Lời tựa bộ Vệ Sinh Tập

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Giữa khoảng trời đất hoàn toàn là một khối nguyên khí thái hòa. Vì thế mưa gió đúng thời, lúa thóc chín rộ, các loài động thực vật đều được sanh trưởng. Nếu con người thấu hiểu, hành theo điều này cố nhiên chẳng thẹn đứng chung với trời đất thành ba ngôi, xưng là Tam Tài. Từ đấy, sẽ tự bảo vệ, bảo vệ kẻ khác, cốt sao hết thảy hàm thức đều được sống yên ổn, cùng vui lẽ thiên chân. Đấy chẳng phải là “kế thừa đời trước, mở mang đời sau, dùng tiên giác để giác hậu giác, bù đắp cho chỗ thiếu sót của trời đất, giúp cho quyền sanh thành, dưỡng dục của trời đất” đó ư? Nhưng người đời do tham vui sướng bụng miệng, bắt lấy các loài vật bơi dưới nước, chạy trên đất, bay trên không để giết ăn, cốt sao thỏa thích bụng miệng mình, bảo vệ cái sanh mạng của ta, [như vậy thì] muốn cầu giữ gìn mạng sống lại đâm ra gặt phải kết quả trái ngược. Do sát sanh nên gây ảnh hưởng lớn lao đến thiên hòa, cảm lấy lệ khí (khí hung dữ, độc hại), đến nỗi những thiên tai như lụt lội, hạn hán, ôn dịch, sâu rầy v.v… Do kết quả của sát nghiệp, phát sanh những nhân họa (tai họa do con người gây ra) như đôi bên chiến tranh.

Xét đến nguyên do của những tai họa ấy, nói chung là do trong đời trước hay đời này đã sát sanh ăn thịt mà ra! Tai họa do ăn thịt cực kỳ khốc liệt! Không chỉ gây hại cho đời này mà còn gây lụy đến nhiều kiếp. Phàm những ai muốn tự bảo vệ cuộc sống của chính mình, không thể nào không bảo vệ cuộc sống của khắp hết thảy các loài dưới nước, trên hư không, trên mặt đất, vậy thay! Ăn thịt để bảo vệ mạng sống là chuyện lạ lùng quá sức! Do thói quen, cứ coi đó là thường. Như người Phi Châu giết người làm tiệc, người xứ ấy cứ điềm nhiên chẳng lấy gì làm lạ cả! Nghĩ lại thuở xưa thánh nhân ngự trên ngôi, [kinh Thư] đã chép: “Điểu thú ngư miết hàm nhược” (Chim, thú, cá, ba ba đều sống yên vui). “Nhược” nghĩa là thuận. “Hàm nhược” nghĩa là đều thuận theo thiên tánh của nó, chẳng mắc nỗi khổ giết hại và sợ hãi kinh hoàng chạy trốn. Đấy quả thật là nói đến hoài bão: “Càn vi đại phụ, Khôn vi đại mẫu, dân ngô đồng bào, vật ngô dữ dã” (Càn là đại phụ, Khôn là đại mẫu, dân là người ruột thịt với ta, loài vật giống như ta vậy). Được như thế thì chẳng xứng là một vị bảo vệ cuộc sống lớn lao ư? Tiếc rằng những chuyên viên vệ sinh học[1] hiện thời cứ hại sanh mạng kẻ khác để bảo vệ cuộc sống của chính mình, rốt cuộc đời này, đời sau khổ báo vô cùng. Dê và người lần lượt xoay vần, mạnh – yếu lần lượt thay đổi vai trò đến tận đời vị lai cũng khó thể kết thúc được. Do vậy, những bậc bảo vệ sanh mạng lớn lao xưa nay đều đề xướng yêu thương loài vật, thực hành lòng Từ, kiêng giết, phóng sanh, trì trai, ăn chay, tín nguyện niệm Phật, quả thật là nghĩa cử bảo vệ sanh mạng rốt ráo, viên mãn đến tột bậc vậy.

Cư sĩ Hoa Ngộ Thê dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tu trì Tịnh nghiệp, muốn vãn hồi thế đạo, nhân tâm, đặc biệt tập hợp những ngôn luận của các bậc danh nhân xưa nay và đủ mọi [chuyện] quả báo do sát sanh hay phóng sanh, đặt tên là Vệ Sinh Tập, mong sao người đời muốn bảo vệ sanh mạng của chính mình thì trước hết hãy bảo vệ mạng sống của những sanh vật bơi dưới nước, sống trên mặt đất, bay trên không kia. Tự bảo vệ sanh mạng như vậy thì chẳng phải chỉ trong một đời này mà còn khiến cho đời đời kiếp kiếp phàm sanh vào nơi đâu đều được tốt lành, không có các tai họa. Nếu lại niệm Phật, đem công đức bảo vệ sanh mạng này hồi hướng vãng sanh thì sẽ có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, đoạn hết sạch Phiền Hoặc, đắc đại vô úy, bảo vệ sanh mạng cho khắp hết thảy những chúng sanh cô đơn, lênh đênh không nơi nương tựa trong sáu nẻo. Đấy gọi là ý nghĩa nhỏ nhiệm của việc bảo vệ sanh mạng vậy.

Cư sĩ Quách Hàm Trai do thấy mấy lúc gần đây sát nghiệp ngút ngàn, trọn chẳng ngơi dứt, liền muốn lưu truyền tập sách này, ngõ hầu người đọc đều cùng phát tâm bảo vệ sanh mạng hòng dứt sát kiếp, uốn nắn phong hóa, cậy tôi giảo duyệt. Do vậy, tôi sửa đổi đôi chút thứ tự, danh xưng, số quyển. Lại đăng kèm vào theo mấy đoạn phê phán của tiền nhân dưới mỗi đoạn văn, đăng kèm theo Khuyến Hiếu Ca và Bát Phản Ca[2] của người đời Đường vào sau sách, ngõ hầu ai nấy đều coi trọng bảo vệ sanh mạng, đều vâng giữ lòng hiếu để mở rộng lòng nhân đức hầu báo ân cha mẹ; nhưng hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, đều sẽ thành Phật, đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong tương lai, ắt sẽ mở rộng lòng hiếu kính để mong rốt ráo tự bảo vệ sanh mạng, bảo vệ sanh mạng kẻ khác vậy.

***

[1] Vệ Sinh theo nghĩa gốc là bảo vệ tánh mạng, giữ cho thân thể khỏe mạnh. Khái niệm này được Đạo Gia diễn dịch như những phương pháp tập luyện hít thở (Đạo Dẫn), uống các thứ thuốc, không nhổ nước miếng v.v… để được trường thọ, không bệnh tật. Về sau, Vệ Sinh được hiểu theo nghĩa rộng là những phương pháp giữ gìn sức khỏe, kể cả những phương pháp dinh dưỡng và thậm chí Bộ Y Tế cũng được gọi là Vệ Sinh Bộ. Ở đây, Tổ nói đến quan điểm dinh dưỡng của Tây Phương “phải ăn thịt động vật cơ thể mới khỏe mạnh được!” Xin lưu ý chữ Vệ Sinh ở đây không có nghĩa hẹp như chữ “vệ sinh” (hygiene) trong tiếng Việt.

[2] Bát Phản Ca là một bài ca đã có từ thời Đường, không rõ ai là tác giả, gồm tám khổ thơ, có nội dung khuyến cảnh tỉnh người đời về lòng hiếu, lòng nhân, xin trích dẫn một hai đoạn: “Ấu nhi hoặc mạ ngã, ngã tâm giác hỷ hoan, phụ mẫu sân nộ ngã, ngã tâm phản bất cam. Nhất hoan hỷ, nhất bất cam, đãi nhi đãi phụ hà tâm huyền? Khuyến quân kim nhật phùng thân nộ, dã tương thân tác ấu nhi khan” (Con thơ mắng chửi ta, lòng ta sao hớn hở, cha mẹ quở mắng ta, sao ta chẳng cam lòng, một đằng thì hoan hỷ, một đằng lại bực mình, đối cha, đối con cái, sao lại khác xa nhau? Gặp lúc cha mẹ giận, xin anh hãy nhủ lòng, coi hệt như con thơ).