TÌNH THẾ GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
NHỮNG TÌNH CẢM VỐN CÓ CỦA CON NGƯỜI
Vai trò của cha mẹ
Hỏi: Người ta thường ví “một giọt máu đào hơn ao nước lý” để nói về tầm quan trọng của tình thân, vậy bản chất của tình thân là gì? Ngoài ra, chúng sinh cũng có tình thân, chúng ta nên nhìn nhận thế nào về chữ “tình” này?
Đáp: Tất cả những loài động vật – bao gồm cả con người trong đó đều có những quan hệ gia đình thân thiết, đó là những tình cảm vốn có (ngay từ khi được sinh ra). “Thân thiết” có hai ý nghĩa, một là chỉ tình cảm thân thiết ruột thịt; hai là chỉ những tình cảm thân thiết gần gũi khác. Tình cảm ruột thịt chính là chỉ quan hệ huyết thống “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ngay cả những loài động vật như con chim, con chó cũng có tình cảm gia đình thân thiết huống chi là con người? Con cái giống như khúc ruột của cha mẹ, mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, nhưng ngay cả khi mình nhận con nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng chúng trưởng thành, thì đó cũng chính là tình cảm gia đình thân thiết.
Những tình cảm thân thiết gần gũi khác để chỉ hai bên thường xuyên ở cùng nhau trong một thời gian dài, tình cảm qua lại vô cùng thân thiết, hai bên hình thành một mối quan hệ đồng cam cộng khổ, khi đó tình thân gia đình cũng nảy sinh. Tình cảm thân thiết gần gũi này ví dụ như quan hệ giữa thầy với trò, sư phụ với đệ tử hoặc như mối quan hệ giữa con người và vật nuôi trong nhà, hai bên có mối quan hệ phụ thuộc qua lại và yêu thương lẫn nhau.
Mọi loài chúng sinh đều có tình cảm, quan trọng nhất là tình thân gia đình, tiếp đó là tình yêu đôi lứa rồi đến tình cảm bạn bè. Đây là ba thứ tình cảm của chúng sinh. Tình thân gia đình là cơ bản nhất, đó là cơ sở của cuộc sống; tình yêu đôi lứa là mối quan hệ kết hợp giữa hai người; tình cảm bạn bè là sự tác động qua lại, giúp đỡ lẫn nhau, ủng hộ động viên nhau, tôi cần bạn, bạn cần tôi từ đó mà tình cảm bạn bè nảy sinh. Ngoài ra, đối với chúng đệ tử Phật giáo, có một thứ tình cảm khác đó là tình cảm đạo hữu. Tình cảm đạo hữu là tình cảm nảy sinh trong quá trình cùng tu tập, động viên giúp đỡ nhau.
Trong bốn thứ tình cảm này, ngoài tình cảm đạo hữu, còn có tình cảm gia đình là thứ tình cảm vô điều kiện, không cần bất cứ sự đền đáp nào. Mặc dù chúng ta thường nói, nuôi con phòng tuổi về già (những mong có ngày được đền đáp / nhờ cậy khi về già) nhưng đó chỉ là một quan niệm khá thực dụng, thông thường cha mẹ nuôi dạy con cái không mấy ai thực sự có suy nghĩ đó, rất ít người có tư tưởng coi con cái là vốn đầu tư, là “của để dành”. Vì vậy, chúng ta có thể mượn hình ảnh dòng nước chảy xuôi để so sánh tình cảm cha mẹ dành cho con cái cũng như nước chảy xuôi dưỡng không cần điều kiện, không cần đền đáp vậy.
Hỏi: Trong thời đại nhiều biến động hiện nay, chúng ta có thể vận dụng giáo lý và trí tuệ của Phật giáo để xây dựng mối quan hệ và quan điểm mới về quan hệ gia đình hay không?
Đáp: Khi con cái còn nhỏ, mối quan hệ chủ đạo là tình cảm gia đình, nhưng sau khi con cái đã trưởng thành thì mối quan hệ này có thể chuyển thành mối quan hệ bạn bè. Mối quan hệ bạn bè ở đây tất nhiên không giống như tình cảm bạn bè đồng trang lứa, nhưng xét về khía cạnh thái độ, cha mẹ nên coi con cái như bạn bè. Trong quan hệ tình cảm gia đình, cần thiết phải đứng ở góc độ của đối phương để suy xét, cha mẹ nên nghĩ cho con cái, con cái cũng nên nghĩ cho cha mẹ.
Cha mẹ có thể trải qua thời kỳ đôi khi hay nói nhiều, quan niệm có thể khá cổ hủ, nhưng cho dù thế nào cũng cần biết ơn cha mẹ Vì cha mẹ luôn luôn muốn tốt cho con cái. Còn việc có đồng ý với quan niệm của cha mẹ hay không thì khi đó vẫn nên “dạ”, “vâng” nghe lời, sau đó có thể từ từ trao đổi, thuyết phục, như vậy sẽ không làm cha mẹ bị tổn thương.
Con cái thì luôn có khoảng trời riêng, con cái và bạn bè của chúng cũng có một thế giới riêng và tất nhiên là khác biệt với cha mẹ, hoàn cảnh và kiến thức con cái được tiếp cận cũng khác xa với cha mẹ, vì vậy quan điểm, suy nghĩ có khác nhau cũng là điều hết sức bình thường, cha mẹ nên hiểu và thông cảm với con cái.
Ví dụ cha mẹ có thể đồng hành với con cái, cùng học tập, tìm hiểu, cùng tham gia vui chơi, để ý nhiều hơn đến suy nghĩ của con cái sẽ có thể trở thành bạn bè thân thiết của con cái. Con cái cũng cần hiểu được hoàn cảnh và điều kiện thời đại mà cha mẹ mình đã trải qua, tìm hiểu vì sao cha mẹ lại có suy nghĩ như vậy… Sau khi hiểu được cha mẹ, có thể cùng cha mẹ chia sẻ, trò chuyện.
Trước đây, tôi vẫn thường nói chuyện với sư phụ Đông Sơ của tôi. Phương pháp giáo dục và cách làm việc của sư phụ tôi khá truyền thống nhưng tư tưởng thì cực kỳ tiến bộ, rõ ràng. Khi nói chuyện với sư phụ, tôi luôn luôn lắng nghe, tìm hiểu xem ở thời đại đó Người có suy nghĩ và cách làm thế nào, từ đó học tập Người, đối với tôi, những kiến thức và kinh nghiệm đó thật vô cùng quý giá. Khi tôi nói chuyện với sư phụ, Người coi tôi như người bạn tri âm tri kỷ, Người không hề coi tôi là một đứa trẻ không hiểu chuyện. Cũng nhờ thế tôi có chút hiểu biết về thế hệ trước, về bạn bè của Người và những quan niệm thời bấy giờ. Quan hệ giữa tôi và sư phụ hết sức tốt đẹp.
Hỏi: “Con trai hóa rồng, con gái hóa phượng” đó là kỳ vọng của cha mẹ về con cái, vậy cha mẹ nên nuôi dạy con cái như thế nào?
Đáp: Đối với con cái, một điều vô cùng quan trọng là cha mẹ có thể hiểu được thiên hướng phát triển và năng lực tiềm ẩn của chúng. Bởi vì bản thân đứa trẻ tự chúng không biết được mình nên lựa chọn như thế nào, chúng rất cần được cha mẹ định hướng và cổ vũ.
Ngày nay tất cả những bậc cha mẹ đều không mong muốn con cái mãi ở vạch xuất phát nên hi vọng có thể dạy dỗ chúng từ khi chúng còn nhỏ. Mong con thành rồng thành phượng là một tâm lý hết sức bình thường, thể hiện sự kỳ vọng của cha mẹ mong con cái sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Vậy làm sao để trở thành người có ích cho xã hội? Điều đó phụ thuộc vào giáo dục. Giáo dục con cái đồng thời tạo cho chúng môi trường sống tốt nhất, dẫn dắt chúng theo một con đường đúng đắn và hướng dẫn chúng đường đi nước bước. Khi con cái chưa trưởng thành cần thiết phải làm như vậy, nếu không chúng sẽ không hiểu được tầm quan trọng của điều đó, chỉ thích chơi bời. Cha mẹ nếu cũng để mặc con cái làm theo ý mình thì rất có thể sau này chúng sẽ trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Nếu con cái không có ý thức tự giác tự lập, khi có chuyện xảy ra chúng sẽ tặc lưỡi: “Thôi được rồi, bố mẹ cứ sắp xếp đi, bố mẹ bảo sao con sẽ làm vậy”. Như thế con trẻ cũng giống như những phím bấm thụ động theo sự điều khiển của cha mẹ, điều đó sẽ kìm hãm năng lực phát triển tiềm tàng của con cái. Điều mà cha mẹ nên làm là tìm hiểu tính cách và tâm tư của con cái. Con cái khi còn nhỏ thường cho rằng mình có khả năng phán đoán, phụ huynh nên xem xét con mình thực sự có khả năng đó không, muốn làm được điều đó cần dựa vào trí tuệ và năng lực.
Khi con cái đã xác định được con đường đi cho mình, cha mẹ có thể thường xuyên trò chuyện, trao đổi. Nếu như định hướng và cách thức thực hiện của con cái đã rõ ràng và chính xác đồng thời trong quá trình trưởng thành từ nhỏ tới lớn ít khi gặp trục trặc thì đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng sẽ tự biết được mình nên làm gì, cha mẹ khi đó nên để con cái tự bước đi, không cần phải lo lắng và kiểm soát chúng, nên động viên cổ vũ chúng, như vậy hoàn toàn có thể giúp con cái ngày một trưởng thành.
Trước đây có một người gần 40 tuổi chưa lập gia đình có ý nguyện xuất gia ở Pháp Cổ Sơn nhưng cha mẹ người đó kịch liệt phản đối. Điều đó thật kỳ lạ! Theo quy định của pháp luật, một người trưởng thành có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc làm của mình, nếu vì chưa kết hôn mà cha mẹ không đồng ý để anh ta xuất gia thì đó là điều chúng ta khó có thể lý giải được.
Một ví dụ khác, khi con cái có khả năng tự lập, muốn đi học nghề hoặc tiếp tục học lên cao trong khi gia đình mở một công ty riêng, cha mẹ ép con cái phải kế tục sự nghiệp gia đình, như vậy càng khiến con cái chán nản, bất mãn.
Những bậc cha mẹ sáng suốt sẽ không hành động như vậy. Họ sẽ theo đuổi sự nghiệp của mình và cũng để con cái tự hoạch định cho tương lai mà không ép buộc con cái đi theo con đường mình vạch ra cho chúng. Đây chính là tư tưởng và thái độ đúng đắn trong việc giáo dục con cái của những người làm cha làm mẹ trong xã hội hiện đại.
Hỏi: Nếu cha mẹ có thể trở thành bạn tốt của con cái thì phải chăng sẽ vượt qua được rào cản ngăn cách giữa các thế hệ trong gia đình?
Đáp: Sự thật là hiện nay có nhiều bậc phụ huynh không biết nên giáo dục con cái như thế nào, chỉ sinh con ra mà không biết phương pháp giáo dục con nên người. Thông thường, cha mẹ hơn con cái khoảng 20 tuổi, đây là một khoảng cách rất lớn khiến cho suy nghĩ của hai bên rất khác nhau. Nếu áp đặt suy nghĩ của cha mẹ vào con cái thì rất có thể chúng sẽ chống đối, cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con cái, tìm hiểu cuộc sống và suy nghĩ của chúng và làm bạn với chúng, hoà đồng cùng chúng, như vậy mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái sẽ phát triển thuận lợi và tích cực, đó là cách làm hiệu quả nhất đồng thời tạo cho con cái cảm giác an toàn và tin tưởng vào cha mẹ.
Khi con cái phản ứng tiêu cực với cha mẹ, hành động chống đối mạnh mẽ nhất thường là bỏ nhà ra đi hoặc là gây chiến tranh lạnh. Cực đoan hơn, chúng có thể nghĩ rằng thân thể này là do cha mẹ sinh ra, nếu cha mẹ muốn quản lý như vậy thì sẵn sàng trả lại thân xác này cho cha mẹ. Cha mẹ quản được thân xác này nhưng không ép buộc được tâm tư tình cảm của con, không cần thân xác này con sẽ có được sự tự do tuyệt đối, vì những suy nghĩ tiêu cực đó mà dễ dàng tìm đến cái chết.
Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên quan tâm chăm sóc con cái, tìm hiểu và cảm thông với chúng, nếu không cũng không thể nói trước được khi nào sẽ rơi vào tình cảnh đáng tiếc đó.
Hỏi: Người ta thường nói đùa rằng, trái tim nằm lệch một bên vì thế thường không có sự công bằng, nhưng quan hệ giữa con cái với bố mẹ cũng như cánh tay với cơ thể, dù là tay trái hay tay phải thì đều là máu thịt của mình thì sao có thể thiên vị được? Ở đây hẳn là hàm chứa những ẩn ý sâu xa?
Đáp: Thiên vị không phải là gì đó bất thường, vấn đề là ở quan điểm của mỗi người. Tôi nhớ trước đây từng có cuộc nói chuyện với một vị phụ huynh và hai người con trai của ông ta. Hai anh em họ cách nhau bốn tuổi, người em đã lập gia đình. Qua câu chuyện tôi được biết, người cha lấy một chữ trong tên của mình và một chữ trong tên của người con trai thứ hai đặt tên cho công ty gia đình, tên của người con trai cả không hề được nhắc đến.
Tôi có hỏi người anh trai rằng cha anh lấy tên mình và tên em trai anh đặt tên cho công ty mà không dùng tên của anh, như vậy cha anh rất không công bằng, anh thấy thế nào? Anh ta trả lời tôi rằng cha anh đã quyết định rất sáng suốt, tên của cha và tên của em trai ghép lại rất hay và có ý nghĩa, nếu đưa tên anh ta vào xem ra không ổn.
Sau đó tôi hỏi họ về quan niệm trong hôn nhân và công việc, tất nhiên câu trả lời của họ không giống nhau. Mỗi khi hỏi chuyện gì đó tôi đều nói đùa rằng: “Thật không công bằng”. Nhưng người anh luôn nói: “Đó là những sự lựa chọn khác nhau của hai anh em, không có gì là công bằng hay không công bằng ở đây cả”.
Cuối cùng tôi hỏi hai em có bao giờ cãi nhau không, câu trả lời là có. Tôi lại hỏi nguyên nhân phải chăng là do có sự thiên vị? Người anh nói khi còn nhỏ thì đúng là hai anh em đều có suy nghĩ như vậy nhưng khi đã trưởng thành thì cả hai đều hiểu rằng thực tế không có gì là “không công bằng” cả, đó chỉ là cảm nhận của cá nhân mỗi người mà thôi.
Cuộc sống đúng là như vậy, công bằng hay thiên vị đều do suy nghĩ của mỗi người quyết định. Về nguyên tắc, thái độ của cha mẹ đối với con cái đều như nhau, chỉ có điều là hoàn cảnh, điều kiện sống, nhận thức của cha mẹ khi sinh người con thứ nhất với khi sinh người con thứ hai khác nhau, thể trạng và môi trường sống của người anh, người chị so với người em chắc chắn là không giống nhau. Do hoàn cảnh, môi trường, đối tượng khác nhau hình thành những sự khác biệt là điều hết sức bình thường.
Trong cùng một gia đình, cùng sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, con cái trưởng thành với các kết quả khác nhau điều đó là rất công bằng. Chỉ cần cha mẹ hết lòng quan tâm đến con cái, dạy dỗ bảo ban con cái không để chúng thiếu ăn thiếu mặc, chịu đói chịu rét hay bị ngược đãi, đó chính là sự công bằng vậy.
Trong quá trình trưởng thành, anh chị em trong cùng một gia đình nhận được những thành quả khác nhau, điều đó có liên quan đến phúc đức, nghiệp báo của mỗi người, mà nghiệp báo, phúc đức ấy có quan hệ mật thiết với con người họ trong vô lượng kiếp trước đây và nhân duyên với cha mẹ bây giờ.
Mình ra đời trong điều kiện sức khỏe của cha mẹ đều tốt, điều kiện kinh tế không khó khăn, thân tâm an lạc thì mình có được phúc phận, nghiệp báo tốt, ngược lại duyên lành phúc đức chưa tốt, mình sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, tâm tư và thể trạng của cha mẹ không tốt thì mối quan hệ cũng theo đó mà xấu đi. Vì vậy không nên trách móc cha mẹ thiên vị mà trước hết nên tự trách bản thân mình duyên lành phúc đức chưa đủ.
Trong trăm nghìn điều thiện, lấy chữ “hiếu” làm đầu
Hỏi: Chúng ta vẫn thường nói, trong trăm nghìn điều thiện thì chữ hiếu đứng hàng đầu. Hiếu thuận là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp và được coi trọng hàng đầu trong luân lý đạo đức làm người, đó cũng là một trong những điều kiện tất yếu để duy trì mối quan hệ gia đình, vậy chúng ta nên hiểu thế nào về đạo hiếu? Ngoài ra, một người vì tâm nguyện hóa độ chúng sinh, hoằng pháp giúp đời mà xuất gia thì có được xem là đại hiếu hay không?
Đáp: Theo quan niệm của Nho giáo Trung Quốc, đối với cha mẹ không hai lòng được gọi là “hiếu”, đối với vua không hai lòng được gọi là “trung”. Tư tưởng Nho giáo hết sức coi trọng chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ, như đời Hán đã đề cao việc dựa vào đạo hiếu để dựng nước, thậm chí khi hoàng đế chiêu mộ hiền tài đều lựa chọn từ những người con hiếu thảo trong thiên hạ.
Nếu vì lợi ích quốc gia mà phải tạm gác chuyện báo hiếu cha mẹ sang một bên, hi sinh thân mình vì quốc gia dân tộc thì đó là đại hiếu vậy. Bởi lẽ, nếu quốc gia, dân tộc bị diệt vong thì gia tộc, cha mẹ của mình cũng không còn, vì vậy, để có thể bảo vệ cho gia đình của mình, thì trước hết phải bảo vệ dân tộc, bảo vệ dân tộc là bảo vệ quốc gia, đó chính là đại hiếu, hay nói khác đi chính là từ sự hiếu thuận với cha mẹ nâng lên thành lòng trung hiếu với đất nước.
Khi một người xuất gia vì nguyện cứu độ chúng sinh thoát biển khổ về bến giác thì cha mẹ của họ cũng vì thế mà đã tạo được nhiều công đức. Xuất gia không có nghĩa là không cần có cha mẹ, xuất gia là vì đặt lợi ích của việc cứu độ chúng sinh lên hàng đầu, mà cha mẹ thì tất nhiên cũng là chúng sinh. Thế nên việc này cũng tương tự như đạo lý từ hiếu thuận với cha mẹ thành trung hiếu với đất nước vậy.
Người xuất gia như chúng tôi đã phát nguyện vì tất thảy chúng sinh, đương nhiên phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, rất nhiều người xuất gia đã và đang làm như vậy, nếu trong gia đình còn có các anh chị em khác hoặc có người có thể chăm lo cho cha mẹ thì càng có thể xuất gia để thực hiện sự nghiệp lớn.
Hỏi: Khổng Tử rất đề cao chữ hiếu, ông từng nói “phụ mẫu tại, bất viễn du” nghĩa là khi cha mẹ còn tại thế thì con cái không được đi xa. Quan niệm này liệu có còn thích hợp với thời đại hiện nay không?
Đáp: Trong lịch sử Trung Quốc, khi nhận được lệnh bổ nhiệm làm quan của Hoàng đế, một số người con hiếu thảo đã lấy lý do ông bà, cha mẹ già yếu không người phụng dưỡng để từ chối mà không bị trách tội, ví dụ như Lý Mật đời Tây Tần đã viết một bản trần tình để nói rõ hoàn cảnh cha mẹ tuổi cao sức yếu, phận làm con luôn một lòng chăm sóc phụng dưỡng, không thể vâng mệnh đi xa.
Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, quan niệm này không còn phù hợp nữa. Có thể thấy trái đất của chúng ta vô cùng nhỏ bé, ví như Đài Loan và NewYork chênh lệch 12 giờ, dù là cách nhau nửa vòng trái đất nhưng liên lạc lại vô cùng thuận tiện, cũng có thể thông qua các phương tiện hiện đại để truyền tải hình ảnh, chỉ khác với việc gặp gỡ trực tiếp là không thể cảm nhận bằng xúc giác mà thôi. Nhưng dù là thế vẫn có thể quan tâm chăm sóc cho nhau.
Trước đây khi đi xa có thể năm mười năm không có tin tức gì, nhưng thời nay thì không như vậy. Dù bạn đang ở bất cứ đâu, khi có chuyện khẩn cấp thì nhiều nhất trong vòng một ngày bạn có thể đến nơi bạn muốn đến, muốn người đi xa nhanh chóng trở về thì điều đó cũng không hề khó khăn. Vì thế, ngày nay khó có thể nói là “đi xa” được.
Ngày xưa các phương tiện giao thông đều vô cùng lạc hậu nên mới có thể nói khi cha mẹ còn tại thế con cái không được đi xa. Khi đó việc đi lại từ nơi này đến nơi khác chủ yếu là đi bộ hoặc bằng thuyền, mà thuyền khi đó cũng là thuyền buồm hoặc thuyền mộc chứ không phải thuyền chạy bằng động cơ như hiện nay, đi thì bằng xe ngựa, xe bán kéo. Ngày nay các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc đều hết sức phát triển, chúng ta có thể liên hệ, trò chuyện qua điện thoại, máy tính…
Ngày nay khoảng cách và không gian sống cũng như nhận thức của chúng ta về không gian cũng hoàn toàn khác với thời đại trước. Trước đây, muốn đi ra nước ngoài thật không hề dễ dàng, càng không thể nói đến việc đi vòng quanh thế giới. Thậm chí người ta cũng không biết được trái đất này rộng lớn đến đâu. Nhưng ngày nay chúng ta không những có thể đi khắp mọi nơi, lên trời, xuống biển thậm chí là khám phá tận đáy biển sâu. Thực tế phát triển của thời đại khiến sự nhận thức và sử dụng không gian sống cũng thay đổi theo.
Sự biến hóa của không gian và thời gian là vô thường, sự phát triển đi lên hay lạc hậu tụt lùi cũng là vô thường, chính trong sự biến hóa vô thường đó chúng ta thích nghi và đón nhận sự thay đổi, đó chính là luận nhân duyên vậy.
Hỏi: Hình thái xã hội không ngừng biến đổi, hình thái gia đình cũng vì thế mà chuyển biến, vì công việc hoặc vì tiếp nhận sự giáo dục mà trong xã hội xuất hiện, trong hoàn cảnh đó, chúng ta cần làm gì để duy trì tình cảm gia đình?
Đáp: Dù cuộc sống có biến đổi thế nào cũng không đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ không tốt bằng trước đó, vấn đề quan trọng là chúng ta nhận thức, vận dụng và thích nghi thế nào với sự thay đổi đó, quan hệ gia đình và tình cảm ruột thịt cũng nên thay đổi phù với sự chuyển biến của thời đại.
Ngày nay, vì cuộc sống mưu sinh, chúng ta thường đi sớm về khuya, cảm thấy rất khó để duy trì tình cảm gia đình. Trước đây người ta cũng phải thức khuya dậy sớm, chỉ khác là cả gia đình cùng tập trung tại đồng ruộng, cùng làm một công việc, sau khi hoàn thành thì cùng ăn uống, nghỉ ngơi, hết một ngày lao động lại cùng nhau về nhà, tóm lại là cả nhà cùng đi, cùng về, cùng thức, cùng ngủ… dường như không có sự chia cắt nào đáng kể.
Cùng với sự phát triển của xã hội, quan niệm sống của chúng ta cũng vì thế mà thay đổi. Nếu trước đây chỉ có dăm bảy ngành nghề thì ngày nay có thể nói là hàng nghìn hàng vạn ngành nghề khác nhau, sự phân công lao động cũng rất rõ ràng chi tiết, phạm vi nghề nghiệp cũng đa dạng phong phú như yêu cầu của nó, năng lực đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau của mỗi người cũng không giống nhau. Năng lực của chồng, của vợ là khác nhau. Trong trường hợp năng lực của cả hai là tương đương thì cũng không nhất thiết sẽ cùng làm một công việc, vì vậy tùy yêu cầu của công việc mà làm ở những nơi cách xa nhau thì đó là lẽ bình thường, hoàn toàn không có gì nghiêm trọng.
Tất nhiên trong hoàn cảnh đó, rất có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác. Hai vợ chồng công tác ở những nơi khác nhau, cả hai đều có những mối quan hệ riêng như bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng… Đồng thời vì làm việc về những lĩnh vực khác nhau nên ở một mức độ nào đó sẽ thiếu sự đồng cảm. Bạn bè của vợ khó có thể trở thành bạn của chồng mình và ngược lại, tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà nhạt dần.
Nếu chỉ là bạn bè xã giao, đồng nghiệp, khách hàng không hợp tính nhau thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu là hai vợ chồng bất đồng quan điểm sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, chỉ một hai lần có thể bỏ qua, nhưng nếu thường xuyên có sự bất hoà thì chắc chắn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Trong trường hợp đó, chúng ta nên làm gì? Có một điều chúng ta luôn luôn phải ghi nhớ, đó là chúng ta đã kết hôn, phải có trách nhiệm với bạn đời của mình. Hôn nhân là có sự thề nguyện. Người phương Tây thì thề trước Chúa trời, kinh thánh, người phương Đông thì có sự chứng giám của cha mẹ, người thân hoặc những người đại diện cho luật pháp. Khi đã tuyên thệ thì phải có trách nhiệm với bản thân mình và với bạn đời của mình. Khi nảy sinh bất hòa, vợ chồng lời qua tiếng lại thì luôn luôn phải cố gắng, không nên dễ dàng cho rằng “tình cảm vợ chồng cũng đến thế mà thôi, chia tay là xong chuyện”. Đặc biệt không nên mất niềm tin và hi vọng, càng không được quên đi trách nhiệm của mình với gia đình.
Hỏi: Trong công việc, đôi khi cha mẹ chịu nhiều áp lực ảnh hưởng tới tâm tư tình cảm lại không nhận được sự cảm thông chia sẻ đúng lúc, khi về nhà rất dễ bộc phát tiêu cực, trong trường hợp này xin thầy cho một lời khuyên.
Đáp: Tâm tư tình cảm cần được điều chỉnh, chia sẻ chứ không phải để trút lên đầu người khác.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của chúng ta, như con cái không nghe lời, ham chơi nghịch ngợm, hoặc là chịu nhiều áp lực công việc, xảy ra xích mích với cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè mà không thể dễ dàng bộc lộ thái độ của mình, càng cố gắng kiềm chế thì càng ảnh hưởng xấu đến tâm tư của mình, khi về nhà thì chúng ta lập tức bùng phát.
Cũng có thể trong người không được khỏe, mất cân bằng tâm lý, sinh lý hoặc mắc bệnh gì đó khiến không thể làm chủ được cảm xúc của mình, rất dễ nổi giận, bực tức. Nên mới nói có một số người “máu nóng”, tính tình nóng nảy, khó kiềm chế mình, một khi không vui vẻ hài lòng có thể nổi cáu, cãi nhau với bất cứ ai.
Với các trường hợp này, theo quan điểm đông y thì đó là biểu hiện của rối loạn nội tiết tố hoặc một bộ phận nào đó có vấn đề. Nếu là nguyên nhân sức khỏe thì cần phải đi khám bệnh, điều trị theo yêu cầu của bác sĩ. Nếu là vấn đề về tâm lý thì nên tới gặp bác sĩ tâm lý hoặc thường xuyên đọc kinh Phật, nghe giảng pháp để hóa giải buồn lo của mình.
Vấn đề đặt ra là làm sao để hóa giải được tâm tư tình cảm của mình? Thực ra chỉ cần chúng ta thay đổi quan niệm thì tâm tư tình cảm của mình cũng sẽ tiêu mất. Những người dễ bị kích động, hay nổi nóng thông thường là do gặp nhiều quan điểm xung đột với quan niệm cá nhân, cho nên không thể khống chế, không thể làm chủ, trường hợp này nên tự nỗ lực khắc phục.
Một trường hợp khác nữa là do áp lực công việc quá nặng nề, mệt mỏi. Do áp lực công việc nên khi từ công sở về nhà đã mang gánh nặng bực dọc chưa giải quyết xong, khi đó, nếu thấy nhà cửa bề bộn, lộn xộn, con cái lại khóc nhè, cãi vì lẫn nhau thì rất dễ xảy ra tình trạng không khống chế bản thân. Trong thực tế, cáu gắt nóng giận thường do bản thân đã ở trong tình trạng căng thẳng chưa tìm ra lối thoát lại gặp ý kiến, quan điểm trái chiều làm chất kích nổ nên rất dễ “vỡ bờ”.
Chúng ta cần vận dụng nhiều hình thức khác nhau để gỡ từng nguyên nhân làm rối lòng mình mới có hiệu quả tốt.
Tâm tư tình cảm của mình kị nhất là kìm nó để đến lúc tức nước vỡ bờ, chúng ta cần tìm cách hóa giải dòng chảy tâm linh. Cơ chế vận hành của nó cũng giống như con sông, nếu chúng ta chặn đứng dòng chảy thì năng lượng tích lũy của nó càng lớn, đến lúc không giữ được nữa thì sức công phá của chúng càng khủng khiếp. Chúng ta có thể nói chuyện với bác sĩ tâm lí hoặc nói chuyện với bạn bè để xả bớt căng thẳng, bực tức trong lòng, như thế bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn.
Vì vậy, khi bạn đầy tâm trạng, bạn không nên cho nó bùng nổ một cách thiếu kiểm soát mà tốt nhất là bạn nên nghĩ cách hóa giải từ từ.
Đối diện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Hỏi: Phần “Thập ân” trong cuốn kinh “Phụ mẫu ân trọng nan báo kinh” có nêu rõ sự vĩ đại của ân tình phụ mẫu, phận làm con có thể báo đáp lại công ơn không?
Đáp: Kinh Phật luôn khuyên răn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ, chứ không nhấn mạnh việc cha mẹ yêu thương con cái như thế nào. Tuy nhiên, đó không chỉ chủ trương về quan niệm phụ mẫu nên yêu thương con cái, mà nó chú trọng tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái là vô điều kiện, là quy luật của tự nhiên, là điều vốn sẵn tính trời.
Nhưng tình cảm, thái độ con cái dành cho bố mẹ thì lại thay đổi. Khi còn nhỏ chúng cần đến sự chăm sóc, và dựa dẫm vào bậc sinh thành, đến khi trưởng thành rồi chúng phải học cách sống độc lập, có suy nghĩ riêng, và dần dần rời xa cha mẹ. Vậy mà, khi chúng ta trưởng thành và độc lập thì cũng là lúc cha mẹ chúng ta lớn tuổi rồi, lúc này điều họ cần nhất là sự phụng dưỡng của những đứa con.
Trong quan hệ ngũ luân của Nho gia Trung Quốc, mối quan hệ phong kiến đầu tiên được nhắc đến đó chính là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Kinh Phật cũng đặc biệt chú trọng đến việc hiếu thuận với cha mẹ, ví như thân thể chúng ta là do cha mẹ sinh ra, dù họ không nuôi nấng dưỡng dục nhưng tình cảm họ dành cho ta rộng lớn như biển cả. Điều này cho thấy, dù ta có báo đáp cha mẹ như thế nào thì cũng không thể báo đáp hết được, bởi nó thật vô cùng vô tận!
Một ví dụ khác, phận làm con cần đặt cha mẹ trên vai, một bên là cha, một bên là mẹ. Một khi cha già mẹ yếu không thể đi lại được, thì trách nhiệm chăm sóc họ sẽ thuộc về chúng ta, không chỉ chăm sóc cả đời này, đời sau mà cả trăm đời sau vẫn phải làm tròn đạo hiếu, nhưng vẫn không báo đáp được công ơn sinh thành của cha mẹ.
Những kẻ bất hiếu với cha mẹ, tôi e rằng ngay cả việc làm “người” thôi cũng không làm được. Bất hiếu với bậc sinh thành ra mình, thì có lẽ tình cảm đối với bạn tình cũng chỉ là thứ tình cảm vật chất mang tính lợi dụng, không phải là sự trao đổi vô điều kiện; còn đối với bạn bè, có thể đó là kẻ bạc bẽo vô tình. Vì vậy, khi giảng tới tiêu chuẩn đạo đức, thì tiêu chuẩn đầu tiên chính là tình cảm dành cho cha mẹ.
Hỏi: Tôi có nghe nói, khi một đứa trẻ ra đời tức là nó đến để đãi nợ, vậy có phải mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là sự nợ nần nhau chăng?
Đáp: Đây là cách nói thông tục của người Trung Quốc, dưới lập trường Phật giáo, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là sự kết duyên từ nhiều kiếp trước mà trở thành người một nhà. Trước khi kết duyên với nhau, rất có thể giữa họ dù nhiều hay ít có sự làm tổn thương nhau hoặc giúp đỡ nhau. Nếu có nhiều sự giúp đỡ thì thân tình càng sâu đậm hơn.
Tuy nhiên, trong sự tương tác giữa người với người, ta hiếm khi bắt gặp bất cứ trường hợp nào hoàn toàn không có sự xuất hiện của xung đột mâu thuẫn, bởi tất cả chúng ta đều là phàm phu, là người bình thường, cũng có những ưu tư phiền não, dù ít hay nhiều cũng có đôi chút xích mích. Tuy có giúp đỡ lẫn nhau, nhưng vẫn có thể xảy ra mâu thuẫn, do vậy mà họ mắc nợ nhau. Trong mối quan hệ nợ nần này, không phải phân chia ai là chủ nợ ai là con nợ, mà đó là cái nợ ở đời, mắc nợ nhau.
Khi việc chăm sóc con cái gặp khó khăn thì cũng là lúc bậc làm cha làm mẹ bỏ ra công sức gấp bội lần, lúc này ta mới cảm nhận được “ân tình phụ mẫu khó báo đáp” một cách sâu sắc nhất. Do vậy mà tôi thường nói với các bậc cha mẹ rằng: “Khi con cái không ngoan ngoãn thì bản thân mình mới hiểu được làm cha làm mẹ thật khó, và cũng ngộ ra được rằng khi ta còn nhỏ, cha mẹ chúng ta biết cách chăm sóc các con như thế nào, lúc này đây, ta mới thấu hiểu tấm lòng cha mẹ luôn dành hết cho các con”.
Khi gặp phải đứa trẻ không ngoan thì ta mới biết cảm ơn ân tình của phụ mẫu. Khi ta học được cách chăm sóc và sự nhẫn nại nuôi con, có nghĩa rằng ta trưởng thành lên rất nhiều. Khi có những đứa con ngoan hiền ta không cần tổn phí nhiều công sức, nó sẽ tự trưởng thành và hiểu biết, trong trường hợp này chúng ta sao có thể nói đứa trẻ đó sinh ra là đến để đãi nợ ta được?
Như vậy, một đứa trẻ ra đời không phải là kẻ đến đãi nợ ta, mà chúng đến để giúp đỡ ta, là vị Bồ-tát cứu khổ cứu nạn, là ân nhân của ta, chúng đến để báo ân chứ không phải báo nợ.
Hỏi: Thầy đã bôn ba ở cả phương Đông và phương Tây để truyền bá Phật pháp, vậy xin ngài cho biết sự dị đồng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong hai xã hội này và có thể học tập lẫn nhau được không?
Đáp: Trong xã hội phương Tây, bậc cha mẹ rất biết cách nuôi dưỡng con cái trưởng thành và tự lập được. Ví như, khi cha mẹ có nghề nghiệp ổn định còn con cái thì ngược lại, tuy vậy họ cũng sẽ không phiền lòng lo lắng gì; hay như cha mẹ mong muốn con cái học hành thành đạt nhưng chúng lại không hề có hứng thú với việc đó, thì cha mẹ cũng sẽ không ép buộc chúng. Thái độ của các bậc cha mẹ trong xã hội phương Tây là chỉ cần làm cho con cái cảm nhận cuộc sống vui vẻ là tốt rồi, còn sống như thế nào thì chúng phải tự lo liệu, họ không vẽ ra cho chúng con đường đi đến tương lai, chúng sẽ tự tìm ra lối đi riêng cho mình.
Còn bậc cha mẹ trong xã hội phương Đông nói chung có ưu điểm là thôi thúc con cái tham gia các lớp học văn hóa, nghệ thuật, bắt chúng học các loại hành nghệ thuật khác nhau, ngay cả ngày cuối tuần cũng không để chúng có thời gian nghỉ ngơi. Làm như vậy cũng có một chút tác dụng về sau này khi con cái họ bước ra ngoài xã hội được sự thỏa mãn! Có điều đây không phải là vấn đề quan trọng, bởi lựa chọn con đường nào để tiếp tục đi thì ngay cả bản thân chúng đôi khi cũng không xác định rõ ràng được.
Cha mẹ tốt nhất nên hiểu được cá tính và phẩm chất riêng của từng đứa con, tạo điều kiện cho con phát triển sở thích, niềm đam mê, nghề nghiệp và sự trưởng thành về mặt chí hướng. Đam mê là vì mục đích sống vui vẻ và bồi dưỡng tâm lí, nghề nghiệp lại là sự mưu sinh cho tương lai say này, còn chí hướng nhằm phát triển lí tưởng. Sau khi quan sát và suy nghĩ một cách toàn diện nhất, cha mẹ có thể bồi dưỡng nuôi nấng con cái trưởng thành và giúp chúng phát triển độc lập.
Thông thường, khi con cái trưởng thành đến năm mười ba, mười bốn tuổi sẽ có giai đoạn “ương ngạnh”, có đứa thì phát triển sớm hơn một chút, năm cuối cấp tiểu học đã xuất hiện tình trạng này rồi. Cha mẹ cần có phương hướng dẫn dắt chúng một cách đúng đắn, hãy làm bạn với chúng, tìm hiểu và đánh thức tài năng vốn có của chúng, nuôi dưỡng chúng một cách đúng khoa học.
Ví như bản thân tôi, cứ hễ gặp phải các phép toán lại thấy đau đầu, bởi tôi không có khả năng về toán học. Từ nhỏ đã bị thầy cô giáo dọa nạt, bị mắng nhiếc: đồ ngốc, ngay cả phép toán đơn giản thế này cũng không làm được! Điều này khiến tôi càng trở nên sợ hãi hơn khi học môn toán, và mỗi khi phải làm các phép tính tôi thường nghĩ: dù sao thì mình cũng đã ngốc rồi, không thèm học toán cho xong, trên đời này còn có nhiều việc mình làm được mà!
Tư tưởng Nho gia của Trung Quốc có nói đến việc nhân tài thi giáo, tức việc dạy theo năng khiếu trình độ nhận thức của người học, còn Phật giáo lại cho rằng Phật pháp giảng giải đạo lí dựa trên sự bình đẳng, tuy chúng sinh không bình đẳng nhưng vẫn hiểu được mọi thứ diễn ra xung quanh họ. Mọi chúng sinh trên đời không ai là giống nhau mỗi cá thể chúng sinh đều có bản tính, bản khí riêng biệt, do vậy mà cần đặt họ vào đúng địa vị, đúng chỗ để có biện pháp giáo dục thích hợp với từng đối tượng riêng, như vậy ta mới thu được kết quả mong muốn.
Bàn về người nhân bản
Hỏi: Kinh Phật có bàn đến sự đản sinh của sinh mệnh chính là cốt nhục của cha mẹ, nhưng trong xã hội khoa học tiến bộ ngày nay, chúng ta nên nhìn nhận mối quan hệ thân tình giữa “người nhân bản” – tức người được sinh ra và người mang thai hộ như thế nào, xin thầy cho biết?
Đáp: Thân tình đại khái có thể chia làm hai loại, thứ nhất là thân tình nhục thể, thứ hai là thân tình nuôi dưỡng.
Lấy một tế bào của ai đó đem đi nuôi dưỡng thành một phôi thai được coi là sự nhân bản, bởi phôi thai đó được tách ra từ một bộ phận nào đó của một người nào đó, đó gọi là sự phân thân – tức một thân thể hóa thành nhiều thân thể, hay còn gọi là cốt nhục của người đó. Bào thai được nhân bản từ tế bào của người đó, có sự di truyền mang tính đặc thù, và được hình thành dựa trên sự kết hợp giữa tinh trùng và noãn tử.
Ngày nay, xã hội hiện đại còn có phương pháp mang thai hộ, tức tìm một người phụ nữ khác giúp mang thai, nhưng đó là cốt nhục được tạo nên từ sự kết hợp giữa tinh trùng và noãn tử của cha và mẹ, nó lớn dần trong bụng của người mang thai và phát triển thành một bào thai hoàn chỉnh, sau chín tháng mười ngày sẽ được sinh ra. Tuy đây là trường hợp tương đối đặc biệt, nhưng đó cũng là một loại thân tình.
Hỏi: Sự tranh luận và mức độ tiếp nhận “người nhân bản” trên thế giới có sự khác nhau rất lớn, xin thầy cho biết khi Phật giáo giảng đến duyên kiếp thì chúng ta nên nhìn nhận về “người nhân bản” như thế nào?
Đáp: Vào năm 2001, khi tôi tham gia Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới, có người từng hỏi tôi cách nhìn nhận về người nhân bản, lúc đó tôi đã nói rằng, đối với đệ tử Phật giáo, điều này có thể chấp nhận được! Bởi Phật giáo chủ trương tất cả hiện tượng sinh sản của chúng sinh đều được hình thành dựa trên duyên sinh, duyên kiếp, chỉ cần có kiếp thì cái duyên sẽ đi theo nó, rất có thể sẽ có một hiện tượng mới, đó chính là sự biến đổi bất cứ lúc nào của duyên kiếp.
Việc mang thai theo cách tự nhiên nhất thiết phải có sự phối kết hợp của hai giới, sau đó noãn tử của người mẹ sẽ tiếp nhận tinh trùng của người cha và hình thành lên bào thai. Tư tưởng trước kia đều cho rằng như vậy, và thực tế cũng là như vậy. Do đó mà thay đổi phương thức đột ngột quả thực không dễ dàng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số chúng sinh.
Thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay có thể khiến cho ra đời một sinh mệnh mới, vì thế điều này không thể phủ nhận được chính là dù áp dụng phương pháp truyền thống hay không thì sinh mệnh đó vẫn được sinh ra.
Hỏi: Trong xã hội khi mà kỹ thuật nhân bản dần dần hoàn thiện, chúng ta nên cân nhắc suy nghĩ để phòng tránh những nhân tố gây hậu quả không tốt nào, thưa thầy?
Đáp: Trước tiên chúng ta cần cân nhắc suy nghĩ và giải quyết một số vấn đề, không thể một lúc nhân bản ra nhiều cá thể người. Điều đầu tiên phải cân nhắc đến đó chính là việc chúng ta có cần mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nữa không? Bởi sau khi con cái được sinh ra chúng nhất thiết cần có tình yêu thương của cha mẹ. Còn đối với người nhân bản, nếu không có sự quan tâm chăm sóc đó chắc chắn rằng quá trình trưởng thành sau này, hay sau khi thành niên chúng sẽ gặp vấn đề về tâm sinh lí, về quan niệm sống, thậm chí có thể biến thành dã nhân.
Thứ đến, ta cần xem xét đến phương pháp kỹ thuật để tạo ra người nhân bản, liệu có thể xảy ra di chứng, dị tật hay để lại hậu quả xấu nào không? Cái gọi là hậu quả xấu ở đây chỉ trong quá trình nhân bản, phôi thai được nhân bản từ tế bào được lấy từ cá thể cha hoặc mẹ, không may tế bào đó có chứa nhân tố không khỏe mạnh thì sau khi tạo ra con người, nó có phát triển khỏe mạnh không? Nếu cá thể nhân bản đó có vấn đề thiếu khuyết về thân thể thì quả là gay go, phải loại trừ bỏ nó hay sao? Nhưng nó cũng là con người mà, còn nếu không giết nó thì xã hội sẽ chẳng phải tăng thêm gánh nặng sao?
Do vậy, trước khi theo nghành nghề nhân bản này, trước tiên cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng tới “tác dụng phụ” mà nó để lại cho chính cá thể nhân bản đó và cho cả xã hội.