KINH VỀ TÂM THANH TỊNH
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thí Hộ (?-1017)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 14/12/2014 ◊ Cập nhật: 14/12/2014

 

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với các vị Bhikṣu [bíc su] ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.

Phật bảo các vị Bhikṣu rằng:

“Các ông hãy lắng nghe! Nếu những Thanh Văn nào đang tu tập chánh hạnh mà muốn được tâm thanh tịnh, họ phải đoạn trừ năm sự ngăn che và tu tập Bảy Giác Phần thì mới được viên mãn. Những gì là năm pháp?

1. tham dục
2. sân hận
3. hôn trầm
4. bồn chồn
5. nghi ngờ

Đây là năm sự ngăn che gây chướng ngại. Các ông hãy nên đoạn trừ.

Những gì là bảy Pháp?

1. Trạch Pháp Giác Phần
2. Tinh Tấn Giác Phần
3. Hoan Hỷ Giác Phần
4. Khinh An Giác Phần
5. Niệm Giác Phần
6. Định Giác Phần
7. Xả Giác Phần

Đây là Bảy Giác Phần. Các ông hãy nên tu tập.

Này các vị Bhikṣu! Nói rằng tâm thanh tịnh, thì phải biết đó là một cách gọi khác của tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Do tham dục nhiễm ô, nên tâm không thanh tịnh. Do vô minh nhiễm ô, nên tuệ không thanh tịnh.

Nếu các vị Bhikṣu đoạn trừ tham dục nhiễm ô thì liền được tâm giải thoát. Còn như đoạn trừ vô minh nhiễm ô thì liền được tuệ giải thoát.

Lại nữa, các vị Bhikṣu! Những ai đã lìa tham dục nhiễm ô và được tâm giải thoát thì gọi là tự thân tác chứng. Còn những ai đã đoạn trừ vô minh và được tuệ giải thoát thì gọi là bậc Vô Học; do bởi họ đã vĩnh viễn lìa tham ái, biết rõ chân thật, chánh trí hiện tiền, tự mình chứng Đạo, và chấm dứt sanh tử.

Này các vị Bhikṣu! Đây là những lời dạy của Ta. Các ông hãy nên tu học.”

Kinh về Tâm Thanh Tịnh

☸ Cách đọc âm tiếng Phạn
Bhikṣu: bíc su