Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói Về Phật Giáo Ứng Dụng (11)

Tuệ Uyển chuyển ngữ

 

C:\Users\Tu Duc\Pictures\dalai\chandung\3.jpg

HỎI: Tôi thật sự cảm kích ngài vì đã nói về sự khác biệt giữa vị kỷ và tự yêu mến. Tự yêu mến thường hoàn toàn bị hiểu lầm và lạm dụng như vị kỷ, nhưng nó là cần thiết để biểu hiện thương mến của bi mẫn. Và thật tuyệt vời để nghe quan điểm của ngài.

ĐÁP: Vâng, yêu thương hay cảm nhận quan tâm cát tường. Ngoại trừ bạn quan tâm cho chính mình hay yêu mến chính bạn, bằng không bạn không thể mở lòng yêu thương đến người khác. Thứ nhất, thương mến và yêu dấu chính mình, và xem vô số những chúng sanh cũng thế – giống như chính mình – muốn một đời sống hạnh phúc, không muốn khổ đau. Vì bạn thật sự quan tâm chăm sóc bạn, trong cùng một loại điều kiện tương tự bạn phải mở rộng cảm nhận quan tâm về sự cát tường của vô số chúng sanh. Một thái độ vị kỷ là không quan tâm đến người khác, chỉ nghĩ về cá nhân mình và vì sự quan tâm của chính mình – không chỉ quên lãng sự cát tưởng của người khác, mà ngay cả bắt nạt, lợi dụng, bóc lột – những thứ như vậy.

Ở đây, thái độ vị kỷ [tích cực] và cũng như những gì bạn gọi là cảm nhận mạnh mẽ về bản thân, là rất cần thiết nhằm để phát triển quyết tâm, ý chí. Thí dụ, lời cầu nguyện ưa thích của tôi – “Cho đến khi không gian còn tồn tại, cho đến khi còn chúng sanh đau khổ, tôi sẽ hiện diện để phụng sự họ.” Nhằm để phát triển một quyết tâm dũng cảm như vậy bạn cần một cảm nhận mạnh mẽ về bản thân; nhằm để đấu tranh với thái độ vị kỷ tiêu cực bạn cần tự tin về điều ấy, cảm nhận tự thân mạnh mẽ là cần thiết. Tôi nghĩ cảm nhận tự thân mạnh mẽ cộng với si mê hay thiển cận có thể trở thành sai lầm. Okay.

HỎI: Tôi là một khoa học gia về thần kinh từ Luân Đôn, tôi đã nghiên cứu xong về tác động của thiền tập trên não bộ. Một trong những bức hình ưa thích của tôi là ảnh chụp não bộ của ngài do một người nào đó chụp qua máy dò scanner. Tôi sử dụng nó để cho thấy rằng ngài rất vui vẻ và để nói với những nhà khoa học thần kinh về tác động của thiền tập và tâm linh trên não bộ. Nhưng bức hình ấy hơi cũ, đã mấy năm về trước. Tư tưởng của ngài là gì vào lúc ấy mà dựa vào đó những nhà khoa học thần kinh có thể làm, để giúp chúng tôi hiểu về hạnh phúc?

ĐÁP: Như tôi đã đề cập trước đây, thông thường tôi đang thực hiện một nổ lực để thúc đẩy tỉnh giác trong những thứ này nhằm để tạo ra những cá  nhân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Nếu tôi sử dụng một lý trí căn cứ trên việc dẫn chứng người khác, có thể nó không được chấp nhận rộng rãi. Cho nên tôi thường sử dụng một kinh nghiệm thông thường, cảm giác chung nhất, như những nhà khoa học khám phá. Những khái niệm nào đó của việc nghiên cứu, qua khám phá khoa học, căn cứ rất nhiều vào một loại lý luận có giá trị, bởi vì người ta chứng minh nó bằng thực nghiệm. Đức Phật đã tuyên bố, “Không ai trong những môn nhân của tôi – tỳ kheo hay học giả hay nghiên cứu – phải chấp nhận giáo huấn của tôi vì tín ngưỡng, vì tôn kính, mà phải khảo sát và thực nghiệm.”

Ngài nói như thế: vậy thì như chúng tôi là những Phật tử, những bông hoa của truyền thống Na Lan Đà, phải thật sự khảo sát ngay cả chính những lời của Đức Phật. Một số lời của Đức Phật đi ngược lại những khám phá từ việc khảo sát; họ có quyền tự do để từ chối những gì Đức Phật nói. Nếu chúng tôi dựa vào một loại niềm tin tôn giáo, ngay cả nếu một tôn giáo rất phổ biến, rất quan trọng, thì nó cũng không thể trở thành phổ quát toàn thể. Nhưng những nghiên cứu và tìm tòi của khoa học có thể phổ quát. Cho nên tôi cảm thấy, cho đến bây giờ – có thể là từ mười năm trước – những nhà khoa học đó những người thật sự tiến hành những cuộc thí nghiệm đã thật sự rất hữu dụng. Sự cố gắng của tôi trong việc thúc đẩy những giá trị nội tại một cách chính yếu sử dụng kinh nghiệm phổ quát, những giá trị chung nhất và sau đó là những thí nghiệm khoa học.

Vậy thì, ông từ lãnh vực đó – rất tốt. Hãy tiến hành thêm những sự nghiên cứu và … tôi nghĩ ông ở trong cộng đồng Ấn Độ? Tôi nghĩ những tư tưởng Ấn Độ cổ truyền là rất cởi mở, cho nên một nhà khoa học từ nguồn gốc ấy có thể thành công hơn. Tâm tư của không bị định kiến và vẫn cởi mở.

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, cảm ơn ngài rất nhiều vì bài nói chuyện hấp dẫn. Ngài đã nói nhiều về từ bi và hạnh phúc. Tôi có một sự xung đột trong tâm tư tôi – Nếu tôi có lòng từ bi và nếu người nào đó mà tôi yêu thương vô cùng lại đau khổ, tôi làm thế nào để giữ sự hạnh phúc của riêng tôi?

ĐÁP: Tịch Thiên, một học giả lớn của thế kỷ thứ tám và là một đạo sư Ấn Độ, đã nêu ra câu hỏi này. Không ai muốn những trải nghiệm băn khoăn hay đau khổ hay những lo lắng. Nhưng nếu bạn thực hành từ bi thật năng nổ, thật hiệu quả, bạn có thể đón nhận một loại lo lắng quấy rầy nào đó. Khi bạn thấy người nào đó đang trải qua một kinh nghiệm đau khổ, bạn cũng dường như có môt loại lo lắng hay đau đớn tinh thần nào đó – cho nên bạn phải thực hiện một sự phân biệt giữa chính bạn và người ấy, hay ngay cả một sự đau khổ thân thể hay một loại bất lực nào đó vốn không xảy ra cho bạn một cách tự nguyện.

Nhưng sự bất an mà bạn cảm thấy như một kết quả của việc quan tâm quá nhiều cho sự cát tường của người khác – đó là tự nguyện. Bạn đã rèn luyện cho chính bạn để phát triển một loại trách nhiệm: bạn đã cho bạn một lòng can đảm để quan tâm đến sự cát tường của người khác. Nếu bạn yếu đuối, thì không thể chăm sóc cho sự cát tường của người khác. Nghĩ quá nhiều về sự cát tường của người khác tạo ra những rắc rối lớn, bởi vì hầu như có sự đau khổ vô hạn trên hành tinh này – trong loài người hay trong những loài vật khác.

Tôi nghĩ ở Ấn Độ, một cách truyền thống, có một văn hóa rất tốt đẹp về ăn chay. Tôi nghĩ điều đó thật là kỳ diệu. Vào đầu những năm 1960, khi tôi đang đi ngang qua từ Dharamsala đến phi trường Jammu, hầu như không ai bán gà. Ngày nay, hầu như mỗi nhà ăn nhỏ đều có bán gà nhân danh sự tiến bộ. Cũng thế, ở Bangalore, tôi chú ý với rau cải thì có một ít gà. Người ta xem gà như rau cải. Không có cảm giác gì cho sự đau đớn của chúng. Trong mùa hè và mùa đông, luôn có những con gà nhỏ chen chúc nhau trong chuồng – thật đáng buồn.

Chính tôi, bây giờ không phải là một người ăn chay, nhưng tôi có những lý do nào đó. Trong năm 1965 đến 1966, tôi đã từ bỏ thực phẩm không chay lạc, kể cả trứng. Tiếp theo – tôi nghĩ – khoảng mười hai tháng. Tôi là một người ăn chay rất nghiêm khắc. Trong thời gian đó, theo lời khuyên của một người bạn Ấn Độ, tôi đã dùng rất nhiều kem và hạt; như một kết quả, tôi bị bệnh ở túi mật. Sau đó, tôi nghĩ, tối thiểu là ba hay bốn tuần, tôi đã ngã bệnh nghiêm trọng. Toàn thân tôi – mắt và móng tay cũng thế – biến thành màu vàng cả. Sau này tôi đùa với một số người bạn của tôi rằng, vào lúc ấy, tôi thật sự trở thành một vị Phật Sống, hoàn toàn vàng – không phải qua sự thực hành tâm linh mà bởi bệnh hoạn.

Cho nên cả những nhà y học Tây Tạng và những nhà y học đối chứng (giữa cổ truyền và hiện đại, giữa thân và tâm) khuyên tôi tốt hơn là tiếp tục theo chương trình ăn uống truyền thống của tôi. Vì thế đấy là một sự đấu tranh. Đó là sự biện giải của tôi. Thật sự, chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy sự ăn chay, do vậy tôi nghĩ chúng ta cần một phong trào rộng rãi khắp thế giới. Trong một vài trường hợp, ở Nhật Bản, tôi đùa người Nhật vì dùng quá nhiều cá. Tệ hại nhất là một số người chơi đùa với cá – họ móc cá với lưỡi câu và làm chúng vật vã, sau đó thả chúng ra, bị tổn thương ở miệng như thế.

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, cảm ơn ngài đã cùng với chúng tôi; chúng tôi được gia ơn rất nhiều. Tôi có một câu hỏi – trong việc theo đuổi hạnh phúc của chúng tôi, chúng tôi toàn thấy và nghe những thứ xấu. Ngài biết, như đối xử tàn ác với thú vật – chúng tôi đọc ngẫu nhiên trong một quyển sách, hay chúng tôi thấy nó và trong những thời khắc, khi những thứ này ám ảnh chúng tôi, chúng tôi không muốn nghĩ về tra tấn hay đau đớn đến những tạo vật. Chúng ta làm sao chấm dứt những tư tưởng đó? Tôi muốn nói, chúng ta làm sao xóa bỏ chúng, chúng ta có thể chấm dứt chúng không, bởi vì đó là những tư tưởng tiêu cực?

ĐÁP: Hai cách – hãy suy nghĩ hơn nữa và những gì thật sự giúp hay ích lợi cho việc xua tan sân hận, thù oán, hay tham dục làm tổn hại đến người khác. Chỉ tham muốn làm tổn hại đến người khác có thể không thật sự làm tổn hại họ; chi qua hành động, quý vị mới có thể làm tổn hại. Cho nên nếu quý vị thật sự muốn làm tổn hại người khác, mà không sân hận, và với một tâm tư tĩnh lặng, hãy phân tích và tìm ra điểm yếu của người khác và sau đó tấn công. Nếu tự quý vị sân hận, thì quý vị trở thành hơi điên khùng. Quý vị không thể tìm ra điểm yếu, nếu quý vị chỉ tấn công. Thế thì, đôi khi quý vị làm cho đôi tay quý vị đau khổ hơn.

Cho nên, thí dụ, nếu người Tây Tạng vẫn giữ sự sân hận đối với những kẻ gây rắc rối cho chúng tôi ở đấy, dĩ nhiên họ sẽ xem chúng tôi như kẻ gây rối. Vì thế, chúng tôi xem họ như những kẻ tạo rắc rối. Thế nào đi nữa, quý vị thấy rằng chỉ có cảm nhận tiêu cực sẽ không gây tổn hại cho họ; thay vì thế, hãy giữ lòng nhẫn nhục, giữ lòng từ bi. Trong năm 2008, sau khủng hoảng ngày10 tháng Ba, tôi ít nhiều đã kinh nghiệm như tôi đã có năm 1959 – bất lực, quá nhiều lo lắng, sợ hãi. Nhưng trong cuộc khủng hoảng 2008, tôi đã thận trọng giữ sự thực tập cho và nhận. Quán tưởng một số nhà lãnh đạo cứng rắn của Trung Cộng, nhận sự sân hận của họ, sự sợ hãi của họ, và cho họ tinh thần thần tha thứ và từ bi của tôi. Vô cùng lợi lạc – không phải ở trong việc giải quyết rắc rối nhưng nó giữ cho tâm hồn tôi tĩnh lặng và yêu thương.

Cho nên, như thế, nếu quý vị để sân hận phá hủy sự hòa bình của tâm hồn quý vị, cuối cùng nó sẽ tàn phá sức khỏe của chính quý vị. Cho nên giữ lòng từ bi – tâm tư của quý vị sẽ sẽ vẫn trong sáng. Nếu quý vị phát triển lòng từ bi tròn vẹn, không để sân hận hay thù oán gì trong đó, thế thì sau những nổ lực liên tục ngày này qua tháng nọ, qua năm kia, hàng thập niên, thể trạng tinh thần có thể thay đổi, đó là những gì tôi có thể nói với bạn qua kinh nghiệm bé nhỏ của tôi.

HỎI: Tôi là một tiến sĩ y khoa. Hai mươi năm trước, tôi đã hỏi ngài nên làm gì như một bác sĩ, nhưng bây giờ câu hỏi của tôi là: Chúng ta làm thế nào để giúp bệnh nhân duy trì niềm hạnh phúc này khi người ấy bệnh? Thái độ của bệnh nhân ra sao đối với đời sống khi người ấy bệnh?

ĐÁP: Tùy thuộc vào thái độ tinh thần của người ấy. Nếu người nào tin tưởng vào Thượng Đế, rằng chúng ta là những tạo vật của Thượng Đế và Thượng Đế có nghĩa là tình thương vô hạn, thì người ấy sẽ thấy trong bệnh tật của họ một ý nghĩa nào đó. Rồi thì, những bệnh nhân tin vào luật nhân quả sẽ tin rằng sự bất hạnh hôm nay – kể cả bệnh tật – là do nghiệp tiêu cực trong quá khứ của người ấy. Tuy nhiên, mỗi trải nghiệm là do nghiệp tiêu cực trong trước đây của người ấy; kể cả bệnh tật là qua một nghiệp tiêu cực nghiêm trọng nào đó. Tuy thế, nghiệp là do ta tự tạo nên; do thế, nếu ta tạo một nghiệp khác, một nghiệp tích cực mạnh mẽ hơn, thế thì ảnh hưởng của nghiệp tiêu cực sẽ giảm thiểu. Cho nên, một cách căn bản, quý vị có một sự kiểm soát nào đó.

Rồi thì, có lẻ, một người không tín ngưỡng nào đó, khi đối diện với một kinh nghiệm rắc rối hay đau khổ, sẽ phân tích hoàn cảnh. Nếu hoàn cảnh mà ta có thể vượt thắng, thế thì, không cần phải lo lắng hay cố gắng. Nếu hoàn cảnh không thể vượt qua, thì cũng không cần phải lo lắng quá nhiều. Quá nhiều băn khoăn là tự tra tấn; tốt hơn là quên đi. Không dễ dàng, nhưng thế ấy, tôi nghĩ, là một sự tiếp cận thực tế khi chúng ta đối diện với một rắc rối nào đó.

Đây là một kinh nghiệm nhỏ của tôi. Tôi nghĩ hơn mười năm trước, tôi bị đau trong ruột. Ngày đó tôi ở Bihar, đi ngang qua một ngôi làng; tôi thấy nhiều người nghèo khổ, trẻ em khốn khó không có giày dép hay bất cứ cơ hội nào cho việc học vấn. Rất buồn. Rồi thì tôi đã thấy những thứ tệ hại hơn ở Patna. Sau đó tôi đến khách sạn của tôi, cơn đau trở nên dữ dội hơn, và hầu như cả đêm ấy tôi khổ sở. Nhưng tôi liên tục nghĩ về những đứa trẻ không nơi nương tựa. Khi tâm tư tôi chuyển hướng đến cảm nhận từ bi yêu thương – cơn đau thân thể của tôi giảm thiểu. Cho nên hãy nghĩ nhiều hơn về sự cát tường của người khác hơn là những rắc rối của chính bạn, kể cả bệnh tật của chính quý vị. Bằng khác đi, tôi không biết. Tôi nghĩ quý vị phải tham khảo với những nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu phương tây hay những gì như thế. Hay có lẻ tốt nhất là dùng chất say? Hay chỉ nằm xuống.

HỎI: Tôi tự hỏi yêu cầu đừng đưa ra những câu hỏi liên quan đến chính trị là từ Đức Thánh Thiện hay từ những người tổ chức ra buổi nói chuyện quý báu này – trong ý nghĩa rằng chính trị không tác động với hạnh phúc trong thời đại của chúng ta như trong những thời kỳ khác? Bên cạnh đó, có phải công lý là  thích hợp với lòng từ bi mà ngài nói đến? Xin ngài giải thích về nó một ít?

ĐÁP: Tôi nghĩ công lý là trên trình độ của hành động và từ bi là về động cơ. Động cơ, chẳng hạn như động cơ, thật sự là về việc quan tâm đến sự cát tường của người khác. Với loại thái độ tinh thần ấy sẽ không có chỗ cho sự lừa dối, bóc lột hay tổn hại, vì bạn đang chăm sóc đến sự cát tường của người khác.

Thí dụ, sự thực hành của người xuất gia Phật Giáo đề cập, khi tu sĩ chứng kiến một người thợ săn đến gần một con thú, nó biến mất trong rừng; tu sĩ chú ý phương hướng nào. Khi người thợ săn đến và hỏi tu sĩ con thú đó đi  ngã nào, nếu tu sĩ nói sự thật, người thợ săn sẽ bắt được con thú. Trong trường hợp đó, tốt hơn là nói dối, bởi động cơ là chân thành. Cho nên được phép. Vì vậy nói dối ở mức độ hành động – hành động thân thể, hành động tinh thần, cho dù tích cực hay tiêu cực.

Có lần nọ, một nhóm người Việt Nam đã hỏi tôi về việc tham nhũng nhằm để có việc làm tốt trong cộng đồng hay cho một số lượng lớn hơn của công nhân. Tôi nói với họ rằng một mục tiêu như vậy, với lòng chân thành, động cơ từ bi, xuất phát từ việc quan tâm cho một nhóm đông người. Nếu nó liên hệ đến một sự tham nhũng nho nhỏ nào đó, thế thì đó là một sự tham nhũng tích cực. Thế nên những thứ này lệ thuộc vào mục tiêu và hành động như vậy đấy.

Chính trị, thật sự, quý vị thấy, tôi bây giờ cuộc đã nghỉ hưu với trách nhiệm chính trị trong mức độ quan tâm đến cuộc đấu tranh của người Tây Tạng. Tôi giao lại cho những người lãnh đạo dân cử một cách tự nguyện, vui vẻ và tự hào. Cho nên vào lúc này, nếu người nào hỏi tôi về một sự phức tạp nào đó của chính quyền Trung Cộng, thì tôi thường trả lời rằng bây giờ tôi đã nghỉ hưu. Cho nên tôi có nhiều tự do hơn – nếu tôi muốn trả lời thì tôi trả lời, và nếu tôi không muốn, tôi nói rằng tôi đã nghỉ hưu.

HỎI: Với tất cả lòng biết ơn và khiêm hạ, tôi muốn biết ngài định nghĩa về Thượng đế là gì và người ta kinh nghiệm về Thượng đế như thế nào?

ĐÁP: Một lần, tôi nghĩ ở phương Tây, một phóng viên nào đó đã hỏi tôi, “nếu ngài có cơ hội để gặp Giê-su Ki-tô, câu hỏi của ngài sẽ là gì?” Tôi trả lời, “Thượng đế là gì?” (Cười) Thế nên điều đó là huyền bí. Dĩ nhiên, tôi nghĩ mỗi tôn giáo có một loại thuật ngữ nào đó, nhưng có những thứ nào đó vượt ngoài suy nghĩ của chúng ta, vượt ngoài ngôn ngữ của chúng ta. Đức Phật là một chúng sanh Giác Ngộ, nhưng rồi, ngay cả chi tiết về Giác Ngộ, phẩm chất cao nhất của tinh thần là vượt ngoài tư tưởng của chúng ta. Thật là khó khăn. Tôi nghĩ rằng khoa học hiện đại không chứng minh cũng không bác bỏ về Thượng đế. Đó là một sự huyền bí.

Trích từ bài the Art of Happiness, quyển the Big Book of Happiness

***

HỎI: Làm sao một đứa trẻ thấy hạnh phúc khi thấy cha mẹ bị đau khổ vì cơn bệnh giai đoạn cuối?

ĐÁP: Tôi hoàn toàn chia sẻ sự quan tâm của bạn. Nó làm tôi nghĩ về lúc mẹ tôi qua đời, và một cách đặc biệt khi vị trưởng lão giáo thọ của tôi viên tịch. Khi vị trưởng lão giáo thọ, người trao cho tôi cụ túc giới qua đời, tôi đã thật sự cảm thấy như tôi mất đi một tảng đá vững vàng mà tôi học hỏi trên ấy. Vào lúc ngài qua đời, tôi không còn tảng đá vững vàng ấy nữa. Nhưng rồi thì tôi đã nhớ rằng vị giáo thọ quá cố của tôi thường đọc những vần kệ của Tịch Thiên để khuyến khích – khi chúng ta đang đi ngang qua một số khó khăn, thì chúng ta phải nghĩ về thực tế của những khó khăn đó. Nếu có khả năng vượt thắng chúng, thế thì không cần phải lo lắng; và nếu không có cách để vượt thắng loại thảm họa đó, thế thì lo lắng cũng không ích gì. Đó là sự tiếp cận rất thực tế.

Cho nên, khi bạn đang đối diện một hoàn cảnh mà cha mẹ bạn có một cơn bệnh giai đoạn cuối – một loại bệnh tật rất nghiêm trọng hay đau đớn – xin hảy thực hiện mọi nổ lực để vượt thắng nó, để chửa trị nó. Nếu không thể chửa trị, thế săn sóc chính bạn nhiều hơn. Và ngay cả nếu sự kiện trở nên tệ hại nhất diễn ra, thì quý vị nên hướng đời sống của quý vị trong một cung cách đầy đủ ý nghĩa hơn vì thế cha mẹ quá cố của quý vị sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nếu quý vị lo lắng quá nhiều, và trong trường hợp tệ hại nhất có một sự suy nhược thần kinh do quá nhiều băn khoăn, tôi nghĩ những người bạn của quý vị sẽ cảm thấy rất buồn trong trường hợp của cha mẹ quá cố của quý vị. Sau khi vị giáo thọ của tôi viên tịch, tôi tự nói với mình, “Bây giờ tôi phải nhận lấy toàn bộ trách nhiệm để hoàn thành mong ước của vị giáo thọ quá cố của tôi.” Do vậy, thảm kịch ấy biến thành việc đạt đến sức mạnh hơn, hăng hái hơn.

Nếu quý vị là người không tín ngưỡng, hãy nghĩ về việc làm những thứ nào đấy trong kiếp sống này. Nếu là một người có tín ngưỡng, tin vào những kiếp sống sau, thì quý vị có thể trì tụng những mật ngôn nào đó và hồi hướng cho cha mẹ của quý vị. Và nếu quý vị là một người có tín ngưỡng trong một tôn giáo hữu thần, hãy nhớ đến Thượng Đế và hãy nhớ rằng phải có một ý nghĩa nào đó trong hoàn cảnh đau buồn về cha mẹ của quý vị. Chỉ có Thượng Đế mới biết ý nghĩa ấy, quý vị thì không. Nếu quý vị tin vào luật nhân quả nghiệp báo, thì hãy nghĩ về nghiệp quả của chính cha mẹ quý vị và về vấn đề hệ quả đặc thù này đã đơm hoa kết trái như thế nào từ những nghiệp nhân trước đó của họ.

HỎI: Làm sao chúng ta yêu thương những người không thương yêu chúng ta?

ĐÁP: Tình thương của chúng ta thường là tình thương định kiến. Tình thương ấy thật sự là dính mắc, và như thế ấy thì không lành mạnh. Dính mắc thì đồng hành sâu đậm với thù oán và ganh tỵ. Những gì chúng ta cần là tình yêu và lòng thương mến không thành kiến, tình yêu và lòng thương mến không điều kiện hay từ ái và bi mẫn. Nếu lý do ta yêu một người nào đó vì người ấy yêu ta hay tốt với ta, đó là tình yêu định kiến. Bất kể dù người nào đó có tích cực với chúng ta hay không, thì người ấy vẫn xứng đáng với lòng thương mến bi mẫn của chúng ta, sự quan tâm của chúng ta. Điều này kể cả kẻ thù ta. Miễn là thái độ này được quan tâm, thì người nào đó có thể tiêu cực với ta, nhưng ta không nghĩ về điều ấy; ta nghĩ rằng kẻ thù ta cũng là một chúng sanh và cũng muốn hạnh phúc và có mọi quyền lợi để vượt thắng khổ đau. Trong cách này, chúng ta phát triển một cảm nhận quan tâm chân thành cho sự cát tường của họ. Đó là lòng thương mến không định kiến, lòng bi mẫn thật sự. Nhằm để phát triển điều này, chúng ta phải thực tập một sự buông xả căn bản, rồi thì bình đẳng hóa chính ta với mọi chúng sanh khác, cả bạn bè và kẻ thù. Từ việc thấy rằng mọi người đều có cùng quyền lợi để vượt thắng khổ đau, sau đó chúng ta phát triển một cảm nhận quan tâm. Đó là tình yêu không định kiến; đó là lòng từ ái thật sự.

Nếu chúng ta có thể thực tập được như vậy, thế thì hãy thực tập; bằng nếu không, vậy thì hãy thực hiện một sự chuẩn bị nào đó cho việc trả thù – Tôi không đùa! Trả thù đem đến một sự cáu kỉnh hơn, tình trạng tinh thần rồi loạn hơn. Nếu thất bại và đáp ứng một cách mạnh mẽ, thì ta thậm chí lo lắng hơn, lo lắng vô tận. Ngay từ lúc đầu, hãy tự cởi mở chính mình, “Bất chấp họ làm gì.” Dĩ nhiên, nếu họ cố gắng tổn hại thân thể ta, thì hãy cẩn thận. Ta phải thật thận trọng, bằng không thì ta sẽ nghĩ hay nói điều gì đó tiêu cực. Chỉ nghĩ, “Không hề gì, không hề gì.”

Thí dụ, khi một số viên chức Trung Cộng diễn ta tôi như một con quỷ, nó làm tôi bật cười. Đôi khi tôi nói đùa với một số bạn bè người Hoa của tôi rằng họ càng lập đi lập lại sự phỉ báng ấy, thì cặp sừng của quỷ của tôi sẽ càng mọc dài hơn. Đúng là ngớ ngẫn, có phải không? Cho nên, hãy nghĩ trong cách ấy, xem nhẹ nó và sẽ không có gì rắc rối.

HỎI: Vai trò của nghiệp và cảm xúc trong việc theo đuổi hạnh phúc là thế nào?

ĐÁP: Tôi nghĩ sự khao khát quá mạnh có thể cũng là một loại cảm xúc trong cảm giác, nhưng có một vai trò quan trọng diễn ra bởi những cảm xúc tích cực mạnh mẽ, chẳng hạn như lòng bi mẫn rộng lớn, một cảm nhận của việc quan tâm vì sự khổ đau của người khác. Khi quý vị nghĩ về khổ đau của người khác, nước mắt tuôn rơi vì có quá nhiều cảm giác, nhưng cảm xúc đó là cảm xúc rất tích cực, đem đến sự nhiệt tình hơn để phụng sự người khác, để làm việc gì đó cho mọi người. Loại cảm xúc đó mang đến quyết tâm, như được biểu lộ trong lời cầu nguyện ưa thích của tôi – “Khi nào không gian còn tồn tại, khi nào chúng sanh đau khổ còn hiện hữu, Tôi nguyện cũng sẽ hiện diện để phụng sự tất cả.” Loại quyết tâm đó đầy năng lực được đem đến bởi những cảm xúc như vậy.

Thế nên, cảm xúc không nhất thiết là tiêu cực. Tôi nghĩ có hai loại cảm xúc. Một loại cảm xúc đến một cách tự động và tổng quát là tiêu cực. Một loại cảm xúc khác đến qua tu tập, qua lý trí và việc làm cho quen thuộc, và thường là tích cực.

HỎI: Cha mẹ giúp cho con cái của họ hạnh phúc như thế nào?

ĐÁP: Tôi nghĩ tùy thuộc vào lứa tuổi của con cái. Trong kinh nghiệm của tôi, khi tôi còn rất trẻ, tôi nhớ rằng bất cứ khi nào một người mới đến lãnh sự quán Ấn Độ thuộc Anh ở Lhasa thì luôn luôn mang đến đồ chơi cho tôi. Khi tôi nhận tin tức rằng có một người mới đến và muốn có một cuộc gặp gở chính thức, thì tôi luôn luôn hào hứng về loại đồ chơi nào mà người ấy sẽ tặng tôi. Thế nên, vào lúc rất trẻ, đó là những gì quan trọng. Khi con trẻ hơi lớn lên, tôi nghĩ là chúng cần những sự hướng dẫn hay gương mẫu đầy đủ ý nghĩa. Ở tất cả mọi lứa tuổi, đó là tình cảm tối đa của quý vị, sự yêu thương tối đa của quý vị cho con cái đó là rất quan trọng. Tôi nghĩ khí cụ mạnh mẽ nhất trong việc thay đổi tâm tư người khác là tình yêu thương, chứ không phải tiền bạc. Tình cảm chân thành và một cảm nhận quan tâm chân thành thật sự tác động vào tâm tư và cảm xúc của con trẻ.

HỎI: Đức Thánh Thiện nói rằng người ta nên không sợ hãi, nhưng nếu cha mẹ ngài đặt sự sợ hãi vào tâm tư ngài, thì ngài không thể chống lại họ.

ĐÁP: Việc đó tùy thuộc vào động cơ, và cũng như mục đích. Nếu con cái lười biếng, nếu quý vị có một mục đích tốt lành và chân thành quan tâm đến tương lai cát tường của chúng, thì đôi khi quý vị có thể sử dụng một chút áp lực hăm dọa. Những thứ như vậy là tích cực. Thật không tốt nếu xem thường con cái và trêu chọc hay mĩa mai chúng. Quý vị phải tôn trọng con cái quý vị và cho chúng tình cảm tối đa.

Ở đây tôi muốn kể cho quý vị nghe về câu chuyện của tôi. Khi tôi 7 hoặc 8 tuổi, tôi đã bắt đầu học thuộc lòng một số kinh luận căn bản. Vì tâm thức tôi khá sắc bén, nên tôi có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng, nhưng do bởi thế, tôi cũng rất lười biếng. Vào lúc đó, anh trai tôi và tôi đang học chung với nhau, nên giáo thọ của tôi có hai cây roi, một cây màu vàng và một cây bình thường. Cây roi bình thường để dành cho anh tôi, và cây roi vàng được coi là cây roi thánh thiện dành cho học trò thánh thiện – Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi biết là cây roi thánh thiện không sinh ra cái đau thánh thiện, chỉ là cái đau bình thường. Vì sợ, tôi phải hơi nổ lực trong học tập. Nhưng sau này, dĩ nhiên, giáo thọ của tôi rất ân cần. Một số nổ lực của tôi là vì sợ; nhưng nổ lực của tôi cũng vì sự cảm kích sâu xa cảm nhận quan tâm của các ngài cho tôi và lòng từ ái của các ngài thì vô cùng, vô cùng mạnh mẽ hơn.

Như tôi đã đề cập trước đây, khi giáo thọ của tôi qua đời, tôi thật sự cảm thấy một sự mất mát vô tận, đó là cho chính người đã giữ cây roi. Nên đó là thí dụ. Quý vị phải cho tình cảm tối đa và thỉnh thoảng, nếu cần thiết, thì quý vị có thể sử dụng những phương pháp hay lời nói hơi nghiêm khắc, nhưng quý vị làm như thế là vì cảm nhận quan tâm chân thành và vì một mục tiêu tốt lành. Quý vị phải hành động phù hợp với những hoàn cảnh.

HỎI: Hạnh phúc có thể giảm thiểu sự thối nát trong xã hội và quốc gia không?

ĐÁP: Vâng, hạnh phúc chân thật trên căn bản của trung thực và sự thật. Con người cảm nhận rằng quý vị hài lòng với tiền bạc của quý vị qua những hành động không căn cứ trên đạo đức là sai. Điều đó rất rất là nông cạn; họ thật sự ngu ngơ và thiển cận. Những con người – cho dù là những lãnh tụ tôn giáo, thương gia, chính trị gia, và từ bất cứ chuyên môn khác nào – là thật sự yếu kém sâu bên trong, và cuộc sống của họ thì đầy ảo giác hay nhận định sai lầm. Những người như vậy không thể hành động một cách lương thiện thật sự vì họ có điều gì đấy che dấu; do bởi chính điều đó, một cảm giác không thoải mái luôn luôn ở sâu bên trong ấy. Làm sao họ lương thiện thật sự? Họ không thể. Như tôi đã đề cập trước đây, họ không thể xây dựng một sự tin tưởng thật sự, và cuối cùng họ sẽ trở thành thấp hèn.

HỎI: Vai trò của âm nhạc trong việc đem hòa bình đến thế giới là gì?

ĐÁP: Tôi phải nói là rất giới hạn. Dĩ nhiên, như tôi đã đề cập trước đây, một sự hài lòng nào đó đến từ trình độ giác quan. Những thứ như âm nhạc và phong cảnh xinh đẹp có thể đem đến một sự hòa bình nào đó của tâm thức, nhưng loại hòa bình đó của tâm thức hoàn toàn lệ thuộc vào những nhân tố bên ngoài, và khi những nhân tố đó không còn nữa, thì quý vị thấy khó để vượt qua thời gian. Đôi khi tôi cảm thấy hơi thương hại cho những một số nhóm du lịch. Một số người già có nhiều tiền, nhưng vì họ đã về hưu và không có một loại việc làm đặc thù, họ thiếu một loại năng lực suy nghĩ. Để trải nghiệm một sự hài lòng nào đó thì hoàn toàn vào trình độ giác quan. Ngoại trừ họ có một nghề nghiệp nào đó ờ trình độ giác quan ngoại tại, bằng không thì họ không thể vượt qua thời gian, họ chán chường. Nếu quý vị có một số kinh nghiệm niềm hòa bình của tâm thức và toại nguyện ở trình độ tinh thần, thì quý vị không cần lệ thuộc vào năng lực của cảm giác. Quý vị không cần đi đây đi đó. Quý vị có thể ở trong một nơi vắng vẻ tịch mịch; quý vị đạt được một sự hòa bình tối đa của tâm thức.

Trong một trường hợp tôi viếng thăm một đại tu viện ở Barcelona, ở Tây Ban Nha. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo đã đến gặp tôi và người tổ chức đã nói với tôi rằng tu sĩ ấy đã ở một tịch mịch trong ngọn núi ở sau tu viện đó. Ông ở đấy trong một thời gian dài như vậy, năm năm với hầu như không có thức ăn nóng. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi nói với ông, “Tôi được nghe rằng ông đã ở trong núi năm năm như một ẩn sĩ. Ông đã thực tập gì trong núi?” Ông nói với tôi, “Tôi hành thiền về yêu thương.” Khi ông đề cập đến việc đó, trong đôi mắt ông có một phản chiếu nào đó về sự ấm áp của ông. Tôi dâng trào một sự tôn kính sâu xa và ngưỡng mộ đối với ông.

Một điều nữa là tiếng Anh của ông ngay cả tệ hơn tôi. Tôi nói chuyện trìu mến trong vốn tiếng Anh nghèo nàn của tôi với ông vì tiếng Anh của tôi hơi khá hơn ông. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất ý nghĩa. Đó là một tu sĩ tuyệt vời.

Một số hành giả Phật giáo, kể cả một số Tây Tạng, cũng thích sống trong những nơi thật đơn độc, cô lập vì những nơi ấy cho họ cơ hội để sử dụng những năng lực con người của họ ở trình độ tinh thần, đem đến cho họ niềm hòa bình nội tại và sức mạnh nội tại bao la. Những người như vậy không bao giờ dựa vào âm nhạc hay những thứ ngoại tại khác. Dĩ nhiên, việc nghe nhạc có thể bổ sung cho sự thực tập tâm linh khác. Đôi khi chúng ta có thể chỉ nghĩ về ý nghĩa của một sự cầu nguyện nào đó, và vào lúc khác nghe cùng lời cầu nguyện ấy với một âm điệu nào đó có thể tác động chúng ta hơn. Tất cả mọi truyền thống tôn giáo phối hợp những lời cầu nguyện nào đó với âm nhạc. Tôi nghĩ vấn đề chính là việc thực tập ở trình độ tinh thần, nhưng quý vị có thể xem những thứ gì đó, nghe nhạc, và thỉnh thoảng cũng có một miếng bánh thánh bỏ vào trong miệng quý vị. Cho nên tất cả ba giác quan này có thể hoạt động với nhau như một sự bổ sung cho việc thực tập tâm linh.

HỎI: Ai sẽ có được năng lực để yêu thương và tình cảm hơn – đàn ông hay đàn bà?

ĐÁP: Tôi nghĩ một cách tổng quát, qua những nhân tố sinh học, đàn bà có năng lực hơn với việc liên hệ đến một ý nghĩa của việc quan tâm cho sự cát tường của người khác. Trong một cuộc thảo luận của tôi với những nhà khoa học, họ cho rằng khi hai người – một nam và một nữ – nhìn vào một người nào đó đang trải nghiệm đau đớn, sự đáp ứng của người nữ là mạnh hơn người nam. Cũng thế, theo sinh học, với người nam, một khi người ấy hưởng thụ thế là xong, nhưng người nữ phải mang đứa bé trong nhiều tháng, và rồi sau khi sanh người ấy phải thực hiện một nổ lực vô cùng để chăm sóc đứa trẻ.

Tôi thường kể câu chuyện về điều gì đó tôi đã đề cập trên một chuyến bay dài cả đêm từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ. Cùng với những hành khách, tôi để ý một cặp vợ chồng trẻ với hai đứa bé. Một đứa thì rất nhỏ còn đứa kia đã biết đi. Lúc khởi đầu, đứa lớn chạy tới chạy lui, gây rối một chút, nhưng chẳng hề gì. Lúc đầu, cả cha mẹ cùng để ý đến hai đứa bé. Sau đó, khoảng nửa đêm, người cha rơi vào giấc ngủ. Người mẹ vẫn quan tâm đến hai đứa bé đó. Bà chăm sóc chúng, đặc biệt đứa nhỏ, cả đêm. Đến lúc chúng tôi gần đến San Francisco hay Los Angeles, mắt của bà mẹ rất đỏ. Đó là một biểu hiện rõ ràng. Cả cha mẹ đều yêu thương thật sự con cái họ, nhưng có một sự giới hạn nào đó với việc người cha chăm sóc chúng, trái lại bà mẹ chăm sóc chúng cả đêm.

Và nhìn vào những con chó và chim. Con mẹ liên tục chăm sóc những đứa con cho đến khi chúng có thể sống độc lập. Dĩ nhiên, con chó cha chỉ thụ hưởng, thế là xong; chó cha không làm gì cả. Nhưng một số con chim ở với nhau cho đến khi con nó có thể sống độc lập, với cả cha và mẹ chim mớm mồi cho chúng. Và rồi thì hơn nữa, bà mẹ có những cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều đối với con cái; đó là nhân tố sinh học, vì chúng ta cần điều đó. Đời sống của chúng ta bắt đầu và chúng ta sống còn với tình cảm của bà mẹ chúng ta và sửa của bà mẹ chúng ta. Tôi thường nói với mọi người, có vài trăm người ở trong tòa nhà này, thí dụ thế, và trong khi chúng ta có thể giống nhau bên ngoài, thì tôi nghĩ rằng những người nào nhận tối đa tình cảm từ bà mẹ của họ khi họ còn bé bỏng thì cảm thấy an toàn hơn, tĩnh lặng hơn sâu bên trong. Những người nào mất mẹ, không nhận tình cảm từ bà mẹ hay ngay cả bị họ ngược đãi, mặc dù họ bên ngoài giống nhau và có thể có một đời sống thành công, nhưng sâu bên trong có một số niềm đau nào đó, một dấu vết nào của kinh nghiệm đó.

Do vậy, theo sinh học thì người nữ là động lòng thương hơn. Khi tôi có một buổi nói chuyện công cộng ở Hoa Kỳ, Âu châu, hay ở Ấn Độ, tôi thường đề cập rằng ở thời kỳ ban sơ, loài người chúng ta không có khái niệm về giới lãnh đạo. Mọi người bình đẳng và làm việc với nhau. Một số nhà triết học Mác xít nói rằng chủ nghĩa Mác xít nguyên thủy – mọi người bình đẳng, làm việc với nhau và chia sẻ bất cứ thứ gì họ có. Rồi cuối cùng khái niệm về giới lãnh đạo hình thành. Vào lúc ấy giáo dục không có vai trò gì, vì thế sức mạnh thân thể là nhân tố chính trong việc trở thành lãnh đạo. Vì thế là sự bắt đầu cho sự thống trị của nam giới. Giống như thế với những thú vật khác, như loài khỉ. Vì nam giới mạnh mẽ hơn, họ trở thành trội hơn.

Rồi cuối cùng, giáo dục đi đến đóng một vai trò quan trọng hơn trong xã hội, vì thế làm cho bình đẳng hơn. Trong những năm gần đây, những thế kỷ gần đây, có một số nữ lãnh đạo rất nổi tiếng, ảnh hưởng. Điều đó cũng xảy ra trong xứ sở này, và Golda Meir ở DoThái là một lãnh đạo rất mạnh, có phải thế không? Điều đó mang lại một chút bình đẳng hơn. Bây giờ đã đến lúc khi chỉ có giáo dục thôi thì không đủ. Chúng ta cần có một nổ lực đặc biệt để thúc đẩy và gia tăng lòng yêu thương của loài người. Bây giờ, ở đây, người nữ nên có một vai trò năng động hơn. Đó là quan điểm tổng quát của tôi. Khi đi đến trình độ của gia đình cá thể. Tôi không biết. Đôi khi, nếu người nữ có năng lực hơn, thì người cha trở thành giống như nô lệ. Và thỉnh thoảng, bà mẹ trở thành hầu như giống nô lệ. Việc đó khác nhau tùy từng trường hợp. Nhưng thật sự, như tôi đề cập trước đây, những mối quan hệ nên căn cứ trên lòng từ ái chân thành, lòng bi mẫn chân thành; chúng không nên căn cứ chỉ trên sự hấp dẫn thân thể, nhưng trên sự tôn trọng sâu xa cho người kia. Vì vậy, khi chúng ta có những cảm giác chân thành của sự gần gũi và quan tâm, thì trên căn bản của sự tôn trọng sâu xa, cha mẹ tự nhiên trở thành bình đẳng. Điều này luôn luôn xảy ra.

HỎI: Khi ngài thấy người nào đó làm tổn hại hay phá hoại môi trường của ngài, ngài tiếp cận với họ như thế nào? Ngài phản ứng như thế nào với hoàn cảnh đó?

ĐÁP: Việc này có liên hệ đến một gia đình hay một tổ chức nào không? Ngày nay, một số tổ chức, kể cả chính quyền đôi khi hành động phù hợp với chương trình của họ. Điều này có thể ứng dụng một cách đặc thù vào những quốc gia như Trung Cộng, nơi không có bộ máy tư pháp độc lập. Nhưng nó cũng áp dụng tới những cơ sở tư nhân và đến những gia đình riêng lẻ.

Nếu có thể thì thật hợp lý để nói chuyện với người đã tạo nên vấn nạn môi trường ấy. Chăm sóc môi trường là sự quan tâm của mỗi người, và tất cả chúng ta cũng có thể thực hiện những sự đóng góp nho nhỏ đến sinh quyển địa cầu. Thí dụ trong trường hợp của riêng tôi, tôi không bao giờ dùng bồn tắm trong khách sạn trong vài thập niên trở lại đây; tôi chỉ tắm bằng vòi bông sen. Tôi xem đó như một đóng góp nhỏ mà tôi làm để tiết kiệm nước. Dĩ nhiên, chỉ một người làm thì không có nhiều hiệu quả. Và bất cứ khi nào tôi rời phòng, tôi luôn luôn tắt hết mọi đèn điện. Những loại hành vi như vậy về phần của một cá nhân không có ý nghĩa gì nhiều, nhưng tối thiểu về tinh thần tôi đã làm một đóng góp nào đó. Một gia đình riêng có thể chăm sóc môi trường bằng việc thu nhặt rác rưởi. Trong những cung cách nho nhỏ thì họ có thể làm một sự đóng góp, một cách gián tiếp làm giảm thiểu sự hâm nóng địa cầu. Thế nên, trao đổi với láng giềng của quý vị, và nếu không có kết quả gì, thì hãy mời thêm nhiều người tham gia thực hiện một nổ lực nào đó. Nếu như vậy mà thất bại, thế thì tôi không biết – có lẽ chiến đấu!

HỎI: Chúng ta thật sự hạnh phúc như thế nào trong những hoàn cảnh bất lợi hay thù địch?

ĐÁP: Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh nội tại của quý vị. Ở những giai đoạn đầu thì điều này là khó khăn ngay cả cho một hành giả, nhưng chúng ta phải thực hiện một nổ lực. Cuối cùng quý vị có năng lực bên trong mạnh mẽ hơn, và sau đó thì trở nên dễ dàng hơn nhiều để đối phó với những rắc rối như vậy. Tự nhiên mà nói, những sự thực hành như vậy không phải dễ dàng. Quý vị cần nổ lực liên tục, với quyết tâm – “Tôi phải thực hành điều này. Tôi phải gia tăng lòng từ bi của tôi.” Bao dung hay nhẫn nại, rồi thì sẽ tự động đến. Đây là một sự tiếp cận thực tiển với nhẫn nại và lợi ích vô vàn trong việc mang nó đến. Tôi nghĩ chúng ta thường quên lãng những yếu tố căn bản này của tâm thức và một cảm xúc phiền não nào đó trở nên ưu thế.

Những người nào tin tưởng trong giáo Pháp hay một số truyền thống tâm linh nào khác, như tôi đã đề cập trước đây – cho dù là tôn giáo hữu thần hay vô thần – thì quý vị nên chân thành và nghiêm túc với tín ngưỡng của quý vị. Điều đó là quan trọng. Đức tin không chỉ là việc làm trên đầu môi. Tín ngưỡng phải trở thành một bộ phận trong đời sống hàng ngày của quý vị, rồi thì giá trị chân thật của nó sẽ đến. Những người nào không tin tưởng nhiều trong những truyền thống như vậy có thể nghĩ đơn giản, “Tôi muốn một đời sống hạnh phúc, và việc đạt được một đời sống hạnh phúc tùy thuộc vào sức mạnh nội tại của tôi, và điều đó tùy thuộc vào quan điểm của tôi, thái độ của tôi.”

Do vậy, trước nhất, hãy cố gắng chú ý nhiều hơn vào những giá trị nội tại của quý vị, bên cạnh việc chỉ nghĩ. Điều đó là rất nông cạn. Ngày nay, khi tôi nghe đài BBC hay xem truyền hình, chúng luôn nói về đô la, đô la, kinh tế, kinh tế. Tôi nghĩ việc đó thật sự ảnh hưởng tâm thức chúng ta trở thành ô nhiễm hơn. Từ những nền văn minh Ai Cập, Trung Hoa, và thung lũng Ấn Hà, thì tôi nghĩ nền văn minh thung lũng Ấn Hà thì có những quan điểm triết lý phức tạp hơn nhiều. Ấn Độ, theo truyền thống thì có một nền khoa học nội tại rất mạnh, rất giàu. Khoa học hiện đại bây giờ đang chú ý ngày càng nhiều hơn và khao khát có thêm những thông tin về tâm thức và vấn đề đối phó với những cảm xúc từ di sản văn hóa truyền thống của Ấn Độ. Thật rất, rất quan trọng để nhận ra kho tàng cổ truyền của Ấn Độ và không quên những giá trị nội tại này. Dĩ nhiên, thật rất quan trọng để học hỏi vấn đề phát triển vật chất như thế nào qua khoa học và kỷ thuật hiện đại, do thế giáo dục liên hệ đến những thứ này cũng rất rất quan trọng; nhưng trong lúc đó, quý vị cũng phải biết những giá trị truyền thống. Những người Tây Tạng chúng tôi cũng phải học hỏi về giáo dục hiện đại, nhưng những giá trị truyền thống của chúng tôi vẫn liên hệ rất nhiều. Đó là những gì mà tôi muốn chia sẻ cùng quý vị. Cảm ơn.

BÌNH LUẬN: Thưa Đức Thánh Thiện, có một thông điệp này kính gửi đến ngài. Tôi trích: “Thưa Đức Thánh Thiện, tôi đến từ Lhasa, và tôi nghĩ rằng tôi có thể đại diện cho hầu hết những học trò Tây Tạng. Tôi muốn nói là chúng tôi yêu mến ngài, chúng tôi tôn kính ngài, chúng tôi sẽ đi theo ngài. Ngài là vị thầy vĩ đại trong tâm chúng tôi, trong tim chúng tôi.”

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Cảm ơn.

Trích từ bài Different Level of Happiness, từ quyển the Big Book of Happiness

Ẩn Tâm Lộ, Monday, August 14, 2017

Bài liên hệ

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (1)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (2)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (3)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (4)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (5)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (6)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (7)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (8)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (9)

Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (10)