365 Lời Khuyên Tâm Huyết
của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay 
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ

 

PHẦN III
SUY TƯ VỀ CUỘC SỐNG TẬP THỂ TRONG XÃ HỘI

Suy tư về chính trị

133

            Các chính trị gia thường hứa hẹn đủ mọi điều để kiếm phiếu và lôi cuốn cử tri: “Tôi sẽ thực hiện điều này, hoàn tất điều nọ, rồi đây quý vị sẽ thấy những gì tôi làm”. Thế nhưng theo tôi nếu họ muốn được cử tri mến mộ và kính phục thì cũng nên lương thiện và nói lên niềm tin của mình một cách thành thực hơn.

 

134

            Nếu lợi dụng thời cơ để ăn nói tráo trở thì rồi mọi người cũng sẽ nhận thấy điều đó và không quên những gì mình nói: “Hôm thì ăn nói thế này, hôm thì thế khác. Vậy đâu là sự thật?”. Ngay thật là một phẩm tính quan trọng, nhất là thời buổi này, khi mà giới truyền thông luôn rình rập những người tiếng tăm xem họ nói gì và làm gì. Tình trạng đó càng khiến mình phải thận trọng nhiều hơn so với trước đây, phải nói lên niềm tin của mình thành thật hơn, dù đang phải đứng trước hoàn cảnh nào cũng vậy.

 

135

            Nếu lúc nào cũng ăn nói ngay thật thì những người ngưỡng mộ tư tưởng của mình sẽ kính nể mình hơn và theo về với mình. Trái lại nếu chỉ biết tùy cơ ứng biến, trước giới truyền tin thì hứa hẹn đủ điều, đến khi đắc cử thì không màng đến những lời hứa hẹn trước đây của mình, thì quả là một con tính sai lầm. Không những thái độ đó thiếu đạo đức mà trên thực tế còn là cả một sự dại dột. Trong kỳ bầu cử sắp tới thì kết quả thế nào cũng sẽ ngược lại với sự mong muốn của mình. Cố gắng tìm đủ mọi mánh khóe để chỉ thắng cử một lần thì thật quả không đáng chút nào.

 

136

            Một khi đã tham gia chính quyền thì không những phải hết sức thận trọng, không những đối với những gì mình làm mà cả những gì mà mình suy nghĩ. Làm tổng thống, bộ trưởng hoặc giữ bất cứ một chức vụ quan trọng nào thì tất nhiên sẽ được tiền hô hậu ủng, được mọi người tôn kính, săn đón bằng đủ mọi cách, ảnh hưởng của mình nhờ đó cũng sẽ rộng lớn hơn. Vì thế nếu không muốn đánh mất ý nghĩa sứ mạng mà mình gánh vác thì phải luôn ý thức về cách suy nghĩ của mình và cả các xu hướng thúc đẩy mình. Nếu bên ngoài càng có nhiều vệ sĩ bảo vệ mình thì mình lại càng phải canh chừng tâm thức mình nghiêm nhặt hơn.

 

137

            Một số người trước khi trúng cử vẫn còn giữ được các hoài bảo tinh khiết. Thế nhưng khi đã nắm giữ quyền bính thì lại trở nên tự mãn và hoàn toàn quên mất các mục tiêu mà mình đã đặt ra. Họ tự cho mình là nguời tốt, đảm trách một chức vụ quan trọng, luôn tranh đấu cho cử tri của mình. Nhằm bù đắp cho trọng trách mà mình đang gánh vác, họ tự cho rằng mình có quyền làm gì thì làm, không một ai được phép gièm pha. Kể cả trường hợp vi phạm các hành động đáng tiếc thì họ vẫn cứ cho rằng các chuyện đó quá nhỏ mọn đối với sự tận tụy của mình. Thế nhưng đấy lại là cách tự hủ hóa chính mình. Khi đã nắm giữ quyền bính trong tay hay đảm trách một chức vụ nào thì phải cảnh giác gấp đôi.

 

138

            Ngày nay không mấy ai tin những chính trị gia nữa. Quả đáng buồn. Họ cho rằng chính trị là “nhơ bẩn”. Thật ra chẳng có gì tự nó nhơ bẩn cả. Chính con người làm cho nó nhơ bẩn. Cũng vậy, người ta không thể cho rằng tôn giáo từ bản chất là xấu xa, chỉ có một số người tu hành hủ hóa lạm dụng đức tin của kẻ khác, khiến tôn giáo bị xuyên tạc mà thôi. Chính trị cũng vậy, chỉ trở nên nhơ bẩn khi nào có những người làm chính trị không hề biết đạo đức là gì. Trước tình trạng đó tất cả mọi người đều bị thiệt thòi, bởi vì xã hội phải cần đến họ. Trong các nước dân chủ chế độ đa đảng là một yếu tố quan trọng, một số đảng được giao phó quyền hành, một số khác giữ vai trò đối lập, đấy là cách giúp người làm chính trị và cả các đảng phái của họ xứng đáng được mọi người kính phục.

 

139

            Nếu muốn bào chữa cho sự hủ hóa của những người làm chính trị thì cũng chỉ cần nêu lên một điều duy nhất sau đây là cũng đủ: họ cũng chỉ là sản phẩm của xã hội mà thôi. Nếu trong một xã hội mà mọi người chỉ biết nghĩ đến đồng tiền và quyền lực, không hề biết đến đạo đức là gì, thì cũng không nên ngạc nhiên khi trông thấy nhan nhản những người làm chính trị tham nhũng trong xã hội đó, đấy chính là lý do tại sao không nên bắt họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng đó (một xã hội hủ hóa và suy đồi tạo ra những người lãnh đạo tham nhũng và bất lương, những người lãnh đạo bất lương và tham nhũng không thể kiến tạo một xã hội đạo đức và lành mạnh, đó là một cặp bài trùng).

 

Suy tư về công lý

 

140

            Sống trong một xã hội, tất nhiên phải tuân thủ một số quy luật của xã hội đó. Những ai phạm vào lỗi lầm hay hành động sai trái thì sẽ bị trừng phạt, ngược lại nếu biết hành xử đúng đắn thì sẽ được mọi người yêu quý. Luật pháp và những người thay mặt luật pháp là các yếu tố đảm bảo cho sự vận hành suông sẻ đó của xã hội. Thế nhưng, nếu những người giữ trọng trách áp dụng luật pháp hầu bảo vệ công lý và tài sản của người dân lại là những người không liêm khiết, thì sự vận hành đó của xã hội cũng sẽ đầy rẫy bất công mà thôi. Tình trạng đó chẳng phải là thường xảy ra trong một số quốc gia hay sao, khi mà những người giàu có và quyền thế không hề bị truy tố, và dù có đưa họ ra tòa đi nữa thì họ cũng vẫn thắng kiện một cách dễ dàng, trong khi những người nghèo khổ phạm pháp thì phải gánh chịu những bản án nặng nề? Quả thật đáng buồn.

 

141

            Mới hôm qua, có một người nói với tôi rằng tại Hoa Kỳ các vị quan tòa chia ra làm hai phe: một phe cho phép phá thai, một phe triệt để cấm đoán, không một chút nhân nhượng nào. Thế nhưng trên thực tế thì phức tạp hơn, có nhiều trường hợp phá thai vì các lý do nghiêm trọng, chẳng hạn như người mẹ có thể chết vì sinh đẻ, trong trường hợp này thì phải chọn lựa giữa sự sống của người mẹ và thai nhi, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp phá thai không chính đáng, chẳng hạn trường hợp nếu sinh con thì gia đình sẽ không đi nghỉ hè được, hoặc không đủ tiền mua sắm tủ bàn mới. Sự khác biệt giữa hai trường hợp phá thai trên đây thật rõ rệt. Thế nhưng theo quan điểm của các vị quan tòa trên đất Mỹ thì dường như không có một sự khác biệt nào giữa các trường hợp phá thai. Vì thế vấn đề này cần phải được xét đoán cẩn thận hơn hầu xác định xem trường hợp nào được phép hay không được phép phá thai.

Quan điểm cứng nhắc của các quan tòa nói riêng và luật pháp Hoa-kỳ nói chung cho thấy ảnh hưởng nặng nề của các tín ngưỡng độc thần mang nặng giáo điều và phán lệnh. Một mặt thì cấm phá thai, một mặt thì tuyên án tử hình và sáng chế ra nhiều cách giết người rất cầu kỳ, chế tạo bom có thể giết hàng ngàn người tại các nước khác, trong số nạn nhân có cả những phụ nữ mang thai. Sự nghịch lý đó không những chỉ thấy trong lãnh vực luật pháp và lương tâm mà còn bàng bạc trong các sinh hoạt xã hội, chẳng hạn như xem sự giàu có là một ơn sủng, nghèo đói là một sự trừng phạt, do đó một mặt thì làm lễ tạ ơn, một mặt thì xây tường ngăn chận những kẻ đói nghèo. Trong tâm thức của mỗi cá thể cũng vậy, sự nghịch lý đó cũng hết sức lộ liễu: một mặt thì vạch ra những viễn tượng tuyệt đẹp đầy phúc hạnh nơi một cõi vĩnh hằng trên không trung, một mặt thì lại sợ chết vô cùng, ít nhất thì cũng không thích vào cõi đó ngay. Sống với một sự nghịch lý từ bên trong tâm thức cho đến bên ngoài xã hội thì chỉ là cách mang lại hoang mang và khổ đau cho mình, đồng thời tạo ra thêm các sự xáo trộn cho xã hội mà thôi – gccncntV.  

 

142

            Gần đây, tại Argentina có một vị quan tòa hỏi tôi nghĩ gì về án tử hình như là một phương tiện củng cố nền tư pháp. Đối với tôi án tử hình không thể chấp nhận được vì nhiều lý do. Tôi chỉ biết chân thành cầu mong án lệnh này sẽ được bãi bỏ trên toàn thế giới. Tuyên án tử hình là một hành động vô cùng nghiêm trọng, đó là cách tước đoạt quyền được hối lỗi của người bị kết án. Dù phạm pháp thế nhưng họ vẫn là một chúng sinh như bất cứ một chúng sinh nào khác, có nghĩa là họ cũng có thể trở nên tốt hơn, tất cả tùy thuộc vào các cảnh xảy ra với họ. Đối với các bạn và cả chính tôi cũng vậy, một số cảnh huống xảy ra biết đâu cũng có thể biến chúng ta trở thành tồi tệ hơn cả như thế nữa. Vậy hãy tạo ra một dịp may cho người bị kết án. Không nên xem người ấy vĩnh viễn là một con người độc ác cần phải thanh toán với bất cứ giá nào.

 

143

            Khi cơ thể mang bệnh thì chúng ta chạy chữa cho nó, nào có hủy diệt nó đâu. Vậy thì tại sao chúng ta không chạy chữa cho các thành phần ốm đau trong xã hội mà lại chỉ tìm cách loại bỏ các thành phần đó?

 

144

            Tôi từng nêu lên với một quan tòa thắc mắc sau đây: “Nếu có hai người vi phạm cùng một tội ác như nhau, cả hai đều bị kết án tù chung thân. Một người thì độc thân, một người thì có một đàn con thơ dại phải gánh vác một mình vì mẹ chúng đã chết, vậy nếu người này bị giam thì lấy ai để lo cho đàn con nhỏ. Vậy ngài nghĩ thế nào?” Vị quan tòa trả lời rằng theo luật pháp thì cả hai phải lãnh cùng một bản án như nhau. Xã hội phải nhận lãnh trách nhiệm chăm lo cho các đứa trẻ .

Tôi không khỏi nghĩ rằng trên phương diện lầm lỗi thì tất nhiên cả hai phải lãnh án như nhau, thế nhưng đối với hoàn cảnh của mỗi người thì bản án đó cho thấy một sự khác biệt hết sức rõ rệt. Trừng phạt người cha nhưng đồng thời cũng trừng phạt cả đàn con một cách thật độc ác, trong khi chúng chẳng có làm điều gì nên tội. Vị quan tòa trả lời rằng luật pháp không dự trù một giải pháp nào cho các trường hợp như thế.

 

Suy tư về tương lai thế giới

 

145

            Một số những người trí thức và người tu hành cùng hầu hết các khoa học gia đều đã ý thức được một số vấn đề vô cùng gay go ngày nay trên thế giới: nào là môi trường, chiến tranh, nghèo đói, tình trạng khổ đau của nhiều dân tộc, hố sâu giàu nghèo phân cách giữa các quốc gia. Thế nhưng vấn đề là các vị trên đây cũng chỉ biết nêu lên các nhận định của mình nhưng hành động thì lại chỉ phó mặc cho một vài tổ chức hiếm hoi. Thật ra trách nhiệm là của tất cả chúng ta. Theo tôi nghĩ chế độ dân chủ ít ra cũng phải là như thế (trách nhiệm và bổn phận là của tất cả mọi người). Tùy theo khả năng từng người, tất cả chúng ta đều phải hợp tác và thảo luận với nhau để cùng phân tích và tìm hiểu các khó khăn, thúc dục những người có trọng trách phải hành động, sớm hơn và tích cực hơn, đồng thời cương quyết tố cáo các chính sách cai trị tồi tệ, lên tiếng trước Liên Hiệp Quốc và các chính phủ của các quốc gia liên hệ. Đấy là cách mà chúng ta có thể tạo ra các tác động hữu hiệu.

 

146

            Có một số người xem tôi như là một vị tiên tri (tạm dịch từ chữ “prophet”, có nghĩa là người thông báo tương lai, đứng ra thay mặt Thượng Đế để sáng lập tôn giáo). Thế nhưng những lời mà tôi nói lên cũng chỉ đơn giản nhân danh vô số những con người đang sống trong cảnh lầm than vì nghèo đói, chiến tranh, buôn bán khí giới, những con người thấp cổ bé miệng không thốt lên được một lời nào. Tôi chỉ là một kẻ phát ngôn mà thôi. Tôi không hề có một mảy may tham vọng nào về quyền lực, cũng không hề có ý định đối đầu với phần còn lại của thế giới này (tức là các thành phần khai thác và lợi dụng những kẻ lầm than và nghèo đói).

Trọng trách phi thường đó không nằm trong tay một người Tây Tạng đơn độc (tức là Đức Đạt-lai Lạt-ma) đến đây từ một xứ sở xa xôi (đất nước Tây Tạng) để mà xông vào cuộc chiến. Điều đó chẳng phải là ngu xuẩn lắm hay sao? Với tuổi tác trên vai quả đã đến lúc tôi phải nghiêng mình (trong nguyên bản là chữ “tirer sa révérence” là một thành ngữ tiếng Pháp có nghĩa là “kính cẩn cúi đầu trước một người hay một quyền lực to lớn hơn mình”. Xin nhắc lại là Đức Đạt-lai Lạ-ma nói lên câu trên đây với nhà sư Matthieu Ricard năm 2001, lúc đó Ngài 66 tuổi, nay thì Ngài đã 84)

Thế nhưng tôi vẫn một lòng kiên quyết giữ vững sự dấn thân của tôi cho đến khi nào tôi chết, dù là phải tham dự các cuộc hội thảo trên một chiếc xe lăn!

 

Suy tư về giáo dục

 

147

            Tôi tin rằng sự tiến bộ hay suy đồi của nhân loại một phần lớn tùy thuộc vào các người nắm giữ trọng trách giáo dục và các cô giáo và thầy giáo nơi học đường, vì thế sứ mạng của họ thật hết sức năng nề.

 

148

            Nếu bạn là một nhà giáo thì hãy cố gắng không nên chỉ biết truyền lại sự hiểu biết cho học sinh mà còn phải đánh thức sự suy nghĩ của chúng trước các phẩm tính căn bản của con người, chẳng hạn như sự tốt bụng, lòng từ bi, khả năng tha thứ và tinh thần hợp tác. Không nên xem các thứ ấy như là một truyền thống luân lý từ lâu đời hay là tôn giáo. Hãy giải thích cho chúng hiểu rằng các phẩm tính con người đó (sự tốt bụng, lòng từ bi, khả năng tha thứ, tinh thần hợp tác) cũng chỉ đơn giản là những gì thật cần thiết hầu mang lại hạnh phúc và đảm bảo sự tồn vong của thế giới này.

 

149

            Hãy tập các em học sinh đối thoại với nhau để giải quyết các sự xung đột bằng phi-bạo-lực, hãy dạy chúng hiểu rằng mỗi khi có sự bất đồng chính kiến thì tức khắc phải tìm hiểu xem người khác nghĩ gì. Hãy tập cho chúng không nên xét đoán mọi sự qua một góc nhìn hạn hẹp. Không nên chỉ biết nghĩ đến mình, xã hội của mình, xứ sở của mình, sắc tộc của mình, mà phải ý thức rằng tất cả mọi người đều có quyền hạn và nhu cầu như nhau. Hãy tập cho chúng ý thức trách nhiệm mình đối với thế giới, giải thích cho chúng hiểu rằng không có bất cứ gì mà mình làm lại không gây ra tác động ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới này.

 

150

            Không nên chỉ biết giải thích bằng lời mà phải làm gương cho học sinh trông vào. Các tấm gương cụ thể đó sẽ lưu lại trong tâm thức chúng sâu đậm hơn so với những gì mà các bạn nói ra bằng lời. Các bạn hãy tỏ cho chúng thấy là mình chịu trách nhiệm về tương lai của chúng dưới mọi khía cạnh (sự hiểu biết chỉ là một trong các khía cạnh đó, làm thầy cô phải biết thương yêu học sinh như con cái mình, phải nghĩ đến trách nhiệm của mình trước tương lai của chúng và của cả xã hội sau này).

 

Suy tư về khoa học và kỹ thuật

 

151

            Các phát minh trong một số lãnh vực khoa học và kỹ thuật nói chung đôi khi không mang lại các tác động rộng lớn, trái lại các khám phá của một số chuyên ngành, chẳng như Di truyền học và Vật lý hạt nhân, có thể đưa đến các ứng dụng thật hữu ích nhưng cũng có thể là vô cùng tai hại. Chỉ mong rằng các khoa học gia trong các lãnh vực này ý thức được trách nhiệm mình và không nhắm mắt trước các thảm họa có thể xảy ra liên quan đến những kết quả mang lại từ các công cuộc khảo cứu của mình.

 

152

            Các khảo cứu gia thường có một tầm nhìn thiển cận. Họ không hề quan tâm đúng mức là phải đặt các việc nghiên cứu của mình vào một bối cảnh rộng lớn hơn. Tôi không muốn nói là họ thiếu thiện chí mà chỉ muốn nêu lên là họ chỉ tích cực dồn toàn bộ công sức của mình vào các việc khảo cứu giới hạn trong một lãnh vực nào đó, khiến họ không còn tâm trí nào để nghĩ đến các hậu quả có thể mang lại trong lâu dài bởi các phát minh của mình. Tôi rất khâm phục Einstein khi ông cảnh giác về các mối nguy hiểm có thể xảy ra từ các kết quả khảo cứu về năng lượng hạt nhân.

 

153

            Các khoa học gia phải luôn ý thức là không được phép gây ra một tác hại nào qua các việc khảo cứu của mình. Sở dĩ nêu lên điều này là vì tôi nghĩ đến các khảo cứu trong ngành Di Truyền Học có thể đưa đến những sự lệch lạc thật nguy hiểm. Chẳng hạn một ngày nào đó người ta cũng có thể sẽ tạo ra các chúng sinh bằng phương pháp vô tính (cloning) và xem đấy là một phương tiện sản xuất phụ tùng thay thế cho những người cần đến. Điều này đối với tôi thật vô cùng kinh khiếp. Ngoài ra tôi cũng tố cáo việc sử dụng bào thai người để nghiên cứu. Là người Phật giáo tôi không chấp nhận việc mổ sống sinh vật hay đối xử tàn ác vơi bất cứ một chúng sinh nào, dù là để nghiên cứu cũng vậy. Tại sao tất cả mọi loài chúng sinh lại không được phép tránh né sự đau đớn mà chỉ có con người là có quyền lớn tiếng bênh vực quyền hạn đó cho riêng mình?

Tại Nhật Bản, tuy chỉ là một hình thức đạo đức giả, thế nhưng hàng năm các khoa học gia, nhất là thuộc các ngành y khoa và bào chế dược phảm, đều phải làm lễ tạ lỗi với các sinh vật mà họ mang ra thí nghiệm và mổ sống. Vấn đề này quả là nan giải. Thật vậy mỗi lần cầm một viên thuốc để uống thì chúng ta cũng nên nghĩ đến những sự tàn ác đối với các sinh vật trước đó đã phải gánh chịu mọi sự đau đớn và chết chóc để chứng minh cho sự an toàn và hiệu nghiệm của viên thuốc mà mình đang cầm trên tay. Khi ý nghĩ đó làm bùng lên lòng thương xót của mình trước sự hy sinh của các con vật đó đối với sự an lành của mình, thì viên thuốc đó sẽ còn trở nên hiệu nghiệm hơn nữa, và biết đâu cũng có thể hóa thành cả một bát thuốc mầu nhiệm mà một vị Phật đang đặt vào tay mình. Trái lại nếu nghĩ rằng viên thuốc đó nhất đinh sẽ giết hết đám vi trùng độc ác hay huỷ diệt được mầm mống ung thư trong người mình thì các ý nghĩ ấy cũng chỉ là những gì phản ảnh sự thúc dục của bản năng sinh tồn và sợ chết mà thôi.

Dầu sao sự tàn ác đó đối với thú vật cũng mang một khía cạnh ích lợi nào đó, trái lại rất nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật khác dường như không trực tiếp gây ra tác hại cho một số các con vật nào đó, thế nhưng lại tàn phá toàn bộ sự sống trên hành tinh này. Các thực phẩm kỹ nghệ chứa đầy các thứ hóa chất đủ loại, Các sinh vật chăn nuôi từ tôm tép, cá mú, heo bò ăn toàn các thực phẩm pha trộn trụ sinh và các kích thích tố. Canh nông cũng vậy chỉ có môt số cây cỏ gọi là “có ích” thì được phép mọc, còn một số khác thì bị diệt bằng hóa chất.

Mở rộng hơn nữa thì khí giới ngày càng được sản xuất cầu kỳ, tinh xảo và nhiều hơn.. Các nước giàu có và tiến bộ thì thủ lợi bằng cách gây ra xung đột khắp nơi để buôn bán số khí giới đó. Các nước nghèo và chậm tiến thì dù các khí giới ấy đắt đến đâu thì cũng phải mua bằng tài nguyên của xứ sở và sức lao động của người dân nghèo để bảo vệ sự “sống còn” của những người giàu có và các nhà lãnh đạo quốc gia. Mở rộng hơn nữa là các chủ nghĩa, thể chế xã hội, các ngõ ngách lắc léo được gọi bằng một cái tên thật đẹp là các Con đường Tơ lụa đều đưọc nghĩ ra từ trí thông minh của con người để đày đọa con người – gccncntV. 

 

Suy tư về thương mại và kinh doanh

 

154

            Đối với các doanh nhân dù là nam hay nữ cũng vậy, tôi thường nói với họ rằng tinh thần cạnh tranh tự nó không phải là một điều xấu khi nghĩ rằng: “Tôi muốn cố gắng tối đa hầu đạt được sự phát triển tột đỉnh, tương tự như các người khác”. Thế nhưng nếu muốn trở thành một người đứng đầu bằng các thủ đoạn đê hèn phá hoại sự thành công của kẻ khác, chẳng hạn như lường gạt, vu khống, đôi khi có thể đi đến chỗ thanh toán họ, thì điều đó quả không thể chấp nhận được.

 

155

            Nên hiểu rằng những người cạnh tranh với mình cũng là những con người như mình, họ cũng có các quyền hạn và các quyền lợi như mình. Hãy nghĩ đến những điều tai hại tạo ra bởi sự ganh tị đã được nói đến trên đây (câu 154), để hiểu rằng những người cạnh tranh với mình cũng là thành phần của xã hội. Nếu họ thành công thì cũng là điều tốt mà thôi (trong một xã hội có nhiều người thành công và trở nên giàu có thì các người khác cũng được huởng lây, trong số họ có cả chính mình).

 

156

Hình thức đấu tranh duy nhất có thể chấp nhận được là sự tự tin nơi tài năng của mình cùng sự hăng say trong các công việc mình làm. dựa vào cách suy nghĩ như sau: “Tôi cảm thấy có thể làm được việc đó tương tự như mọi người khác, và nhất định tôi sẽ thành công dù chẳng ai giúp đỡ cũng không sao cả”.

 

Suy tư về nghệ thuật viết lách và nghề làm báo 

 

157

            Các nhà văn, nhà báo thường tạo được nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Kiếp người tuy ngắn nhưng những gì mình viết ra có thể tác động qua nhiều thế kỷ. Trong lãnh vực Phật giáo thì tình thương yêu, lòng từ bi và thái độ vị tha hiện lên từ tinh thần Giác Ngộ nêu lên Giáo huấn của Đức Phật, Shantideva/Tịch Thiên 1 và các vị Thầy lừng danh khác sở dĩ vẫn còn tiếp tục được lưu truyền đến nay, tất cả đều là nhờ vào chữ viết (giáo huấn của Đức Phật được ghi chép trên các tờ lá bối từ thế kỷ thứ I). Tiếc thay trong khi đó một số các văn bản khác trái lại là nguyên nhân đưa đến những khổ đau mênh mông cho con người, chẳng hạn như các bản văn quảng bá các ý thức hệ cực đoan như chủ nghĩa Phát-xít hay Cộng-sản. Những người viết lách (văn sĩ, triết gia…) có khả năng gián tiếp đưa đến hạnh phúc hay mang lại bất hạnh cho hàng triệu con người là như vậy.

 

158

            Mỗi khi tiếp xúc với các nhà báo thì tôi thường nói với họ rằng vào thời đại của chúng ta, nhất là tại các nước dân chủ, tiềm năng gây ra các tác động ảnh hưởng đến dư luận và cả trách nhiệm của họ đối với xã hội thật to lớn. Theo tôi một trong các công việc hữu ích nhất mà các nhà báo có thể làm là chống lại tệ trạng nói dối và tham nhũng. Họ nên phân tích thật lương thiện và không thiên vị thái độ của các nhà lãnh đạo quốc gia, các bộ trưởng cũng như các nhân vật nắm giữ quyền hành. Khi vụ bê bối tình dục của tổng thống Clinton bùng nổ, tôi rất khâm phục khi thấy vị lãnh đạo của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới bị đưa ra tòa không khác gì một công dân thường.

 

159

            Thật hết sức tuyệt vời nếu người làm báo có một cái mũi thật dài để đánh hơi sự sinh hoạt của các nhân vật trong chính quyền, giúp mình xét đoán xem họ có xứng đáng hay không trước sự tín nhiệm của cử tri đã bầu cho họ. Thế nhưng khi làm các việc đó thì cũng phải thật lương thiện, không dấu diếm và cũng không thiên vị. Chủ đích của các cố gắng đó của các bạn không phải là để mang lại thắng lợi cho phe phái mình, bằng cách làm hạ phẩm giá các địch thủ chính trị hay đảng phái đối lập nào cả (thường thì người làm báo thừa biết tình trạng bất tài và tham nhũng của một số người lãnh đạo, thế nhưng trong các xã hội độc tài đệ tứ quyền không hề có, người làm báo thì lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi).

 

160

            Người làm báo cũng phải nêu cao và quảng bá các phẩm tính căn bản của con người. Thông thường họ chỉ quan tâm đến các tin tức nóng bỏng, nhất là các chuyện kinh khiếp. Từ nơi sâu kín bên trong chính mình con người xem việc sát nhân cùng các hành động kinh tởm xúc phạm đến lương tâm con người, là những gì không thể chấp nhận được, thế nhưng mỗi khi các chuyện này xảy ra , thì tức khắc báo chí đưa ngay lên trang nhất. Trái lại, đối với các việc chăm lo cho trẻ em, giúp đỡ người già, chăm sóc kẻ ốm đau, thì được xem là những chuyện bình thường, không đáng để đưa lên mặt báo.

 

161

            Điều tệ hại to lớn nhất tạo ra bởi tình trạng trên đây đã khiến cho xã hội nói chung và tuổi trẻ nói riêng dần dần xem các chuyện sát nhân, hãm hiếp cùng các hình thức hung bạo khác là khía cạnh tự nhiên của cuộc sống. Điều đó sẽ có thể khiến chúng ta nghĩ rằng bản chất con người là độc ác, và sự phát lộ của nó sẽ không có một phương tiện nào có thể ngăn chận được. Để rồi biết đâu đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ tin bản chất ấy của con người là đúng thật như thế, và khi đó chúng ta cũng sẽ đánh mất niềm hy vọng của mình đối với tương lai của cả nhân loại. Từ đó chúng ta cũng có thể sẽ tự hỏi rằng một khi đã không còn một chút hy vọng nào để phát huy các phẩm tính con người và nêu cao nền hòa bình thế giới, thì tại sao lại không biến mình trở thành những tên khủng bố (tức có nghĩa là chủ trương bạo lực để chống lại bạo lực)? Một khi nhận thấy việc giúp đỡ kẻ khác không mang lại hiệu quả gì thì mình cũng có thể tự hỏi tại sao lại không sống cho riêng mình và quay mặt với phần còn lại của thế giới này.

Vậy nếu các bạn là các nhà làm báo thì cũng nên suy nghĩ về các vấn đề trên đây và ý thức trách nhiệm của mình. Dù không thu hút được nhiều độc giả hay thính giả (nghe radio và xem truyền hình) thì cũng cứ nêu cao các điều tốt đẹp mà những người chung quanh đã thực hiện được.

Bures-Sur-Yvette, 01.01.19

Hoang phong chuyển ngữ

Suy tư về canh nông và môi trường

 162

             Người nông dân giữ một vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe công cộng, thế nhưng cũng có thể khiến cho những thứ ấy trở nên tồi tệ hơn. Ngày nay tình trạng các lớp nước ngầm bị ô nhiễm, sự lạm dụng phân bón và thuốc sát trùng cùng với các  phương pháp canh tác tai hại ngày càng được cải tiến để gia tăng thu hoạch, tất cả cho thấy rõ rệt hơn trách nhiệm của con người trước tình trạng suy thoái môi sinh và sự xuất hiện của nhiều thứ bệnh tật mới. Một thí dụ thật đìển hình là “bệnh bò điên” phát sinh từ cách nuôi bò bằng bột xay ra từ xác chết của thú vật. Đúng lý ra thì đấy là một tội phạm phải bị đưa ra tòa, thế nhưng dường như chẳng thấy ai nói đến chuyện này cả. Trái lại chỉ thấy người ta giết nạn nhân là các con bò bị bệnh mà thôi (không những chỉ giết các con bò bị bệnh mà giết cả đàn bò có thể lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn con để tránh sự lây nhiễm).
 

163

            Tôi nghĩ rằng người ta nên giảm bớt thật nhiều việc sử dụng các chất hóa học trong canh nông và canh tác phù hợp hơn với thiên nhiên. Điều đó trong ngắn hạn có thể làm sút giảm thu nhập, nhưng trong lâu dài sẽ mang lại nhiều điều lợi hơn. Ngoài ra cũng nên giảm bớt các trại chăn nuôi kỹ nghệ gây tai hại cho môi trường, đồng thời cũng nên thu nhỏ bớt tầm cỡ các trại chăn nuôi này (những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã gần 20 năm, ngày nay người ta vẫn tiếp tục làm ngược lại, tức là kỹ nghệ hóa và cơ giới hóa tối đa việc chăn nuôi, chẳng hạn như phong trào “Nông trại nghìn bò”/Ferme des mille vaches/Farm of a thousand cows, “hợp lý hóa” và “quy mô hóa” việc nuôi bò lấy sữa nhằm gia tăng mức sản xuất, con vật trở thành một bộ phận cơ giới của một guồng máy khổng lồ). Các thứ thực phẩm nuôi gia súc trái với thiên nhiên sẽ đưa đến các hậu quả không lường như người ta đã thấy ngày nay. Nếu nhìn vào sự hao tổn thì giờ, tiền bạc, sinh lực và cả những thứ khổ đau không đáng gây ra vì các cách canh tác trên đây, thì người ta sẽ phải hiểu rằng nên sử dụng các phương pháp khác hơn.

164

            Tất cả chúng sinh đều có quyền được sống. Thật hết sức hiển nhiên, các loài sinh vật có vú, chim, cá đều cảm nhận được sự thích thú hay đớn đau, vì vậy cũng chẳng khác gì với chúng ta, các con vật ấy nào có thích gì những sự đau đớn đâu. Nếu chúng ta lạm dụng chúng với mục đích duy nhất là thủ lợi, và dù không màng đến quan điểm Phật giáo đi nữa, thì cũng không sao tránh khỏi thái độ bất chấp các giá trị luân lý sơ đẳng nhất (một sự hung bạo hoàn toàn ích kỷ và vô ý thức trước sự khổ đau của sinh vật).

165

            Nếu đem so sánh tình trạng xung đột và kình chống nhau giữa tất cả các loài sinh vật trên hành tinh này thì con người gây ra nhiều hỗn loạn nhất. Điều này thật hiển nhiên không thể chối cãi được. Tôi hình dung hành tinh này nếu không có con người trên đó thì nhất định sẽ là một nơi an toàn hơn. Thật thế nơi đó hàng triệu con cá, con gà cùng các sinh vật nhỏ bé khác sẽ được sống an lành và thoải mái hơn (có nghĩa là chúng sẽ không biến thành các món ăn thơm ngon cho con người).

 

166

            Nếu một người nào đó không hề do dự hay tỏ lộ một chút từ tâm mỗi khi hành hạ hay giết một con vật, thì người này cũng sẽ khó cho mình cảm nhận được sự từ tâm, mỗi khi đối xử tàn tệ với kẻ đồng loại, so với các người khác, điều này thật hiển nhiên. Vô ý thức trước sự khổ đau của một chúng sinh dù là thuộc thể loại chúng sinh nào cũng vậy, kể cả trường hợp cần phải hy sinh chúng sinh ấy vì sự an lành của số đông, luôn luôn là một thái độ nguy hiểm (chẳng hạn như giết một con chó điên cũng phải thương xót nó. Nó bị vi trùng bệnh điên hành hạ nó, nhưng không có ai chăm sóc nó. Số phận hẩm hiu của nó là như thế, nó phải gánh chịu vì không thể làm gì khác hơn là chờ người ta giết nó. Nếu chúng ta xem việc giết nó là một thành tích, một sự hãnh diện, thì cảm tính đó sẽ ăn sâu vào dòng tri thức của mình, Dấu vết của cảm tính hãnh diện đó sẽ ghi khắc và tồn lưu trong tâm thức mình. Nếu sau đó mình trở thành một chiến sĩ và trong một trận chiến mình bắn chết được một số kẻ địch, thì rất có thể mình cũng sẽ xem đấy là một thành tích, cảm thấy sung sướng và hãnh diện, nhất là được cấp chỉ huy khen thưởng và gắn huy chương. Thế nhưng, trong một trận chiến khác biết đâu mình sẽ trở thành một chiến sĩ “hy sinh vì tổ quốc”. Thay vì phát lộ lòng từ bi trước những sự chết chóc thì mình lại hãnh diện và sung sướng, đấy là nguồn gốc và nguyên nhân đưa đến các thứ khổ đau triền miên: bom đạn, khủng bố, xung đột, chiến tranh và đủ mọi thứ tàn phá khác. Đó là sự “nguy hiểm” của tình trạng vô ý thức trước khổ đau của một chúng sinh mà Đức Đạt-lai Lạt-ma nói đến trên đây). Phủ nhận hoặc không muốn nghĩ đến các chuyện đó có thể là một cách giúp mình an tâm, thế nhưng đấy lại là thái độ hành xử không những đưa đến mọi hình thức lạm dụng, tương tự như những gì xảy ra trong các cuộc chiến tranh, mà còn là nguyên nhân tàn phá hạnh phúc của chính mình. Tôi vẫn thường nêu lên rằng sự thương cảm và lòng từ bi luôn là cội nguồn mang lại lợi ích cho mình là như vậy.

167

            Nhiều người cho rằng dầu sao thì thú vật cũng ăn thịt lẫn nhau. Điều đó quả đúng, tuy nhiên cũng không thể chối cãi được là hình thức sinh hoạt đó thật đơn giản và tự nhiên: đói thì giết để ăn, không đói thì không giết. Sự sinh hoạt đó khác hẳn với con người, giết hàng triệu bò, trừu, gà và các thú vật khác để thủ lợi. Một hôm tôi gặp một người Do-thái gốc Ba-lan, rất tốt bụng và thông minh. Người này ăn chay trường trong khi những người Tây Tạng thì lại không. Người này nói với tôi như sau: “Tôi không ăn thịt thú vật, nếu ăn thì tôi phải có đủ can đảm tự tay giết chúng”. Chúng tôi những người Tây Tạng thì khác hơn, chúng tôi chờ người khác giết sau đó mới ăn!” (Ngài bật cười), (không phải chỉ có người Tây Tạng mới làm như thế tức là chờ người khác giết cho mình ăn. Đức Đạt-lai Lạt-ma chỉ trích người Tây Tạng thế nhưng thật ra thì Ngài nhắc khéo chúng ta đấy! Ngài không nói thẳng điều đó với chúng ta mà chỉ trách móc dân tộc Ngài, chẳng qua vì Ngài thương yêu và kính trọng chúng ta,  Xin chắp tay cảm phục sự tế nhị của Ngài. Lòng từ bi của Ngài không những hiện lên qua ánh mắt tràn đầy thương cảm hay nụ cười hóm hỉnh trên môi, mà còn ẩn nấp kín đáo phía sau những lời chỉ dạy thật chân tình).

Suy tư về chiến tranh

168

            Trong bất cứ xã hội nào cũng vậy, luôn có những thành phần bất hảo gây ra mọi thứ khó khăn, vì thế cũng cần phải có một số phương tiện hữu hiệu ngăn chận, không cho các thành phần ấy gây ra tai hại. Thế nhưng khi đã không còn một giải pháp nào khác thì cũng đành phải giải quyết bằng sức mạnh vũ trang.

Theo tôi dầu sao cũng không được phép sử dụng quân lực để bành trướng một chủ nghĩa hay xâm lược các nước khác, mà chỉ nên xem đấy là một giải pháp tối cần thiết để ngăn chận mưu đồ của những kẻ gây ra bạo loạn phá hoại sự an lành của nhân loại. Chủ đích duy nhất của chiến tranh có thể chấp nhận được là bảo vệ niềm hạnh phúc của tất cả mọi người, nhưng không hề là một thứ quyền lợi riêng tư nào cả. Chiến tranh chỉ là một giải pháp bất đắc dĩ mà thôi.

169

            Lịch sử cho thấy hung bạo sẽ kéo theo hung bạo, chẳng những không mấy khi giải quyết được các khó khăn, mà còn gây ra thêm không biết bao nhiêu khổ đau. Bạo lực đôi khi cũng có vẻ là một giải pháp khôn khéo và hợp lý khiến các sự xung đột phải chấm dứt, thế nhưng không thể nào quả quyết một cách chắc chắn rằng dập tắt một ngọn lửa cũng có thể là cách làm bùng lên cả một đống than hồng đang âm ỉ.

170

            Ngày nay chiến tranh trở nên thật lạnh lùng và vô nhân đạo. Các thứ vũ khí tối tân có thể giết hàng ngàn người trong một lúc, thế nhưng người sử dụng thì không hề hấn gì, họ cũng chẳng trông thấy một chút khổ đau nào do chính mình gây ra. Những kẻ ra lệnh giết (hay bấm nút một đầu đạn) thì ở cách xa trận tuyến hàng ngàn cây số. Đàn bà và trẻ em là những kẻ vô tội, chỉ mong được sống còn, thì lại bị giết hoặc bị tật nguyền. Dường như người ta không còn biết nuối tiếc các hình thức chiến tranh trong quá khứ nữa, trong các cuộc chiến đó các vị lãnh chúa tự mình dẫn đầu các đoàn quân để tiến lên: cái chết của họ thường đưa đến sự chấm dứt các mối hận thù (ngày xưa mỗi khi xáp trận thì hai vị tướng chỉ huy hai đạo quân xông lên trước và nếu một trong hai người bị giết hay bị thương thì thường là cả đoàn quân của mình vứt khí giới và ù té chạy). Thiết nghĩ ít ra cũng nên trả lại cho chiến tranh kích thước con người của nó (ngày xưa người lính vì sợ chết mà tháo chạy, ngày nay chưa kịp sợ đã bị giết).

 

171

            Một khi đã nắm chặt khí giới trong tay thì sẽ khó cho con người không sử dụng nó. Theo tôi nên giải giới các lực lượng quân sự thuộc lãnh vực quốc gia. Toàn thế giới phải được giải trừ vũ khí, chỉ nên thành lập một lực lượng quân sự mang tính cách đa quốc gia và duy nhất chỉ để sử dụng khi nào có các thành phần phá rối nền hòa bình chung xuất hiện tại một nơi nào đó trên thế giới.

172

            Tất cả mọi người đều nói đến hòa bình, thế nhưng hòa bình thì lại không thể nào thực hiện được từ bên ngoài khi mà con người vẫn còn cưu mang sự giận dữ và hận thù bên trong thâm tâm mình. Hơn nữa người ta cũng không thể nào kết hợp chung một cách hài hòa giữa niềm ước vọng hòa bình và việc chạy đua vũ khí. Vũ khí hạt nhân được xem là một phương tiện tạo ra sự khiếp sợ khiến kẻ thù không dám gây chiến, thế nhưng trong lâu dài thì sự đe dọa đó sẽ không phải là một phương pháp khôn ngoan và hiệu quả.

 

173

            Một số quốc gia dành ra những số tiền khổng lồ để sản xuất khí giới hạt nhân. Không biết bao nhiêu tiền của, sinh lực và tài năng bị phung phí, trong khi đó thì cơ nguy đưa đến các quyết định bốc đồng ngày càng dễ xảy ra, tình trạng nơm nớp lo sợ theo đó cũng ngày càng nặng nề hơn.

174

            Tìm mọi cách làm cho chiến tranh phải chấm dứt là bổn phận của tất cả mọi người. Thật vậy, chỉ đích danh những kẻ chủ mưu gây ra các sự xung đột không phải là chuyện khó, thế nhưng thật hết sức khó để có thể tin rằng các kẻ khuấy động hiện ra một cách tự nhiên và tự mình quyết định gây ra các chuyện đó. Họ cũng chỉ là các thành phần của một xã hội mà trong đó có cả chúng ta. Chính vì thế mà mỗi người trong chúng ta phải nhận lãnh một phần trách nhiệm. Nếu muốn mang lại sự an bình cho thế giới thì trước hết phải tạo được sự an bình từ bên trong mỗi con người chúng ta.

175

            Nền hòa bình thể giới chỉ có thể thực hiện được xuyên qua sự an bình bên trong tâm thức, và sự an bình đó cũng chỉ có thể hiện ra khi nào đã ý thức được là tất cả mọi con người đều là thành phần của một gia đình chung, dù cho họ có khác biệt nhau về tín ngưỡng, ý thức hệ, thể chế chính trị hay hệ thống kinh tế nào cũng vậy. Tất cả những thứ ấy chỉ là thứ yếu so với những gì mang chúng ta đến gần với nhau hơn (tức là các phẩm tính con người: lòng từ bi, tình thương yêu, lòng rộng lượng…). Điều chủ yếu nhất là tất cả chúng ta đều là con người, cùng sống chung trên hành tinh bé tí xíu này. Nếu muốn sống còn thì phải chăng sự hợp tác giữa chúng ta là một điều thật cần thiết, không những trên phương diện cá nhân mà cả ở cấp bậc quốc gia?

Suy tư về sự dấn thân vì kẻ khác

176

            Hình ảnh những người dấn thân vì kẻ khác trong các lãnh vực y tế, giáo dục, tâm linh, gia đình, xã hội hay trong bất cứ một lãnh vực nào khác cũng vậy, tất cả đều mang lại một niềm vui sướng sưởi ấm tim tôi. Bất cứ một xã hội con người nào cũng vậy, đều tự tạo ra cho mình đủ mọi thứ khó khăn và khổ đau. Mọi cố gắng làm vơi bớt các khó khăn và khổ đau đó đều là những điều đáng khích lệ.

Theo quan điểm Phật giáo thì thật hết sức quan trọng là không nên chỉ biết đơn giản xem việc chăm sóc một người nào đó như là một thứ bổn phận phải gánh vác hay một hình thức tiêu khiển – chẳng hạn như thú vui chăm sóc vườn tược. Nếu sự giúp đỡ đó được thực hiện với tình thương yêu, lòng từ bi, kèm thêm những lời êm ái và một nụ cười trên môi, thì nhất định mình sẽ mang lại cho người được giúp đỡ một niềm hạnh phúc đích thật. Trên phương diện cụ thể thì sự chăm sóc với tất cả tình thương đó không có gì khác với sự giúp đỡ chỉ vì bổn phận, thế nhưng sự lợi ích thì vô cùng khác biệt giữa hai cung cách hành xử đó.

177

            Nếu bạn là một bác sĩ thì không nên chỉ biết chăm sóc bệnh nhân một cách máy móc hoặc chỉ vì bổn phận. Người bệnh có thể nghĩ rằng mình không được chẩn bệnh và chăm sóc đúng mức, hoặc chỉ là một con vật thí nghiệm. Một số bác sĩ giải phẫu vì làm việc quá nhiều đến độ xem người bệnh chẳng khác gì một chiếc máy để sửa chữa, không còn ý thức được bệnh nhân là một con người. Một khi đã đánh mất sự thương cảm và lòng từ bi, không còn ý thức được đối tượng của sự chăm sóc của mình là một con người, thì người bác sĩ giải phẫu cũng chỉ biết cắt mổ, khâu vá hoặc thay đổi các bộ phận trong cơ thể, tương tự như thay đổi phụ tùng của một chiếc xe, hay lắp ráp các thanh gỗ.

 

178

            Mỗi khi chăm sóc một người nào đó thì thật hết sức quan trọng là phải phát động lòng vị tha. Thái độ đó không những mang lại ích lợi cho người được chăm sóc mà cả cho người người đứng ra chăm sóc.

 

179

            Càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì thật ra cũng là cách càng tạo ra thêm hạnh phúc cho chính mình. Tuy nhiên không bao giờ được phép nghĩ đến điều đó trong khi hy sinh cho kẻ khác. Không nên chờ đợi một sự hồi đáp nào mà chỉ một lòng quan tâm đến sự an lành của họ.

 

180

            Không bao giờ được phép xem mình cao hơn những người mà mình giúp đỡ. Dù những người ấy có dơ bẩn, nghèo nàn, đần độn, quần áo tả tơi, và dù mình phải hy sinh tiền bạc, thời giờ, và cả sinh lực, thì cũng cứ hy sinh với tất cả sự khiêm tốn của mình. Đối với riêng cá nhân tôi thì mỗi khi gặp một người ăn xin thì tôi luôn cố gắng không xem người ấy thấp hơn mình, mà chỉ xem người là một con người, không khác gì như chính tôi.

181

            Khi phải giúp đỡ một người nào đó thì không nên chỉ biết giải quyết các khó khăn cấp bách của người ấy, chẳng hạn như cho họ một ít tiền, mà phải tạo ra các điều kiện giúp họ tự giải quyết các khó khăn của họ. (ngoài những sự giúp đỡ cụ thể còn phải đặt vào tay họ cả tình thương yêu xuất phát từ con tim của mình).

Bures-Sur-Yvette, 09.01.19

Hoang Phong chuyển ngữ

Trang: 1 2 3 4 5