Luận Hỏi Về Việc Đốt Tay
Có vị khách hỏi ngài Tỉnh Am:
– Phép đốt tay khởi đầu từ đạo Phật, xưa nay có người khen, có người chê, nói tốt, nói xấu không giống nhau; bàn phải, bàn quấy không xác định. Xin ngài chỉ dạy để dứt lòng nghi của con.
Ngài Tỉnh Am đáp:
– Hay thay lời hỏi! Điều này liên quan đến Phật giáo mà người đời dễ sinh nghi ngờ. Nếu không gấp bàn đến nguyên nhân thì phải quấy, chính tà làm sao quyết định? Tốt xấu, khen chê đâu khỏi thiên lệch? Nay ta gom hết xưa nay, trình bày đầy đủ sáu điểm sai biệt. Ông hãy quán xét kỹ.
- Sai biệt về chính tà giữa nội giáo và ngoại đạo.
- Sai biệt về lập giáo giữa Nho và Phật.
- Sai biệt về khai giá giữa Đại thừa và Tiểu thừa.
- Sai biệt về tôn chỉ giữa các Đại sư.
- Sai biệt về nhân quả giữa thánh và phàm.
- Sai biệt về đúng sai của tâm hành.
Biết được sáu điểm sai biệt này thì phải quấy, chính tà rõ như trong lòng bàn tay, không còn nghi ngờ gì nữa.
- Sai biệt về chính tà giữa nội giáo và ngoại đạo.
Người không hiểu chính lý duyên khởi, chấp trước tà kiến đoạn thường, dùng các nhân khổ như xát tro vào mình, thờ lửa, ngũ nhiệt chích thân[1] mong được quả vui, cho nên gọi ngoại đạo là tà.
Trong thì tu lý quán làm chính hạnh, ngoài thì mượn khổ hạnh làm trợ duyên, hoặc đốt liều, hoặc đốt một ngón tay để thệ nguyện thêm kiên cố, mở rộng tâm ý, khiến thân kiến đoạn trừ, ngã chấp cũng dứt, cho nên gọi nội giáo là chính.
- Sai biệt về lập giáo giữa Nho và Phật.
Nho giáo lấy việc trị thân làm chính. Thân là di thể của cha mẹ, nên khi thọ thân đã nguyên vẹn thì lúc trở về cũng phải giữ nguyên vẹn. Chẳng may, một bộ phận nào trong thân thể bị tổn thương, liền gọi là bất hiếu. Phật giáo lấy việc điều tâm làm đầu. Tâm là chủ tể của muôn vật, còn thân là do bốn đại giả hợp. Đem thân cúng Phật thì phá chấp, diệt tội. Giữ gìn thân thể để mong an ổn qua ngày thì chỉ là sống dư chết thừa.
- Sai biệt về khai giá giữa Đại thừa và Tiểu thừa.
Trong luật Tiểu thừa, đốt ngón tay phạm tội đột-kiết-la. Đại thừa lại cho rằng: “Nếu không đốt thân, cánh tay hoặc ngón tay cúng dường chư Phật thì chẳng phải là bồ-tát xuất gia. Bởi vì Tiểu thừa chỉ mong tự lợi, cho nên phải kính pháp, trọng thân; còn Đại thừa quý ở lợi người, cho nên vì đạo quên mình.
- Sai biệt về tôn chỉ giữa các đại sư.
Việc đốt thân, luật sư Nam Sơn căn cứ tông chỉ Đại thừa nên vô cùng khen ngợi; còn tam tạng Nghĩa Tịnh căn cứ tông chỉ Tiểu thừa nên sinh tâm chê bai. Đến như các ngài Kinh Khê, Vĩnh Minh, Từ Vân, Pháp Trí… có vị luận bàn xiển dương, có vị tự thân thực hiện. Hàng hậu học có đủ niềm tin, thật không còn nghi ngờ gì nữa. Gần đây, chỉ riêng đại sư Vân Thê không chấp nhận việc này. Vì ngài e rằng đời mạt pháp con người cuồng vọng, dễ lệch theo tà, nên tạm nói như thế để cứu giúp họ. Một bên xiển dương, một bên áp chế, mỗi mỗi đều có lí do.
- Sai biệt về nhân quả giữa thánh và phàm.
Kinh Pháp hoa ghi: “Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng sinh Hỷ Kiến bỏ thân này, lại đốt hai tay, vừa phát nguyện xong, hai tay bình phục như xưa”. Đây là quả hiện tại của bậc đại sĩ chứng Vô sinh pháp nhẫn.
Kinh Phạm võng ghi: “Hàng tân học bồ-tát từ xa nghìn dặm đi đến, vị thầy nên như pháp chỉ bày khổ hạnh cho họ. Nếu không đốt thân, cánh tay hoặc ngón tay cúng dường chư Phật thì chẳng phải bồ-tát xuất gia, vì đây là nhân duyên xa của hàng sơ tâm thụ giới”.
- Sai biệt về đúng sai của tâm hành.
Người thời nay, nếu bên trong phát đại tâm, ngoài duyên Tam bảo, một lòng dứt trừ nghiệp chướng, giữ chí bồ-đề thì tội diệt phúc sinh thì công phu không luống uổng. Còn như trong chấp nhân ngã, ngoài tham danh lợi, mê hoặc lòng người để được cúng dường thì có tội, uổng công. Không thể không thận trọng! Mỗi người vốn hành động giống nhau nhưng tâm ý lại khác, cần phải quán xét kỹ.
Đó là sáu nguyên nhân sai biệt về việc đốt thân.
Vị khách lại hỏi:
– Sai biệt như thế có thể dung hợp được không?
Sư đáp:
– Được! Phàm do bên ngoài mà biết được bên trong, vậy ngoài trợ giúp bên trong. Nhân nơi tà mà vào chính thì tà là chính duyên.
Kinh ghi: “Những gì ngoại đạo nói đều là lời Phật. Vì vậy, Biến Hành, Thắng Nhiệt là thầy của Thiện Tài; Điều-đạt, Thiện Tinh là bạn của Như Lai. Tà chính dung hợp như thế, sao nói không dung hợp? Nho giáo và Phật giáo, xét về sự thì khác nhau, luận về lý thì giống nhau. Do vậy, Thái Bá cắt tóc, Khổng Tử khen là người có đức sáng; Tỉ Can mổ tim, Lỗ Luận khen là người có lòng nhân. Như thế Nho Phật chưa từng khác nhau.
Đại, Tiểu thừa đều do Phật thuyết, tùy căn cơ chúng sinh không đồng, nên có khi ngài khai mở, có lúc ngăn chế. Nhưng tiểu từ đại mà có, quyền từ thật mà khai. Không có thật thì làm sao khai quyền, không có đại thì không thể lập tiểu.
Lý đạt đến chỗ tột cùng thì không hai, đâu cần phải dung hợp. Tôn chỉ không đồng là do kiến giải sai biệt của các đại sư, đâu có liên quan đến các giáo. Ví như hai người cùng nhìn mặt trăng, một người thấy ở đông, một người thấy ở tây. Đó là tùy theo hướng đi của mỗi người mà thấy có đông, tây chứ mặt trăng không ở hai hướng. Thánh, phàm tuy có sai khác, nhưng nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân. Nhân quả vốn tự dung thông, có gì sai khác để luận bàn? Cho đến tâm chính thì việc chính, tâm tà thì việc tà. Tà chính tự tâm, không do sự tướng. Như bàn tay úp ngửa vốn chỉ là một, có niệm quên niệm, há lại có hai tâm? Thật không cần phải dung thông.
Những điểm đồng dị đã nói ở trên, không nên chấp một bên. Nếu chấp sự khác nhau thì khởi đầu mối tranh biện. Nếu chấp tương đồng thì tất cả đều không phân biệt. Vậy phải như thế nào?
Nên biết đồng dị đều do một tâm, một tâm vốn không đồng dị. Tuy không đồng dị mà rõ ràng có đồng dị, hiểu như thế là đúng. Xin ông hãy tham cứu tâm ấy!
Vị khách thưa:
– Hay thay điều ngài đã luận bàn! Con được nghe những điều chưa từng nghe, nhưng vẫn còn chỗ nghi, mong ngài chỉ dạy! Con từng nghe đốt thân, cánh tay, ngón tay chính là việc làm của bậc đại sĩ chứng Vô sinh pháp nhẫn, không phải là việc của hàng sơ tâm, có đúng chăng?
Sư đáp:
– Việc làm được ghi trong kinh Phạm võng vốn dành cho hàng sơ tâm, cho nên trong kinh chỉ ghi là bồ-tát tân học, không nói bậc chứng Vô sinh pháp nhẫn. Bởi vì bồ-tát tân học lập nguyện chưa kiên cố, tâm chí chưa rộng mở, nên nhờ sư trưởng khai đạo, lấy khổ hạnh để sách tấn, hầu thành tựu nhân tăng thượng duyên cho việc thụ giới. Nếu nhất định phải đợi đến khi thành bậc đại sĩ chứng Vô sinh pháp nhẫn mới làm việc này thì rất hiếm người xuất gia thụ giới. Ngày nay, người thụ giới ai cũng đốt liều cúng Phật, vì trong kinh Phạm võng cho việc đốt liều, đốt ngón tay đều là khổ hạnh, chỉ Tiểu thừa và Đại thừa không giống nhau mà thôi. Nếu không cho hàng sơ tâm đốt tay, đốt liều và thụ giới có được chăng?
– Như những điều đã luận bàn, con xin kính nghe theo, nhưng con chưa rõ người xuất gia nên làm việc gì trước? Còn việc đốt liều cúng Phật, cần phải làm ngay hay có thể trì hoãn? Nếu không đốt liều v.v… có phạm giới không?
– Người xuất gia trước phải ngộ lý quán, rồi sau mới hành sự, thì nơi hướng đến mới đúng, công phu không luống uổng. Nếu không rõ lý quán, chỉ tu tập khổ hạnh mà muốn đạt kết quả thì trọn không được lợi ích. Còn việc đốt liều hay không, tùy ý mỗi người. Trong kinh chỉ khuyên người nên làm mà không kết tội, nhưng không được trái lời Phật, sinh kiến giải khác làm chướng ngại việc này, ngăn trở hạnh tốt đẹp của người. Hàng sơ tâm cần phải biết rõ.
Vị khách cung kính lễ bái sư rồi lui ra.
(Trích dịch Tỉnh Am pháp sư ngữ lục)
——————————————————
[1] Ngũ nhiệt chích thân: phơi khô thân thể dưới ánh nắng mặt trời.