Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (1)
Tác giả: Đức Dalai Lama
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
HỎI: Tại sao đức Phật Thích Ca đã im lặng một tuần lễ sau khi Ngài đã trở nên giác ngộ?
ĐĐLLM: Có một câu chuyện của đức Phật đã duy trì sự im lặng và không thuyết giáo trong bảy tuần. Đức Phật, theo kinh điển, đã nói rằng, “Ta đã tìm ra một giáo huấn, một con đường thậm thâm, hòa bình, và tự do khỏi mọi tạo tác, vô vi. Ta đã tìm thấy một giáo huấn như cam lồ. Nhưng nếu ta cố gắng để giải thích và giáo hóa người khác, không ai có thể thấu hiểu. Thế nên, ta sẽ tiếp tục im lặng và ngơi nghỉ trong rừng”. Vào lúc ấy, không có phương tiện truyền thông nên không có ai có thể tuyên cáo sự giác ngộ của đức Phật. Vì vậy, sau sự giác ngộ của Ngài, có một sự trì hoãn dài. Dần dần, ngày càng nhiều người trở nên nhận thức rằng đức Phật Thích Ca có một loại kinh nghiệm đặc biệt nào đấy. Sau đó một số người đã bắt đầu tiếp nhận giáo huấn từ Ngài và hỏi đạo với Ngài.
HỎI: Ngài có thể diễn tả thức một cách đầy đủ không?
ĐĐLLM: Cách duy nhất để biết thức một cách đầy đủ là qua trải nghiệm. Đôi khi tôi dùng một phương pháp đặc thù. Tôi chỉ cố gắng ở trong trạng thái “Vô niệm[3]” của tâm và rồi thì, cuối cùng có một loại cảm nhận trống không nào đấy. Nếu chúng ta ở đấy, cuối cùng chúng ta sẽ kinh nghiệm hoàn toàn sự trong sáng và thanh tịnh. Từ thể trạng của trong sáng và thanh tịnh ấy, chúng ta có thể cũng đi xuyên qua những kinh nghiệm và hiện tướng khác nhau. Do vậy, loại bản chất thuần khiết và trong sáng này của tâm chỉ có thể được thấu hiểu qua sự thực tập lập đi lập lại và liên tục của thiền quán. Nó là điều gì đấy mà không thể đơn giản giải thích trong ngôn từ.
HỎI: Có phải nguyên nhân trọng yếu là một với nghiệp nhân? Chúng ta phá vở vòng nghiệp báo như thế nào?
ĐĐLLM: Ngoại trừ quý vị có thể làm chấm dứt si mê, mà nó là mắc xích đầu tiên của Mười hai nhân duyên, bằng không thì chúng ta không thể làm chấm dứt nghiệp báo. Ngay cả một chúng sinh chứng đạo như một vị A la hán (một bậc hoàn toàn phá tan mọi cảm xúc phiền não), dư nghiệp[4] vẫn còn. Trong phạm vi này, Thích Lượng Luận, đã nói rằng một người đã vượt quá vòng luân hồi, một người đã vượt khỏi những thèm khát và dục vọng trong cõi luân hồi, một người như vậy có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đây là bởi vì một người như vậy đã làm tiêu tan tất cả những cảm xúc phiền não. Một khi chúng ta đã hoàn tất điều ấy, không có nguyên nhân đầu tiên cho việc tích tụ những hành vi nhiễm ô.
HỎI: Có thể đạt đến giác ngộ trong thân thể người nữ không?
ĐĐLLM: Ô, chắc chắn. Có một số khác biệt. Cũng có một số diễn dịch khác tùy theo những trường phái tư tưởng Phật giáo, kể cả Du Già Mật giáo (Yoga Tantra) và kinh Thừa Hiển Giáo. Nguyên tắc đầu tiên của việc giác ngộ luôn luôn phải là trên căn bản của một chúng sinh nam giới chứ không phải một nữ nhân. Tuy nhiên, theo hệ thống Phật giáo vô thượng, Đại Mật Điển Tantra Yoga Tối Thượng, ngay cả những nữ nhân cũng có thể trở nên giác ngộ. Do vậy, dĩ nhiên, chúng ta lưu ý điều ấy như một giải thích tối hậu hay sau cùng.
HỎI: Nếu không có ngã, cái gì hay ai sẽ đi từ kiếp sống này đến kiếp sống khác?
ĐĐLLM: Khi đạo Phật nói về vô ngã, không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của ngã, nhưng phủ nhận tự ngã như điều gì đấy thường còn và không thay đổi. Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của tự ngã như thế. Đối với đạo Phật, tự ngã chỉ được mệnh danh trên sự tương tục của tâm thức. Tâm thức là không có bắt đầu và kết thúc. Do vậy, tự ngã cũng vô thỉ vô chung. Từ vô thỉ nó đi đến quả Phật. Tự ngã vẫn ở đấy ngay cả ở trình độ Phật quả. Long Thọ nói rằng ngay cả trong đại Niết bàn, tự ngã vẫn ở đấy, đức Phật vẫn ở đấy, và tâm đức Phật cũng vẫn ở đấy.
HỎI: Ngài có tin tưởng trong những thiên thần không?
ĐĐLLM: Thiên thần có một hình thức khác biệt về đời sống và là một loại tâm linh khác. Chúng tôi thật sự tin tưởng trong những dakini, và nếu dakini[5] cũng được xem là những thiên thần, thì có rất nhiều dakini.
HỎI: Điều gì liên kết tâm/thân hay thân/tâm?
ĐĐLLM: Trình độ thô của tâm thức. Trình độ thô của tâm thức xuất hiện do bởi thân thể. Nó sẽ không tồn tại nữa khi thân thể ngừng biểu hiện chức năng. Nhưng, tại một trình độ vi tế hơn, một loại tâm khác hay thức khác duy trì. Thí dụ, khi chúng ta đang trong tình trạng thức giấc khỏi giấc ngũ, có một loại trình độ nào đấy của thức, một loại trình độ tâm thể hiện chức năng. Khi chúng ta đang ngủ, cho dù giấc ngủ sâu hay một giấc ngủ với giấc mơ, một trình độ của tâm hay thức vẫn còn thể hiện chức năng.
Xa hơn nữa, trong giấc ngủ sâu, không có mộng, một trình độ tâm thức khác hiện hữu. Khi chúng ta ngất và không thở, nó trở nên vi tế hơn.
Trình độ vi tế nhất của tâm thức xuất hiện khi chúng ta chết. Một khi tim ngừng đập và não bộ ngừng thể hiện chức năng, sau đó trình độ vi tế nhất của tâm thức hoàn toàn biểu hiện. Sự biểu thị của điều này là những cá nhân nào đấy được tuyên bố là đã chết lâm sàng, tuy thế thân thể của họ không phân hủy và vẫn tươi nhuận. Trong vài trường hợp, thân thể duy trì như thế trong hai đến ba tuần. Chúng tôi tin tưởng rằng tâm thức vi tế vẫn còn ở đấy trong thân thể và do bởi điều này, thân thể không bị phân hủy.
Do vậy, có nhiều trình độ của tâm thức. Một số lệ thuộc nặng nề vào thân thể trong khi những thứ khác lệ thuộc nhiều hơn hay ít hơn.
HỎI: Điều gì xảy đến sau khi Niết bàn?
ĐĐLLM: Tùy thuộc vào loại Niết bàn nào mà quý vị chứng được. Thí dụ, nếu quý vị đã thực chứng một loại Niết bàn chỉ đơn thuần chấm dứt những cảm xúc phiền não, quý vị vẫn phải đạt đến giác ngộ hay quả Phật.
HỎI: Chúng ta vượt thắng thù hận như thế nào?
ĐĐLLM: Sự thực tập quan trọng nhất trong sự liên hệ này là suy nghĩ về những bất lợi của tiêu cực hay thù hận. Qua loại phân tích này mà chúng ta có thể thấu hiểu những lợi lạc của việc không tăng cường thù hận. Khi chúng tôi nói về việc chinh phục thù hận, nó có thể được hiểu ở hai trình độ: Thứ nhất, không cho phép một cơ hội để thù hận sinh khởi trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và thứ hai, suy nghĩ về bản chất tàn phá và những kết quả của thù hận.
Bằng việc quán chiếu trong cách này, chúng ta có thể tự vượt xa và không cho phép thù hận sinh khởi trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nhằm để nhổ gốc rễ hay hoàn toàn loại trừ thù hận, chúng ta phải đi vào trong những sự thực tập tâm linh sâu hơn. Một cách chính yếu đây là sự thực tập nhất tâm, cũng còn gọi là “Tịch tĩnh bất động”, và đạt đến một tuệ giác nội quán sâu hơn vào trong tính không hay thực tại tối hậu.
Thông thường, tôi hỏi: Những gì là lợi ích của những cảm xúc phiền não này như thù hận và ganh tỵ? Chúng làm tổn hại cho tâm hòa bình của chúng ta. Chúng thật sự là những kẻ thù của chúng ta. Những kẻ thù ngoại tại có khả năng tấn công và tàn phá sự hòa bình của tâm thức trong một cách giới hạn. Những kẻ thù ngoại tại không thể phá hoại sự hòa bình của tâm thức chúng ta, nhưng ngay khi một cảm xúc như thù hận sinh khởi, kẻ thù nội tại này sẽ cướp đi mất niềm an bình của tâm hồn chúng ta.
Cũng thế, những kẻ thù nội tại như vậy làm tổn hại sức khỏe của chúng ta. Thí dụ, ba năm trước đây, tôi đã gặp một nhà khoa học ở New York. Một nhà y khoa đã có một thuyết trình ở đấy ông làm rõ rằng những người thường sử dụng chữ ‘tôi”, “của tôi”,… thì dễ có hiểm họa khổ đau vì một cơn nhồi máu cơ tim. Điều này khá đơn giản.
Khoảnh khắc mà chúng ta nghĩ về chính chúng ta – tôi – chúng ta rất là ích kỷ và hẹp hòi. Phạm vi hoạt động của chúng ta trở nên rất nhỏ. Dưới những hoàn cảnh như vậy, ngay cả những vấn đề nhỏ bé cũng xuất hiện ra to lớn, không thể chịu đựng nổi, và làm phát sinh nhiều lo lắng và băn khoăn hơn. Về mặt khác, thời điểm chúng ta nghĩ về lợi ích của những chúng sinh khác, tâm tư chúng ta tự động rộng mở ra.
Trong sự thực hành Phật giáo, chúng ta nghĩ về vô lượng chúng sinh và những rắc rối cùng khổ đau của họ, không chỉ những khổ đau loại thứ nhất (khổ khổ) và thứ hai (hoại khổ) mà cũng cả loại khổ thứ ba (hành khổ). Do bởi điều này, chúng ta trở nên thấu hiểu và quan tâm hơn và tâm thức chúng ta trở nên rộng rãi bao la.
Thái độ tinh thần và quan điểm của chúng ta làm nên một sự khác biệt lớn lao. Những cảm xúc phiền não làm tổn hại sức khỏe và những cảm xúc tiêu cực này phát triển một cách lớn mạnh năng động trong tâm hồn. Những con người như vậy luôn luôn tạo nên rắc rối bất cứ nơi nào họ đến. Trái lại, nếu chúng ta với tâm tư hòa bình hay tâm hồn từ bi sẽ có nhiều bạn hơn. Bất cứ nơi nào chúng ta đến, sẽ có không khí hòa bình. Ngay cả những thú vật cũng cảm kích điều ấy.
Mục tiêu cuộc sống của chúng ta là để cảm nhận hạnh phúc, vui sướng, toại nguyện, và hòa bình. Nhằm để đạt đến những điều này, lệ thuộc rất nhiều trên thái độ tinh thần của chúng ta hơn là tiền bạc, quyền lực, hay những thứ ngoại tại. Vì thế hãy cố gắng và phân tích những thứ này. Đây là cách tốt nhất để chuyển hóa thái độ tinh thần của chúng ta.
HỎI: Nếu chúng ta quan tâm đến gia đình chúng ta hơn những chúng sinh, có phải như vậy là ích kỷ không?
ĐĐLLM: Có hai loại quan tâm. Nếu quý vị chỉ nghĩ về gia đình một cách độc chiếm mà thôi và không quan tâm đến những chúng sinh khác thì đấy là luyến ái hay dính mắc. Nhưng nếu chúng ta thực hành việc quan tâm đến tất cả chúng sinh, gia đình chúng ta cũng trở thành một bộ phận của những chúng sinh này. Cũng thế, chúng ta có thể giao tiếp một cách trực tiếp trên căn bản này khi chúng ta chăm sóc những thành viên trong gia đình. Chúng ta bao gồm ngay cả chúng ta, đúng không?
Điều ấy là cần thiết và tốt đẹp. Trong thực tế, đôi khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta muốn lợi lạc đến tất cả chúng sinh, ngoại trừ hàng xóm của chúng ta. Vì thế chúng ta phải chiến đấu! Việc cầu nguyện chi cho những chúng sinh ở xa xôi là một sai lầm. Khi chúng ta cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, hành động của chúng ta ảnh hưởng, lợi lạc đến những thành viên trong gia đình và láng giềng trước nhất. Vì vậy hãy cầu nguyện cho hàng xóm của chúng ta; chúng ta có thể nói một cách đúng đắn rằng chúng ta đang thật sự thực hành vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
HỎI: Như một giáo viên, tôi có thể dạy học trò của tôi về từ ái và bi mẫn như thế nào?
ĐĐLLM: Qua hành động của quý vị! Qua gương mẫu của quý vị – không chỉ bằng lời nói. Vì vậy quý vị phải nghĩ và phát triển một sự quan tâm chân thành về lợi ích của học trò của quý vị, tương lai lâu dài của chúng. Quý vị có thể giải thích cho học trò của quý vị về giá trị của ý thức ân cần, từ bi, và bao dung. Một nhận thức rất quan trọng là đối thoại, tinh thần của đối thoại, và sự hòa giải bởi vì trong xã hội loài người luôn luôn có xung đột và mâu thuẫn.
Mâu thuẫn tự nó là tốt. Thí dụ, Bốn chân lý cao quý cũng là những sự mâu thuẫn – vì vậy những mâu thuẫn có thể đem đến sự phát triển hơn. Trái lại, mâu thuẫn có thể là tiêu cực và đưa đến xung đột, máu đổ, và đấu tranh. Giáo dục là một phương pháp rất quan trọng để cung cấp kiến thức và sự tỉnh thức cùng với những giá trị của nhân loại.
HỎI: Có phải tính không là giống như vô ngã không?
ĐĐLLM: Có lẽ từ ngữ “Tính không” có một ý nghĩa rộng rãi hơn bởi vì khi chúng ta dùng chữ “Vô ngã” nó có thể liên hệ không chỉ vấn đề thiếu vắng sự tồn tại cố hữu (vô tự tính) của một đối tượng nhưng cũng là sự thiếu vắng một thái độ tự yêu mến.
HỎI: Thưa đức Thánh Thiện, thông điệp nào ngài muốn gởi đến thiên niên kỷ mới?
ĐĐLLM: Nếu chúng ta ôn lại thế kỷ trước, chúng ta thấy có nhiều sự thay đổi đã xảy ra trên hành tinh này. Một số thay đổi là tích cực, trong khi những thứ khác là tiêu cực. Thế nào đi nữa, tôi tin rằng do bởi những kinh nghiệm khác nhau của họ, toàn thể nhân loại đang trở nên trưởng thành hơn. Tôi nghĩ tâm tư chúng ta rộng mở hơn. Cũng thế, chúng ta có một sự tỉnh thức hơn về những hậu quả về lâu về dài của những hành động của chúng ta, kể cả những ảnh hưởng của kinh tế. Vì thế có hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Nó tùy thuộc hoàn toàn trên những hành động của chúng ta.
(Trích dịch một phần của chương The Four Seals in Buddhism từ quyển Many Ways to Nirvana)