Món Quà Đầu Xuân
Chữ Phúc

 

Chỉ Xin Một Chữ Mà Thôi

Một câu chuyện trong nhân gian kể rằng:

Đời vua Gia Long, có người lập nhiều công trạng được nhà vua hỏi muốn tưởng thưởng gì.

_Tâu Ngài! hạ thần chỉ xin được một “trự”!
(“Trự” tức là chữ “chữ”, đọc theo âm Huế, chỉ một đồng tiền ngày xưa như trong câu:

Tưởng chơi ba “chữ” cho vui vậy
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa)
(Nguyễn Công Trứ)

Vua bèn hỏi: “Trự gì?”.

Người kia nói:

_Xin đặng “trự” Phúc!

Vua cười đáp ngay:

Tiền bạc chức tước thì ta có thể ban, chứ “Phúc” thì chỉ có trời ban mà thôi. Cả giòng họ ta, chỉ nhờ có một chữ Phúc mà vinh hiển nhiều đời…

Đúng thế thật, giòng họ nhà Nguyễn đã lót chữ Phúc vào tên của họ (chẳng hạn như vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh). Và cũng nhờ duyên phúc được thần linh mách bảo, kinh đô Huế đã được chọn ở đất Phú Xuân. Trên địa điểm mà bà Tiên trên trời hiện ra và sau được cất một ngôi chùa với ngọn tháp cao. Đó là Chùa Linh Mụ hay Thiên Mụ và ngôi tháp Phước Duyên (ở Trung và Nam Việt đọc trại ra là Phước).

Chữ Phúc là một chữ mà chúng ta có thể nói và viết nhiều lần để chúc tụng nhau nhưng hầu như ít ai để tâm suy nghĩ nó là gì?

Người Trung Hoa vào dịp Tết thường viết chữ Phúc trên một vuông giấy đỏ dán ngoài cửa và coi đó gần như một lá bùa chúc tụng điều may mắn. Cầu kỳ hơn nữa, chữ Phúc còn được viết theo một trăm kiểu chữ triện – gọi là Bách Phúc Toàn Đồ.

Nếu một kiểu chữ Phúc biểu lộ một khía cạnh nhìn riêng biệt thì ta thấy rõ ràng có một trăm lối nhìn khác nhau về chữ Phúc. Những đường nét ngoằn ngoèo kiểu chữ bùa của chữ Phúc chẳng biết có người Tàu nào hiểu được hết tại sao phải viết như vậy không, chứ cái tác dụng trên phương diện tâm lý rõ ràng là sâu đậm đối với một tâm hồn nhạy cảm với thế giới thần kỳ. Vào ngày Tết người Tàu còn có thể dán thêm một giải giấy đỏ viết câu “Thiên Quan Tứ Phúc” hay chơi chữ bằng cách dùng hình ảnh con dơi (gọi là Phúc, đồng âm với chữ Phúc là Hạnh Phúc) để chúc tụng lẫn nhau.

Người ta thường nói: “Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai” (Phúc không hai, tai không một). Do đó người Tàu lại chơi chữ bằng cách vẽ hai con dơi đâu cánh lại, ngụ ý là Trùng Phúc; họ còn vẽ thêm một lúc 5 con dơi biểu tượng cho Ngũ Phúc, đó là theo Kinh Thi có năm điều Phúc:

1. Giàu (phú)
2. An lành (an ninh)
3. Sống lâu (thọ)
4. Có đức tốt (du háo đức)
5. Chết vào tuổi già (khảo chung mệnh)

Ngoài ra người Tàu còn có tranh Tứ Phúc (hình hai đứa trẻ) và tranh Vạn Phúc.

Chiết Tự Ngũ Phúc

Người Việt chúng ta thường nói Hạnh Phúc đi đôi với nhau trong lời chúc tụng, nghĩ rằng chỉ nói lên một sự việc. Kỳ thực Hạnh và Phúc đều có ý nghĩa riêng nếu ta đi vào gốc gác tầm nguyên.
Hạnh tức là điều may, sự gì đáng bị thiệt mà lại thoát gọi là Hạnh (Tự Điển Thiều Chửu). Nếu chiết tự chữ Hạnh trong kiểu cổ triện ta thấy chữ Nhân viết chồng lên chữ Nghịch nghĩa là con người may mắn vượt lên – nghịch cảnh tai nạn

Phúc: Điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà ra (Tự Điển Khai Trí Tiến Đức).

Nếu ta lại đi sâu vô chiết tự của chữ Phúc ta thấy có bộ Thị và chữ Phú. Điều Phúc không phải tự con người cho mà phải do sự cầu chúc thần thánh ơn trên. Chúc là điều mà con người cầu khẩn (bằng lời nói đối với ơn phước của Thần Thánh).

Chiết tự chữ Thị ta thấy có chữ Thượng là trên. Chữ Thị là trời bảo cho biết.

Ba gạch đường dọc xuống tượng trưng cho ánh sáng mặt trời (nhật) mặt trăng (nguyệt) và các vì sao (tinh) rọi xuống từ trời. Do đó, theo sách Thuyết Văn nói nhìn điểm trên trời báo xuống, con người sẽ thấy điều lành dữ (kiết hung) sẽ xảy ra cho mình, ấy là Thị (Thiên thùy tượng, kiến kiết hung; sở dĩ thị nhân dã).

Phúc có bộ Thị như vậy là điều con người phải chúc ơn trên ban xuống. Điều mà con người cầu mong nhất là sự giàu có (Phú)

PHÚC = THỊ + PHÚ
PHÚ = CAO + ĐIỀN
LỢI = HÒA + ĐAO
XUÂN CÓ MẶT TRỜI ẤM
THU = HÒA + HỎA

Phú có nghĩa là giàu, theo một sự giải thích, gồm chữ Cao và chữ Điền phối hợp lại, ngụ ý nói thóc lúa từ đất ruộng chất cao đầy nhà. Thành ra quan niệm về hạnh phúc sung sướng nguyên thủy là cầu mong sự dồi dào dư dả. Trong một xã hội ngày xưa sự dồi dào được tượng trưng bằng hình ảnh thóc lúa chứa đựng đầy kho. Lúa gạo nhiều tức là lợi tức nhiều. Lợi viết theo chữ Nho gần chữ Hòa (lúa) và con dao tức là lúa gạo được cắt bằng lưỡi dao (đao) hái từ ngoài đồng đem về. Ta thấy cách phân chia lịch thành bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông của Trung Hoa cũng đã dựa trên ý niệm trồng trọt cây cỏ thóc lúa mà ra.

Xuân sinh, Hạ trường, Thu liễm, Đông tàn. Mùa Xuân là mùa cây cỏ đâm mầm, nảy lộc dưới ánh mặt trời ấm áp, nên đó là thời điểm chúc mừng cho sự khởi đầu của một chu kỳ thời gian mới. Ta thấy cái nắng ấm của mặt trời thấm vào lòng đất, dục dã những mầm non của cỏ cây đâm lên. Còn về mùa Thu thì ngọn lúa chín đỏ rực rỡ để thâu hái. (Hòa cốc thục dã – Thuyết Văn). Bên cạnh chữ Hòa (lúa), có chữ Hỏa (lửa). Dưới quan niệm duy tâm của nhà nông ngày xưa, ảnh hưởng của quyền lực thiên nhiên đã quyết định sự thâu hoạch của thóc lúa, phong đăng hỏa cốc là nhờ:

“Ơn trời mưa nắng phải thì”

Hạnh Phúc Của Trời Theo Nho và Nghiệp Báo Theo Phật!

Điều phúc lợi đương nhiên là do tay người cố công tạo ra nhưng phải có ơn trời là yếu tố thiên nhiên đổ xuống qua tượng hình của chữ Thị đã phân tách ở trên. Yếu tố Trời (Thiên) nếu hiểu theo một quan niệm quyết định then chốt có thể thành ra một điều tiêu cực vì con người chỉ là đồ chơi trong bàn tay tạo hóa hay sao? Và con người cũng không còn tự do hành động ngay dù trong những điều nhỏ nhặt sinh sống hằng ngày đều do trời sắp đặt, nói chi đến sự rủi may:

Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn tiền định khá thương lọ là 
            (Cung Oán)

Cuộc đời của con người sướng hay khổ trong trần thế chỉ là kết quả của một bàn roulette hay cái con quay ấn định theo yếu tố rủi may trong chữ Hạnh đã hàm chứa.

Quyền họa phúc trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. 
           (Cung Oán)

Nhưng ý niệm Trời chủ trương hai chữ Họa Phúc chỉ là một hạnh ngộ hay là một sự kiện mù quáng vô đoan có thể làm nản lòng nản chí cho những ai bị liệt vào hạng lỡ sinh ra dưới một vì sao xấu. Tuy nhiên nó có thể là một lời an ủi cho những tâm hồn an phận, nuôi một niềm hy vọng về một chu kỳ hết hồi bỉ cực, đến tuần thái lai: Tâm trạng chịu đựng khi gặp điều tai nạn khổ đau sinh ly tử biệt là một tâm trạng.

“Lấy câu vận mệnh vơi dần nhớ thương”

Triết lý về nhân duyên của nhà Phật đã đem lại một màu sắc tích cực cho hai chữ Họa Phúc của đời người. Phúc dày hay phúc mỏng cũng do chính con người can dự quyết định “Có Trời mà cũng có ta”, chữ Phúc chính là một ân huệ mà con người tự tạo ra qua những hành động tốt của mình. Nó là những hạt giống tốt được tay người tự gieo trên những mảnh đất mà nhà Phật gọi là Ruộng Phước (Phước Điền). Riêng về ngành thuốc, quan niệm gieo hạt phúc rất quan trọng trong mắt người xưa:

Nhớ câu “Y tích âm công”
Ta nên chứa Phước để dùng lâu thay
Hỡi ai có bụng như vầy
Đạo y ngày sáng, tiếng thầy nào hư.
(Đồ Chiểu – Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật)

Lẽ công bằng trên cán cân thiên lý là gieo hạt giống thiện gặt điều hạnh tốt, còn gieo giống ác thì thâu hái điều hung dữ mà thôi. Hành động của con người làm trong một kiếp gọi là Nghiệp viết theo chữ Nho là một thanh gỗ trên đó người ta dùng dao khắc những nấc đánh dấu một sự việc đã làm, do đó dùng để dịch chữ KARMA của Phạn ngữ.

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
                      (Kiều)

Do quan niệm họa phúc ở đời chỉ là sợi giây gieo nhân gặt quả trên, nên người Á Đông chú trọng đến sự “làm ơn làm phước”. Hơn thế nữa một việc làm xấu hay tốt, do hành động của ta sẽ không những ảnh hưởng đến bản thân ta – trong kiếp này hay kiếp sau – mà cũng sẽ ảnh hưởng đến con cháu hậu duệ của ta. Trong lá số tử vi, cung phúc đức thuộc về những điều mà con người thụ hưởng từ ông bà, cha mẹ… hay còn gọi là nghiệp.

Luật Nhân Quả và Phúc Trạch Tổ Tiên

Ngày xưa, người ta đã công nhận mối dây thiên nhiên về nhân quả một cách đương nhiên. Người ta tin rằng hồn ma của người ta, sau khi chết có thể trở về dương thế để đòi những món nợ nhân quả chưa thanh thỏa được lúc sanh tiền. Thuở xưa, trước mỗi kỳ thi đều có lễ Tiến Trường do quan chủ khảo thay nhà vua làm chủ tế, nghĩa là mời gọi các sĩ tử vào trường thi để dự thí. Các học trò đi thi (sĩ tử) làm bài thi hay hay dở, ngoài cái tài học của mình là lẽ đương nhiên, còn phải tùy thuộc vào sự báo ân báo oán mà những hồn ma của những người đã chết khuất mày khuất mặt…

Sau khi tế Tiến Trường xong, giấy vàng bạc được hóa (đốt) và tưới ruợu, thì loa sẽ gọi lớn rằng:

(Những hồn ma báo oan xin mời vào trước
Những hồn ma báo ân xin mời vào sau
Còn học trò dự thí, sẽ vào sau rốt…)

Thành ra thi đậu hoặc thi trượt của một người học trò phải có sự chứng giám của thế giới thiêng liêng… Đọc cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, trong chuyện Báo Oán, có một chuyện một người học trò rất giỏi mà văn bài thường làm xuất sắc trong các kỳ thi khảo hạch thường xuyên đến nỗi được thiên hạ gọi tên là ông Đầu Xứ. Thế mà đi thi lần nào cũng trượt chỉ vì bị một hồn ma của một người chết oan ức trong gia đình hiện về trả thù khiến cho ông Đầu Xứ này lúc làm văn bài bị đau bụng dữ dội và xây xẩm mặt mày không viết trọn được bài thi… Đó là chuyện Báo Oán, còn chuyện Báo Ân thì cũng lắm chuyện ly kỳ. Dân Á Đông tin rằng trên Thiên Đình có một vị thần gọi là Văn Xương Đế Quân cai quản việc văn chương thi cử ở trần gian. Dưới quyền Văn Xương có hai vị thần phụ tá, vị thần Chu Y mặc áo đỏ giúp cho những người năng làm việc thiện được thi đỗ. Nếu văn bài của họ bị kém thì thần sẽ nhập vào và cầm tay họ mà… viết văn giùm cho họ. Còn đối với kẻ ác đức tuy rằng học giỏi thần Khôi Tinh sẽ cố tình làm cho họ thi rớt bằng cách này hay cách nọ như đánh đổ mực trên giấy, hay vô ý viết lộn nét hay thừa nét vào những chữ phạm húy để họ phải phạm trường quy mà bị loại.

Những chuyện vừa kể trên nếu nhìn với con mắt trần gian xác thịt gọi là chuyện rủi rủi may may. Nhưng với quan niệm nhân quả tiền oan nghiệp chướng, phúc trạch tổ tiên thì chuyện họa phúc ở đời là chuyện thần kỳ, vì đầu óc con người không thể hiểu thấu được để giải nghĩa mối giây liên hệ từ nhân đến quả.

Tóm lại, chữ Phúc của Á Đông bao hàm nhiều điều kỳ ảo tùy theo khía cạnh nhìn hoặc là sự may rủi, rủi may, hoặc là số trời tiền định, hoặc là nhân quả của nhà Phật v.v… Đầu năm tôi sưu tập nhiều hình vẽ hay tranh về chữ Phúc để cống hiến cho quý bạn một cái nhìn tạm gọi là tổng quan về nền văn hóa biểu tượng của Á Đông. Đây tạm kể như những bức thiệp mà tôi xin trân trọng gởi chúc mừng cho các bạn những chữ Phúc mà quý bạn cũng như tôi đều ước ao được có cho bản thân hay những người thân thích của mình.

Lê Văn Lân