THÀNH TÂM ĐỂ THÀNH CÔNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
THIÊN THỨ BA
TẤM LÒNG BAO DUNG CÀNG LỚN, CÁI TÔI CÀNG NHỎ
Học Cách Nói Được Làm Được
Trong xã hội không ngừng thay đổi, sẽ không tránh khỏi những thay đổi.
Phải làm thế nào mới kiên định được quyết tâm và nghị lực của bản thân, khắc phục khó khăn, đạt tới mục tiêu của sự thay đổi?
Trong một xã hội đang từng phút từng giờ không ngừng thay đổi, sự thay đổi là khó tránh khỏi, cho dù theo đuổi bất kỳ công việc hay ngành nghề nào cũng cần có hai động lực bổ trợ cho nhau, thứ nhất đó là lòng quyết tâm, thứ hai là nghị lực. Hai động lực này hỗ trợ cho nhau, chính là động lực cần có, nhất định phải có và không thể thiếu. Sau khi bạn quyết định thay đổi, trong lòng sẽ có một suy nghĩ thúc giục mạnh mẽ phải thay đổi, muốn thay đổi, nếu không thay đổi sẽ mất đi hi vọng, sau khi đã quyết đinh thực hiện, cho dù là khó khăn đến đâu cũng đều dùng trí tuệ và sự nỗ lực để khắc phục khó khăn đó. Nói cách khác, khi đã quyết định làm việc gì đó hãy suy nghĩ một cách thấu đáo, và luôn tin chắc rằng sự thay đổi đó nhất định sẽ đem lại thành công hơn bây giờ.
Nếu đã quyết định thay đổi thì không nên do dự. Đã quyết định thì hãy bắt tay vào thực hiện, khi đã thực hiện rồi thì hãy kiên trì, điều này có quan hệ gần giống với thái độ tu hành.
Các tín đồ Phật giáo thường nói: học theo Phật một ngày, Phật sẽ ở ngay trước mắt; học theo Phật một năm, sẽ không nhìn thấy Phật. Sau mỗi ngày tu luyện được một thói quen tự nhiên sẽ cảm thấy như Phật đang ở bên cạnh mình, dần dần sẽ lười biếng, buông lỏng, không tích cực và nhiệt huyết như ban đầu. Đợi cho đến khi học theo Phật ba năm, ngay cả niềm tin tu thành Phật cũng không còn.
Làm lại từ đầu chứ không phải mãi cứ dậm chân tại chỗ Qua một thời gian dài, sẽ không dễ để duy trì cái nhiệt huyết ban đầu vì thế phải có lòng kiên trì, cũng chính là cần sự nỗ lực và bền bỉ, nếu không sẽ không kiên trì được mục tiêu; kiên trì không đồng nghĩa với cứng đầu, mà phải khôi phục lại nguyên tắc nỗ lực ban đầu, từng bước sửa chữa sai lầm, làm lại từ đầu.
Làm lại từ đầu không đồng nghĩa với việc quay lại bước lại từng bước ban đầu, mà phải bắt đầu từ bước đi bây giờ, điều chỉnh nhịp bước, và bước về phía trước. Khi thấy mình có biểu hiện lười biếng, dừng lại thêm nhiệt cho lòng nhiệt huyết đang bị nguội dần, tiếp tục bước về phía trước để đạt được mục tiêu. Trong quá trình bước tới tương lai, nhất định sẽ có nhiều trắc trở do các nguyên nhân khách quan mang lại, có thể sẽ là trở ngại cho việc duy trì lòng quyết tâm và hoài bão của bạn.
Nhưng cho dù bị cản trở thế nào, vẫn phải lấy lại nhiệt huyết ban đầu, nhắc nhở bản thân ngay từ bây giờ phải bước tiếp con đường đã chọn, cho dù có khó khăn đến đâu cũng phải bước tiếp, thành công sẽ ở phía cuối con đường.
Ngồi thiền – nuôi dưỡng nghị lực Nếu lòng quyết tâm và nghị lực không đủ lớn có thể rèn luyện thông qua nhiều phương pháp, ngồi thiền cũng là một phương pháp rất hiệu quả.
Ngồi thiền có thể rèn luyện nghị lực và kiên định ý chí của con người.
Có một vị giáo sư khi học ngồi thiền với sư phụ của ông ta, vị sư phụ này đặt lên chân ông ta một hòn đá thật nặng khiến ông ta không thể di chuyển được trong suốt hai giờ đồng hồ, chỉ còn có thể nghĩ cách để chịu được sự đau đớn về thể xác và nội tâm. Đối với những người bình thường, đây là một hình phạt tàn khốc, nhưng vị giáo sư này lại tình nguyện chấp nhận.
Trải qua thử thách khó khăn đó nghị lực để đối mặt với khó khăn của vị giáo sư này tăng lên, ông ta làm việc gì cũng kiên trì đến cùng, khi vẫn chưa đạt được mục tiêu, ông ta tuyệt đối không bỏ qua bất kỳ cơ hội nỗ lực nào.
Vì thế trước khi thay đổi phải cân nhắc liệu có đáng phải thay đổi hay không? Có thực sự cần thiết thay đổi hay không? Nếu vẫn do dự không quyết định được, điều đó cho thấy vẫn chưa sẵn sàng, trước mắt chưa thích hợp để thay đổi. Còn nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ có thể thất bại thảm hại, thì phải hành động ngay lập tức. Nếu không thì vừa cưỡi con ngựa già, vừa tìm con ngựa khác thay thế, phương pháp này có vẻ tương đối an toàn.
Không nên hành động theo cảm tính ở khúc cua trong cuộc sống con người, nhiều khi phải có tinh thần mạo hiểm. Nhưng nhân sinh vô thường, mấy mươi năm cuộc đời rút cuộc mấy khi mới có cơ hội tốt? Nếu cơ hội đến, trước khi có sự thay đổi phải cân nhắc thật kỹ đường tiến và lui, được mất về tinh thần và vật chất. Ví dụ, thay đổi trong quan hệ phu thê lẽ nào nhất định phải ly hôn sao? Cả hai hãy thử thay đổi thái độ sống, cùng nuôi dưỡng sở thích chung, lẽ nào như thế không được gọi là thay đổi hay sao? Còn ly hôn để tìm một nửa khác liệu có được gọi là thay đổi thành công hay không? Vì thế, liên quan tới sự thay đổi trong chân trời cuộc sống, phải suy nghĩ một cách kỹ càng, không nên vì một suy nghĩ cảm tính nhất thời mà hành động bừa bãi.
Giả sử bạn phải đối mặt với tình huống nước sôi lửa bỏng, đương nhiên lúc đó phải có sự thay đổi. Nhưng khi tình hình chưa đến mức nước sôi lửa bỏng, mà cũng không có gì đảm bảo để bước tiếp, hơn nữa cũng không chắc sẽ có điều gì đảm bảo sau khi thay đổi, lúc này cơ hội chỉ chiếm một nửa. Hiện tại cũng chưa đến mức không thay đổi không được, lúc này tốt nhất bạn hãy suy nghĩ một chút. Nếu biết rõ rằng sau khi thay đổi sẽ có bao nhiêu phần trăm hoặc ít nhất hơn 60% hi vọng trở lên thì đương nhiên bạn nên lựa chọn thay đổi. Sau cùng cần phải tự hỏi: sự thay đổi này là vì lợi ích cá nhân hay vì lợi ích của tập thể, nếu chỉ vì lợi ích của cá nhân mình thì nên xem lại, còn ngược lại nếu vì lợi ích của tập thể thì đương nhiên càng phải cố gắng.