NHẶT LÁ BỒ ĐỀ
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
TẬP III
Lời đầu sách
Tập Nhặt Lá Bồ Đề III này, cũng do các Thiền sinh ghi lại lời giảng dạy của Thầy Viện Chủ tại Tu Viện Chơn Không.
Nội dung tập sách này ngoài ghi lời giảng dạy của Thầy Viện Chủ, chúng tôi còn trích nguyên văn một số bài kinh giáo lý căn bản như Phật nói về giáo lý Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Nhân quả v.v… trong Trung Bộ Kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali (Phật nói hoặc Ngài Xá Lợi Phất lập lại lời Phật nói) để chúng ta cùng suy gẫm lời dạy thâm sâu của đức Phật.
Thật ra nếu nói chỗ thâm sâu của đức Phật là phải bàn đến lý “khai quyền hiển thật” của Ngài. Nghĩa là Ngài mở bày pháp môn phương tiện để dẫn dắt chúng sanh trở về với lý thật, nên tuy Ngài có giảng dạy muôn ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa, nhưng mục đích cứu cánh là đến chỗ vô ngôn, nếu còn ngôn thuyết thì chưa đến lý thật. Vì thế Phật đóng cửa thất ở nước Ma Kiệt Đà, Ngài Duy Ma Cật ngậm miệng ở thành Tỳ Da Ly là để nói lên lý thật ấy. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu qua lý quyền của Phật nói mà thôi.
Ngoài phần kinh trên, chúng tôi cũng cố gắng cô đọng lại những lời giảng dạy của Thầy Viện Chủ về đường lối tu tập của Tu Viện Chơn Không thành vài bài luận ngắn qua những kinh nghiệm tu tập và những gì học hỏi được nơi Thầy. Các tài liệu này quí vị đọc qua sẽ thấy rõ đường lối tu của chúng ta quả quyết y cứ kinh điển, lời Phật, Tổ dạy, chứ không gì xa lạ hoặc ai tự sáng chế. Đây là con đường Phật, Tổ đã vạch sẵn. Thầy Viện Chủ chỉ có công soi sáng lại con đường ấy mà thôi.
Qua những tài liệu trong tập sách này cũng như các tập sách trước chúng tôi đã ghi, tuy không đầy đủ lắm, nhưng cũng nói lên được phần trọng yếu trong việc tu tập hằng ngày của Tu Viện. Mong rằng những tập tài liệu nhỏ này sẽ là kim chỉ nam để giúp chúng ta tu tập hầu đạt được lý tưởng giải thoát cao đẹp của người tu Phật.
Viết tại Tu Viện Chơn Không
Ngày đầu xuân năm Bính Dần 1986
Thay mặt các Thiền Sinh
THÍCH PHƯỚC HẢO
Phần I: Trích Giảng Kinh A Hàm
1. Công đức bát quan trai
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy: “Người tu tập bát quan trai giới thanh tịnh chỉ trong một ngày đêm hơn một đời vua cai trị toàn xứ Ấn Độ”.
Bình:
Tại sao tu “Bát quan trai giới” thanh tịnh chỉ một ngày đêm mà được phước nhiều như thế? Y cứ trong kinh Phật dạy: Người tu pháp “Bát quan trai giới” thanh tịnh trọn một ngày đêm (24 giờ) sau khi lâm chung có thể được sanh lên các cõi trời Dục giới hoặc Sắc giới như: Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất v.v…
Y theo kinh giải thích do công đức tu hành có sai biệt nên tuổi thọ của chư Thiên các cõi này không đồng:
(Trời Tứ Thiên Vương sống lâu 500 tuổi (50 ngày của chúng ta (nhân gian) dài bằng một ngày cõi trời Tứ Thiên Vương).
(Trời Đao Lợi sống lâu 1000 tuổi (100 ngày đêm của chúng ta dài bằng một ngày đêm cõi trời Đao Lợi).
(Trời Dạ Ma sống lâu 2000 tuổi (200 ngày đêm ở cõi người dài bằng một ngày đêm cõi trời Dạ Ma).
(Trời Đâu Suất sống lâu 4000 tuổi (400 ngày đêm ở cõi người dài bằng một ngày đêm cõi trời Đâu Suất).
Chúng ta có thể dùng pháp tính nhân, nhân thử tuổi thọ của các cõi Trời, so với thời gian tuổi thọ của cõi người chúng ta khác nhau thế nào, để thấy phước báu của mỗi cõi nhiều hoặc ít v.v… Phước báu và tuổi thọ của chư Thiên trong các cõi tuy nhiều như thế, nhưng phước ấy chỉ bằng một phần mười sáu của người tu Bát Quan Trai giới thanh tịnh mà thôi.
Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu thêm: Ở đây sở dĩ Phật nói, quả báo của các cõi Trời thù thắng như thế là để khích lệ hàng Phật tử tại gia tu tập hạnh xuất thế, có lòng hâm mộ mà họ tiến lên từng bước.
Mục đích cứu cánh của Phật dạy là người tu tập phải cầu ra khỏi ba cõi đạt đến Phật quả mới là viên mãn. Vì phước báu cõi trời còn trong vòng hữu hạn chưa phải cứu cánh giải thoát.
2. Trị bệnh ngủ gật
Trong Tăng Chi Bộ Kinh chép: Một hôm Phật dùng thiên nhãn quan sát nơi khu rừng chư Tăng ẩn tu, thấy ngài Mục Kiền Liên đang tọa thiền bị ngủ gật, Phật liền đến dạy:
(Nếu ông ngồi bị ngủ gật nên khởi tưởng để đánh tan ma ngủ gật. Trường hợp khởi tưởng không hết thì quán pháp. Quán pháp không hết thì tụng đọc kệ chú. Tụng đọc kệ chú nếu không hết, dùng hai tay nắm hai trái tai kéo xuống, xoa tay, xoa chân. Nếu còn ngủ nữa thì đi rửa mặt. Nếu rửa mặt không hết ra ngoài xem trăng, xem sao hoặc quán ánh sáng. Quán ánh sáng không hết thì đi kinh hành trụ tâm ở trước. Cuối cùng nếu không hết thì nằm như sư tử (nghiêng phía tay mặt hai chân chồng lên).
Bình:
Thùy miên là một món phiền não trong năm món phiền não (ngủ cái) che đậy chân tánh chúng sanh. Nó là cái nhân làm cho chân tánh bị lu mờ, trí tuệ không phát sanh được (dù một món cũng có hại). Vì thế, người tu Thiền định muốn được tam muội phải xua đuổi con ma thùy miên không cho đến gần. Những phương tiện Phật dạy trên là cây roi sắt đập mạnh vào con ma buồn ngủ. Đuổi mạnh và đuổi nó đi xa thật xa, không cho nó bén mảng đến chỗ chúng ta ngồi tu.
3. Lựa chỗ y chỉ
Trong Tăng Chi Bộ Kinh dạy: “Người xuất gia phải lựa chỗ y chỉ và chỗ không nên y chỉ”.
1. Chỗ ở nào những điều ác tăng trưởng, điều thiện tổn giảm, lại không đủ tứ sự cúng dường (cơm ăn, áo mặc, giường chỏng, thuốc thang). Phật nói: Nên đi, khỏi thưa thầy trụ trì.
2. Chỗ ở nào những điều ác tăng trưởng, điều thiện tổn giảm, dù đầy đủ tứ sự cúng dường, cũng nên đi, khỏi thưa thầy trụ trì.
3. Chỗ ở nào những điều ác tổn giảm, điều thiện tăng trưởng, dù thiếu bốn việc cúng dường vẫn kiên nhẫn tu học.
4. Chỗ ở nào những điều ác tổn giảm, điều thiện tăng trưởng và được bốn việc cúng dường đầy đủ dù có bị đuổi cũng cố gắng xin ở lại tiếp tục tu học.
Bình:
Bốn trường hợp trên Phật đặt ra cho người xuất gia lựa chọn để tu tiến. Bởi vì mục đích người xuất gia là giải thoát sanh tử, mà muốn giải thoát sanh tử phải thâm hiểu Phật pháp. Có thâm hiểu Phật pháp mới thực hành đúng lời Phật dạy để phá dẹp phiền não dứt hết mê lầm. Do đó khi vào chùa (Tinh Xá) chúng ta phải đặt điều kiện tu học lên trên. Nếu chỗ nào có điều kiện tu học. Giúp chúng ta tăng trưởng pháp lành, tổn giảm pháp ác thì nên ở. Trái lại, nên tìm nơi khác, dù cho chùa đó có đầy đủ bốn việc cúng dường chúng ta cũng không nên ở. Còn như bốn việc cúng dường dù thiếu thốn mà có tu tiến ta phải cố gắng nương ở tu học.
4. Niệm ác và người thù
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói: Người thù địch có bảy điều kiện mong cho kẻ thù với mình:
1. Mong cho kẻ thù với mình nhan sắc xấu xí.
2. Mong cho kẻ thù với mình ngủ không được.
3. Mong cho kẻ thù với mình không được lợi ích, thường tổn giảm.
4. Mong cho kẻ thù với mình bị phá sản.
5. Mong cho kẻ thù với mình không được danh vọng.
6. Mong cho kẻ thù với mình không được bạn bè.
7. Mong cho kẻ thù với mình chết đọa đường dữ.
Bình:
Xét bảy điều Phật nói trên có đúng với tâm lý chúng ta không? Nếu ai là người mình thù địch thì mình đâu thích họ có sắc đẹp mà muốn họ xấu xa. Và muốn họ luôn luôn bất an mất ngủ, muốn cho họ tổn hại, mất mát tài sản danh vọng, nhẫn đến cho bạn bè lánh xa họ. Cuối cùng muốn cho họ khi chết bị đọa địa ngục.
Những điều mong muốn trên là quan niệm trả thù. Tuy mình không dùng hành động độc ác với người thù, nhưng lúc nào cũng muốn cho người thù của mình gặp nhiều tai biến họa lụy v.v…
Những quan niệm như thế xét theo thói thường thì miễn bàn, nhưng xét sâu về đạo lý là một điều tổn hại rất lớn. Tại sao? Trước xét việc gần gũi nhất là ngay tâm niệm mình: Một khi muốn cho người ta khổ, khi khởi niệm muốn đó lòng mình có vui chăng, hay chính cái niệm đó làm cho lòng mình bức rức, cảm thọ khổ sở bất an? Đó là chưa nói đến gặp trường hợp trái ngược, mình muốn người ta khổ mà trái lại họ được vui, thì tâm niệm chúng ta lúc đó thế nào? Muốn cho người ta mất mà họ vẫn được, muốn cho người ta xấu, mà họ vẫn tốt v.v… Chúng ta sẽ bực bội đến đâu? Thế nên những mong muốn ấy đều không lợi lạc mà tổn thương tâm niệm chính mình.
Xa hơn chúng ta xét về lý nhân quả: Sở dĩ có niệm ân oán với nhau, đều có nguyên nhân. Một người chưa quen biết, mới gặp nhau là ta có cảm tình ngay và muốn giúp đở tất cả những gì họ muốn cần. Trái lại, cũng một người chưa từng quen thuộc vừa gặp mặt liền sanh bực bội, không muốn nhìn họ, và từ khước mọi giúp đở, mặc dù họ cần đến ta. Những điều đó không có chi lạ, là do chúng ta với những người ấy đã tạo “ân” hay “oán” thuở quá khứ… Còn rất nhiều khía cạnh khác, đây chúng tôi chỉ nêu vài trường hợp điển hình mà thôi.
Vậy, muốn cho tâm được mát mẻ, thư thới y cứ lời Phật dạy, chúng ta phải xem oán thân bình đẳng, nghĩa là dứt hết niệm “ân” và “oán”. Vì người ân giúp ta chính là những người ta từng giúp họ, bây giờ họ giúp lại ta, người oán hại ta là ta đã từng gây khổ đau cho họ, nên bây giờ họ đối xử tệ bạc với ta. Việc ấy chỉ trong vòng vay trả. Hơn nữa, phải quán tất cả mọi người đều là bà con thân thuộc của chúng ta, nếu không đời này cũng nhiều đời trước. Dù họ có lỗi lầm chút ít ta nên tha thứ, đâu nỡ thù ghét họ. Hiểu như vậy thì ta dứt được niệm ân và oán. Nhờ dứt niệm ân oán nên sợi dây ân oán bị cắt đứt. Khi ân oán dứt tâm ta không an tịnh là gì?
Lục Tổ dạy: “Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ”. Vậy ta muốn ngủ ngon giấc thì phải dứt niệm “oán thân”.
5. Tám căn cứ lười biếng
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy: Chúng sanh có tám căn cứ lười biếng. Thế nào là tám?
1. Ta có việc sẽ làm (bởi vì có việc sẽ làm nên ưng nằm nghỉ để mai làm).
2. Ta có việc đã làm (vì đã làm mệt nên nghỉ cho khỏe).
3. Ta có việc sẽ đi (mai sẽ đi đâu nên nghỉ để đi)
4. Ta có việc đã đi (đi đường dài mệt nằm nghỉ cho hết mệt).
5. Đi khất thực được thức ăn không như ý (ăn thiếu ưng nằm nghỉ để khỏi đói).
6. Khất thực như ý (ăn no tu không được, để hết no sẽ tu).
7. Bệnh ít ít (có chút ít bệnh, nghỉ cho khỏe).
8. Bệnh nhiều mới khỏi (Bệnh mới khỏi nên dưỡng cho mau bình phục sẽ tu).
Trái lại, Phật dạy nên biết chuyển đổi quan niệm sẽ thành tinh tấn. Chuyển đổi quan niệm thế nào?
1. Nếu ngày mai có việc sẽ làm ta nên khởi nghĩ: Mai ta có việc phải làm, nay phải ráng tu để mai tu không được.
2. Nếu làm xong việc ta nên khởi nghĩ: Hôm qua bận việc, nay đã làm xong ráng tu bù lại hôm qua tu ít.
3. Ngày mai có việc đi đâu ta nên khởi nghĩ: Mai sẽ đi không tu được, nay rán lo tu.
4. Khi đã đi qua con đường dài ta nên khởi nghĩ: Đã đi không tu được, đi xong phải rán tu.
5. Khi nhận thức ăn (khất thực) không như ý ta nên khởi nghĩ: Ăn ít bụng nhẹ dễ tu.
6. Khi nhận thức ăn (khất thực) như ý ta nên khởi nghĩ: Được cúng dường đầy đủ ráng tu để khỏi thiếu nợ thí chủ.
7. Khi bệnh chút ít ta nên khởi nghĩ: Bệnh còn ít ráng tu để bệnh nhiều tu không được.
8. Khi bệnh nặng đã hết nên khởi nghĩ: Bệnh lâu không tu được nay khỏi bệnh ráng tu bù lại.
Bình:
Xin nhắc lại, tám căn cứ giải đãi nêu trên là những điều thiết thực, mà người tu dễ bị gạt. Bởi bị lừa gạt nên xuôi thuận chiều ăn ngủ mà không tiến đạo. Trái lại, nếu một phen biết chuyển tâm niệm như đã giải thích trên thì nó sẽ giúp ta tiến lên đến đạo giải thoát.
Chúng ta vẫn còn nhớ gương đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng Ngài Di Lặc đồng thời tu. Đức Bổn Sư do tinh tấn mà nay đã thành Phật, trái lại đức Di Lặc vẫn còn làm vị Bồ Tát và sẽ thành Phật ở tương lai xa tít.
Vì thế, tinh tấn rất thiết yếu cho người tu tập các hạnh lành, bởi lẽ đó mà được sắp vào hàng thứ ba trong sáu pháp Ba la mật.
6. Lưới ái
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy: Nam nhân bị nữ nhân trói buộc bởi tám điều kiện:
1. Nhan sắc
2. Tiếng cười
3. Tiếng nói
4. Giọng ca
5. Nước mắt
6. Quần áo
7. Vật tặng
8. Xúc chạm.
Trái lại, nữ nhân cũng bị nam nhân trói cột như thế.
Bình:
Đọc bài kinh trên chúng ta thấy lòng từ bi của Phật thương chúng ta đáo để. Ngài không ngại gì chỉ ra những lẽ thật mà tất cả chúng ta đều lầm mê. Bởi lầm mê nên bị ân ái trói cột, và trói cột mãi mãi không có ngày buông tha! Kết quả chỉ chấp nhận tất cả khổ đau, không có một chút hạnh phúc an lạc chân thật. Tuy như thế mà chúng ta vẫn điên đảo si mê, để rồi phải chịu khổ đau vĩnh kiếp!
Tám điều kiện Phật nêu trên là những nguyên nhân tạo thành sợi dây cột chúng sanh trong vòng khổ đau phiền lụy. Sợi dây này không gì khác hơn là sợi dây “ái nhiễm”. Sợi giây ấy tuy vô hình, nhưng nó trói cột rất chặt và cũng khó cắt đứt. Nó có sức thu hút rất mạnh như “nam châm hút kim loại”. Vì thế Phật dạy: “Tỳ Kheo phải lánh xa nữ sắc, như người đội cỏ khô, sợ không dám gần lửa…” Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Người tu hành phải tránh xa nữ sắc (nam sắc) như tránh xa rắn độc, lửa dữ. Rắn độc, lửa dữ giết người chỉ trong một kiếp, nữ sắc (nam sắc) giết người nhiều kiếp!”.
Lại nữa, trong Kinh Pháp Hoa, phẩm An Lạc Hạnh, Phật dạy: “Chỗ thân cận của người tu hành là chẳng nên gần gũi Quốc vương, Vương tử, Đại thần v.v… Cho đến chẳng nên ở nơi thân người nữ cho là tướng có thể sanh tư tưởng dục nhiễm, mà vì nói pháp. Nếu vào nhà người chẳng cùng gái nhỏ, gái trinh, gái góa v.v… chung nói chuyện, lại cũng chẳng gần người bất nam (chẳng phải nam, chẳng phải nữ) để làm thân hậu.
Chẳng riêng mình vào nhà người. Nếu lúc có nhân duyên cần riêng mình vào thời chuyên một lòng niệm Phật. Nếu vì người nữ nói pháp thời chẳng hở răng cười, chẳng bày hông ngực, nhẫn đến vì pháp mà còn chẳng thân hậu, huống lại là việc khác…”
Đây là những điều thiết yếu mà Phật dạy người tu phải răn dè, cẩn thận trong khi giao tiếp với nhau mới khỏi gây ra những hiểm họa khó tránh.
Vậy ai là người có chí xuất trần muốn ra khỏi sanh tử, phải y theo lời Phật dạy trên để thúc liểm thân tâm, trau dồi trí tuệ cho sắc bén hầu cắt đứt sợi dây triền phược của luyến ái, chứng quả Niết Bàn, an lạc.
7. Pháp nhị hành
Một hôm đức Phật ở trong thành Tỳ Xá Ly, tại Đại Lâm. Bấy giờ có vị Tướng quân Siha, đệ tử của Nigantha (phái ngoại đạo Ni Kiền Tử) đến viếng Phật, ông hỏi:
(Thưa Gotama, tin đồn Ngài chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và dùng pháp không hành động chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương hành động, thuyết pháp hành động và dùng pháp hành động chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp đoạn diệt và dùng pháp đoạn diệt chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương pháp hư vô, thuyết pháp hư vô và dùng pháp hư vô chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương nhàm chán, thuyết pháp nhàm chán và dùng pháp nhàm chán chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và dùng pháp khổ hạnh chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương không nhập thai, thuyết pháp không nhập thai và dùng pháp không nhập thai chỉ dạy đệ tử. Ngài chủ trương an ủi mọi người, thuyết pháp an ủi và dùng pháp an ủi chỉ dạy đệ tử v.v… Tin ấy có đúng hay họ xuyên tạc Ngài?
Phật đáp:
(Sa Môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và chỉ dạy đệ tử pháp không hành động. Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp hành động và chỉ dạy đệ tử pháp hành động. Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp đoạn diệt và chỉ dạy đệ tử pháp đoạn diệt. Gotama chủ trương nhàm chán, thuyết pháp nhàm chán và chỉ dạy đệ tử pháp nhàm chán. Gotama chủ trương hư vô, thuyết pháp hư vô và dạy đệ tử pháp hư vô. Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và chỉ dạy đệ tử pháp khổ hạnh. Gotama chủ trương không nhập thai, thuyết pháp không nhập thai và chỉ dạy đệ tử pháp không nhập thai. Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và chỉ dạy đệ tử pháp an ủi (Lời Phật xác nhận với Tướng Siha và Ngài giải thích tiếp).
Này Siha!
Thế nào Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và chỉ dạy đệ tử pháp không hành động? Gotama không hành động đối với thân làm ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác, thuyết pháp và chỉ dạy đệ tử theo chiều dừng điều ác.
Thế nào Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp hành động và chỉ dạy đệ tử pháp hành động? Gotama chủ trương hành động thiện, thuyết pháp hành động thiện, thân miệng ý hướng chiều thiện…
Thế nào Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp đoạn diệt và chỉ dạy đệ tử pháp đoạn diệt? Gotama đoạn diệt tham sân si, thuyết pháp đoạn diệt tham sân si và chỉ dạy đệ tử pháp đoạn diệt tham sân si.
Thế nào Gotama chủ trương nhàm chán, thuyết pháp nhàm chán và chỉ dạy đệ tử pháp nhàm chán? Gotama nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, thuyết pháp nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, và chỉ dạy đệ tử pháp nhàm chán ấy. Thế nào Gotama chủ trương hư vô, thuyết pháp hư vô và chỉ dạy đệ tử pháp hư vô? Gotama chủ trương hư vô tham, hư vô sân, hư vô si, thuyết pháp hư vô tham, hư vô sân, hư vô si và chỉ dạy đệ tử pháp hư vô tham, hư vô sân, hư vô si.
Thế nào Gotama chủ trương khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và chỉ dạy đệ tử pháp khổ hạnh? Gotama chủ trương khổ hạnh và các pháp bất thiện, kể cả thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác đoạn tận như chặt đứt gốc cây ta la, thuyết pháp đoạn tận và chỉ dạy đệ tử những pháp ấy.
Thế nào Gotama chủ trương không nhập thai, thuyết pháp không nhập thai và chỉ dạy đệ tử pháp không nhập thai? Gotama đã đoạn không nhập thai ở tương lai, sự tái sanh đoạn tận gốc rễ không cho sanh khởi ở tương lai và chỉ dạy đệ tử cũng pháp ấy.
Thế nào Gotama chủ trương an ủi mọi người, thuyết pháp an ủi và chỉ dạy đệ tử pháp an ủi? Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và luôn luôn dạy đệ tử pháp an ủi mọi người.
Tướng Siha nghe Phật nói xong rất hoan hỷ tán thán: Thế Tôn thuyết pháp vi diệu, như dựng đứng lại vật bị quăng ngã, như phơi bày ra vật bị che kín, chỉ đường kẻ lạc hướng, như đem đèn vào bóng tối cho kẻ sáng mắt được thấy đường v.v… Xin Thế Tôn nhận cho con quy y làm đệ tử và nguyện hết lòng hộ trì Tam bảo.
Phật bảo:
(Này Siha, hãy chín chắn suy nghĩ, chín chắn suy nghĩ kỹ! Có suy nghĩ chín chắn mới tốt, nhất là đối với người danh vị lớn như ngươi!
Qua câu nói không vướng bận lợi danh khiến cho Tướng Siha rất khâm phục Ngài, và thành kính một lần nữa ông thưa: Xin Đức Thế Tôn nhận cho con được quy y và hộ trì Tam Bảo.
Phật dạy tiếp:
(Đã từ lâu gia đình ông là giếng nước mưa nguồn cho người Nigantha, vậy ngươi nên tiếp tục ủng hộ họ. Hãy dành các thức ăn cúng dường cho những ai đến với ngươi.
Với tâm lượng bao dung của đức Phật, không phân chia bỉ thử, ta người của Ngài khiến cho Tướng Siha càng thêm kính mến và khâm phục đức Thế Tôn.
Bây giờ Phật thuyết cho Tướng Siha về bố thí, trì giới, sanh thiên, tai hại của sự ô nhiễm dục lạc v.v… Siha thâu nhận lời Phật dạy rất nhanh chóng. Phật tiếp nói pháp Tứ Đế… khiến Siha tỉnh ngộ. Sau giờ thuyết pháp Siha thỉnh Phật và chư Tăng hôm sau về nhà ông cúng dường. Phật nhận lời.
Hôm sau Phật đến nhà Siha thọ trai, tướng Siha thiết trai cúng dường Phật những món thượng vị, và tự tay ông bưng sớt cúng dường Phật và chư Tăng.
Do lòng đố kỵ của ngoại đạo Nigantha nên họ dùng kế hạ uy tín Phật, họ bèn đánh trống chiêng rao khắp nẽo đường phố nói: “Tướng Siha giết vật cúng Gotama, Gotama biết mà vẫn ăn”.
Tin ấy lan khắp mọi nơi… Có người đến báo cáo với Tướng Siha, ông nói:
(“Đã lâu các người ấy muốn chỉ trích đức Phật và chư Tăng nhưng không cơ hội để họ nói. Những điều xuyên tạc ấy đều vô cớ, trống rỗng không đúng lẽ thật”.
Phật thọ trai xong, Ngài thuyết pháp sách tấn cho Tướng Siha và những người thân thuộc. Nghe pháp xong mọi người đều rất vui mừng tin nhận rồi lui. Phật trở về tinh xá.
(Trích lược Tăng Chi Bộ Kinh).
Bình:
Qua bài kinh trên chúng ta thấy sự cảm hóa khéo léo nhiệm mầu của đức Phật. Ngài cảm hóa thế nào? Có phải Ngài dùng uy quyền thế lực để áp bức kẻ khác theo mình chăng? Có phải Ngài dùng xảo thuật thu hút người khác chăng? Có phải Ngài dùng lời lẽ hay, khéo léo lôi cuốn người chăng? Không! Hoàn toàn không! Ngài chỉ dùng đạo đức và hành động chân thật để cảm hóa người.
Qua lời xuyên tạc của ngoại đạo gắn cho Ngài là xấu, dở, chủ trương những cái vô lý thấp hèn như: Gotama chủ trương không hành động, có hành động, nhàm chán, đoạn diệt, hư vô v.v… Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên không phản đối, và vẫn ung dung giải thích lập trường đúng với chánh pháp làm cho Tướng Siha phải cảm thán tinh thần cao thượng và giáo lý siêu việt của Ngài, ông bèn bỏ ngoại đạo xin quy y, tích cực ủng hộ Tam Bảo.
Khi thuyết phục được một người có uy tín lớn của ngoại đạo như Tướng Siha và ông ta xin quy y Tam bảo, lý đáng Phật cũng hãnh diện chấp thuận và khuyến khích Tướng Siha, lấy uy quyền lôi cuốn người dưới tay mình theo Phật, để uy tín Ngài càng lên cao, không ngờ Phật ngăn lại: “Này Siha, hãy chín chắn suy nghĩ, chín chắn suy nghĩ kỹ! Có suy nghĩ chín chắn mới tốt, nhất là người có danh vị lớn như ngươi”.
Ở đây Phật dạy, những ai tin Ngài phải đủ trí phán đoán, nhận xét một cách thấu đáo sẽ tin. Như câu Phật thường nói: “Tin ta mà không hiểu ta là bài báng ta”. Hiểu trước tin sau, lòng tin mới vững chắc và giúp cho mình thêm trí tuệ. Trái lại, tin một cách mù quáng thì lòng tin yếu đuối, cạn cợt dễ bị người xuyên tạc và gạt gẫm v.v… vì không có trí tuệ. Đức Phật không chấp nhận chúng ta đến với Ngài bằng lòng tin như vậy. Do lập trường chân chánh và đầy đạo lý ấy nên Ngài thuyết phục được Tướng Siha.
Một điều nữa không kém phần đạo lý. Sau khi Tướng Siha trở thành một Phật tử đã phát nguyện tích cực cúng dường Tam Bảo v.v… lý đáng Phật khuyên giữ trọn lời hứa và khích lệ phục vụ cho Phật cùng đoàn thể của Phật (Pháp Tăng). Nhưng với tinh thần vô tư không chút vụ lợi, đặt đạo lý từ bi bình đẳng lên trên, Ngài dạy: “Đã từ lâu gia đình ngươi là giếng nước mưa nguồn cho người Nigantha, vậy ngươi nên tiếp tục ủng hộ họ. Hãy dùng thức ăn cúng dường cho những ai đến với ngươi”.
Thật cao cả thay cho lòng thương bao la của đức Phật, thương tất cả chúng sanh như một, không đặt riêng tư, không chia thân sơ, cao thấp… Thật xứng đáng với danh “Đạo sư của Trời Người, cha lành trong bốn loại” (Thiên nhân chi Đạo sư, tứ sanh chi Từ phụ).
Đoạn rốt sau, vì đạo hạnh của Ngài cao cả như vậy nên thu hút phần đông tín đồ phái Nigantha (Ni Kiền Tử) theo Phật, do đó họ tìm cách hạ uy tín Ngài bằng câu chuyện xuyên tạc trên. Nhưng Phật vẫn bình thản không chút phản kháng việc ngoại đạo vu khống. Ngài chỉ để Tướng Siha (đệ tử của phái Nigantha trước kia) xác minh mà thôi. Đây cũng là một điểm kỳ đặc nữa của đức Phật.
8. Phật thăm bịnh
Kinh Tạp A Hàm chép: Ngài Sa Mi Đề Quật Đa (Samitigutta) trong thời gian tu tập, Ngài mắc bệnh phong cùi nằm trong phòng Tăng chúng, chân tay dần dần bị lở loét hết, đau đớn vô cùng. Một hôm Phật đến thăm ông, sau khi săn sóc cho ông. Phật đặc biệt dạy ông lấy công án khổ cảm trong Tứ niệm trụ để quán tưởng. Sa Mi Đề Quật Đa liền chí thành tu pháp ấy và được giải thoát. Sau ông làm mấy câu kệ tự thuật như sau:
Kiếp trước gây nghiệp ác
Kiếp này chịu quả khổ
Nhân khổ của kiếp sau
Nay đã tiêu trừ hết.
Đến khi duyên hết, Ngài ra đi mà không biến sắc, ngồi thản nhiên nhắm mắt thị tịch.
Ngài Xá Lợi Phất có làm bài kệ khen ngợi rằng:
Dày công vun phạm hạnh
Khéo tu tám Đạo chánh
Vui vẻ đón cái chết
Như người khỏi bệnh nặng.
Bình:
Sanh, già, bệnh, chết là lẽ thường, không ai tránh khỏi, dù xuất gia hay tại gia cũng vậy. Ngài Si Mi Đề Quật Đa, đang khi tu mắc chứng bệnh phong cùi dường như tuyệt vọng. Tuy ông ở trong hoàn cảnh bi đát tột độ, nhưng nhờ gặp được chánh pháp mà ông thoát khổ hiện tại và ra khỏi sanh tử nhiều kiếp.
Khi ông bất lực trước những khổ đau ray rứt, vừa lúc Phật đến an ủi vỗ về và đem pháp lành giáo hóa, khiến ông nương đó tu tập mà được giải thoát. Pháp ấy chính là vị thuốc hay cứu ông cả hai thứ bệnh: vật chất lẫn tinh thần.
Phật dạy ông quán “khổ cảm” trong Tứ niệm trụ, tức bốn pháp trụ tâm (quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp) mà đây là pháp trụ tâm nơi cảm thọ khổ (khổ cảm).
Khi trụ tâm quán xét thấy khổ thọ không thật cho nên lần lần ông hết khổ, mặc dù thân ông vẫn có bệnh và ông bình thản khi thị tịch.
Ở một bài kinh khác Phật dạy: Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân”. Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của sinh mạng” và vị ấy tuệ tri rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung ở đây mọi cảm thọ cảm giác không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.
Ví như này các Tỳ Kheo do duyên dầu và tim bấc, một ngọn đèn được cháy đỏ, khi dầu và tim bấc khô cạn cháy hết, không được tiếp nhiên liệu thêm ngọn đèn ấy bị tắt. Cũng vậy, khi cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri rằng: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân”. Cho đến vị ấy tuệ tri rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.
Nghĩa là khi cảm thọ một cảm thọ đau khổ cùng tột, chúng ta vẫn tỉnh sáng rõ ràng trên cảm thọ đó, không khởi tham, sân, si tức chúng ta đã làm chủ được cảm thọ đó và đang trụ tâm trong thiền định. Vị ấy ra đi không để lại dấu vết!
Cũng cùng một trường hợp này, chúng ta hãy xét qua các vị Thiền Sư:
Ngài Động Sơn đến thăm một vị Tăng đang nằm bệnh, Tăng hỏi:
(Khi gió lửa phân ly sẽ về đâu?
Ngài Động Sơn đáp:
(Khi đến chẳng mang một vật, khi đi cũng thế ấy!
(Tuy nhiên thân con chẳng an (bị đau nhức).
(Thân đau nhức có cái chưa từng đau nhức.
(Cái không đau nhức thế nào?
(Ngộ thì trong gang tấc, mê thì cách núi đồi.
(Xin Hòa Thượng chỉ cho con đường sẽ hướng đến?
(Tối đen tợ như sơn, hiện tại tức thành lập
(Chỉ nhớ hiện tại, đừng nghĩ đến quá khứ vị lai…).
Xét qua ý Phật và ý Tổ đều đồng không khác. Sở dĩ chúng ta thấy có khổ có vui, vì chúng ta chạy theo thức tình phân biệt sống với ngoại cảnh mà quên hẳn nội tâm. Một khi nhận biết cảnh ngoài là duyên hợp tạm bợ. Có là duyên hợp, không bởi duyên tan, tan hợp bởi duyên của căn trần, chứ trong tánh thật không có tan và hợp. Vì vậy, nên Ngài Động Sơn nói: “Thân đau nhức có cái chưa từng đau nhức!”. Chúng ta hằng sống với cái chưa từng đau nhức, thì còn có gì làm động được đến ta.
9. Kinh Thiên sứ
Trong Trung Bộ Kinh, Phật bảo:
(“Này các Tỳ Kheo! Điều ta đang nói, ta không phải nghe từ một Sa Môn hay Bà La Môn nào khác.
Những điều ta đang nói chỉ được ta biết mà thôi, chỉ được ta thấy mà thôi, chỉ được ta hiểu mà thôi”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Ngài lại nói thêm như sau:
“Dầu Thiên Sứ báo động
(già, bệnh, chết).
Thanh niên vẫn phóng dật
Chúng ưu buồn lâu dài
Sanh làm người hạ liệt
Ở đây bậc Chân nhân
Được Thiên Sứ báo động
Không bao giờ phóng dật
Trong diệu pháp bậc Thánh
Thấy sợ trong chấp thủ
Trong hiện hữu sanh tử
Được giải thoát chấp thủ
Sanh tử được đoạn trừ
Được yên ổn an lạc
Ngay hiện tại tịch tịnh
Mọi oán hận sợ hãi
Các vị ấy vượt qua
Mọi đớn đau sầu khổ
Chúng đều được siêu thoát”.
Bình:
Trước tiên Phật xác định: Những điều Phật đang nói, chính do Ngài biết, Ngài thấy và Ngài hiểu chứ không phải do nghe các vị Sa Môn hay Bà La Môn nói. Những điều ấy là gì? Tức là già, bệnh và chết. Phật dùng bài kệ trên để giải thích.
Bốn câu kệ đầu chỉ cho kẻ phàm phu si mê, mặc dù già, bệnh, chết (Thiên Sứ) báo động, cho biết ai ai rồi cũng đi đến đó, nhưng họ vẫn buông lung đam mê ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Bởi đam mê ngũ dục, mà gây nghiệp thọ báo, chịu các đau buồn hiện tại và đời sau. Nếu có được sanh làm người cũng là kẻ hạ liệt thấp kém.
Sáu câu kệ sau Phật nói: Ở đây ngược lại các vị chân thật tu hành, biết rõ sự già, bệnh, chết, mau chóng, nên không một niệm buông lung, thường sống trong diệu pháp của Phật. Các vị này thấy sợ các chấp thủ và trong sanh tử hiện hữu. Do vậy giải thoát chấp thủ, sanh tử được đoạn trừ. Họ yên ổn an lạc, ngay hiện tại được tịch tịnh. Các vị ấy vượt qua mọi oán hận sợ hãi và mọi đớn đau sầu khổ.
Tóm lại đại ý Phật nói: Tai hại của người si mê dù biết già, bệnh, chết, không ai tránh khỏi mà vẫn buông lung chạy theo ngũ dục, nên hiện đời có nhiều lo âu sầu khổ, đời sau sanh làm người hạ liệt; và khen ngợi người có trí tuệ chân thật tu hành biết rõ sự già, bệnh, chết, vô thường mau chóng, nên không buông lung. Biết sợ sanh tử và niệm ái trước trong sanh tử, hằng cầu thoát ly sanh tử, kết quả họ sẽ được an lạc, tịch tịnh dứt mọi khổ đau phiền lụy được siêu thoát tự tại.
Đây là điều kiện cốt yếu mà người tu phải thường tỉnh giác. Nếu môt niệm xen hở (buông lung) tức bị sanh tử trói cột. Hằng nhớ tức là giải thoát.
Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Phải nghĩ đến lửa vô thường đang thiêu đốt thế gian, phải sớm cầu tự độ, chớ vì nhân duyên ngủ nghỉ (buông lung) mà để một đời qua suông không được lợi ích”.
Vậy ai là người thấy rõ ba cõi là nhà lửa đang bừng cháy, phải nương lời Phật dạy trên tinh tấn tu hành để độ mình và độ thoát chúng sanh ra khỏi nhà lửa ba cõi.
10. Tứ Diệu Đế
Trung Bộ Kinh chép: Tại thành Ba La Nại, vườn Lộc Uyển, Tôn giả Xá Lợi Phất gọi các Tỳ Kheo: Này Chư hiền, vô thượng pháp luân đã được Thế Tôn khai thị, tuyên thuyết, thị thuyết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ về Khổ, Tập, Diệt, Đạo Thánh đế.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Này Chư hiền! Thế nào là sanh?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại sự sản xuất, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này Chư hiền, như vậy gọi là sanh.
Này Chư hiền! Thế nào là già?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái răng rụng, trạng thái tóc bạc da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này Chư hiền như vậy gọi là già.
Này Chư hiền! Thế nào là chết?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này Chư hiền, như vậy gọi là chết.
Này Chư hiền! Thế nào là sầu?
Này Chư hiền! Với những ai gặp phải tai nạn này, hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự sầu của người ấy. Này Chư hiền, như vậy gọi là sầu.
Này Chư hiền! Thế nào là bi?
Này Chư hiền! Với những ai gặp phải tai nạn này, hay tai nạn khác, với những ai cảm bị đau khổ này hay đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này Chư hiền, như vậy gọi là bi.
Này Chư hiền! Thế nào là khổ?
Này Chư hiền! Sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không cảm khoái do thân không cảm thọ. Này chư hiền, như vậy gọi là khổ.
Này Chư hiền! Thế nào là ưu?
Này Chư hiền! Sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không cảm khoái do thân không cảm thọ. Này chư hiền, như vậy gọi là ưu.
Này Chư hiền! Thế nào là não?
Này Chư hiền! Với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này, hay đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này chư hiền, như vậy gọi là não.
Này Chư hiền! Thế nào là cầu bất đắc khổ?
Này Chư hiền! Chúng sanh bị sanh chi phối khởi sự mong cầu: Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ. Này Chư hiền, chúng sanh bị già chi phối, chúng sanh bị bệnh chi phối, bị chết chi phối, bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối. Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, ưu, não, khổ. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.
Này Chư hiền! Như thế tóm lại năm thủ uẩn là khổ như: Sắc thủ uẩn là khổ, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Chư hiền như vậy tóm lại năm thủ uẩn là khổ.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ Tập Thánh đế?
Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này hay chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này Chư hiền, như vậy gọi là Khổ Tập Thánh đế.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ Diệt Thánh đế?
Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy). Này Chư hiền, như vậy gọi là Khổ Diệt Thánh đế.
Này Chư hiền! Thế nào là Khổ Diệt Đạo Thánh đế?
Đó là Thánh đạo tám ngành, tức chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh tri kiến?
Này Chư hiền! Tri kiến về khổ, tri kiến về tập, tri kiến về diệt, tri kiến về khổ diệt đạo. Này Chư hiền, như vậy gọi là Chánh tri kiến.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh tư duy?
Này Chư hiền! Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này Chư hiền, như vậy gọi là Chánh tư duy.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh ngữ?
Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không nói ác khẩu, tự chế không nói ỷ ngữ. Này Chư hiền, như vậy gọi là Chánh ngữ.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh nghiệp?
hế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này Chư hiền, vậy gọi là Chánh nghiệp.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh mạng?
Này Chư hiền! Ở đây vị Thánh đệ tử, từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này Chư hiền, như vậy gọi là Chánh mạng.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh tinh tấn?
Này Chư hiền! Ở đây vị Tỳ Kheo đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi. Vị này nỗ lực tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các pháp ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt. Vị này nỗ lực tinh tấn, quyết tâm trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã khởi sanh, khởi lên ý muốn cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển viên mãn. Vị này nỗ lực tinh tấn, quyết tâm trì chí. Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh niệm?
Này Chư hiền! Ở đây vị Tỳ Kheo, sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm. Sau khi chế ngự tham ưu ở đời, trên các cảm thọ, trên các tâm. Quán pháp trên các pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm. Sau khi chế ngự tham ưu ở đời. Này Chư hiền như vậy gọi là Chánh niệm.
Này Chư hiền! Thế nào là Chánh định?
Này Chư hiền! Ở đây vị Tỳ Kheo, ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Vị ấy làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh, nhất tâm. Vị ấy sau khi xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Chư hiền, như vậy là Chánh định.
Tôn giả Xá Lợi Phất thuyết giảng như vậy. Các vị Tỳ Kheo ấy hoan hỷ tin thọ lời Tôn giả Xá Lợi Phất dạy.
Bình:
Tứ Diệu Đế cũng gọi là Tứ Thánh Đế. Chữ Tứ là bốn, chữ Diệu là nhiệm mầu, chữ Đế là chắc thật. Nghĩa là bốn lẽ thật nhiệm mầu. Phật nói bốn lẽ thật nhiệm mầu này dù trải qua thời gian, không gian vẫn không thay đổi. Hàng Thanh Văn nương theo bốn lẽ thật nhiệm mầu này mà giác ngộ giải thoát, tức là chứng tứ quả Thanh Văn (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán).
Tứ Đế này có hai phần: Một phần nhiễm, một phần tịnh, hay một phần nhân quả thế gian, một phần nhân quả xuất thế gian. Khổ, Tập là nhân quả thế gian (nhiễm). Diệt, Đạo là nhân quả xuất thế gian (tịnh), giải thoát sanh tử.
Giờ đây chúng ta hãy gẫm sâu từng phần của pháp Tứ Đế. Trước hết xét về phần Khổ, Tập là nhân quả của thế gian (pháp nhiễm). Trước Phật nói về cái quả khổ của sự sanh tử (gồm có tám khổ văn kinh đã nói) mà mỗi chúng sanh phải nhận lãnh trong ba cõi sáu đường. Các khổ ấy tuy có vô lượng, nhưng không ngoài hai thứ khổ căn bản: 1. Khổ về vật chất. 2. Khổ về tinh thần. Khổ về vật chất thì có sanh, già, bệnh, chết. Khổ về tinh thần thì có khổ yêu thích xa lìa, khổ oán hận gặp gỡ, khổ mong cầu không toại ý, khổ về năm ấm xí thạnh. Tóm lại, do chấp giữ năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà có các khổ. Tức là Khổ Đế…
Muốn dứt quả khổ sanh tử, Phật dạy phải đoạn trừ tập nhân (nguyên nhân tạo thành sanh tử). Nguyên nhân nào tạo thành sanh tử? Tức là phiền não. Phiền não có rất nhiều đến 84.000 phiền não trần lao, nhưng không ngoài sáu món căn bản phiền não là: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Aïc kiến lại chia: Thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến, tạo thành 10 kiết sử trói cột và sai sử chúng sanh luân chuyển trong ba cõi (căn cứ trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới thì gồm có 88 món Kiến hoặc, 81 món Tư hoặc).
Tóm lại, phiền não tuy nhiều nhưng gốc từ tam độc (tham, sân, si) mà ra, chỗ phát hiện của nó là thân, miệng và ý làm tập nhân sanh các phiền não, là Tập Đế.
Chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc của tam độc có từ đâu? Như trên đã nói cội gốc của tam độc do si mê mà có. Bởi si mê nên chấp ngã, vì chấp ngã nên phiền não theo đó mà sinh. Dụ như vì chấp thân này là thật, nên tìm mọi cách bảo vệ cho thân… nếu việc gì làm cho thân thỏa mãn thì ưa thích, trái lại thì giận ghét… Tất cả phiền não khổ đau theo đó mà khởi.
Vì vậy muốn đoạn trừ tập nhân sanh tử, Phật dạy phải dứt vô minh, tức là diệt trừ tâm si mê chấp ngã, khi tâm si mê chấp ngã hết, thì tham sân và các phiền não khác của theo đó mà dứt. Tức là chúng ta dứt được tập nhân sanh tử, là con đường tiến lên Diệt Đế (Niết Bàn).
Qua phần Diệt Đế, Đạo Đế là nhân quả xuất thế (tịnh) ra khỏi sanh tử.
Diệt đế tức là Niết Bàn. Niết Bàn là quả vị an lạc tịch tịnh, là mục đích của người tu Phật hướng đến. Niết Bàn gồm có hai thứ: 1. Hữu dư y Niết Bàn. 2. Vô dư y Niết Bàn. Niết Bàn Hữu dư y là Niết bàn mới diệt phiền não vẫn còn thân nghiệp báo ngũ uẩn. Niết bàn Vô dư y là Niết Bàn đã dứt được uẩn thân. Con đường tiến đến Niết Bàn là do dứt sạch ái nhiễm diệt tham, sân, si tức dứt được tập nhân trong ba cõi. Con đường tiến lên này là Đạo Đế.
Đạo Đế là con đường dẫn đến ly dục, ái tận, Niết bàn. Con đường ấy đúng với Chánh Pháp và hợp với chân lý, có khả năng đưa chúng sanh ra khỏi sanh tử. Đó là con đường Bát Chánh Đạo, tức tám con đường chánh, hướng đến quả giải thoát.
Tám con đường ấy là: 1. Chánh Kiến, 2. Chánh Tư Duy, 3. Chánh Ngữ, 4. Chánh Nghiệp, 5. Chánh Mạng, 6. Chánh Tinh Tấn, 7. Chánh Niệm, 8. Chánh Định.
Thế nào là Chánh Kiến? Tức là nhận biết pháp Tứ Đế như thật (lìa các tà kiến: Chấp có, chấp không, chấp đoạn, chấp thường).
Thế nào là Chánh Tư Duy? Tư duy về ly dục vô sân, bất hại.
Thế nào là Chánh ngữ? Không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói ỷ ngữ.
Thế nào là Chánh nghiệp? Giữ giới chân chánh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
Thế nào là Chánh mạng? Xa lìa tà mạng, thực hành chánh mạng (nghề nghiệp sinh sống chân chánh).
Thế nào là Chánh tinh tấn? Siêng năng đoạn ác tu thiện. Điều ác chưa sanh không để sanh, điều ác đã sanh khiến đoạn diệt, điều thiện đã sanh khiến sanh, điều thiện đã sanh khiến tăng trưởng.
Thế nào là Chánh niệm? Thường quán thân, quán thọ, quán tâm, quán tinh cần tỉnh giác để xa lìa tham ưu ở thế gian.
Thế nào là Chánh định? An trụ tâm trong Tứ thiền: 1. Do ly dục sanh hỷ lạc, 2. Do định lực kiên cố sanh hỷ lạc, 3. Do lìa được hai thứ hỷ lạc trên mà được cái vui diệu lạc, 4. Do xả được niệm khổ vui mà được đến chỗ tịch tịnh bất động.
Tóm lại, Tứ Diệu Đế là bốn lẽ thật do đức Phật phát minh. Bốn lẽ thật này chỉ cho chúng sanh thấy rõ cái khổ của sự luân hồi trong ba cõi (khổ đế) và nguyên nhân tạo thành sự luân hồi ấy (Tập Đế). Khi chúng sanh biết được khổ đau của luân hồi sanh tử và nguyên nhân tạo nên luân hồi sanh tử ấy mới khởi niệm xa lìa cầu giải thoát sanh tử. Bây giờ Phật mới chỉ thẳng mục đích thoát ly sanh tử là đạt đến Niết Bàn an lạc (Diệt Đế). Con đường đạt đến Niết Bàn chính là pháp Bát Chánh Đạo (Đạo Đế).
Vậy ai là người muốn dứt hết khổ đau trong sanh tử, được tự tại giải thoát, đến quả vô sanh, phải nương theo pháp Tứ Diệu Đế Phật dạy trên làm kim chỉ nam tiến đạo, con đường thoát ly sanh tử quyết định sẽ đến gần.
11. Lý duyên khởi
Trung Bộ Kinh chép: Ngài A Nan Đà bạch Phật:
(Bạch Thế Tôn! Cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: “Vị Tỳ Kheo thiện xảo về duyên khởi”.
(Ở đây này A Nan Đà, vị Tỳ Kheo nên biết như sau:
Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sanh, cái kia sanh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt, tức là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Aïi, Aïi duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, do duyên Sanh, Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi.
Như vậy, này A Nan Đà là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng do diệt trừ, sự diệt trừ, sự ly dục hoàn toàn của chính Vô Minh này, các Hành diệt, do các Hành diệt Danh Sắc diệt. Do Danh Sắc diệt Lục nhập diệt. Do Lục nhập diệt Xúc diệt. Do Xúc diệt Thọ diệt. Do Thọ diệt Aïi diệt. Do Aïi diệt Thủ diệt. Do Thủ diệt Hữu diệt. Do Hữu diệt Sanh diệt. Do Sanh diệt Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não đoạn diệt. Như vậy là đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy này A Nan Đà là vừa đủ để nói vị Tỳ Kheo thiện xảo về Duyên khởi.
Bình:
Phật chỉ nguyên nhân đưa con người vào đường sanh tử và mối manh giải thoát sanh tử một cách rõ ràng là 12 nhân duyên. Sự liên quan của 12 nhân duyên rất mật thiết, như sợi dây xích có 12 vòng… Khởi đầu của 12 vòng đó là Vô minh. Bởi một niệm bất giác nên hiện có Vô minh. Từ Vô minh nên có khởi niệm sanh diệt tạo nghiệp tức là Hành. Bởi do Hành thúc đẩy Thức đi thọ sanh tức là Thức. Thức và sắc chất hòa hợp thành bào thai gọi là Danh Sắc (vật chất và tinh thần). Do có Danh Sắc nên có Lục Nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Bởi có Lục Nhập nên có Xúc, có Xúc nên sanh cảm Thọ. Vì cảm thọ nên có thọ vui hoặc thọ khổ. Nếu thọ khổ thì sanh tắng (ghét), thọ vui thì sanh Aïi (ưa). Do Aïi nên muốn bảo vệ vật mình yêu thích tức có Thủ. Bởi chấp thủ nên mới có thân sau là Hữu. Do có thân sau nên mới có Già, Bệnh, Chết, Ưu, Bi, Khổ, Não. Đó là theo chiều lưu chuyển (sanh diệt) tức là theo chiều thuận của sanh tử.
Trái lại, nếu trí huệ quán sát dứt si mê điên đảo, tức là phá vô minh. Vô minh hết thì niệm sanh diệt cũng hết, tức là dứt hành. Hành diệt thì thức cũng hết (thức diệt). Thức hết thì danh sắc cũng hết. Danh sắc hết thì lục nhập cũng không, lục nhập không nên không có xúc, xúc không thì thọ cũng không, thọ không thì ái cũng không, ái không thì thủ cũng không, thủ không thì thân sau cũng dứt, thân sau dứt, sự già, chết, lo buồn, khổ não cũng theo đó đoạn dứt. Tu tập quán sát như thế gọi là “quán hoàn diệt”. Nghĩa là quán ngược chiều sanh tử để được giải thoát.
Tóm lại, nhìn vào 12 nhân duyên chúng ta thấy vô minh là chủ động đầu mối sanh tử, tiêu diệt vô minh là giải thoát sanh tử. Bởi đầu mối còn thì chi mạt ngọn ngành tiếp nối sanh trưởng, đầu mối diệt thì chi mạt ngọn ngành theo đó hết sạch.
Vậy nên người tu tập phải quán triệt lý nhân duyên của Phật dạy và dùng thanh kiếm trí tuệ sắc bén, thẳng tay chặt đứt sợi dây vô minh ràng buộc chúng ta trong nhiều kiếp để ra khỏi ngục tù sanh tử.
12. Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt
Tôi nghe như vầy:
Một hôm Thế Tôn ở thành Xá Vệ Kỳ Đà, tại tinh xá ông Cấp Cô Độc. Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn. Sau khi đi đến nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm rồi, liền ngồi xuống một bên. Thanh niên Todeyyyuputta bạch với Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi chúng là loài người, lại thấy có người liệt có người ưu? Thưa Tôn giả Gotama chúng ta thấy có người đoản thọ (chết yểu), có người trường thọ (sống lâu), có người nhiều bịnh, người ít bệnh, có người xấu sắc, có người đẹp sắc, có người quyền thế lớn, người quyền thế nhỏ, người tài sản lớn, người tài sản nhỏ, có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý, có người có trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ? Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau mà lại thấy có người liệt, người ưu?
Phật đáp:
(Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu.
(Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt không có nghĩa rộng rãi. Lành thay! Nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi, để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi, điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi, thì tôi không hiểu được.
(Vậy này thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm ta sẽ nói.
(Thưa vâng Tôn giả!
Rồi Thế Tôn nói như sau:
(“Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông sát sanh tàn nhẫn tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy. Sau khi thân hoại, mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu không sanh vào cõi dữ, mà được sanh làm loài người, chỗ nào nó sanh ra nó phải đoản mạng (chết yểu). Con đường ấy đưa đến đoản mạng. Này thanh niên tức là sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình.
Nếu từ bỏ sát sanh, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và các loại hữu tình. Do nghiệp ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, nếu sanh ở loài người được trường thọ, đó là con đường đưa đến trường thọ.
Ở đây, này thanh niên có người đàn bà hay người đàn ông tánh hay não hại các loại hữu tình với tay với cục đất hay với cây gậy, cây đao. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu không sanh vào cõi dữ mà được đến loài người, chỗ nào nó sanh ra nó sẽ bị nhiều bệnh hoạn, con đường ấy đưa đến bệnh hoạn. Này thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, cây đao.
Nhưng ở đây, này thanh niên, nếu từ bỏ não hại các loài hữu tình, có lòng từ đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung họ được sanh vào thiện thú. Nếu không sanh vào thiện thú, mà được sanh ở loài người thì được ít bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn.
Ở đây này thanh niên, có người đàn bàn hay đàn ông phẫn nộ, nhiều phật ý bị nói đến một chút thì bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận bất mãn. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ. Nếu sanh được ở loài người thì nó bị xấu sắc, con đường ấy đưa đến xấu sắc. Này thanh niên tức là phẫn nộ, bất mãn v.v…
Ở đây này thanh niên, nếu trái lại không phẫn nộ, không phật ý, không sân hận, bất mãn v.v… do nghiệp thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú. Nếu được sanh ở loài người thì được đẹp sắc. Này thanh niên, tức là không phẫn nộ, không phật ý, không sân hận, không bất mãn v.v…
Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông tật đố (ganh tỵ) đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ cúng dường, sanh tâm tật đố (ganh ghét) ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung nó sanh vào ác thú, nếu không sanh vào ác thú mà được sanh ở loài người thì nó chỉ được quyền thế nhỏ. Con đường đưa đến quyền thế nhỏ. Này thanh niên, tức là tật đố, ôm tâm tật đố.
Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tâm tật đố (tâm ganh tỵ) đối với ngững người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ cúng dường, không sanh tâm tật đố, không ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung họ được sanh vào thiện thú, nếu có được sanh ở loài người thì được quyền thế lớn, con đường ấy đưa đến quyền thế lớn. Này thanh niên, tức là không tật đố, không ôm tâm tật đố.
Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông không bố thí cho vị Sa Môn hay Bà La Môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, đạo xứ, địa ngục. Nếu không bị đọa xứ, địa ngục mà được sanh ở loài người thì nó chỉ được tài sản nhỏ.
Này thanh niên, nếu ngược lại thì sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, nếu sanh ở loài người thì được tài sản (tài sản lớn).
Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với những người đáng đứng dậy, không mời ngồi đối với những người đáng mời ngồi, không tôn trọng đối với những người đáng tôn trọng, không cung kính đối với những người đáng cung kính, không cúng dường đối với những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, đọa xứ, nếu sanh được ở loài người thì nó được sanh vào gia đình hạ liệt. Con đường đưa đến gia đình hạ liệt là không cúng dường những người đáng cúng dường v.v…
Nhưng ở đây, này thanh niên, nếu ngược lại thì sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú. Nếu sanh ở loài người, thì nó được sanh vào gia đình cao quí. Con đường đưa đến gia đình cao quý là cúng dường những người đáng được cúng dường v.v…
Ở đây này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi đến vị Sa Môn hay Bà La Môn không thưa hỏi: (Thưa Tôn giả! Thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi phải làm gì để không được lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi phải làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào ác thú, đọa xứ. Nếu sanh ở loài người thì ở vào loại trí tuệ kém. Con đường đưa đến trí tuệ kém, không được lợi ích và hạnh phúc lâu dài, tức là không thưa hỏi.
Nhưng ở đây, này thanh niên, nếu ngược lại tức là thưa hỏi. Do nghiệp ấy sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú. Nếu sanh ở loài người thì được đầy đủ trí tuệ, đó là con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, lợi ích an lạc lâu dài.
Ở đây này thanh niên, con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ, con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh, con đường đưa đến xấu sắc, dẫn đến xấu sắc, con đường đưa đến đẹp sắc, dẫn đến đẹp sắc, con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ, con đường đưa đến quyền thế lớn, dẫn đến quyền thế lớn, con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ, con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn, con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt, con đường đưa đến gia đình cao quí, dẫn đến gia đình cao quí. Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém, con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, dẫn đến đầy đủ trí tuệ.
Này thanh niên Subha Todeyyaputta các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu”.
Khi nghe nói như vậy, thanh niên Subha Todeyyaputta nói với Thế Tôn: “Thật vi diệu thay! Thưa Tôn giả Gotama. Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem ánh sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện, trình bày giải thích. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y pháp, quy y chúng Tỳ Kheo. Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung con trọn đời xin quy ngưỡng”.
Bình:
Nhìn chung trên nhân loại chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao cũng đồng sanh làm người lại có sự sai biệt: Như người sống lâu, kẻ chết yếu, người mạnh khỏe, kẻ thì đau ốm, người nhan sắc đẹp đẽ, kẻ thân thể xấu xa, người sanh ra có những tài sản, có quyền thế lớn lao, người sanh ra nghèo cùng hạ liệt. Cho đến phần tinh thần cũng khác: kẻ khôn, người dại, kẻ thông minh, người ngu tối v.v…
Ở đây Phật căn cứ theo nghiệp để giải thích. Phật dạy: “Các loài hữu tình là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu”.
Các loài hữu tình (Tất cả chúng sanh có tình thức) đều là chủ nhân ông của tạo nghiệp. Nghiệp là những tập quán, những thói quen do ta huân tập lâu đời thành nghiệp, như người tập uống rượu lâu thành người nghiền rượu, người tập đánh bạc lâu thành người cờ bạc v.v… nó phát xuất từ thân, miệng, ý của chúng ta chứ không phải từ đâu đem đến, nên gọi là “chủ tạo nghiệp”. Khi đã tạo thành nghiệp, chúng hữu tình luôn luôn bị lệ thuộc vào nghiệp, làm tôi đòi cho nghiệp, như đầy tớ bị chủ nhà sai khiến. Nên gọi là “thừa tự” của nghiệp.
Từ nghiệp chuyễn biến mà chúng hữu tình sanh các cảnh giới lành, hoặc dữ v.v… nên gọi nghiệp là “thai tạng”. Cuộc sống của các hữu tình đều hòa đồng với nghiệp không thể chia cách, như bà con thân thiết nên gọi là “quyến thuộc”. Nghiệp là chỗ nương tựa cho mạng sống của chúng hữu tình. Còn nghiệp thì mạng sống còn, hết nghiệp thì mạng sống cũng theo đó mà dứt, nên gọi nghiệp là “điểm tựa”. Các loài hữu tình bị luân chuyễn trong ba cõi sáu đường, đều do nghiệp dẫn và phân chia trong các cõi, nên gọi nghiệp “phân chia” các loài hữu tình. Chúng sanh có ưu liệt bất đồng gốc bởi do nghiệp không chi khác.
(Phần này nói tổng quát của nghiệp, chúng ta nên xem lại văn kinh để rõ thêm về chi tiết của nghiệp mà Phật đã giải thích qua bài “Kinh Tiểu nghiệp phân biệt” này).
Tóm lại, nghiệp là động cơ tạo thành cuộc sống sai biệt của con người. Nghiệp có sức mạnh lôi cuốn chúng sanh vào vòng lục đạo. Bởi nghiệp mà tạo nên quả khổ vui cho chúng sanh hiện tại và tương lai…
Nghiệp phát xuất từ thân, khẩu, ý. Nếu thân, khẩu, ý hướng về chiều thiện thì con người sẽ tiến lên địa vị cao hơn như các cõi Trời v.v… Trái lại, nếu hướng về chiều ác thì con người phải đọa xuống địa ngục, ngạ quỉ v.v… Vì thế mà có lục đạo luân hồi. Trong hiện đời mỗi hành động tạo nghiệp đều có kết quả hiện tại và mai sau.
Nghiệp có tác dụng lớn lao như thế, nên người tu phải thận trọng, trong mọi lời nói, mọi ý nghĩ, mọi việc làm, phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhất là đối với ý nghiệp càng phải thận trọng hơn. (Vì ý nghiệp là chủ động tạo nghiệp). Nghiệp đã tạo thì quả báo khó tránh. Kinh Nhân Quả có câu: “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời quả báo hoàn tự thọ”. Nghĩa là: Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất, khi đã đủ nhân duyên, quả báo tự mình chịu.
Vậy ai là người muốn hiện đời được an lạc hạnh phúc và sau khi lâm chung được kết quả sanh các cảnh giới lành phải tránh các điều dữ, làm các việc lành. Tiến lên một từng nữa, muốn ra khỏi luân hồi trong ba cõi, cũng phải giữ gìn ba nghiệp cho thanh tịnh, trì giới trang nghiêm, khiến phiền não vô minh lần lần dứt sạch, thì chắc chắn chúng ta sẽ thoát ly sanh tử, bằng chứng Phật dạy: “Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”.
13. Kinh Điều Ngự
Trung Bộ Kinh chép: Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:
Này Aggivesssana, sau khi vị Thánh đệ tử đã giữ giới Patimokkha đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong học pháp. Như Lai lại huấn luyện thêm cho vị đệ tử ấy. Hãy đến này Tỳ Kheo, hãy bảo hộ các căn, khi mắt thấy sắc chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn, khi tai nghe tiếng, mũi ngữi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức các pháp, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng.
Như Lai huấn luyện thêm vị Thánh đệ tử ấy: Hãy đến này Tỳ Kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, chân chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để tham mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấn trì phạm hạnh nghĩ rằng: “Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới. Và ta sẽ không phạm lỗi lầm sống được an ổn”.
Này Aggevessana, sau khi vị Thánh đệ tử đã tiết độ trong ăn uống. Như Lai lại huấn luyện thêm vị ấy: “Hãy đến này Tỳ Kheo, hãy chú tâm vào giác tỉnh. Ban ngày đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gội sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp, ban đêm trong canh một, trong khi đang kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gội sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp. Ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông phải, như dáng con sư tử nằm, chân gát lên chân với nhau, chánh niệm, tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gội sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp”.
Sau khi vị đệ tử đã chú tâm vào giác tỉnh. Như Lai lại huấn luyện thêm vị ấy. Này Tỳ Kheo, hãy thành tựu chánh niệm, tỉnh giác khi đi tới, khi đi lui, đều tự giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tự giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tự giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tự giác, khi đi đại tiểu tiện đều tự giác, khi đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói, yên lặng đều tự giác.
Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gội rữa tâm hết tham ái, từ bỏ sân hâün, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng thương xót tất cả chúng hữu tình, gội rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thùy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm, thùy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gội rửa hết tâm hôn trầm thùy miên. Từ bỏ trạo cử, hối quá, nội tâm trầm lặng gội rửa hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống với tâm thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gội rửa hết nghi ngờ đối với thiện pháp. Vị ấy sau khi đoạn trừ năm triền cái, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để điều phục tham ưu ở đời.
Vị Tỳ Kheo kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời và các loại bò sát, các ác ngữ, các lời nói chửi mắng, vị ấy sống quen kham nhẫn với những cảm thọ về thân thống khổ, đau nhói, đau đớn đến chết, được gội sạch về uế nhiễm, tham, sân, si. Vị ấy xứng đáng được cúng dường, cung kính, tôn trọng, chấp tay, là vô thượng phước điền trên đời.
Bình:
Bài kinh trên đây, là phương pháp Phật dạy cho Sa Môn, Bà La Môn tu hành ra khỏi sanh tử.
Người muốn ra khỏi sanh tử điều kiện trước tiên phải giữ giới thanh tịnh, đối với một lỗi nhỏ không trái phạm, các oai nghi đều đủ không thiếu khuyết. Kế đến phải bảo hộ các căn. Nghĩa là mắt thấy sắc không chạy theo sắc phân biệt tốt xấu, sanh tâm yêu ghét… Tai nghe tiếng, mũi ngữi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp cũng đều không khởi phân biệt. Mỗi khi có niệm tham ái lo buồn khởi lên, nên tìm xét tột nguyên nhân của nó và chế ngự kịp thời không để nó khuấy nhiễu. Hằng xa lìa các sắc tướng của sáu trần, khiến tâm ý được vắng lặng.
Đối với việc ăn uống phải tiết độ. Nghĩa là phải ăn uống có chừng mực, vừa đủ không tham thích món ngon vật lạ. Phải luôn luôn xét nghĩ: ăn uống để duy trì mạng sống, tiến tu đạo nghiệp chứ không phải vì để ngon miệng béo thân. Hằng xét nét như vậy để dứt trừ các cảm thọ yêu thích mùi vị. Khi tiết độ ăn uống xong. Phật dạy chúng ta lúc ngủ, lúc thức hằng phải tỉnh giác. Ban đêm lúc đầu hôm đi kinh hành hoặc ngồi gội sạch tâm trí khỏi chướng ngại pháp. Nghĩa là giữ tâm vắng lặng không để một pháp bất thiện xen vào (không cho vọng tưởng khuấy nhiễu). Giữa đêm nằm nghỉ đúng pháp của Như Lai, cuối đêm thức dậy kinh hành và hằng tỉnh giác, để xa lìa mọi pháp chướng ngại.
Sau khi chú tâm vào tỉnh giác, Phật dạy chúng ta phải thành tựu “chánh niệm tỉnh giác”. Nghĩa là đối với mọi động tác hằng ngày phải nhiếp tâm trong chánh niệm. Khi đi biết mình đang đi, khi đứng biết mình đang đứng, khi ăn cơm biết mình đang ăn cơm, khi rửa bát biết mình đang rửa bát v.v… không xen một niệm khác. Nghĩa là biết rõ mình từng phút giây không một niệm lãng quên.
Khi thành tựu “chánh niệm tỉnh giác”. Phật dạy người tu tập phải xa lìa năm món “triền cái” hằng che đậy tâm tánh, trí tuệ do đó mà không tăng trưởng được. Năm triền cái là: Tham dục (tham mê ngũ dục), sân hận (giận tức, buồn phiền), thùy miên (ngủ nghỉ, lười biếng), trạo hối (xao xuyến và hối hận), nghi (nghi ngờ, do dự đối với chánh pháp). Và dứt bỏ lòng tham ưu thế gian, khởi tâm đại bi thương xót tất cả chúng hữu tình.
Đã dứt “ngũ triền cái” xong, Phật dạy chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục. Nghĩa là đối với hoàn cảnh phải nhẫn chịu mọi sự lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, rắn, rết… cho đến kham nhẫn mọi tiếng gièm pha mắng chửi…tức là đối với tự thân phải nhẫn chịu mọi thứ đau đớn thống khổ bức bách, gội sạch uế nhiễm, tham, sân, si.
Phương pháp thực hành Phật dạy trên gọi là “chánh hạnh”, nó phù hợp với chánh pháp “bát chánh đạo” là con đường ly dục tịch tịnh an lạc giải thoát. Vì thế người muốn đạt đến quả vị Niết Bàn phải ngay nơi đây mà thực hành, khỏi phải tìm kiếm con đường nào khác nữa.
14. Đức Phật đáng kính
Một hôm, tại thành Xá Vệ, vườn ông Cấp Cô Độc. Buổi chiều sau khi thọ thực xong. Tôn giả Nancada đang thuyết pháp cho các Tỳ Kheo nghe. Vì hứng thú, phấn khởi Ngài thuyết quá dài. Lúc ấy, Thế Tôn từ chỗ tịnh cư đi đến, thấy cửa đóng và nghe bên trong Tôn giả Nancada đang thuyết pháp. Ngài bèn đứng lại bên ngoài nghe. Đợi khi Tôn giả Nancada thuyết xong, Thế Tôn mới tằng hắng và lấy tay gõ cửa, Tôn giả Nancada bước ra mở cửa. Phật nói:
(Ông nói pháp dài, ta đứng nghe đến mỏi lưng!
Tôn giả thưa:
(Con không biết Thế Tôn đến, nếu con biết Thế Tôn đến con sẽ nói ngắn lại.
Rồi Phật mới bảo:
(Các ông cùng hòa hợp với nhau nói pháp là tốt.
Bình:
Đọc qua bài kinh này, chúng ta thấy tư cách đức Phật có đáng cho mọi người tôn kính hay chăng? Dù là một bậc Thầy, Ngài vẫn không ỷ lại tư cách người trên làm mất sự trang nghiêm của hàng đệ tử. Giả sử chúng ta ở trường hợp này, có thể khiêm tốn đứng chờ ngoài cửa như vậy chăng? Hay là vừa mới đến thấy cửa đóng liền lấy tư cách một bậc Thầy, gõ cửa để mong cho người ra mở, khỏi phải nhọc nhằn đứng đợi. Thế là vừa làm đứt quảng thời pháp, lại gây phóng tâm cho người. Vậy nên câu nói của đức Phật: “Ông nói pháp dài, ta đứng nghe đến mỏi lưng!” khiến chúng ta đầy cảm kích. Quả là một cử chỉ khó ai bắt chước được. Một lần khác, khi Phật đi trên đường gặp đám trẻ đang chơi đùa bên những ụ cát, thấy Phật đi đến chúng hoảng hốt chạy tránh một bên, vừa nhìn Ngài như cầu cứu, lại vừa luyến tiếc nhìn mấy bức thành và mấy tòa nhà bằng cát tưởng chừng như sắp tan rã dưới bước chân Ngài. Và lạ thay! Thế Tôn bước tránh qua một bên đường…!
Sau bước chân Ngài đi qua, còn để lại những nét hoan hỷ trên từng gương mặt ngây thơ! Ngài vẫn tôn trọng đến những tâm hồn bé bỏng! Đúng là một hìình ảnh đẹp về bậc tôn quí. Nhân đây chúng ta nhớ lại câu: “Vạn đức từ dung” quả thật không sai! Chẳng những Ngài đẹp về hình tướng bên ngoài, mà đẹp cả về đức độ bên trong, cho đến đẹp giữa đời sống trí tuệ vô thượng. Do vậy, ngày nay chúng ta lạy Ngài là lạy trên những cái đẹp đó, không phải lạy vì để cầu Ngài ban bố cho nhiều phước lành, đó là chúng ta đã tự đánh mất ý nghĩa cao đẹp của một “Bậc Thầy đáng kính” vậy.
15. Phật xả tuổi thọ
Trong Tăng Chi Bộ kinh chép: Một hôm Phật đến thành Tỳ Xá Ly bảo A Nan và đại chúng đến Kapala nghỉ trưa. Phật nói với Ngài A Nan:
(Người đủ thần túc có thể kéo dài mạng sống một kiếp hoặc một kiếp còn lại.
Phật lập lại câu ấy ba lần, nhưng Ngài A Nan vẫn làm thinh.
Bấy giờ Phật xả tuổi thọ. Quả đất đều rung động.
Phật nói bài kệ cảm khái như sau:
Mạng sống có hạn hay vô hạn
Đạo sĩ xả bỏ không kéo dài
Nội tâm an lạc trụ Thiền định
Như thoát áo giáp tự ngã mang.
Bình:
Đọc đoạn kinh này, chúng ta có thắc mắc Ngài A Nan không? Vô tình hay cố ý mà khi nghe Phật gợi ý, Ngài có thể “kéo dài tuổi thọ” mà Ngài A Nan không thỉnh Phật trụ thế để lợi lạc cho quần sanh? Thật ra điều này cũng khó hiểu! Đâu phải Ngài A Nan không cảm mến đức Phật (Ngài A Nan là em của Phật, đồng thời làm thị giả cho Phật), hay không thấy sự có mặt của đức Phật là quan trọng? Về điểm này có nhiều chỗ giải thích: Do cơ duyên giáo hóa của Phật ở cõi này đã mãn, khiến cho Ma vương ám ảnh làm Ngài A Nan mất trí sáng suốt nên không kịp thưa thỉnh Phật trụ thế. Khi Phật đã tuyên bố xả tuổi thọ xong, Ngài hẹn ba tháng sau sẽ nhập Niết bàn (có lần Ma vương đến nhắc Phật Niết bàn, Phật lập lại lời hứa đó). Quả nhiên sau ba tháng Phật nhập Niết bàn.
Điều này có đáng cho chúng ta buồn không?
Chúng ta xét thêm về ý bài kệ Phật nói sau khi Ngài tuyên bố xả tuổi thọ:
“Dù mạng sống có thời hạn hay không thời hạn, đối với Đạo sĩ (Phật) không một chút tiếc nuối nên không kéo dài. Tâm Ngài vẫn vui vẻ và an trụ trong thiền định. Sự xả bỏ mạng sống này, như người cởi chiếc áo giáp đã mang, chúng không có gì quan trọng”.
Vậy Phật có tiếc thân không? Ngài không chút hối tiếc, mặc dù Ngài có đủ khả năng kéo dài mạng sống. Tại sao Phật không tiếc thân? Vì sự đến của Ngài là tùy duyên ứng hiện để giáo hóa lợi ích cho chúng sanh. Khi xong việc Ngài hết bổn phận. Việc ra đi của Ngài là lẽ dĩ nhiên chứ đâu có gì hối tiếc. Hơn nữa sự đến và đi của Phật chẳng qua ẩn nơi này hiện nơi khác chứ đâu có mất hẳn. Như vị bác sĩ giỏi, đến bệnh viện này trị lành các bệnh nhân, xong đi đến bệnh viện khác mà thôi. Ông bác sĩ đâu có mất.
Pháp thân Phật không có đến đi sanh diệt, tùy cơ duyên giáo hóa mà hiện có sanh diệt, đến đi nhưng tánh thể vẫn bất động. Đây là lý nhiệm mầu của đức Phật mà thường tình chúng ta không hiểu nổi. Vì thế, có người hỏi: Phật Niết bàn còn hay mất? Phật im lặng không đáp là nghĩa này vậy.
Xét rộng ra, tuy Phật không nói còn hay mất, song qua bài kệ trên đã ngầm ý cho chúng ta thấy:
Câu chót “Như thoát áo giáp tự ngã mang”. Nghĩa là sự nhập Niết bàn của Ngài cũng như người cởi chiếc áo đã mang vậy thôi, chớ có gì là còn hay mất. Do đó Thiền Sư Từ Minh cũng từng nói: “Sanh như đắp chăn Đông, tử như cởi áo Hạ”. Đó là việc sanh tử đối với người đạt đạo, ưng đến liền đến, ưng đi liền đi không gì ngăn ngại.
Còn chúng ta thì sao? Hãy xét kỹ điều này!