CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
23. TRẦN VĂN TƯ (1922 – 1982) 60 Tuổi
Ông Trần Văn Tư sinh năm 1922, nguyên quán xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Song thân là cụ ông Trần Văn Hây, và cụ bà Nguyễn Thị Hai. Ông đứng thứ Tư trong gia đình. Khi mẹ ông sinh người em kế của ông thì bà qua đời.
Khi đến tuổi trưởng thành ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Hai, sinh được 6 người con, 1 trai 5 gái. Nhà ông thay đổi rất nhiều chỗ, như: Mỹ Đức, Kinh Đào,… cuối cùng định cư tại Kinh Xáng Vịnh Tre, thuộc ấp Mỹ Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Gia đình ông sanh sống bằng nghề làm ruộng.
Tính tình ông siêng năng, cần mẫn, chân thật, hài hòa.
Ông đến với Tam bảo rất sớm, nhờ thừa hưởng di sản tinh thần tốt đẹp của cha, mặc dù cha mất trước khi ông lập gia đình. Ông dùng chay kỳ mỗi tháng bốn ngày, và mỗi ngày giữ đều đặn hai thời lễ Phật sám nguyện sớm tối, làm tròn bổn phận một cư sĩ tại gia “Học Phật Tu Nhân”.
Do hoàn cảnh sống thuở thơ đồng khá khó khăn nên ông thất học, không biết chữ nhưng ông chẳng cho đứa con nào của mình dốt cả!
Đối với xóm chòm ông chưa hề mích lòng một ai. Họ hàng thân thích bên vợ rất thương mến ông.
Đối với con cái ông quan tâm dạy dỗ từng ly từng tý, nhất là nguyên tắc sống cũng như tư cách phẩm đức làm người, ngắn gọn đơn giản rất thực tế trong đời sống thường nhật để cho con làm theo, chứ không phải bao thứ áo diệu cao vời, chẳn hạn:
-Khi lên mâm cơm, các con phải chờ cha, mẹ, những người lớn ngồi trước rồi các con mới được ngồi!…
Khi ăn cá, các con phải ăn từ dưới lần lên, chớ không được ăn từ trên xuống (để tránh tham ăn)…
Những nguyên tắc sống này hoàn toàn tương ưng với lời của Đức Khổng Tử: “Biết được thứ tự trước sau tức gần với Đạo rồi vậy!”. Đạo mà Ngài nói ở đây chính là chỉ cho nguyên lý vận hành của vạn vật, luôn biến chuyển không ngừng nhưng lại tuân thủ đúng trình tự quy củ nhất định. Cái gì phù hợp với Đạo thì sẽ tồn tại hưng thịnh; nếu trái lại nhất định sẽ suy bại tiêu vong.
Ông luôn giáo huấn các con: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, không được gian tham bất cứ thứ gì, cho dù nhỏ nhít như cây kim cọng cỏ. Khi thấy các con mình có dùng xài vật dụng nào lạ, là ông điều tra kỹ lưỡng cẩn thận. Lần nọ cô con gái thứ Sáu của ông đi dự lễ, được ông Tư Trầm cho cái đèn pin, cô mừng lắm (thời buổi ấy món gia dụng này được xem là thứ chẳng phải tầm thường). Khi về cô khoe với mọi người trong nhà. Ông vẫn không tin là chắc đúng như vậy. Đến khi được chính miệng ông Tư xác nhận, ông mới chịu cho qua.
Hằng năm ông cúng dường các thực phẩm hoa màu mà gia đình ông trồng tỉa nhân ngày rằm, lễ lớn cho các nơi: An Hòa Tự, Tây An Cổ Tự, Tổ Đình…Và còn tích cực ra sức tham gia công quả trong những dịp ấy.
*****
Năm 1976 ông phát tâm trường chay, lúc này trong gia đình cô con gái thứ Ba ăn chay trước đó đã bảy, tám năm.
Ông có nhân duyên với pháp môn Tịnh Độ, chăm lo ăn hiền ở lành, cố gắng bỏ những điều xấu ác, niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, tu theo phương châm: “Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc”.
Đời tu của ông âm thầm bình dị, lại rất chất phác thật thà, chú trọng thực chất, xem nhẹ hư danh, chẳng rơi vào hình thức phô trương, đặc biệt tín tâm của ông đối với Tam Bảo vô cùng kiên định dường như là kim cương bảo ngọc! Như lời dạy của Cổ Đức:
“Lo đạo đức như lo cơm bữa,
Nhớ Phật như mẹ nhớ con cưng.
Tất nhiên không còn tạo nghiệp trần,
Cảnh Phật sẽ đặt chơn vào được.
Từ làm tội đổi ra làm phước,
Chỉ cách nhau ở chỗ quyết tâm.
Đâu phải là cách trở xa xăm,
Mà sanh chúng bảo rằng khó đổi.
Việc làm phước hay là làm tội,
Đều tại mình không phải tại ai.
Nếu muốn tu thì cứ tu ngay,
Chớ đừng có đợi mai đợi mốt.
Lòng cương quyết dù ai muốn cột,
Cũng không làm sao buộc được mình.
Nếu người tu có đủ đức tin,
Sẽ thắng được cảnh tình trắc trở.
Lòng tin tưởng vốn là cơ sở,
Tin tưởng càng mạnh mẽ chừng nào,
Mục đích càng sẽ được tới mau,
Không ai có thể nào xô ngã.
Tin tưởng mạnh đạo mau đắc quả,
Đạo có tin mới có thể tu;
Tu không tin thì đạo mờ lu;
Đạo tin mạnh lỗi nào cũng bỏ.
Tin biết xét là tin sáng tỏ,
Tin không suy tin đó tối tăm.
Tin tưởng là căn bản đành rằng,
Không suy xét tin càng nguy hiểm.
Vì đạo chánh thì là rất hiếm,
Còn đạo tà khỏi kiếm cũng ra.
Nếu tin càn dễ lạc đường ma,
Rất khó được sang qua cõi Phật.
Phải suy xét cho tường sự thật,
Thật chơn tu thật đức từ bi.
Thật là đường giải thoát mê ly,
Chừng ấy sẽ qui y tin tưởng.
Thấy linh nghiệm rồi tin càn bướng,
Thấy hay ho rồi muốn theo đi,
Chánh hay tà không chịu xét suy,
Tin như thế làm nguy hại kiếp.
Lọt vào lưới mới quày sao kịp,
Mắc bẫy rồi muốn dứt sao ra.
Để lòng tin lầm lạc đường tà,
Hồi tỉnh được thật là rất khó.
Nên cần phải nhắc cho lớn nhỏ,
Đối sự chi cũng chớ tin càn.
Phải dò sau xét trước đàng hoàng,
Thật chánh đáng rồi tin mới vững.
Bị lầm lạc chỉ trong một bận,
Đủ làm cho thân phận đảo điên.
Lầm của tiền có thể tạo nên,
Còn lầm mạng không phương lấy lại.
Tin đúng chỗ phước lưu vạn đại,
Tin sai đường di hại thiên niên.
Sự tin là quan trọng vô biên,
Phải dè dặt chớ nên tin bướng.
Sống gần kẻ có nhiều tin tưởng,
Rất dễ gây ảnh hưởng đến mình.
Nếu mình không suy xét cho minh,
Thì sẽ bị cảm tình lôi cuốn.
Ví như rượu mình không hề uống,
Nhưng gặp người đem đến mời luôn,
Khó làm cho người nhịn miệng suông,
Mười người bị uống luôn hết chín.
Vì lẽ đó cần nên bình tĩnh,
Chớ để cho nhẹ tính điều nào.
Mỗi người thường tin tưởng khác nhau,
Thấy người bước bước theo không được.
Tin lầm ít khi nào được phước,
Mà thường hay bị chuốc tội thêm.
Gặp thời kỳ đạo mọc như nêm,
Trong sanh chúng lầm tin rất dễ.
Tin lầm đến phạm vào luật lệ,
Tin lầm gây trái lẽ công minh,
Tin lầm làm đảo ngược kệ kinh,
Tin lầm tội mà tin rằng phước,
Tin lầm khiến tan nhà mất nước,
Tin lầm làm kẻ khóc người than,
Tin lầm gây thống khổ họ hàng,
Tin lầm khiến tiêu tan sự nghiệp,
Tin lầm dẫn đến nơi lừa bịp,
Tin lầm gây ra việc sát nhơn,
Tin lầm đành lấy oán trả ơn,
Tin lầm mắng Thánh Thần không nể,
Tin lầm khiến làm điều tội tệ,
Tin lầm đi bác bẻ Phật ngôn,
Tin lầm mình dại tưởng là khôn,
Tin lầm mới tự tôn tự đại,
Tin lầm chỉ có đời hiện tại,
Tin lầm không ai thấy việc mình,
Tin lầm tin hoặc kẻ truyền tin,
Tin lầm có hằng nghìn muôn chuyện,
Tin ở sách hoặc tin ở miệng,
Hoặc là tin ở chuyện mắt trông,
Hoặc tự suy rồi tự tin lòng,
Có nhiều cách tin không kể xiết;
Tin lầm việc hoặc tin đúng việc,
Là vấn đề quan thiết vô cùng.
Sự vui tươi hay việc hãi hùng,
Đều quan hệ với lòng tin ấy.
Sống chết cũng liên quan vào đấy,
Vinh nhục đều bởi tại nó ra.
Từ xưa nay trong cõi người ta,
Việc thành bại đều do tin tưởng.
Nếu tin đúng thì thành hình tượng,
Bằng tin sai thì uổng công phu.
Lên Thiên Đường hay xuống ngục tù,
Do tin đúng hay là không đúng.
Nào Thánh chiến vô cùng kinh khủng,
Nào Đảng tranh chấn động đất trời,
Đã diễn ra khắp chốn cùng nơi,
Đều do ở lòng người tin tưởng.
Tin gây chiến là tin hẹp lượng,
Tin gây hòa là rộng sự tin.
Tin cách nào cứu được sanh linh,
Như thế mới là tin chánh đáng.
…
Tin Ta Bà khổ, cần nên nhàm chán,
Tin Cực Lạc vui, sớm rán sanh qua.
Tin Hồng Danh sáu chữ Di Đà,
Là Thần Dược giúp ta giải khổ.
Quyết lòng về Tịnh Độ,
Dứt sinh tử luân hồi.
Niềm tin mà có được,
Chín Phẩm chễm chệ ngồi!”
********
Năm 1982, vào khoảng tháng 3, đột nhiên ông bị tai biến nhẹ, nửa thân bên trái bị liệt. Cô Ba định đưa ông đi bệnh viện để khám và điều trị, ông hỏi cô rằng:
-Con có tin Thầy là Cổ Phật trở lại hay không?
-Dạ có! Thưa ba.
-Con có tin ông Thanh Sĩ là bậc Bồ Tát lâm phàm hay không?
-Dạ có! Thưa ba.
-Nếu tin thì tại sao con lại đòi đưa ba đi bệnh viện, là tại sao? Đi bệnh viện là mình tin bác sĩ hơn là tin Thầy Tổ. Như vậy là niềm tin của mình đặt nơi Thầy Tổ không trọn vẹn rồi! Như vậy là không được! Thôi, không có đi bệnh viện nào hết, để ba ở nhà ba lo niệm Phật đặng vãng sanh!
Cô con gái im lặng không mở lời thêm được nữa.
Nhiều đồng tu hay tin đến thăm cũng hối thúc ông đi bệnh viện để chữa trị, ông vẫn không thay đổi lập trường của mình.
Ít lâu sau, thấy cha mình mất ngủ liên tục nhiều đêm, cô Ba trong lòng cảm nghe xót xa và lo lắng, cô bèn đem sự việc trình bày cho ông Tám Học, một bạn tu thâm giao cũng là người bạn láng giềng vô cùng thân thiết với ông, để nhờ ông Tám khuyên giúp.
Ông Tám cùng một số đồng đạo đến thăm. Qua một hồi tâm sự vả lả, ông Tám mới tóm kết vấn đề:
-Ừ, thôi! Bây giờ anh cứ đi bệnh viện đi, chừng nào không hết thì về!
Vị bụng người bạn tri âm tri kỷ của mình, nên ông bảo cô Ba đưa ông đi Bệnh Viện Châu Phú vào một buổi chiều nhạt nắng trời xanh mây trắng. Sáng hôm sau, bác sĩ mới khám sơ bộ vừa xong, là ông đã hối hả đốc thúc cô Ba:
-Thôi! Mình về con ơi!
-Chưa gì hết trơn mà về sao, thưa ba?
-Nếu con không về thì ba về!
Thế là cô đành phải đưa ông ra về khi hãy còn tinh mơ sương hồng nắng ngọc, chim đầu cành đua hót líu lo.
Cũng từ đó ông chỉ lo niệm Phật, không hề dùng bất cứ loại thuốc nào, mặc cho biết bao lời ra tiếng vào, đủ mọi thứ thị phi, vẫn không xoay lật được lập trường kiên định của ông. Điều này cho thấy niềm tin của ông đối với lý nhân quả vô cùng kiên định. Hơn hẳn nhiều vị tu hành lâu năm, kinh sách liền tay, tài biện luận như mây trôi gió cuốn, nhưng khi đối diện với cháu chít cháu chắt của con ma bệnh thì đã bấn loạn tinh thần, thất kinh hồn vía, thầy thuốc chỉ mới thốt nửa lời là tốc hành xin tì với Phật Tổ cho con được trở đũa nghỉ xả hơi, hẹn chừng mạnh khỏe con sẽ tiếp tục chay lạt tu trì trở lại! Cũng cần nhớ là chắc gì chính mình lại chẳng rơi vào trường hợp y như thế, cho nên chớ vội khinh cười hay xem thường bất cứ một ai!
Thiện Đạo Đại Sư là Phật A Di Đà thị hiện, cũng là Tổ Sư đời thứ hai của Tịnh Độ Tông, Ngài có dạy rằng:
-“Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh Độ thì điểm cần yếu là đừng nên sợ chết. Phải thường nghĩ thân này nhơ nhớp, biết bao điều khổ lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực Lạc thọ thân kim cương thanh tịnh sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô lượng sự an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trân phục, còn điều chi đáng thích ý bằng! Nghĩ như thế, buông hẳn thân tâm, không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bịnh, liền tưởng đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác. Cũng không nên dùng lời dịu dàng an ủi, chúc cho sớm được lành vui, vì đó chỉ là chuyện bông lông, vô ích. Phải bảo trước cho quyến thuộc hết, lúc mình bịnh ngặt sắp chết, đừng rơi lệ thương khóc, hoặc phát ra tiếng than thở âu sầu, làm kẻ lâm chungrối loạn tâm thần, lạc mất chánh niệm. Nói tóm lại, tất cả chỉ giữ một việc xưng danh trợ niệm cho đến sau khi tắt hơi. Nếu lại được bậc tri thức hiểu rành về Tịnh Độ thường đến nhắc khuyên thật là diệu hạnh! Như lúc lâm chung biết áp dụng phương pháp này tất sẽ được vãng sanh không còn nghi ngờ chi nữa.
Việc vượt qua cửa tử là điều rất quan hệ lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm, tất nhiều kiếp sẽ chịu khổ lụy đâu có ai thay thế cho mình? Phải chú ý nghĩ suy và ghi nhớ kỹ!”
********
Vào khoảng rằm tháng 6 (trước khi mất nửa tháng), một hôm ông nói với ông Tám:
-Chú Tám, chú bảo mấy đứa cháu đóng giùm tôi cái ghế thờ!
-Cái chuyện đó đâu có gấp gáp gì anh ơi! Tới đâu… mình để tới đó… tính chớ gì!
-Tôi có chết thì những lời của tôi để lại… Thí dụ như hồi đó cha của tôi chết, thì bó lại đem đi chôn; còn bây giờ tôi chết thì cũng bó luôn chớ không có hòm rương gì hết, nghen chú Tám!
-Không được anh ơi! Ngày xưa khác, bây giờ khác. Giả dụ như mình không mua hòm tốt thì mình mua cái hòm nhỏ thôi, đơn sơ cũng được.
-Mình tu theo lời Thầy Tổ dạy, đời sống cần đơn giản, đừng rườm rà. Cái gì xét thấy không ích lợi thì thôi đừng làm. Hơn nữa người chết rồi chôn xuống đất đâu có ý nghĩa gì đâu, chú ơi! Tôi… thì… quyết định phải bó thôi!
Nhưng sau đó cô Ba nhờ ông Tám năn nỉ ba mình:
-Thưa chú Tám! Con nhờ chú làm ơn nói với ba của con giùm… Là thời buổi này không thể nào bó được! Thì thôi bây giờ mình có thể… thỉnh về cái hòm bằng gòn đi, để cho nó kín đáo một chút. Chứ bó… con nhìn thấy… con đau lòng lắm, chú ơi!
Thế là đêm ấy ông Tám cùng một số đồng tu nài nỉ miết, cuối cùng ông chấp nhận. Rồi quay sang vấn đề tang chế, ông nói:
-Sau khi tôi mất rồi không cần để tang, nghen chú Tám! Bởi vì nó không có ý nghĩa gì cả!
-Thật sự thì vấn đề này đối với tôi và anh là người trong nhà, biết nhau thì được rồi. Còn đối với người bên ngoài, người ta không hiểu, họ sẽ đặt nghi vấn rằng: “Không biết ông này đối với gia đình ra làm sao? Hay ngược lại, gia đình đối với ông này như thế nào? Mà tại sao ổng chết mà không có ai để tang ổng hết trơn hết trọi vậy?” Như thế là mình đã tạo cái duyên để cho họ có tư tưởng hiểu sai lầm. Mà như vậy thì không có tốt anh ơi!
-Nếu chú nói như vậy thì tôi nghe cũng được. Vậy thì để tang thì để, mỗi người một miếng khăn cho có hình thức thôi, nghen chú Tám!
-Ừ! Anh đề nghị như vậy cũng phải, tôi thống nhất tán đồng!
***********
Thể lực của ông bắt đầu suy kém, thường xuất hiện những cơn mệt nhiều. Tuy nhiên khi qua cơn mệt, ông vẫn còn có thể chống gậy đi gần gần xung quanh nhà, ăn uống cũng khỏi phải cần thân nhân phụ giúp.
Ngày 26 tháng 6 (trước lúc mất 5 ngày), có mặt các con, ông hỏi bà rằng:
-Đến chừng tôi mất bà có khóc không?
-Nếu mà ông niệm Phật đàng hoàng thì tôi không khóc!
Nghe bà nói như thế ông xoay qua vấn đề chia tài sản:
-Sau khi ba mãn phần rồi, số ruộng đất để lại, con trai thì 10 công đất, còn con gái thì mỗi đứa 5 công. Phần còn dư lại là phần của bà đó nghen!
Cô Năm chen vào:
-Thưa ba! Từ hồi nào tới giờ ba lo cho vợ, lo cho con, giờ phút này ba lo cho ba nghen ba? Giờ phút này là giờ phút của ba, chứ không còn phải lo cho ai nữa hết, bây giờ ba rán ba lo niệm Phật!
-Ừ! Được rồi, ba sẽ niệm Phật đàng hoàng cho con toại nguyện!
Ngày 28 tháng 6, khi ông Chín Đàn đến thăm, ông hối thúc ông Chín:
-Cây cối tôi đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Chú kêu mấy đứa đóng giùm tôi cái ghế thờ!
Kế đó ông lại quay sang nói với cô Ba:
-Bây giờ con đi chợ mua đồ liệm đầy đủ hết đi! Nữa khỏi lu bu.
Hôm sau khi đã đi chợ mua đồ liệm đầy đủ các thứ đem về trình cho ông xem. Xem xong, ông bảo:
-Ừ! Vậy thôi con đem cất hết đi! Để không thôi, nữa có một mình con xoay trở không kịp. Cái gì tính trước được thì tính.
Ngày 30 ông ngưng ăn chỉ uống nước cúng Phật cho tới lúc mãn phần.
******
Chiều ngày mùng 1 ông Tư Trầm, đạp xe vào thăm ông, đồng thời tặng ông 100.000 để ông mua thuốc uống, lúc đó số tiền ấy có giá trị rất lớn. Ông không nhận, vừa cảm động vừa năn nỉ ông Tư nên mang số tiền ấy về để lo làm Phật sự vì ông chưa từng dùng thuốc bao giờ. Thấy ông không nhận ông Tư giận quá bỏ ra về, cô Ba cố hết sức mời ông ở lại nghỉ qua đêm vì trời đã tối, đường về lại còn rất xa, nhưng ông Tư vẫn nhất quyết ra Cái Dầu trú tạm nơi nhà một số bạn đồng tu chứ không chịu ở lại, dù cô Ba rất thiết tha nài nỉ.
Hay tin ông bệnh, chuẩn bị lo hậu sự trước như vậy nên bạn đồng tu các nơi đến thăm. Cô Ba ban ngày lo tiếp, tối đến phải thức để canh bệnh cho ông. Thấy con mình vất vả như thế, ông than thở:
-Tội nghiệp con tôi quá, thức với tôi hoài suốt sáng đêm!
-Con còn mạnh khỏe con thức không sao, thưa ba! Còn ba bệnh, ba thức mới mệt!
-Ba đâu có mệt đâu con! Hổm rày 2 ngày 2 đêm ba không có ngủ, ba lo ba niệm Phật. Bây giờ ba không niệm nó cũng tự niệm. Tối nay con lấy máy ‘ấp chiến lược’ kê sát lỗ tai của ba xem coi có hãm được tiếng niệm Phật của ba hay không?
Tối đến cô mới đem chiếc radio lại vặn hết ga. Một lát sau ông cho con ông và mọi người biết:
-Nó không thể nào hãm được tiếng niệm Phật của tôi. Tiếng niệm Phật của tôi luôn um xùm vang dội trong lỗ tai của tôi suốt đêm suốt ngày… Dường như tôi không niệm mà nó tự niệm, chú Tám ơi!
Con ông cùng những đồng tu có mặt đều giật mình!
********
Sáng ngày mùng 2, vào lúc 4 giờ, ông cho mọi người biết:
-Bây giờ nó chết từ bàn chân của ba nó chết lên!
Thấy bàn chân ông lạnh, cô Ba mới đề nghị:
-Thôi, bây giờ con lấy bông gòn thấm alcool đốt lửa hơ cho ấm, thưa ba?
-Cha bác sĩ cũng chết nữa, nghen con!
Thế là mọi người vây xung quanh lo nhất tâm nhất ý cùng niệm Phật với ông.
Đến 7 giờ liên hữu Nhường ở Cái Dầu đạp xe vào tới, bởi chú là giáo viên cấp một, dạo trước có khoảng thời gian ở trọ nhà ông để dạy học, nên hồi tối ông Tư Trầm ghé ngủ đã tường thuật bệnh trạng của ông, do vậy mà chú cùng bạn mình là liên hữu Cấy vào thăm ông, lúc này ông cho biết nó lạnh lên tới nửa cẳng chân rồi.
Thấy khách đến ông bảo con:
-Dọn cơm cho mấy cháu dùng đi, kẻo không thôi một chút nữa lu bu lắm con ơi!
Chư liên hữu dùng cơm xong, ông cho biết rằng mình đã chết tới đầu gối rồi! Đồng thời ông cũng nhờ đỡ ngồi dậy để kỉnh lễ Tam Bảo và Tổ Thầy. Khi xá lễ xong, mọi người đỡ ông nằm xuống, rồi ông lại cho biết mình đã lạnh tới lưng quần.
Khi ông cho biết nó chết lên đến lưng quần, thì bà bỗng dưng tự động tuôn tràn hai dòng lệ, rồi tiếp theo đó là vài cô con gái cũng rưng rưng nước mắt theo. Thấy thế ông khoát tay nói với bà rằng:
-Bà hứa với tôi ra sao mà bây giờ bà lại khóc? Thôi, bà hãy bước ra ngoài lau nước mắt đi, rồi hãy vô đây! Mấy đứa cũng vậy, đi lau nước mắt hết đi!
Cô Ba bèn nói với ông:
-Ba, rán niệm Phật nghen ba! Thầy nói: “Ao sen báu Tây Phương đua nở; Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm”. Ba cố gắng bình tỉnh nghen ba, giờ phút này là giờ phút ăn thua, đó ba!
-Ba biết rồi!
Kế đó bà Tư em ruột của bà cũng khóc thút thít, ông quay sang nói:
-Dì Tư! Sao lại khóc? Lẽ ra anh khóc cho em mới phải,… Anh không khóc thì thôi! Tại sao em khóc cho anh… là khóc làm sao?
Xung quanh thân quyến và đồng tu cùng nhau niệm Phật đưa tiễn ông. Có đứa cháu ngoại mới 4 tuổi, từ phía ngoài vừa chen vào vừa la to:
-Cho tui niệm Phật với coi! Cho tui niệm Phật với coi! Cho tui niệm Phật với ông ngoại!
Nó chen vào đứng chắp tay niệm thật lớn, âm thanh vang rổn rảng. Bé niệm rất chí thành tha thiết, thấy dễ thương, ông đưa tay cầm cây quạt nhịp nhịp nhè nhẹ lên đầu của nó.
Đến khi ông bảo đã chết lên tới ngực trong khi nhìn hơi thở của ông vẫn thong thả, chầm chậm đều đặn bình thường. Mọi người ai ai cũng bồi hồi, xúc động mãnh liệt, miệng niệm Phật với lòng vô cùng thành khẩn trộn lẫn bao nỗi mừng lo, mà đôi mắt cứ dán vào ông. Được một lúc, cô Ba bèn yêu cầu mọi người:
-Ba tôi đã chết tới ngực rồi! Thôi, bây giờ mình niệm Tây Phương Tiếp dẫn đi!…
Cô chưa nói dứt, thì thấy ông mở mắt ra, bảo rằng:
-Khoan! Đợi một chút con ơi, đợi một chút!
Nghe ông nói thế mọi người vẫn niệm sáu chữ như cũ. Đến gần 12 giờ, đang niệm sáu chữ đột nhiên ông đổi sang niệm bốn chữ: A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,…được năm sáu câu gì đó, thì ông lại đổi sang niệm chỉ còn hai chữ: Đà Phật, Đà Phật, Đà Phật! Niệm đến câu thứ ba thì ông lặng lẽ đưa mắt đảo nhìn mọi người hiện diện đang đứng hộ niệm. Nhìn xong, ông nhẹ nhàng an tường trút hơi thở cuối cùng, đôi mắt từ từ khép lại, giã biệt cõi bụi hồng dẫy đầy khổ đau và toàn là mộng mị giả ảo, để sang bên kia thế giới an lành. Lúc ấy đúng 12 giờ trưa, ngày mùng 2 tháng 7 năm 1982. Ông thọ 60 tuổi.
***********
* Ngay khi ông vừa dứt thở, bên kia sông có nhiều người trông thấy trên nóc nhà ông hực sáng, ai cũng ngỡ là nhà cháy. Đồng thời có đứa bé độ khoảng 12, 13 tuổi ở ngoài đồng chạy vào, nó vừa chạy vừa la lớn:
-Bà con ơi! Nhà ông Hai cháy ha gì mà trên trời có lằn lửa xẹt xuống đủ màu hết trơn!
* Đến 5 giờ chiều thì thấy gương mặt ông tươi nhuần y như người đang nằm ngủ, các khớp xương mềm mại, toàn thân đều lạnh duy có đảnh đầu còn ấm nóng.
(Thuật theo lời Trần Thị Tòng, con gái thứ Ba của ông)