NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ La Khanh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ La Khanh Đoan

(thư thứ nhất)

Bản chú giải kinh Kim Cang của ngài Tông Lặc[1] khá ổn thỏa. Thạch Thiên Cơ[2] tự phụ bản [chú giải của ông ta] rất hay, nhưng thật ra những chỗ trái nghịch kinh nghĩa [trong bản chú giải ấy] chẳng thể nêu trọn từng điều được! Ở Nam Kinh, có bản Tâm Kinh được chú giải bởi năm vị thiện tri thức, hãy nên khuyên hết thảy mọi người xem bản ấy. Người ta thỉnh bản chú giải kinh Kim Cang [về đọc] là vì muốn hiểu nghĩa. Đối với Nghĩa lý kinh Kim Cang, nếu chẳng chí thành thọ trì, đọc tụng, dẫu hiểu được ý nghĩa kinh văn thì vẫn như mây mù che lấp mặt trời, chẳng thấy được chân tướng. Hiềm rằng người đời chỉ biết coi trọng chuyện hiểu nghĩa, chẳng biết lợi ích thật sự là do cung kính, chuyên tinh thọ trì!

Mười bảy người cùng nguyện quy y ấy, nay đặt pháp danh cho mỗi người, viết thẳng vào đơn ghi danh. Ông hãy nên bảo họ: Đã phát tâm quy y thì hãy nên nương theo Phật pháp để tu trì. Phàm những pháp luyện đan, vận khí v.v… của ngoại đạo đều nên bỏ hết đi. Nếu vẫn tu tập theo pháp của bọn ngoại đạo ấy sẽ trở thành tội nhân trong Phật giáo, ví như người dân trong nước nương nhờ bọn giặc cướp vậy! Luyện đan, vận khí chẳng phải là không có điểm tốt, đấy là pháp để dưỡng thân. Bọn họ cho rằng đấy là Phật pháp chân truyền, ngược ngạo bảo Phật pháp chẳng bằng pháp của họ. Do vậy, kẻ vô tri tưởng luyện đan, vận khí của ngoại đạo chính là Phật pháp! Cái tội gây lầm lạc cho người khác nặng hơn ưu điểm dưỡng thân trăm ngàn vạn lần! Vì thế, chẳng thể không nói toạc ra để bọn họ khỏi vì hảo tâm mà chuốc lấy quả báo báng pháp, hoại pháp.

Nhân dân hiện thời đang ở trong cảnh nước sâu lửa bỏng, hãy nên niệm Phật, niệm Quán Âm để làm phương cách đề phòng sẵn. Lệnh nghiêm[3] là người thật hiếm thấy trong đời Mạt, đủ nêu gương cho đời. Tôi sẽ sửa chữa bài ghi chép đại lược của Quách Trí Úc để cho lời văn được sáng sủa, gãy gọn hơn. Nhưng gần đây khá bận bịu, chẳng rảnh rỗi lo đến, đợi sau này có lúc rảnh rang sẽ chấp bút. Phận làm con nêu tỏ đức hạnh của cha mẹ thì cần phải chú trọng nơi tận tụy thực hành. Nếu chính mình có thể lập đức, thể hiện lòng nhân thì người khác sẽ tự tôn kính cha mẹ mình là bậc đức hạnh tốt đẹp. Nếu không, người ta sẽ nói: “Người có đức hạnh tốt ắt sẽ có con cháu đáng trọng. Con đã chẳng được như vậy, chắc là [cha mẹ] có điều ác ẩn giấu nên mới thành ra như thế!” Do vậy nói: “Làm rạng danh cha mẹ chỉ do chính mình tận tụy thực hành, chứ không phải do văn tự, lời lẽ”. Nhưng nếu không có văn tự, lời lẽ thì không thể nào làm cho người khác nức lòng. Vì thế, Quang cũng đồng ý viết bài kỷ niệm cho cha ông. Hãy nên đem điều này dạy khắp những kẻ làm con thì lợi ích sẽ lớn lao lắm!

[Nghi thức] Mông Sơn thì chiếu theo kinh văn mà đọc, cũng chẳng có gì rất bí mật cả! Đối với việc kết ấn, ngay ở tùng lâm cũng là phô diễn, chứ thật ra chưa dựa theo thật nghĩa mà kết ấn[4], vì thế chẳng cần phải kết ấn!

(thư thứ hai)

Chuyện thọ giới nên lấy chí thành sám hối làm chánh. Tự thọ trước đức Phật, Quang thay mặt [Tam Bảo] chứng minh, nhưng quan trọng là ở chỗ phản tỉnh, quán sát nơi khởi tâm động niệm. Phản tỉnh, quán sát được như thế thì sẽ tự có thể “chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”. Nếu chẳng phản tỉnh, quán sát ở nơi ấy thì tuy có thọ giới vẫn là kẻ thường phạm giới! Trong khoảng tháng Tám, các loại sách sẽ được dần dần gởi tới. Hiện thời thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, nếu chẳng tích cực đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình, chắc chắn chẳng có lợi ích thật sự! Giáo dục trong gia đình càng phải chú trọng nhân quả báo ứng. Đấy chính là phương tiện lớn lao để thánh hiền, Phật, Bồ Tát bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh.

Tu trì trong hiện thời chỉ có Tịnh nghiệp thật là bậc nhất. Chớ nên nghe Thiền uyên áo, mầu nhiệm, Giáo uyên thâm, Mật lạ lùng, đặc biệt, mà bị lay chuyển để rồi do vậy liền thấy khác, nghĩ lạ, bỏ mất đạo phổ độ chúng sanh của đức Như Lai đến nỗi chính mình vẫn làm kẻ luân hồi trong sanh tử nơi thế giới Sa Bà này; đáng buồn, đáng đau lắm! Ắt phải nên chuyên tu tịnh hạnh, giải quyết cho xong ngay trong đời này, ngõ hầu chẳng uổng đời này và dịp gặp gỡ này. Chuyện đả thất hãy nên dựa theo chương trình của Thiền Môn Nhật Tụng, bỏ bớt những đoạn kinh văn rườm rà, chuyên chú nơi niệm Phật thì sẽ được lợi ích lớn.

Bát Quan Trai [Giới] lấy “không ăn quá Ngọ” làm Thể. Người đời nay thể chất yếu đuối, lắm bệnh, mà còn đả thất niệm Phật, đấy chính là tinh tấn hành đạo. Lắng lòng tọa Thiền chẳng thể nào sánh bằng được, có lẽ không nên chấp trước! Nếu không, sợ rằng sẽ bị bệnh. Hơn nữa, phương Nam khi đả thất ăn điểm tâm với phân lượng quá nhiều, chẳng những tâm không thể quy nhất, mà thức ăn cũng chẳng dễ tiêu! Hãy nên kiêng ăn nhiều! Hai lượt cháo hoặc hai lượt cơm là được rồi. Nói đến chuyện “hôm trước [ngày mở thất] liền trì Bát Quan Trai” cũng không phải là lời bàn luận đích xác. Đã trì vào ngày hôm trước [bữa khai thất] thì trong suốt một thất không nên trì hay sao? Cần biết rằng: Một pháp Niệm Phật sự lý rất sâu, chúng ta hãy lượng theo sức mà làm, chớ nên ép buộc người khác gây khó khăn khiến cho người ta chẳng khởi lên ý tưởng mạnh mẽ; như vậy là được rồi. Chuyện trong thiên hạ lý có nhất định nhưng pháp tùy cơ, chi tiết có thể sửa đổi, nhưng đường lối tổng quát chẳng đổi thì mới mong có thành tựu. Giữ khăng khăng quy củ đã thành lập hay lầm lạc lập ra chương trình mới đều khó thể thâu được hiệu quả. Mong hãy khéo cân nhắc ngõ hầu đích thân đạt được Tam Muội vậy!

***

[1] Tông Lặc (1318-1391) là một vị Tăng thuộc Tông Lâm Tế sống vào đầu đời Minh. Sư là người Đài Châu (nay là huyện Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang), tự Quý Đàm, hiệu Toàn Thất. Năm lên tám tuổi, Sư tới chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu để học pháp với ngài Tiếu Ẩn Đại Hân, mười bốn tuổi xuống tóc, hai mươi tuổi thọ Cụ Túc. Sư cũng tham học với ngài Kính Sơn Nguyên Tẩu. Đầu đời Minh, vua xuống chiếu cử Sư làm trụ trì chùa Thiên Giới, sai Sư cùng với sư Như Kỷ soạn các bộ Lăng Già Kinh Chú Giải, Bát Nhã Tâm Kinh Chú Giải và Kim Cang Bát Nhã Kinh Chú Giải; đồng thời kiểm điểm Đại Tạng Kinh, soạn ra nhạc phổ tán Phật. Năm Hồng Vũ thứ 10 (1377), Sư sang Tây Vực, thỉnh được kinh Trang Nghiêm Bảo Vương và Văn Thù Kinh v.v… Năm Hồng Vũ 15 (1382), Sư trở về Trung Hoa, được phong chức Hữu Thiện Thế cai quản Tăng Lục Ty. Về sau, do triều thần tìm đủ mọi cách gièm báng, Sư bèn thoái ẩn về am Viên Thông. Về sau, Sư mất tại chùa Thạch Phật thuộc Giang Phố. Ngoài những trước tác kể trên, Sư còn soạn các bộ Toàn Thất Ngoại Tập, Toàn Thất Cảo v.v…

[2] Thạch Thiên Cơ (1659-1736), tên thật là Thạch Thành Kim, tự Thiên Cơ, hiệu Tỉnh Trai, người Dương Châu, ham học từ nhỏ, rất thông thạo, suốt đời lấy việc dạy học trước tác làm vui. Ông trước tác rất nhiều, những trước tác được tập hợp thành bộ Truyền Gia Bảo Toàn Tập.

[3] Tiếng gọi cha người khác nhằm tỏ ý kính trọng.

[4] Vì nếu kết ấn đúng pháp thì phải vừa kết ấn vừa quán tưởng chủng tự của vị bổn tôn của ấn chú ấy, đồng thời tâm phải thể nhập phẩm đức của vị tôn thánh ấy, sao cho tam mật tương ứng. Chẳng hạn như khi tụng chú Cam Lộ Thủy Chân Ngôn trong nghi thức Mông Sơn, người tụng kết ấn, đồng thời phải tưởng trong tâm có một vầng trăng, chính giữa vầng trăng có Phạn tự Bham (thường phiên âm thành Vãm hoặc Noan trong chữ Hán), sáng chói ngời, từ giữa chữ ấy tuôn ra nước Bát Nhã Cam Lộ Tánh Thủy tràn ngập khắp pháp giới, nhuần thấm hết thảy chúng sanh trong nghiệp đạo, khiến họ đều lìa phiền não, được thanh tịnh.