NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Chúng Ta Phải Học Mô Phạm Của Phật

Giảng tại Kim Sơn Tự, Canada, ngày 03/07/1989

Người học Phật phải chân chánh nhận thức mục đích của chúng ta là gì? Người học Phật là vì tương lai muốn thành Phật. Nếu không muốn thành Phật thì đừng học Phật. Học Phật phải học nguyện lực của Phật, phải học hành vi của Phật, phải học tư tưởng của Phật. Nguyện lực của Phật là không riêng gì mình thành Phật, mà còn phải phổ độ hết thảy chúng sinh đều thành Phật đạo, vì hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, nhưng vì vọng tưởng chấp trước, cho nên từ bao nhiêu kiếp đến nay, cũng không thể nào thành Phật. Vọng tưởng là gì? Vọng tưởng là tâm tham. Chúng ta nếu không có tâm tham thì không có vọng tưởng, không có tâm tham thì biết đủ, biết đủ thì khoái lạc, không biết đủ thì thống khổ, người biết đủ thì luôn luôn an lạc, người không biết đủ thì luôn luôn thống khổ. Tại sao không biết đủ? Vì có tâm tham. Tại sao lại biết đủ? Vì không có tâm tham. Nói đơn giản “Biển khổ không bờ, quay đầu là bến”. Tâm tham của chúng ta so với trời còn cao hơn, so với đất còn dày hơn, hố không đáy thì không có khi nào lấp đầy được. Tâm tham gọi là gì? Phàm là những gì bạn nghĩ muốn được, không thể đắc được bạn cũng muốn được, những gì có được bạn lại muốn thêm nhiều. Ðây đều là tâm tham. Thứ tâm tham nầy khi sinh ra, thì nào là tâm tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon, tham ngủ nhiều. Vì có tâm tham cho nên đầu óc suốt ngày không ngừng tạo tội lỗi, luôn luôn đều tính toán quanh co trong đầu não, nhưng tính đi tính lại vẫn cảm thấy không đủ. Cho nên phải nghĩ biện pháp lấp đầy hố tham dục của chính mình, hố tham dục mà không đày, thì thấy cái nầy cũng cho là thật, thấy cái kia cũng cho là thật, thấy cái gì thì tham cái đó, thậm chí rác rến cũng muốn chất thành đống to, cảm thấy như vậy mới có ý nghĩa. Tại sao phải tham rác rến? Vì sinh tâm chấp trước, thì vọng tưởng rác rến không thể nào quét sạch. Vọng tưởng tham tài là rác rến, vọng tưởng tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ, cũng đều là rác rến. Những thứ nầy đều là những thứ không trong sạch, cho nên gọi là rác rến, cũng vì thế mới nói “Tài sắc danh thực thùy, địa ngục ngũ điều căn”, không thể phát tâm bồ đề. Người phát tâm bồ đề thì đối với năm dục này chẳng vướng bận, không tham tài, không tham sắc, không tham danh, không tham ăn, không tham ngủ, vật gì cũng không tham, cũng không chấp trước vật gì. Nhìn xem những người tham tài vật, xem tài như mạng sống, như cha mẹ của họ, thậm chí còn thân hơn so với cha mẹ, có tiền rồi thì không còn biết tới cha mẹ. Người tham sắc thì điên điên đảo đảo, một không đủ thì tham hai, hai không đủ thì tham ba. Người như thế chết rồi nhất định làm súc sinh, làm rồng. Vì rồng thì tâm dâm dục quá mạnh, cho nên nguời tham sắc thì đoạ làm rồng, tội nặng thì đọa địa ngục. Cho đến tham ăn, tham ăn ngon, ăn ngon lại như thế nào? Bất quá ăn no rồi thì không thể ăn được nữa, hơn nữa ăn đồ ngon khi ăn no rồi thì lại có phiền não. Ngủ thì ngủ nhiều, lại muốn ngủ nhiều, thậm chí ngủ không tỉnh dậy. Người vì chấp trước tài sắc danh thực thùy năm dục, cho nên ngày càng không có trí huệ, tự tính ngày càng không trong sạch, tham lam rác rến với pháp nhiễm ô, cho nên tự tính trí huệ quang minh không linh nghiệm. Nghĩ muốn lộ ra trí huệ quang minh thì đừng có tâm tham, đừng tham tài, đừng tham sắc, đừng tham danh, đừng tham ăn, đừng tham ngủ, có thể đoạn được năm dục này thì là nguyện lực của Phật. Phật tu phước tu huệ, tu ba đại A Tăng kỳ kiếp (một tăng một giảm là một kiếp, tuổi thọ con người cứ một trăm năm thì tăng một tuổi, cao thêm một tấc, từ mười tuổi tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi, và một trăm năm giảm xuống một tuổi, lại từ tám vạn bốn ngàn tuổi giảm xuống đến mười tuổi gọi là một kiếp, một ngàn kiếp gọi là một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp hợp thành một trung kiếp, bốn trung kiếp hợp lại thành một đại kiếp). A Tăng Kỳ kiếp là nhiều đại kiếp không có số lượng. Tu phước thì tận sức làm việc thiện, tu huệ thì học văn tự Bát Nhã, cũng có thể nói là làm các việc thiện là tu phước, đừng làm các điều ác là tu huệ, cho nên phải phước huệ viên mãn mới có thể thành Phật. Phật trong ba đại A Tăng kỳ kiếp và trong trăm kiếp tu phước tu huệ, việc thiện nhỏ nhất Ngài cũng làm, còn việc ác nhỏ nhất Ngài cũng không làm, trải qua thời gian lâu dài mới thành Phật. Do đó phàm là người tín ngưỡng Phật, tin pháp của Phật nói, cũng tin đệ tử của Phật và hết thảy chư Tăng. Chúng ta học Phật nhất định phải học nguyện lực của Phật. Nguyện lực của Phật là tự mình thành Phật rồi, lại muốn độ hết thảy chúng sinh đều thành Phật, mình đã đắc được quả bồ đề, đắc được đại trí huệ, đại an lạc. Cho nên cũng muốn hết thảy chúng sinh cùng hưởng đại trí huệ và đại an lạc. Chúng ta là người học Phật phải nhớ đừng tranh, đừng tham, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng nói dối, đừng hướng ngoại truy cầu, đây là bước sơ bộ trên đường đạo. Nguyện lực của Phật thì vô lượng vô biên, sâu rộng như biển cả. Nhưng chúng ta không thể nói biển cả quá sâu rộng, chúng ta học không được thì không học. Chúng ta phải học nguyện lực của Phật từng chút, từng chút. Chúng ta phải xả mình vì người, phải học hạnh của Phật Thích Ca, xả thân cứu cọp đói, lóc thịt cứu chim ưng, bị vua Ca Lợi chặt chân tay, trong tâm cũng không sinh tâm sân hận, phải có tinh thần nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn, bố thí, thiền định, thì có thể sinh trí huệ Bát Nhã, đây là lục độ vạn hạnh, chỉ cần tiến về trước tu thì đồng thời sẽ đầy đủ.

Tuy nhiên nguyện lực của Phật rộng lớn, nhưng nguyện lực của chúng ta cũng không nhỏ. Chỉ cần phát nguyện lực của Phật, thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ thành công, sẽ đạt được mục đích.

Hành vi của Phật thì không làm các điều ác, mà chuyên làm các việc thiện, luôn luôn chiếu cứ mình, không bao giờ phá hoại kẻ khác, đó là hành vi lợi người mà không hại người, là cứu người mà không giết người. Ngài khiến cho chúng sinh khai đại trí huệ, không phải dùng chính sách ngu si để lường gạt chúng sinh. Cho nên hành vi của Phật tối cao vô thượng. Tư tưởng của Phật là từ bi hỷ xả. Từ là ban vui cho chúng sinh. Bi là cứu khổ, lợi dụng tâm bi để giải trừ thống khổ của chúng sinh. Hỷ là hoan hỷ đối với hết thảy chúng sinh. Chúng sinh chưởi mắng Ngài cũng hoan hỷ, chúng sinh đánh Ngài cũng hoan hỷ, thậm chí giết Ngài, Ngài cũng hoan hỷ không sinh tâm sân hận. Xả là xả những gì chúng sinh không thể xả. Phần đông xả không đặng nhưng Ngài xả được, phần đông đều tham muốn nhưng Ngài không tham muốn. Cho nên Ngài thì không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cũng không nói dối. Vì Ngài không muốn lường gạt người, cho nên Ngài hết thảy đều đầy đủ, không hướng ngoại truy cầu, không làm những việc ngu si. Ðó là nguyện lực, hành vi và tư tưởng của Phật. Chúng ta mỗi ngày tự suy nghĩ xem, nguyện lực của ta và nguyện lực của Phật như thế nào? So sánh hành vi, tư tưởng của ta với Phật như thế nào? Có thể mỗi ngày so sánh như thế, thấy thiện thì bắt chước làm theo, thấy không thiện thì tự cảnh tỉnh ; thấy kẻ tốt, người thiện, người đại trung, đại hiếu, đại tín thì làm theo ; thấy người không thiện thì tự mình hồi quang phản chiếu, mình có làm những việc hợp lý chăng? Những việc ngu si chăng? Suy nghĩ như thế thì có thể những gì mình không muốn thì không thí cho người, nếu được như thế thì là bồi phước bồi huệ bắt đầu phát tâm đại bồ đề.