Chương 1
THANH CAO VÀ GIẢN DỊ
1.1. Không mở trai đàn
Vào thời Nam Bắc triều (420-589), đời nhà Tống (giòng họ Lưu), vua Vũ đế Lưu Dụ, hiệu Sở Sang, có một người xuất gia hiệu là Mân.
Sư Mân xuất gia hồi mới 7 tuổi. Lớn lên bác thông kinh điển, tiếng đồn khắp nước, dân chúng thường gọi ngài là Mân pháp sư.
Mân pháp sư ưa kiến tạo, tu sửa chùa chiền, in kinh, đúc tượng, phóng sanh, bố thí… không một việc thiện nào, vì nhỏ, mà không làm, dù cho gian khổ, khó khăn, ngài cũng không ngại.
Có người hỏi sư: “Công đức tu tập của Hòa thượng tính ra không phải nhỏ, nhưng đáng tiếc là chưa từng nghe ngài mở đại hội trai đàn chẩn tế, e rằng công đức ấy vẫn chưa được viên mãn”?
Mân pháp sư trả lời: “Đại hội trai đàn chẩn tế rất khó thực hiện đúng như chánh pháp. Vả lại, nhu cầu các thứ phẩm vật như gạo, rau, muối, giấm, củi, nước lạnh, nước sôi… nói chung là vật dụng để phục vụ trai đàn tốn kém rất nhiều; rồi lượng người tham dự rất đông, đi lại giẫm đạp lên cỏ cây, vi trùng; rồi lúc nấu nướng, rửa ráy… rất nhiều việc làm thương tổn đến những chúng sanh nhỏ bé. Bởi vậy tôi không dám mở đại hội trai đàn chẩn tế. Nếu như ủy thác công việc cho Vương cung hay Đạt quan biện lý thì khó mà được như chánh pháp, bọn họ chỉ cầu lấy danh lợi, xã giao trong xã hội mà thôi, mất hết ý nghĩa chân chính của hội trai đàn. Cho nên, dứt khoát tôi không mở hội trai đàn”.
Lời bình:
Thời đại ngày nay người ta mỗi làm một việc tu phước là mở hội trai đàn, cho đó là việc làm tốt đẹp và viên mãn nhất trong các việc thiện. Thậm chí, có người đóng cửa nhập thất, nhưng chỉ mới đóng cửa được một hai ngày, thì thân ngồi trong thất nhưng tâm đã nghĩ đến chuyện mở trai đàn, ngày đêm tính toán, chuẩn bị cho việc mở hội chẩn tế. Cho nên, thường không thể duy trì hoặc đánh mất chánh niệm tu tập, ôm nhiều phiền não. Than ôi! Lời của pháp sư Mân cách nay đã hơn mười thế kỷ vậy mà vẫn không sai.
1.2. Lợi hòa đồng phân
Vào thời Nam Bắc triều, nhà Lương (502-577), ở Tích Đô, chùa Bành Thành, có một pháp sư hiệu Huệ Khai, người làng Ngô Quận, Hải Diêm.
Sư Huệ Khai cùng với hai người bạn đồng tu là Trí Tạng – ở chùa Khai thiện, núi Chung Sơn, và Tăng Mân – ở chùa Trang Nghiêm, Dương Đô, chung học kinh luận. Sau đó, sư Huệ Khai ra giảng kinh, thuyết pháp. Sư giảng rất hay, danh tiếng đồn khắp thiên hạ. Thái thú Dự Chương là Tạ Huệ rất ngưỡng mộ, nhiều lần đi nghe ngài giảng kinh, đồng thời cúng dường rất nhiều vàng bạc, nhưng sư Huệ Khai chưa từng để ý đến, không một lần đến nhà, dù Thái thú cứ năm lần bảy lượt khẩn khoản cung thỉnh. Sư còn đem tiền bạc nhận được từ sự cúng dường phân phát hết cho đại chúng và làm từ thiện.
Thái thú Tấn An là Lưu Nghiệp cúng dường cho ngài một vạn tiền, không đến một ngày, toàn bộ số tiền đó đã được ngài đem đi phân phát hết cho những người bần cùng khổ sở.
Tính tình của sư rất rộng rãi, vui vẻ, tùy hòa, không chú trọng hình thức bên ngoài, áo quần nhiều khi bụi bặm bám đầy cũng không để ý giặt giũ.
Lời bình:
Thuyết pháp mà không nhận của cúng dường đó mới là sự bố thí pháp chân chính. Nếu như mỗi người xuất gia chúng ta ai cũng giống như pháp sư Huệ Khai thì tốt biết mấy!
1.3. Sống chung với côn trùng và bụi bặm
Thời Nam Bắc triều, nhà Lương, ở Dương Đô, chùa Linh Cơ, có pháp sư hiệu là Đạo Siêu.
Sư Đạo Siêu theo học với pháp sư Mân ở chùa Linh Cơ, sau đó sư về độc cư trong một am tranh nhỏ, tuyệt giao bạn bè, không tiếp khách. Cả căn phòng sư ở bụi bặm phủ đầy, bốn phía tường vách đều nghe tiếng dế và côn trùng kêu. Có lần, Trung thư Lương Trương Suất ghé đến thăm, ông thấy tình cảnh như vậy liền hỏi:
– Tiếng côn trùng kêu ầm ĩ, bụi bặm phủ đầy phòng tưởng chừng quá mắt cá, thầy học đạo đến nỗi không biết gì đến hoàn cảnh xung quanh sao?
Sư đáp:
– Mỗi ngày nghe những tiếng côn trùng nỉ non này có cảm giác như đang thưởng thức một dàn giao hưởng của thiên nhiên, đất trời, của vạn vật muôn loài, không khác nào được nghe một loại âm nhạc được tấu lên từ nhiều thanh cụ khác nhau, như trúc, sáo… Còn bụi bặm thì theo gió thổi mà bay đến đây thôi, tôi chưa bào giờ quét dọn, để ông thấy những thứ này thật là thất lễ!
Thái thú Trương Suất nghe xong vô cùng khâm phục và hết lời tán thán.
1.4. Ở ẩn bên suối
Đời nhà Đường (618-907), ở Đông Dương, chùa Thanh Thái, có pháp sư hiệu Huyền Lãng.
Sư họ Truyền, tự Huệ Minh, hiệu Tả Khê, người Vụ Châu, huyện Ô Thương (nay thuộc Triết Giang, Nghĩa Ô), là cháu đời thứ 6 của Truyền Đại Sĩ. 9 tuổi xuất gia. Năm 692, sư 20 tuổi, vua sắc trú trì chùa Thanh Thái ở Đông Dương. Nhân thọ giới cụ túc với Luật sư Quang Châu Ngạn, rồi theo học luật nghi, kinh luận. Sư xem hết các sách, tinh nghiên cứu kinh Niết bàn, từng đến chùa Diệu Thiện nghiên cứu yếu chỉ Thiền học với Thiền sư Ấn Tông. Nghe nói tông Thiên Thai có thể làm cho chúng thanh tịnh thú hướng nhất lý liền đến tham học. Nhân đến chùa Thiên Cung ở Đông Dương, theo Huệ Oai học kinh Pháp Hoa… Sau, nương Thiền sư Cung tu tập chỉ quán. Lại làu thông sách Nho, kiêm luôn nghĩa lý Đạo tông. Thường tu chỉ quán mà nắm được yếu chỉ đạo an tâm. Về sau, sư gặp được rừng núi đẹp, liền ẩn cư bên khe suối ở Vụ Châu, Phố Dương. Thường giữ bên mình 18 vật tùy thân của một Tỳ-kheo, thực hành 20 pháp đầu đà, mặc áo gai, ăn rau cỏ, ngồi yên một chỗ, ròng rã hơn 30 năm.
Sư sống một mình trong một cái am nhỏ, nhưng luôn luôn nhận thức rằng, am tuy nhỏ cũng có thể chứa đựng cả pháp giới vô lượng, đó chính là tâm cảnh trong thế giới Hoa nghiêm, một hạt bụi có vô lượng thế giới. Hơn 40 năm, sư chỉ đắp một chiếc y bảy điều (y thất). Suốt đời sư chỉ dùng một chiếc tọa cụ (ni-sư-đàn, đồ để ngồi thiền). Nếu như không vì việc tra cứu kinh điển thì tuyệt đối không đốt đèn dầu, nếu như không phải là lễ Phật tụng kinh thì tuyệt đối không rời một bước. Nếu sư muốn rửa bát thì lập tức bầy khỉ trong rừng tranh nhau đến đem bát đi rửa cho sư. Lúc sư tụng kinh, chim muông bay đến đậu trước mặt, đuổi chúng cũng không bay. Thứ sử Vương Chính Dung thường thỉnh sư vào thành thuyết pháp cúng dường, nhưng sư đều từ chối, thoái thác rằng có bệnh.
Lời bình:
Người đời nay khi đọc đến sách Đại sư Vĩnh Gia đối đáp với Đại sư Huyền Lãng (tức cuốn Thiền tông Vĩnh Gia), thấy có đoạn ghi rằng: “Kiến đạo không cần phải ở chỗ rừng sâu núi thẳm, tịch tịnh, người vật vô tri, mà ngay những nơi ồn náo không chỗ nào chẳng phải là đạo”, liền sanh tâm coi thường sư Huyền Lãng, cho rằng sư an phận thủ thường, tìm vui nơi cảnh vắng. Nhưng người sau có biết đâu rằng đó chỉ là những lời Đại sư Vĩnh Gia dùng để phá cái tâm chấp pháp của sư Huyền Lãng. Lời nói ấy chỉ là phương tiện tạm thời, giống như trong sách Tín Trung có ghi: “Xuất gia học đạo như thế không phải là chèo thuyền trí tuệ bơi vào biển pháp, nhưng rồi lại muốn bẻ lái quay đầu vào núi hay sao”? Câu này cũng nhằm vào sư Huyền Lãng, với mục đích thôi thúc ngài xuống núi để cứu độ chúng sanh. Tuy nhiên, phong độ và khí thế của sư Tả Khê còn lưu truyền lại hôm nay vẫn là điều mà những người học đạo như chúng ta phải học! Làm người phải nên có nhận thức phân minh, như trong sách Tín Trung, Đại sư Vĩnh Gia đã nói: “Được mất tại người, liên quan gì đến động tĩnh”. Người đời nay nghiệp chướng sâu nặng, không những ở nơi động không thấu đạo đã đành, mà ngay trong tĩnh cũng khó giữ được chánh niệm. Trước không lo ẩn cư tu tập cho đầy đủ nội lực mà đã vội vào chốn thị thành huyên náo hành đạo Bồ tát thì e rằng khó tránh khỏi hệ lụy, rơi vào chỗ lỗi lầm.
1.5. Tiền rơi không nhìn
Đời nhà Tùy (581-618), có pháp sư Phú Thượng.
Sư Phú Thượng hành cước đến chùa Tịnh Đức, ở Ích Châu. Trên đường đi, thỉnh thoảng sư nghỉ lại bên đường, dựng tích trượng, treo một chiếc nón rộng vành lên đó, rồi ngồi dưới nghỉ ngơi và tụng kinh. Sư không bao giờ mở lời hướng đến những người khách vãng lai để hóa duyên. Có ai cúng dường cho tài vật, sư cũng không mở lời cám ơn hoặc làm một cử chỉ tỏ vẻ dấu hiệu ban phước như những vị tăng hóa duyên thường làm, chẳng hạn râm rầm chú nguyên trong miệng cầu cho thí chủ được tiêu tai được phước. Bởi đường vắng, hẻo lánh, ít người qua lại, nên nhiều ngày liền sư không nhận được bất kỳ một sự bố thí nào. Có người bảo sư: “Ở thành tây bắc dân cư đông đúc, người qua lại rất đông, sự bố thí cúng dường cũng nhiều, vì sao ngài không qua đó, mà cứ ở mãi chốn này”? Sư trả lời: “Một đồng hai đồng cũng đủ để duy trì mạng sống rồi hà tất phải cần nhiều. Nhiều mà để làm gì”?
Thứ sử Lăng Châu, tên Triệu Trung Thư, là một viên quan khét tiếng tàn bạo, không tin Phật pháp, không kính Tam bảo. Hắn nghe nói đến chuyện sư Phú Thượng, liền cố ý đến thử xem thật hư thế nào. Một hôm, hắn cưỡi ngựa đi qua chỗ sư Phú Thượng đang ngồi, rồi giả vờ đánh rơi một túi vàng gần đó. Phú Thượng vẫn điềm nhiên tụng kinh, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thứ sử họ Triệu sau khi bỏ đi đã xa, liền cho người quay trở lại, bày trò lượm được vàng, sư Phú Thượng cũng không để ý. Triệu Trung Thư bấy giờ mới đến hỏi sư:
– Suốt ngày ông ngồi đây không được hơn một đồng, thế mà có cả một túi vàng hơn vạn đồng rơi trên đất cạnh ông đây, sao không nhặt? Thấy người ta nhặt vì sao không ngăn cản?
– Sư trả lời:
– Đó không phải là vật của tôi, vì sao tôi lại mạo nhận là của mình mà ngăn cản người ta lấy đi chứ?
Thứ sử họ Triệu nghe xong, liền xuống ngựa đảnh lễ, sám hối, rồi hết lời tán thán, bội phần khâm phục sư Phú Thượng, đồng thời chuyển tâm quy y Tam bảo.
1.6. Không giữ vải và lương thực
Đời nhà Đường, có pháp sư hiệu là Thông Huệ.
Sư Thông Huệ xuất gia lúc 30 tuổi, một mình vào núi Thái Bạch tu hành mà không mang theo lương thực. Đói thì ăn hoa cỏ và trái cây rừng, khát thì uống nước suối, ngủ thì tựa dưới gốc cây. Suốt ngày sư chăm chỉ tọa thiền, tham cứu, ròng rả như vậy hơn 5 năm. Một hôm, sư dùng cành cây đánh vào gò đất, gò đất bị phá nát hình dạng, sư hốt nhiên đại ngộ.
Cuối đời, sư chỉ mặc một bộ đồ, dùng một cái chăn, một đôi giày, suốt 20 năm. Y phục rách nát, vá víu nhiều lớp, mùa đông cũng như mùa hạ, không hề thay đổi.
1.7. Không nhớ đến tiền
Đời nhà Đường, ở Kinh sư, chùa Hoằng Pháp, có pháp sư hiệu là Tĩnh Lâm.
Tĩnh Lâm người làng Kinh Triệu, Hoa Nguyên. Sư đạo hạnh rất cao siêu, tiếng thơm đồn vang khắp xa gần, tín đồ quy tụ ngày một đông, và sự cúng dường ngày càng nồng hậu. Nhưng tín đồ Phật tử cúng dường tài vật bao nhiêu, sư đều giao cho thị giả quản lý, và cũng không giờ hỏi lại nhiều ít. Về sau, sư muốn làm việc từ thiện, lúc ấy mới hối hận là mình không có tiền. Thị giả đen tiền ra, sư nói: “Ta không biết rằng mình có tiền nhiều như vậy”! Bình sinh, áo quần hư rách, sư đều đơm khâu lại để mặc, chưa bao giờ sử dụng đồng tiền vào việc của cá nhân.
1.8. Cửa không đóng
Đời nhà Đường, ở Kinh sư, chùa Biện Tài, có pháp sư hiệu là Trí Tắc.
Sư Trí Tắc người làng Ung Châu, Trường An. Tính tình sư quang minh lỗi lạc, phong độ tự nhiên, phóng khoáng, không chú trọng đến ăn mặc, thường chỉ đắp một chiếc y bá nạp, quần chỉ che đến gối (tức như quần soọc ngày nay). Trong phòng chỉ có một chiếc giường, một cái bát đất, một cái muỗng gỗ, ngoài mấy thứ đó ra không còn vật dụng nào nào khác. Phòng sư ở không bao giờ đóng cửa. Người đời đều gọi sư là người điên cuồng. Sư nghe người ta gọi vậy cảm khái cười và nói một tràng: “Bảo ta là người điên cuồng, nhưng không biết rằng chính bản thân các người mới là điên cuồng! Người xuất gia là ra khỏi nhà, lìa khỏi tục, vậy mà ngược lại ham lo việc cơm áo, gạo tiền; đi ra thì thích mặc áo đẹp, ở thì thích nhà cao cửa rộng, có tường rào che chắn, cửa đóng then cài, hòm rương buộc nắp… lãng phí thời gian như vậy chỉ làm nhiễu loạn thân tâm, phương phế đạo nghiệp; lại còn ham lo thu góp, cất chứa của cải, suốt ngày bận rộn tiếp khách, tâm luôn lo lắng hơn thua… những hạng người này nếu không phải là người điên thì trên đời này không còn người nào điên nữa”!
1.9. Chân nhân không lộ tướng
Đời nhà Đường, ở Hành Sơn, chùa Di Đà, có pháp sư hiệu là Thừa Viễn (712~802).
Sư họ Tạ, người Hán châu (nay là Tứ Xuyên, Quảng Hán). Lúc đầu học đạo ở Thành Đô, sau đó về ở tại Sơn Nham Trung, phía tây nam dãy Hành Sơn. Có người cúng dường vật thực cho thì sư dùng, không có người cúng thì sư ăn cỏ cây hoa lá. Nhiều người ngưỡng mộ đức hạnh của sư đã tìm đến đảnh lễ, thọ pháp, gặp sư ở giữa khe núi cheo leo, cao và dốc, thân hình tiều tụy, đầu mặt bụi bặm bám đầy, tóc tai bù xù, tự lo lấy việc hái củi, khách vãng lai cứ ngỡ là thị giả của sư, nên không để ý, nào ngờ đâu đó chính là sư Thừa Viễn!
Sư chuyên tu Ban chu niệm Phật. Về sau, xa gần nghe tiếng, kéo đến thọ giáo có hơn vạn người. Quốc sư Pháp Chiếu là môn nhân của sư. Đường Đại Tông cũng từng đến tham lễ, trước sau sắc tứ cho đạo tràng của sư hiệu “Ban Chu đạo tràng”, “Di Đà tự”.
Trinh Nguyên thứ 18, sư nhập tịch, thế thọ 91. Liễu Tông Nguyên soạn văn bi, dựng bên hữu cổng chùa. Đệ tử sư có hơn ngàn người, trong đó có Pháp Chiếu, Nhật Ngộ, Huệ Thuyên, Tri Minh, Siêu Minh… đều là những bậc danh tăng. Sư là Tổ thứ 3 của Tịnh độ tông.
Lời bình:
Vua Nghiêu có lúc ở nhà tranh vách cỏ, người đời nhìn vào chỉ tưởng là thường dân, mà không biết đó là Hoàng thượng; vua Vũ mặc áo quần cũ rách, người ta cũng không nhận ra đó là Hoàng đế, mà còn tưởng là người dân dã, quê mùa! Huống chi là người xuất gia, vốn chỉ dùng một bát ba y để duy trì thân mạng, lại có thể xem trọng bề ngoài sao? Hiện nay, có nhiều người xem trọng y phục, thích lụa là gấm vóc, nuôi nhiều người hầu hạ, còn sợ người ta không biết mình có nhiều tiền. Đi đâu cũng mặc áo quần lòe loẹt, dẫn theo nhiều đệ tử, tín đồ để phô trương thân thế, dương dương đắc ý ở chỗ đông người. Những hạng người xuất gia như vậy đọc đến đây nên cảm thấy hỗ thẹn!
1.10. Mặc lá sen, ăn hạt tùng
Đời nhà Đường, tại Minh Châu, núi Đại Mai, có thiền sư hiệu Pháp Thường.
Sư họ Trịnh, hiệu Đại Mai, người Tương Dương (Tương Phàn, Hồ Bắc), Trung Quốc. Sư xuất gia từ thuở nhỏ ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Châu (Giang Lăng, Hồ Bắc). Năm 20 tuổi thụ giới cụ túc tại chùa Long Hưng. Sư để tâm vào thiền nên đến tham kiến Mã Tổ Đạo Nhất, hỏi: “Thế nào là Phật”? Tổ đáp: “Tức tâm tức Phật”. Sư liền đại ngộ, kế thừa pháp Mã Tổ. Sau sư ẩn cư tĩnh tu nơi núi Đại Mai, huyện Ngân (Chiết Giang). Có vị tăng theo lệnh Mã Tổ đến núi Đại Mai nói với sư: “Gần đây Mã Tổ lại nói phi tâm phi Phật”. Pháp Thường nói: “Ta chỉ biết tức tâm tức Phật”. Mã Tổ nghe được bèn nói: “Trái mai đã chín”! Từ đó tiếng tăm của sư lẫy lừng, học giả khắp nơi tụ hội.
Pháp Thường ẩn cư trong núi sâu, ít người biết đến. Có lần, quan Quảng lam (giữ muối) viết thư triệu kiến sư, sư từ chối không đến, còn làm một bài kệ gởi Quản lam: “Nơi tôi ở có một cái ao vuông, trồng toàn hoa sen. Tôi lấy lá sen làm y phục che thân, có lẽ dùng cả đời cũng không hết. Lại có mấy gốc tùng cổ thụ rất tốt, tôi nhặt trái mà ăn, ăn hoài cũng còn dư. Tôi cứ nghĩ rằng không ai biết được chỗ ở của tôi, nên rất yên thân một mình lo tu tập đạo thanh tịnh, không ngờ lại có người tìm đến, vậy thì tôi phải rời bỏ chỗ này để đi vào sâu hơn trong núi mà ở thôi”.
1.11. Làm bạn với chim muông
Thời Ngũ đại (907-960), nhà Hậu Chu (951-960), trên đỉnh Phật Thủ, núi Lô Sơn, có đại sư hiệu Hành Nhân.
Đại sư Hành Nhân ẩn cư trên đỉnh Phật Thủ, Lô Sơn, mỗi ngày vào lúc tối, có một con nai và một con chim sơn trĩ đến ngủ bên ngoài thạch thất của sư, trông rất thân mật, như những người bạn chí thân, không hề sợ hãi. Bình sinh, sư Hành Nhân không nuôi đồ đệ, nhưng những tăng nhân ở các chùa am lân cận tự động cúng dường cho sư, hầu hạ sư. Có một hôm, sư nói với thị giả: “Kéo rèm cửa sổ lên, ta muốn đi”. Thị giả kéo rèm cửa sổ lên, sư xuống giường bước đi vài bước, rồi đứng lại, viên tịch, trong tư thế đứng.
Lời bình:
Người có nhiều tham dục đến lúc lâm chung rất đau khổ (dục vọng càng thiêu đốt mạnh mẽ), thậm chí còn tranh đoạt di sản; đối với tài vật, người thân trên đời cứ quyến luyến, nhớ nhung mãi không sao xả được, buông bỏ không đành. Không phải chỉ những người tại gia thế tục mới lâm vào cảnh ấy, mà ngay cả những người xuất gia cũng có hạng người như thế. Nếu như mỗi người xuất gia chúng ta ai cũng có thể làm được như đại sư Hành Nhân, một đời thanh cao lẫm liệt, viên tịch giống như trò đùa, nhẹ nhàng tựa như lông hồng, không phải là rất tốt hay sao?
1.12. Thiểu dục tri túc
Thời nhà Tống (420-479), tại Hồng Châu Vân Cư, có Thiền sư Hoằng Giác Đạo Ưng.
Sư họ Vương, người xứ Ngọc Điền (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), nối pháp Thiền sư Động Sơn Lương Giới, tông Tào Động. Sư trụ chùa Chân Như ở núi Vân Cư nên người đời gọi Sư là “Vân Cư Đạo Ưng”. Thụy hiệu Hoằng Giác Thiền sư.
Sư từng huấn giới đồ chúng rằng: “Các ông đều đã là người xuất gia, giống như những phạm tù trong ngục thất vừa được phóng thích ra, từ đây trở đi phải hướng đến đạo lớn liễu sanh thoát tử, xa hẳn trầm luân vạn kiếp. Đây là vận may của các ông, nhân đây, phải chế ngự dục vọng, thường sống tri túc, không nên tham cầu những hư vinh thế tục, phải nên nhẫn chịu đói khát, lập chí học đạo, tu tập pháp vô vi, chơn như tịch chiếu. Các ông phải siêng năng nghe và giữ gìn Phật pháp, hun đúc tài năng, phẩm hạnh ngày một tốt dần lên. Được như vậy thì không có gì có thể quý hơn! Tu hành Phật pháp phải chín lần chết một lần sống, vào nơi nước sôi lửa bỏng cũng không một khắc tạm dừng, phải nỗ lực tinh tấn mãi”.
1.13. Ước mong biển chúng thanh tịnh
Đời nhà Tống (420-479), ở Đông Kinh, có Thiền sư hiệu Từ Thọ Huệ Lâm Hoài Thâm.
Sư họ Ưu, tự Từ Thọ, người đời gọi là “Từ Thọ Thiền sư”, nối pháp Thiền sư Tư Thánh Sùng Tín, tông Vân Môn. Sư trụ chùa Tư Phúc, Tây Am ở Tương Sơn. Tác phẩm: Từ Thọ Thâm Hoà thượng quảng lục.
Có một hôm, sau khi đốt hương tham thiền, diễn ra một cuộc tham vấn nhỏ, sư khai thị đồ chúng:
“Quý thầy hãy ngàn vạn lần quên đi danh và lợi, lấy sự đạm bạc làm vui. Một khi tâm danh lợi thế gian giảm thiểu rồi, ý hướng nghĩ về đạo thanh tịnh tự nhiên phát sinh thêm lớn. Giống như Hòa thượng Biển Đam Sơn, một đời nhặt trái lịch(1) ăn cho đỡ đói. Đại sư Vĩnh Gia không ăn rau cải trồng bằng sự cày cuốc, bởi vì cày cuốc sợ thương hại đến những sinh vật nhỏ bé ở dưới đất bùn, và kính trọng sự lao khổ cực nhọc của người nông phu đã bỏ giọt mồ hôi xuống đất cấy cày hạt gạo; bậc cao Tăng như Hòa thượng Huệ Hưu, 30 năm chỉ mang một đôi giày, lúc đi đường đất không sỏi đá gai gốc thì quải dép lên vai mà đi chân. Các thầy ngày nay cơm áo không thiếu, mỗi thứ hưởng thụ đầy đủ, chưa đói đã ăn, chưa lạnh đã thêm áo, thân thể chưa một hạt bụi bẩn đã tắm gội, chưa đến giờ ngủ đã ngủ, còn như con đường sanh tử thì chưa nắm được rõ ràng, tâm cảnh ô nhiễm chưa rửa sạch, nghiệp chướng chưa đoạn, thì làm sao dám hưởng thụ phước báo”?
1.14. Đắp một y, ăn một bữa
Đời nhà Đường (618-907), ở Ích Châu, chùa Khuông Tuệ, có pháp sư Huệ Hy.
Pháp sư Huệ Hy sống độc cư, không có thị giả, ngày ăn một bữa, không tiếp nhận của người ta cúng dường. Trong phòng, trên mặt đất ngoại trừ những vết chân bình thường đi tới đi lui, còn lại rêu phong mọc đầy, chiếc giường của sư trừ chỗ chính giữa sư thường ngồi là tương đối không có bụi đất, còn lại hai đầu thì bụi đất bám đầy đóng lớp, hình như lâu, thật lâu lắm chưa có người ngồi. Quần áo của sư rách nát, cũ nhàu không thể tả, chỉ có thể che chắn được gió lạnh, mùa đông thì đắp chiếc y cũ rách này, mùa hạ thì cởi nó ra treo lên trên sàn nhà. Về sau, người ta mộ danh sư mà đến yết kiến đảnh lễ, cũng ở trong phòng này mà lãnh giáo. Đại sư đối đãi rất từ bi, hoà nhã, thiết tha, ân cần khuyên bảo, có khi người đến đông quá phải đợi đến mấy ngày mới có thể gặp sư để đàm đạo.
1.15. Một mình giữ cửa chết
Triều nhà Nguyên (1206-1368), ở Hàng Châu, có Thiền sư Thiên Mục Cao Phong Nguyên Diệu.
Sư họ Từ, tự Cao Phong, người xứ Ngô Giang, Tô Châu (nay thuộc Giang Tô) Trung Quốc. 15 tuổi xuất gia, 17 tuổi thụ giới cụ túc, 18 tuổi học giáo Thiên Thai được ý chỉ. Sư chuyên mộ thiền pháp, tham vấn ngài Đoạn Kiều Diệu Luân, sau yết kiến Tuyết Nham Tổ Khâm và được truyền tâm ấn. Năm 1269, khi bạn đồng tham chợt đẩy cái gối rơi xuống đất, sư nghe tiếng động này mà triệt ngộ. Thụy hiệu “Phổ Minh Quảng Tế Thiền sư”. Tác phẩm: Cao Phong Diệu Thiền sư ngữ lục, Cao Phong Hoà thượng Thiền Yếu.
Sư cũng từng tự tay dựng am ở Long Tu, ở 9 năm. Trong khoảng thời gian ấy, không kể mùa đông mùa hạ, chỉ mặc một chiếc nạp y may vá nhiều chỗ.
Sau đó, năm 1279, sư đến thạch động Tây nham, núi Thiên Mục, dựng một thất nhỏ ở hang Sư Tử, đề tên là “Tử Quan” (cửa chết). Trước mặt am là những tảng đá nước nhỏ giọt nhẵn bóng, trơn lụi; phía sau là đất bùn nhão nhẹt. Mỗi lần gió mưa chiếc am lại lung lay theo gió. Sư không nhận của cúng dường, cũng không cần thị giả. Y áo và vật dụng hàng ngày rất đơn giản. Sư không buồn tắm rửa, chẳng cạo râu tóc. Để đến được am sư, phải dùng một chiếc thang dây, nhưng sư đã cắt bỏ, để cắt đứt ngoại duyên. Trải qua 15 năm, sư không bước ra khỏi cửa. Từ đó, tiếng tăm vang xa, số người tham học, tăng tục đến thụ giới đông đến vạn người.
Lời bình:
Giống như mặt trời treo lơ lững ngoài chín tầng mây, những bậc đại đức ẩn cư trong vách núi cao ngàn vạn nhẫn, trước có đại sư Huệ Hy, sau có đại sư Cao Phong Diệu đây, hai ngài quả thật là những bậc siêu trần bạt tục. Trước đây, tôi có lên Thiên Mục Sơn, tiến vào động Trương Công, ghé mắt nhìn xuống thấy khe núi sâu đến ngàn trượng, muôn nghìn cảnh tượng hiện ra trước mắt. Luôn tiện tôi cũng đi yết bái di tích “Cửa tử”. Bấy giờ, trước mắt tôi vẫn còn phảng phất hình bóng oai nghi và dung nhan của đại sư Cao Phong Diệu! Tôi tự than trách thân phận mình sanh sau đẻ muộn không thể thân cận để được nghe ngài chỉ giáo, không ngăn cản được xúc động, nước mắt tuôn rơi, lâu thật lâu không thể kiềm chế được!
1.16. Không ăn tối
Ở tỉnh Triết Giang, vùng Triệu Hưng, vào mùa an cư, những hành giả tham thiền, nếu mỗi tối làm cơm ăn, gọi là “phóng tam phạn” (bữa cơm thứ ba). Tương truyền, tập tục ăn bữa cơm này rất thịnh soạn, rất nhiều thức ăn, xa xỉ hơn bữa cơm ngọ. Cái tập tục hư hại này lại được truyền rất lâu dài. Thuở xưa, có một vị tiền bối đạo đức cao siêu (tức Thiền sư Pháp Huệ) nghe chúng Tăng phòng bên cạnh làm thức ăn sau giờ ngọ không ngăn được nước mắt, than thở Phật pháp thời kỳ suy đồi, cho nên, cấm người xuất gia ăn quá giờ ngọ, huống chi đêm hôm lại ăn ư? Trong giới luật có ghi: “Người đời khua chén bát ra tiếng, ngạ quỷ nghe không kềm chế được cơn đói, trong cổ tự nhiên lửa bừng cháy”. Huống chi đêm hôm mọi người đã yên nghỉ, khua động chày, máy, mâm, chén… âm thanh truyền vào tai người ta, lại chiên, rán, nấu, thổi, nướng… hương vị truyền vào mũi người ta. Không nhớ rằng đối với chúng sanh phải từ bi dạy bảo, lại phóng túng dục vọng cho thoả bụng miệng, tâm như thế có thể yên ổn ư? Hoặc hỏi: ‘Nửa đêm bụng đói phải làm sao”? Có thể ăn vài loại quả trái cây, bánh kẹo, không phải động đến nồi niêu, vật thực nấu nướng, lại có thể đỡ đói. Huống nữa, người ta giữ ngọ, từ sau buổi trưa cho đến sáng hôm sau, trong khoảng thời gian đó, ngoại trừ uống nước, không ăn một thứ gì nữa. Chúng ta buổi tối dùng mấy thứ bánh kẹo, cây trái, thuốc dưỡng sinh cho đỡ đói lại còn không biết đủ, quả là thái quá đi rồi.
Phụ:
Luật Phật chế là căn cứ lập trường của một thầy thuốc, cho rằng ăn đúng giờ ngọ là điều kiện sống khỏe mạnh và trường thọ, rất phù hợp với thực tại bây giờ. Ngày nay y học cũng đã chứng minh được điều này. Trước kia, phương pháp làm thức ăn bằng nhiệt lượng cao, nhiều tròng trắng trứng đã bị phá hủy, phương pháp làm thức ăn này chỉ là con đường dẫn đến sự béo phì, cao huyết áp, sơ cứng động mạch… những tâm bệnh, rất dễ đưa đến tử vong nhanh chóng. Ăn chay có thể tránh được những thứ tâm bệnh này và ngừa ung thư. Điều này cũng đã được chứng minh và phổ biến rồi. Bữa ngọ ăn ít, người sẽ gầy một chút, nhưng tuyệt đối không dẫn đến kém dinh dưỡng, tinh thần lại rất tốt. Đạo gia cũng có nói rằng: “Anh muốn sống lâu, trong ruột phải thanh tịnh”. Ngày nay người ăn ít sống lâu rất nhiều, như lão Hòa thượng Quảng Khâm, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, đều hơn 90 tuổi. Nhìn lại, trên từ Phật Thích Ca, dưới đến lịch đại chư vị tổ sư, không một ai không tu khổ hạnh mà được thành tựu, thậm chí có ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa, đâu đâu cũng có. Mạnh Tử cũng nói: “Kẻ muốn làm việc lớn trong thiên hạ, tất trước phải nhọc gân cốt mình, đói thân thể mình, khổ tâm trí mình, làm mà không rối loạn, đây gọi là động tâm nhẫn tánh, chỗ lợi ích tăng thêm không ít”. Tài năng sửa trị việc đời còn cần phải ‘nhọc gân cốt, đói thân thể’, huống chi người xuất thế hướng đến đại đạo vô thượng, có thể ‘suốt ngày no nê’, vừa đói là ăn hay sao?
Huống nữa, “no ấm thì nghĩ chuyện dâm dục”, sẽ là chướng ngại lớn cho việc tu hành, người xuất gia không thể không biết việc đó. Lợi ích của việc ăn đúng ngọ rất lớn. Nhỏ thì có thể kéo dài tuổi thọ, thân thể kiện khương, lớn thì có thể liễu sanh thoát tử. Bởi trong Bát quan trai giới thì chính là 8 giới với một ‘trai’. Trai có nghĩa là ăn đúng ngọ. Công đức của Bát quan trai giới lớn đến mức độ nào? Người tu Tịnh độ nếu như giữ thêm 8 giới quan trai, vãng sanh tất không bị rối loạn. Niệm Phật trong một khoảnh khắc rất quan trọng. Nếu lúc lâm chung không như pháp ‘nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo’, rất dễ tuỳ theo nghiệp mà đi, rất nguy hiểm! Vạn nhất tâm rối loạn, điên đảo thì phải làm sao?
Thứ nhất, phải nhờ sự trợ niệm của đạo tràng niệm Phật, nhắc nhở chánh niệm, đánh khánh dẫn dắt, xem tượng Phật…Vì vậy, tổ chức đạo tràng ‘liên xã liên hữu’ cũng rất quan trọng, đây cũng là một phương diện phản ánh pháp môn niệm Phật của Đại thừa, nhập thế và tinh thần bình đẳng.
Thứ hai, chính là nhờ vào sự trì giới, bảo đảm có sức mạnh rất lớn. Người xem kinh Dược Sư đều coi trọng việc tiêu tai thêm thọ, đâu biết rằng lợi ích lớn nhất mà Phật Dược Sư cho chúng sanh ở cõi Ta bà này chính là vãng sanh sang thế giới Lưu Ly Tịnh độ của Ngài ở phương Đông và thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Trong kinh có nói như sau:
“Lại nữa, Mạn Thù Sư Lợi, nếu có bốn chúng, Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và những người có niềm tin thanh tịnh, thiện nam, tín nữ… có thể thọ trì tám phần trai giới, hoặc trải qua một năm, hoặc ba tháng, thọ trì những điều đã học, thì nhờ thiện căn này mà nguyện sanh sang thế giới Tây phương cực lạc, nghe chánh pháp đức Phật Vô Lượng Thọ nói; còn chưa được định, nếu nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, lúc lâm chung có tám vị Bồ tát lớn: Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế Chí, Vô Tận Ý, Bảo Đàn Hoa, Dược Vương, Dược Thượng, Di Lặc, tám vị Bồ tát này từ trên hư không mà đến, chỉ cho con đường để đến thế giới kia, từ trong hoa báu nhiều màu tự nhiên hoá sanh”.
Xem đó có thể thấy rằng, giữ giới chỉ có ba tháng thì đã có 8 vị Bồ tát lớn đến đón về Tây Phương, sự việc vô cùng tiện nghi. Lòng từ của chư Phật và Bồ tát nghĩ ra rất nhiều phương tiện cho chúng sanh, chỉ vì chúng ta không biết lợi dụng đó thôi. Cho nên, người niệm Phật nếu như chưa được nhất tâm bất loạn thì nên giữ giới, ăn đúng ngọ cho tốt!
1.17. Hoá duyên trái lẽ
Trong những thanh quy của Tăng đoàn chùa Vân Thê, có một điều như vầy: “Người đi quyên tiền, hoá duyên trái lẽ, trục xuất khỏi sơn môn”.
Có một thầy nói:
“Không cần phải cấm điều này, cấm thì cơ hội gieo trồng phước điền của chúng sanh sẽ giảm ít đi. Bởi vì, tuy người phạm tội hoá duyên trái lẽ, vi phạm nhân quả, nhưng có thể làm cho chúng sanh phá bỏ được tánh xan tham, xả bỏ tài vật thì cũng được lợi ích và công đức. Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, người xuất gia mượn danh nghĩa của Phật để mưu sinh đức Phật đã bao giờ vì những người này chế một điều cấm chưa”?
Tôi trả lời:
“Lời nói của thầy cố nhiên không sai, phát tâm tốt, nhưng thầy chỉ biết có một mà không biết có hai. Hóa duyên trái lẽ, cái nhân giả dối thì quả mờ mịt, người bố thí biết được, vì đây mà thối mất đạo tâm, về sau không bố thí nữa, sao có thể khiến người ta phá xan tham được? Lúc Phật còn tại thế, có các đệ tử đi du hoá ở các phương xa trở về, đi qua một thôn lạc, người dân ở trong vùng ấy thấy các thầy Tỷ-kheo này từ xa vội vàng đóng cửa lại hết. Các thầy mới hỏi một số người gần đó vì sao lại có tình trạng sợ hãi các thầy sa môn đến vậy, người ta trả lời nguyên do là vì người ta sợ các thầy hoá duyên trái lẽ! Số là trước đây có các thầy Tỷ-kheo xấu đi hoá duyên trái lẽ, cho nên họ sợ quý thầy ở đây cũng giống như những Tỷ-kheo kia. Sự việc xảy ra như vậy, quý thầy sau khi trở về bẩm báo với đức Phật, đức Phật nghe rồi cho gọi các thầy Tỷ-kheo hoá duyên trái lẽ đến trách mắng, vì sao có thể nói đối với việc này Phật không lập giới cấm? Phải thận trọng, đừng đi hoá duyên trái lẽ”.
1.18. Thầy giảng pháp
Những vị pháp sư giảng kinh, thuyết pháp có công đức rất lớn, vì vô hình trung thay đổi tâm tánh chúng sanh lúc nào không biết. Nhưng chưa từng nghe có thầy thí thực nào làm tròn trách nhiệm, có thể giao thiệp và đi lại làm bạn với quỷ thần được. Chúng ta nên so sánh hai hạng người này xem có lỗi lầm ít nhiều gì không? Tôi thì cho rằng không nhất định ai có lỗi ai không có lỗi. Thầy giảng kinh nếu như không cẩn thận thì cũng có thể chuốc lấy lỗi lầm rất lớn. Thầy thí thực cũng vậy. Thí thực chỉ là một pháp môn, một pháp giống như dễ dàng tinh thông, nhưng vô cùng khó thực hành. Kinh luận thì nhiều loại, muốn mỗi mỗi đều phải tinh thông thì rất khó khăn. Bởi vậy, người xưa, nhiều vị chỉ chuyên nghiên cứu, học tập một pháp môn, như chuyên về nghiên cứu nghĩa lý kinh Pháp Hoa, hoặc chuyên về kinh Hoa Nghiêm… Người bây giờ thì mỗi kinh, mỗi luận đều tuyên giảng, so với chư vị đại đức tiền bối phải chăng họ cao minh hơn? Nhưng mà chưa có bậc minh sư dạy dỗ hướng dẫn thì làm sao dám tự cao tự đại? Y theo cái biết nông cạn, suy luận chủ quan của mình mà phát biểu, thích đề cao cái mới, lập dị rồi phê bình bậy bạ những bậc tiền bối? Kinh luận chỉ có xem qua một chút đã tiến hành giải thích, chú giải, nhưng chưa có một chút ý kiến bàn luận nào phát huy được rõ ràng và nhất là chưa thể nhập hay chưa thực chứng. Làm như vậy thì không đúng rồi! Nhất định phải nghiên cứu lâu ngày, trường kỳ cho thật tinh thâm, nghiên cứu thảo luận nhiều mặt, ôm ấp trong lòng nguyện vọng sáng đạo vốn có làm gốc, không mưu đồ lợi dưỡng, danh vọng riêng mình, như thế mới có nhiều công đức mà không lỗi lầm. Hoặc giả, có người hỏi rằng: “Đại sư Trí Giả nói: ‘Vì lợi dưỡng mà hoằng dương kinh Phật cũng có đầy đủ danh nghĩa Bồ tát, lời nói này như thế nào?’. Ồ, đại sư Trí Giả nói câu này là vì khích lệ những người có đầy đủ lòng từ bi nhưng hãy còn thiếu hạnh nguyện Bồ tát vào đời độ sanh mà nói, không phải vì những người tham cầu danh lợi mà nói. Nếu như không suy nghĩ tìm hiểu ý nghĩa của câu nói này, rất dễ dàng hiểu lầm.
1.19. Lợi ích của người xuất gia
Chư vị đại đức thuở xưa có nói: “Người tốt nhất chính là người xuất gia”; trong dân gian cũng có lưu truyền một câu như thế này: “Một người con xuất gia chín đời tổ tiên được sanh thiên” (nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng). Những câu nói như vậy đều là tán thán, khen ngợi người xuất gia, nhưng chưa nói xác định rõ ràng chỗ lợi ích của người xuất gia. Suy cho cùng thì lợi ích của người xuất gia là ở chỗ nào? Thật khó nói, người xuất gia không cần phải cấy cày, không đi dệt vải mà vẫn có cơm ăn, có áo mặc, đó là lợi ích của người xuất gia sao? Hoặc giả nói, không cần phải mua nhà, không cần phải thuê phòng, nhưng vẫn có chỗ cư trú, đó là lợi ích của người xuất gia? Hoặc nói, quốc vương đại thần ủng hộ, tín đồ thí chủ cung kính, trên không bị quan lại bắt đi lính, dưới không bị thứ dân quấy nhiễu mà lại được tự nhiên vui vẻ, thanh nhàn, phóng khoáng, đó là lợi ích của người xuất gia?
Người xưa có bài kệ nói vầy:
“Hạt gạo của thí chủ
Lớn tựa núi Tu di
Nếu đạo lớn không thành
Mang lông đội sừng trả”
Lại nói: “Một ngày kia lão Diêm Vương tính toán cơm tiền với anh, xem anh lấy gì bồi thường?”. Xem đây đủ thấy, người xuất gia, trái lại nấp kín bên trong một cây đại tai họa, lại còn nói là lợi ích sao? Cái gọi là lợi ích của xuất gia chính là có thể thoát được phiền não, dập tắt vô minh, chứng được vô sanh pháp nhẫn, liễu thoát sanh tử, đây mới là việc làm tối thắng, cao quý hơn hết, trong loài trời, người. Hơn nữa, cha mẹ dòng họ cũng có thể nhờ đây mà ân triêm đức hạnh. Nếu không như lời này, dù có giàu có đến thiên vàng vạn bạc, cho đến được vinh hiển làm quốc sư cho bảy đời Hoàng đế đi nữa (như Thanh Lương quốc sư) cũng chẳng có lợi ích gì để nói! Thật tại tôi vạn phần lo sợ, sợ phạm vào lỗi lầm lớn này, đồng thời nói với các bạn đồng tu cùng nhau cảnh giác, lo sợ mà gắng tu.
TỔNG LUẬN
Tỷ-kheo là tiếng phạn Bikkhu, người Trung Hoa dịch là Khất sĩ. Sống một mình, thanh tịnh tu hành mới gọi là Khất sĩ. Nếu như còn nhiều nhu cầu, nhiều sự nuôi dưỡng, tham dự nhiều việc, đây không phải là trái lại nghĩa gốc của hai chữ Tỷ-kheo sao? Chương này ghi chép lại sự việc từ pháp sư Mân, cho xuống đến chư vị đại đức, khoảng thời gian đó cho đến hôm nay có trên một ngàn năm lịch sử, nhưng phong độ và khí thế của quý ngài, vẫn còn lưu truyền cho đến hôm nay, chưa tiêu mất. Nghe biết phong độ, khí tiết cao sáng của quý ngài mà không quyết chí vươn lên lại có thể xứng đáng làm Tỷ-kheo sao?