NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch
Tham Thiền Minh Bạch Bổn Lai Diện Mục
Giảng tại Vạn Phật Thành ngày 20/12/87
Ðả thất gọi là “khắc kỳ thủ chứng”, khí huyết con người trong bảy ngày phục lại, tinh khí thần trong bảy ngày có tuần hoàn. Cho nên trong bảy ngày này không thể lười biếng giải đãi, không tham ăn, cũng không tham ngủ. Như vậy trong bảy ngày nhất định có biến hóa lớn. Gì là biến hóa lớn? Tức là khai ngộ. Khai ngộ tức là những việc từ trước không minh bạch, nay hoàn toàn thông đạt ; những việc từ trước buông xả không đặng, nay buông xả đặng, những việc từ trước không nghĩ ra, nay thì nghĩ ra được. Nghĩ ra được, buông xả đặng thì mới đắc được tự tại, mới chân chánh không tranh, chân chánh vô sở cầu, chân chánh không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Tại sao? Vì đã đắc được gốc rễ thì ngoài ra như: tài, sắc, danh, ăn, ngủ đều là ngọn ngành. Chúng ta mỗi năm cử hành đả Phật thất, đả thiền thất, khiến cho chúng ta buông xả tất cả, chuyên tâm dụng công.
Muốn dứt sinh tử, muốn trở về cội nguồn, muốn bỏ mê về với giác, thì phải tranh thủ trong thời kỳ đả thất. “Tranh thủ” nói theo thế tục tức là hướng thượng cầu tiến bộ, ý nghĩa trong Phật giáo là tinh tấn. Tuy nhiên chúng ta mỗi năm cử hành đả Phật thất, đả thiền thất. Mọi người trong thời kỳ này sợ ăn khổ, giải đãi, lười biếng, hoặc là một cây hương, hai cây hương, ba cây hương không tham gia thì làm sao đối với thường trụ, đối với đạo tràng, đối với tất cả mọi người. Ðó là thành phần hỗn tạp trong đạo, là ma trong đạo.
Ở trong đạo mà không tu đạo là tạo nghiệp, vì tham sướng một thời phóng dật mà lưu chuyển trong sinh tử, đọa lạc tam đồ, không biết phải trải qua bao lâu mới có thể làm được thân người lại. Ðợi đến được thân người lại, muốn minh bạch Phật pháp thật không phải dễ.
“Thân người khó được,
Phật pháp khó nghe,
Thiện tri thức khó gặp,
Sinh vào nước có
Phật pháp rất khó”.
Có nhiều vấn đề khó khăn như vậy, mà chỉ vì một thời phóng dật mà chúng ta đời đời kiếp kiếp đến nay bỏ qua không cứ cha mẹ, sư trưởng, lục thân quyến thuộc. Họ đang đợi chúng ta thành đạo, để độ họ. Chúng ta gánh vác trách nhiệm rất trọng đại. Cho nên “Một người đắc đạo, chín tổ sinh thiên”.
Ở trong đạo tràng không tu đạo, ngày ngày để thời gian trôi qua lãng phí, không phải chấp trước trên danh thì cũng chấp trước trên lợi. Có vị pháp sư bế quan, không nhìn truyền hình, không nghe đài, không biên thư, xem thư, hoặc gọi điện thoại, nghe điện thoại .v.v. Chỉ chuyên môn đọc Kinh Lăng Nghiêm, đọc Kinh Lăng Nghiêm xong thì đọc Kinh Pháp Hoa, sống trong quốc gia thời đại khoa học phát đạt, thật là đáng quý. Còn chúng ta không bế quan du du đãng đãng bên ngoài, gặp cơ hội đả thất, lại không vì sinh tử, dụng một phen công phu, thật khiến cho cha mẹ, lục thân đều rơi lệ.
Chúng ta tuy nhiên, mỗi năm đả thất, nhưng trong quá khứ không có ai đả thất, cũng không lo liễu sinh tử, đều ở trong nhiễm khổ cho rằng vui sướng, nhận giặc làm con. Tức nhiên trong quá khứ không có đả thất, không chân chánh dụng công phu. Bây giờ các bạn có cơ hội, nếu bạn lại giải đãi lười biếng, không dụng công, bịt tai ăn cắp chuông, lại không nhận chân tu đạo thì bạn vĩnh viễn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nhất định phải bỏ cho được cái chết, bỏ cho được cái giả. Cho nên:
“Bỏ không được cái giả,
Không thể được cái thật;
Bỏ không được cái chết,
Không thể được cái sống”.
Cứ chấp túi da hôi thối cho là bửu bối, cuối cùng không thể thoát ly thì tinh thần vĩnh viễn không thể khôi phục lại trí huệ vốn có.
Tuy nhiên Phật tính mỗi người với Phật giống nhau, không hai không khác, nhưng bạn mê thì là chúng sinh, giác ngộ thì là Phật. Hiện tại chúng ta mê mất trong biển khổ, lại không muốn tu, thì chẳng thể đến được bờ bên kia. “Biển khổ mênh mông, hồi đâu là bờ”. Hồi đầu thì không tham đồ thế gian, phải chuyên tâm nhất chí, liễu sinh thoát tử, phải sớm sinh về thế giới Cực Lạc, hoa nở thấy Phật mới là mục đích đả thất.
Ðả thất chẳng phải như tác chiến. Phần đông đả thất, thường đi hóa duyên các nơi, nói cúng dường thì có công đức, muốn kiếm tiền các nơi. Chúng ta đả thất ở đây, thậm chí người bên ngoài cũng không biết, vì tại quốc gia này, căn bản không có người hiểu việc đả thất, cho nên quốc gia to lớn như thế mà người lại tham gia đả thất chỉ bất quá đếm không quá đầu ngón tay. Chúng ta cũng không tuyên truyền, không hóa duyên các nơi. Chúng ta chỉ yên lặng dụng công, nếu không nỗ lực, lại giải đãi làm biếng, ăn ngủ li bì, thì đó là tạo tội nghiệp là đả thất ăn, chẳng phải là đả thiền thất.
Người xuất gia hoan hỉ đả thiền thất, tại sao? Vì đả thiền thất, được ăn ngon, ăn bánh bao, buổi tối lại được ăn nữa. Cho nên đả thiền thất, đả thất mọi người đều đến. Như Chùa Kim Sơn, chùa Cao Mân, khi đả thiền thất thì “thiền hòa tử” các nơi tức là côn trùng các nơi đều đến. Nhưng trong côn trùng cũng có rồng, rắn hỗn tạp. Buổi tối thì ăn bánh bao, cái bánh bao cân nặng khoảng nửa cân, ăn một cái thì đủ no. Nhân bánh bao thì tuyệt diệu, bấy nhiêu đó cũng khiến người khởi vọng tưởng mà bạn còn cảm giác ăn không ngon. Chúng ta ở đây tuy nhiên “Ðả ăn” thì ít nhưng “Ðả ngủ” thì nhiều, hy vọng những thứ mao bệnh này đều sửa đổi.