KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm
HỘI THỨ NĂM
XXIV. PHẨM KIẾN BẤT ĐỘNG PHẬT
(Giữa quyển đến cuối quyển 565)
Bấy giờ bốn chúng vây quanh, Như Lai khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa, giao phó, dạy bảo A-nan-đà thọ trì xong, lại đối với tất cả Bí-sô, Bí-sô-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược v.v… giữa hội đại chúng, bằng năng lực thần thông làm cho chúng đều thấy Như Lai Bất Ðộng Ứng Chánh Đẳng Giác, với đại chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh tuyên thuyết chánh pháp cho đại hội như biển lớn chẳng động, và thấy tướng nghiêm tịnh của cõi kia. Thanh văn Tăng cõi đó đều là A-la-hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, được chơn thật tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, như ngựa khôn được điêu luyện, cũng như rồng lớn, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được lợi ích cho chính mình, dứt các kiết sử, chánh trí giải thoát, đạt đến tâm tự tại rốt ráo đệ nhất. Bồ-tát Tăng ở cõi đó, tất cả đều là những vị mà mọi người đều biết. Các ngài đã đắc Đà-la-ni và vô ngại biện, thành tựu vô lượng công đức vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể đo lường.
Phật thu hồi thần lực, làm cho bốn chúng, trời, rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược v.v… này chẳng còn thấy Như Lai Bất Ðộng Ứng Chánh Đẳng Giác, Thanh văn, Bồ-tát và đại chúng khác cùng tướng trang nghiêm thanh tịnh của cõi Phật kia. Chúng hội và cõi trang nghiêm thanh tịnh của Phật kia đều chẳng phải là đối tượng của nhãn căn ở cõi này thấy tới được. Vì sao? Vì Phật thu hồi thần lực nên không thể thấy được cảnh ở xa kia.
Bấy giờ, Phật bảo A-nan-đà:
– Ông có còn thấy cõi nước và chúng hội của Như Lai Bất Ðộng Ứng Chánh Đẳng Giác không?
A-nan-đà thưa:
– Bạch Thế Tôn! Con chẳng còn thấy những việc đó, vì chẳng phải cảnh giới của mắt này đạt tới.
Phật bảo A-nan-đà:
– Như chúng hội và cõi nước của Như Lai kia, chẳng phải là cảnh giới của mắt ở cõi này đạt tới, nên biết các pháp cũng như thế, chẳng phải cảnh giới mà nhãn căn v.v…. đạt tới được.
Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.
Khánh Hỷ nên biết! Tất cả pháp tánh không thể tu, không thể thấy, không thể biết, không thể chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không tác dụng. Năng thủ, sở thủ đều như hư không, vì tánh viễn ly vậy, vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, năng, sở nghĩ bàn đều như người do biến hóa, vì tánh xa lìa vậy; vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v… chẳng chắc thật vậy.
Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ-tát thường tu như thế thì gọi là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, không chấp trước tướng các pháp. Nếu các Bồ-tát thường học như thế thì gọi là học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đối với tất cả pháp không thủ, không xả.
Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ-tát muốn được mau chóng viên mãn tất cả Ba-la-mật-đa, đạt rốt ráo tất cả pháp đến bờ kia thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì người học như thế đối với các pháp học là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, lợi ích an lạc cho tất cả thế gian.
Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ-tát có thể học như thế, là làm nơi nương tựa giúp đỡ cho người không có nơi nương tựa giúp đỡ; chư Phật Thế Tôn chấp nhận, khen ngợi tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật, Bồ-tát học pháp học này xong, an trụ trong đó, có thể dùng ngón tay phải hoặc ngón chân phải nhấc thế giới Tam thiên đại thiên ném qua phương khác, hoặc trả lại chỗ cũ, mà hữu tình trong đó chẳng hay chẳng biết, không tổn hại, không sợ hãi. Vì sao? Vì công đức oai lực của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật và các Bồ-tát quá khứ, vị lai, hiện tại học Bát-nhã ba-la-mật-đa này đối với quá khứ, vị lai, hiện tại và pháp vô vi đều đạt được tri kiến vô ngại.
Thế nên, này Khánh Hỷ! Ta bảo: Thường học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với trong các pháp học là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.
Khánh Hỷ nên biết! Có người muốn nắm lấy lượng và biên giới của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì cũng giống như kẻ ngu si muốn nắm lấy lượng và biên giới của hư không. Vì sao? Vì công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không lượng, không biên giới vậy.
Khánh Hỷ nên biết! Ta hoàn toàn chẳng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như danh, thân v.v… có biên giới, có hạn lượng. Vì sao? Vì danh, cú, văn, thân là pháp có hạn lượng; còn công đức lợi ích thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là pháp chẳng có hạn lượng, Chẳng phải danh, thân v.v… có thể lường được công đức lợi ích thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cũng chẳng phải công đức lợi ích thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa là đối tượng suy lường của những thứ kia.
Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào, nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là vô lượng?
Phật bảo Khánh Hỷ:
– Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì tánh vô tận, vì tánh viễn ly nên nói là vô lượng.
Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật ba đời đều học Bát-nhã ba-la-mật-đa, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoàn toàn viên mãn, tuyên thuyết chỉ dạy cho các hữu tình, mà Bát-nhã ba-la-mật-đa này vẫn thường còn, không dứt hết. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như hư không, rộng lớn chẳng thể cùng tận vậy. Nếu có người muốn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cùng tận tức là muốn biên giới của hư không cùng tận.
Thế nên, này Khánh Hỷ! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói là vô tận. Do vô tận nên nói là vô lượng.
Bấy giờ Thiện Hiện nghĩ: Điều này sâu xa, ta nên thưa hỏi Phật. Nghĩ như vậy xong, bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì lẽ gì Như Lai dạy là không cùng tận?
Phật bảo Thiện Hiện:
– Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa giống như hư không, chẳng thể cùng tận.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm thế nào để phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật bảo Thiện Hiện:
– Các chúng Bồ-tát nên quán các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô tận để phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nên quán vô minh cho đến lão tử đều vô tận để phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, này Thiện Hiện! Các chúng Bồ-tát nên làm như thế để phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ-tát quán sát mười hai duyên khởi, xa lìa hai bên như thế; quán sát mười hai duyên khởi không chính giữa, không chung quanh như thế, đó là diệu quán bất cộng của các Bồ-tát. Nghĩa là cần phải an tọa tòa Bồ-đề vi diệu mới có thể quán sát đúng đắn lý thú sâu xa như hư không rộng lớn, chẳng thể cùng tận của mười hai nhân duyên như thế, nên có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết: Nếu Đại Bồ-tát đem hành tướng như hư không vô tận hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi thì chẳng rơi vào địa vị Thanh văn và Độc giác, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ-tát nào thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, là do chẳng nương vào tác ý phương tiện thiện xảo như thế. Các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà chẳng hiểu biết đúng, thì nên dùng hành tướng vô tận nào để phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa, để quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi.
Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ-tát nếu thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, là do xa lìa phát khởi phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ-tát nếu chẳng thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì tất cả đều do nương vào phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà phát khởi. Các Bồ-tát ấy nhờ nương vào phương tiện thiện xảo như thế để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng hành tướng như hư không vô tận để quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi; khi quán sát pháp duyên khởi như thế, chẳng thấy có một pháp nào là do nhân mà sanh, chẳng thấy có một pháp nào tánh tướng thường trụ, chẳng thấy có một pháp nào có người tạo tác và lãnh thọ. Các Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng hành tướng như hư không vô tận, quán sát đúng mười hai duyên khởi để phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể mau chứng đắc trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết: Nếu khi Bồ-tát quán sát đúng như thật mười hai duyên khởi, phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì bấy giờ Bồ-tát hoàn toàn chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng thấy thế giới của Phật này, chẳng thấy thế giới của Phật kia, chẳng thấy có pháp có thể thấy thế giới của chư Phật này, chư Phật kia.
Nếu các Bồ-tát có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, thì khi ấy ác ma rất buồn khổ như trúng tên độc. Ví như người có cha mẹ chết, thân tâm buồn khổ, ác ma cũng như thế.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Chỉ có một ác ma thấy các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất buồn khổ như trúng tên độc, hay là tất cả ác ma khắp thế giới Tam thiên đại thiên cũng đều như thế?
Phật bảo Thiện Hiện:
– Tất cả ác ma đầy khắp thế giới Tam thiên đại thiên thấy các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất lo buồn như trúng tên độc, mỗi người chẳng thấy yên ổn ngay chỗ ngồi của mình. Vì sao? Vì nếu các Bồ-tát trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, trời, người, A-tố-lạc v.v… ở thế gian xét tìm lỗi của vị đó đều chẳng thể được, cũng chẳng thể làm rối loạn, thối lui. Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì nên siêng năng an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nếu các Bồ-tát có thể siêng năng an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì có thể tu viên mãn Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu các Bồ-tát có thể chính mình tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì có thể tu hành viên mãn tất cả phương tiện thiện xảo Ba-la-mật-đa. Các việc ma phát sanh đều có thể như thật biết để xa lìa.
Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát muốn chính mình thủ hộ phương tiện thiện xảo, thì nên chính mình hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Nếu khi Bồ-tát tu hành phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì khi ấy có chư Phật Thế Tôn ở vô lượng vô biên các thế giới đều cùng hộ niệm. Các Bồ-tát này nên nghĩ: Các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác kia cũng từ Bát-nhã ba-la-mật-đa sanh Nhất thiết trí. Nghĩ như thế xong, lại nên suy nghĩ: Như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng đắc pháp, ta cũng sẽ chứng.
Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát tu hành phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tư duy như thế trải qua khoảng khảy móng tay, thì lượng phước phát sanh hơn công đức đạt được về sự tu hành bố thí trải qua số đại kiếp nhiều như cát sông Hằng của các chúng Bồ-tát có sở đắc, huống là có thể trong một ngày hoặc nửa ngày. Các Bồ-tát ấy chẳng bao lâu sẽ an trụ địa vị Bất thối chuyển, thường được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng hộ niệm. Các chúng Bồ-tát này nếu được chư Phật hộ niệm, thì nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chẳng rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác v.v… chắc chắn không còn sanh vào các nẻo ác, thường sanh trong cõi trời, người, chẳng xa lìa chư Phật. Nếu các Bồ-tát tu hành phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật trải qua khoảng khảy móng tay, thì công đức lợi ích thù thắng còn đạt được vô biên, huống là trải qua một ngày hay hơn một ngày, tinh tấn dõng mãnh tu hành phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật như các chúng Bồ-tát Hương Tượng v.v… ở chỗ Phật Bất Ðộng thường tu phạm hạnh, chẳng lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Khi đức Bạt-già-phạm thuyết kinh này xong, vô lượng chúng Đại Bồ-tát, Bồ-tát Từ Thị làm thượng thủ, cụ thọ Thiện Hiện, Xá-lợi Tử v.v… các đại Thanh văn và các trời, rồng, Kiền-đạt-phược v.v… tất cả đại chúng nghe Phật giảng đều rất vui mừng, tin thọ phụng hành.