bệnh gì sư vẫn luôn tinh tiến. Vua Ngụy thương chí nguyện cao vời của sư, lại hoan hỷ với sự tu trì, công cuộc giáo hóa người khác cùng việc lưu truyền, phổ biến giáo pháp Tịnh độ của sư nên phong cho sư hiệu là Thần Loan. Một hôm, sư nói với các đệ tử rằng: “Các con nên sợ hãi những nỗi khổ ở địa ngục, và siêng năng tu tập chín phẩm Tịnh độ.” Nhân đó, sư dạy học trò niệm lớn tiếng A-di-đà Phật, còn mình thì quay mặt về hướng Tây, nhắm mắt lạy Phật mà viên tịch. Lúc đó, tất cả tăng tục đều nghe tiếng sáo, tiếng tơ v.v… từ phương Tây vẳng đến. Một hồi lâu những âm thanh ấy mới dứt.
Tăng Đạo Dụ, chùa Khai giác, đời Tùy.
Sư Đạo Dụ chuyên niệm danh hiệu A-di-đà Phật và làm một bức tượng bằng gỗ chiên-đàn cao ba thốn. Sau đó, bỗng nhiên sư chết và bảy ngày sau thì sống lại và nói: “Tôi được thấy Đức Phật A-di-đà. Ngài hỏi: “Tại sao ông tạc tượng ta nhỏ vậy?” Tôi đáp: “Bạch Từ phụ, tâm lớn thì tượng lớn. Tâm nhỏ ắt tượng nhỏ!” Tôi vừa nói xong thì bức tượng ấy lập tức lớn bằng hư không. Ngài lại nói: “Ông hãy trở về bổn quốc lo tắm gội sạch sẽ. Lúc sao Mai mọc ta sẽ đến đón!” Đúng giờ quả liền có hóa Phật đến đón. Ánh sáng chiếu khắp phòng, mọi người đều thấy và nghe. Sư liền viên tịch ngay khi ấy. Đó là năm thứ tám niên hiệu Khai Hoàng.
Tăng Thiện Đạo ở Kinh sư, đời Đường.
Niên hiệu Trinh Quán, sư Thiện Đạo thấy Tịnh độ cửu phẩm đạo tràng của Thiền sư Đạo Xước ở Tây Hà, nhân đó sư càng tinh tiến tu tập, cần khổ trì niệm hơn nữa, như cứu dầu đang cháy. Mỗi lúc vào chánh điện, sư thường chấp tay, quỳ và một lòng niệm Phật đến lúc kiệt sức mới nghỉ. Dẫu gặp những ngày Trời lạnh đóng băng, sư vẫn hành trì đến toát cả mồ hôi để biểu thị tấm lòng chí thành của mình. Lúc không tu trì thì sư lại giảng pháp môn Tịnh độ cho đại chúng, không bao giờ sư
tạm dứt những việc làm lợi ích cho quần sinh. Sau ba mươi năm, không lúc nào sư tạm ngủ nghỉ; lúc thì tập phép Ban-chu, lúc lại lễ Phật và tụng kinh Phương Đẳng. Sư luôn làm tròn trách nhiệm của mình; hộ trì tịnh giới, không phạm một lỗi dù cực nhỏ, chưa bao giờ nhìn nữ nhân, tuyệt ý đối với danh lợi và tránh xa nơi vui đùa. Ở chỗ tu hành thì sư luôn gìn giữ thân thể sạch sẽ để cúng dường Phật. Những thức ăn, món uống hoặc áo quần có dư sư đem phân phát hết. Có thức ăn ngon thì sư giao nhà bếp để cúng dường cho đại chúng còn mình thì ăn những món ăn dở dang. Sư không bao giờ uống sữa, lạc và đề hồ. Có tiền của do tín đồ bố thí thì sư dùng để sao chép kinh A-di-đà đến cả mười vạn cuốn, vẽ hơn ba trăm bức Tịnh độ biến tướng. Thấy chùa tháp hư hoại, sư đều sửa sang. Sư thường đốt đèn sáng rực cả năm Trời. Không bao giờ sư giao tam y và bình bát cho người khác giặt rửa và không đi cùng chúng vì sợ nói chuyện thế sự sẽ làm trở ngại việc tu tập. Sư đã giáo hóa vô số người tu tập Tịnh độ. Có người hỏi sư rằng: “Điều thiện của việc niệm Phật có thể giúp người vãng sinh không?” Đáp: “Được! Ông sẽ được toại nguyện.” Nói xong, sư liền niệm một tiếng A-di-đà Phật, lập tức có một luồng ánh sáng phóng ra từ miệng; sư niệm từ mười đến một trăm tiếng, thì ánh sáng cũng tuôn ra như số tiếng niệm. Sư có viết bài kệ để khuyến tu rằng: “Dần dà da nhăn tóc trắng, bước đi ngày một lòm khòm, giả như đầy phòng vàng bạc, khó thoát già bệnh suy tàn. Dẫu bày ngàn trò khoái lạc, vô thường rồi cũng ập về, chỉ có đường tắt tu hành, là trì A-di-đà Phật”. Sau này, sư nói với đại chúng rằng: “Thân này quả là vật đáng chán! Tôi sắp về Tây đây.” Sư leo lên cây liễu trước cửa chùa để tự sát. Cao Tông hoàng đế nghe thấy sư niệm Phật mà miệng tuôn ánh sáng, lúc xả thân lại tinh thành và kỳ dị nên liền ban tên chùa là Quang Minh. Người cùng thời là Từ Vân Thức sám chủ viết sơ lược về sư như thế này: “Đức Phật A-di-đà hóa thân đến Trường an, nghe tiếng sản thủy liền nói: Có thể giảng dạy pháp môn niệm Phật.” Sau này khắp Trường an đều niệm Phật, có đại sư Pháp Chiếu tức là hậu thân của Thiện Đạo.”
Tăng Hoài Ngọc, người Đài châu, đời Đường.
Tăng Hoài Ngọc tu Tịnh độ gần bốn mươi năm. Vào khoảng Thiên Bảo nguyên niên, lúc đang niệm Phật, sư bỗng thấy vô số Thánh chúng Tây phương. Trong số ấy có một vị tay cầm đài bằng bạc đến báo với sư. Sư nói: “Ước nguyện của tôi là đài bằng vàng, sao bây giờ lại là đài bằng bạc?” Sư vừa nói xong thì cả đài và người đều biến mất. Hôm sau, người bưng đài ấy lại xuất hiện và nói: “Nhờ tinh cần tu niệm nên Pháp
sư được lên Thượng phẩm.” Người ấy nói thêm: “Người sinh Thượng phẩm thì trước tiên là được thấy Phật. Ông nên ngồi kiết già để đợi Đức Phật”. Người ấy chưa kịp trở gót thì ánh sáng lạ đã chiếu trong phòng. Ba ngày sau, ánh sáng ấy lại xuất hiện. Sư Hoài Ngọc nói với đại chúng: “Nếu các ông ngửi thấy mùi hương lạ tức là báo thân của tôi chấm dứt”. Hôm sau, sư viết bài kệ rằng: “Thanh tịnh sạch sáng không bụi bẩn, hoa sen hóa sinh là cha mẹ, tôi đã tu tập trải mười kiếp, thoát cõi Diêm-phù chán sự khổ. Một đời tinh khổ vượt mười kiếp, lìa hẳn Ta- bà sinh Tịnh độ”. Sư vừa viết xong thì mùi hương lạ đến từ bốn phía. Có đệ tử thấy Đức Phật và hai vị Bồ-tát cùng ngồi trên đài vàng; bên cạnh đó có đến trăm ngàn vị hóa Phật, tất cả đều từ phương Tây đến để đón sư. Sư cung kính, chấp hai tay rồi mỉm cười rồi đi luôn.
Tăng Khải Phương và Viên Quả ở Phần châu, đời Đường.
Hai Pháp sư Khải Phương và Viên Quả chuyên tâm quán tưởng Tịnh độ. Sau năm tháng, trong lúc đang quán tưởng cả hai sư đều thấy mình đang đi vào ao thất bảo; trong ao có đại bảo tràng và đích thân hai vị vào trong đó. Hai sư thấy Bồ-tát Quán Âm và Thế Chí ngồi trên hai hoa sen báu lớn, bên dưới có ngàn vạn đóa sen. Phật A-di-đà từ phương Tây lại; Ngài ngồi trên đóa sen lớn, phóng ánh sáng chiếu soi lẫn nhau. Hai sư lễ Phật và bạch: “Bạch từ phụ! Nếu chúng sinh ở Diêm-phù y cứ vào kinh để niệm Phật thì được vãng sinh không?” Đức Phật đáp: “Nếu chúng sinh nào niệm danh hiệu của ta thì sẽ được sinh vào cõi nước của ta. Không có trường hợp niệm mà không sinh!” Hai sư lại thấy mặt đất của Cực lạc bằng phẳng như lòng bàn tay; bảo tràng, lưới ngọc xen lẫn nhau cả trên và dưới. Hai sư lại thấy một vị tăng cỡi bảo xa đến nói rằng: “Ta là Pháp Tạng! Do nguyện lực thuở xưa nên nay ta đến đón các ngươi”. Hai sư nương xe mà đi và lại thấy thân mình ngồi trên tòa sen báu. Lại nghe Đức Phật Thích-ca và Bồ-tát Văn-thù khen ngợi Tịnh độ. Phía trước lại có ngôi điện lớn. Điện có ba đường bậc cấp; đường thứ nhất toàn cư sĩ, đường thứ hai gồm cả tăng và tục, đường thứ ba thuần Tăng sĩ. Đức Phật chỉ vào ba nhóm ấy mà nói với hai sư: “Họ đều là những người niệm Phật ở Diêm-phù-đề. Hai ông hãy nên cố gắng!” Sau khi tỉnh giấc, hai sư liền kể cho đệ tử nghe. Sau năm tháng, hai sư không bệnh mà tự nghe tiếng chuông trong lúc những người khác không nghe! Hai sư nói: “Tiếng chuông là việc của chúng ta!” Giây lát sau, cả hai sư cùng viên tịch.
Tăng Tự Giác, người Chân châu, đời Đường.
Sư Tự Giác phát nguyện rằng: “Nguyện nhờ Bồ-tát Quán Âm tiếp
dẫn con được tiếp kiến Đức Phật A-di-đà”. Vì vậy, sư quyên tiền bạc đúc thành một pho tượng Bồ-tát cao bốn mươi chín xích, đồng thời dựng chùa để tu tập. Lúc hoàn tất, sư chú nguyện vào tượng thì đúng canh ba, có hai luồng ánh sáng màu vàng xuất hiện. Đức Phật A-di-đà cỡi mây từ trong ánh sáng ấy đi xuống, có hai Bồ-tát là Quán Âm và Thế Chí theo hai bên. Đức Phật duỗi cánh tay vàng đè lên đỉnh đầu của sư mà nói: “Ngươi nên giữ lấy lời nguyện và nhớ lấy việc làm lợi cho người làm chính. Nếu được thế thì ai cũng sẽ sinh trong bảo trì cả!”. Sau mười một năm, vào buổi chiều ngày 1 tháng 7, sư thấy một người chỉ hiện nửa thân trong mây; tướng mạo như Tỳ-sa-môn Thiên Vương. Người ấy nói với sư rằng: “Thời hạn về An dưỡng đã đến!”. Sư liền ngồi kiết già trước tượng Đại bi Quán Âm mà viên tịch.
Tăng Thiếu Khang, người Mục châu, đời Đường.
Đầu niên hiệu Trinh Nguyên, Sư Thiếu Khang đến chùa Bạch Mã ở Lạc Hạ thấy văn tự trong điện phóng ánh sáng mãi, sư liền tìm kiếm thì thấy đó là “Tây phương Hóa Đạo Văn” của Ngài Thiện Đạo. Sư nói: “Nếu con có duyên với Tịnh độ thì xin Đức Phật làm cho bản văn này phóng ánh sáng lại.” Sư chưa dứt lời ánh sáng liền chiếu rực lên. Sư liền đến phòng thờ tôn ảnh Ngài Thiện Đạo ở Trường An để lễ lạy, hiến cúng. Ngài Thiện Đạo đứng giữa Trời nói: “Ông nên làm những việc như ta để lợi lạc cho hữu tình. Được thế thì những công đức ấy sẽ cùng sinh về Tịnh độ với ông.” Sư lại gặp một vị tăng, vị ấy nói rằng: “Muốn giáo hóa mọi người thì ngươi nên đến Tân Định!”. Nói xong, vị tăng biến mất. Tân Định nay gọi là Nghiêm Châu. Lúc sư mới đến thì chưa ai biết. Sư quyên tiền để dẫn dụ những đứa bé và giao hẹn với chúng rằng: “Phật A-di-đà là bổn sư của các cháu. Nếu các cháu niệm một tiếng thì ta sẽ cho các cháu một tiền.” Những đứa bé ấy thích có tiền nên niệm ngay. Hơn một tháng sau, những bé niệm Phật để có tiền đông lên. Sư liền nói: “Nếu niệm mười tiếng thì ta sẽ cho các cháu mười đồng.” Bọn trẻ vâng lời. Sư làm như thế chừng một năm thì tất cả lớn, nhỏ, sang, hèn luôn niệm A-di-đà Phật mỗi lúc gặp sư. Do vậy mà trên đường đi có rất nhiều người niệm Phật. Sau này, lúc ở núi Ô long, sư dựng đạo tràng Tịnh độ và làm ba bậc cấp ở đàn tràng rồi hội họp mọi người lại để niệm Phật vào buổi trưa và tối. Sư lên tòa bảo mọi người quay về hướng Tây rồi xướng lớn A-di-đà Phật trước để mọi người noi theo, ai cũng đều thấy một vị Phật xuất hiện từ miệng, xướng mười tiếng thì có mười vị Phật như xâu chuỗi ngọc phóng ra. Sư hỏi: “Các ngươi thấy Phật không? Nếu có thấy thì chắc chắn sinh về Tịnh độ.” Nhưng trong
số một ngàn người lễ Phật vẫn có kẻ không bao giờ thấy. Sau này, sư căn dặn mọi người rằng: “Quý vị nên tinh tiến tu tập Tịnh độ và sinh tâm chán bỏ cõi Diêm-phù-đề này!” Sư lại nói: “Những người được thấy Phật trước đây là những đệ tử chân chính của ta.” Nói xong, sư liền phóng mấy luồng ánh sáng lạ rồi viên tịch.
Tăng Duy Ngạn, người Tinh châu, đời Đường.
Sư Duy Ngạn chuyên tâm tu Thập lục quán nên được thấy hai vị Bồ-tát là Quán Âm và Thế Chí xuất hiện giữa bầu Trời rất lâu. Sư đảnh lễ, rơi nước mắt mà than rằng: “Con may mắn được thấy Thánh tướng! Chỉ tiếc rằng không biết làm thế nào để truyền cho đời sau!” Bỗng có hai người tự xưng là họa công; chỉ trong giây lát mà họ đã vẽ xong chân dung của hai vị Bồ-tát. Thế nhưng mọi người vẫn không được thấy. Đệ tử kinh ngạc hỏi lý do. Sư nói: “Đây không phải lỗi của họa công.” Sư lại nói: “Thời hạn đi Tây phương của ta đã đến. Ai trong số các con muốn theo ta thì nói rõ.” Có một chú điệu nói: “Con xin theo thầy.” Sư nói: “Được, vậy con nên về báo cho cha mẹ hay.” Cha mẹ điệu cười và mắng chú. Điệu quay về chùa tắm gội sạch sẽ và ngồi trước tượng A-di- đà mà vãng sinh. Mọi người báo với sư. Sư đến vỗ vào lưng điệu ấy mà nói: “Con thờ ta sao lại đi trước vậy?” Sư bảo lấy viết, đốt hương, hướng về chỗ trước đây vẽ tượng Bồ-tát mà viết kệ rằng: “Quán Âm và Thế Chí, phụ trợ để tiếp dẫn từ xa. Bình quý hiện trên mũ, hóa Phật sáng trước đầu, cùng đi mười phương cõi, cầm hoa đợi chúng sinh. Nguyện duỗi tay từ bi, dìu con về Cực lạc.” Viết xong, sư dạy đệ tử trợ niệm cho mình rồi nhìn về hướng Tây mà viên tịch.
Ni sư Tịnh Chân, người Trường an, đời Đường.
Ni sư Tịnh Chân trụ ở chùa Tích thiện tại Trường an. Sư chuyên mặc nạp, y và đi khất thực, suốt đời chưa một lần sân hận. Sư tụng kinh Kim Cang đến mười vạn lượt và chuyên tâm niệm Phật. Năm thứ năm niên hiệu Hiển Khánh nhiễm bệnh, sư nói với đệ tử rằng: “Trong tháng năm ta đã thấy Phật A-di-đà đến mười lần, thấy cõi Cực lạc đến hai lần; có những đồng tử nô giỡn trên bảo liên hoa. Ta đạt được Thượng phẩm.” Nói xong, sư ngồi kiết già mà viên tịch. Ánh sáng chiếu rực khắp chùa.
Phòng Chữ, đời Đường.
Phòng Chữ chết vì bệnh dữ. Lúc vào âm phủ, ông thấy vua Diêm- la, vua nói: “Căn cứ vào sổ sách, ta biết ông từng khuyến hóa một người già niệm Phật, nay người đó đã vãng sinh Tịnh độ. Nhờ phước đức ấy mà ông cũng sẽ được vãng sinh cùng người đó. Vì vậy cho gọi ông đến
đây để gặp mặt.” Phòng Chữ nói: “Trước đây tôi có nguyện tụng kinh Kim Cang đến mười ngàn biến, và đến chiêm bái Ngũ Đài chứ chưa muốn vãng sinh”.Vua nói: “Tụnh kinh, lễ bái tất nhiên là tốt. Nhưng, không bằng sớm về Tịnh độ.” Vua biết không thay đổi tâm nguyện của ông nên đành để cho ông về.
Qua chuyện đó ta biết rằng dạy người tu không chỉ được khuyên vãng sinh, mà còn cảm đến tận u minh.
Lý Tri Dao, người Trường an, đời Đường.
Cư sĩ Tri Dao rất giỏi về giáo lý Tịnh độ. Ông là người mẫu mực cho đại chúng trong ngũ hội niệm Phật. Sau này bị bệnh nên ông nói: “Hòa thượng niệm Phật đến”. Nói xong, ông tắm gội, súc miệng, mặc áo, lấy hương đèn rồi ra khỏi phòng để đảnh lễ Hòa thượng. Ông nghe giữa Trời có một tiếng nói kệ rằng: “Ta báo cùng Tri Dao, công thành quả tự đến, dẫn ông về Tịnh độ, dắt ông lên cầu vàng.” Dao liền lên giường ngồi mà đi. Lúc ấy ai cũng ngửi thấy mùi hương lạ.
Bà họ Đào, người Thượng đảng, đời Đường.
Nhờ bà Phạm Hạnh khuyên dạy nên bà họ Đào niệm Phật A-di- đà. Lúc lâm chung, bà thấy Đức Phật và Bồ-tát đến đón. Bà liền nói với Đức Phật rằng: “Con chưa chia tay với bà Hạnh, xin Ngài đợi cho vài phút.” Đức Phật đứng giữa Trời đợi bà Hạnh đến. Sau khi từ biệt, bà liền đứng mà mất.
Vợ Ôn Tĩnh Văn, người Tinh châu, đời Đường.
Vợ của cư sĩ Ôn Tĩnh Văn bị bệnh đã lâu, Tĩnh Văn dạy bà niệm Phật A-di-đà. Bà niệm suốt hai năm liền và được thấy Tịnh độ. Bà nói với Tĩnh Văn rằng: “Tôi đã được thấy Phật! Tháng sau tôi sẽ ra đi.” Bà lại đem món ăn dâng lên cha mẹ chồng và nói: “Con nay đã được vãng sinh. Mong cha mẹ và chồng con chuyên tâm niệm Phật. Lúc đến Cực lạc chúng ta sẽ gặp nhau!” Nói xong, bà liền ra đi. Ba ngày trước khi mất, mọi người đều thấy hoa sen lớn như vầng mặt Trời.
Trương Chung Húc, đời Đường.
Chung Húc làm nghề mổ gà. Một hôm ông thấy một người mặc áo đỏ xua bầy gà đến kêu chúng mổ khắp người và mắt, làm hai mắt ứa máu. Có vị tăng đến thiết tượng Phật, thắp hương và niệm A-di-đà Phật. Đồng thời, vị tăng ấy dạy ông một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật. Bỗng có mùi hương lạ tràn ngập cả căn phòng, ông ra đi rất an nhiên.
Trương Thiện Hòa, đời Đường.
Thiện Hòa làm nghề mổ trâu. Lúc sắp mất, ông thấy con trâu có nhiều đầu nói bằng tiếng người với ông rằng: “Ngươi giết ta!” Hòa sợ quá nên bảo vợ rằng: “Bà mau mau thỉnh tăng đến cứu tôi!” Vị tăng đến và nói với ông rằng: “Kinh Thập Lục Quán dạy rằng: “Nếu lúc người sắp mất, mà tướng địa ngục hiện, một lòng niệm mười tiếng Nam-mô A-di-đà Phật, thì được sinh Tịnh độ.” Hòa nói: “Bạch thầy! Con đang rơi vào địa ngục, không thể nào cầm lò hương được!” Ông dùng tay trái cầm mồi lửa, tay phải niêm hương, quay mặt về hướng Tây mà niệm Phật; chưa niệm hết mười tiếng ông đã nói: “Con thấy Đức Phật A-di- đà từ phương Tây đến. Ngài ban cho con bảo tòa”. Nói xong, ông liền ra đi.
Tăng Chí Thông, người Phượng dương, đời Hậu Tấn.
Tăng Chí Thông thấy bản văn Tịnh độ nghi thức của Đại sư Trí Giả nên hoan hỷ vô cùng. Sư không khạc nhổ và không ngồi quay lưng về hướng Tây và chuyên tâm niệm Phật. Sau này, sư thấy bạch hạc, khổng tước bay từng hàng từ phía Tây xuống. Sư lại thấy ánh sáng, hoa sen nở và khép trước mặt nên nói rằng: “Bạch hạc, khổng tước là cảnh Cực lạc. Hoa sen, ánh sáng là nơi thác sinh. Tịnh độ hiện rồi!” Sư liền đứng dậy lễ Phật và mất trước mặt Ngài. Lúc thiêu xác, có mây lành năm màu bao phủ phía trên ngọn lửa.
Quốc Sơ, Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền sư.
Thiền sư tên Diên Thọ, gốc người Đan Dương sau chuyển đến Dư Hàng. Thuở nhỏ, Sư thường tụng kinh Pháp Hoa. Đầu tiên, khi chưa xuất gia làm Huyện nha hiệu và hay lấy tiền cửa quan; lúc khám xét, người ta chỉ thấy sư dùng tiền ấy để mua vật phóng sinh. Tội đáng chết nên nha môn giải sư đến thành thị, Tào Tiền vương sai người thăm dò; nếu nhan sắc thay đổi thì chém, nếu vẫn bình thản thì trình với ông. Lúc đem chém, Thần sắc sư vẫn bình thường. Tiền vương liền tha mạng và sư bèn đi tu. Lúc nhập định, sư thấy Bồ-tát Quán Âm rót cam lộ vào miệng. Từ đó, sư chứng được Quán Âm biện tài; mỗi lần hạ bút là ngôn từ tuôn đầy trang giấy. Những sách do sư trước tác gồm “Vạn Thiện Đồng Quy Tập”; “Tông Cảnh Lục” v.v… gồm cả mấy trăm cuốn. Sư trụ trì ở chùa Tuyết Đậu, Vĩnh Minh, mỗi ngày làm một trăm lẻ tám việc thiện và tinh tiến niệm Phật. Sau này, sư ngồi mà viên tịch. Người ta thiêu xác sư rồi gom tro lại để xây tháp. Có vị tăng mỗi ngày đều nhiễu tháp lễ lạy. Mọi người hỏi lý do. Vị tăng đáp: “Tôi là tăng ở Vũ châu, nhân bị bệnh nên tôi vào nơi âm phủ, nhưng vì mạng chưa hết nên tôi lại được trả về. Tôi thấy ở góc điện có ảnh vị tăng và vua Diêm-la thường đến đảnh lễ, tôi hỏi vị tăng ấy là người ở xứ nào. Chủ sứ đáp: “Đó là Diên Thọ Thiền sư ở chùa Vĩnh minh tỉnh Hàng châu. Thông thường, người chết đều đi qua đây. Chỉ có vị ấy là không. Ngài đã sinh lên Thượng phẩm Thượng sinh ở cõi Cực lạc. Vì vua kính trọng nên mới vẽ hình Ngài để cúng dường.” Tôi nghe vậy nên mới phát tâm đến đây để nhiễu tháp và đảnh lễ.
Qua câu chuyện này ta biết rằng những ai chuyên tâm niệm Phật thì sẽ được âm phủ tôn kính.
Tăng Khả Cửu, người Minh châu, đời Tống.
Sư Khả Cửu thường tụng kinh Pháp Hoa, nên có hiệu là Cửu Pháp Hoa. Bình sinh, sư chuyên tâm tu tập Tịnh độ. Năm thứ tám niên hiệu Nguyên Hựu, sư tròn tám mươi mốt tuổi và viên tịch vào năm đó trong tư thế kiết già. Ba ngày sau, sư sống lại và nói về cảnh vật ở Tịnh độ y như kinh Thập Lục Quán đã mô tả. Sư thấy đài sen ghi tên họ của những người cùng vãng sinh. Một đài tử kim ghi: “Viện Quảng Giáo phủ thành đô nước Đại Tống sau khi huân tập Pháp Hoa sẽ sinh vào đây.” Lại thấy một đài vàng ghi rằng: “Tôn Thập Nhị Lang ở Minh châu sinh trong đây.” Lại một đài vàng ghi: “Cửu Pháp Hoa đài”. Lại có đài bạc ghi: “Đài của Từ Đạo Cô, người Minh châu”. Nói xong, sư thị tịch. Năm năm sau, Từ Đạo Cô mất; mùi hương lạ tràn ngập cả căn phòng. Mười hai năm sau, Tôn thập nhị mất, nhạc Trời trổi khắp không gian.
Kim Đại Công, người Cối kê, đời Tống.
Đại Công tên Thích, làm nghề chài lưới. Một hôm, ông đổi nghề và trì tụng mổi ngày mười ngàn danh hiệu A-di-đà Phật ăn chay, tu hành chưa từng tạm nghỉ. Sau đó, dầu không bệnh nhưng ông vẫn nói với người nhà rằng: “Ta thấy Đức Phật A-di-đà cùng Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí trước cửa. Nay là lúc ta về Tịnh độ!” Ngày sau ông lại nói: “Ta thấy sen vàng đến đón mình!” Ông sai người nhà thắp nhang, đốt đèn rồi ngồi yên, tay bắt ấn mà ra đi. Những người xa gần trong làng đều nghe tiếng nhạc, đều ngửi thấy mùi hương lạ suốt ngày. Đó là năm thứ sáu niên hiệu Chính Hòa.
Hoàng Đả Thiết, người Đàm châu, đời Tống.
Hoàng Đả Thiết trước là lính. Ông làm nghề thợ rèn. Mỗi lần đập sắt ông lại niệm lớn tiếng A-di-đà Phật không ngừng. Một hôm, dẫu không bệnh gì nhưng ông lại nhờ láng giềng ghi lại bài kệ với mục đích khuyên mọi người niệm Phật. Bài kệ ấy thế này: “Ngày đêm chan chát, luyện hoài thành cứng, thái bình sắp đến, tôi về Tây phương.” Viết xong, ông liền ra đi. Bài tụng này lưu hành rất rộng rãi ở Hồ Nam, nên có nhiều người niệm Phật.
Nhân Hòa Ngô Oánh, người phủ Lâm an, đời Tống.
Ngô Oánh trước là Tăng sĩ, sau đó ông hoàn tục, lấy hai vợ và sinh được hai người con. Ông làm đủ nghề như đồ tể, bán rượu v.v… và lại thường nấu ăn thuê cho người khác. Mỗi lần giết gà vịt, ông xách con vật lên và gọi: “Con của Phật Di-đà, mau thoát cái thân này.” Nói xong, tay giết miệng liên tục niệm lớn A-di-đà Phật! Mỗi lần cắt thịt ông cũng liên tục niệm lớn A-di-đà Phật! Ông không bao giờ bê trễ việc niệm Phật và lại dạy mọi người trong thôn xóm tụng kinh, lễ sám cùng niệm A-di-đà Phật. Sau này, trên mắt ông sinh một bọc mủ máu lớn như gà con, nên ông buồn và sợ hãi vô cùng. Ông liền dựng một cái lều bằng tranh, từ giã vợ con để sớm hôm chuyên tâm niệm Phật và sám hối. Mùa thu năm thứ hai mươi ba niên hiệu Thiệu Hưng, ông nói với những người trong thôn rằng: “Ngày mai, vào giờ Tuất, tôi sẽ đi!” Mọi người đều cười. Ông đem chén bát, nồi niêu cho dân quanh nhà. Hôm sau, ông nói với đạo hữu là bà Hạnh rằng: “Tôi sắp đi đây. Mong các vị đến trợ niệm cho.” Ông đem bố sam đựng rượu để uống. Uống xong, ông liền viết bài tụng rằng: “Giống rượu nhưng không phải, hỏi kham nổi thiền tông, hôm nay trân trọng, ngày mai gió mát trăng trong!” Viết xong, ông ngồi ngay ngắn, chắp tay niệm Phật và nói lớn “Đức Phật đã đến!” rồi đi luôn.
Phu Nhân Kinh Vương, đời Tống.
Niên hiệu Nguyên Hựu, Kinh Vương phu nhân cùng những tỳ thiếp chuyên tu Tịnh độ. Trong số tỳ thiếp ấy có một người bê trễ nên bị phu nhân trách đuổi đi. Sau khi hối ngộ, tỳ thiếp ấy liền tinh tấn tu trì lại. Ít lâu sau, tỳ thiếp ấy nói với một tỳ thiếp khác rằng: “Đêm nay em sẽ vãng sinh!”. Đêm ấy có mùi hương lạ đầy phòng, tỳ thiếp ấy không đau mà mất. Sáng mai một tỳ thiếp cùng phòng nói với phu nhân: “Đêm qua em mộng thấy chị ấy thác vào giấc ngủ em mà nói: “Nhờ phu nhân dạy em tu tập Tịnh độ và khiển trách sự bê trễ của em nên em đã được vãng sinh. Em vô cùng biết ơn phu nhân.” Phu nhân nói: “Nếu nó cho ta thấy ta mới tin!” Đêm đó, phu nhân mộng thấy tỳ thiếp ấy đến nói tạ ân như trước. Phu nhân hỏi: “Ta có thể đến Tây phương được chăng?” Tỳ thiếp ấy đáp: “Được, nhưng phu nhân phải theo em.” Phu nhân đi theo tỳ thiếp ấy và bà thấy đường đê của hồ rất rộng; trong hồ có sen hồng, trắng, lớn nhỏ xen lẫn nhau, có đóa tươi đóa lại héo. Phu nhân hỏi lý do. Người thiếp ấy đáp: “Đó là những người thế gian phát tâm tu Tây phương. Họ vừa phát niệm thì trong ao liền sinh một đóa sen; nếu nguyện tâm của người tu tinh tiến thì càng lúc hoa càng nở tươi cho đến lớn bằng bánh xe; nếu nguyện tâm của người tu thối lui thì càng ngày
hoa càng héo cho đến khi tàn rữa”. Sau đó phu nhân thấy một người ngồi trên hoa sen; áo bay phất phới, có mão báu, anh lạc trang sức trên thân. Phu nhân hỏi: “Đó là ai?” Người thiếp đáp: “Đó là Dương Kiệt”. Lại thấy một người ngồi trên hoa, người thiếp nói: “Đó là Mã Khôn”. Phu nhân hỏi: “Chỗ của ta ở đâu?”. Người thiếp ấy dẫn phu nhân đi vài dặm. Nhìn xa thấy một mô đất bằng vàng và bức vách cũng bằng vàng sáng rực. Người thiếp nói: “Đó là nơi phu nhân sẽ thác sinh, tức là Thượng phẩm Thượng sinh”. Sau khi thức giấc, phu nhân cho người đi hỏi chỗ ở của Mã Khôn và Dương Kiệt thì hay rằng Kiệt đã qua đời, còn Khôn vẫn sống.
Qua câu chuyện này ta biết rằng, những người tinh tiến tu tập Tây phương tuy nhân còn ở Ta-bà nhưng Thần thức của họ đã về Cực lạc. Sau này, trong buổi lễ sinh nhật của mình; phu nhân đứng bưng lò trầm hương, đốt hương, mắt hướng lên gác Quán Âm; lúc con cháu vừa tiến hành những nghi lễ hiến thọ thì bà đã đứng mà ra đi rồi.
Quán Âm Huyện Quân, đời Tống.
Huyện Quân người họ Ngô. Chồng bà là Đô quan viên ngoại Lữ Hoàng. Ông cũng ngộ giáo lý nhà Phật nên cả hai vợ chồng đều trai giới, tịnh tu. Bà Ngô có hai cô hầu đều ăn chay và trợ giúp bà trong việc tu tập; một cô rất thích thiền lý nên dẫu bị bệnh mà vẫn vui vẻ, nói cười, khi mất tựa như ve thoát xác; một cô phụng trì giới luật khắc khổ, có lúc không ăn suốt cả tháng và mỗi ngày chỉ uống một chén nước Quán Âm tịnh thủy do bà Ngô chú nguyện. Một hôm, cô bỗng thấy ba đóa sen bằng vàng đở chân. Sau vài ngày lại thấy đầu gối, vài ngày sau thấy thân,vài ngày sau nữa thấy mặt mũi. Đó là Đức Phật A-di-đà, hai bên Ngài là Quán Âm và Thế Chí. Cô lại thấy phòng ốc, điện thờ, cõi nước hiện rõ như nhìn lòng bàn tay và biết đó là cõi Cực lạc. Có người hỏi chi li hơn thì cô đáp: “Nơi ấy đàn ông con trai thanh tịnh. Họ đi kinh hành và du hý, không có nữ nhân.” Mọi người hỏi: “Đức Phật ở đó thuyết pháp như thế nào?” Cô đáp: “Tôi chỉ được thiên nhãn chứ chưa đắc thiên nhĩ nên thấy biểu hiện của hỏi đáp là sự chỉ trỏ và gật đầu mà thôi, còn lời lẽ thì tôi không nghe được.” Hiện tượng ấy tồn tại liên tục trước mắt cô đến ba năm. Sau đó, bỗng nhiên cô bị bệnh, tự nói việc vãng sinh của mình rồi ra đi.
Bà Ngô thờ Quán Âm rất có sự linh nghiệm. Trong thất của mình bà thường đặt mười cái bình, thẩu đựng đầy nước rồi cầm cành dương mà tụng chú. Mỗi lần trì tụng Thần chú bà đều thấy Bồ-tát Quán Âm phóng ánh sáng vào bình. Những người đau ốm uống nước ấy liền được
thuyên giảm. Nước đã được chú nguyện ấy nếu có chứa đồ bẩn cũng không bị thối, gặp lúc Trời rất lạnh cũng không bị đóng băng. Người đời đều gọi bà là Quán Âm Huyện Quân.
Phu nhân họ Bằng, đời Tống.
Phu nhân tên Pháp Tín, con gái của Tặng thiếu sư Hứa Tuân. Chồng bà là Thừa tuyên sứ Trần Tư Cung.() Thuở nhỏ bà luôn bị bệnh, đến lúc lấy chồng thì bệnh càng nặng. Bác sĩ nói là không thể chữa trị được. Bà đến hỏi phương cách điều trị với Thiền sư Từ Thọ Thâm. Thiền sư dạy bà ăn chay, niệm Phật. Phu nhân bỏ hết ngũ vị tân, cá thịt cùng những món trang sức; mặc áo quần tầm thường và chuyên tâm nghĩ nhớ đến Tây phương. Lúc đi, phu nhân cũng nghĩ nhớ đến Tây phương; lúc ngồi cũng nhớ đến Tây phương; lúc nói, nín, động tĩnh, châm nước, dâng hoa, tụng kinh, hành đạo cũng nhớ đến Tây phương. Dẫu làm một việc thiện nhỏ bà cũng đem nó làm cầu bến cho ước nguyện vãng sinh. Bà tu tập như thế suốt mười năm nhưng chưa bao giờ có tâm trạng mỏi mệt, tâm tư luôn an lạc, thân thể khỏe mạnh, Thần khí sung mãn nên ai cũng tôn kính và yêu mến bà. Một hôm, bà bỗng viết bài kệ rằng: “Tùy duyên mặc nghiệp đã bao năm, trâu già cày ruộng luống uổng oan, sách tấn thân tâm quay về sớm, thoát nạn người ta xỏ mủi càn.” Họ hàng phu nhân ai nấy đều kinh ngạc. Bà nói: “Nếu mất thì về Cực lạc. Có gì là kỳ quái đâu!”. Nói xong, bà nằm dưỡng bệnh; hơi thở đã mong manh và ngắt ngứ. Bỗng nhiên, phu nhân vùng dậy nói: “Thần thức tôi dạo khắp Tịnh độ, đích thân lễ bái Đức Phật A-di-đà. Quán Thế Âm bên trái, Thế Chí bên phải; có cả trăm, ngàn, vạn ức Phật tử thanh tịnh cúi lạy Đức Phật và mừng tôi được sinh về Cực lạc. Cung điện, rừng, hồ thì sáng láng, kỳ diệu khác gì cảnh tượng mà kinh Hoa Nghiêm và kinh Thập Lục Quán mô tả.”
Sáng hôm sau, phu nhân ra đi một cách an nhiên. Người nhà nghe mùi hương kỳ diệu ngào ngạt; mùi hương ấy khác xa hương thơm thế gian. Ba ngày trà tỳ, thi thể của phu nhân vẫn như lúc còn sống.