TÌNH THẾ GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

 

ĐIỀU TIẾT TÌNH CẢM

Bản chất của tình yêu

Hỏi: Thưa thầy, tình yêu có vai trò quan trọng như thế nào đối với phụ nữ và nam giới? Xin thầy giảng đôi chút về sảnh hưởng của tình yêu đối với con người.

Đáp: Con người có hai bản năng là bản năng ăn uống và bản năng giới tính, bản năng giới tính chính là quan hệ hỗ trợ, mật thiết giữa hai giới. Trừ những người xuất gia không có nhu cầu với bản năng thứ hai, còn lại trong cuộc sống của mọi người tại gia bình thường đều không thể thiếu hai bản năng này.

Một người bình thường sẽ không thể sống được nếu thiếu ăn uống, nhưng nếu thiếu đi tình yêu, hay chính là thiếu đi mối quan hệ gần gũi giới tính thì con người không chỉ phải đối diện với vấn đề không có người nối dối mà tâm lý cũng cảm thấy trống rỗng, cuộc sống cảm thấy thiếu đi sự chia sẻ. Vì thế, tình yêu nam nữ là một thứ tình cảm đặc biệt, không có gì có thể thay thế.

Con người hay động vật luôn cần đến tình cảm. Nhưng hành vi biểu thị tình cảm của con người và động vật không giống nhau. Trong thế giới động vật, chúng ta có thể phát hiện những loài động vật có tình cảm rất chung thủy như chim uyên ương và chim nhạn, chúng tuyệt đối không bao giờ giao phối hỗn tạp, cũng không hề có hành vi loạn luân, trong cuộc đời của chúng tuyệt đối chỉ có một bạn tình.

Con người lại phức tạp hơn. Có những người tình cảm rất chung thủy, nhưng có những người lại rất lăng nhăng. Trong xã hội cũ, người ta đánh giá cao tình cảm chung thủy, người con gái chính chuyên được gọi là “trinh tiết liệt nữ”, nhưng đến xã hội hiện đại. Mặc dù xã hội vẫn đánh giá cao tình yêu chân thành từ hai phía, nhưng thái độ của con người với tình yêu dần dần nhạt phai và không còn nghiêm túc như trước đây.

Tình cảm của con người hiện đại tương đối mỏng manh, không dễ dàng để trở thành một người chung thủy, chỉ cần phát sinh một vấn đề nào đó, như sau khi vợ hoặc chồng mất đã có thể tái giá, thậm chí đối phương vẫn còn nhưng vẫn có thể ly hôn, tái hôn thậm chí còn có cả ngoại tình.

Trong Nguyên khúc (một thể tài văn học của Trung Quốc, khúc là điểm nổi bật nhất của nhà Nguyên nên gọi là Nguyên khúc. Người ta thường đúc kết đặc điểm văn học Trung Quốc qua các thời đại là Tiên Tần cổ văn, Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, Minh, Thanh tiểu thuyết) có đoạn “hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết”, đoạn hoài cảm này hàm ý khích lệ tình yêu chung thủy. Ngoài ra còn có câu “sống nằm cùng màn, chết nằm cùng huyệt”, hàm ý cho dù đối phương có chết đi thì tình cảm của mình cũng không thay đổi, thứ tình yêu này vô cùng bền vững.

Có những người sau khi chồng hoặc vợ mất, tuyệt đối không đi bước nữa, tình cảm chung thủy như thế rất đáng được ca ngợi, nhưng con người hiện đại cho rằng không cần thiết phải như vậy. Người đã chết rồi vì sao vẫn phải giữ gìn cho họ, sống khổ thế để làm gì? Tìm một người mới có phải tốt hơn không? Vì thế, tôi nghĩ đây là một vấn đề đáng thảo luận.

Hỏi: Tình yêu và cảm xúc giống nhau không?

Đáp: Tình yêu là bản năng của con người, cũng là một phần của cảm xúc. Cảm xúc là một trạng thái liên tiếp, nếu chỉ là một suy nghĩ nhất thời thì không thể coi là cảm xúc. Cảm xúc có tính lâu dài, có trạng thái tình cảm chập chờn nhưng lại ổn định, còn trạng thái ổn định, không nhấp nhô lên xuống được gọi là tình yêu.

Tình cảm giữa người và người hoặc tình thân, tình bằng hữu là cấp độ của tình yêu. Tình cảm không thể có nhiều biến động, cũng không có nhiều điều làm ta không cảm thấy thoải mái, không vui, đó không phải là nỗi đau, mà là một thứ sức mạnh, là động lực để chúng ta sinh tồn, cũng là một thứ trợ duyên.

Hỏi: Như thế nào mới được gọi là tình yêu chân chính?

Đáp: Tình yêu chắc chắn là một điều vô cùng tốt, nó được xem như một liều thuốc bôi trơn cho cuộc sống, tình yêu không chỉ làm cân bằng cuộc sống mà còn làm tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống. Hai người đang yêu, họ luôn sống cho nhau, cho dù cuộc sống có xảy ra chuyện gì chăng nữa thì ít nhất họ vẫn còn có nhau, họ có thể giúp đỡ nhau, làm chỗ dựa cho nhau, ở bên nhau luôn làm họ có cảm giác an toàn.

Vì thế, tình yêu vô cùng quan trọng đối với con người, nhưng nếu yêu đến độ mù quáng, không còn biết đến gì khác ngoài tình yêu thì đó không còn được gọi là tình yêu mà tôi nghĩ rằng đó là sự điên rồ.

Có trường hợp người sống thực dụng, chỉ quan tâm đến cảm xúc hiện tại của mình, để mặc cho những cảm xúc này vượt qua mọi rào cản, bất kể là tuổi tác, giàu nghèo, xấu đẹp hoặc sự hòa hợp về tính cách, chỉ cần biết giữa hai người có tình cảm là đủ. Thứ tình cảm này không vượt qua được thử thách về thời gian, khi thời gian kéo dài sẽ tạo ra một khoảng cách giữa hai người, khi đó sẽ có vấn đề xảy đến.

Vì thế, khi tìm bạn đời nên tìm người có tuổi tác, ngoại hình và tư tưởng không quá chênh lệch với mình là lý tưởng nhất, trí năng cũng không nên chênh lệch quá nhiều. “Trí năng” không nhất định là chỉ tri thức hay học vấn mà chỉ các phương diện tính cách, nhân cách của hai người có thực sự hoà hợp hay không. Tình yêu trong thời đại hiện nay thật khó có thể bền lâu và khó để cân bằng ổn định, song tình yêu đích thực cần phải bền lâu, ổn định, không có một khoảng cách nào giữa hai người. Tuy nhiên để có được một tình yêu như vậy là một điều không dễ dàng, nhưng như thế mới được gọi là tình yêu đích thực?

Hỏi: Nhiều người tin vào quan niệm về số mệnh “duyên định tam sinh” (nhân duyên định sẵn trong ba đời), quan điểm của pháp sư về điều này như thế nào?

Đáp: Chỉ có những người đọc quá nhiều tiểu thuyết mới tin vào quan niệm “duyên định tam sinh” mà trong tiểu thuyết có nói đến, nam nữ vì yêu nhau nên luôn nghĩ rằng đó là duyên số. Nhưng nếu bảo giải thích “duyên” nghĩa là gì thì không ai có thể nói được. Có người cho rằng hai người đã từng kết duyên ở kiếp trước vì thế kiếp này họ vẫn phải sống cùng nhau và ước định sau này họ vẫn là vợ chồng, bao gồm cả kiếp trước, kiếp này và kiếp lai sinh thì được gọi là “duyên định tam sinh”.

Phật giáo cho rằng, “duyên” không chỉ giới hạn ở quan hệ nam nữ mà còn mở rộng ra ở tất cả các mối quan hệ giữa người và người, bất kể là tiếp xúc với ai đều được coi là đã từng kết duyên, có người là lương duyên, có người là ác duyên. Nếu đã từng kết lương duyên thì sẽ trở thành bạn bè, người thân hoặc trở thành vợ chồng; nếu là kết ác duyên thì sẽ trở thành kẻ thù, quân địch và tất cả sẽ gặp lại nhau ở kiếp này.

Duyên, có khi do tiếp xúc ngẫu nhiên sinh ra, cũng có khi lại cần đến sự nuôi dưỡng dần dần. Duyên phận do ngẫu nhiên tiếp xúc được gọi là “nhất kiến chung tình – một lần gặp gỡ đã chung tình với nhau”. Nhưng đôi khi “nhất kiến chung tình” cũng rất kỳ lạ, ví như hai người gặp nhau, một người nảy sinh tình cảm đơn phương, còn người kia thì không muốn trở thành bạn của người này, điều này có thể giải thích như thế nào? Đó chỉ là một cảm xúc và cảm nhận của riêng một người. Có thể là người đó đang ở vào trạng thái trống trải, bỗng nhiên gặp được một ai đó liền muốn được kết thân cùng người đó. Trong trường hợp này, có khả năng hai người đó trước đây hoàn toàn chưa từng kết duyên, chẳng qua do gặp mặt một lần này mà nảy sinh duyên phận như vậy.

Vì thế, nam nữ gặp gỡ hay yêu nhau đều có khả năng họ đã từng tiếp xúc với nhau ở kiếp trước, đã từng có tình cảm bạn bè hoặc tình yêu nam nữ, ở kiếp này họ lại gặp nhau. Nhưng cũng có thể họ chưa hề gặp nhau ở kiếp trước nhưng ở kiếp này họ có duyên quen nhau và nảy sinh tình cảm. Còn ở kiếp sau họ có được ở bên nhau nữa hay không? Quả thực cơ hội rất khó đoán trước.

Những người hay những việc mà chúng ta tiếp xúc ở kiếp này tương đối phức tạp, vì thế kiếp sau liệu có được sống cùng thế giới, liệu có được gặp lại nhau, hay có được kết hôn lại với nhau, lại có cơ hội “tam thế nhân duyên” hay không là một điều rất khó.

Ngoài ra còn có một khả năng là đã kết duyên ở kiếp này, và còn có cơ hội gặp lại nhau ở kiếp sau. Nam nữ nếu được ở bên nhau, trừ phi thời gian họ ở bên nhau rất ngắn mới có thể chỉ có tình cảm ân ái ngọt ngào, nếu không, vợ chồng từ lúc kết hôn đến khi chết mà không hề có cãi vã, oán trách quả thực là điều rất khó.

Hỏi: Xin pháp sư nói đôi chút quan điểm về tình yêu đồng tính.

Đáp: Tình yêu đồng tính là vấn đề mà lịch sử Trung Quốc và cả phương Tây đều có, thậm chí trong các tác phẩm kinh điển cũng có ghi chép về vấn đề này. Có thể nói tình yêu đồng tính xuất hiện từ khi có xã hội loài người. Con người và động vật có tình yêu đồng tính, nhưng thứ tình yêu này hoàn toàn không được khuyến khích.

Có phải tình yêu đồng tính nhất định có những quan hệ về thể xác? Không nhất định, hai người cùng giới tính ở cùng nhau, họ yêu nhau, cần có nhau, muốn gắn kết với nhau, như vậy gọi là tình yêu đồng tính.

Nhưng ở trời đất, âm dương, nam nữ, chồng vợ kết hợp với nhau là điều bình thường, còn nếu không sẽ đi ngược lại với quy luật tự nhiên, sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống, thế hệ sau sẽ bị mất cân bằng.

Vì thế, tôi nghĩ không nên quá cường điệu vấn đề này, mặc dù không phản đối nhưng tôi cũng không cổ súy cho tình yêu này, chỉ coi đó là một hiện tượng xã hội mà thôi.

Hỏi: Xã hội hiện đại sinh ra kiểu “tình một đêm”, mối quan hệ như thế có được gọi là tình yêu hay không?

Đáp: Mối tình một đêm không bao gồm tình yêu trong đó, nó chỉ có sự kích thích và hứng thú. Có người vì cảm thấy cô đơn, không biết làm thế nào để tìm kiếm sự an ủi nên tìm đến với mối tình một đêm. Trước đây, khi hình thức lầu xanh còn nhiều, có thể tìm đến các kỹ nữ, còn ngày nay hình thức này không nhiều, vì thế lại sinh ra các loại tình yêu qua mạng, tình yêu một đêm…

Khái niệm tình một đêm là để chỉ hai người sau khi gặp nhau, chỉ cần họ cảm thấy đối phương thuận mắt là đã có thể ở cùng nhau, thậm chí còn không biết tên nhau, chỉ sau khi nhu cầu của họ được thỏa mòn là họ lại trở về với cuộc sống của mỗi người. Quan hệ như vậy có thể gọi là tình yêu fastfood không? Thực chất trong mối quan hệ này không có tình yêu chân chính, chỉ có thỏa mòn ham muốn và tình cảm nhất thời, vì thế thứ tình cảm này hoàn toàn không được khuyến khích.

Nếu quả thực tình một đêm xấu xa như vậy thì những người tìm đến tình một đêm nhất định phải có nỗi khổ nào đó. Vì mối quan hệ như thế này không lâu bền cũng không có cảm giác an toàn, họ chỉ tìm được những kích thích da thịt, sự an ủi, hoàn toàn không được gọi là tình yêu, vậy thì ta còn hi vọng gì vào thứ tình cảm như thế này?

Vị đắng trong tình yêu

Hỏi: Trong cuộc sống hiện thực, có nhiều người vì tình cảm đổ vỡ, không như muốn mà kích động đến nỗi làm hại cả đến sinh mạng của bản thân, hoặc làm những chuyện tổn hại cho đối phương, như vậy đủ thấy tác động mạnh mẽ của tình cảm đến nội tâm con người. Phải làm thế nào để đối diện và xử lí các vấn đề liên quan đến tình cảm?

Đáp: Nếu tình cảm đôi bên đều tiến triển tốt đẹp thì tại sao phải nghĩ đến những điều cực đoan? Trừ phi giống như Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài hay Romeo và Juliet, hai bên không đến được với nhau do bị gia đình ngăn cản hay các vấn đề về tập tục xã hội, tín ngưỡng.

Nếu chỉ một người có tình cảm, còn người kia không thể đối diện để đón nhận tình cảm đó mà lấy cái chết ra để uy hiếp đối phương hoặc vốn dĩ hai bên đều cảm thấy “phi khanh mạc thú, phi quân bất giá” (không phải nàng không cưới, không phải chàng không lấy), tình cảm đã đạt đến một cấp độ nhất định, kết quả người kia lại thay lòng đổi dạ, vậy thì vẫn cứ chờ đợi một cách si mê sao? Không nên khờ khạo như vậy! Lúc này nên bình tĩnh suy nghĩ lại, người ta đã thay lòng đổi dạ, cho thấy họ không phải là người chung tình, đã như vậy rồi thì cớ gì vẫn chờ đợi họ một cách ngốc nghếch? Hãy nhanh chóng ghìm cương trước vực, quay đầu lại là bờ, tìm cho mình phương hướng và lối đi khác. Chỉ có từ bỏ mới mang lại cho mình và đối phương con đường sống.

Trong mối quan hệ giữa người và người, nếu đối phương không chấp nhận tình cảm của mình cũng không thể ép họ chấp nhận, càng không nên lấy tính mạng của mình ra để uy hiếp, đây là một việc làm mất lí trí. Vì thế, khi tình cảm đã trở nên sâu đậm nên nhanh chóng xử lí vấn đề một cách lý trí.

Người ta thường tán thưởng những câu chuyện bi kịch tình yêu vì trong thực tế cuộc sống không thể xảy ra tình cảm như vậy, tình cảm của bản thân họ và người phối ngẫu không thể ngọt ngào được như vậy, không giống như các nhân vật chính trong câu chuyện, có thể lấy tính mạng của mình để đổi lấy tình yêu. Đây là một kiểu tác dụng “di tình”, tức là luôn tưởng tượng người yêu mình cũng hoàn hảo, bản thân mình cũng sẽ nhận được tình yêu tuyệt vời như vậy. Nhưng còn với kết cục bi thảm của câu chuyện, liệu có ai muốn không? Tôi tin rằng không ai muốn.

Hỏi: Nỗi khát khao tình yêu của con người thường trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật thơ ca, tiểu thuyết, hí kịch, hội họa, nhưng chúng ta có nên tránh việc luôn ở vào tình trạng như vậy không?

Đáp: Chỉ nên coi những tác phẩm nghệ thuật này là một liều thuốc để điều hoà cuộc sống. Ví dụ, chúng ta thường cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng khô khan, chuyện tình yêu thì cứ bình thường không có sóng gió gì cả, lâu ngày sẽ cảm thấy nhạt nhẽo, không còn thú vị như trước nữa. Vì thế chỉ còn cách sáng tạo ra các tác phẩm hay thưởng thức các tác phẩm văn học, biểu diễn hí kịch để làm tăng thêm thú vị cho cuộc sống, đây cũng là một cách giải trí, hưởng thụ.

Đi xem phim ở rạp có thể thỏa thích h.a mình vào nỗi khổ của nhân vật để khóc, khóc xong rồi cũng cảm thấy các nhân vật trong phim thật đáng thương, hi vọng mình không gặp phải hoàn cảnh như họ. Đi xem biểu diễn, ngoài việc có thể loại bỏ mọi tâm trạng không vui mà còn có thể trút hết những tâm trạng, nỗi lòng mà không dễ có thể thổ lộ. Ví dụ, một chuyện riêng tư nào đó của bản thân mình hay nỗi đau nào đó từng trải qua đều có thể được thổ lộ, an ủi thông qua các vai diễn trong phim.

Có thể tu hành trong tình yêu

Hỏi: Trên con đường tu hành học Phật, nếu có một người học cùng mình, chia sẻ cùng mình cam lộ pháp hỷ sẽ càng kiên trì thêm niềm tin. Xin hỏi thầy, vợ chồng có thể trở thành đôi bạn cùng tiến không?

Đáp: Phật giáo gọi những người bạn cùng tu hành là đạo lữ, đạo hữu, đồng tu. “Đạo” yêu cầu thể xác, tinh thần và ngôn từ của bản thân mình phải hướng theo con đường tu hành để sống, cũng là khích lệ bản thân nâng cao thêm trí lực và lòng từ bi, để giảm bớt đi những phiền não của bản thân mình, tăng thêm lòng từ bi cho người khác.

Một người tu hành Phật giáo nếu như không có đạo lữ thì khó có thể tu được, vì thế chúng ta nhất thiết phải có “đồng tham đạo hữu”. Từ “tham” ở đây hàm ý cùng nhau học, cùng nhau thiền, cũng hàm ý rằng tốt nhất nên có một người bạn để “tầm sư phỏng đạo”, như vậy mới có thể cùng nhau rèn luyện, khích lệ lẫn nhau.

Nếu vợ chồng cùng học Phật pháp, lại khuyến khích gọi nhau là “sư huynh”, “sư tỉ” sẽ càng gắn bó thêm quan hệ vợ chồng. Vì nền tảng tình cảm của vợ chồng là phối ngẫu, lại là hai người bạn có cùng tín ngưỡng, cứ như vậy nền tảng gia đình sẽ càng thêm vững chắc, cũng vì có thêm một tầng quan hệ đạo lữ, nên trong cuộc sống vợ chồng sẽ giảm bớt đi nhiều những va chạm, xô xát.

Hỏi: Trong cùng một tập thể Phật giáo có thể nảy sinh tình cảm được không?

Đáp: Phật pháp có nói đến “tình”, hàm ý “hữu tình chúng sinh”, khẳng định trong chúng sinh hữu tình. “Tình” bao gồm tình thân, tình yêu, tình bằng hữu và hi vọng sẽ được nâng lên thành đạo tình, đạo tình chính là sự giúp đỡ xuất phát từ tấm lòng. Ví dụ, trong những người tu hành không thể nảy sinh tình yêu, cũng không đặc biệt nhấn mạnh xây dựng tình bằng hữu trở thành bạn tốt của nhau. Mà ở đây tôi chú trọng đến đạo tình, giữa các bên là “Bồ-tát đồng tu”, có nghĩa là những đạo lữ cùng tu con đường của Bồ-tát.

Tình cảm giữa các đạo lữ là tình cảm thuần khiết, thanh tịnh, không có chuyện tôi nương tựa vào anh, anh nương tựa vào tôi, nhưng đôi bên vẫn sẽ giúp đỡ, khích lệ lẫn nhau hoặc trên con đường tu hành cùng nhau rèn luyện, cùng nhau thảo luận làm thế nào để không cảm thấy muộn phiền, có lòng từ bi, trí tuệ, có lòng tin bồ đề và đạo tâm, để hai bên trở thành trợ duyên của nhau.

Bồ đề là đạo tâm, lấy tấm lòng từ bi để đối đãi người khác; hàm nghĩa giảm thoát kiếp khổ luân hồi, không bị những lo âu phiền muộn. Thấy người khác gặp muộn phiền dùng ngay Phật pháp để giúp đỡ họ, một mặt an ủi họ bằng những quan niệm, mặt khác gợi. cho họ nhiều phương pháp phật pháp. Như vậy, quan hệ đôi bên sẽ gắn bó thêm, nhưng không hề có tình yêu ở đây mà chỉ có đạo tình.

Đạo tình là thứ đạo bền chắc nhất, an toàn nhất và vui vẻ nhất, không hề có một chút bận tâm nào ở đạo tình.

Bước đi trên con đường hôn nhân

Hỏi: Tình yêu chân chính là lúc nào cũng ở bên nhau phải không?

Đáp: Nếu tình cảm của hai người tốt đẹp đến mức khao khát được hoà quyện vào nhau, nhưng thực chất khi tình yêu đạt đến cấp độ như thế này sẽ trở thành nỗi thống khổ, vì lúc nào cũng chìm đắm trong những cảm xúc yêu đương, không khi nào tách ra khỏi người yêu của mình, mọi suy nghĩ đều hướng về người ấy, kết quả sẽ không còn tư tưởng đến những việc cần làm.

Một cặp vợ chồng hạnh phúc thực sự cũng là kết quả của một tình yêu đẹp, phải như người xưa nói “quân tử chi giao đạm nhược thủy” (bậc quân tử giao du với nhau trong lắng như nước). “Quân tử chi giao” là chỉ quan hệ giữa hai người có vẻ hơi thờ ơ, không cần phải quá thân mật, nhưng khi cần thiết vẫn có thể giúp đỡ lẫn nhau, thông cảm cho nhau và cùng khích lệ nhau, được như vậy thì cho dù là bằng hữu cũng được, là người yêu cũng tốt, đều là tình cảm chân thành.

Nếu hai vợ chồng lúc nào cũng quấn quýt lấy nhau, vợ không nỡ rời xa chồng, chồng không nỡ rời xa vợ, từng giờ từng phút luôn muốn ở bên nhau, cuộc sống như vậy liệu có vui vẻ được không? Nhất định sẽ không vui vẻ được mãi. Chồng đi làm lúc nào cũng nghĩ đến vợ ở nhà, vợ ở nhà cũng không nguôi nghĩ đến chồng đang đi làm, cuộc sống của họ dường như không thể sinh hoạt một cách bình thường.

Hỏi: Có người luôn yêu cầu một cách quá đáng về quan hệ hoàn hảo giữa vợ và chồng, làm cho bản thân và đối phương luôn sống trong trạng thái khổ đau. Xin hỏi thầy, có tình yêu hoặc hôn nhân nào là hoàn mỹ không?

Đáp: Tình yêu viên mãn chỉ có khi chúng ta đang diễn một vai diễn nào đó, chúng ta phải chuyên tâm diễn tốt vai diễn đó. Đây được gọi là “màn kịch tuy giả nhưng người diễn thì thật, người đang diễn vai thật lại là người đang xem”, hàm mặc dù cho rằng bản thân đang ở vào hoàn cảnh rất chân thực nhưng muốn xem tất cả chỉ là nhân duyên hoà hợp, hợp tan mà thôi. Ở giai đoạn và hoàn cảnh đó con người ta chỉ là một vai diễn, khi đã diễn tốt vai diễn đó chính là vở kịch thật sự.

Phải diễn tốt vở kịch thật, nhưng lại xem đó như là giả để nhìn nhận, ngược lại, cũng là “giả hí chân tác”.

Trong mối quan hệ nam nữ, chồng vợ, “đồng sàng dị mộng” là điều hết sức bình thường, vợ chồng mỗi người đều có cá tính riêng của mình, thậm chí sở thích, bạn bè, các mối quan hệ của hai người cũng không cùng nhau, đó là điều bình thường. Bản thân mình là phối ngẫu của đối phương thì hãy diễn tốt vai trò của phối ngẫu, còn không cần quan tâm nhiều đến việc đối phương có diễn tốt vai diễn của họ hay không, vì đây chỉ là một vở kịch giả còn vai diễn mới là thật.

Quan hệ vợ chồng giống như một vở kịch, chẳng qua trong vở kịch này bản thân mình thực sự yêu đối phương. Đã yêu đối phương thì hãy hi sinh cho họ, diễn tốt vai diễn của mình, còn nếu đối phương không diễn tốt thì đó là việc của họ, không nên để điều đó làm ảnh hưởng đến mình. Nếu đối phương làm không tốt, có thể khuyên nhủ họ, còn nếu họ không nghe theo thì cũng đành vậy.

Mỗi người là một cá thể độc lập, họ đều phải đảm nhận mọi kết quả mà bản thân mình tạo ra. Đừng nên nghĩ rằng đã là vợ chồng thì lúc nào cũng phải quấn quýt bên nhau, nếu đối phương không thuận theo mình thì cảm thấy không vui vẻ. Thực ra không nên nghĩ như vậy, vì họ là họ còn mình là mình, cho dù là vợ chồng đi nữa thì hai người vẫn là hai cá thể độc lập.

Nếu có thể nhìn nhận quan hệ mật thiết với thái độ và quan niệm như vậy, tình yêu sẽ không trở thành một nỗi thống khổ, và sẽ không khó để có một cuộc hôn nhân hoàn mỹ.

Hỏi: Người phụ nữ mà người đàn ông kết thân được gọi là “hồng nhan tri kỉ”, trong xã hội ngày nay người đàn ông liệu có còn “hồng nhan tri kỉ”?

Đáp: Nếu người đàn ông yêu cầu vợ của anh ta chấp nhận “hồng nhan tri kỉ” của anh ta, thì tôi muốn hỏi anh ta một câu: liệu anh ta có chấp nhận vợ mình cũng có bạn trai?

Trong xã hội cũ của Trung Quốc có một giai cấp được gọi là “danh sĩ”, nói thẳng ra là những người tự cho mình là phong lưu. Họ thường qua lại với nhiều cô gái trong xã hội, trong số đó có nhiều cô gái có tài, các cô gái này có thể cùng các anh “danh sĩ” đàm luận về phong hoa tuyết nguyệt, cầm kỳ thi họa, vì thế họ trở thành hồng nhan tri kỉ của các danh sĩ.

Trong khi đó vợ của các danh sĩ đang bộn bề với những lo toan cơm áo gạo tiền hằng ngày, họ bận bịu chăm sóc chồng con và vun vén các mối quan hệ với anh em họ hàng, gần như không còn thời gian ngồi tiếp chuyện suông với chồng. Còn các ông chồng, ngoài thời gian làm việc họ không quan tâm đến những chuyện vụn vặt trong gia đình mà ra ngoài làm quen, kết bạn với các cô gái, họ gặp nhau chỉ để làm thơ vịnh cảnh nên đương nhiên cảm thấy vui vẻ, cảm thấy giữa họ dường như là tri âm, còn những chuyện này nếu nói với những bà vợ của họ ở nhà chỉ như “đàn gảy tai trâu”.

Bước vào thế kỉ XXI, địa vị của cả hai giới ngày càng bình đẳng, bạn bè thì chỉ là bạn bè, người thân thì là người thân, trong các quan hệ phải có giới hạn. Nếu đối phương đã có gia đình mà mình lại dành nhiều thời gian, tình cảm và sự quan tâm cho cô ấy thì hãy thử ở vào vị trí của chồng con họ sẽ cảm thấy bị tổn thương như thế nào, việc làm này là không tốt. Còn nếu đối phương vẫn còn độc thân, mà theo đuổi cô ấy, mặc dù không làm tổn thương người thân của cô ấy nhưng lại có lỗi với vợ của mình.

Hỏi: Mọi người đều phải có trách nhiệm với tình cảm, gia đình và tính mạng của mình, không nên vịn cớ để hợp lý hóa tình cảm sai trái của mình. Đã kết hôn rồi thì phải chăng không được kết bạn khác giới?

Đáp: Trong mối quan hệ nam nữ phải chăng không thể duy trì một tình bạn trong sáng? Tôi nghĩ vẫn có thể, ví dụ đồng nghiệp trong cùng cơ quan, bạn bè trong các mối quan hệ xã hội, trong làm ăn, trong các hoạt động học tập, văn hóa… Tham gia các hoạt động như thế này, nhất định sẽ tiếp xúc với nhiều người bạn khác giới, quen nhau trong những hoàn cảnh không giống nhau, chủ đề trong các cuộc nói chuyện cũng khác nhau, lúc thì bàn về văn học, có khi lại bàn về thương mại, nghệ thuật… nhưng quan hệ chỉ dừng lại ở việc học tập, trao đổi thông tin mà không hề có tình cảm.

Vì một khi đã có tình cảm, sẽ làm tổn thương đến đối phương và người phối ngẫu của mình. Nếu tự bản thân còn hay nghĩ ngợi lung tung thì còn gây ra cho mình nhiều lo lắng, phiền não. Vì thế tôi thực lòng khuyên những người đã có gia đình, có thể giao lưu kết bạn ở nhiều các lĩnh vực khác nhau, nhưng không để tình cảm vượt qua giới hạn tình bạn.

Hỏi: Phụ nữ sau khi đã kết hôn đã hi sinh rất nhiều thời gian, tinh thần cho gia đình, cắt đứt mọi liên lạc với những người bạn trước đây. Ngược lại, nam giới sau khi kết hôn vẫn giao lưu bạn bè, thậm chí còn vì thế mà lạnh nhạt với người thân. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

Đáp: Đầu tiên phải bày tỏ rõ quan điểm của mình là luôn đứng về phía bản thân và gia đình, nếu không bạn bè có khi lại trở thành kẻ phá vỡ gia đình bạn, vì thế mối quan hệ với bạn bè phải có chừng mực.

Khi đã kết hôn rồi thì nên coi gia đình là số một nhưng vẫn có thể thường xuyên quan tâm đến những người bạn có trước khi kết hôn.

Đương nhiên khi bạn bè cần sự giúp đỡ vẫn cần phải hỏi thăm, an ủi họ, mặc dù không thể thường xuyên gặp gỡ nhưng có cơ hội hãy gặp nhau vào những dịp đặc biệt, ví dụ, vào ngày sinh nhật của bạn có thể gửi tặng hoa, quà, hoặc gọi điện thoại, gửi thiệp chúc mừng, sự quan tâm nhỏ này sẽ làm họ cảm thấy ấm áp hơn và biết rằng bạn vẫn còn nhớ đến họ.

Trước khi kết hôn thường thích tụ tập bạn bè đi xem phim, chơi bài, câu cá, uống rượu giết thời gian, nhưng sau khi kết hôn đã không còn nhiều thời gian để làm những việc này. Có thể những người bạn độc thân thỉnh thoảng vẫn tìm bạn để cùng đi chơi, bạn thì ngại từ chối họ. Cứ như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ trong gia đình bạn, vì thế hãy lựa lời giải thích với họ. Nếu họ vẫn không thông cảm, thì tôi nghĩ rằng người bạn như thế cũng không cần thiết phải níu giữ.

Trước khi kết hôn bạn thường giúp đỡ bạn bè khi khó khăn, sau khi kết hôn nếu bạn của bạn vẫn cần sự trợ giúp thì hãy hết mình giúp đỡ họ, thậm chí có thể thuyết phục người phối ngẫu của mình cùng giúp đỡ họ, lúc đó bạn của bạn sẽ trở thành bạn của cả hai vợ chồng bạn. Như vậy sẽ không có vấn đề gì, còn nếu không bạn sẽ bận rộn với giúp đỡ bạn bè mà không còn thời gian với gia đình, có thể bạn sẽ không làm vừa lòng những người thân trong gia đình.

Khi bạn bè cần trợ giúp phải phân biệt rõ khi nào sự giúp đỡ của mình với họ là quan trọng, khi nào là cần thiết hay chỉ đơn thuần chỉ là họ muốn mình giúp. Xem xem người bạn đó cần sự trợ giúp của bạn hay chỉ cần bạn ở bên ủng hộ cho họ. Nếu họ chỉ cần sự ủng hộ của bạn, mà không cần thiết bạn phải giúp đỡ thì có bạn hay không cũng không sao.

Hỏi: Hôn nhân không đến nỗi quá bi đát, vậy khi cuộc sống gia đình gặp phải xung đột hay những điều không như thì xử lí như thế nào?

Đáp: Phần lớn các cuộc hôn nhân đều có bao gồm ân oán bên trong, vợ chồng không nhường nhịn lẫn nhau, làm tổn thương nhau, nhưng vì gia đình, con cái và cái tôi của mỗi người mà vẫn cố duy trì cuộc hôn nhân đó. Cho đến lúc tuổi đã già, cảm thấy không còn gì để đáng để tranh cãi, các cuộc cãi vì cũng bớt dần đi. Khi còn trẻ mà chưa từng cãi vì, oán hận hay nói những điều không hay sau lưng người kia là những điều không dễ.

Vì thế, tình cảm giữa vợ chồng với nhau không hoàn toàn đều tốt đẹp nhưng sống cùng nhau cũng có nhiều những ràng buộc. Ví dụ, nhiều khi cả hai đều muốn chiếm lĩnh tình cảm của đối phương, mong muốn chiếm hữu bao hàm trong đó sự ghen tuông. Nguyên nhân dẫn đến ghen tuông không nhất định là do sự xuất hiện của người thứ ba mà nhiều khi do đối phương muốn làm bản thân trở nên tốt hơn hoặc thể hiện trội lên ở một phương diện nào đó, tất cả điều này đều gợi lên một cảm giác ghen tuông ở người kia.

Ngoài sự ghen tuông còn có khi có cả sự tự ti. Chung sống với một nửa của mình mà luôn cảm thấy bản thân mình không bằng người ta, hoặc người kia có vô. để lộ sự kiêu ngạo cũng sẽ làm tổn thương đến lòng tự tôn của mình. Trong hôn nhân có rất nhiều điều làm người ta tổn thương, nhưng vì một nguyên nhân nào đó thì hãy cố nhẫn nhịn. Bởi vì điều đó chứng minh họ vẫn còn tình cảm với nhau.

Bất kể là loại máy móc động cơ nào cũng cần đến dầu bôi trơn, mà tình cảm giữa người với người chính là chất dầu bôi trơn đó. Thứ tình cảm này tương đối bền lâu, là một sức mạnh để duy trì cuộc sống, đây cũng là một loại thuốc điều tiết rất hữu hảo.

Cuộc sống không có tình cảm chắc hẳn sẽ rất khô khan. Với những người quá lý tính lúc nào họ cũng nói toàn lí lẽ, sống chung với những người như thế này sẽ cảm thấy rất không thoải mái. Nói một cách khác, nếu cảm thấy mình có thể nhường nhịn một chút, chịu thiệt thì một chút vì mình yêu người ấy, nên nguyện hi sinh vì người ấy, có thể vì người ấy mà nguyện gánh vách nhiều thêm một chút cũng cam lòng, đó chính là sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Vợ chồng với nhau, tình thân với nhau là như vậy, thậm chí bạn bè với nhau cũng nên như vậy, nếu làm được như vậy chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy phiền muộn về các mối quan hệ của chúng ta với người khác.

Hỏi: Hiện nay tỉ lệ ly hôn rất cao, có nhiều nguyên nhân là do ngoại tình, khi tình cảm thay đổi sẽ cảm thấy bị kích động, xin hỏi thầy có lời khuyên gì về vấn đề này?

Đáp: Vợ chồng hoặc tình nhân mặc dù ở với nhau nhưng họ vẫn là hai cá thể độc lập, mỗi người đều có các mối quan hệ riêng của mình, nhưng bất kể là ở phương diện nào vẫn nên cố gắng sống đúng với trách nhiệm của mình. Là vợ thì hãy làm hết trách nhiệm của một người vợ, làm chồng thì cũng làm hết trách nhiệm của một người chồng, gắn bó cùng nhau để xây dựng gia đình.

Bất kể là vợ hay chồng, nếu gặp phải hoàn cảnh người kia của mình thay lòng đổi dạ, chỉ cần bản thân mình không thay đổi, tình cảm không bị lung lay thì gia đình vẫn là tổ ấm, vẫn có thể duy trì gia đình. Nếu luôn luôn nghi ngờ, không tin tưởng đối phương thì gia đình sẽ có thể vì thế mà đổ vỡ. Chỉ cần nỗ lực hết trách nhiệm của mình, thì nguy cơ gia đình đổ vỡ sẽ giảm đi.

Nếu đối phương ngoại tình và cố ý nghĩ cách để không tiếp tục chung sống cùng, muốn bạn phải đau khổ mà lúc đó bạn lại đề nghị ly hôn thì đúng là họ đã đạt được mục đích của mình. Nếu bạn cảm thấy vẫn còn muốn duy trì cuộc hôn nhân này thì hãy kiên trì, không nên nói ly hôn một cách dễ dàng, nếu không người chịu thiệt thì chính là bạn.

Hỏi: “Say nắng” là hành vi phản bội khó tránh khỏi trong hôn nhân, thông thường thái độ của người ngoại tình như thế nào?

Đáp: Chuyện ngoại tình từ cổ tới kim đều có chứ không riêng gì xã hội ngày nay. Một người đàn ông có chút tiền, ngoại hình cũng tạm được liền hi vọng có thể cưới thêm vợ bé. Luật pháp và xã hội trước đây có thể cho phép người đàn ông lấy thêm vợ bé, nhưng ngày nay, người vợ cả của người đàn ông đó có thể tố cáo ông ta và cô vợ bé, vì thế ngoại tình buộc phải tiến hành một cách vụng trộm.

Vì không chung thủy trong tình cảm, họ cảm thấy thật nhàm chán khi chỉ có một cô vợ, tình cảm vợ chồng trở nên cũ kỹ, vì thế muốn đi tìm cảm hứng mới. Nhưng họ không muốn tìm đến gái làng chơi mà muốn tìm một người con gái của riêng mình. Qua một thời gian họ cảm thấy chán lại có thể tìm đến một người con gái khác, hành vi này hoàn toàn không có tình yêu, chỉ dùng tiền để mua bán, không có mục đích nào khác ngoài thỏa mòn những ham muốn về thể xác.

Hai người trao đổi điều kiện với nhau, bên phía nữ yêu cầu sự đáp ứng về tiền bạc, vật chất, còn phía nam giới thì yêu cầu cơ thể của cô ta, cả hai đều là những ham muốn dung tục.

Đắm chìm trong những ham muốn là điều đau khổ nhất, lúc nào cũng có cảm giác bất an vì sợ người khác phát hiện, sợ vợ, bạn bè hay báo chí phát hiện mối quan hệ bất chính của mình, thật sự sống như thế này không lấy gì là vui vẻ.

Hỏi: Mối quan hệ thân thiết có khi cũng phát sinh bạo lực, khi tình cảm của một trong hai người thay đổi thì tình cảm ngọt ngào trước đây cũng biến thành ác duyên, làm cho người ta muốn giải thoát, làm như thế có đúng không?

Đáp: Nói đến chuyện bạo lực tình cảm trước hết phải tìm hiểu trạng thái tâm lý, mối quan hệ nhân tế và tình trạng sức khỏe của cả hai người, xem nguyên nhân vì đâu lại tạo ra bạo lực? Có khi là người đàn ông có hành vi bạo lực, cũng có khi là người phụ nữ. Bạo lực không thể tự nhiên sinh ra mà nhất định phải có nguyên nhân của nó, tìm được nguyên nhân để xử lí là điều tốt nhất, còn nếu cứ luôn nghĩ rằng bạo lực thật đáng ghét mà không tìm cách xử lí nó cũng không ổn.

Ví dụ, có một vị gần 70 tuổi nhưng thường xuyên đánh vợ tới mức thâm tím mình mẩy, thậm chí còn đánh gẫy cả chân vợ. Sau rồi bà vợ được cô con gái cứu đưa tới bệnh viện, sau khi vết thương đỡ rồi không dám về nhà mà sống vạ vật khắp nơi một thời gian.

Người ta nói với tôi rằng người đàn ông đó rất hung bạo, là một con quỷ, nếu sống chung với ông ta có thể sẽ bị ông ta giết. Tôi mới hỏi nguyên nhân vì sao ông ta như vậy? Tuổi ông ta đã lớn như vậy vì sao vẫn còn đánh vợ? Rồi tôi bảo người ta dẫn tôi đến gặp ông già đó, nhưng họ lo lắng bảo rằng: “Sư phụ, ông ta có thể sẽ đánh cả thầy đấy!”. Tôi nói: “Ông ta có thể đánh vợ ông ta nhưng không thể đánh một vị hoà thượng, cứ tìm ông ấy đến cho ta xem”.

Sau đó họ dẫn tôi đến gặp ông ấy, ông ta vừa nhìn thấy tôi liền quỳ xuống nói: “Cả nhà đều ức hiếp con, họ không chăm sóc và lạnh nhạt với con, con thực sự cảm thấy rất sợ hãi, vì sợ hãi nên con mới đánh họ”. Ông ta nói vì gia đình xa lánh ông ta, làm ông ta cảm thấy lạc lòng, vì thế sinh ra sợ hãi, không có cảm giác an toàn. Nhưng vì sao cả gia đình đều xa lánh ông ta? Vì ông ta không biết kiềm chế cảm xúc nên bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng

Sau rồi tôi nói với mọi người rằng người đàn ông này bị bệnh, phải nhanh chóng đưa ông ta đến bệnh viện, cơ thể ông ta thiếu một cái gì đó, có thể ngày một ngày hai chưa thể chữa khỏi, gia đình cần phải chăm sóc ông ta cẩn thận, không được sợ hãi ông ta. Chỉ cần chăm sóc, an ủi, quan tâm đến ông ta, làm ông ta cảm thấy có cảm giác an toàn, ông ta sẽ không đánh người nữa. Sau đó, bác sĩ trị liệu cho ông ta, vừa uống thuốc an thần, bên cạnh đó thái độ của người thân với ông ta cũng thay đổi, làm ông ta không đánh người nữa. Mặc dù thi thoảng ông ta vẫn cảm thấy thiếu vắng cảm giác an toàn nhưng do được người thân an ủi, khích lệ, nên tình hình trở nên tốt hơn nhiều.

Qua mẩu chuyện ở trên ta thấy vì sinh lý có vấn đề nên mới làm ảnh hưởng đến tâm lý, gây ra hành vi bạo lực; có những người vì công việc hoặc các mối quan hệ phát sinh vấn đề hoặc không có cách nào đối phó, tâm lý mất cân bằng, liền trút những bực tức đó lên những người trong gia đình, vì thế chỉ cần làm họ bị kích động thì ngay lập tức có thể phát sinh bạo lực. Lúc này nếu không làm kích động họ mà an ủi, quan tâm đến họ thì bạo lực sẽ được giảm bớt.