Lời tựa cho sách Gia Đình Bảo Giám

Xem khắp cổ kim, dù nhà hay nước, hưng thịnh, suy vong, bình yên, loạn lạc, chưa bao giờ chẳng lấy cái thân của cá nhân đang cầm quyền để làm cội gốc. Vì thế nói: “Cái gốc của thiên hạ là đất nước, cái gốc đất nước là gia đình, cái gốc của gia đình là thân”. Nhưng muốn nước nhà quật khởi, hưng thịnh, lại cần phải biết cái gốc để lập thân. “Cội gốc để lập thân” như tôi vừa nhắc đến chính là “dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, đôn đốc luân thường, tin sâu nhân quả, dè dặt kiêng sợ, chỉ sợ trái vượt”. Làm được như thế thì sẽ có thể tỏa rạng được Minh Đức, ở yên nơi cảnh giới tốt đẹp tột cùng.

Lý ấy, sự ấy, phàm những ai có hiểu biết đều có thể thực hiện được; nhưng chẳng phải là lạ lùng, đặc biệt, huyền diệu đến nỗi muốn cầu mà không được. Bởi lẽ, đạo của Nghiêu – Thuấn chỉ là hiếu – đễ mà thôi. Chỉ vì thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành thánh. Thất phu, thất phụ nếu thực hiện được như thế thì gần là con cái và anh em trai, chị em gái, chị em dâu đều cùng nhìn theo bắt chước nhau làm lành. Lâu ngày, phong thái ấy sẽ lan ra cả làng, cả ấp. Do vậy, kinh Thi khen ngợi Văn Vương là “hình ư quả thê, chí ư huynh đệ, dĩ ngự ư gia bang” (làm gương cho vợ của chính mình, rồi đến anh em, cho đến khắp cả nước nhà) chính là do ý nghĩa này.

Nhưng thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm! Bởi lẽ, gia đình chính là nơi phát sanh hiền tài trong thiên hạ; cha mẹ chính là những người để bậc hiền tài trong trời đất noi gương. Giáo dục trong gia đình nghiêm ngặt, chánh đáng thì những đứa con có thiên tư sẽ có thể tỏa rạng Minh Đức, ở yên nơi tốt lành tột cùng, hễ cùng quẫn thì riêng mình thiện mà cũng nêu gương trong làng, trong ấp, hễ hiển đạt bèn làm cho cả thiên hạ cùng được thiện, lập đại công, dựng đại nghiệp, ân trùm hoàn vũ, thấm nhuần không ngằn mé. Con gái thì giúp chồng dạy con, giữ vững chức phận phụ nữ, làm bậc mẫu nghi trong chốn khuê các, làm bậc thầy gương mẫu cho nữ giới. Lệ trạch[1] tạo lợi ích cho lẫn nhau như thế, đức đẹp càng tỏa rạng; há chẳng thể nào thuần phong mỹ tục, thiên hạ thái bình ư?

Những điều vừa nói trên đây chính là luận theo phía những kẻ có thiên tư thượng đẳng. Dẫu những kẻ thiên tư thuộc loại trung – hạ cũng biết tôn kính lễ nghĩa, vâng giữ phép tắc, biết giữ yên bổn phận, quyết chẳng đến nỗi trở thành hạng ương bướng, hèn hạ, chống đối. Trong cõi đời, muốn cho gia đình lẫn đất nước được quật khởi, hưng thịnh, thì cố nhiên phải nên chú trọng nơi đường lối giáo dục trong gia đình. Một người bạn tôi sẵn lòng lo toan cho đời, đau đớn nghĩ thiên tai nhân họa thường xuyên giáng xuống, nhân dân khốn khổ chẳng thể kêu gào nơi đâu, bèn đem mười thiên giáo huấn về vâng giữ luân thường, vốn là của báu gia truyền của nhà ông Thạch Thành Kim và tác phẩm Châu Tử Gia Huấn Giải của Châu Phụng Minh ghép chung lại, đặt tên là Gia Đình Bảo Giám, tính ấn hành để lưu truyền rộng rãi, ngõ hầu những người muốn hưng khởi nước nhà trong cõi đời đều có cái để làm vốn.

Toan tính xong xuôi bèn sai Quang cất bút trần thuật những nét chánh yếu để tạo thành lời tựa. Tuy lời lẽ [trong lời tựa này] không phù hợp sát sao cho lắm, nhưng ý nghĩa quả thật đích xác, không dối trá. Nguyện những người yêu nước thương nòi, thương yêu con cái trong cõi đời, mỗi người đều giữ lấy một cuốn để giáo hóa, chỉ dạy con cái thì thành tích chắc sẽ vượt ngoài những điều mong mỏi vậy. Ví như đang khát mà có được nước cam lộ, chẳng những hết khát mà còn nhanh chóng trừ được nhiệt não, thân tâm thanh lương.

Sách này văn chương tuy nông cạn, thông tục, nhưng quả thật là cửa ngõ để mong thành thánh, thành hiền. Đến khi đã thâm nhập thì sẽ lên thẳng chỗ huyền diệu, sâu thẳm, ai có thể cự lại được? Vua Thuấn là bậc đại thánh nhân mà vẫn còn thích suy xét những lời nông cạn, huống là những lời lẽ tinh thâm, thuần túy tột bậc thiết thực đối với thân tâm này ư? Nguyện ai nấy quý trọng, gìn giữ để làm tấm gương soi sáng tương lai thì gia đình may mắn lắm mà thiên hạ cũng may mắn lắm thay!

***

[1] Lệ trạch (麗澤): Giúp đỡ lẫn nhau, giồi mài lẫn nhau. Từ ngữ này vốn phát xuất từ một câu trích từ phần giải thích ý nghĩa quẻ Đoài trong chương Tượng Truyện của sách Châu Dịch: “Lệ trạch, Đoài, quân tử dĩ bằng hữu giảng tập”. Theo đó, “lệ trạch” có nghĩa là hai cái đầm thông với nhau, nước được thông thương từ đầm này qua đầm kia, giống như bạn bè trao đổi bồi đắp kiến thức, học thuyết cho nhau. Do vậy, câu trên thường được giảng là: “Quẻ Đoài giống như hai cái đầm thông với nhau [đắp đổi nước cho nhau], quân tử do kết giao với bạn bè tốt mà giảng giải, nghiên cứu, luyện tập đạo lý với nhau”.