Thư gởi cư sĩ Tự Giác

(năm Dân Quốc 16 – 1927)

Chuyện trong thiên hạ có lý nhất định, chứ không có sự nhất định. Hãy nên dùng lý để định đoạt sự, dùng sự để luận lý, ngõ hầu phù hợp thiên lý, tình người thì mới nên. Mạnh Tử dạy: “Nam nữ thọ thọ bất thân vi lễ”[1] (Nam nữ trao và nhận [đồ vật], chẳng đụng chạm nhau, đó là lễ), [nhưng lại cũng] nói: “Tẩu nịch bất viện vi sài lang” (Chị dâu chết đuối không cứu thì là loài lang sói). Trong lúc ấy, cố nhiên chẳng thể tuân theo lễ nghi trong lúc bình thường để luận được! Đứa con hiếu thờ cha mẹ không hề trái nghịch. Nếu cha mẹ mọc nhọt độc, còn phải dùng kim, dùi, dao, kim nạo để khêu, cắt, lại còn phải dùng hết sức nặn mủ đến khi thấy ra máu mới thôi, đấy cũng là chỗ thể hiện lòng hiếu. Nếu sợ là mạo phạm, ngỗ nghịch thì mạng sống của cha mẹ xong luôn! Nhưng chớ nên thấy có những người làm như vậy được cho là hiếu, để rồi cha mẹ không bị nhọt độc mà vẫn cứ khêu, cứ cắt như vậy sẽ trở thành đại nghịch bất đạo, trời sẽ nổi sấm xử tử.

Kinh nguyệt của nữ nhân là cố tật của quá nửa đời người, xảy ra độ mấy ngày, sao lại vì thế liền ngưng niệm Phật? Lúc bình thường ắt phải hết sức sạch sẽ, chí thành, đến lúc ấy tuy thân thể chẳng thể hết sức sạch sẽ thì càng nên chí thành gấp bội. Trong đồ lót phải chêm thêm vải lót dầy, đừng để máu dơ chảy ra Phật đường. Hễ tay sờ vào phần dưới thân ắt phải rửa sạch. Nếu lễ bái không tiện thì ít lễ bái. Đối với việc niệm Phật, tụng kinh, cố nhiên dùng tâm hạnh chí thành cung kính thì công đức chẳng giảm bớt so với lúc bình thường. Do Phật là cha mẹ đại từ bi của hết thảy chúng sanh, trong lúc bệnh ấy phát ra, nếu chí thành niệm Phật thì Phật sẽ càng sanh lòng xót thương gấp bội!

Như kẻ ngu chấp trước “hễ thân có bệnh chẳng sạch như vậy thì chẳng thể niệm Phật”, [vậy thì] nếu con cái té trong hầm xí cũng chẳng thể gọi cha mẹ cầu cứu, có lẽ ấy hay chăng? Người niệm Phật nên đi, đứng, nằm, ngồi, tâm thường nghĩ nhớ. Lúc bình thời ở nơi sạch sẽ, hoặc lúc áo mũ chỉnh tề thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Chỉ lúc ngủ, đại tiểu tiện, trần truồng tắm gội thì nên niệm thầm, chớ nên niệm ra tiếng. Nếu gặp tai nạn đao binh nước lửa thì ở bất cứ chỗ nào, trong bất cứ trạng thái nào đều nên niệm ra tiếng, vì niệm ra tiếng so với niệm thầm càng đắc lực hơn. Nếu khi nữ nhân sanh con, nên niệm ngay từ lúc chưa sanh và đến khi lâm bồn, tuy trần truồng chẳng sạch sẽ, vẫn nên niệm ra tiếng. Lúc ấy [là lúc] có liên quan đến tánh mạng, như té trong lửa nước cầu được cứu giúp, chẳng thể luận trên dáng vẻ chẳng đoan trang, ô uế, bất tịnh v.v…

Nữ nhân khó sanh chẳng phải là có oán thù với đứa con sắp sanh mà chính là oan gia đời trước, gây trở ngại hầu không sanh được, khiến cho bị đau khổ. [Sản phụ] niệm Phật và những người chăm sóc chung quanh đều cùng vì người ấy niệm Phật thì những kẻ oan gia kia nghe tiếng niệm Phật sẽ liền tháo lui, chẳng dám cản trở! Do vậy, càng phải nên dạy con gái niệm Phật từ nhỏ ngõ hầu diệt sẵn cái nạn này. Nếu là người lúc bình thường luôn niệm Phật chắc chắn sẽ chẳng đến nỗi có sự nguy nan này. Dẫu là người lúc bình thường chẳng niệm Phật mà [lúc ấy] có thể chí tâm niệm thì chắc chắn cũng được dễ sanh! Kẻ ngu chấp lý hẹp hòi, cho là hễ đàn bà trong nhà sanh con thì cả nhà đều chẳng được cúng Phật, cũng chẳng được niệm Phật; nếu không, sẽ mắc tội! Đấy là chấp chết cứng vào toa thuốc để trị biến chứng, chỉ biết lẽ thường, chẳng biết quyền biến, đáng thương vậy thay!

Ông nên đem nghĩa này nói với những phụ nữ thân cận, láng giềng, thì công đức ấy lớn lắm, lại chẳng tốn kém mảy may, có thể gọi là “cứu người từ lúc chưa nguy”. Nhưng cần phải phân biệt cặn kẽ, chớ nên cho rằng nữ nhân sanh con trần truồng, ô uế không trở ngại gì, [do vậy] lúc bình thường cũng trọn không kính sợ chi, chẳng cần phải sạch sẽ, thì lại chuốc tội chẳng cạn! Lúc bình thường phải noi theo lẽ thường. Lúc có kinh nguyệt và lúc sanh con chính là lúc “biến lý” (lý thay đổi). Hãy xét kỹ thí dụ do Mạnh Tử và Quang đã nói sẽ tự biết rõ.

Nay gởi cho ông một bộ Văn Sao, một bộ An Sĩ Toàn Thư, một bộ Quán Âm Tụng, hai cuốn Thọ Khang Bảo Giám, xin hãy đọc kỹ. Văn Sao thì chẳng những tu trì Tịnh nghiệp có chỗ làm căn cứ nương tựa, ngay cả những cách xử thế, giữ thân, tề gia, dạy con v.v… đều có nêu rõ. Trong đời hiện thời, ắt cần phải sốt sắng đề xướng nhân quả báo ứng. Dạy con cố nhiên là nhiệm vụ trọng yếu, nhưng dạy con gái càng quan trọng hơn dạy con trai, bởi lẽ con người lúc bé thường ở bên mẹ, nếu mẹ hiền thì con cái cũng tự nhiên sẽ hiền. Do thường được un đúc nuôi dạy đã tập quen thành thói, đến khi lớn lên được cha dạy dỗ sẽ thuận chiều chỉ dạy, thật là dễ dàng. Đời hiện tại loạn đến mức như thế này đều là vì không có hai thứ khéo dạy trên đây mà nên nỗi! Quang không có sức cứu vãn kiếp vận, nhưng có tâm cứu đời, cho nên ở đây mới dài dòng một phen. Nếu chẳng cho lời bàn của lão tăng là viễn vông, hủ bại thì may mắn lắm thay!

***

[1] Câu nói này xuất phát từ sách Mạnh Tử, thiên Ly Số: “Nam nữ thọ thọ bất thân, lễ dã. Tẩu nịch viện chi dĩ thủ giả, quyền dã”. Sách Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích giảng: Nam nữ vâng giữ khuôn phép lễ kính, đạo đức, chẳng thể đích thân dùng tay chạm trực tiếp vào đồ vật, để da thịt khỏi bị đụng chạm nhau, đó là lễ. Nhưng nếu chị dâu chết đuối, em chồng cứu vớt bằng cách dùng tay kéo lên, đó là quyền biến.