NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

BÀ LÀ AI?

Cuối năm 2006, Văn cư sĩ ở phố Tuy Hóa tỉnh Hắc Long Giang, gọi điện kề: Nửa tháng trước cô gặp một việc, đến giờ nhớ lại vẫn còn sợ vô cùng. Cô thuật lại câu chuyện như sau:

“Tòa lầu nhà tôi trú ngụ rất gần đường lộ, cách “Công ty sản xuất thực phẩm chay” của tôi chỉ có hai ngã tư. Chồng tôi là Bác sĩ bệnh viện, bệnh viện thì ở cách xa nhà tôi.

Hơn 7 giờ sáng tôi mới ra khỏi cửa, cổng nhà đối diện đường lộ, phía trong có một kệ để giày. Tôi có thói quen mỗi sáng sớm trước khi đi làm thường lau nhà sạch sẽ trừ trong ra ngoài. Lúc lau đến cửa, thì tôi dựng cây lau qua một bên, lấy giày trên kệ thay xong thì lui ra và khóa cửa lại, ngày nào cũng vậy.

Hôm đó, tôi lau nhà vừa xong, đang chuẩn bị ra khỏi cửa thì bên ngoài có người nhấn chuông.

Tôi ra mở cổng, thấy một bà nhà quê ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, mỉm cười đứng trước cửa.

Tôi hỏi:

– Thưa, dì tìm ai ạ?

Bà cười nói:

– Tìm cô đấy! Khuê nữ ơi, ta là dì con nè, không nhận ra… hay sao?

Tôi nghi ngại nói:

– Mẹ tôi không có chị em gái chi cả, nên tôi đâu có dì, bà nhìn nhầm người rồi!

Bà ta nói:

– Ôi chao! Người ở thành thị ngay cả bà con thân thích cũng quên hết ráo!…

Rồi bà có vẻ lúng túng không biết làm sao, nên định bỏ đi.

Khi đó tôi thấy tội nghiệp, bèn kêu:

– Dì ơi, dì có việc chi muốn nhờ con chăng? Nếu có thể giúp được, con sẽ làm…

Bà liền quay người lại, nói:

– Thế thì tốt rồi, nhưng mà nói… ở đây hả?

Thực tình tôi không muốn mời bà vào nhà, vì thấy giày bà dính đầy bùn đất, mà nhà tôi thì vừa mới lau xong còn ướt. Nhưng đây là một bà lão, tôi không thể làm gì khác hơn, bất đắc dĩ đành phải mời bà vào nhà. Khi ngồi xuống ghế xô-pha, tôi nghĩ thầm: “Lát nữa mình phải lau nhà lại thôi”…

Tôi hỏi:

Dì có chuyện chi cần, xin hãy nói ra… xem con có thể giúp được chăng?

Bà mỉm cười nói:

– Cũng không có gì quan trọng, chỉ là ta lên thành mua đồ, còn thiếu chút tiền, nên muốn tìm cô để mượn một ít…

Tôi nghe vậy liền nói:

– Không hề chi, con sẽ cho dì, nhưng xin mời dì đến công ty lấy nha. Do nhà chúng con hay bị trộm vào, mà chúng con đều đi làm cả, trong nhà lại không có ai, vì vậy mà tiền bạc đều cất ở công ty, cách đây không xa lắm, đi năm phút là tới!

Vừa nói tôi vừa đưa tay kéo bà ra, do sợ trễ giờ làm.

– Nhưng bà lão không nhúc nhích, bà nói:

– Không cần phải thế đâu, tôi chỉ mượn 30 đồng trong túi cô là đủ rồi!

– Vừa nói bà vừa đưa tay chỉ vào túi bên phải của tôi.

Tôi nói:

– Dì à, trên mình con thiệt không có tiền!

Tôi đáp và đưa tay sờ vào túi, bỗng phát hiện trong túi mình giống như là có tiền, liền rút ra xem: Quả nhiên có đúng 30 đồng! Trong lòng tuy cảm thấy kinh ngạc, nhưng do nôn đi làm nên tôi vội kéo bà ra cửa, vừa nhét tiền vào tay bà, vừa giải thích:

– Con phải đi làm rồi, nếu không đủ thì bà đến “Công ty đồ chay” tìm con mà lấy nhé.

Bà nói:

– Con gái à, con từ nhỏ đã tốt bụng, tương lai sẽ làm nên việc lớn đấy!…

Tôi một tay mở cửa, tay kia dẫn bà ra, cúi đầu chào từ biệt:

– Dì đi thong thả nhé!

Rồi tôi đóng cổng lại. Nhưng khi ngó vào trong thì phát hiện 30 đồng mình vừa cho bà lão đang nằm trên kệ giày. Thật vô lý! Làm sao có việc này được chứ? Bởi lúc tôi cho tiền thì đã kéo bà đi ngay ra cổng, đâu hề thấy bà lui vô tới gần kệ mà kịp để tiền?

Tôi vội quay ra, nhìn quanh tìm bà lão, lúc này người đi đường thưa thớt, thời gian chỉ trong nháy mắt, nhưng không còn thấy bóng dáng bà đâu…

Trong lòng quá thắc mắc, tôi liền quay vào nhà, thuận tay cầm cây lau, định lau nhà… nhưng tôi tròn mắt ngạc nhiên: Vì nền nhà tuy vẫn còn ướt như cũ, song không hề thấy vết giày bùn của bà lão lưu lại… Lúc đó tôi bỗng sợ đến nổi ốc, kinh hoảng đến toát mồ hôi đầm đìa! Bởi hồi nhỏ tôi thường nghe người lớn nói: “Quỷ đi trên đất không lưu dấu chân!”. Còn nữa, vì sao bà biết trong túi tôi có tiền và nói ra đúng con số “ba chục ngàn” trong khi ngay cả chính tôi còn không biết? Và tại sao tiền tôi đã đặt vào tay “ngay lúc bà ra khỏi nhà rồi” vậy mà bà vẫn có thể bỏ lại trên kệ giày? Vì sao bà mới vừa ra cổng, nhưng trong chớp mắt thì đã tìm không thấy?

Tôi chạy một hơi tới công ty, khi các bạn đồng nghiệp nhìn thấy tôi, đều ngạc nhiên hỏi:

– Vì sao mặt Giám đốc lại tái nhợt không còn chút máu như thế?

Họ đồng đoán rằng: “Chắc nhà tôi vừa xảy ra chuyện lớn”… nên xúm nhau hỏi thăm.

Tôi hấp tấp kể lại chuyện vừa xảy ra.

– Nhân viên thứ nhất nói:

– Giám đốc ơi, bà đó nhất định là quỷ rồi, bởi vì quỷ sợ ánh sáng, nên phải lo mà biến mát trước ban ngày… vì bây giờ mặt trời lên đã hơn một tiếng rồi, nên đâu còn thấy quỷ nữa?…

Người thứ hai thì bảo:

– Bà ta bỏ tiền lại, là không có ý lấy của hay hãm hại giám đốc chi…

Người thứ ba lại nói:

– Bà lão này nhất định là thần tiên, do quá khứ có duyên nên tìm đến điểm hóa cho chị đó…

Nghe họ nói một hồi, tôi bớt sợ, nhưng vẫn không dám về nhà một mình”…

Kể xong câu chuyện, cô nói:

– Bây giờ xin ngài vui lòng giải đáp giúp tôi. Tôi mỉm cười bảo:

– Chúc mừng Văn giám đốc! Nhân viên thứ ba nói đúng. Bà ấy đến là điểm hóa cho cô, tương lai sẽ làm nên việc lớn. Bà cũng thử xem cô có tâm từ bi và có lòng bố thí hay không?

Cô hỏi tôi:

-Tôi sẽ làm nên việc lớn gì ạ? Có phải công ty sản xuất đồ chay của tôi sẽ ngày càng phát chăng?

Tôi đáp:

– Không phải! Nghĩa là sê có ngày cô làm nên việc lớn: Hoằng pháp lợi sinh! Bà lão không là quỷ, cũng không phải tiên, mà chính là hóa thân Bồ tát Quan Thế Âm!

Cô nghe xong hết sức mừng rỡ.

Tôi bảo cô:

– Không nên âu lo. Hãy dốc sức tu tập, chỉnh sửa lại tất cả tật tính khuyết điểm của mình, dùng “Tứ chủng thanh tịnh minh hối” trong “Kinh Lăng Nghiêm” làm kim chỉ nam, thường tự phản tỉnh, kiểm lỗi mình để sống không phạm sai lầm. Ráng tô bồi phẩm hạnh cho ngày càng “hoàn mỹ”, được vậy thì sẽ có nhiều người vây quanh cô, quy hướng, nương hợp.

Cuộc điện đàm kết thúc trong vui vẻ.

Sau này cô trích máu chép “Kinh Địa Tạng”, và “Tứ chủng thanh tịnh minh hối”, tu hành rất tinh tấn.

Chư Phật, Bồ tát và các hộ pháp thiện thần lúc nào cũng chiếu cố chúng ta, nếu chúng ta nỗ lực tu tốt.

Tháng 11 năm 2003, tôi cùng chư Sư và các cư sĩ đi tham bái Đạo tràng Lục tổ ở Nam Hoa Tự, bỗng có một cư sĩ bị vấp té, suýt nữa thì làm hư tượng Lục tổ (cao gần ba mét) và đại thiền trượng nặng trám cân (là vật trân quý nhất Phật môn), may có vị Thần hộ pháp hóa hiện thân người, âm thầm hộ trì, nhờ vậy mới biến nguy thành an.

Việc Bồ tát Quan Thế Âm hiện thân giáo hóa người, vào thời kỳ đầu mới học Phật, tôi đã từng gặp qua. Ngài dùng đủ loại hình thức, giúp chúng ta thành tựu đạo nghiệp.

Chỉ có thực hành câu: “Thấy tất cả đều là Bồ tát, mình là phàm phu” đầy đủ, thì mới không phạm lỗi. Nếu không làm được vậy thì xem như thi chẳng đậu, sẽ phải xấu hổ đối với sự gia hộ của chư Phật, Bồ tát.

Phải biết trong số dâm nữ, quả phụ, đạo tặc… đều có thể là hóa thân chư Phật, Bồ tát hoặc A la hán ẩn trong đó, đến để trui rèn, giúp cho ta thành tựu.

Ngay trên trời cũng có rất nhiều thần, mỗi vị giữ một chức, có trách nhiệm riêng, ai lo việc nấy. Những người ở thế gian tâm cực kỳ thanh tịnh cũng có thể giao lưu cùng họ.

Như trong số chư thần, có Thần Ẩm thực: Đối với người trì giới, những người tu học Phật dứt tuyệt đồ mặn ăn chay trường, vị Thần này sẽ đặc biệt hộ trì, trong vô hình u ẩn ông ngầm giúp cho việc làm cơm tăng thêm mỹ vị, khiến thức dùng trở nên rất ngon, mong lấy đây làm trợ duyên tăng thêm đạo tâm cho người học Phật, đó là công đức mà ông muốn tạo ra.

Những vị Thần chủ quản về Ẩm thực, ngay cả việc bạn hằng ngày ăn gì, không nên ăn gì, đến lúc nào bạn không có đồ ăn, họ sẽ dựa theo nhân đời trước của bạn gieo trồng, mà sắp xếp an bài đâu ra đó. Trừ phi bạn tu hành tốt, thì mới có thể chuyển biến, thay đổi… Trong “Kinh Địa Tạng” kể rất nhiều về các quỷ thần, mỗi vị đều có chức trách và nhiệm vụ riêng, bất kể bạn tin hay không, họ vẫn tồn tại!

Những người sát sinh ăn thịt, ngay lúc họ sinh con, thì loài quỷ chuyên hút máu sẽ tìm đến ăn huyết dơ, thế nên khi sản phụ bị âm khí tấn công tất nhiên sức khỏe phải suy, mắc nhiều bệnh. Trẻ sinh ra do bị âm khí, nên trong vòng ba tuổi hay mắc bệnh khó nuôi. Chưa kể là đang còn trong tháng mà gia đình lo giết gà mổ cá… cho đây là thức ăn có đủ dinh dưỡng giúp tẩm bổ thân thể, mà họ hoàn toàn khống biết rằng: Làm vậy chính là đang tạo ác, sẽ mắc nợ mạng vô lượng chúng sinh…

“Do không hiểu Phật pháp, nên khi khởi tâm động niệm gì cũng đều là tội!”… Xin đừng hoài nghi câu văn nào trong “Lương Hoàng Sám”, cũng đừng cho rằng những câu chuyện tôi kể, ghi ra đây là bịa đặt! Xin cam đoan những gì tôi đã viết trong “Báo ứng Hiện Đời”… và trong cuốn sách này, mỗi chuyện đều là: Người thực việc thực hẳn hoi!

Sám văn:

Đại chúng đã biết chư Thiên, Thần vương luôn có ân đức che chở như vậy mà chúng sinh chưa từng nghĩ nhớ, phát tàm báo đáp ân đức ấy.

Cổ nhân còn có thể xả thân chỉ vì nhớ ân một bữa cơm giúp họ no lòng. Huống chi chư Thiên, chư Thần, bát bộ Thần vương, bát bộ Thần tướng… đối với chúng sinh có ân đức nhiều như thế! Có thể nói công đức ân huệ nầy rộng lớn vô bờ, không cùng tận.

Chư Đại Bồ tát thường tán thán: Thiện trí thức là nhân duyên rắt lớn, giúp ta tiến thẳng đến Đạo tràng. Nên dù tan xương nát thịt cũng khó thề báo đáp lòng từ rộng lớn, thâm ân cao cả dường ấy…

Giải thích:

Chúng ta tu theo Phật giáo là nguyện thành Phật đạo. Từ địa ngục A tỳ, cũng có hóa thân Bồ tát Địa Tạng Vương, Ngài dùng đủ phương tiện giáo hóa chúng sinh trong địa ngục thoát khổ. Trong địa ngục, kể cả hàng ngoại đạo, cũng có hóa thân Đại Bồ tát đến độ họ.

Trong “Phổ Môn Phẩm” giảng: Bồ tát Quan Thế Âm dùng đủ hình tướng hóa độ… Thế nên đã là đệ tử Phật thì ta không nên tùy tiện phê bình các tôn giáo khác. Người chân chính học Phật cần phải có tâm khoan dung từ bi xem tất cả bình đẳng, dung nạp tất cả chúng sinh không ngại.

Bá tính bình dân Trung quốc thường thờ Ngũ đại tiên là: “Hồ Ly, Chồn, Rắn, Chuột, Nhím”, bọn chúng vốn thuộc tầng lớp súc sinh. Nhưng người dân lại tôn là “Tiên” và ưa thờ, còn thắp hương lễ bái chúng để cầu xin này nọ… Nhưng nếu xét theo lục đạo thì: Con người vốn ở trên, cao hơn súc sinh, vì vậy ta không nên khấu đầu lạy súc sinh, cầu nó ban phúc…