Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
PHẦN PHỤ LỤC
CHÚ THÍCH NGHI THỨC TỤNG GIỚI BỒ TÁT MỖI NỬA THÁNG DO SA MÔN HOẰNG TÁN LƯỢC THÍCH
KHOA MỤC CỦA NGHI THỨC TỤNG GIỚI
- Quy kính Tam Bảo.
- Sách tu (sách tấn đại chúng tu hành)
- Tác tiền phương tiện (những phương tiện trước khi làm việc) Tụng giới tự (tụng lời tựa pháp Ðại Thừa)
- Kiết vấn.
- Chánh thức tụng Giới Kinh.
Tham khảo tác giả Nghi Thức Tụng Giới Bồ Tát chưa rõ là người nào. Tuy nhiên, tìm xét trước sau phần nhiều là chép trong kinh văn của Bồ Tát Giới Bổn và Giới Bổn của Nhứt Thiết Hữu Bộ.
Bồ Tát Giới Bổn do ngài Ðàm Vô Sấm Pháp Sư ở triều Bắc Lương phiên dịch. Còn giới bổn của Nhứt Thiết Hữu Bộ do ngài Nghĩa Tịnh Tam Tạng Pháp Sư triều Ðường, niên hiệu Cảnh Long năm thứ tư phụng chiếu phiên dịch. Căn cứ trong văn lời tựa của Bồ Tát giới này thì nói là ở trong thời kỳ Tượng Pháp.
Vì đức Như Lai diệt độ vào khoảng thời gian một ngàn năm, giáo pháp của Ngài lưu truyền đến Trung Quốc, từ nhà Hán, vua Minh Ðế cho đến nhà Tống vua Nhân Tông, năm Tân Mão, giáo pháp của Như Lai phổ biến ở Trung Quốc thời gian một ngàn năm gọi là Tượng Pháp. Từ đó về sau đều gọi là Mạt Pháp.
Theo lời Tựa nói là ở thời Tượng Pháp, là lẽ tất nhiên tác giả không phải thời kỳ Mạt Pháp và nghi thức tụng giới không phải người ở vào triều Ðường biên tập mà có thể là người trong Thiên Thai Giáo ở vào cuối đời nhà Ðường đầu nhà Tống biên tập vậy.
Ðến giờ tụng giới Bồ Tát, đại chúng vân tập, nếu đã lạy Thù Ân thì khỏi phần này, còn không có lạy Thù Ân thì nên lạy thêm trước khi tụng giới.
– Chí tâm đảnh lễ Liên Hoa Ðài Tạng thế giới Phạm Võng giáo chủ Lô Xá Na Phật (tam bái).
– Chí tâm đảnh lễ Liên Hoa Ðài Thiên Hoa Thượng Phật (tam bái)
– Chí tâm đảnh lễ thiên bá ức hóa thân Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tam bái).
– Chí tâm đảnh lễ Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới (tam bái) Vừa lạy vừa quán tưởng
Pháp tánh như hư không bất khả kiến,
Thường trụ Pháp Bảo thật nan tư,
Ngã kim tam nghiệp như pháp thỉnh,
Duy nguyện hiển hiện thọ cúng dường.
– Chí tâm đảnh lễ Tây Thiên Ðông Ðộ lịch đại tổ sư (tam bái)
Khi sắp tụng giới, trong chúng cử vị nào có khả năng lên tụng giới. Người tụng giới lên pháp tòa bạch đại chúng rằng:
– Tôi Bồ Tát tỳ kheo… khể thủ lễ bái kính bạch đại chúng: Hôm nay chúng tăng sai tôi tụng giới, sợ e có chỗ sai lầm. Vậy cúi mong người đồng tụng từ bi chỉ giáo cho!
I. QUY KÍNH TAM BẢO
Chánh văn:
Chúng thọ Bồ Tát giới lắng nghe!
Quy mạng Lô Xá Na,
Mười phương Kim Cương Phật,
Ðảnh lễ đức Di Lặc,
Sẽ hạ sanh thành Phật,
Nay tụng ba tụ giới,
Bồ Tát đều lắng nghe.
Lời giảng:
“Nam mô” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Quy Mạng, cũng gọi là Quy Y.
Lô Xá Na, Trung Hoa dịch là Tịnh Mãn, là chỉ Báo Thân Phật.
“Mười phương Kim Cương Phật” là chư Phật trong mười phương thế giới đều nhập Kim Cương đại định, đoạn trừ vô minh vi tế, rốt sau mà thành Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Nói về khía cạnh công năng gọi là Kim Cương, còn nói về phương diện sở chứng mệnh danh là Phật.
Phật là giác, gồm tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
Di Lặc, Trung Hoa dịch là Từ Thị:
Từ Thị Bồ Tát theo Phật xuất gia tạo các bộ luận Ðại Thừa như Du Già Sư Ðịa Luận v.v… Ðời sau tổ thuật (bắt chước theo) như chư đại Bồ Tát Mã Minh, Long Thọ… nên tôn xưng Từ Thị Bồ Tát là Tiền Luận Chủ. Tiểu kiếp thứ 10 sau đây, lúc thọ mạng của con người được tám muôn tuổi thì Ngài sẽ hạ sanh xuống nhơn gian thành Phật. Ba tụ giới:
1. Nhiếp Luật Nghi Giới:
– Giới là ý nghĩa ngăn những sái quấy, dứt trừ các tội ác.
– Nhiếp Luật Nghi là không giới nào chẳng nghiêm trì.
2. Nhiếp Thiện Pháp Giới: không pháp lành nào chẳng tu tập, tu tập pháp lành là tu khắp lục độ, vạn hạnh.
3. Nhiếp Chúng Sanh Giới: không chúng sanh nào chẳng hóa độ.
Năm mươi tám giới này có công năng đoạn trừ tất cả ác pháp là Nhiếp Luật Nghi Giới. Tất cả ác pháp đã đoạn, thì thành tựu các thiện pháp là Nhiếp Thiện Pháp Giới. Ác pháp đã đoạn, thiện pháp đã viên mãn, đương nhiên làm lợi ích cho hữu tình là Nhiếp Chúng Sanh Giới.
– Nhiếp Luật Nghi Giới phần nhiều chủ về công đức bên trong.
– Nhiếp Chúng Sanh Giới thuộc về hóa độ bên ngoài.
– Nhiếp Thiện Pháp Giới kiêm cả bên trong lẫn bên ngoài. Tại sao vậy?
Vì bên trong dùng thiện pháp tu tập cho chính mình, bên ngoài đem thiện pháp dẫn dắt mọi người. Như thế dưới là hóa độ chúng sanh, giữa thì tu thiện pháp lục độ vạn hạnh, trên thành tựu cực quả của Phật, ác pháp đã hết, thiện pháp được viên mãn.
Nên kinh Bồ Tát Giới Bổn nói: “Thường giáo hóa chúng sanh không bao giờ thấy mệt nhọc, thiện nghiệp đã rốt ráo rồi thì Phật đạo mau thành tựu” là ý này vậy.
Chư Phật mười phương là Phật bảo, Từ Thị Bồ Tát là Ðại Thừa Tăng Bảo, ba tụ giới là Ðại Thừa Pháp Bảo, vì sắp sửa tụng giới nên trước tiên phải thành kính quy mạng Tam Bảo.
“Bồ Tát đều cùng nghe”: câu này răn nhắc đại chúng nghe giới. Nghĩa là thính chúng hiện tiền, phải cùng nhau nhứt tâm lắng nghe cho kỹ, nghe xong phải tư duy để tu tập.
Chánh văn:
Giới như gương báu sáng,
Chiếu rõ tất cả pháp.
Giới như châu Ma Ni
Rưới của giúp kẻ nghèo,.
Thoát khổ mau thành Phật.
Chỉ giới này hơn cả,
Vì thế nên Bồ Tát,
Phải tinh tấn giữ gìn.
Lời giảng:
Văn kệ trên từ trong kinh Bồ Tát Giới Bổn chép ra, ý nghĩa như sau:
Tâm địa đại giới có công năng phá trừ sự si mê tăm tối của vô minh trong sanh tử từ vô thỉ trở lại, cho nên dụ như chiếc đèn sáng lớn ở thế gian. Vì phá trừ vô minh trong sanh tử tức thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.
Tâm địa đại giới này có công năng biện biệt chỉ trì tác phạm (chỉ trì là ngăn dứt những điều ác gọi là trì giới, tác phạm là tạo tác những tội ác gọi là phạm giới). Tất cả các pháp thiện ác đều phân tách rõ ràng, dụ như gương báu sáng trên thế gian, tất cả cảnh vật tốt xấu đều hiện rõ.
Nên trong Tỳ Kheo Giới Bổn nói:
Như người tự soi gương,
Ðẹp xấu sanh vui buồn.
Vì có công năng đoạn trừ ác pháp, chứa nhóm thiện pháp, chiếu rõ công đức trí huệ nơi Phật địa, tức thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
Ma Ni là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Như Ý. Ma Ni là vua trong các thứ ngọc. Ngọc này sản xuất trong cung Long vương. Người nào được hạt ngọc này tùy theo tâm niệm ưa muốn của chúng sanh, ngọc ấy lưu xuất các thứ thất bảo, kim, ngân v.v… cùng các nhu dụng khác.
Giới này xuất sanh vô lượng thắng định diệu huệ, tất cả thiện pháp thánh tài để cứu giúp những chúng sanh thiếu thốn thiện pháp, như ngọc Ma Ni ở thế gian cứu giúp những người nghèo cùng.
Vì giới này xuất sanh các thánh pháp, cứu giúp sự nghèo cùng cho chúng sanh trong chín cõi, nên thuộc về Nhiếp Chúng Sanh Giới.
Tâm địa đại giới này là diệu thuật thoát ly sanh tử, là pháp tối yếu mau thành bậc Chánh Giác.
Cho nên trong Tỳ Kheo Giới Bổn nói: “Trong tất cả các Luật, Giới kinh là hơn hết. Trong pháp Tiểu Thừa, nhơn thiên, Thanh Văn, Tỳ Kheo Giới Bổn là hơn hết. Trong pháp Bồ Tát Ðại Thừa Tâm Ðịa Ðại Giới thì Tam Tụ Tịnh Giới là hơn hết”. Nên nói: Thoát khổ mau thành Phật, Chỉ giới này hơn cả.
Hai chữ “cho nên” nghĩa là đã biết Tâm Ðịa Ðại Giới này có đầy đủ công năng như trên, cho nên chư Bồ Tát phải tinh tấn giữ gìn đừng cho có chút trái phạm.
II. SÁCH TU (sách tấn đại chúng tu hành)
Chánh văn:
Chư đại đức! Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa.
Lời giảng:
Theo thế gian một năm có bốn mùa, trong Phật pháp một năm chia làm 3 mùa vì bỏ mùa Thu. Việc này có hai nghĩa:
1. Vì mùa Thu là mùa thành tựu: thời kỳ thu hoạch các thứ như ngũ cốc v.v… đều có kết quả. Ðức Phật vì muốn phá trừ tâm bảo thủ chấp thường của đệ tử, cho là thường, là vui, nên bỏ mùa Thu không tính.
2. Ðức Phật vì các đệ tử khai cho hậu An Cư, lập tháng Ca Ðề (Ca Ðề là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa dịch là Mão Tinh, vì từ mười sáu tháng Bảy cho đến Rằm tháng Tám, gặp nhằm sao Mão, cho các vị hậu an cư tiếp tục an cư được thành tựu, và vẫn gọi là Tọa Hạ (kiết hạ), mà không gọi là Tọa Thu).
Vì hai lý do trên, nên bỏ không tính mùa Thu.
Trong đây nói phần:
– Mùa Xuân: từ mười sáu tháng Chạp cho đến Rằm tháng Tư.
– Mùa Hạ từ mười sáu tháng Tư cho đến Rằm tháng Tám.
– Mùa Ðông từ mười sáu tháng Tám cho đến Rằm tháng Chạp.
Chánh văn
Nửa tháng đã qua.
Lời giảng:
Trong giới bổn của Nhất Thiết Hữu Bộ nói: “Do không buông lung chắc chắn sẽ chứng đắc Như Lai chánh đẳng chánh giác, huống chi các thiện pháp khác như ba mươi bảy phẩm trợ đạo”.
“Nhân lúc còn mạnh khỏe, các ngài phải gắng sức siêng tu pháp lành”: nghĩa là hiện tại đại chúng mỗi người đầy đủ phước duyên, được nghe tụng giới pháp Ðại Thừa này phải thừa dịp ngay lúc thân còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn này, gắng sức siêng tu các pháp lành.
Hai chữ “tại sao” là lời gạn trở lại, nghĩa là trong đại chúng đã được nghe tụng giới pháp, tại sao không cần cầu tinh tiến tu hành đạo nghiệp, đâu nên an nhiên đợi đến lúc tuổi già suy yếu không thể tiến tu, vô thường đã đến một bên, lại còn mong mỏi thú vui gì?
Chánh văn:
Ngày nay đã qua
Mạng sống giảm lần
Như cá cạn nước,
Nào có vui chi!
Lời giảng:
Bài tụng trên, hai câu trước Ðức Phật chỉ thẳng, hai câu sau lập lại thí dụ. Bài này trong kinh Sơn Diệu chép ra.
Bấy giờ, tại Nam Hải sóng nổi dậy, nước tràn ngập các nơi.
Khi ấy, có ba con cá lớn trôi vào trong kinh mắc cạn. Chúng cùng nhau bàn tính rằng: “Hôm nay chúng ta bị tai nạn này, tuy nhiên nước chưa rút, vậy chúng ta phải thừa dịp lội ngược dòng để trở về biển lớn”.
Nhưng có chiếc ghe nhỏ nằm ngăn chặn, không thể nào bơi qua được.
Con cá thứ nhứt đemn hết sức mình nhảy qua ghe trở về bể cả được an toàn. Con thứ nhì nương theo ghe cố lánh mình theo bờ cỏ mà qua được nên cũng trở về bể cả được an toàn. Con thứ ba khí lực đã hao mòn, nước cũng cạn dần, thế mà nó vẫn ưu du tự tại bơi lội, với cái chết đến một bên mà không hay, không biết. Ðức Phật nhơn đó nói bài kệ trên để cảnh tỉnh người đời.
“Ngày nay” tức là chỉ cho ngày hôm nay. Nghĩa là phần hạn của ngày hôm nay nhứt định, đâu có thể gì hy vọng tăng thêm. Như trong Thạch Sa Tập nói:
Ngày này không lại nữa đâu,
Một phân thời khắc, một phân ngọc vàng.
Ngày này không lại nữa đâu,
Một phân thời khắc, một nhà ngọc châu.
Một ngày đã qua rồi tức mạng sống con người trong ngày ấy bị giảm thiểu trở về sau cho nên nói là “giảm lần”. Ở trong văn kệ Ðức Phật chỉ nói ngày, ngày đã như thế, với năm tháng suy theo đó mà hiểu, đâu nên ngồi yên để cho trôi qua kiếp sống mà đợi đến già?
Con cá si mê kia đã ở trong chỗ nước cạn, lại thêm ngày đêm bị gió thổi, bị ánh mặt trời thiêu đốt, thế mà nó vẫn nhởn nhơ bơi lội, cái chết đến một nơi không hay không biết.
Lấy việc con cá mà suy đến toàn nhơn loại đâu có khác gì! Con người trên thế gian này thân tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong xâm lấn lẫn nhau; ngày đêm bức bách, già chết đến một bên còn hơn con cá trong nước cạn thế nên nói: “Nào có vui chi!”
Nếu người nào có thể phát tâm tinh tấn dõng mãnh không chấp trước hai bên (hữu và vô), y theo Trung Ðạo, sự lý vô ngại, viên tu viên chứng, khế hợp pháp vô sanh, vượt qua khỏi hai thứ sanh tử (phần đoạn và biến dịch sanh tử) trở về với bổn chơn nguyên, như con cá thứ nhất đem hết sức lực của mình nhảy qua khỏi ghe trở về biển cả.
Còn người nào nếu căn tánh không được như vậy, cần phải y theo giáo pháp tu hành chứng lý Chơn Không, trải qua các giai cấp địa vị, ra khỏi vòng sanh tử trở về Niết Bàn như con cá thứ hai kia đầu đuôi nương theo chiếc ghe lách mình theo bờ cỏ mà qua để trở về biển cả.
Nếu những người biếng nhác, trễ lười, không có tâm mong cầu tiến lên, chỉ ham muốn chút ít dục lạc cõi Nhân Thiên, vô thường đến một bên mà không hay biết thì không khác gì con cá si mê kia ở trong nước cạn vẫn bơi lội nhởn nhơ.
III.TÁC TIỀN PHƯƠNG TIỆN (phương tiện trước khi làm việc)
Chánh văn:
Vị tụng giới hỏi: – Chúng nhóm chưa?
Lời giảng:
Ðại phàm thực hành Yết Ma Bố Tát, tất cả pháp sự, trước tiên cần phải tuân hành những pháp phương tiện sau đây mới được thành tựu, cho nên chúng tăng đồng ở trong một đại giới, thân tâm đều phải đồng nhóm họp một chỗ, để tránh khỏi việc biệt chúng phá tăng cho nên cần phải hỏi trước, nếu chúng đã nhóm nên đáp: Chúng đã nhóm.
Chánh văn:
Vị tụng giới hỏi: – Hòa hợp chăng?
Lời giảng:
Ðồng một pháp sự, chúng Tăng nhóm họp lại một chỗ cần phải thân khẩu không tranh cãi. Những người không đến thì phải dữ dục. Ở trên dù nói chúng đã nhóm họp, nhưng cũng phải phòng ngừa nhân duyên gây gổ tranh cãi vì sợ có chướng ngại cho pháp sự nên kế đó phải hỏi. Nếu chúng hòa hợp thì nên đáp: – Hòa hợp.
Chánh văn:
Vị tụng giới hỏi: – Chúng nhóm họp để làm gì?
Lời giảng:
Hôm nay chúng nhóm họp để làm những pháp sự gì?
Pháp sự có nhiều điều do chúng Tăng định đoạt nên cần đối trong chúng hỏi việc làm. Hiện nay làm lễ bố-tát thì nên đáp như sau: thuyết giới bố-tát.
Nếu không phải làm lễ bố-tát, nên y theo việc làm mà nói. Có người sau khi chúngTăng nhóm lại, thêm pháp đơn bạch Yết Ma rồi mới kêu sa di Bồ Tát vào, đâu biết rằng giới Bồ Tát rộng thâu tất cả nhơn và phi nhơn (quỷ thần) không hạn cuộc nơi tăng, nên ở không nói thuyết giới yết ma mà nói là thuyết giới bố tát.
Chính trong lúc thọ giới Bồ Tát cũng không có yết ma, chỉ đối trước tượng Phật, Bồ Tát ba lần tác bạch đây tức là Yết Ma. Nếu tỳ kheo làm các yết ma, pháp sự nên gác lại lúc khác. Sau khi bố tát xong, Bồ Tát tỳ kheo trong đây nếu có những người chưa thọ Cụ Túc Giới, bảo phải đi ra mới nên làm pháp Yết Ma.
Chánh văn:
Người chưa thọ giới Bồ Tát và không thanh tịnh ra chưa?
Lời giảng:
Câu hỏi này chỉ hai hạng người:
- Chưa thọ tâm địa đại giới.
- Ðã thọ mà phạm giới, nếu:
– Phạm mười giới trọng, mà chưa đúng pháp sám hối để được thấy hảo tướng.
– Phạm một giới khinh mà chưa đối thủ sám hối.
Cả hai đều không cho cùng chúng Tăng làm lễ bố-tát, bảo phải ra khỏi chúng, rời khỏi chỗ thấy nghe.
Nếu không thì nên đáp: Trong đây không có người chưa thọ giới Bồ Tát và người không thanh tịnh.
Chánh văn:
Có bao nhiêu vị Bồ Tát không đến chúc thọ, thuyết dục và thanh tịnh (chúc là dặn, thọ là trao gởi, nghĩa là dặn dò, trao gởi ý kiến của mình).
Lời giảng:
“Không đến” là không nhóm nhóm họp. “Chúc thọ” là phàm chúng Tăng làm tất cả những pháp sự thân tâm phải đều nhóm họp, mới thành hòa hợp. Nếu có duyên sự như lo việc Tam Bảo, bị bịnh, săn sóc bệnh nhơn v.v… mới khai cho tâm nhóm họp (thân không thể đến được) thì được phép truyền thân khẩu ưng thuận theo việc làm của chúng Tăng mới được thành tựu không chướng ngại cho pháp sự và không có lỗi biệt chúng.
“Thuyết dục” nghĩa là bày tỏ ý muốn của mình đối với việc làm của chúng tăng, đúng như pháp tâm mình ưa thích, nhưng vì có duyên sự… nên không thể đến nhóm họp nếu cần phải họp này cho một người khác truyền tâm khẩu của mình đi đến và chúc thọ chúng Tăng.
Nên đối với những người chúc thọ nói như sau: “Ðại đức một lòng nhớ nghĩ, tôi là Bồ Tát giới tỳ kheo đối với việc làm của chúng Tăng đúng như pháp giữ dục và thanh tịnh” (1 lần)
Nếu bịnh nặng nói không được thì nên hiện tướng nơi thân, tay. Người nhận lời chúc thọ kia đem ý muốn của người đi không được đến trong chúng tăng, Khi nghe câu hỏi trên liền oai nghi nghiêm chỉnh tác bạch rằng: “Ðại đức Tăng lắng nghe cho! Bồ Tát giới tỳ kheo… tôi nhận dữ dục và thanh tịnh. Thầy ấy đối với việc làm đúng pháp của chúng Tăng dữ dục và thanh tịnh” (1 lần)
Nếu chẳng phải làm lễ bố-tát, chúng Tăng làm yết ma pháp sự khác thì bớt hai chữ “thanh tịnh”; nhưng hiện tại làm lễ bố-tát cũng không được riêng nói “thanh tịnh” vì lúc Bố-tát hay làm các pháp sự khác, cần phải nói “dữ dục và thanh tịnh”, vì mình không có tội và được thanh tịnh, mới cho cùng chúng Tăng bố-tát.
IV. TỤNG LỜI TỰA CỦA GIỚI BỒ TÁT
Chánh văn:
Chư đại đức chắp tay chí tâm lóng nghe: Nay tôi sắp tụng lời tựa về giới pháp Ðại Thừa của chư Phật, đại chúng lẳng lặng lóng nghe. Trong đây vị nào biết mình có tội phải sám hối. Sám hối thời được an vui. Không sám hối thời tội lỗi càng thêm nặng. Người không có lỗi thời yên lặng! Vì yên lặng nên biết đại chúng thanh tịnh.
Lời giảng:
Ở chánh văn câu đầu nói, nghe, có hai việc:
- Chắp tay cung kính chí thành mà nghe.
- Không phạm tội được thanh tịnh mới cho nghe.
“Chư Phật tử v.v…” là chỉ tứ chúng Phật tử hiện tiền đang nghe giới. Lời tựa về giới pháp Ðại Thừa của chư Phật tử là tâm địa đại giới này do chư Phật trong ba đời đồng tuyên thuyết, vượt lên trên giới pháp Tiểu Thừa, nên gọi là giới pháp Ðại Thừa. Chữ “tựa” có nghĩa là manh mối, là nguyên do manh mối của một bộ kinh.
“Chúng nhóm” có hai ý nghĩa:
– Thân căn hòa hợp nhóm lại một chỗ.
– Chí tâm lẳng lặng mà nghe giới.
Sám hối thời được an vui là vì nếu vị nào tự biết mình có phạm tội thì trước khi làm lễ bố-tát nên đúng như pháp phát lồ sám hối tội lỗi, mới cho nghe giới. Vì đã đúng như pháp sám hối thì thân tâm thanh tịnh. Do thanh tịnh nên được an vui, đời sau không bị đọa trong tam đồ, cho đến được hưởng thọ đại lạc của cảnh giới Niết Bàn.
Trái lại, nếu không phát lộ sám hối, che giấu trong một đêm, thì phạm tội khinh cấu cho nên nói tội càng thêm nặng.
Nếu người chưa thọ Ngũ Giới thì không được truyền trao giới Bồ Tát cho người (khi tụng giới cần phải tụng âm thinh cho rõ ràng, mỗi chữ rõ ràng không chậm, không mau. Vì chậm thì mất thì giờ chúng ngồi mỏi mệt, sanh phiền não, mau thì nghe không kịp, không thể lãnh hội. Cũng không nên tụng tiếng kéo dài như hát xướng, ca vịnh).
Chánh văn:
Sau khi Ðức Phật diệt độ trong thời Mạt Pháp, nên phải tôn kính Ba La Ðề Mộc Xoa chính là giới pháp này. Trì giới này thời như đi đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được của báu, như bịnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà. Nên biết rằng giới pháp này là đức thầy sáng suốt của đại chúng, không khác Ðức Phật còn ở đời.
Lời giảng:
Ðoạn kinh văn trên là dặn dò, nhắc nhở đại chúng thời Mạt Pháp đối với pháp của Như Lai phải hết lòng tôn kính như bậc thầy sáng suốt của mình.
Trong Phật pháp chia làm ba thời kỳ:
– Chánh Pháp: Sau khi đức Như Lai nhập diệt, một ngàn năm đầu là thời kỳ chánh pháp. Thời này người bẩm thọ giới pháp và tu hành mà được chứng Thánh Quả.
– Tượng Pháp: Một ngàn năm thứ hai là thời Tượng Pháp. Chữ Tượng là tương tợ. Nghĩa là thời kỳ này, có giáo pháp, có người thực hành tương tợ với thời kỳ Chánh Pháp nhưng đa số không thể chứng đắc Thánh Quả.
– Mạt Pháp: thời kỳ Chánh Pháp và Tượng Pháp đã qua rồi, hiện nay nhằm vào thời Mạt Pháp. Thời kỳ này dù có người bẩm thọ giáo pháp, nhưng phần nhiều không chịu tu hành. Dù có tu hành cũng không thể chứng đắc Thánh Quả.
Ba La Ðề Mộc Xoa là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa dịch là Bảo Giải Thoát, nghĩa là bảo đảm chắc chắn cho hành giả được thoát sanh tử mà chứng đắc bốn đức Niết Bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Giới pháp này là chiếc đèn lớn Ðại Thừa chánh pháp phá trừ phiền não tối tăm cho chúng sanh, nên dụ như đi đêm tối gặp đèn sáng. Giới này đầy đủ vô lượng công đức pháp tài, làm tư lương phước đức trí huệ cho chư Bồ Tát, cho nên dụ như người nghèo được của báu.
Giới này có công năng trị liệu tam độc, ác nghiệp tội báo cho tất cả chúng sanh, nên dụ như bệnh được lành. Giới này đầy đủ các diệu dụng giải thoát, có công năng trừ diệt bao nhiêu thống khổ, cột trói chúng sanh trong lao ngục tam giới nên dụ như người tù được thả.
Giới này có công năng ngăn dứt dòng sanh tử lưu chuyển trong nhiều kiếp của tất cả chúng sanh, đưa chúng sanh vào thành lớn Niết Bàn, dụ như kẻ đi xa được về nhà.
Năm thí dụ trên là tán thán công năng của giới pháp Ðại Thừa.
Ðại Sư là chỉ cho Bổn Sư Thích Ca Như Lai, vì lúc Như Lai sắp Niết Bàn, ngài A Nan thỉnh vấn đức Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Khi Ngài còn tại thế, chúng con lấy Ngài làm thầy. Sau khi đức Như Lai diệt độ, chúng con lấy ai làm thầy?”
Ðức Phật dạy: “Này A Nan! Sau khi ta diệt độ, các ông nên lấy Ba La Ðề Mộc Xoa làm thầy”.
Vì thế nên kinh văn dạy: “Nên biết rằng giới pháp này là Ðức Thầy sáng suốt của đại chúng, không khác Ðức Phật còn tại thế”.
Hiện tại đại chúng đối với giới pháp tôn trọng, nương theo tu hành giống như Phật còn tại thế không khác, nên trong Bồ Tát Giới Bổn Nghĩa Sớ thuyết minh: “Giới Bồ Tát là phương tiện đầu tiên chuyên chở các thiện pháp, là quân trận tiền tuyến đẩy lui ác tặc, thẳng tiến tới trước mà về Niết Bàn. Cội gốc sanh tử do giới này mà có thể hết hẳn”.
Hành giả Thanh Văn là người tu theo hạnh Tiểu Thừa, với Ba La Ðề Mộc Xoa hãy còn hết lòng kính trọng. Ðại sĩ là người có bản hoài tự lợi lợi tha, với giới pháp đâu nên không nghiêm trì?
Thế nên trong ngoài hai chúng Phật tử đều hết lòng kính thờ, tận tâm vâng giữ. Vì giới pháp này là thắng nhơn đưa hành giả đến vô thượng Phật quả, nên hàng Phật tử đối với giới pháp phải hết lòng tôn kính như Ðức Phật.
Chánh văn:
Nếu không có lòng sợ tội thời tâm lành khó nẩy nở, cho nên trong kinh có lời dạy: “Chớ xem thường những lỗi nhỏ mà cho là không họa hại, như giọt nước kia dù nhỏ nhưng dần đầy cả chum lớn. Lúc tạo tội chừng trong giây phút mà phải cả nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa ngục. Một phen bị đọa lạc mất thân người thời muôn kiếp khó đặng lại”.
Lời giảng:
Bài kệ trên trích trong kinh Pháp Cú, nguyên văn như sau:
Vật khinh tiểu tội dĩ vi vô ương,
Thủy đích tuy vi tiệm dinh đại khí,
Sát na tạo tội ương đọa vô gián,
Nhất thất nhơn thân vạn kiếp bất phục.
Dịch:
Ðừng khinh tội nhỏ cho là vô hại,
Giọt nước dù nhỏ dần đầy chum lớn,
Tạo tội (trong) sát na bị đọa vô gián,
Thân người mất rồi muôn kiếp khó được.
Ý bài kệ răn nhắc hàng Phật tử biết rõ lý nhân quả không bao giờ sai lạc. Tâm sợ tội khó sanh, tâm lành khó nẩy nở.
Giọt nước là dụ cho những tội nhỏ, nghĩa là những giọt nước kia dù nhỏ mà ngày đêm chảy mãi cũng đầy chum to. Cũng thế, nếu với lỗi nhỏ khinh thường phạm mãi, chứa nhóm thành nhiều, đầy dẫy thân tâm, cho nên Bồ Tát hộ trì giới cấm: với tội khinh xem như tội trọng, hết lòng kính sợ, gìn giữ không dám trái phạm.
Tiếng Phạn gọi là sát-na, Trung Hoa dịch là Nhất Niệm: chỉ cho thời gian rất nhanh, rất ngắn. Trong kinh thí dụ như khoảnh khắc vị đại lực sĩ khảy móng tay một cái, có sáu mươi lăm sát na, trong một sát na có chín trăm lần sanh diệt. Ý nói tạo tội thời gian rất nhanh mà sau khi xả thân đọa vào địa ngục Vô Gián thọ khổ quả thời gian hết sức lâu dài. Từ địa ngục thoát khỏi lại đọa vào ngạ quỷ, súc sanh trôi lăn trong ba cõi, qua lại trong sáu đường, chịu nghìn muôn lần sanh tử, khó tái phục nhơn thân, nên nói “muôn kiếp khó được lại”.
Chánh văn;
Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường mau hơn nước dốc. Ngày nay dẫu còn khó bảo đảm được ngày mai.
Lời giảng:
Sức lực sắc thân của người mỗi ngày một suy yếu, đổi thay từng sát na không dứt, cho nên dụ như ngựa phi qua kẽ hở nhanh chóng dị thường.
Hai chữ vô thường là nghĩa dời đổi không tạm ngừng. Thân mạng con người cũng thế, đổi thay trong mỗi niệm, sự nhanh chóng ấy còn hơn nước trên dốc núi chảy xuống. Ðã là vô thường thì thân của con người ở trong hô hấp khó biết được, nghĩa là hơi thở ra mà không trở vào đã qua đời khác. Hơn nữa, ngày nay dù còn sống đây nhưng ngày mai nào có chắc.
Chánh văn:
Ðại chúng! Mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn, chớ biếng nhác, trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật, tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích mà sau này phải ăn năn. Ðại chúng! Mỗi người nên nhất tâm cung kính y theo giới này, như pháp tu hành, cần nên học tập.
Lời giảng:
Ðoạn kinh văn trên hai lần nhắc nhở đại chúng. Lần thứ nhất nhắc nhở rằng: Mỗi người nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn v.v… nghĩa là răn nhắc đại chúng phải tinh tấn tu học, đừng để tấc bóng quang âm vàng ngọc trôi qua một cách luống uổng nên ban ngày phải tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, và nghiêm tầm kinh luật, đêm đến lúc đầu hôm và khuya phải nhiếp tâm tọa thiền niệm Phật. Nửa đêm chỉ tạm nghỉ để dưỡng thần, không nên buông lung ngủ nghỉ cho nhiều mà sanh các tội lỗi.
Ðiều duy nhứt là tất cả thời phải chuyên tâm nhất ý niệm danh hiệu của Từ Phụ A Di Ðà Phật để cho tội diệt phước sanh, căn lành tăng trưởng, đến khi xả thân được vãng sanh Cực Lạc, thoát hẳn luân hồi.
Lần thứ hai nhắc nhở rằng: mỗi người phải hết sức thận trọng giữ gìn thân tâm cho thanh tịnh, y theo tâm địa đại giới mà tu hành, siêng năng học tập, y như lời Phật dạy mà hành trì, đừng để cho tạp niệm xen vào, cho nên gọi là “nhất tâm”.
V. KẾT VẤN
Chánh văn:
Chư Ðại Ðức! Nay là ngày thứ mười bốn, mười lăm có trăng (không trăng) v.v… cho đến câu: Nay xin hỏi trong đại chúng đây được thanh tịnh không? (3 lần)
Lời giảng:
Nếu vị nào phạm tội khinh cấu mà quên, hôm nay nghe ba phen hỏi, nhớ lại lập tức nên đối với đại chúng phát lồ sám hối, khi được thanh tịnh rồi mới có thể nghe giới.
Nếu tự biết mình có phạm tội mà vẫn im lặng thì phạm thêm tội cố ý vọng ngữ. Cho nên lúc tụng giới, ba lần hỏi trên là để cho đại chúng dùng gương tự soi lấy mình.
Như ngay trong lúc này, đối với đại chúng sám hối e làm náo loạn trong khi bố-tát thì cần phải đối với vị ngồi gần mình mà phát lồ tội lỗi đã phạm.
Hoặc là trong tâm nên tự nghĩ: chờ Bồ Tát xong sẽ đúng pháp mà sám hối. Thực hành như thế mới được phép nghe giới. Nếu tự nhớ mình có phạm mười giới trọng phải rời khỏi chỗ ngồi ra ngoài, chờ chúng Tăng bố-tát xong, phải đối với người hiểu pháp luật, hết lòng thành kính phát lồ, buồn khóc rơi lệ, thỉnh cầu chỉ giáo phương pháp diệt tội. Ba chữ “vì im lặng” là chứng tỏ thanh tịnh.
Chánh văn:
Thưa đại chúng! Trong đây thanh tịnh vì im lặng, việc này xin nhận biết như vậy.
Lời giảng:
Câu: Việc này xin nhận biết như vậy chứng tỏ người tụng giới đối với việc ấy rõ biết không quên. Ðã ba phen gạn hỏi, trong chúng đều thanh tịnh, vì thanh tịnh nên im lặng. Do sự im lặng của đại chúng nên hôm nay, tôi đối trước việc này, tôi rõ biết như vậy chớ không quên, biết đại chúng thanh tịnh mới có thể vì đại chúng tụng giới kinh.
VI. CHÁNH THỨC TỤNG GIỚI KINH
Chánh văn;
Tụng Bồ Tát Tâm Ðịa phẩm hạ từ câu “nhĩ thời…” cho đến câu “cộng thành Phật đạo”.
Lời giảng:
Nếu khi tụng giới có nạn duyên cũng cần tụng đủ mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh thì nên nói là mười giới trọng Ba La Ðề Mộc Xoa hôm nay sẽ tụng, đến bốn mươi tám giới khinh hôm nay sẽ tụng. Như thế mỗi mỗi tụng đủ năm mươi tám giới.
Lại sợ e gặp trường hợp nạn duyên bức bách thì nên tụng lược toàn văn năm hay sáu giới trong mười giới trọng, còn những giới kia và bốn mươi tám giới khinh, chỉ tụng danh mục của mỗi giới cũng được.
Hiện nay, những tòng lâm ở các nơi phần nhiều buổi mai đại chúng tụng giới kinh, buổi chiều làm lễ Bố Tát thì lược tụng danh mục của giới tướng. Như Ðại Thừa và Tiểu Thừa đều làm lễ bố tát, nếu tụng luôn hai giới bổn sợ thời gian không kịp thì nên chia ra hai buổi, mai tụng giới tỳ kheo, chiều tụng giới Bồ Tát.
Trường hợp chúng đông khó nhóm thì ngày mười bốn tỳ kheo làm lễ bố tát, ngày mười lăm Bồ Tát làm lễ bố tát.
Khi tụng giới xong, vị tụng giới sau khi xuống pháp tòa, kính tạ đại chúng như sau:
“Tôi Bồ Tát giới tỳ kheo thành tâm kính tạ đại chúng. Hôm nay chúng tăng sai tôi tụng giới, ba nghiệp không tinh tấn, trong khi tụng giới văn không thông suốt làm cho đại chúng ngồi lâu mất thì giờ lại mệt mỏi. Cúi xin đại chúng từ bi bố thí hoan hỷ cho…” ./.