TÌNH THẾ GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

 

TÌNH BẰNG HỮU LÀM PHONG PHÚ CUỘC ĐỜI

3. Tình Bằng Hữu Làm Phong Phú Cuộc Đời

Bằng hữu là của cải đời người

Hỏi: Có người thường ví von bằng hữu là tài sản tối quan trọng của đời người. Vậy xin thầy cho biết ý kiến về việc chúng ta phải kinh doanh “khối tài sản” này như thế nào?

Đáp: Bằng hữu giúp ta nhận ra rằng ta có bạn bè xung quanh, ta không cô đơn. Khi cô đơn buồn chán, rất nhiều người có thể tâm sự với gia đình, bạn tình, nhưng cũng không hề cảm thấy vui vẻ. Nhưng khi nói chuyện với bằng hữu, họ có thể cảm thấy thoải mái, vô tư và trong lòng khoan khoái, thoải mái hơn rất nhiều.

Có những lúc bạn bè ta giống như những người thầy, thậm chí là tấm gương để ta noi theo. Những người bạn như vậy quan trọng hơn các thành viên trong gia đình, bởi giữa bằng hữu với nhau sẽ ít yêu cầu về quyền lợi và nghĩa vụ, và tăng thêm sự giúp đỡ lẫn nhau. Cùng giúp đỡ ở đây không phải chỉ sự giúp đỡ về tiền bạc hay vật chất, mà đó là sự giao tâm và hiểu nhau. Trong đời mà có những người bạn như thế thì chẳng còn gì hối tiếc nữa!

Hỏi: Trong muôn vạn chúng sinh, ta phải tìm kiếm thầy tốt bạn hiền ở đâu đây? Tiêu chuẩn để kết giao bạn hiền là gì? Và khi có được những người bạn như vậy chúng ta sẽ không ngừng tiến bộ sao, xin thầy cho biết ý kiến về vấn đề này?

Đáp: Phật giáo gọi bằng hữu là “tri thức”, bạn tốt gọi là “thiện tri thức”, bạn xấu gọi là “ác tri thức”. “Thiện tri thức” chỉ lương sư ích hữu – tức thầy tốt bạn hiền, và thông thường lương sư chính là người bằng hữu tốt nhất của ta. Nếu chỉ biết ăn uống hưởng lạc thú thôi, chỉ giỏi kết bề kéo cánh thì được xếp vào loại “ác tri thức”.

Sư phụ thường nói với tôi rằng, mối quan hệ giữa sư – đồ có ba phần là phần thầy – trò, còn bảy phần là phần đạo hữu. “Đạo hữu” chỉ bằng hữu tu đạo, mối quan hệ giữa con người với con người trên con đường tu hành được gọi là bằng hữu. Do đó mà một thầy giáo tốt phải là người biết cách làm bạn với học sinh, đối đãi với họ như những người bằng hữu, chứ không phải coi họ là hậu bối, là thế hệ sau. Vì thế có thể nói rằng, thầy giáo tốt cũng là người bạn hiền, người bạn tốt nhất của ta.

Khổng Tử thường nói, bằng hữu có ba loại, có thể coi đó làm chuẩn kết giao bạn bè, đó là “trực”, “lượng”, “đa văn”. “Trực” có ý nghĩa gì đây? Đó là chỉ sự chân thành, chính trực, liêm khiết; người bằng hữu chính trực sẽ chỉ cho ta biết sai lầm của mình một cách đúng trọng tâm, hơn thế sẽ không sợ ta tức giận họ. “Lượng” chỉ sự thông cảm lượng thứ cho nhau, tuy lời nói có thẳng thắn gây tổn thương đối phương, nhưng họ sẽ bao dung, tha thứ và cảm thông cho lỗi lầm ta mắc phải. “Đa văn” chỉ tài hoa và tri thức phong phú của bằng hữu, có thể trở thành người thầy của ta.

Mặt khác, những bằng hữu có thể nói ra lời nói thật lòng thật tâm với ta còn được gọi là “tranh hữu” – tức chỉ người bạn có thể khuyên can. Lời nói của họ đều xuất phát từ đáy lòng, họ có thể làm bạn đau lòng, đỏ mặt, thậm chí khiến bạn cảm thấy bị gì bó hay châm biếm những lỗi lầm bạn đang mắc phải.

Những người bằng hữu như đã nói đều là bạn hiền của ta. Họ đều chân thành, chính trực, bao dung độ lượng, tha thứ cho ta. Đây cũng chính là tư tưởng chủ yếu về kết giao bằng hữu mà Nho giáo Trung Quốc nhắc tới.

Hỏi: Có một số người không thích kết giao với người khác, chỉ thích nuôi thú cưng, theo thầy đây có phải là hiện tượng tốt không?

Đáp: Con người không có bằng hữu quả thật là đáng thương! Không nói đến con người, ngay cả các loài động vật như chó, mèo đều cần có bạn bè. Một số người tuổi tác đã cao hoặc có rất ít bạn bè đều cảm thấy cô đơn, họ muốn nuôi một con vật để làm bầu bạn và coi nó như một người bạn thực sự. Tuy nhiên cũng có người cho rằng thân nhân của họ còn không bằng con vật cưng của mình, bởi chúng rất trung thành và ngoan ngoãn phục tùng.

Thông thường mà nói, nhu cầu của thú cưng thấp, chỉ cần cho chúng ăn no ngủ kĩ thì chúng rất trung thành với chủ nhân. Còn giữa con người với nhau lại không phải hoàn toàn như vậy, khi có quan hệ lợi thiệt xuất hiện, rất có thể họ sẽ nảy sinh mâu thuẫn xung đột và bất đồng quan điểm cho dù đó là người bạn tốt nhất. Do đó mà có một số người nguyện bầu bạn với thú cưng chứ không giao lưu kết bạn với ai khác.

Theo tôi, cách nghĩ này không thật sự là tốt, chúng ta vẫn hi vọng kết bạn với con người, suy cho cùng đó chính là sự đi lại giữa đồng loại với nhau, để tạo cho ta cảm giác được an ủi, và nhân sinh sẽ không còn điều gì nuối tiếc nữa.

Hỏi: Tình cảm luôn suy nghĩ cho người khác, cống hiến cho người khác ở mọi nơi chỉ có thể có trong tình bằng hữu sao, thưa thầy?

Đáp: Tôi từng biết một trường hợp như sau, có ba người thợ mộc, trong đó có một người đã có vợ con, còn hai người kia vẫn chưa kết hôn. Họ cùng làm việc cùng kiếm tiền, mỗi khi chia lương, thì hai người thợ độc thân luôn nói câu cuối cùng là: “Anh à, anh có gia đình, có vợ, có con rồi nên gánh nặng lớn, chúng tôi sẽ chia cho anh nhiều hơn một chút!”. Ngay lập tức người thợ có gia đình kia nói: “Tôi cũng làm việc như các anh thôi ”, hai anh thợ kia liền tiếp lời: “Gia đình anh đông người, Còn chúng tôi thì khác, chúng tôi nên giúp đỡ anh mà, không vấn đề gì đâu”. Và cứ mỗi lần chia lương họ đều làm như thế.

Làm như vậy sẽ khiến cho người bỏ công sức thấy được thành quả của mình, họ cảm thấy vui vẻ, sung sướng, còn người nhận được sẽ luôn mang trong lòng tấm lòng biết ơn, đây chính là điều đáng quý nhất trong tình bằng hữu. Sống trong tình bằng hữu ấm áp như vậy ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ, mà thay vào đó là sự ấm áp của tình người.

Nguyên tắc kết bạn

Hỏi: Một số người đa nghi rằng bằng hữu làm tổn thương cho nên nhất định không tin tưởng họ nữa, vậy khi chúng ta kết giao bằng hữu cần chú ý những vấn đề và nguyên tắc gì, thưa thầy?

Đáp: Ngoài việc nắm rõ ba nguyên tắc kết bạn là hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn ra, thì còn bốn điểm chúng ta cần lưu tâm như sau:

Thứ nhất, cần biết cách bảo vệ bản thân mình. Khi tương tác trao đổi với bằng hữu, dù là bạn mới hay bạn cũ chúng ta đều phải biết cách bảo vệ bản thân mình. Nếu không, chúng ta sẽ gặp một số khó khăn rắc rối.

Thứ hai, cần bảo vệ cho đối phương. Khi giao kết bạn bè, không nên có suy nghĩ sai lệch, như là lợi dụng lòng tốt của bạn. Khi chúng ta kết bạn với con người, nên suy nghĩ đến việc mình giúp được gì cho họ, nếu không giúp được gì thì cũng không được kỳ vọng có được những thứ không phải là của mình. Dù là vô hình hay hữu hình, tốt nhất chúng ta không nên có suy nghĩ này trong đầu. Không ăn hiếp người ta vừa là để bảo vệ bản thân mình, lại vừa để bảo vệ cả đối phương nữa.

Thứ ba, cần bảo vệ gia đình hai bên. Không được viện cớ vì ta kết giao bằng hữu với anh này mà làm hại gia đình ta, đồng thời cũng phải bảo vệ cho thân nhân người bằng hữu đó an toàn, nếu không, sẽ có nhiều nảy sinh rắc rối.

Thứ tư, không được làm hại đến xã hội. Ta kết giao bằng hữu với người này người kia là chuyện riêng của hai người, giả dụ như có vượt quá giới hạn ranh giới và danh phận, rất có thể sẽ làm tổn hại đến xã hội và phải trả giá đắt cho hành động đó.

Nắm rõ bốn nguyên tắc này thì việc kết giao bằng hữu không có gì là không thành công cả.

Người ta hay nói biết người biết mặt nhưng không biết lòng. Có những người bạn khi mới bắt đầu giao tiếp có biểu hiện rất trung thành, thẳng thắn và nhiệt tình, dần dần quá tin tưởng nhau, đến mức tự mình xóa bỏ sợi dây bảo vệ, thành tâm đối đãi họ, và không ngờ đến việc đối phương tấn công vào nhược điểm của mình, khiến bản thân lâm vào tình trạng không còn chỗ để chống đỡ. Đương nhiên chúng ta cũng không thể coi bất cứ ai cũng là kẻ tiểu nhân, cần phải nhớ kỹ một điều là, nhân tính con người ta có thể thay đổi bất cứ lúc nào, có thể hôm nay không thay đổi, không chừng một ngày nào đó họ sẽ thay đổi khi gặp phải sự kích động mạnh mẽ, hay si muội đầy cám dỗ.

Vậy cái gọi là mê muội đầy cám dỗ ở đây ám chỉ gì? Đó là sự mê hoặc về tài sản, về danh lợi, về địa vị xã hội và thậm chí là sự mê hoặc về tình cảm. Khi đối mặt với những cám dỗ này, con người ta thường không dễ dàng kìm nén được bản thân, do vậy mà mỗi con người chúng ta cần phải có sợi dây phòng thủ tự bảo vệ mình. Đối với môn đồ Phật giáo, sợi dây này chính là “giới”, khi trì giới sẽ vượt qua được.

Vì vậy, Phật giáo thường răn dạy chúng ta không nên làm những việc gì, nếu đã chót làm rồi thì có nghĩa là ta đã vượt quá giới hạn, khi không có sự phòng thủ ắt sẽ có nguy hiểm rõ rập, dễ dàng phát sinh việc ngoài ý muốn.

Sự phát sinh của việc ngoài ý muốn chính là hệ quả của việc không có phòng tuyến bảo vệ bản thân, một khi mất đi lá bài bảo hộ đó sẽ thiếu đi nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn. Do đó sẽ tạo ra nhiều sự quấy nhiễu, thậm chí có thể nguy hại đến an toàn tính mệnh của bản thân.

Hỏi: Ngạn ngữ cổ có câu “quân tử chi giao đạm như thủy, tiểu nhân chi giao điềm như mật”, xin thầy cho biết câu nói đó ám chỉ điều gì?

Đáp: “Quân tử chi giao đạm như thủy” ý chỉ giữa bằng hữu với nhau không nên yêu cầu quá cao, không được nên có ý nghĩ được báo đáp lại từ phía đối phương, hoặc mơ mộng hão huyền đạt được tài sản, vật chất, danh lợi…

Kết giao bằng hữu nhằm giúp đỡ lẫn nhau, không được nghĩ đối phương sẽ đền đáp công ơn ta thế nào, hoặc cả vốn lẫn lãi ta sẽ được đền đáp chút nào. Nếu ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu, thì đó chính là sự kết giao bằng hữu của kẻ tiểu nhân chứ không phải người quân tử, bởi tiểu nhân thường hay coi trọng cái lợi trước mắt.

Nếu sau khi kết giao bằng hữu, suốt ngày đàn đúm ăn uống no say, cờ bạc rượu chè, hoặc câu kết làm việc xấu, nhìn có vẻ rất có nghĩa khí nhưng kiểu kết giao này cũng thuộc vào loại “tiểu nhân chi giao điềm như mật”, đều không có lợi cho cả hai bên.

“Quân tử chi giao” phân định rõ ràng, anh là anh, tôi là tôi, về mặt tiền tài cũng phân minh. Làm bạn với nhau, không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc ức hiếp kẻ yếu, hoặc đối xử thiên lệch. Quả nếu như vậy, thì nhất định sẽ không kết giao lâu dài được, bởi trong đó đã có sự tồn tại của mối quan hệ thiệt – hơn rồi, chứ không phải là sự tương trợ chân thành nữa.

Hỏi: Người ta hay nói “bằng hữu hữu thông tài chi nghĩa”, ngoài việc ủng hộ về mặt tinh thần, nếu phải đề cập đến sự vay mượn tiền bạc thì liệu có gây tổn hại đến tình bằng hữu giữa hai người không, thưa thầy?

Đáp: Người ta nói “bằng hữu hữu thông tài chi nghĩa” – tức chỉ việc bạn bè với nhau nên có sự qua lại về tiền bạc là đúng. Ví dụ như anh có một trăm triệu, còn tôi thì nghèo rớt mùng tơi và cần phải trả một khoản nợ mười triệu, nếu không trả rất có thể sẽ bị kiện ra tòa và phải ngồi nhà lao. Chúng ta là chỗ bạn bè thân tình, anh có nhiều tiền như vậy có thể lấy ra vài chục triệu giúp tôi trả nợ, với anh đó là chuyện nhỏ, hơn nữa có thể cứu tôi thoát khỏi cảnh tù tội, sao anh lại không bằng lòng giúp tôi chứ? Anh giúp tôi trả hết nợ nần, hơn thế sau này cũng không cần tôi phải trả lại anh số tiền này nữa, đây chính là cái “tài” – tài sản được nhắc đến trong “thông tài chi nghĩa”.

“Thông tài chi nghĩa” chỉ sự bỏ ra công sức tuyệt đối, đồng thời không hi vọng có được báo đáp và cũng không hi vọng lấy lại được vốn liếng, và càng không được coi là sự giao kèo có lợi. Nhưng khi chúng ta bỏ ra công sức và mọi thứ, nhất định phải nghĩ đến việc xem bản thân mình có đủ năng lực đó không, nếu không sẽ rơi vào tình trạng số nợ của một người được chia đều cho hai người, thật không sáng suốt, không có lí trí!

Hỏi: Xin thầy cho biết, giúp đỡ bằng hữu có cần phải lượng sức mà làm không?

Đáp: Giúp đỡ bằng hữu là việc nên làm dựa trên tiền đề là việc không lơ là đến sự an toàn của bản thân. Ngay cả bản thân mình cũng không bảo vệ được thì dù có coi là giúp đỡ bạn bè đi chăng nữa cũng chưa chắc giúp đến nơi đến chốn.

Ví như, bằng hữu không may té xuống nước, do tình thế khẩn cấp mà ta quên mất mình không biết bơi liền liều mình nhảy xuống cứu bạn, lúc này rất có thể tự đặt mình vào tình cảnh nguy hiểm, kết quả là càng giúp càng hỏng việc; hoặc vì cứu người mà nghĩ trăm phương nghìn kế cứu họ, trong khi bản thân mình không thể lên được bờ, thậm chí mất đi tính mạng.

Thoạt nhìn có vẻ như ta rất có nghĩa khí, nhưng vì bằng hữu mà hi sinh thân mình, hậu quả sẽ để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cách làm này thiếu lí trí, biện pháp tốt nhất là có thể lường trước mọi việc và giải quyết vấn đề một cách sáng suốt.

Hỏi: Dù là bạn bè tốt đến đâu chăng nữa, thì giữa bằng hữu với nhau cũng không thể có một số chuyện được phép vượt quá giới hạn đúng không, thưa thầy?

Đáp: Chúng ta đều biết “dẫn sói về nhà” vô cùng nguy hiểm, còn đối với bằng hữu, đặc biệt là bằng hữu tri tâm, nhất thiết cần duy trì mối quan hệ “đạm như thủy”, tức cũng cần có sợi dây phòng tuyến. Đây là một kiểu giữ phép lịch sự và tôn trọng đối phương, dù giao tình có tốt đến đâu nếu có vượt quá giới hạn cho phép thì rất có thể họ sẽ không còn qua lại với nhau nữa.

Tôi nghe nói xã hội ngày nay có hiện tượng thay vợ đổi chồng, nó không những không phù hợp với luân lí mà còn là sự việc vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể làm lung lay hạnh phúc gia đình.

Cùng suy ngẫm về việc kết giao bằng hữu qua Internet

Hỏi: Internet mang lại nhiều thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của con người, ví như tra cứu tài liệu và mua sắm đã trở thành điều hết sức bình thường trong cuộc sống thường nhật quanh ta. Việc kết giao bằng hữu qua Internet cũng trở lên phổ biến thịnh hành, vậy thầy quan niệm như thế nào về việc này?

Đáp: Internet là xu hướng mới của thời đại, có công cụ đắc lực này ta không cần chạy ra ngoài mà có thể kết bạn ngay tại nhà chỉ bằng hành động bật máy tính lên và kết nối mạng.

Điều này giúp ích lớn cho nhiều người, bởi có một số người hay e thẹn, không giỏi ăn nói, hễ gặp người lạ không nói được câu nào dẫn đến việc khó kết giao bằng hữu được với ai. Nhưng khi sử dụng Internet, đây không còn là rào cản đối với họ nữa, hai người có thể nói chuyện với nhau một cách tự do thoải mái, nói gì cũng không sợ đối phương cười chế nhạo, nếu cho rằng đối phương không phù hợp thì có thể tìm tiếp đối tượng khác.

Ta nên nắm rõ một số nguyên tắc khi kết giao bằng hữu qua Internet, nếu không sẽ tự biến mình thành người bị hại hoặc là kẻ làm tổn thương người khác.

Nguyên tắc thứ nhất, thông thường ta tìm hiểu đối phương qua câu chữ giao tiếp trên mạng hay qua những bức hình chụp, còn thực chất bản tính họ ra sao ta không thể nào biết được. Chỉ có thể phán đoán anh ta/cô ta là người như thế qua câu chữ, còn sau lưng thì ta không dám chắc họ là ai, là người như thế nào. Điều này cũng giống như có bức tường vô hình ngăn cách, ta ở bên này còn người ấy ở bên kia, hai người chỉ kết nối với nhau bằng điện thoại. Khi nói chuyện ta có thể giả danh giọng nói, cũng giống như tiết mục khẩu kỹ trên ti vi – dùng kĩ xảo của miệng để bắt chước các âm thanh khác, có thể mạo danh giọng nam, giọng nữ, giọng người lớn hay trẻ nhỏ. Vì vậy, dù ta nghe được giọng nói, hay câu chữ ta thấy đều không có nghĩa đó là một người con trai thực thụ, tính cách hay hoàn cảnh không nhất định giống như câu chuyện giao tiếp giữa ta và họ. Nếu nhận thức được điều này thì có nghĩa ta đã có phòng tuyến đầu tiên rồi!

Nguyên tắc thứ hai, không nên nói hết mọi việc của mình cho đối phương, không biết họ là ai nên cần phải giữ bí mật riêng của mình, đặc biệt là thông tin cá nhân như tuổi tác, địa chỉ, thành viên gia đình, hoàn cảnh gia đình… Không nhất thiết phải nói rõ đầu đuôi ngọn ngành cho họ, điều này rất nguy hiểm. Bởi không chừng đó là kẻ phạm tội quen kiểu tìm đối tượng hạ thủ bằng con đường Internet.

Khi tham gia Internet chúng ta phải biết cách bảo vệ chính mình và giữ kín bí mật cá nhân. Nếu trao đổi ý kiến với nhau về một vấn đề nào đó thì ta không cần quá hạn chế, có thể cùng trao đổi quan điểm khác nhau.

Hỏi: Sau một thời gian nói chuyện hai bên thấy tâm đầu ý hợp, rất có thể cùng đề nghị gặp mặt nhau, lúc này ta nên chú ý những gì, thưa thầy?

Đáp: Một khi nói chuyện tâm đầu ý hợp với nhau, hoặc ảo tưởng muốn giao du qua lại với đối phương, thậm chí muốn trở thành bạn đời thì lúc này trong tâm họ luôn ấp ủ ao ước gặp mặt nhau.

Khi hai bên hẹn gặp nhau, tôi nghĩ tốt nhất là nên có người thân hoặc bạn bè đi cùng, tuyệt đối không để tình trạng mới bắt đầu gặp mặt mà chỉ có hai người. Giả sử đối phương là nam giới, cần mời bạn bè cùng trang lứa đi theo, khi đối phương có ý muốn hại mình thì cũng không dám hạ thủ, như vậy sẽ an toàn hơn. Hơn nữa, có người tháp tùng theo sẽ dễ bề quan sát hơn. Còn nếu thấy người đó không có gì xấu xa, có thể giới thiệu người bạn đi cùng mình, như vậy sẽ không có trường hợp đáng tiếc nào phát sinh.

Khi sự việc tiến triển đến mức chỉ có hai người gặp nhau, ta cần phải suy nghĩ kỹ nhằm tránh để xảy ra bất cứ sự việc đáng tiếc nào, đặc biệt là hiện nay tình hình tội phạm mạng Internet diễn ra khắp mọi nơi, phải cẩn trọng để không bị rơi vào vùng bẫy của kẻ xấu. Cần có ý thức dự phòng đối với sự việc phát sinh ngoài ý muốn, ngoài quan sát các biểu hiện cá nhân của họ ra, ta cũng cần tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và các mối quan hệ xã hội khác.

Sau khi tìm hiểu về các phương diện như thế thì mới có thể tính đến chuyện yêu đương. Tuy cảm thấy trong lòng vô cùng quý mến đối phương nhưng cũng không nên nôn nóng đề cập quá nhiều đến chuyện tình cảm, điều này hết sức nguy hiểm.

Thanh niên thời hiện đại rất coi trọng “tốc độ nhanh”, ăn cũng chọn đồ ăn nhanh, kết bạn cũng tiếc rẻ chút thời gian. Kết giao bạn bè cần có thời gian dài bồi đắp, đúng như người đời thường nói “biết người biết mặt nhưng không biết lòng”, trong thời gian ngắn có thể họ giả trang lừa dối ta, nhưng không lâu sau chúng sẽ tự lộ cái đuôi hồ li ra!

Do vậy, tôi khuyên những người trẻ tuổi cần cảnh giác khi kết bằng hữu qua Internet, không được lơ là, quá tin tưởng đối phương. Khi giao tiếp hợp tác với họ cần tự tạo cho mình từng hàng rào bảo vệ riêng, tuyệt đối không được nóng lòng sốt ruột! Điều tiết tình cảm Bản chất của tình yêu hỏi: Thưa thầy, tình yêu có vai trò quan trọng như thế nào đối với phụ nữ và nam giới? Xin thầy giảng đôi chút về sự ảnh hưởng của tình yêu đối với con người.