ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XUẤT GIA

(GƯƠNG SÁNG NGƯỜI XƯA)
Liên Trì Đại Sư
Thích Nguyên Hùng dịch

MỤC LỤC

Lời nói đầu 

Đại sư Liên Trì là một vị Thiền sư lớn, tinh thông Tam tạng, có kiến giải và sở chứng. Ngài không những chỉ được người đương thời trọng vọng, mà kẻ hậu thế cũng không ngớt lòng kính ngưỡng.

Ngài sáng tác rất nhiều, và đều là những tác phẩm nỗi tiếng, tinh túy, độc đáo và sâu sắc. Thời bấy giờ rất được nhiều người ưa thích. Thậm chí, có người người đã mạo danh của ngài để in sách trục lợi. Thế mới biết sách của ngài rất thịnh hành. Thiền sư Hám Sơn(1) từng nói: “Tài của sư Liên Trì đủ để dùng sửa trị việc đời, sở ngộ của sư đủ để truyền tâm ấn, lời dạy đủ để khế cơ, giới hạnh đủ để hộ pháp, khí tiết đủ để khích lệ người đời, thanh quy đủ để cứu chỗ hư nát trong thiền môn; cho đến lục độ vạn hạnh, lòng từ ban vui, tâm bi cứu khổ, nơi sư đều thành tựu đủ cả”. Hám Sơn còn nói: “Nhìn lại trên từ chư tổ, những người đơn thân độc mã tiến đến nẻo giác, những người đã thấy được Phật tánh ngay nơi chốn trần lao này, không hẳn đã tu đủ cả vạn hạnh, nhưng làm cho vạn hạnh sáng rỡ nơi chính bản tâm của mình, thì trừ thiền sư Vĩnh Gia, chỉ còn có một mình sư Liên Trì là đủ tư cách ấy mà thôi”! Theo lời nhận xét này thì biết, nếu Liên Trì không phải là Bồ tát phương tiện thị hiện thì không thể nào đạt đến công hạnh như vậy.

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ Thiền sư Liên Trì, có lẽ cũng do nhân duyên. Tôi rất thích đọc sách, và ưu tìm hiểu chỗ uẩn khúc trong đó. Một hôm, đọc xong cuốn Lăng Nghiêm kinh mô tượng ký và cuốn Trúc Song Tùy Bút của đại sư Liên Trì, tôi không ngăn được xúc động, vỗ tay mạnh xuống bàn mà thán rằng, ồ Thiền sư Liên Trì cũng có cái thói quen ưa tìm chỗ bí ẩn trong kinh sách đó!

Những tác phẩm của Đại sư Liên Trì, mỗi chữ là mỗi viên châu ngọc, mỗi câu mỗi hàng đều có thể tháo gỡ được chỗ vướng mắc, cởi mở được chỗ trói buộc của người chưa hiểu, chưa biết; hình như những cuốn sách ấy ra đời là để giải đáp những vấn đề thắc mắc, hoài nghi của người đời. Tôi trộm nghĩ bản thân mình nghiệp chướng sâu dày, đã bị trầm luân trong sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng dám ngửa mặt nhờ ân trạch của Vân Thê, chỉ biết cảm khái mà thở than, rằng:

Ai người trước đã đi qua

Ai người sau rồi sẽ đến

Chỉ thấy trời đất mênh mang

Một mình tủi thân rơi lệ!

Thời này là thời kỳ mạt pháp, nhưng tâm người xét thấy vẫn uyên nguyên nguồn cội! Chánh pháp suy vi, yêu tà nổi dậy bốn phương, nhưng xét nghĩ, nếu Tứ chúng đệ tử Phật ra sức chấn hưng, nỗ lực dẹp trừ ma chướng, có thể thay đổi được cuộc thế suy đồi, chưa hẳn là không tạo được không khí trung hưng. Vì lẽ đó, tôi phát tâm ấn loát lại cuốn sách này, bằng cả nguyên văn bản gốc (Hán cổ) và chua thêm phần văn bạch thoại, giải thích thêm chút ít. Lý do là bởi nội dung của cuốn sách này không chỉ làm gương mẫu cho người xuất gia, mà còn là kim chỉ nam tu tập cho cả người cư sĩ tại gia. Việc làm chẳng có gì to tát, nhưng vì là kẻ hậu học, tài trí thô thiển, thì việc nhỏ thế này cũng thành ra quá khó, dám xin chư đại đức trong mười phương không tiếc lời mà còn thương xót chỉ giáo cho thì thật là hân hạnh!

Sau cùng, xin chân thành cảm tạ ân sư thượng Quảng hạ Hóa, giáo thọ sư Hứa Thành Chương, và tiên sinh Tống Nhân Hoàng, những người đã chỉ đạo và phê duyệt cho cuốn sách này, cùng với Pháp sư Huệ Tịnh đã cung cấp tư liệu. Nơi đây xin nhận cho con lòng tri ân sâu sắc.

Dân quốc, tháng 8, năm 73

Tịnh nghiệp học nhân

Ngô Cẩm Hằng, tự Vu Cao Hùng

Kính bút.

 

TỰA 

Hôm nọ, lúc tôi chuẩn bị viết bài tựa cho cuốn sách này, có một vị tăng đến thăm, và hỏi rằng:

– Người xuất gia cần phải làm những việc gì?

Tôi tình thật trả lời:

– Cầu đạo, làm đạo.

Vị ấy lại hỏi:

– Cầu đạo, việc căn bản nhất phải làm là gì?

Tôi nói:

– Là tu bồi đạo đức, giới hạnh.

Vị tăng ấy liền nói:

– Ôi, thầy thật là cố chấp! Người thượng căn lợi khí thì nhờ trí huệ mà vào đạo, kẻ hạ căn độn khí thì chỉ có tu phước mà thôi. Cho nên, người xuất gia cần nhất là phải cầu cho được trí huệ, có trí huệ thì tự nhiên đầy đủ tất cả, cần gì phải tu bồi đạo đức, tu tập giới hạnh?

Tôi nghe vậy, lòng vô cùng ái ngại, nhưng vẫn nhỏ nhẹ thật tình:

– Người xưa từng nói, đạo đức là gốc căn bản làm người. Lại nói, ở đời người muốn lập chí lớn, làm việc lớn, trước hết phải tự lượng khí chất và năng lực của mình, huống chi pháp của Phật, bậc Chánh đẳng giác, cao thâm vi diệu, lẽ nào người thường có thể tùy tiện tiếp nhận, lãnh ngộ được sao?

Cũng giống như người có sữa của sư tử, thứ ấy là quý, mà không biết dùng bình lọ quý báu như lưu ly để cất giữ, lại đem bỏ trong mảnh sành, bình đất thì không phải là phí phạm, để cho hư nát hay sao? Lại giống như một người lực sĩ, khiêng chiếc đỉnh nặng ngàn cân, leo lên chiếc thuyền lá bé nhỏ, thì làm sao tránh khỏi cái nạn lật thuyền mà chết?

Ngày nay, người xuất gia có chút ít tri thức, thì đã vội vàng tập tành học cách chú giải, khảo cứu, biên chép… chẳng khác nào những thư sinh nhà Nho chuyên làm con mọt sách. Người có tri thức trình độ hơn chút nữa, thì tầm chương trích cú những lời dạy của cổ nhân, vay mượn một cách máy móc, biên chép lại thành sách rồi cho là của mình; nắm bắt những thứ cặn bả, vụn vặt như ngói gạch phế thải… của chư vị Tổ sư đã bỏ đi, vậy mà cứ cho là của mình sáng tác; thật đúng là làm trò thả hình bắt bóng, chẳng được gì cả, ngược lại còn làm trò cười cho kẻ trí! Những hạng người này, giảng kinh thuyết pháp nghe hùng hồn lắm, mỗi chữ mỗi câu đều phảng phất như lời chư Phật, chư Tổ, rất cao minh, nhưng khảo sát lại hành vi của họ thì chẳng khác nào những kẻ phàm phu tục tử. Thời kỳ mạt pháp, những hạng người bại hoại như vậy thật nhiều lắm!

Tôi rất lo lắng, sợ những người xuất gia rơi vào những tình cảnh nông nỗi như vừa nói trên, cho nên mới sưu tập, ghi chép lại những thiện hạnh của người xưa, trích lấy phần trọng yếu, phân thành mười loại. Mười loại ấy là gì?

Từ bỏ mọi sự nhiễm ô của thế tục, gọi là xuất gia. Xuất gia, điều đầu tiên phải nói đến là sự thanh cao và giản dị, cho nên, thiện hạnh thứ nhất mà người tu phải noi theo học tập là Thanh tố. Nhưng thanh cao mà không nghiêm chính thì chỉ là cái thói làm cao của kẻ cuồng sĩ. Người học Phật nhất định phải thâu nhiếp ba nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh tịnh thì mới có cơ hội thành tựu đạo nghiệp, cho nên điều thiện hạnh thứ hai phải học là Nghiêm chính. Hành vi nghiêm chính cần phải nương nhờ thầy chỉ dạy, mới tránh khỏi sai lầm. Người thầy là bậc mô phạm, nuôi dạy ta thành người, cho nên điều thiện hạnh thứ ba là phải Tôn sư. Có cha mẹ sanh ta, nuôi ta lớn khôn, sau mới có thể tiếp nhận sự giáo dục của thầy, quên mất công ơn cha mẹ là bất hiếu, vong bản. Vả lại, giới hạnh luật nghi tuy rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hiếu hạnh, cho nên, thiện hạnh thứ tư là Hiếu thân. Kẻ trung thần xuất thân từ người con hiếu. Đạo lý trung hiếu phải vẹn toàn, chỉ biết có tình thân, không biết có ân quân chủ, quốc gia thì đó là hành vi của người tự tư tự lợi. Trong sách có ghi: “một người có phước, vạn dân đều nhờ”, là ý nói khi có một bậc quân chủ đức độ nhiếp chính thì quốc thới dân an, chúng ta nhờ vậy mà có thể được xuất gia, tự do đi lại khắp núi rừng sông suối để ẩn cư tu tập. Ân quốc gia cũng thật lớn thay! Cho nên, điều thiện hạnh thứ năm là phải trung thành với đất nước, Trung quân. Nhưng nếu chỉ biết đến đạo lý trung quân, tức là chỉ giao tiếp qua lại với các cấp chính quyền lãnh đạo, mà không quan tâm đến nhân dân, những người tín chủ đã ủng hộ mình tu tập thì cũng không tròn đạo lý. Nên cần phải nghĩ nhớ đến những người chân lấm tay bùn, nghèo khổ bần cùng, đó là điều thiện hạnh thứ sáu, Từ vật. Từ và ái rất gần gũi. Người xuất gia mà sinh lòng ái nhiễm là một điều chướng ngại lớn cho việc tu hành, vì vậy, điều thiện hạnh thứ bảy là phải sống cho Cao thượng. Nhưng cao thượng không có nghĩa là cô phương tự phụ. Người xuất gia giữ khoảng cách với mọi người là để yên thân tu tập, một mặt là để trau dồi bản thân, hoàn thành xứ mạng tự độ của mình, sau đó, khi công phu tu tập đã cao thâm rồi thì tự nhiên đạo hạnh sáng rỡ muôn phương, khi ấy là lúc trở lại hóa độ chúng sanh. Đó là điều thiện hạnh thứ tám, Trì trọng. Trì trọng là cẩn thận mà ẩn cư, tìm chốn thanh nhàn vô sự như thế chẳng qua cũng là bất đắc dĩ, vì đạo hạnh chưa thâm, cho nên phải chịu Gian khổ, đó là điều thiện hạnh thứ chín. Tuy nhiên, cũng có người sợ sự gian khổ ở ngoài đời mà tìm đến núi rừng, chùa viện để ẩn cư, trốn tránh việc đời, trở nên những kẻ vô công, ăn nhờ cửa Phật, đó không phải là hành vi gian khổ mà là mượn đạo tạo đời, đạo tâm đã thui chột. Một khi đạo tâm đã thối lui rồi thì không việc ác nào lại không dám làm. Kỳ thật, đạo lý nhân quả báo ứng không chừa một ai, dù nhỏ như sợi lông hạt bụi vẫn chưa bao giờ sai khác. Cho nên, người xuất gia không thể không nghĩ đến nhân quả báo ứng, đó điều thiện hạnh thứ mười, Cảm ứng, tức là phải luôn luôn ghi nhớ luật nhân quả.

Mười điều thiện hạnh trên đây nếu tu tập đầy đủ thì đạo hạnh mới hoàn thiện, mới trở thành nhân tài có thể kham nhận Phật pháp. Cũng giống như đất đai đã được cải thiện phì nhiêu, mầu mở rồi sau đó mới có thể trồng cây, gieo hạt được tốt tươi. Đất tâm cũng vậy, một khi đã được tinh thuần rồi thì đạo lý mới có thể tin hiểu, thọ trì; đạo lớn bồ đề chí cao vô thượng mới có thể kỳ vọng thành tựu. Nếu không như lời trên đây để tu hành thì chỉ là một phường phàm phu bỉ lậu mà thôi!

Đạo lý làm người mà không làm được, thì làm sao học làm Phật? Dù thầy là người thượng căn lợi khí, rất mực tài trí thông minh đi nữa, cũng chỉ có hại mà thôi. Trí lực càng cao, chướng ngại càng lớn, tu hành càng khó thành tựu. Người không có đạo hạnh như vậy làm sao có thể làm người xuất gia tu hành?

Khi tôi nói xong mấy lời trên đây thì vị tăng ấy lại nói:

– Diệu pháp tu tập của tôi là một hạt bụi không lập, xưa nay không một vật, bụi bặm báo vào đâu? Mười thiện hạnh của ngài đem dùng vào chỗ nào?

Tôi trả lời:

– Rõ ràng là năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đang thiêu đốt mạnh mẽ, rối loạn khắp nơi; bốn đại địa, thủy, hỏa, phong đang gây phiền phức khắp chốn, sao lại nói không có vật gì?

Vị tăng ấy cãi:

– Bốn đại vốn không có tướng, năm uẩn vốn chẳng có thật.

Tôi nghe vậy liền bước đến trước thầy ấy đánh cho một tát, nói:

– Hiện nay, kẻ học đòi lời lẽ của người xưa để biểu thị kiến giải của mình rất nhiều. Thầy đáp chưa trúng vào đâu cả, hãy thử dùng kiến giải của chính bản thân thầy đáp lại tôi xem.

Vị tăng ấy không đáp được, giận dữ bỏ đi. Khi ấy tôi cười mà nói:

– Bây giờ trên mặt thầy đầy vẻ giận dữ, đó chính là bụi bẩn của bốn đại và năm uẩn đấy, sao thầy không lau đi!

Người xuất gia cần phải chú ý! Lên cao phải tự biết mình bé nhỏ, chớ nên tự đại, đừng vọng nói Bát nhã, lạm giải Tánh không mà tự chuốc lấy tai ương. Và, ngàn vạn lần xin khuyên người xuất gia đừng vì một chút danh lợi bèo bọt, hư vinh mà tham đắm. Hãy tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức của mình, đem hết tâm lực tinh thần mà tu tập, quyết một phen sống chết, lâu ngày tự nhiên tâm được bừng mở, cửa ngỏ giác ngộ bước đến nơi, sau đó mới có được sự thể hội chân chính, không bỏ vạn hạnh cũng chẳng nhiễm trần; suốt ngày không chấp không mà cũng chẳng chấp có, đó chính là đạo lý đệ nhất nghĩa đế: chân không diệu hữu. Đây mới là trí tuệ chân thật của nhà Phật. Xin những người xuất gia hãy một lần để tâm tham cứu.

Tôi rất lấy làm hỗ thẹn vì đạo lớn vẫn còn chưa thể hội, thêm nữa đức hạnh mỏng manh, viết cuốn sách này, mục đích chủ yếu là muốn cứu vãn những căn bệnh của người xuất gia ngày nay, để báo đáp ân đức của chư Phật mà thôi. Người có trí thấu tình đạt lý, nếu không vì chỗ nông cạn của tôi mà bỏ qua những sơ xuất, hy vọng còn lưu thông cuốn sách này để cho mọi người tu thiền tham cứu thì thật là quý báu biết bao!

   Niên hiệu Vạn Lịch thứ 13
    Hàng châu, ngày trọng Đông
    Sa môn Châu Hoằng

TIỂU SỬ ĐẠI SƯ LIÊN TRÌ 

Đại sư Liên Trì (1532-1612), cao tăng đời nhà Minh. Sư người Hàng Châu, họ Thẩm, tự Phật Tuệ, hiệu Liên Trì. Thuở nhỏ theo Nho học. 17 tuổi đã đứng đầu môn sinh, quyết lấy việc học hành làm sự nghiệp. Sau do ảnh hưởng bạn bè, sư để tâm đến pháp môn Tịnh độ, viết bốn chữ “Sanh tử sự đại” treo trên đầu giường để tự cảnh tỉnh.

Tuổi trung niên, sư quy y theo Phật, đến Vô Môn Tánh Thiên ở Tây Sơn xin xuất gia. Rồi bái Vô Trần ở Chiêu Khánh cầu thọ giới cụ túc. Sau, sư vân du bốn phương tham thiền, học đạo.

Niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1571), sư đến Hàng Châu, trụ ở núi Vân Thê, thường tịnh tu niệm Phật tam muội, giáo hóa xa gần, học trò dần dần vân tập, núi ấy bỗng chốc trở thành Tòng Lâm. Niên hiệu Vạn Lịch thứ 12 (1584), sư sáng tác Vãng Sanh tập, 3 quyển; Vạn Lịch năm 30, sư tuyển Lăng Nghiêm kinh mô tượng ký, 1 quyển.

Đương thời, giới đàn đã lâu lắm không được thực hành, sư bèn cho những người cầu thọ giới cụ túc chuẩn bị đủ ba y, đến trước Phật đài truyền giới, thỉnh Phật làm chứng minh. Rồi sư chế định Thủy lục nghi vănDu già diệm khẩu pháp, để chẩn tế cứu khổ cho chúng sanh ở cõi u minh. Sư còn xây dựng hồ phóng sanh ở trong và ngoài thành, biên soạn văn Giữ giới – phóng sanh, khuyên mọi người chớ thương tổn đến loài vật. Sư chủ trương tu tập pháp môn Tịnh độ, đồng thời nỗ lực xiển dương Thiền Tịnh song tu, khiến cho đạo phong tỏa khắp, lợi lạc vô cùng. Những người trí thức trong thiên hạ như Tống Ứng Xương, Lục Quang Tổ, Phùng Mộng Trinh… bấy giờ đều được cảm hóa, theo sư học đạo.

Cuối đời, sư nhuốm bệnh, lại càng nỗ lực siêng tu tịnh nghiệp, viết 32 điều bất tường để cảnh tỉnh mình và người; lại viết Ba điều đáng trách, 10 điều đáng khen, để khuyến tấn đồ chúng. Niên hiệu Vạn Lịch thứ 40, sư thị tịch, thọ 81 tuổi. Người đời tôn xưng: Vân Thê Hòa thượng, Liên Trì đại sư.

Tác phẩm còn có: Thiền Quan Sách Tấn, Phạm Võng Giới Sớ Phát Ẩn, A Di Đà Kinh Sớ Sao, Hoa Nghiêm Kinh Cảm ứng Lược Ký… tổng cộng có hơn 30 tác phẩm.