NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP I
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch
NHÀ HÀNG HẢI SẢN
Nơi thành phố X có một nhà hàng hải sản vừa mới khai trương, rất bề thế, quy mô. Ngay cổng chủ tiệm còn cho dựng đại tôn tượng Quan Thế Âm Bồ tát, ngày ngày thắp hương nghi ngút… Tuy thờ phụng vậy, nhưng trong nhà hàng ngày nào cũng giết vô số hải sản tươi sống, thôi thì đủ kiểu: Chưng, nấu, quay, rán… thậm chí còn làm thịt cả những loài to lớn như: Xuyên sơn giáp, cá sấu, đà điểu v.v…
Ngay lúc quán này khai trương, tôi đã có linh cảm, nhìn ra và dự đoán được: Thọ mạng của quán này không dài!
Quả đúng vậy! Chẳng bao lâu, thằng con chủ quán theo một băng nhóm đánh lộn… làm công tử con của một nhà quyền quý bị thương phải nhập viện và biến thành người thực vật. Do công tử nằm nơi phòng cao cấp nên lợi nhuận chủ quán thu được hàng ngày, không đủ để nộp phí chữa chạy cho nạn nhân. Sau đó ông đành phải bỏ trốn, đến nay thì nhà hàng đã bị xiết trừ nợ và đổi thành môn đình.
Tuy là ông có thắp hương thờ cúng Phật nhưng lại chẳng minh lý (mà thờ Phật như thế là mê tín!) vì bản thân chẳng chịu nghiêm trì giới luật, nên mới chiêu lấy quả báo hiện tiền.
Lại có người sát sinh ăn thịt nhiều năm, đến nay thấy thân thể mình vẫn không bị chướng ngại gì chẳng hề biết đó là do đời quá khứ họ từng tạo nhiều phúc lớn, nên tạm thời ác báo chưa trổ, có thể ngày mai khi họ tiếp tục ăn thịt một chúng sinh nào khác, thì ác báo sẽ ập tới… Chẳng phải chúng ta thường chứng kiến cảnh: Có người bất ngờ bị tử vong hoặc biến thành tàn tật hay sao?
Sám văn:
Nếu hỏi vì sao những người tinh tấn tu hành, giữ giới trong sạch, đáng lẽ được thọ, nhưng lại đoản mệnh? Còn có người hàng thịt (đồ tể), đáng lẽ chết sớm, sao lại sống lâu? Kẻ thanh liêm đúng ra được giàu sang, nhưng sao lại nghèo thiếu? Còn phường tham lam trộm cướp, đáng lẽ phải nghèo khổ, nhưng lại giàu có phong lưu?
Những thắc mắc này, ai mà không nghĩ đến. Do không rõ những nghiệp nhân ẩn khuất gieo trồng, làm ra từ bao kiếp trước… Giải thích:
Có người còn nói: “Người tốt chẳng thọ, kẻ xấu sống ngàn năm”, lập luận này có đúng chăng? Đương nhiên là không!
Giáo lý Phật thuyết: “Cho dù trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo vẫn không mất”…
Như đã giải thích, nếu chúng ta gieo trong ruộng toàn hạt xấu giống tạp, thì mỗi loại sẽ phát triển khác nhau, thời gian khai hoa kết quả cũng không đồng. Thêm phần khác địa điểm, phong thổ, việc chăm sóc cũng khác, nên lúc khai hoa kết quả phải có sai biệt. Việc gieo nhân tạo nghiệp cũng giống vậy.
Hằng ngày chúng ta tạo bao nhiêu nghiệp thiện ác, nếu tính trọn cả đời, ta cũng vô phương tính ra. Huống nữa là tính từ vô thỉ kiếp đến giờ? Vả lại có nghiệp trả báo trước, có nghiệp trả sau (tùy luật nhân quả quyết định chứ không do chúng ta quyết). Chư Phật, Bồ-tát mặc dù có đại trí huệ thần thông, thấy biết hết nghiệp thiện ác của chúng ta làm, nhưng không thể khiến thiện nghiệp chúng ta tăng, hay ác nghiệp giảm đi một chút. Các Ngài chỉ có thể ngay lúc chúng ta phát nguyện dứt ác hành thiện, chịu sám hối, hồi tâm quay đầu… mà đến hỗ trợ, giúp chúng ta.
Nghĩa là các Ngài dùng phúc báu, trí huệ vạn đức trang nghiêm đầy đủ của mình mà gia trì: Khiến chúng ta khi thọ ác báo, thì hậu báo chuyển thành tiền báo, trọng báo đổi thành khinh báo.
Phật còn bảo chúng ta: Dù tội nghiệp lớn, chỉ cần thật lòng sám hối sửa đổi, thệ đoạn ác tu thiện thì có thể tiêu trừ dần.
“Họa phúc không cửa, do người tự chiêu”. Họa phúc xảy ra là do làm ác làm thiện mà có. Quả báo sớm muộn gì cũng sẽ tới. Nên nhớ kỹ: Chỉ cần lúc nào ta cũng luôn đoạn ác tu thiện thì hậu phúc sẽ đến.
Sám văn:
Kinh Bát Nhã dạy rằng: “Nếu ai đọc tụng kinh này, mà bị kẻ khác khinh chê, là do người ấy đời trước có tội nặng, đáng đọa vào đường ác.
Ngày nay nhờ bị người khinh chê nên tội đời trước được tiêu diệt”.
Giải thích:
Trong “Kinh Kim Cang” cũng dạy: nếu người trì giới tu hành, hằng đoạn ác tu thiện mà bị người chung quanh coi khinh, ấy là do người này nếu đời nay không thân cận Phật pháp, chẳng tin Phật, thì do nghiệp cực xấu của đời trước, sau khi chết đi sẽ bị đọa ác đạo. Nhờ họ gặp Phật pháp, biết tu hành, nghiêm trì giới luật, cho nên nghiệp đáng phải đọa ác đạo nay nhờ bị người khinh khi, nhục mạ, phỉ báng… mà được tiêu trừ. Vì vậy những người mắng họ, khinh họ là đang giúp họ tiêu nghiệp”.
Nếu hiểu rõ đạo lý “thay vì trả nghiệp nặng thì nhờ tu mà chuyển thành trả nhẹ”, thì bạn phải cảm tạ Phật và tri ân những người đang nhục mạ khinh khi kia mới đúng.