NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch
LỄ PHẬT THẾ A TU LA VÀ THIỆN THẦN
Giải thích:
A tu la là Phạn ngữ, có nghĩa: Phi Thiên, là loài tu phúc không tu đức. Nam trông rất xấu, hung hãn hiếu chiến, tâm sân nặng, thân mặc giáp hộ vệ. Nữ thì xinh đẹp, nhưng tâm tật đố mạnh.
Đó là giảng về A tu la trên trời, nhân gian cũng có A tu la. Hễ nam, nữ nào ưa đấu đá, nhiều tật đố, sân si thì là A tu la. Ai ưa đem quân đi cướp tài sản nước khác thì chính là A tu la ở nhân gian, vị vua của quốc gia (ưa đấu đá này) chính là A tu la vương. Còn ai đối với các nước bị nguy nan, luôn có tâm muốn giải cứu giúp đỡ, trợ giúp vô vụ lợi, thì vị lãnh đạo quốc gia đó là Đại Bồ tát.
Trong loài vật cũng có một số trâu, bò, gà đá, ngựa chứng, sài lang, hổ, báo… (nghĩa là những loài có tính hiếu chiến, tàn nhẫn, hung ác), thảy đều là A tu la phúc tận bị đọa vào.
Xem như chúng sinh trong lục đạo đều có đủ nơi nhân gian, cho nên người học Phật trước tiên phải tuân giữ quốc pháp, để không sa vào nhà giam, vì: Lao ngục nhân gian chính là địa ngục trần gian! (Những kẻ hút ma túy, chơi thuốc lắc, ăn mặc dị hợm, tóc rối bù, nhuộm nhiều màu, chơi nhạc cuồng loạn phát âm thanh vang rền trời đất, vừa gầm rú, gào thét; vừa hét, vừa nhảy, chẳng phải là quỷ quái ở nhân gian hay sao?)
Người không làm ác, toàn làm lành, việc gì cũng nghĩ cho lợi ích của quốc gia, luôn đặt lợi ích nhân dân, quốc gia trên hết, thậm chí còn hy sinh thân mạng cho tất cả, những vị này chính là Bồ tát ở nhân gian.
Trong “Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ” ghi: “Rồng thuộc loài súc sinh, những người hay sân si nhưng có tạo phúc, chết rồi sinh làm rồng. Rồng có hai loại: Pháp hạnh Long vương và Phi pháp hạnh Long vương. Nếu gọi theo thế tục thì là: Ác long và Thiện long!
Rồng có rất nhiều loại: Ở trên đất hoặc trên không, chúng cư trú trong nước hay chốn núi non xinh đẹp.
Còn có Long vương một đầu, hai đầu, thậm chí nhiều đầu. Long vương không chân, hai chân, bốn chân hoặc nhiều chân. Còn có Đại Long vương chuyên hộ trì Phật pháp: Rồng trên trời (là Thiên long) ưa hộ pháp, Hải long (trụ ở Long cung nơi biển cai quản loài thủy tộc), còn có rồng chuyên làm mưa, rồng giữ kho báu v.v…
Vào thời cổ đại, rồng thường hiện hình trong nhân gian, nhưng hiện nay do nhân loại quá hiếu sát, nên rồng luôn ẩn thân, dù chúng có thần thông.
Nếu dùng thiên nhãn quan sát: Sẽ thấy trên trời có Kim long, Bạch long, cũng có Hắc long… còn trong biển lớn thì có Thanh long. Dung nhan rồng tùy thuộc vào phúc báu tu hành của nó. Đời trước đa số chúng đều là người tu, do lòng dâm hừng thịnh, tu không giữ giới nhưng còn phúc báu nên mang thân rồng!
Nếu quá khứ chúng tu hành tốt thì sẽ mang thân kim sắc, nếu có tâm kiêu mạn nóng nảy, hiếu chiến thì mang thân màu xanh, lam, đen…
Rồng rất ưa dâm dục, nhưng nếu gặp Phật pháp thì cũng dũng mãnh tinh tấn tu, nhưng đa số thường bốc đồng, xốc nổi, có tính “đầu voi đuôi chuột”, nghĩa là mới đầu thấy ồ ạt vậy đó, nhưng sau lại phai nhạt dần.
Trong hàng rồng vàng, có loại đầu thai vào nhân gian làm Hoàng đế, do tập khí đa dục nên hễ thấy mỹ nữ thì rất ưa, do vậy mà tam cung lục viện của vua chứa thê thiếp um sùm. Từ sau Tần Thủy Hoàng cho đến vị vua cuối cùng triều Thanh, đa số các ông vua thọ mệnh chẳng tới 30 tuổi, do bởi thói đa dục mà bị yểu mạng! Chết rồi thì sa vào địa ngục thọ khổ, phải ôm trụ đồng cháy đỏ (có độ nóng cao gấp ngàn vạn lần lò luyện thép). Do nghiệp lực nên tội nhân thấy trụ đồng đỏ lửa kia là mỹ nữ khỏa thân, nên hớn hở chạy tới ôm, lập tức bị trụ đồng thiêu cháy, đau đớn tột cùng và lìa đời. Rồi xảo phong thổi cho sống lại, họ lại thấy mỹ nữ (quên hẳn nỗi đau cũ), lại chạy tới ôm, rồi lại bị thiêu chết… cứ thế họ phải diễn mãi hình phạt này, một ngày một đêm vạn lần chết đi sống lại, nhiều kiếp chưa ra khỏi.
Nam nữ ở thế gian, những ai sống chẳng thủy chung, không giữ đạo vợ chồng, sống mà phóng túng tình dục, loạn dâm v.v… sau khi chết rồi đều phải vào ngục này. Nữ thì thấy trụ đồng cháy đỏ là nam nhân tuấn tú khỏa thân, nam thì thấy trụ đồng là mỹ nữ lõa thể, nên thảy đều vui mừng chạy tới ôm, cứ thế mà bị chết thiêu. Các nam nhân loạn dục, đa dâm, loạn luân… sẽ phải thọ mãi hình phạt này.
Mặc dù rồng có thần thông, nhưng ta không nên ngưỡng mộ chúng, bởi cho dù có là hạng Thiên long thượng đẳng đi nữa, thì chúng cũng chỉ là súc sinh ở trên trời mà thôi. Hơn nữa loài này cũng phải chịu đủ loại khổ báo. Ngài Hư Vân từng kể câu chuyện như sau:
LONG VƯƠNG CẦU GIỚI
“Có một ông già râu tóc trắng như tuyết, diện mạo thanh kỳ, đi thẳng vào phương trượng, quỳ trước mặt tôi, xin thọ giới. Tôi hỏi danh tánh, ông thưa họ Dương, người Nam Đài, tỉnh Mân. Có giới tử Diệu Tông, cũng ở Nam Đài nhưng chưa từng gặp ông lão. Đến khi truyền Bồ tát giới, cấp điệp đàn xong thì không thấy ông nữa.
Lúc Diệu Tông về, đi ngang qua miếu thờ Long Vương ở Nam Đài, bỗng nhận ra bức tượng đang ngồi chễm chệ chính là ông già thọ giới chung với mình, điệp đàn còn nằm trong tay ông. Chuyện này được đồn vang làm chấn động cả vùng Nam Đài. Thiên hạ bàn tán rầm rĩ vì Long vương cầu giới”…
Những loài rồng tu hành ưa làm Thần hộ trì Phật pháp, rất mến mộ kinh Phật, vì vậy trong Long cung có chứa vô lượng vô biên kinh Phật, xem ra còn nhiều hơn nhân gian.
Thuở xưa Bồ tát Long Thọ xuất gia xong, khi biên đọc kinh Phật ngài thấy còn nhiều thiếu sót, sau đó ngài được Long vương thỉnh xuống Long cung trong biển, thấy kinh Đại thừa phương đẳng là diệu pháp vô lượng thâm áo, nên khi về đến Thiên Trúc rồi, ngài bèn làm một cuộc đại xiển dương Phật pháp, thu phục rất nhiều ngoại đạo. Các kinh Đại thừa trong nhân gian như kinh Hoa Nghiêm v.v… là được ngài đem từ Long cung về.
Một người nếu chân chánh trì giới tu hành, nhất định sẽ được Long vương, Bát bộ thần chúng hộ trì bảo vệ.
Lúc ngài Tuyên Hóa ở Đông Bắc, từng thu mười con rồng làm đệ tử. Trước đó do đồ đệ ngài là Quả Thuấn xây đạo tràng tu (gần Miếu Long Vương), ngày khánh thành bèn thỉnh Đại sư tới.
Hôm đó có 10 con rồng hiện hình người tới xin qui y, lúc này Đông Bắc đang bị hạn, nên ngài Tuyên Hóa ra điều kiện: Nếu rồng chịu làm mưa thì sẽ qui y cho. Hôm sau (ngày thứ hai) quả nhiên trời giáng mưa trừ hạn. Ngày thứ ba thì 10 con rồng đuợc chính thức qui y, đồng có chung pháp danh: “CấpTu”. Từ đó về sau, hễ ngài Tuyên Hóa đi tới đâu thì quyến thuộc rồng đều cung cấp nước cho ngài xài đầy đủ, không bao giờ để ngài bị thiếu và không hề lìa xa ngài.
Rồng hộ pháp chưa phải là Phật, Bồ tát hay Thánh hiền, nên vẫn còn tâm tham, sân, si… rất phân biệt và chấp trước. Nếu thấy người tu không đàng hoàng thì sẽ nổi lôi đình, sinh tâm sân giận và ra tay trừng trị.