NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư trả lời cư sĩ Huệ Lãng
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ Huệ Lãng
Nhận được thư khôn ngăn cảm khái, thẹn thùng. Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết đến cơm cháo, sao có thể cùng các vị luận bàn ngoại điển[1]? Nhưng đã nhờ cậy đến, chỉ đành nói đại lược duyên do. Muốn biết nghĩa lý ấy và chủ trương của Liệt Tử[2] thì trước hết phải biết Mạng là vật gì, Lực là vật gì, cũng như nơi ý ông ta hiểu hai chữ ấy nghĩa là gì, rồi mới bàn đến chủ trương thì mới là ngôn luận hữu ích cho thế đạo nhân tâm. Nếu điều gì cũng không biết thì cái thuyết Lực – Mạng ấy, cả Nho lẫn Phật đều không chấp thuận!
Mạng là gì? Chính là quả báo của những gì đã làm trong đời trước, lại là những gì có được do thuận theo đạo nghĩa mà hành thì mới gọi là Mạng. Cái gì có được do chẳng theo đạo nghĩa mà hành đều chẳng được gọi là Mạng, bởi sau khi đạt được, cái khổ đời sau sẽ chẳng nỡ thấy nghe được nổi! Như trộm cướp tiền tài của người ta, dường như tạm thời giàu có, một mai quan phủ biết được, ắt phải đầu một nơi, thân một nẻo, sao có thể lấy cái vui tạm thời gọi là Mạng cho được?
Lực là gì? Là những gì đã làm trong đời này. Nhưng cái làm ấy có hai thứ, một đằng là chuyên dùng tài trí mưu mô dối trá, một đằng là chuyên dùng khắc kỷ, giữ lễ để tu trì. Liệt Tử nói đến Mạng lẫn lộn chẳng phân biệt, nói đến Lực đa phần chú trọng đến mánh khóe, lừa dối. Vì thế, [khi bị bắt bẻ] “dẫu dốc sức nhưng sao vẫn bị mạng đè nén”, không thể trả lời được! [Liệt Tử] xem chuyện Khổng Tử bị khốn đốn ở đất Trần, đất Sái, xem chuyện Điền Hằng[3] chiếm nước Tề là Mạng, như vậy còn có thể bảo là biết Mạng được chăng? Khổng Tử chẳng gặp được vua hiền, chẳng thể làm cho thiên hạ bình trị yên vui, là do nghiệp lực của dân chúng trong thiên hạ cảm vời, nào có liên can gì đến Khổng Tử! Nhan Uyên chết yểu, nghĩa cũng giống như thế. Điền Hằng có được nước Tề là do soán đoạt mà được, sao có thể gọi là Mạng? Nay tuy là vua Tề, nhưng một hơi thở ra không hít vào được, liền thành tù nhân trong A Tỳ địa ngục. Gọi đó là Mạng thì chính là dạy người đừng tu đạo nghĩa mà hãy mặc sức cướp đoạt vậy!
Vì thế, tôi nói: “Liệt Tử không biết mạng! Chẳng thấy Mạnh Tử luận về Mạng hay sao?” Cái mạng ắt phải do cùng lý tận tánh mà đạt được mới gọi là Chân Mạng. Nếu chẳng y theo đạo nghĩa mà được, hoặc chẳng y theo đạo nghĩa mà mất đều chẳng thể gọi là Mạng. Liệt Tử luận về Lực, đa phần thuộc về tài trí mánh khóe, biến trá, thánh hiền không thèm nói đến! Hiền thánh đều nói chuyện khắc kỷ, giữ lễ để tu trì: “Chỉ vì thánh mất niệm thành cuồng, nhưng cuồng khắc chế được niệm sẽ thành thánh. Nhà tích thiện ắt điều mừng vui có thừa, nhà chất chứa bất thiện ắt tai ương có thừa. Làm lành trăm điều lành giáng xuống, làm điều chẳng lành trăm họa ương giáng xuống! [Cưa] cây dõi theo dây mực ắt thẳng, vua nghe theo lời can gián nên thành thánh, thuận theo đạo dẫn đến điều tốt lành, trái nghịch lại là xấu, chỉ là do ảnh hưởng vậy! Đến năm mươi tuổi biết bốn mươi chín năm trước là sai, muốn giảm bớt lỗi nhưng chưa thể, cho ta sống thêm vài năm, năm mươi tuổi học Dịch hòng tránh lỗi lầm lớn. Ai cũng đều có thể là Nghiêu, Thuấn, kiêng dè cẩn thận ngay cả khi không bị nhìn thấy, kinh sợ ngay cả khi không bị nghe thấy”, đấy đều là Lực. Đấy chính là những gì đạo Nho nói.
Còn như Phật giáo thì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật, dạy sám hối nghiệp cũ, cải ác tu thiện, phải mong sao đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, dùng Giới để giữ thân, chẳng làm điều phi lễ, dùng Định để nhiếp tâm, chẳng khởi vọng niệm, dùng Huệ đoạn Hoặc, thấy rõ bản tánh, đều dùng cái Lực khắc kỷ, giữ lễ tu trì. Hành theo cái Lực ấy còn thành được Phật đạo, huống gì những thứ thấp hơn ư? Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ (cầu vợ là cầu người vợ hiền lành, trí huệ, trinh tịnh; nếu không như thế, làm sao hướng về Bồ Tát cầu cho được!) cầu con được con, cầu trường thọ được trường thọ, cầu tam-muội được tam-muội, như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn đắc Đại Niết Bàn”. Đại Niết Bàn chính là Phật Quả rốt ráo, đều do y giáo tu trì mà được, Lực ấy lớn lắm, nào có hạn lượng!
Viên Liễu Phàm gặp Khổng tiên sinh đoán những chuyện trước việc sau, nhất nhất ứng nghiệm, bèn cho rằng “mạng có nhất định”; về sau gặp Vân Cốc thiền sư[4] khai thị, bèn ra sức tu trì cẩn thận, những điều ông Khổng đã đoán, không ứng nghiệm mảy may nào. Liễu Phàm là người hiền, dù ông ta có làm xằng, làm bậy, lời đoán của ông Khổng cũng chẳng linh. Do vậy, biết rằng: Hiền thánh răn đời chỉ chú trọng tu trì. Như Lai dạy người cũng giống như thế! Vì vậy, Phật nói pháp môn Quyền, Thật, Đại, Tiểu, không gì chẳng nhằm làm cho chúng sanh đoạn trừ Hoặc nghiệp huyễn vọng, chứng triệt để Phật tánh vốn sẵn có. Vì trong đời có kẻ cực ngu, cực độn, tu trì lâu ngày liền trở thành đại trí huệ, đại biện tài. Liệt Tử quy hết thảy về Mạng chính là ngăn trở cái chí mong thành thánh, thành hiền của người khác, khen ngợi cái tâm soán đoạt, gian ác, khiến kẻ thấp hèn bị họa hại vô cùng, người bậc thượng cũng nhụt chí phấn đấu gắng công cùng thời thế, đến nỗi suốt đời chẳng được dự vào hàng thánh hiền, trở thành một kẻ tầm thường xoàng xĩnh. Thiên văn sách ấy (tức thiên Lực Mạng trong sách Liệt Tử) hoàn toàn vô ích cho đời, nào có giá trị gì đáng để nghiên cứu! Quang lúc nhỏ không nỗ lực, tuổi già chẳng biết gì, ngẫu nhiên có ai hỏi đến, cứ mặc tình đáp theo ý mình, đúng hay sai mặc người chỉ dạy. Hơn nữa, Quang tuổi gần bảy mươi, tinh thần suy lụn, lại thêm bận việc quá nhiều, thật chẳng thể gắng gượng được. Xin đừng đem những chuyện như thế này lại hỏi. Nếu còn hỏi nữa, sẽ gởi lại nguyên thư, quyết chẳng hồi đáp kẻo khỏi vô ích cho người, tổn hại cho mình. Mong hãy sáng suốt xét soi thì may mắn lắm.
***
[1] Ngoại điển: Những kinh sách không phải của Phật giáo đều gọi là ngoại điển.
[2] Liệt Tử: Tức Liệt Ngự Khấu, một tư tưởng gia thời Chiến Quốc. Tác phẩm của ông ta cũng được gọi là Liệt Tử, hay gọi theo truyền thống Đạo Gia là Xung Hư Kinh. Thiên văn sách được nói đến trong lá thư này chính là thiên Lực Mạng của sách Liệt Tử.
[3] Năm 418 trước Công nguyên, Điền Hằng đánh bại tướng của Tề Giản Công. Tề Giản Công phải bỏ trốn, sau bị giết, Điền Hằng trở thành vua nước Tề. Tề Giản Công là hậu duệ của Khương Thượng (Khương Tử Nha).
[4] Hòa Thượng Vân Cốc không rõ năm sanh và mất, là một vị cao Tăng thuộc tông Lâm Tế, sống vào thời Nam Tống. Thoạt đầu theo học với Thạch Khê Nguyệt Tâm, được nối pháp vị này. Năm Bảo Hựu thứ 4 (1256) đời Tống Lý Tông, Sư trụ trì chùa Thánh Thọ ở Tô Châu, rồi chùa Bản Giác ở Gia Hưng, chùa Khai Nguyên ở Kiến Ninh (Giang Tây), cuối cùng trụ trì chùa Vân Nham tại núi Hổ Khâu ở phủ Bình Giang, còn để lại bộ Vân Cốc Hòa Thượng Ngữ Lục gồm 2 quyển.