NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP I
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch
CON CHIM KHÁCH
Mùa thu năm 1996, Duyệt cư sĩ dẫn một thiếu phụ đến nhà tôi. Thiếu phụ đi cùng mẹ chồng, tay bế một bé trai chưa tròn một tuổi. Cô khóc lóc kể rằng khi đưa con trai đến bệnh viện khám, mới phát hiện ra nó bị tim khiếm khuyết bẩm sinh. Cô rất khổ tâm vì không biết đào đâu ra số tiền lớn để phẫu thuật cho con, vì giá chữa trị quá đắt đỏ.
Con gái tôi là Quả Lâm bảo họ rằng:
– Phụ thân thằng bé vào thuở 16-17 tuổi, đã từng dùng ná bắn trúng một bên tim của con chim khách khiến nó rơi xuống chết đi. Thằng bé này chính là con chim khách đầu thai. Hiện giờ khởi đầu chỉ là buộc bọn họ phải tốn tiền chữa trị tim cho nó, nhưng trong tương lai e rằng họ sẽ bị nó làm khổ dữ tợn hơn, thậm chí “cha của nó có thể sẽ phải mất mạng về tay con mình”.
Quả Lâm bảo toàn gia họ nên ăn chay và hãy vì con chim khách ấy tụng “Kinh Địa Tạng”. Còn nữa, cha đứa bé cần ở trước Phật hướng con chim khách ấy sám hối, xin lỗi nhận tội, phải vì con chim khách tụng ít nhất 108 bộ “Kinh
Địa Tạng”, càng nhiều càng tốt. Như vậy chẳng những được đối phương tha thứ, mà còn chiêu cảm được Phật lực gia trì, như vậy thì bệnh thằng bé có thể không trị mà lành, sau này lớn lên nó sẽ thành một đứa con hiếu thuận.
Mẹ chồng và nàng dâu sau khi quay về nhà, liền chất vấn cha thằng bé. Quả nhiên: Hồi anh ta 17-18 tuổi đang học trung học, nhân dịp cùng bạn bè đi dã ngoại, đã từng dùng ná của bạn bắn một con chim khách khiến nó chết ngay.
Anh còn nhớ rất rõ, viên đạn là bi của xe đạp.
Việc này khiến toàn gia phát tâm tin Phật, từ đó họ thề dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường, mỗi ngày vì thằng bé quỳ tụng “Kinh Địa Tạng”.
Một thời gian rất lâu trôi qua, họ phát hiện hơi thở thằng bé trở nên điều hòa rất nhiều. Lúc đi bệnh viện khám, ngay cả bác sĩ cũng kinh ngạc khôn tả khi thấy nơi chỗ tim khuyết đã mọc ra mầm thịt, khiến trái tim nhanh chóng phục hồi thể trạng như người bình thường. Điều này khiến mọi người kinh ngạc chấn động, tinh thần phấn chấn, càng thêm kiên định đạo tâm. Toàn gia trở thành một gia đình Phật hóa.
Sau này thằng bé phát triển như bình thường. Tin này đến giờ tôi biết được thì đã mười năm trôi qua, do chính miệng Duyệt cư sĩ (người đã dẫn họ đến gặp tôi thuở xưa) đích thân mục kích và kể lại tình hình”.
Qua đây đủ chứng minh: Chỉ có học Phật mới giúp chuyển biến mệnh vận mình. Chỉ có sám hối mới khéo hóa giải oán hận kiếp xưa. Nhân quả không nhất định là phải trả báo. Chỉ cần bạn chịu dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường, chân thành sám hối sát nghiệp đời này và thường vì chúng sinh tụng kinh niệm Phật, hi vọng chúng sinh đều lìa khổ được vui, thì tội nghiệp đã tạo trong quá khứ có thể dần tiêu trừ.
Lưu ý là: Không nên vì niệm Phật hay đọc vài bộ kinh một thời gian mà thấy không có cảm ứng chi thì vội sinh tâm nghi ngờ đối với Phật pháp. Phải biết cầu cảm ứng là tâm ích kỷ, tâm này không thể chiêu cảm ứng cùng Phật và chúng sinh. Chỉ có cái tâm vị tha, vì chúng sinh không vì mình, mới là tâm đại từ bi, thì nghiệp chướng dần tiêu trừ, tự nhiên cảm ứng tương thông, lìa khổ được vui.
Sám văn:
Nếu cho gia đình quyến thuộc là vui, lẽ ra phải cùng nhau vui mãi, hoan lạc ca cười không dứt, thế sao thoắt cái đã vô thường, bị tử biệt trong nháy mắt! Vừa có đó đã thành không, sớm còn tối mất, niềm đau sinh ly tử biệt khiến người đau xót tâm can, khóc than vang trời đất. Ta cũng chẳng biết sinh từ đâu đến? Chết rồi về đâu? Chỉ biết ngậm sầu chia xa, tiễn nhau đến mồ, chắp tay tạ từ, vĩnh biệt nghìn thu, cảnh nhân gian diễn mãi như thế, khổ kia cũng vô lượng. Chúng sinh mê, nên cứ cho đời là vui.
Giải thích:
Mọi người đều cho rằng: Cả nhà chung sống hòa thuận là vui, chẳng hề biết lòng ái càng sâu, thống khổ càng dữ. Bởi đâu biết lúc nào, người mà ta yêu thương nhất sẽ đột nhiên chết đi, thậm chí còn gặp cảnh “kẻ tóc bạc khóc người tóc xanh”, cho nên tình ái trong nhân gian đều không thật, chẳng bền, nó giống như bọt bóng ánh màu ngũ sắc, trông diễm lệ nhưng rất dễ vỡ tan, khi ái sản sinh, hạt giống khổ cũng đồng thời gieo xuống.
Tình ái kết tinh khiến sinh ra con cái, nhưng “có sinh thì phải có tử”, song ta chẳng biết lúc nào cái chết đến, mà “có sinh tử thì có đủ loại khổ”. Nếu chúng ta chịu y theo Phật pháp trì giới tu hành, thì đời này có thể liễu sinh thoát tử, tương lai hạnh phúc, vĩnh viễn lìa khổ được vui.
Sám văn:
Trái lại, khi gieo nhân vui xuất thế, chúng sinh đều cho đấy là khổ.
Thấy người trai giới tương dưa, ăn mặc thanh đạm, chúng sinh đều cho đó là ép xác tự làm khổ mình, không hiểu đây là gieo nhân giải thoát, an vui.
Hoặc thấy người bố thí trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, kinh hành lễ bái, tu tập chuyên cần, chúng sinh đều cho đó là khổ; không biết làm như vậy là tu xuất thế để được an vui.
Nếu thấy họ bị bệnh mà chết, liền khởi ý nghi, cho rằng: Tại họ bắt thân tâm làm việc quá độ, không nghỉ, nên thành vậy.
Giải thích:
Tu pháp xuất thế là gieo nhân lìa khổ được vui, có người lầm cho đó là khổ. Nếu thấy người trai giới tương dưa, ăn mặc thanh đạm không ham tiền tài, không cầu hưởng lạc, thì họ cho người đó là tự tìm khổ hành thân. Nhưng họ nào biết, đây chính là tuân theo pháp liễu sinh thoát tử thành tựu Bồ đề của Phật dạy. Khi thấy người tu hành bị bệnh chết, họ liền sinh tâm nghi, phỉ báng, lầm tạo nghiệp địa ngục. Đây là người mê, tự cho mình tối thông minh, dùng tri kiến của mình làm thước đo phán đoán chuyện đúng sai của người. Chẳng hề biết thông minh như vậy là bị thông minh hại.
Năm 2006, những thương lái vô lương tâm ở Hà Bắc lấy thuốc (苏丹红) “Su Đan Hồng” trộn vào thức ăn chăn nuôi vịt, khiến vịt bệnh ác tính, người xứ đó lập tức đem vịt giết đi, lỗi không phải do những con vịt bất hạnh này, mà do nơi người.
Còn nữa, khi thế gian phát hiện ra nhiều ôn dịch, như bệnh SARS, cúm gia cầm, bò điên v.v… thì người ta vội đem các động vật đó giết hết để tránh bệnh lan truyền, đây là việc “khoét thịt làm thương tích” điển hình. Bởi những bệnh này là do nhân loại sát sinh quá mà chiêu cảm quả báo. Nhưng người ta chẳng những không biết phản tỉnh, ngược lại còn muốn giết thêm nhiều chúng sinh, há chẳng phải làm vậy sẽ càng chiêu thêm nhiều họa bệnh nữa hay sao?
Về nông nghiệp, nhiều người cho rằng chỉ có nhờ thuốc trừ sâu mới giúp giảm thiểu côn trùng phá hoại, thu hoạch tốt, nhưng kết quả là: Tùy theo nông dược phát triển, trùng hại mỗi năm càng tăng nghiêm trọng. Trùng ăn nông sản nhà nào thì đó cũng là túc nhân, nếu như túc nghiệp mỗi người trả xong rồi, không còn nợ cùng sâu trùng nữa, thì một chút nông sản của họ, sâu trùng cũng không ăn!
Câu chuyện của nữ cư sĩ Quả Nghĩa (đệ tử ngài Tuyên Hóa) ở Mỹ đã chứng minh rất rõ điều này:
Tại Mỹ, trong vườn nhà cô trồng rất nhiều rau trái như: Cà, cải trắng, cải xanh, đậu cô ve, mướp, dưa v.v… cô không hề dùng phân hóa học hay xịt thuốc trừ sâu chi. Cũng không thực hiện bất kỳ phương pháp ngăn côn trùng nào, vậy mà rau trái trong vườn cô tăng trưởng rất tốt. Điều khiến các thân quyến bạn bè nhà nông cũng trồng trọt giống cô cảm thấy kinh ngạc cực kỳ là: Khu vực rau củ quả thuộc cô sở hữu không hề có dấu vết bị côn trùng ăn qua, mặc dù trong vườn cô có rất nhiều hang ổ ốc sên. Nhưng nơi trồng rau không có con ốc sên nào phá. Trong vườn cô còn có rất nhiều kiến, sóc, chim và động vật nhỏ v.v… nhưng chúng không hề ăn phá rau này.
Anh rể mà chị cô cũng trồng rau giống vậy, nhưng mầm vừa mới nhú lên thì đã bị côn trùng ăn sạch. Cô tuyệt không hề vì vườn rau niệm Phật hồi hướng, nhưng tại sao côn trùng chẳng ăn rau cô?
Thực ra rất đơn giản: Tất cả đều nằm trong hai chữ “nhân duyên” nếu bạn thực tâm tu hành, cùng côn trùng túc nghiệp đã hết, đời này lại còn giữ giới bất sát không làm hại chúng, thì côn trùng sao có thể tìm bạn quấy rầy được chứ?
Quý vị đừng nghĩ chuyện của Quả Nghĩa là hy hữu độc nhất – chỉ cần quý vị y theo Phật pháp tu hành, thì bất kỳ ai cũng có thể kết thiện duyên cùng chúng sanh.
Ngày 14 tháng 8 năm 2007 Nhật báo Thiên Tân đã đăng một chuyện lạ khó tin như sau:
Trong khi giới Nông nghiệp Trung Quốc mở hội “Nông nghiệp hiện đại hóa” áp dụng kỹ thuật lai giống hoặc chuyển biến gien, cho dùng phân hóa học, thuốc tăng trưởng, thuốc diệt cỏ và cơ giới hóa quy mô, thì ông An Kim Lỗi ở thôn Đông Tử Long, thị trấn Mã Đồn, huyện Táo Cường, tỉnh Hà Bắc lại thực hành trái ngược.
Ông khởi nghiệp tại vùng hoang sơ này, chỉ dùng hạt giống của mình gieo trồng không hề áp dụng kỹ thuật biến đổi gien hay cho lai giống hoặc xài phân hóa học, nông dược chi. Ông chẳng giết côn trùng, không làm bù nhìn đuổi vật, mà còn dành ra một vùng trồng riêng dành cho hơn năm trăm con chim sẻ ăn.
Cả chó trong nhà ông nuôi cũng cho ăn chay. Mọi người thấy vậy đều cho là kỳ quái, không ai hiểu được ông.
Kết quả thế nào? Các ruộng bông nông nghiệp hữu cơ của ông phát triển rất tốt, sản lượng tăng cao, chi phí thấp, sinh thái bình ổn. Còn các vùng dân làng trồng theo kỹ thuật nông nghiệp hiện đại thì cây mọc không tốt, sản lượng chẳng cao, chi phí rất tốn kém, môi trường sinh thái ác hóa (bị xấu tệ).
Quan trọng hơn nữa là, vùng đất của An Kim Lỗi canh tác không hề sử dụng thuốc, vậy mà ruộng vườn sinh thái quân bình, hài hòa thấy rõ: Một vùng xanh tươi căng tràn sức sống, không giống như các cánh đồng xịt đầy thuốc sâu.
Đấy là, dưới nguyên tắc: “Tự mình sinh tồn còn giúp cho kẻ khác sinh tồn”, các sinh vật hiện hữu đều cảm ân, tợ như ngầm giúp đỡ cánh đồng hoa màu của An Kim Lỗi được tăng gia sản lượng. Cây bông vải của An Kim Lỗi không hề dùng thuốc sâu và phân hóa học, vậy mà khối lượng thu hoạch vượt xa mọi người, đồng thời còn đem lại thu nhập cực cao, làm chấn động cả dân làng vùng đó.
Cánh đồng bông của An Kim Lỗi mượt óng, nhìn ưu việt vượt trội hẳn mọi người, vì vậy mà năm nay trang trại ông được một nhà máy dệt để mắt đến, xin ký hợp đồng và thu mua hết. Hàng ông tốt đến nỗi mỗi cân bán được 4.5 đồng trong khi giá thị trường mỗi cân chỉ có 2.7 hoặc 2.8 đồng. Không những thế, hạt kê và các loại nông sản khác của ông trồng cũng cho sản lượng cực cao và ưu việt, hơn nữa môi trường sinh thái rất tuyệt hảo.
Chuyện này không có gì là ngẫu nhiên, tại Hà Nam tôi gặp một nông dân trẻ tên Quốc An. Lúc đó những người trồng bắp ở đây đều dùng thuốc diệt côn trùng, riêng anh lại quyết định niệm “Chú Đại Bi” cho đám sâu trong hai mẫu bắp của mình. Mỗi ngày anh tụng hai trăm biến, hy vọng hoa màu tăng trưởng phát tốt, năm ngoái khi chưa biết đạo, anh còn dùng cái bình to phun thuốc giết chết côn trùng vô số. Anh kể tôi nghe chuyện trồng trọt của mình như sau:
“Từ khi học Phật hiểu nhân quả rồi, tôi nguyện thà cam chịu hai mẫu bắp kém thu hoạch chứ nhất quyết không sát sinh giết côn trùng nữa.
Sau đó thấy côn trùng trong vùng càng lúc càng nhiều, cư dân láng giềng sợ ruộng bắp bị côn trùng phá hư nên xúm nhau góp ý kiến nghị với tôi. Gặp tình huống “chẳng đặng dừng” này, tôi đành đeo bình thuốc lên vai cho dân làng nhìn thấy yên lòng nhưng thực ra bên trong chứa toàn nước lã, tôi vừa xịt nước vừa tụng “Chú Đại Bi” liên tục, còn âm thầm khấn vái chư Bồ-tát gia hộ, đừng để côn trùng kéo đến đất mọi người.
Được một thời gian, đột nhiên trong một đêm, những côn trùng hiện hữu bỗng nhiên biến mất tăm mất tích. Rẫy bắp tăng trưởng cực tốt, toàn thôn cuối cùng cũng thu hoạch sản lượng rất cao, khiến tín tâm học Phật của tôi càng thêm kiên định”.
Xem qua mấy câu chuyện các nông dân Phật tử kể ra như thế rồi, bạn có muốn thử chăng? Đầu tiên bạn phải thành tâm sám hối những lỗi sát sinh trước đây của mình, thề không phạm lại nữa. Bạn phải thệ nguyện từ nay nghiêm trì giới cấm của Phật, và hãy dùng nước “Chú Đại Bi” thay cho nước thuốc trừ sâu, chân thành tụng kinh hồi hướng cho những chúng sinh đến quấy phá. Thời kỳ đầu có thể côn trùng vẫn còn tái tới lui. Nhưng nếu bạn nhất định kiên trì thực hành theo cách này, thì sẽ nhanh chóng phát hiện: Việc thế nhân cho rằng không bao giờ có thể xảy ra sẽ hiển hiện đành rành trước mắt bạn vô cùng kỳ diệu. Bởi Phật pháp vốn là thuốc hay chữa trị tốt cho mọi vấn đề. Chỉ cần bạn có lòng tin và kiên trì thực hành.
Sám văn:
Có người chấp chặt luận thuyết của mình, khư khư cho là đúng, không biết động não suy tìm nhân quả, cứ theo kiến chấp mê, làm chuyện sai lầm. Nếu gặp được Thiện tri thức chỉ giáo may ra có thể giúp họ giải mê.
Nhưng nếu gặp phải bạn ác thầy tà, ắt si mê càng nặng.
Giải thích:
Nếu chẳng như pháp tu hành thì chẳng ra khỏi tam giới, tự làm lãng phí kiếp người. Hoặc cứ kiên trì với tà kiến của mình, không hiểu nhân quả, bị vô minh che trí. Nếu tình cờ gặp Thiện tri thức hướng dẫn mà chưa thể cải tà quy chính, khi vô thường tới, hối hận đã muộn.
Tập khí nghi này, hàng Bồ-tát xuất tam giới đều chưa đoạn tận, huống nữa phàm phu chúng ta, sao có thể trong chốc lát mà trừ sạch hết? Nhưng nếu đời này chúng ta không đoạn nghi, đời sau tái sinh luân hồi trong lục đạo, tật nghi sẽ tăng thêm. Vì vậy khi chúng ta bước trên con đường tu hành dài đăng đẳng này, nhất định phải y theo lời Phật thuyết, nỗ lực tu hành, không nên khởi nghi bất định, cuối cùng lăn lộn mãi trong luân hồi sinh tử.
Chúng ta phải khéo quán sát các hiện tượng nhân quả luân hồi xảy ra quanh mình, nếu còn không tin nhân quả, tất sẽ gặp ác duyên. Những người đa nghi hay luận tam thuyết tứ, nói đủ điều bên tai mong kéo bạn bội giác hiệp trần theo họ, mà tâm chí bạn lại bất định, niệm niệm thường theo ác duyên.
Đời này nhất định phải như pháp tu hành mới có thể xuất ly biển khổ tam giới, phải siêng năng chịu khó, tập làm một người dốc tâm ý phục vụ, không mảy may lợi ích, biết vì người. Có kham nhẫn được khổ mới mong thoát khổ, vì khổ tận cam lai.
Hiện nay mọi người không ngại gian lao lặn lội từ xa đến tham dự đạo tràng này, chịu cực nhọc bái Phật lễ sám, phải biết lễ Phật một lễ tội diệt hằng sa, tụng một bộ kinh độ chúng vô lượng. Vì sao thế?
Bởi vì khi đại chúng cùng nhau lễ Phật sẽ chiêu cảm vô số quỷ thần và chúng sinh trong cõi vô hình đến tham gia bái sám, đồng thời những chúng sinh đang bái Phật kia, ngay đây cũng được thọ ích. Những loài ngạ quỷ sẽ được khai mở yết hầu, nếu khởi ý muốn ăn, liền được no đủ. Loài quỷ xấu xí sẽ lập tức có được hình dung tốt.
Khi pháp hội viên mãn, những quỷ thần hiện đang tham dự đều có thể tức khắc chuyển thế đầu thai, sinh vào thiện đạo. Từ đó họ cùng Phật kết thiện duyên nên chuyện ra khỏi tam giới chỉ là sớm muộn mà thôi. Giúp nhiều chúng sinh thọ ích, đều nhờ người bái sám thành tâm mà chiêu cảm nên. Vì vậy mà công đức lễ Phật sám hối này rất lớn, đủ để diệt vô lượng tội.
Đại chúng nhất định phải y theo Phật dạy, như pháp tu hành. Ngàn vạn lần không nên vì sợ mệt nhọc mà không bái sám, làm mất đi dịp may ngàn năm có một, xin hãy khắc ghi nhớ kỹ: “Chịu khổ thì dứt khổ, hưởng phúc là tiêu phúc”.
Xin kể câu chuyện xảy ra đầu năm 2000 để giải thích cho câu: “Tập khí xấu đời này không đoạn trừ, kiếp sau sẽ càng tăng”.