Lời thông cáo nhún nhường của hội Phật giáo Ngô huyện tỉnh Giang Tô dành cho Tăng chúng các tự viện

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Đức Đại Giác Thế Tôn nương theo bi nguyện thị hiện giáng sanh, vốn thuận theo tâm con người mà lập giáo để kẻ mê nhận lầm hình bóng cái đầu sẽ đích thân thấy được bản lai diện mục, kẻ ôm của báu mà chịu cùng quẫn sẽ mau chóng có được của cải trân bảo sẵn có trong nhà. Vì thế, Tam Thừa chóng chứng Bồ Đề, lục phàm cùng lên bờ giác. Đấy chính là nguyên do khiến đạo này được truyền rộng rãi khắp trên trời dưới đất, giáo pháp lan truyền khắp cõi tam thiên đại thiên. Ấy là vì Phật pháp là tâm pháp. Tâm pháp ấy chúng sanh và Phật đều cùng có, phàm – thánh giống hệt như nhau, nơi phàm chẳng giảm, tại thánh không tăng. Phật do ngộ chứng rốt ráo nên phước lẫn huệ đều cùng trọn đủ, Phiền Hoặc vĩnh viễn mất, hưởng pháp lạc chân thường, thí đại giáo tùy thuận căn cơ. Chúng sanh do triệt để mê trái nên Phiền Hoặc vĩnh viễn hừng hực, luân hồi chẳng ngơi, như chạm phải của báu trong nhà tối, đâm ra lại bị tổn thương. Các giáo trong thế gian đều là nói quyền biến, chỉ có mình Phật giáo khế lý lẫn khế cơ. Vì thế, từ đời Hán đến nay, khi giáo pháp được truyền sang Đông Độ, bao đời đều khâm kính, cả cõi đời thảy tôn sùng.

Nếu [Phật pháp] không tỏ rõ nhân để chỉ quả khiến cho người đời giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận hòng giúp cho đạo cai trị, hiểu tâm thấu gốc khiến cho người học đoạn Hoặc chứng Chân để dự vào dòng thánh thì làm sao có thể kéo dài đến tận ngày nay mà mối đạo vẫn chẳng bị suy sụp cho được? Huống chi từng bị ba vua Vũ[1] bạo ngược, bọn Nho sĩ câu nệ như Hàn Dũ, Âu Dương Tu và lũ Trình – Châu trong lòng sùng phụng, bề ngoài chống trái bài xích mà vẫn được chấn hưng [tiếp tục tồn tại] trong cõi đời, là do được hàng vua quan có thế lực lớn lao hộ vệ, do bậc đại đức cao tăng hoằng dương. Cuối đời Thanh, phong hóa cõi đời ngày một đi xuống, nước nhà không rảnh rỗi để đề xướng, Tăng chúng phần nhiều biếng nhác tu trì, đến nỗi kẻ không có chánh tri kiến ai nấy đều ôm giữ ý niệm “đuổi Tăng, chiếm đoạt tài sản”. Nhưng do cõi đời ngày càng loạn đến cùng cực, những người có lòng liền đua nhau dấy lên học Phật, cho nên [cõi đời] vẫn chưa đến nỗi bị khốn khổ ách nạn lớn lao.

Những người cùng sắc áo với tôi hãy thường nghĩ “ta là đệ tử Phật phải nên hoằng dương sự giáo hóa của đức Phật, giáo hóa chúng sanh để làm cầu bến cho cõi đời, báo ân đức của Phật”. Nếu chính mình vẫn chẳng tự gắng sức thì hóa ra đã tạo căn cứ cho những kẻ đuổi Tăng chiếm đoạt tài sản [biện minh cho hành động của chúng], bị kẻ tại gia chuyên ròng tu hành coi thường, há chẳng phải là tự mình chuốc lấy nỗi lo hay sao? Con người ai mà không mong được người khác tung hô, nếu chẳng gắng sức tu trì thì chính là tự chuốc lấy sự chán ghét. Phật pháp chẳng thể bị bại hoại bởi thiên ma, ngoại đạo mà chỉ bị bại hoại bởi tăng sĩ chẳng tuân phụng giáo pháp, giới luật của đức Phật! Ví như trùng trên thân sư tử tự ăn thịt sư tử. Chỉ vì thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành thánh, con người ai cũng có thể là Nghiêu – Thuấn, ai cũng có thể thành Phật, điều đáng quý là tự gắng sức vậy!

Cuối đời Minh, Ngẫu Ích đại sư là con nhà họ Chung ở Mộc Độc, thiên tư thông minh, mẫn tiệp, lúc nhỏ theo mẹ ăn chay lễ tụng, lên bảy tuổi đi học, coi thánh học (Nho học) là trách nhiệm của chính mình, thề diệt Thích – Lão, bắt đầu ăn mặn, uống rượu, viết mấy chục bài luận báng Phật. Năm mười bảy tuổi, đọc bài tựa cho cuốn Tự Tri Lục của Liên Trì đại sư và Trúc Song Tùy Bút bèn chẳng báng Phật. Sau đấy bèn cực lực nghiên cứu, năm hai mươi bốn tuổi bèn xuất gia, triệt ngộ tự tâm, thâm nhập kinh tạng, một đời trước thuật mấy chục tác phẩm đều là những thứ xưa nay hiếm thấy.

Hiện thời có ông Đặng Trịnh Khôn ở Tứ Xuyên là sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Luật Chánh Trị hết sức cuồng ngạo, chống đối. Đầu thời Dân Quốc, ông ta chuyên môn hủy hoại Phật giáo, bất luận miếu thờ thần hay chùa thờ Phật đều suất lãnh đồ đảng phá hủy. Sau đấy, chợt biết là sai, tận lực cải hối, đến Phổ Đà xin quy y, ở Thượng Hải Cư Sĩ Lâm tám năm, tinh tấn tu trì. Năm trước, chiến tranh nổ ra tại đất Hỗ (Thượng Hải), ông ta ở trong Cư Sĩ Lâm chẳng kinh sợ, chẳng dời động, trước – sau – trái – phải Cư Sĩ Lâm đều biến thành vùng đất tan hoang, bom đạn lớn nhỏ rớt vào trong Lâm nhưng chẳng nổ một trái nào. Đủ thấy con người sửa lỗi hướng thiện, Phật, Bồ Tát liền ban thưởng trọng hậu, che chở cho. Dẫu chúng ta chẳng được như ngài Ngẫu Ích, há cũng chẳng bằng được ông Trịnh Khôn ư? Trịnh Khôn là người mang tội ác cực lớn lao còn được cảm ứng như thế, chúng ta há nên lần khân cho qua ngày, chẳng thêm gắng sức, giống như lên núi báu mà trở về tay không ư?

Gần đây chánh phủ thường ra lệnh rõ ràng cho Tổng Hội Phật Giáo Trung Quốc, buộc Hội phải nhắc nhở răn đe Tăng Già ai nấy tận lực giữ Thanh Quy. Phải biết rằng: Tăng Già là bậc thầy khuôn mẫu cho trời người, chánh phủ ban lệnh đốc thúc tức là [Tăng Già] đã mất thể thống. Nếu vẫn cứ như đang nằm mộng thì sợ rằng sau này khó tránh được nạn Tăng sĩ bị xua đuổi, tài sản bị chiếm đoạt! Hiện thời hội Phật giáo của huyện nhà đã được thành lập, mọi người đều nên nhất trí tiến hành duy trì đại cuộc cho Phật giáo, chớ nên chỉ mong tu tập cho riêng mình. Nếu hội Phật giáo không có cách gì để duy trì thì muốn tự tu tập cũng chẳng thể tu tập được đâu! Vì thế, ai nấy đều phải nghiêm túc tu trì, tự tôn trọng lấy mình. Hiện thời cư sĩ tại gia ai nấy đều chuyên chú tu tập tinh ròng và nghiên cứu, nỡ nào đường đường là một bậc tỳ-kheo lại đâm ra thua kém hàng cư sĩ ư? Người có hào khí hãy nên phát khởi mạnh mẽ, cũng như ai nấy đều nên góp phần tài lực để hỗ trợ cho công việc của hội. Công việc của hội có liên quan đến sự an – nguy của chính mình, ví như hai tay hai chân sử dụng lẫn cho nhau. Thứ này chẳng giúp đỡ thứ kia sẽ khó thể sống được. Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, đang đợi chết, sống uổng phí cả một đời, hổ thẹn sám hối còn chẳng kịp, sao dám khoe xấu trước mặt những vị thiện tri thức các chùa. Do Chủ Tịch là hòa thượng Đạo Hằng thấy Quang già cả, nói ra chắc người ta sẽ nghe theo, bèn cậy tôi soạn lời tuyên cáo. Tuy biết mình thiếu đạo đức để khiến người khác cảm phục, nhưng một phen giãi lòng thành tính toán lo liệu cho pháp môn ắt sẽ có người đồng ý. Do vậy, đem tình hình Phật giáo đã trải qua và tình hình trong thời gần đây trình bày đại lược. Phàm những vị cùng một sắc áo với tôi, ai nấy hãy mạnh mẽ phát khởi đại tâm để mong trên là tiếp nối huệ mạng của Phật của Tổ, dưới làm phước điền cho chúng sanh, ngõ hầu Phật pháp được hưng thịnh trở lại trong buổi nguy ngập, suy vong, nhân dân đều được hưởng lợi ích pháp hóa thì may mắn chi hơn?

***

[1] Tức Thái Võ Đế nhà Bắc Ngụy, Vũ Đế đời Bắc Châu, Vũ Tông đời Đường. Ba ông vua này nghe lời bọn đạo sĩ sàm tấu, toan phá hủy sạch mọi chùa chiền, hủy diệt Phật giáo.