KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 9: CHIẾN ĐẤU
Chư Tỳ-kheo, Ta nhớ thuở xưa có thời chư Thiên và A-tu-la đánh nhau kịch liệt. Bấy giờ trời Đế-thích bảo với các thủ lãnh trời Ba mươi ba rằng: “Chư Nhân giả, chư Thiên các ngươi, nếu cùng với A-tu-la đánh nhau thì nên trang bị và giữ gìn tốt vũ khí. Nếu chư Thiên thắng, A-tu-la bại, thì các ngươi phải bắt sống vua A-tu-la Tỳma-chất-đa-la, dùng năm sợi dây trói lại, dẫn đến trước Thiện pháp đường nơi chư Thiên hội họp”. Chư Thiên trời Ba mươi ba nghe Đếthích truyền lệnh đều tuân hành. Lúc ấy vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đala cũng bảo các A-tu-la thế này: “Nếu khi chư Thiên cùng với A-tula đánh nhau, mà chư Thiên bại, thì các ngươi tức khắc bắt sống vua trời Đế-thích, dùng năm sợi dây trói lại, dẫn đến chỗ hội họp của các A-tu-la là Thất đầu để đứng trước ta”. Các chúng A-tu-la cũng làm theo lời dặn bảo.
Chư Tỳ-kheo, vào thời ấy, vua trời Đế-thích đánh thắng, liền bắt sống vua A-tu-la, dùng năm sợi dây trói lại, dẫn đến trước Thiện pháp đường, nơi chư Thiên hội họp, đứng hướng mặt về trời Đế-thích.
Khi ấy nếu vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la khởi lên ý nghĩ thế này: “Cầu cho các A-tu-la đều được an lành. Ta nay không dùng các A-tu-la nữa. Ta sẽ ở lại đây, cùng một chỗ với trời Ba mươi ba, đồng hưởng vui thú, rất vừa ý ta”. Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la khi khởi lên ý nghĩ này liền thấy năm sợi dây cột thân tự mở ra, các thú vui năm dục ở cõi trời đều hiện ra trước. Nhưng nếu khi vua khởi lên ý nghĩ thế này: “Ta nay không dùng trời Ba mươi ba, cầu cho chư Thiên đều được an lành. Ta muốn trở về cung của A-tu-la”. Khi khởi lên ý nghĩ như thế thì năm sợi dây trên thân liền siết chặt lại, các thú vui năm dục bỗng nhiên biến mất.
Chư Tỳ-kheo, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la có các sự trói buộc vi tế như vậy, thì các sự trói buộc của Ma lại càng vi tế hơn thế. Vì sao? Chư Tỳ-kheo, khi tư duy tà vạy liền bị trói buộc, khi tư duy chân chánh liền được giải thoát. Vì sao? Chư Tỳ-kheo, tư duy có ngã là tư duy tà vạy, tư duy không có ngã cũng là tư duy tà vạy. Cho đến tư duy về ngã là thường còn, ngã là không thường còn; có sắc, không có sắc; có tưởng, không có tưởng và chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng… đều là tư duy tà vạy.
Chư Tỳ-kheo, những tư duy tà vạy này là ung nhọt, là ghẻ lở, giống như tên độc. Trong đó, nếu có người đa văn đạt trí tuệ của bậc Thánh thì biết tư duy tà vạy như bệnh, như ghẻ lở, như ung nhọt, như mũi tên; nghĩ như thế rồi, giữ vững tâm nơi sự nhớ nghĩ chân chánh, chẳng theo sự vận hành của tâm, khiến tâm chẳng động, được nhiều lợi ích.
Chư Tỳ-kheo, nếu nghĩ có ngã tức là nghĩ tà, tức là hữu vi, tức là hí luận; nếu nghĩ là không có ngã cũng là hí luận, cho đến có sắc, không sắc; có tưởng, không tưởng; chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng đều là hí luận.
Chư Tỳ-kheo, đã có hí luận đều là bệnh, như ung nhọt, như ghẻ lở, giống như tên độc. Trong đó có người đa văn đạt đến trí tuệ bậc Thánh biết các tội lỗi của hí luận này rồi, thì ưa sự không hý luận, giữ tâm vắng lặng, được nhiều lợi ích.
Chư Tỳ-kheo, Ta nhớ thuở xưa, có vua trời Đế-thích, khi muốn đánh nhau với A-tu-la, trời Đế-thích bảo với chư Thiên trời Ba mươi ba chung quanh thế này: “Chư Tôn giả, các vị phải trang bị tốt binh khí nơi thân thể. Nay các A-tu-la muốn đến đánh. Nếu chư Thiên thắng thì phải bắt sống vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, dùng năm sợi dây trói lại, dẫn đến trước Thiện pháp đường, nơi hội họp của chư Thiên khiến ra mắt ta”. Chư Thiên trời Ba mươi ba nhận mệnh lệnh của trời Đế-thích, y theo lời dặn mà làm. Vua A-tu-la cũng ra lệnh như vậy.
Chư Tỳ-kheo, ở trận đánh ấy, chư Thiên đắc thắng, liền dùng năm sợi dây trói vua A-tu-la dẫn đến trước Thiện pháp đường. Lúc ấy, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la đã bị năm sợi dây trói, đang ở trước chúng trời, thấy trời Đế-thích vào Thiện pháp đường, đến chỗ ngồi an tọa, liền thốt ra lời ác, mắng nhiếc hủy nhục vị Thiên chủ đủ lời. Lúc ấy có vị hầu cận trời Đế-thích tên là Ma-đa-ly, thấy vua Atu-la Tỳ-ma-chất-đa-la đứng trước chúng thốt lời hung ác, mắng nhiếc Thiên chủ liền dùng kệ bạch với Đế-thích:
Trời Đế-thích xấu hổ, sợ hãi
Vì không thế lực nên chịu nhịn
Nghe lời mắng thô ác như thế
Đều nhận lãnh hết không dám nói.
Đế-thích dùng kệ đáp lại Ma-đa-ly:
Chẳng phải xấu, sợ mà chịu nhịn
Chẳng phải không sức đối Tu-la
Ai có thể mưu cầu như ta
Đâu được đồng với kẻ vô trí.
Ma-đa-ly lại dùng kệ bạch Thiên chủ:
Nếu chẳng nghiêm khắc quở trách nặng
Kẻ ngu đầy dẫy lại tăng thêm
Nên phải bẻ dẹp kẻ vô trí
Giống như sợ roi bò bỏ chạy.
Nếu nay thả nó được bình yên
Trở về chốn cũ lại kiêu mạn
Vì vậy người trí phải ra oai
Biểu hiện sức mạnh chế ngu si.
Trời Đế-thích lại dùng kệ đáp Ma-đa-ly:
Việc này từ lâu ta đã biết
Vì để chế phục bọn ngu si
Nếu họ dùng sân hận mắng nhiếc
Ta nghe, chịu đựng tự chế tâm.
Ma-đa-ly lại dùng kệ bạch Đế-thích:
Vua trời Đế-thích xin nghĩ kỹ
Nhẫn nhục như thế là có hại
Vì kẻ ngu kia mắng như thế
Cho là vì sợ không dám đáp.
Đế-thích lại lần nữa dùng kệ đáp Ma-đa-ly:
Đám ngu si kia, theo ý họ
Cho là ta sợ nên làm thinh
Nếu mong thân luôn được lợi ích
Thì nên vì họ, thường nhẫn nhục.
Theo ý ta khi thấy họ mắng
Chẳng nên với sân lại khởi sân
Nếu dùng sân báo trả lại sân
Chiến đấu như vậy khó được thắng.
Nếu bị kẻ khác gây bực tức
Có chí nhẫn được thật là khó
Nên biết nhẫn này là sức mạnh
Người nhẫn như vậy đáng ngợi khen.
Hoặc ta, hoặc người phàm khởi tâm
Đều cầu mong lìa chỗ đáng sợ
Người khác nổi sân mắng nhiếc ta
Chẳng nên sanh oán đối với họ.
Đối với chính mình hoặc tha nhân
Cả hai đều nên làm lợi ích
Đã biết mình bị người sân mắng
Nên làm cho sân tự tiêu tan.
Như vậy hai bên, tâm lợi ích
Cả mình, lẫn người đều thành tựu
Ý niệm người kia là ngu si
Đó là do họ không biết pháp.
Như các trượng phu có sức lớn
Luôn vì kẻ vô lực nhẫn nhịn
Với người vô lực, nhẫn chẳng sân
Người nhẫn như vậy được khen ngợi.
Người kia không có sức trí tuệ
Lấy sức ngu si làm sức mạnh
Tâm ngu si nên vứt bỏ pháp
Những người như vậy hạnh không chánh.
Họ dùng ngu si cầu hơn ta
Sân giận mắng nhiếc phát lời thô
Nhẫn được ác kia, thì thường thắng
Nhẫn ấy tăng lên khó nói đủ.
Người thắng nói năng e chẳng xét
Với họ, sợ oán nên mới nhẫn
Nghe người dưới mắng mà nhẫn nhục
Nhẫn này được người trí ngợi khen.
Chư Tỳ-kheo, các vị nên biết, trời Đế-thích lúc bấy giờ chính là Ta. Vào thuở ấy, Ta làm vua trời Ba mươi ba, giáo hóa tự tại, thọ phước báo tốt đẹp, mặc dù hưởng mọi diệu lạc nhưng thường nhẫn nhục, cũng khen ngợi hạnh nhẫn, ưa hạnh ôn hòa mềm mỏng, lại không sân giận, cũng luôn ngợi khen người không sân giận. Chư Tỳkheo, các vị tự nói là trong sự tu hành có tâm tin hiểu, bỏ tục xuất gia, tinh cần chẳng biếng trễ. Nên các vị muốn đối với các chúng sanh khác, thân tu hành nhẫn nhục khen ngợi sự nhẫn nhục từ bi thuận hợp, thường hành an lạc, diệt trừ sân hận, khen người không sân thì các vị phải phát khởi sự tu học như vậy.
Chư Tỳ-kheo, Ta nhớ thuở xưa, chúng trời cùng với các A-tula, mỗi bên đều trang bị binh khí muốn đánh nhau. Bấy giờ Đếthích bảo với Thiên chúng: “Chư Nhân giả, nếu A-tu-la cùng chư Thiên đánh nhau, khi chư Thiên đắc thắng thì các ngươi nên dùng năm sợi dây trói vua A-tu-la lại… như trước đã nói…”. Chư Thiên vâng lệnh. Vua A-tu-la cũng làm như vậy, ra lệnh cho chúng quân binh. Chư Tỳ-kheo, lúc giao chiến, vua A-tu-la thắng, vua trời Đếthích không địch nổi phải lui về. Xe vua cưỡi khi ấy là chiếc ngự xa dễ điều khiển, bánh có ngàn căm, muốn hướng thẳng về cung trời, nhưng có một cây đại thọ tên là Cư-tra-xà-ma-lê chắn đường, Kim sí điểu lót ổ trên cây ấy đã sanh các trứng. Đế-thích thấy rồi bảo với Ma-đa-ly, người đánh xe:
Ma-đa-ly! Trên cây có trứng
Vì ta, quay xe lại tránh xa
Thà bị Tu-la làm mất mạng
Chứ đừng phá hoại tổ chim này.
Khi ấy Ma-đa-ly, người đánh xe giỏi, nghe vua trời Đế-thích dạy như vậy, liền quay chiếc ngự xa dễ điều khiển, bánh có ngàn căm, trở lại chạy thẳng đến cung A-tu-la.
Chư Tỳ-kheo, các chúng A-tu-la lúc bấy giờ thấy xe Đế-thích bỗng nhiên quay lại, đều cho là Đế-thích có mưu lược đặc biệt nên trở lại đánh nhau với mình. Chúng A-tu-la nhân đó rút lui toàn bộ, trở về cung mình.
Chư Tỳ-kheo, lúc ấy, do nhân duyên từ bi của Đế-thích mà chư Thiên chuyển bại thành thắng, A-tu-la phải thua.
Chư Tỳ-kheo, nên biết, trời Đế-thích thuở ấy chính là Ta. Chư Tỳ-kheo, thuở ấy Ta làm vị Đại thiên chủ, lãnh đạo trời Ba mươi ba, cai trị giáo hóa tự tại, hưởng phước báo tốt đẹp, vẫn luôn luôn thương yêu tất cả chúng sanh, vì sự sanh tồn của chúng mà khởi lòng từ bi, làm điều lợi ích. Tỳ-kheo các vị, vì lòng tin mà xuất gia, phải làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Chư Tỳ-kheo, Ta nhớ thuở xưa, chư Thiên và A-tu-la muốn đánh nhau. Bấy giờ Đế-thích bảo với vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la: “Nhân giả, bây giờ chúng ta nên thu hết vũ khí. Trong chúng chư Thiên và A-tu-la đều có kẻ sáng suốt, trí tuệ, hai bên chúng ta nên nói về pháp nghĩa, hoặc thiện, hoặc ác. Nhưng ai dùng lời thiện nhiều hơn sẽ thắng”. Khi ấy Thiên chủ và A-tu-la nhường cho nhau nói trước. Lúc đó vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền lên tiếng trước, hướng về trời Đế-thích nói kệ:
Kẻ ngu si quá mức
Quyết phải quở trách nặng
Bẻ dẹp kẻ vô trí
Như bò sợ roi chạy
Ngu si không có trí
Thật khó chế ngự ngay
Vì vậy dùng roi mạnh
Mau dứt si, mạn kia.
Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la hướng về trời Đế-thích nói kệ này xong, chúng A-tu-la và các quyến thuộc đều rất hoan hỷ, khen ngợi, phấn khởi. Đế-thích, chư Thiên và quyến thuộc đều đứng im lặng.
Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bảo Đế-thích: “Đại thiên vương nên nói kệ”.
Bấy giờ Thiên vương hướng đến A-tu-la nói kệ:
Ta thấy rõ việc này
Không muốn giống người si
Người ngu tự khởi sân
Người trí ai tranh cùng?
Vua trời Đế-thích nói kệ ấy xong, chư Thiên trời Ba mươi ba và các quyến thuộc đều khen ngợi, vui mừng phấn khởi. Các A-tu-la và quyến thuộc đều đứng lặng thinh.
Đế-thích bảo vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la: “Nhân giả, hãy nói tiếp lời đi!” Khi ấy, A-tu-la hướng đến Thiên chủ nói kệ:
Im lặng, ý nhẫn nhục
Đế-thích! Ta cũng thế
Ngu si khi tranh thắng
Nói ta sợ nên nhẫn.
Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói kệ ấy rồi, các A-tu-la và quyến thuộc đều hân hoan, vui mừng khen ngợi. Đế-thích, chư Thiên và quyến thuộc đều đứng lặng thinh. Vua A-tu-la cũng bảo Đế-thích: “Thưa Thiên chủ, đến lượt ngài biện thuyết về lời tốt đúng như pháp”. Bấy giờ, trời Đế-thích hướng đến A-tu-la nói kệ:
Người ngu theo ý mình
Bảo nhẫn là sợ sệt
Cho đây cầu tự lợi
Còn kia chẳng lợi ích
Ta bảo kia làm ác
Chẳng nên sân với sân
Với sân nên làm thinh
Đánh vậy thì thường thắng.
Nếu bị người xúc não
Có sức thường nhẫn được
Nên biết người nhẫn này
Đứng trên các hạnh nhẫn.
Không kể mình hay người
Đều cầu lìa chỗ sợ
Nếu biết người ghét mình
Với họ không nên sân
Hai bên đều lợi ích
Cho là mình như người
Nếu người sân mắng nhiếc
Sân mình tự tiêu tan
Đối mình hoặc với người
Cả hai đều được lợi.
Ý người nghĩ ngu si
Là do không biết pháp
Nếu người có sức mạnh
Nhẫn được người yếu đuối
Nhẫn này là tối thắng
Không có nhẫn nào hơn.
Kẻ kia không trí tuệ
Chỉ có sức ngu si
Vì ngu si bỏ pháp
Nên tự mất chánh hạnh.
Ngu si tự khoe thắng
Sân hận phát lời ác
Nhẫn được xúc não ấy
Đó là được thắng lợi.
Sợ người mạnh mà nhẫn
Nhẫn ấy sợ sanh oán
Đối kẻ yếu nhẫn được
Nhẫn này người trí khen.
Vua trời Đế-thích thuyết kệ ấy xong, chư Thiên trời Ba mươi ba và các quyến thuộc khen ngợi, phấn khởi vô cùng. Chúng A-tu-la đều làm thinh. Khi ấy, trong hàng chư Thiên, những vị có trí tuệ, đều nhóm lại một chỗ bàn luận so sánh các bài kệ này, suy nghĩ tường tận, xem xét suy tầm, rồi cùng khen ngợi như thế này: “Chư Nhân giả, nay trời Đế-thích khéo nói ý nghĩa về sự cai trị giáo hóa, tất cả đều không có dao gậy, roi vọt, cũng không tranh cãi, đánh đấm, hủy nhục, oán thù, cũng không kiện cáo và mong cầu báo trả. Lại đối với sanh tử có sự nhàm chán, cầu xa lìa dục, vì sự tịch diệt, vì sự tĩnh lặng, vì chứng đắc thần thông, vì chứng đắc quả Sa-môn, vì thành tựu Chánh giác đắc Niết-bàn. Chư Nhân giả, những bài kệ của vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la đã nói không có lời tốt đẹp như thế. Tất cả những lời ấy chỉ có dao gậy, roi vọt, gai góc, độc địa, hủy nhục, tranh cãi, đánh đấm, kiện tụng, oán thù, mong cầu đáp trả. Lại trưởng dưỡng sanh tử, không có nhàm chán tham đắm ái dục, chẳng nghĩ về hạnh tĩnh lặng tịch diệt, chẳng cầu thần thông và quả Samôn, chẳng cầu Chánh giác và Đại Niết-bàn. Chư Nhân giả, những bài kệ của vua trời Đế-thích đã nói, gọi là lời nói thiện. Những bài kệ của vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la đã nói, chẳng phải là lời nói thiện. Chư Nhân giả, những bài kệ của vua trời Đế-thích đã nói là lời nói thiện, đúng là lời nói thiện. Những bài kệ của vua A-tu-la Tỳma-chất-đa-la đã nói chẳng phải là lời nói thiện, nhất định chẳng phải là lời nói thiện”.
Chư Tỳ-kheo, các vị nên biết! Trời Đế-thích thời ấy chính là Ta. Chư Tỳ-kheo, lúc đó Ta là vua trời Đao-lợi cai trị giáo hóa tự tại, thọ hưởng phước lạc, còn nói lời thiện để làm dụng cụ chiến đấu. Vì do lời thiện nên chiến đấu thường thắng. Tỳ-kheo các thầy đã được ở trong giáo pháp nói lời thiện của Ta, lắng tâm lìa tục, bỏ nhà xuất gia, tu hạnh tinh tấn. Các vị nếu muốn tìm hiểu lời thiện, lời ác trong giáo pháp để nắm lấy nghĩa lý thì nên biết như thế.
Chư Tỳ-kheo, Ta nhớ thuở xưa, chư Thiên vương… và A-tu-la khi đánh nhau, vua trời Đế-thích đánh dẹp Tu-la, sau khi đã chiến thắng, tạo dựng cung điện đẹp đẽ, chiều Đông Tây rộng năm trăm do-tuần, chiều Nam Bắc hai trăm năm mươi do-tuần. Chư Tỳ-kheo, bên ngoài cung điện đẹp đẽ ấy, có một trăm nơi phòng ngự; ở mỗi nơi phòng ngự có bảy lầu gác, đều dùng bảy báu tạo thành; trong mỗi lầu gác, thiết trí bảy phòng; trong mỗi phòng đặt bảy cái giường; trên mỗi cái giường có bảy ngọc nữ; mỗi ngọc nữ lại có riêng bảy người hầu gái. Vua trời Đế-thích cùng các ngọc nữ và người hầu nữ, chẳng có việc gì làm, chỉ tận hưởng mọi diệu lạc thù thắng. Đồ ăn uống, cần dùng như hương hoa, áo quần, tất cả mọi vật dụng để vui chơi, đều tùy theo nghiệp đời trước mà hưởng được phước báo. Chư Tỳ-kheo, trong cõi Tam thiên đại thiên thế giới, với các cung trời hiện có, không có cung điện nào bằng cung điện đẹp đẽ ấy của vua trời Đế-thích.
Lúc đó, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la suy nghĩ: “Ta có sức mạnh và uy đức như thế, cung điện mặt trời, mặt trăng và trời Ba mươi ba, tuy ở trên ta, vận hành cùng khắp, nhưng sức của ta có thể nắm lấy làm vòng đeo tai, đi khắp các nơi, chẳng bị trở ngại”. Đã có một lúc, vua A-tu-la La-hầu-la, trong lòng giận dữ, chứa đầy phiền não độc hại, ý chẳng vui vẻ, liền nghĩ đến vua A-tu-la Tỳ-ma-chấtđa-la. Khi đó vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nghĩ thế này: “Vua A-tula La-hầu-la nay nghĩ đến ta” và liền tự nghĩ đến các tiểu vương Atu-la cùng các A-tu-la quyến thuộc dưới quyền thống lãnh của mình. Lúc đó các tiểu vương và các A-tu-la kia biết vua A-tu-la Tỳ-machất-đa-la nghĩ đến mình, ai nấy đều chuẩn bị các loại binh khí kéo đến chỗ vua. Đến nơi rồi, đứng yên ở phía trước. Bấy giờ, vua A-tula Tỳ-ma-chất-đa-la tự mặc áo giáp, cầm gậy, vội vàng lên xe, cùng với các tiểu vương và quân sĩ, vây quanh sau trước kéo đến chỗ vua A-tu-la La-hầu-la. Vua A-tu-la La-hầu-la lại nghĩ đến hai vị vua Atu-la là Dũng Dược và Huyễn Hóa. Cùng lúc, hai vua này biết được ý nghĩ ấy rồi, lại cũng nghĩ giống như vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la là nghĩ đến các tiểu vương của mình và chúng thuộc hạ. Ai nấy đều biết rồi, cũng khẩn trương chuẩn bị vũ khí, hướng đến chỗ hai vua. Đến nơi, tất cả đều cùng kéo tới chỗ vua A-tu-la La-hầu-la tự trang bị đủ các loại vũ khí tùy thân, cùng ba vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, Dũng Dược, Huyễn Hóa và tiểu vương, quyến thuộc của ba vua ấy, vây quanh sau trước, từ thành A-tu-la lũ lượt ra đi, muốn cùng với chư Thiên Đao-lợi đánh nhau một trận quyết liệt.
Bấy giờ, hai vua Rồng lớn là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ cung đi ra, dùng thân quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, tức thì làm núi rung động; động rồi lại động, động lớn, động khắp; rung rồi lại rung, rung lớn, rung khắp; phun rồi lại phun, phun lớn, phun khắp, dùng đuôi đập biển, làm cho một khối nước vọt lên hư không lên tận đỉnh Tudi.
Chư Tỳ-kheo, liền ngay khi ấy, Thiên chủ Đế-thích bảo các Thiên chúng: “Chư vị Nhân giả, các vị có thấy đại địa này rung động như vậy không? Hư không đen nghịt giống như mây có mưa, lại như sương mù dày đặc. Ta biết chắc rằng, nay A-tu-la muốn cùng với chư Thiên đánh nhau”.
Lúc ấy, ở trong biển, các Rồng tại chỗ đều rời cung mình, cầm các loại gậy gộc, trang bị tề chỉnh, ra ngay trước A-tu-la cùng chúng chiến đấu. Nếu thắng thì đuổi chúng lui thẳng về cung. Nhưng không thắng nên sợ hãi chạy lui, rồi cùng đến gặp Dạ-xoa Địa Cư. Đến nơi, nói rằng: “Các vị nên biết, các A-tu-la muốn đánh chư Thiên. Nay, các ngươi nên cùng chúng ta đến chỗ ấy giúp nhau đánh phá”. Dạxoa nghe xong liền chuẩn bị vũ khí cùng các Rồng kéo đi, cùng đánh nhau với A-tu-la. Nếu thắng thì đuổi chúng đi, nhưng không thắng nên sợ hãi chạy lui, rồi cùng đi đến ra mắt Dạ-xoa Bát thủ. Đến nơi, thưa rằng: “Các vị biết chăng? Các A-tu-la muốn đánh chư Thiên. Các ngài nên đến cùng chúng tôi tương trợ nghinh chiến”. Bát thủ nghe xong, cũng chuẩn bị vũ khí, cùng kéo đi… cho đến… thua chạy, rồi lại cùng đến báo với Dạ-xoa Trì phát rồi cũng bỏ chạy như trên… đến báo với Dạ-xoa Thường túy, cũng chuẩn bị gậy gộc và cùng với Trì phát… hiệp lực chiến đấu. Nếu đắc thắng thì đuổi bọn chúng về cung, nhưng do thất bại nên sợ hãi rút lui, rồi đến yết kiến Tứ đại thiên vương. Đến nơi, tâu với Tứ thiên vương: “Tứ vương thẩm xét! Nay các A-tu-la muốn đánh với chư Thiên. Các ngài nên cùng với chúng tôi tương trợ đánh cho chúng tan tác”. Khi ấy Tứ thiên vương nghe Thường túy nói liền vội vàng cầm các loại vũ khí lên xe mà đi… cho đến… chạy lui, chẳng thể hàng phục. Lúc đó Tứ thiên vương bèn cùng nhau lên Thiện pháp đường, nơi chư Thiên nhóm họp, bàn luận tâu với Đế-thích: “Thiên vương nên biết, các A-tu-la nay tụ tập muốn đánh chư Thiên, xin nên đến đó đánh nhau với chúng”. Trời Đế-thích nghe Tứ thiên vương nói như vậy thì chấp thuận, liền triệu một vị trời Ma-na-bà bảo rằng: “Này Thiên tử, ngươi đến đây! Nay ngươi có thể đến trời Tu-dạ-ma rồi sang trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Đến nơi, vì ta mà tâu với các Thiên vương thế này: ‘Chư Thiên các ngài, chắc các ngài đã biết, nay A-tu-la muốn đánh với chư Thiên, Thiên vương các ngài cần phải tương trợ, cùng đến chỗ ấy chiến đấu với chúng’”. Ma-na-bà nghe lời của Đếthích xong liền đi đến trời Tu-dạ-ma tâu đầy đủ sự việc.
Thiên vương Tu-dạ-ma nghe lời tâu của Thiên sứ trời Đế-thích là Ma-na-bà liền nghĩ đến tất cả Thiên chúng trong cõi trời Tu-dạma. Khi ấy Thiên chúng biết ý nghĩ của Thiên vương rồi, đều khẩn trương mặc áo giáp, mang vũ khí, nhảy lên loại xe ở cõi trời, cùng nhau kéo đến chỗ Thiên vương. Đến rồi, đứng yên ở trước. Cùng lúc, Thiên vương Tu-dạ-ma cũng tự thân mặc loại áo giáp báu đẹp ở cõi trời, cầm các gậy báu, cùng với đông đủ vô lượng trăm ngàn vạn các Thiên tử vây quanh, đi xuống, đến trên đỉnh núi chúa Tu-di, tại phía Đông núi, cắm cờ khó hàng phục toàn màu xanh, tựa vào đỉnh núi.
Lúc ấy Thiên sứ Ma-na-bà liền trở lên trời Đâu-suất-đà. Đến nơi, vị ấy tâu với Thiên vương cõi Đâu-suất: “Thiên vương nên biết! Thiên vương Đế-thích có lời báo trình: ‘Các A-tu-la muốn đánh với chư Thiên, xin chư Thiên cùng đến tương trợ, góp sức chiến đấu, khiến chúng thối lui’”. Trời Đâu-suất-đà nghe lời ấy rồi, liền nghĩ đến đại chúng chư Thiên của mình. Chư Thiên ấy biết rồi, liền tụ tập đến chỗ của Đại thiên vương. Đến nơi, ai nấy đều dốc sức cầm vũ khí, nhảy lên xe cùng với vô lượng trăm ngàn vạn Thiên chúng, kéo nhau đi xuống, cùng lúc vân tập ở đỉnh núi Tu-di, tại phía Nam, cắm cờ khó hàng phục toàn màu vàng, tựa vào đỉnh núi.
Thiên sứ Ma-na-bà lại đi đến trời Hóa lạc, tâu với vị trời ấy: “Thiên vương nên biết! Trời Đế-thích sai tôi đến báo với ngài rằng: ‘Các A-tu-la muốn đánh chư Thiên… tâu đầy đủ như trước… cho đến trời ấy cùng với vô lượng trăm ngàn vạn chúng Thiên tử, đều trang bị vũ khí, nhảy lên các thứ xe, cùng nhau kéo xuống, đến đỉnh núi Tu-di, tại phía Tây núi, cắm cờ khó hàng phục, toàn một màu đỏ, tựa vào đỉnh núi.
Cũng như thế, lên báo với Thiên vương Tha hóa tự tại… như trước đã nói… Khi ấy Thiên chúng của vị trời kia trang bị vũ khí hơn trời Hóa lạc, cùng với vô lượng trăm Thiên tử, vô lượng ngàn Thiên tử, vô lượng trăm ngàn Thiên tử, vây quanh kéo xuống, đến núi Tu-di, tại phía Bắc, cắm cờ khó hàng phục toàn màu trắng, tựa vào đỉnh núi.
Bấy giờ trời Đế-thích thấy chư Thiên các cõi trên đều vân tập, liền nghĩ đến Dạ-xoa ở hư không. Khi ấy các chúng Dạ-xoa ở hư không đều nghĩ: “Thiên vương Đế-thích đã nghĩ đến chúng ta”. Biết như vậy rồi, chúng Dạ-xoa liền bảo nhau cùng mặc giáp, cầm gậy, trang bị dụng cụ tùy thân, xong xuôi, nhảy lên các loại xe, đi đến trước Đế-thích đứng sang một bên. Trời Đế-thích lại nghĩ đến các Tiểu thiên vương cùng quyến thuộc của chư Thiên trời Ba mươi ba. Khi biết ý nghĩ ấy, họ đều mặc giáp, trang bị vũ khí, nhảy lên các loại xe, đến trước Thiên vương. Lúc ấy, Đế-thích mặc các loại áo giáp và trang bị vũ khí, nhảy lên các loại xe, cùng với Dạ-xoa Hư không và các tiểu vương trời Ba mươi ba, vây quanh trước sau, ra khỏi thiên cung muốn cùng với A-tu-la đánh nhau một trận quyết liệt.
Chư Tỳ-kheo, khi đánh nhau với A-tu-la các Thiên chúng ấy sử dụng nhiều loại vũ khí như: đao, tên, giáo, côn, vồ, chày, tên nhọn kim cang, tên bắn đối mặt, tên như cái đục, tên nhọn bọc sắt, tên như răng trâu, tên nhọn như lá Ca-lăng-già, tên nhọn li ti, tên nổ. Những loại vũ khí ấy có nhiều màu sắc đẹp đẽ, đều là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, xa cừ, mã não… bảy báu tạo thành. Dùng những loại dao gậy này, từ xa phóng đến xuyên suốt thân A-tu-la mà chẳng bị hại, trên thân của chúng cũng lại chẳng thấy thương tích, chỉ do nhân duyên xúc chạm nên chịu thống khổ.
Chư Tỳ-kheo, các A-tu-la, khi đánh với chư Thiên có các loại vũ khí, sắc loại giống như của chư Thiên, cũng do bảy báu tạo thành, đâm vào thân chư Thiên, cũng đều xuyên qua, mà không có thương tích, chỉ do nhân duyên xúc chạm nên chịu thọ các thống khổ.
Chư Tỳ-kheo, khi chư Thiên ở cõi Dục cùng với chúng A-tu-la đánh nhau, còn có các loại vũ khí như vậy, huống hồ là vũ khí của loài người tại thế gian.
Hết Quyển 8