Cẩm Nang Phóng Sinh
Nguyễn Minh Tiến
Soạn dịch và chú giải

 

VĂN GIỚI SÁT PHÓNG SINH

Triều Minh, chùa Vân Thê, đất Cổ Hàng, sa-môn Chu Hoành soạn văn và chú thích1

a. Văn giới sát

Nhập đề:

Người đời ăn thịt cá, đều cho là chuyện đương nhiên, do đó mà phóng túng ra tay giết hại, tạo nghiệp oán cừu sâu nặng rộng khắp. Cứ thế lâu dần, đời này sang đời khác, tập mãi thành thói quen, đến nỗi tự mình không còn nhận biết đó là sai trái. Quả đúng như lời người xưa từng nói: “Thật đáng cho ta phải đau đớn rơi lệ, than tiếc khôn nguôi!”

Những điểm mê muội cố chấp không hiểu đúng của người đời, có thể lược phân ra bảy điều trình bày dưới đây, còn ngoài ra nữa cũng có thể từ đó suy rộng ra mà biết được.

Giảng rộng:

Muôn loài có tri giác đều đồng một thể tánh, nhưng con người lại ăn thịt muôn loài là điều hết sức quái lạ. Sở dĩ không thấy đó là quái  lạ, vì trong gia đình tập quen theo thói ấy đã nhiều đời, lối xóm láng giềng cũng bắt chước theo nhau lâu ngày thành tục lệ. Khi quen  làm như thế đã lâu thì không còn biết là sai trái nữa, mà ngược lại cho là đúng đắn, hợp lý, làm sao còn có thể thấy đó là việc quái lạ? Nếu ngày nay có kẻ giết người rồi xẻ thịt mà ăn, mọi người ắt đều kinh hãi mà bắt lấy xử ngay tội chết. Vì sao? Đó là vì xưa nay không quen làm như vậy.

Ví như việc giết người không bị nghiêm cấm, mọi người đều làm theo trong nhiều năm, ắt là khắp trong thiên hạ không khỏi đều thấy món thịt người bị đưa vào bếp nấu nướng!

Cho nên mới nói rằng: “Hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!”

Điều sai lầm thứ nhất: Mừng ngày sinh không nên giết hại

Cha mẹ sinh ra ta vất vả nhọc nhằn biết bao! Ngày ta bắt đầu có được tấm thân này, cũng chính là ngày cha mẹ phải bắt đầu đối mặt với khó khăn, đến gần hơn với cái chết. Cho nên, đây chính là ngày ta nên ăn chay, giữ giới không giết hại, rộng làm các việc lành, cầu cho cha mẹ nếu đã qua đời sớm được siêu thoát, nếu còn hiện tại được phước thọ tăng thêm. Sao có thể vội quên đi khổ nạn hiểm nguy của mẹ [trong ngày sinh ta] mà ra tay giết hại sinh linh, trên thì gây nghiệp ác liên lụy đến mẹ cha, dưới lại khiến bản thân mình phải chịu nhiều bất lợi?

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ nhất thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Đường Thái Tông ngày xưa ở ngôi vua tôn quý, giàu có không ai bằng, 2nhưng vào ngày sinh còn không lấy làm vui. Điền chủ nghênh ngang 3chỉ bội thu mươi đấu thóc mà khách mừng đến chật cả nhà, yến tiệc liên tục nhiều ngày, thật không biết như thế thì có thể làm được gì?

Hiện nay cũng có những người vào ngày sinh tổ chức cúng dường chư tăng, trì tụng Kinh điển, làm các việc thiện, thật quý hóa tốt đẹp thay!

Điều sai lầm thứ hai: Mừng sinh con không nên giết hại

Người đời không có con thì buồn rầu, sinh được con thì mừng rỡ. Thế nhưng lại không chịu nghĩ đến việc hết thảy muôn loài cũng đều biết thương yêu con không khác gì mình.

Mừng vui vào ngày con ta sinh ra, lại khiến cho con cái của loài vật phải chết, liệu có thể an ổn trong lòng được chăng?

Con cái vừa mới sinh ra, đã không biết vì nó tu tích phúc đức, ngược lại còn giết hại sinh mạng tạo nghiệp xấu ác, thật là quá sức mê muội.

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ hai thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Xưa có người thợ săn, một đêm nọ uống rượu quá say, nhìn đứa con nhỏ của mình mà tưởng là con mang,4 liền mài dao giết thịt. Người vợ khóc lóc cản lại, nhưng anh ta không nghe, cứ việc mổ bụng, lôi hết ruột gan ra, xong để đó đi ngủ.

Sáng hôm sau, anh ta thức dậy gọi con trai cùng đi vào chợ bán thịt mang. Người vợ khóc nói rằng: “Đêm qua ông đã giết con rồi.” Người thợ săn nghe vậy thì ngã nhào xuống đất, ruột gan như bị ai xé nát! Than ôi, người và vật tuy rằng khác nhau, nhưng lòng thương con không khác, có thể nhẫn tâm giết hại được sao?

Điều sai lầm thứ ba: Ngày cúng giỗ không nên giết hại

Những ngày cúng kỵ ông bà tổ tiên cũng như ngày giỗ những người thân đã khuất, hoặc các lễ tế xuân thu hai mùa trong năm, 5đều không được giết hại vật mạng. Muốn cầu phúc cho người ở cõi âm, lại giết hại vật mạng để cúng tế, chỉ làm tăng thêm nghiệp ác mà thôi. Ôi, [giết hại vật mạng để làm ra] bao nhiêu món ăn bày la liệt trên bàn, nhưng làm sao có thể gọi dậy nắm xương tàn của người chết từ chín suối về ăn? Thật vô ích mà lại gây bao họa hại, nên người có trí tuệ quyết chẳng ai làm như vậy.

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ ba thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Có kẻ nói, Lương Vũ Đế lấy bột làm thành hình vật tế thay cho những con vật sống để cúng tế, người đời đều chê bai rằng như vậy là khiến cho tổ tiên không được hưởng rượu thịt. Than ôi, thịt cá chưa chắc đã là ngon quý, rau dưa không hẳn đã là kém cỏi. Đạo làm con đối với cha mẹ, điều quý nhất là phải thận trọng tu sửa bản thân, dù có chút thiếu sót trong cúng tế tổ tiên cũng vẫn là tốt đẹp, đâu nhất thiết mỗi khi cúng tế đều phải dùng máu thịt chúng sinh? Kinh Dịch có dạy rằng: “Cúng kính đơn sơ nhưng chân thành còn hơn kẻ giết trâu.” Bậc thánh nhân có dạy, nuôi vật để cúng tế là bất hiếu. Đâu nhất thiết mỗi khi cúng tế đều phải dùng máu thịt chúng sinh?

Điều sai lầm thứ tư: Hôn lễ không nên giết hại

Người đời tổ chức các nghi lễ trong hôn nhân, từ khi dạm hỏi, nạp lễ… cho đến chính thức thành hôn, thật không biết đã giết hại bao nhiêu là vật mạng. Ôi, hôn nhân là khởi điểm của việc sinh con về sau, nhưng khởi đầu của sự sinh sản mà lại làm việc giết hại sự sống, thật là trái lẽ biết bao!

Hơn nữa, hôn nhân là việc tốt lành, nhưng trong ngày lành lại làm việc chẳng lành, giết hại loài vật, chẳng thấy đáng thương lắm sao?

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ tư thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Người đời khi gặp hôn sự đều cầu chúc cho đôi vợ chồng được chung sống cùng nhau đến răng long đầu bạc. Mình thì mong cho được sống cùng nhau đến tận tuổi già, vậy các loài chim thú há lại mong chia lìa, chết sớm hay sao? Nhà có con gái gả đi thì ba đêm không ngủ được, vì nghĩ tưởng đến việc sắp phải chia lìa xa cách.6 Mình thấy việc chia lìa xa cách  là khổ, các loài chim thú phải xa nhau lẽ nào lại vui sao? Cho nên có thể tin được rằng, hôn nhân quả thật không nên giết hại vật mạng.

Điều sai lầm thứ năm: Đãi khách không nên giết hại

Trời đẹp cảnh đẹp, chủ nhà hiền thiện tiếp khách hiền lương, dù cơm rau đạm bạc cũng không ngăn trở niềm vui thanh nhã, đâu cần phải ra tay giết hại vật mạng sinh linh, cầu miếng ăn ngon ngọt béo bổ, no nê ca hát quanh bàn tiệc mà khiến muôn loài bị giết mổ phải oán hận gào thét bên dao thớt. Than ôi, nếu thật có tính người, sao có thể không thương xót?

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ năm thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Nếu biết rằng những món ăn bày ra trên bàn kia là có được từ những tiếng kêu gào oán hận bên dao thớt, ắt phải thấy rằng đã lấy sự đau đớn khổ sở cùng cực của muôn loài mà làm sự vui sướng khoái lạc cho mình, thì dù có gượng cho vào miệng cũng không thể nào nuốt trôi qua cổ! Có thể không đau buồn được sao?

Điều sai lầm thứ sáu: Cúng cầu an không nên giết hại

Người đời khi có bệnh tật liền giết hại vật mạng, cúng tế thần linh để cầu phúc cho mình, nhưng không nghĩ đến việc mình cúng tế thần linh là vì muốn khỏi chết được sống, lại giết hại sinh mạng khác để mong kéo dài mạng sống của mình, thật không còn điều gì có thể trái nghịch lòng trời, ngược với lý lẽ hơn thế nữa.

Ôi, những người chính trực [sau khi chết mới] được làm thần, vậy lẽ nào thần linh lại có ý thiên lệch riêng tư? Mạng sống thật không thể kéo dài thêm [bằng cách ấy], nhưng nghiệp giết hại tạo ra thì còn đủ không mất, [nhất định phải đền trả]. [Không riêng gì việc cầu khỏi bệnh sống lâu,] hết thảy sự tế lễ cầu đảo tà thần ác quỷ để mong cầu những điều khác cũng đều như vậy.

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ sáu thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Kinh Dược Sư dạy rằng: “Giết hại muôn loài chúng sinh để cúng tế dâng lên thần linh, hô gọi yêu ma quỷ quái, cầu xin ban phúc giúp đỡ cho mình, muốn tăng thêm tuổi thọ, rốt cùng đều không thể được.”7

Cho nên nói rằng, sinh mạng thì không thể kéo dài, mà nghiệp giết hại gây ra thì còn mãi. Hết thảy những sự cầu đảo tà thần như giết hại vật mạng cúng tế cầu sinh con, cầu tiền tài của cải, cầu quan chức bổng lộc, ví như có được sinh con, được tài lộc, được quan chức, vốn đều là do nghiệp riêng của người ấy mà được, không phải do quỷ thần. Có những lúc ngẫu nhiên được thỏa nguyện, lại cho đó là có sự linh thiêng, nên niềm tin sai lệch càng thêm kiên cố, lại càng dốc lòng làm việc cúng tế như vậy nữa. Những kẻ rơi vào tà kiến quá nặng nề như vậy thật không thể cứu nổi, đáng thương thay!

Điều sai lầm thứ bảy: Mưu sinh không nên giết hại

Người đời chỉ vì miếng cơm manh áo mà chọn theo những nghề như săn bắn, đánh cá, hoặc giết mổ trâu, dê, lợn, chó… Nhưng theo sự quan sát của tôi, ví như không làm những nghề nghiệp ấy cũng có thể kiếm được cơm áo, chưa hẳn đã đến mức phải đói rét mà chết. Chọn nghề giết hại để mưu sinh, không khỏi bị thần minh trách phạt. Lại như theo nghề giết hại mà được giàu có, trăm người chưa từng thấy một! Nếu xét đến việc gieo nhân sâu nặng phải vào địa ngục, chịu nghiệp báo xấu ác trong nhiều đời sau, thì quả thật không gì ác hại hơn làm những nghề này. Vì sao phải khổ nhọc đeo đuổi mà không chịu tìm lấy một nghề hiền thiện khác để mưu sinh?

Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ bảy thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!

Giảng rộng:

Chính tôi từng nhìn thấy một người làm nghề mổ dê, khi sắp chết bỗng kêu tiếng be  be như con dê, một người làm nghề bán lươn, khi sắp chết chợt thấy trên đầu như bị lươn cắn rứt. Cả hai việc này đều xảy ra trong xóm nhà gần tôi, hoàn toàn không phải nghe theo truyền thuyết. Xin khuyên hết thảy mọi người, nếu gặp phải lúc không biết làm gì để sống, thà đi xin ăn. Nếu phải tạo nghiệp giết hại để mưu sự sống cho mình, thà nhịn đói mà chết còn hơn. Than ôi, có thể nào không dứt bỏ sự giết hại được sao?

Những gì trình bày trên là bảy điều hết sức phi lý, nhưng người đời lại rất thường làm. Người thông đạt xem qua, ắt phải thấy đều là những lập luận xác đáng. Ví như có thể răn ngừa được tất cả thì không còn gì tốt đẹp hơn. Bằng như chưa được vậy, cũng có thể tùy sức mà giảm dần, hoặc bỏ đi bốn năm việc, hoặc răn ngừa đôi ba việc…

Bỏ đi một việc ắt tiêu trừ được một phần ác nghiệp, giảm một lần giết hại ắt bớt được một mối oán cừu. Ví như còn chưa thể ăn chay bỏ hẳn thịt cá, thì trước hết nên chuyển sang mua dùng những món được bán sẵn, tránh không tự mình ra tay giết hại, cũng giảm bớt được một phần tội lỗi. Biết nuôi dưỡng tâm từ ắt dần dần rồi cũng sẽ đạt được đến chỗ tốt đẹp.

Mong sao những ai có duyên may gặp được bản văn này, sẽ chuyền tay nhau truyền rộng khắp nơi, thay nhau khuyến khích, khuyên bảo người đời. Khuyên được một người thôi giết hại tức là cứu sống được trăm vạn sinh linh. Khuyên đến mười người, trăm người, cho đến muôn ngàn vạn người thì âm đức thật hết sức lớn lao, quả lành không cùng tận. Chỉ cần có lòng tin chắc chắn làm theo, những điều này quyết không sai dối.

Thực hành giữ giới sát8

Mỗi năm nên viết đủ tên mười hai tháng dán lên tường nhà. Trong một tháng mà giữ được hoàn toàn không giết hại, thì bên dưới chỗ tên tháng ấy ghi vào mấy chữ “không giết hại”. Giữ trọn được một tháng không giết hại, đó là làm thiện được vào bậc hạ. Giữ trọn được một năm không giết hại, đó là làm thiện được vào bậc trung. Giữ trọn được một đời không giết hại, đó là làm thiện được vào bậc thượng. Giáo huấn được con cháu nhiều đời đều nối tiếp nhau giữ giới không giết hại, đó lại càng là bậc hiền thiện cao trổi trong những người hiền thiện.

Nguyện cho người người đều giữ giới không giết hại, nhà nhà đều bỏ thịt cá mà ăn chay,   ắt chư Phật đều hoan hỷ, muôn vị thần linh gia hộ, chuyện binh đao chiến tranh sẽ nhờ đó mà vĩnh viễn chấm dứt, những hình phạt nặng nề không cần dùng đến, địa ngục trống rỗng không còn tội nhân, người người nhờ đó được mãi mãi xa rời biển khổ.

Lời nguyện sau khi giữ giới sát

Nếu có thể giữ trọn trong một tháng hoàn toàn không giết hại vật mạng, thì vào đêm cuối tháng ấy, hoặc sáng sớm ngày đầu tháng tiếp theo, có thể đến trước bàn thờ Phật, chí tâm lễ bái hình tượng Phật rồi khấn nguyện như sau:

“Đệ tử tên là … (khấn tên họ, pháp danh) …, xin đem hết tâm thành quy y đức Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc. Đệ tử ngày nay vâng theo lời Phật dạy trước đây, thực hành giữ giới không giết hại, vừa trọn được một tháng. Nhờ công đức này, xin nguyện cho đệ tử được tiêu trừ tội lỗi nghiệp chướng, giải trừ mọi oán thù oan trái, căn lành tu tập ngày càng tăng trưởng, đến phút lâm chung được thân tâm an ổn, chính niệm rõ ràng, nhờ ơn Phật tiếp dẫn được sinh về cõi nước Cực Lạc, hóa sinh từ giữa hoa sen trong ao bảy báu, hoa nở liền được gặp Phật, chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, được đầy đủ trí tuệ Phật, dùng thần lực lớn lao có thể khiến cho những chúng sinh trong nhiều đời trước từng bị đệ tử giết hại, cùng tất cả chúng sinh bị giết hại trong khắp mười phương, thảy đều được cứu độ giải thoát, thành đạo Vô thượng. Nay phát lời nguyện này, xin đức Phật từ bi xót thương tiếp nhận.”

Phát nguyện như trên rồi, tiếp đó niệm danh hiệu Phật một trăm lần, hoặc ngàn lần hay vạn lần, nhiều ít tùy ý.

b. Văn phóng sinh

Toàn văn

Thường nghe rằng, điều quan trọng nhất ở thế gian là mạng sống, việc thảm thiết nhất trong đời là bị giết. Vì thế, khi bị bắt ắt phải tìm đường trốn chạy. Chấy rận còn biết né tránh cái chết, loài kiến, dế cũng biết tham sống nên gặp lúc trời mưa liền vội vã kéo nhau đi tránh.

Sao con người lại có thể giăng lưới nơi rừng núi, đánh bắt dưới vũng sâu, tìm đủ mọi phương cách mà bắt lấy, cong khuất thì thả câu, ngay thẳng thì bắn tên, trăm mưu ngàn  kế truy lùng lưới bắt? Khiến cho muôn loài phải kinh sợ hồn xiêu phách lạc, mẹ con chia lìa ly tán. Hoặc giam nhốt trong chuồng trong cũi, ắt cũng giống như người ở trong lao ngục; hoặc dùng dao đâm cối giã, ắt chẳng khác chi người chịu tội lóc thịt phanh thây.

Hươu thương con [bị bắn], thè lưỡi liếm vết thương mà ruột đứt thành từng đoạn. Vượn sợ chết, xa trông thấy bóng cung tên mà hai dòng lệ đổ. Đó là cậy mình mạnh mà hiếp kẻ yếu, theo lý chỉ e rằng không đúng, ăn thịt muôn loài để bổ dưỡng thân mình, nỡ lòng nào lại thế?

Do dó mà cảm động đến trời cao rủ lòng xót thương muôn vật, bậc thánh nhân xưa ra đời thi hành đức nhân từ. Việc mở lưới bắt đầu từ thánh vương Thành Thang, việc phóng sinh thả cá vào ao nuôi khởi sự từ hiền nhân Tử Sản.

Thánh thiện thay trưởng giả Lưu Thủy, dùng túi chở nước cứu cá khô hạn. Bi mẫn thay đức Phật Thích-ca, cứu con vật nguy vong tự cắt thịt. Đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai, cổ súy việc đào ao phóng sinh. Tiên nhân ngồi thiền dưới gốc đại thụ, che chở con chim đậu trên thân mình. Chuộc cá phóng sinh về sau giải thoát, tâm bi mẫn của thiền sư Diên Thọ hãy còn. Cứu con Long vương được phương thuốc hay, lòng từ ái của Tôn chân nhân chưa dứt.

Một lần ra tay cứu kiến, sa-di chết yểu chuyển thành trường thọ, thư sinh hèn kém hóa khôi nguyên. Một bận giải thoát cho rùa, Mao Bảo lâm nguy thoát nạn, Khổng Du được hưởng phong hầu. Khuất Sư thả cá chép nơi thôn Nguyên, tuổi thọ tăng thêm một kỷ. Tùy hầu cứu rắn trên đất Tề, được hạt châu đáng giá ngàn vàng.

Vớt ruồi chết đuối, người nấu rượu thoát tội tử hình. Cứu ba ba sắp bị giết, nô tỳ bệnh nặng được khỏi. Mua vật sắp chết nơi lò mổ, Trương Đề Hình chết sinh cõi trời. Đổi mạng sống cá tôm trên thuyền chài, Lý Cảnh Văn được giải độc đan sa.

Tôn Lương Tự cứu mối nguy giam nhốt, lúc mai táng có bầy chim đến giúp. Huyện lệnh Phan cấm bắt cá ở sông hồ, lúc chuyển đi tôm cá khóc đưa.

Đại sư Tín phá trừ tục giết vật hiến tế, ban điềm lành trời đổ mưa lớn. Tổ Tào Khê mở lưới thợ săn, đạo từ bi truyền khắp nơi nơi.

Hoàng tước được cứu ngậm vòng ngọc báo ơn, chồn xuống giếng truyền thuật trả nghĩa. Cho đến vật thân tàn được cứu, sau cũng bò trên vách nghe kinh. Gặp cảnh khốn mong cầu được sống, vật hiện hình người áo vàng báo mộng.

Những sự bố thí đều có phước báo, mọi việc rõ ràng, không phải không chứng cứ. Hoặc được ghi chép trong sách vở, hoặc rõ ràng tai nghe mắt thấy. Nguyện cho tất cả mọi người mỗi khi nhìn thấy vật [mạng sắp bị giết hại] đều phát tâm từ bi, xả bỏ tài sản không bền chắc để thực hành phương tiện cứu giúp.

Nếu bảo vệ được nhiều mạng sống, ắt tích chứa âm đức lớn lao, nhưng dù chỉ cứu sống được một con sâu nhỏ, đó cũng là việc thiện. Ngày ngày đều thêm việc thiện, tháng tháng tích lũy càng nhiều, thực hành càng rộng thì phước báo càng cao.

Lòng từ phủ khắp nhân gian, tiếng lành cảm thông thiên giới. Rửa sạch trong lòng không oán cừu nghiệp chướng, phước lành tụ hội trong đời này; vun bồi tưới tẩm căn lành, an vui còn mãi đến đời sau.

Nếu được thì [khi phóng sinh] nên niệm Phật trợ lực, tụng đọc Kinh điển. Nên vì những con vật được thả ra mà hồi hướng công đức, nguyện cho chúng sau khi chết sẽ được sinh về Tây phương Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khỏi ba đường ác. Được như thế ắt tâm lượng càng thêm lớn lao, cội đức càng sâu hơn nữa. Nhờ đó nhanh chóng thành tựu đạo nghiệp, được sinh về chín phẩm đài sen cõi Phật.

Nay xin rộng khuyên hết thảy người đời, mong đừng vì thấy bản thân tôi đức hạnh mỏng manh, thân phận nhỏ nhoi mà ngờ vực không tin nhận.

1. Giảng giải từng phần

Thường nghe rằng, điều quan trọng nhất ở thế gian là mạng sống, việc thảm thiết nhất trong đời là bị giết.

Giảng rộng:

Nói rằng quan trọng nhất, điều đó có hai nghĩa. Thứ nhất, người đời đối với vàng bạc châu báu, quan chức tước vị, gia đình vợ con, cho đến tự thân mình, đều xem là quan trọng. Nhưng khi không thể có được tất cả, ắt phải chọn lấy trong số đó thứ nào là quan trọng hơn. Vì thế nên nếu cần cứu lấy mạng sống của mình ắt không tiếc gì vàng bạc châu báu. Để cứu mạng mình, cũng không tiếc quan chức tước vị. Thậm chí có lúc cần phải cứu lấy mạng mình thì cả gia đình vợ con cũng không quan tâm đến nữa. Vì thế nên nói rằng mạng sống là quan trọng nhất.

Nghĩa thứ hai là, theo lời Phật dạy thì tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Như vậy, mạng sống chính là hạt giống, là điều kiện để có thể thành Phật. Do đó nên nói rằng mạng sống là quan trọng nhất.

Lại nói rằng thảm thiết nhất, đó là ví như việc đánh đập hành hạ đủ cách, tuy có làm cho người hết sức khổ sở, nhưng vẫn chưa đến mức dứt mất mạng sống. Thế nên chỉ có việc giết hại là thảm thiết nhất, [vì dứt cả mạng sống của muôn loài].

Vì thế, khi bị bắt ắt phải tìm đường trốn chạy. Chấy rận còn biết né tránh cái chết, loài kiến, dế cũng biết tham sống nên gặp lúc trời mưa liền vội vã kéo nhau đi tránh.

Giảng rộng:

Vì mạng sống là quan trọng nhất, nên muôn loài đều cố giữ lấy mạng sống. Vì bị giết là thảm thiết nhất nên muôn loài đều chạy trốn cái chết. Cho nên đến chấy, rận, kiến, dế cũng đều biết tham sống sợ chết. Xét như những sinh mạng nhỏ nhoi mà còn thế thì đối với những loài lớn hơn ắt có thể biết rõ.

Sao con người có thể giăng lưới nơi rừng núi, đánh bắt dưới vũng sâu, tìm đủ mọi phương cách mà bắt lấy, cong khuất thì thả câu, ngay thẳng thì bắn tên, trăm mưu ngàn kế truy lùng lưới bắt?

Giảng rộng:

Đã biết hết thảy chúng sinh đều tham sống sợ chết, sao có thể che mờ lương tâm, làm những việc tàn độc? Giăng lưới chim thú trên rừng núi, đánh bắt tôm cá dưới sông hồ, cúi xuống nước thì buông câu bắt cá, ngẫng lên trời thì giương cung bắn chim, thậm chí còn lén lút ám muội đào hố, đặt bẫy, tìm trăm phương ngàn kế không thể kể hết [để giết hại muôn loài], thật hết sức đáng giận!

Khiến cho muôn loài phải kinh sợ hồn xiêu phách lạc, mẹ con chia lìa ly tán.

Giảng rộng:

Như trên đã nói, con người dùng đến đủ các loại lưới giăng trên cạn dưới nước, rồi móc câu, tên bắn… vừa nhìn thấy thôi đã táng đởm kinh hồn, nếu vướng phải rồi thì táng thân mất mạng, ắt phải mẹ con chia lìa ly tán. Nếu so [hoàn cảnh những con vật ấy] với cảnh người gặp thời giặc loạn, binh lửa tràn đến, thật có khác gì nhau?

Hoặc giam nhốt trong chuồng trong cũi, ắt cũng giống như người ở trong lao ngục; hoặc dùng dao đâm cối giã, ắt chẳng khác chi người chịu tội lóc thịt phanh thây.

Giảng rộng:

Trói buộc giam nhốt, ắt bị cấm hẳn sự đi lại, mất hẳn sự tự do, không khác gì người bị giam vào lao ngục. Giết mổ cắt xẻ, ắt đau đớn khổ sở cũng như người bị lóc thịt phanh thây. Thử đặt mình vào những hoàn cảnh ấy, ắt có thể biết được tình cảnh của muôn loài bị giết hại là như thế nào.

Hươu thương con [bị bắn], thè lưỡi liếm vết thương mà ruột đứt thành từng đoạn. Vượn sợ chết, xa trông thấy bóng cung tên mà hai dòng lệ đổ.

Giảng rộng:

Chuyện hươu thương con, là nói đến việc Hứa Chân Quân ngày xưa, thuở còn trẻ rất thích việc săn bắn. Một hôm, ông bắn trúng con hươu con, hươu mẹ [không bỏ chạy mà đứng bên] thè lưỡi liếm vết thương cho con. Một lúc lâu, hươu con chết, hươu mẹ cũng chết theo. Hứa Chân Quân mổ ruột hươu mẹ ra xem, thấy ruột nó đứt thành từng đoạn. Đó là vì nó quá thương đứa con bị chết, đau đớn quá độ đến nỗi ruột đứt thành từng đoạn. Hứa Chân Quân hết sức ân hận, sám hối tội lỗi của mình, liền bẻ gãy cung tên, bỏ vào núi sâu tu đạo, sau chứng được đạo quả, cả nhà cùng bay lên trời.9Câu chuyện này làm rõ ý “mẹ con chia lìa ly tán” vừa nói ở đoạn văn trước.

Chuyện vượn sợ chết, là nói đến việc Sở vương đi săn cùng với Dưỡng Do Cơ. Khi ấy nhìn thấy một con vượn, Sở vương liền ra lệnh cho Dưỡng Do Cơ giương cung bắn. Con vượn vừa nhìn thấy Dưỡng Do Cơ liền rơi lệ khóc. Đó là vì giống vượn này có đôi tay nhanh nhẹn mềm mại, có thể chộp bắt được cả mũi tên đang bay. Nhưng Dưỡng Do Cơ là tay thần xạ thời bấy giờ, nên nó biết là không thể bắt kịp mũi tên ông bắn, chắc chắn sẽ phải chịu chết, vì thế nên rơi lệ khóc. Câu chuyện này làm rõ ý “kinh sợ đến hồn xiêu phách lạc” vừa nói ở đoạn văn trước.

Đó là cậy mình mạnh mà hiếp kẻ yếu, theo lý chỉ e rằng không đúng, ăn thịt muôn loài để bổ dưỡng thân mình, nỡ lòng nào lại thế?

Giảng rộng:

Xét theo hai chuyện vừa kể trên thì biết rằng việc giết hại hết sức không nên làm. Người đời luôn nói rằng thịt của muôn loài cầm thú đều là món người có thể ăn, nhưng không biết đó chẳng qua chỉ là ỷ mạnh hiếp yếu mà thôi. Nếu không phải vậy, ắt hổ dữ ăn thịt người rồi cũng có thể cho rằng thịt người là món hổ có thể ăn. Bọ ngựa ăn ve sầu, chim sẻ lại ăn bọ ngựa, rồi chim ưng lại bắt chim sẻ mà ăn. Kẻ yếu bị ăn thịt, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, lý lẽ mạnh được yếu thua thật quá rõ ràng, không còn gì phải ngờ vực cả.

Người đời lại cho rằng ăn rau cải thì gầy ốm, ăn thịt cá mới được mập mạnh. Ôi, muốn cho thân mình béo mập mà không nghĩ đến cái khổ của muôn loài, như vậy thì tính người ở đâu?

Do dó mà cảm động đến trời cao rủ lòng xót thương muôn vật, bậc thánh nhân xưa ra đời thi hành đức nhân từ.

Giảng rộng:

Do người đời mê lầm làm việc giết hại như thế, nên sát khí ngùn ngụt động đến trời cao. Trời cao vốn có đức hiếu sinh, vẫn thường hiện nhiều điềm báo để chỉ bày cho người đời. Người đời mê mờ không biết nên vẫn tiếp tục việc giết hại ngày càng nặng nề hơn, ắt phải đưa đến những việc mưa gió thất thường, mùa màng thất bát, đao binh chiến loạn khởi lên khắp nơi. Nếu người biết tu hạnh lành, ắt mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bể yên sóng lặng.

Cho nên, việc con người giết hại chính là trái nghịch ý trời. Bậc thánh nhân xưa kia, trên thuận với lòng trời, dưới xót thương cho sinh mạng muôn loài, mới ra sức thi hành đức nhân từ để cứu giúp. Những việc thánh nhân đã làm, xin xem tiếp ở phần dưới đây.

Việc mở lưới bắt đầu từ thánh vương Thành Thang, việc phóng sinh thả cá vào ao nuôi khởi sự từ hiền nhân Tử Sản.

Giảng rộng:

Việc mở lưới là nói đến chuyện vào đời nhà Thương, vua Thành Thang một hôm đi tuần thú nhìn thấy các thợ săn giăng lưới kín bốn bề để bắt thú, đọc lời chú nguyện rằng: “Từ trên trời mà xuống, từ dưới đất mà lên, từ bốn phương cùng lại, hết thảy đều chui vào lưới ta.” Vua thấy vậy rồi liền sai mở trống ra ba hướng, chỉ để lại một và sửa lời chú nguyện lại thành: “Muốn sang bên trái thì chạy sang trái, muốn sang bên phải thì chạy sang phải, muốn lên cao thì bay lên, muốn xuống đất thì chui xuống, không muốn sống nữa thì hãy chui vào lưới ta.”

Việc thả cá vào ao nuôi là nhắc chuyện Tử Sản, quan Đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu.

Có người đem đến biếu một con cá còn sống, Tử Sản không nỡ ăn, sai người mang thả vào nuôi trong ao.

Xem qua hai chuyện này thì biết việc phóng sinh không phải chỉ riêng có trong đạo Phật, mà người quân tử trong đạo Nho ai ai cũng vâng làm theo.

Thánh thiện thay trưởng giả Lưu Thủy, dùng túi chở nước cứu cá khô hạn. Bi mẫn thay đức Phật Thích-ca, cứu con vật nguy vong tự cắt thịt.

Giảng rộng:

Dùng túi chở nước, đó là nói đến câu chuyện trong kinh Kim Quang Minh.10 Ông Lưu Thủy là con trai một vị trưởng giả,12

Tự cắt thịt, đó là nhắc chuyện trong một tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, khi ngài còn là một vị Bồ Tát. Khi ấy, có chim ưng đuổi bắt con chim câu, chim câu kinh sợ bay đến chỗ Bồ Tát mong được che chở. Chim ưng đuổi tới liền nói: “Ngài muốn cứu con chim câu, chẳng phải là khiến cho tôi phải chịu đói mà chết hay sao?”

Bồ Tát liền hỏi: “Ngươi ăn những món gì?” Chim ưng đáp: “Chỉ ăn thịt mà thôi.” Bồ Tát liền tự cắt thịt đùi cho chim ưng ăn để thay căn cứ kinh văn thì là “trưởng giả tử”, nghĩa là con trai ông trưởng giả

phần thịt chim câu. Chim ưng nói: “Ngài muốn trao đổi như thế thì phải cắt số thịt cân nặng bằng với con chim kia.” Bồ Tát đồng ý, nhưng cắt mãi mà số thịt vẫn còn nhẹ hơn con chim câu, cho đến sắp hết cả thịt trên người mà vẫn chưa đủ. Khi ấy, chim ưng liền hỏi: “Bây giờ ngài có hối hận chăng?”

Bồ Tát đáp: “Lòng ta quyết cứu chim câu, không hề có chút hối hận nào.” Rồi Bồ Tát lại phát nguyện: “Nếu lời ta nói là đúng thật không hư dối, nguyện cho da thịt trên thân ta trở lại như cũ.” Vừa lập nguyện xong, quả nhiên thân thể hoàn toàn bình phục như trước. Chim ưng khi ấy hiện nguyên hình là một vị Thiên Đế,13 bay lên giữa không trung lễ bái tán thán lòng đại bi của Bồ Tát.

Đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai, cổ súy việc đào ao phóng sinh. Tiên nhân ngồi thiền dưới gốc đại thụ, che chở con chim đậu trên thân mình.

Giảng rộng:

Đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai, tên húy  là Trí Khải, Tùy Dạng Đế tôn xưng hiệu ngài là Trí Giả. Ngài từng đào ao khuyến khích mọi người thả cá phóng sinh. Nhưng không chỉ riêng ngài Trí Giả, xưa nay cũng rất nhiều người làm việc ấy. Như Tây Hồ ngày nay, vốn xưa cũng từng là một ao phóng sinh. Trải qua nhiều năm, người xưa đã mất, thời thế đổi thay, giáo pháp suy mạt, nay thấy người ta thắp đèn bắt cá nhiều như sao trời bay đầy trên mặt hồ, thật đáng thương thay!

Về việc che chở cho chim, đó là chuyện một vị tiên nhân thuở xưa tu tập thiền định, thường tọa thiền dưới gốc một cây đại thụ. Khi ngài nhập định quá lâu, thân hình bất động đến nỗi một con chim từ xa bay đến không nhận ra, liền đậu lại trú ngụ ngay trong lòng ngài. Vì sợ con chim bị kinh hoảng nên ngài ngồi yên không lay động, đợi đến khi con chim bay đi rồi ngài mới xuất định. Lòng từ bi thương xót muôn loài nên mới đạt đến mức như thế!

Chuộc cá phóng sinh về sau giải thoát, tâm bi mẫn của thiền sư Diên Thọ hãy còn. Cứu con Long vương được phương thuốc hay, lòng từ ái của Tôn chân nhân chưa dứt.

Giảng rộng:

Chuộc cá phóng sinh là kể chuyện Đại sư Vĩnh Minh, tên húy là Diên Thọ. Lúc Ngô Việt Vương trấn nhậm Hàng Châu, ngài đang làm chức quan giữ kho ở huyện Dư Hàng, nhiều lần xuất tiền trong kho để mua cá tôm đủ loại phóng sinh. Sau vì việc ấy mà ngài bị bắt giam, khép tội ăn trộm công quỹ, theo pháp luật phải bị chém vất xác giữa chợ.14

Ngô Việt Vương vốn đã biết ngài dùng tiền ấy mua vật mạng phóng sinh, nên dặn trước người hành hình phải chú ý quan sát lời nói, sắc mặt để báo lại. Ngài đến lúc sắp chết mặt không biến sắc, người chung quanh đều là làm quái lạ, gạn hỏi. Ngài nói: “Ta đối với số tiền lấy từ trong kho không dùng vào việc riêng một xu nào, tất cả đều mua vật mạng để phóng sinh, nhiều không tính hết. Nay sau khi chết sẽ sinh thẳng về thế giới Tây phương Cực Lạc, chẳng vui lắm sao?”

Ngô Việt Vương nghe báo lại lời ấy liền truyền tha tội cho ngài. Sau đó ngài xuất gia, tu tập thiền pháp, chuyên cần lễ sám, đạt được biện tài không ngăn ngại.

Sau khi ngài viên tịch, có một vị tăng nhân lúc thần thức đi đến chốn âm ty, nhìn thấy Diêm vương thường ra vào lễ bái hình tượng một vị tăng, hỏi ra thì biết đó chính là ngài Vĩnh Minh Diên Thọ. Ngài đã vãng sinh về Tây phương, vào hàng Thượng phẩm thượng sinh,15Diêm vương vì kính trọng đức độ của ngài nên thường lễ bái.

Cứu con Long vương, đó là chuyện của Tôn chân nhân lúc còn chưa thành tiên. Một hôm ông đi đường gặp đứa trẻ trong thôn bắt được một con rắn nước, đùa nghịch đến nỗi con rắn lừ đừ sắp chết. Tôn chân nhân liền bỏ tiền mua con rắn, mang thả xuống nước.

Hôm sau, chân nhân đang ngồi tĩnh tọa bỗng thấy có một người áo xanh mời đi theo, đến một chỗ dinh thự xem ra có vẻ như người đời vẫn gọi là Thủy tinh cung. Vị vua trong cung ra tiếp đón, mời chân nhân đến ngồi trên một tòa cao, nói rằng: “Con ta hôm qua ra ngoài chơi, nếu không gặp được tiên sinh chắc là đã chết.” Liền cho bày yến tiệc chiêu đãi, xong lại mang ra đủ các loại châu báu quý giá để tạ  ơn. Chân nhân từ chối không nhận, nói: “Tôi nghe Long cung có nhiều phương thuốc hay bí truyền, xin truyền cho tôi để cứu người giúp đời, như vậy còn hơn là những châu báu này.” Long vương liền mở hòm ngọc lấy ra ba mươi sáu phương thuốc trao cho, Tôn chân nhân nhờ đó mà y thuật càng thêm tinh thông. Về sau tu hành chứng được tiên phẩm.

Một lần ra tay cứu kiến, sa-di chết yểu chuyển thành trường thọ, thư sinh hèn kém hóa khôi nguyên. Một bận giải thoát cho rùa, Mao Bảo lâm nguy thoát nạn, Khổng Du được hưởng phong hầu.

Giảng rộng:

Có hai câu chuyện cứu kiến. Chuyện thứ nhất là sa-di chết yểu chuyển thành trường thọ. Xưa có chú sa-di theo hầu thầy là một vị trưởng lão tôn túc. Vị này biết chú sa-di trong bảy ngày nữa mạng số chấm dứt, liền bảo chú về nhà thăm mẹ, dặn chú đến ngày thứ tám phải trở về chùa, trong ý muốn chú được chết ở nhà. Không ngờ đến ngày thứ tám vẫn thấy chú trở lại chùa, thầy chú lấy làm quái lạ, liền nhập định quán sát mới biết chú sa-di trên đường về nhà gặp một đàn kiến sắp bị nước trôi, liền bắc cầu cho chúng theo sang, đàn kiến nhờ đó đều thoát chết. Nhờ việc ấy mà chú không bị chết yểu, về sau lại sống thọ.

Chuyện thứ hai, thư sinh hèn kém hóa khôi nguyên, chính là chuyện Tống Giao. Ông có một người em trai, cả hai anh em cùng lên kinh dự thi. Tống Giao có lần thấy đàn kiến sắp bị nước ngập, liền lấy một cành trúc làm cầu để chúng bò lên mà thoát. Bấy giờ có vị tăng người Ấn Độ nhìn thấy dung mạo của Tống Giao liền kinh hãi nói: “Ông đã từng cứu sống đến trăm vạn sinh mạng.” Tống Giao nói: “Tôi là học trò nghèo, sức đâu làm được những việc như thế?” Vị tăng nói: “Không phải vậy, dù loài vật nhỏ nhoi cũng kể là sinh mạng.” Tống Giao liền đem chuyện cứu kiến kể lại. Vị tăng nói: “Đúng là việc ấy rồi. Em trai ông khoa này sẽ đỗ đầu, nhưng ông rồi cũng không thể kém hơn.” Đến khi có kết quả thi, quả nhiên người em đỗ đầu, nhưng triều đình cho rằng em không thể đặt trên anh, nên sửa kết quả thành “đệ thập” mà chọn Tống Giao thành đệ nhất, quả đúng như lời vị tăng.

Về việc giải thoát cho rùa có hai chuyện. Chuyện thứ nhất là Mao Bảo lâm nguy thoát nạn. Mao Bảo vào thuở còn hàn vi, đi đường gặp người mang một con rùa đem bán, liền bỏ tiền mua thả cho đi. Sau ông làm tướng, một lần thua chạy rơi xuống nước, bỗng cảm thấy có vật gì đó nâng mình lên, nhờ đó không phải chết chìm. Đến khi vào được trong bờ rồi, nhìn lại mới biết con vật đã đưa ông vào bờ chính là con rùa ngày trước được ông cứu.

Chuyện thứ hai là cứu rùa được phong hầu. Khổng Du vốn chỉ là một chức quan nhỏ, cũng từng mua rùa thả xuống nước. Rùa nổi lên bơi đi trong nước còn ngoái đầu hướng về phía ông nhiều lần như cảm tạ. Sau Khổng Du có công được phong tước hầu, lúc thợ đúc ấn ra bỗng thấy hình con rùa trên núm ấn16 ngoái đầu về phía sau, liền phá đi đúc lại, cho đến lần thứ tư, nhìn kỹ trong khuôn thì đầu rùa thẳng nhưng đúc ấn ra vẫn là ngoái về phía sau. Thợ đúc ấn lấy làm quái lạ, liền đem việc này báo với Khổng Du. Ông nhớ lại lúc thả con rùa năm xưa, nó cũng ngoái đầu nhìn lại như vậy, liền hiểu ra chuyện phong hầu ngày nay chính là nhờ phước báo của việc cứu rùa.

Khuất Sư thả cá chép nơi thôn Nguyên, tuổi thọ tăng thêm một kỷ. Tùy hầu cứu rắn trên đất Tề, được hạt châu đáng giá ngàn vàng.

Giảng rộng:

Về chuyện thả cá chép, đó là Khuất Sư khi ở thôn Nguyên gặp người bán một con cá chép đỏ, liền mua thả xuống sông. Sau đó, ông nằm mộng thấy Long vương mời đến cung điện, nói rằng: “Ông vốn tuổi thọ đã hết, nhưng nhờ cứu sống con rồng nên được sống thêm một kỷ.”17

Về chuyện cứu rắn, đó là Tùy hầu khi sang nước Tề, trên đường nhìn thấy một con rắn gặp nạn trong bãi cát, máu chảy trên đầu, liền dùng gậy nâng rắn mang đến bỏ nơi bờ nước rồi mới đi. Khi quay về đến chỗ ấy thì thấy rắn ngậm một hạt châu nằm bên đường, hướng về phía ông như muốn đưa tặng, nhưng ông không dám nhận. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy mình giẫm phải một con rắn, kinh sợ thức giấc thì nhìn thấy trên giường có hai hạt châu rất quý.

Vớt ruồi chết đuối, người nấu rượu thoát tội tử hình. Cứu ba ba sắp bị giết, nô tỳ bệnh nặng được khỏi.

Giảng rộng:

Chuyện vớt ruồi là nói đến một người thợ nấu rượu, mỗi khi có ruồi rơi vào vò rượu liền vớt ra, thả vào chỗ đất khô, lại rắc tro quanh thân ruồi để rút hết nước, nhờ đó ruồi được sống. Ông làm như thế đã lâu ngày, cứu sống được rất nhiều ruồi. Về sau, ông bị vu cáo tội ăn trộm nhưng không làm sao tự biện bạch được. Lúc đã thành án, vị quan phụ trách hình sự chuẩn bị phê duyệt án tử hình ông, bỗng ruồi ở đâu bay đến bám đầy lên ngọn bút, không thể viết được. Đuổi đi rồi chúng lập tức quay trở lại, nhiều lần như vậy nên không sao đặt bút phê án. Nhân đó vị quan chợt nghĩ lại, ngờ rằng án này có sự oan khuất, liền tra hỏi kỹ mới biết là ông bị vu cáo. Quan cho đòi những kẻ đã vu oan cho ông đến, quát hỏi một lần  thì chúng nhận tội ngay, liền thả ông về. Ôi, chuyện này thật lạ lùng biết bao!

Về việc cứu ba ba, là chuyện một nữ tỳ hầu hạ trong nhà họ Trình. Hai vợ chồng chủ nhà đều thích ăn thịt ba ba, một hôm tình cờ bắt được con ba ba rất lớn, có việc đi ra ngoài liền dặn dò nữ tỳ ở nhà làm thịt ba ba. Khi ấy, nữ tỳ suy nghĩ thấy tự tay mình đã giết không biết bao nhiêu con ba ba, nay thấy con ba ba lớn này rất muốn thả ra, cho dù bị chủ đánh chửi cũng cam chịu. Nghĩ rồi liền mang ba ba ra hồ thả. Hai vợ chồng chủ nhà trở về hỏi thịt ba ba, nữ tỳ liền nói đã lỡ để chạy mất. Do đó mà bị đánh đập rất đau đớn.

Về sau, nữ tỳ ấy mắc phải bệnh dịch, đến lúc nguy kịch sắp chết chủ nhà sai người mang bỏ nơi một căn lều bên bờ nước, nằm đó chờ chết. Giữa đêm bỗng có một con vật từ trong hồ bò lên, mang bùn ẩm trong hồ đến bôi lên thân thể nữ tỳ, nhân đó cô liền cảm thấy mát mẻ, tật bệnh tiêu mất. Chủ nhà thấy cô khỏi bệnh không chết lấy làm quái lạ, tra hỏi, cô liền đem sự thật kể lại nhưng chủ nhà không tin. Đêm đó liền lén rình xem, quả nhiên nhìn thấy đúng là con ba ba lớn ngày trước cô nữ tỳ đã thả đi mất. Cả nhà họ Trình đều kinh sợ, từ đó vĩnh viễn không ăn thịt ba ba nữa.

Mua vật sắp chết nơi lò mổ, Trương Đề Hình chết sinh cõi trời. Đổi mạng sống cá tôm trên thuyền chài, Lý Cảnh Văn được giải độc đan sa.

Giảng rộng:

Mua vật sắp chết là nói chuyện Trương Đề Hình thường đến nơi lò mổ, bỏ tiền mua những con vật sắp bị giết mà thả ra. Sau đến lúc sắp chết, ông nói với người nhà: “Ta làm việc phóng sinh, tích đức sâu dày, nay cõi trời có người đến đón, ta sắp sinh lên đó.” Nói rồi thản nhiên mà qua đời.

Đổi mạng cá tôm trên thuyền chài là chuyện Lý Cảnh Văn, thường đến chỗ những người chài lưới, mua hết những cá tôm họ bắt được rồi mang thả xuống sông. Lý Cảnh Văn ưa thích sử dụng đan dược, thường dùng đan sa luyện qua lửa mà ăn, tích tụ nhiệt nóng trong người lâu ngày thành bệnh, mọc nhọt trên lưng, thuốc men đều không chữa khỏi. Cảnh Văn trong lúc mê man không biết gì bỗng cảm thấy như có cả một bầy cá dùng nước bọt thoa lên chỗ nhọt độc, trong người liền thấy mát mẻ sảng khoái, tỉnh dậy liền khỏi bệnh. Câu chuyện này cũng thuộc loại tương tự như chuyện ba ba báo ơn nữ tỳ cứu mạng.

Tôn Lương Tự cứu mối nguy giam nhốt, lúc mai táng có bầy chim đến giúp. Huyện lệnh Phan cấm bắt cá ở sông hồ, lúc chuyển đi tôm cá khóc đưa.

Giảng rộng:

Cứu mối nguy giam nhốt là nói chuyện Tôn Lương Tự, mỗi khi thấy chim chóc bị người bắt giam nhốt đều bỏ tiền mua để thả cho bay đi. Sau đến lúc chết, nhà nghèo quá không biết làm sao tổ chức việc mai táng cho ông, bỗng có bầy chim hàng trăm con kéo đến, cùng nhau ngậm bùn đắp mộ cho ông, những người trông thấy ai cũng cho là chuyện lạ. Đó là do lòng từ ái cảm động loài vật mà thành như vậy.

Cấm bắt cá ở sông hồ là nói chuyện quan huyện lệnh họ Phan, lúc đương quyền có ban lệnh cấm không cho người dân bắt cá tôm ở sông hồ trong vùng ông cai quản, những người vi phạm đều bị trị tội. Sau đến lúc ông thuyên chuyển đi nơi khác, cá tôm trong nước đều trồi lên phát tiếng kêu khóc lớn, hệt như người khóc cha mẹ chết, người người đều nghe thấy, ai cũng cho là chuyện quái lạ.

Đại sư Tín phá trừ tục giết vật hiến tế, ban điềm lành trời đổ mưa lớn. Tổ Tào Khê mở lưới thợ săn, đạo từ bi truyền khắp nơi nơi.

Giảng rộng:

Phá tục hiến tế là nói chuyện Đại sư Tín gặp lúc trời nắng hạn, thấy dân quê mê muội theo lệ cũ muốn giết vật hiến tế để cầu mưa, Đại sư xót thương cho sự mê muội ấy nên liền dạy rằng: “Nếu các người chịu thả những con vật tế ra đừng giết, ta sẽ vì các người mà cầu mưa.” Người dân đồng ý làm theo. Đại sư chí thành cầu nguyện, trời liền đổ mưa rất lớn, nhân đó người người ở khắp xa gần đều được ngài cảm hóa.

Mở lưới thợ săn là nói chuyện Lục tổ sau khi nhận tâm ấn từ Ngũ tổ ở Hoàng Mai, vẫn làm người thế tục đến sống với một nhóm thợ săn. Thợ săn giao cho ngài giữ lưới, ngài nhân lúc bọn họ vắng mặt liền xem trong lưới có mang, thỏ… các loại, con nào thả được liền lập tức thả ngay. Như vậy trải qua đến 16 năm. Sau ngài đến đạo trường Tào Khê, rộng độ chúng đệ tử thuộc đủ mọi thành phần, giáo pháp truyền lại phân thành năm tông,18 lợi lạc đến muôn đời sau.

Hoàng tước được cứu ngậm vòng ngọc báo ơn, chồn xuống giếng truyền thuật trả nghĩa.

Giảng rộng:

Hoàng tước ngậm vòng ngọc, là nói chuyện Dương Bảo thuở thiếu thời có lần thấy một con chim hoàng tước bị chim kiêu rượt vồ bị thương nặng rơi xuống đất, lại bị kiến bâu lại cắn. Dương Bảo liền mang chim về nuôi, dùng thuốc trị thương, đợi vừa khỏi hẳn thì thả cho bay đi. Đêm hôm ấy ông nằm mộng thấy một bé trai mặc áo vàng đến bái tạ, biếu tặng bốn cái vòng ngọc, nói rằng: “Tôi là sứ giả của Vương Mẫu, nhờ ơn ông cứu mạng, xin nguyện cho ông về sau con cháu đều liêm khiết thanh bạch, làm quan đến tước Tam công, bền đẹp như những chiếc vòng ngọc này.” Sau quả nhiên con cháu của Dương Bảo trải qua bốn đời đều được sang quý hiển vinh.

Chồn xuống giếng, đó là nói chuyện xưa có một ông tăng giả danh, tánh tình bất lương, nghe nói vị thuốc hoàng tinh có thể giúp người trường thọ, muốn thử nghiệm xem có đúng thật không. Ông ta liền bỏ hoàng tinh xuống giếng cạn, rồi lừa một người kia xuống giếng, dùng cái mâm cối xay lớn bằng đá đậy lên miệng giếng. Người kia bị nhốt trong giếng hoảng hốt không biết làm sao, bỗng thấy có một con chồn chui xuống giếng, nói rằng: “Ông đừng sợ, tôi sẽ truyền cho ông một thuật này. Loài chồn chúng tôi có thuật thông thiên, thường ở giữa mộ người đào lỗ chui xuống, rồi nằm trong mộ chăm chú nhìn lên giữa miệng lỗ, lâu ngày ắt có thể bay ra khỏi mộ. Trong sách của đạo tu tiên nói rằng ‘thần trí có thể bay được’, chính là nói đến chuyện này. Nay ông có thể học làm theo thuật ấy bằng cách chăm  chú nhìn lên   lỗ trống ở giữa cái mâm cối xay. Tôi trước đây từng bị thợ săn bắt được, nhờ ông bỏ tiền ra cứu mạng tôi, nên hôm nay đến đây để báo ơn.”

Người kia tin lời con chồn, chú tâm làm theo, khoảng hơn mười ngày thì quả nhiên bay được ra khỏi giếng, thoát nạn. Lão tăng bất lương mừng lắm, cho rằng đó là nhờ công hiệu của vị thuốc hoàng tinh. Ông ta liền từ biệt mọi người mang theo một số hoàng tinh xuống giếng, dặn mọi người bịt giếng lại, qua một tháng sẽ mở ra xem. Đúng ngày, người ta mở giếng ra xem thì ông ta đã chết. Ông ta không biết rằng, trước đó người kia thoát ra khỏi giếng được vốn là nhờ sự giúp sức của con chồn. Thật đáng thương thay!

Cho đến vật thân tàn được cứu, sau cũng bò trên vách nghe kinh. Gặp cảnh khốn mong cầu được sống, vật hiện hình người áo vàng báo mộng.

Giảng rộng:

Vật bò trên vách nghe kinh, đó là chuyện có lần tôi19 ghé ngụ ở một am kia, thấy người bắt rất nhiều rết, dùng thanh tre cong ghim dính đầu vào đuôi, tôi liền mua để thả ra, nhưng hầu hết bị thương tổn đều đã lừ đừ sắp chết, chỉ duy nhất có một con còn sống hối hả bò đi.

Về sau, có lần tôi đang ngồi với một người bạn lúc đêm tối, bỗng thấy trên tường có một con rết, liền dùng cây thước gỗ gõ mạnh gần đó để xua nó đi, nhưng nó không chịu đi. Tôi liền nói: “Phải chăng ngươi chính là con rết ta đã thả trước đây? Ngươi đến tạ ơn ta đó chăng? Nếu đúng vậy, ta sẽ vì ngươi thuyết pháp, ngươi hãy lắng nghe đừng vội đi.”

Khi ấy, tôi giảng với nó rằng: “Hết thảy chúng sinh hữu tình đều do tâm tạo tác. Tâm tàn nhẫn thì hóa thành hổ báo, chó sói. Tâm độc ác thì hóa thành rắn rết, bọ cạp. Nếu ngươi có thể bỏ được tâm độc ác, ắt có thể thoát khỏi được thân hình hiện nay.”

Tôi giảng xong liền bảo nó đi đi. Nó nghe lời, không cần phải xua đuổi, tự nhiên từ từ bò ra khỏi song cửa sổ mà đi. Người bạn tôi khi ấy thấy hết mọi việc, hết sức kinh ngạc, cho là chuyện lạ lùng ít có. Chuyện này xảy ra vào niên hiệu Long Khánh năm thứ tư.20

Về việc người áo vàng báo mộng, đó là chuyện ở ngoại thành Hàng Châu, có một nhà nọ hàng xóm bị mất trộm, đứa con gái [đã lấy chồng] nghe tin về thăm, mua cho mẹ mười con lươn để làm quà. Bà mẹ mang lươn bỏ vào chum rồi quên mất. Đêm nọ, bà nằm mộng thấy có mười người mặc áo vàng, đội mũ nhọn, đến quỳ trước mặt bà xin tha mạng. Tỉnh dậy trong lòng sinh nghi, chẳng biết chuyện gì, bà liền đi xem bói. Thầy bói nói: “Có vật sống đang cầu xin bà thả ra.”

Bà về lục soát khắp trong nhà, mới thấy lươn trong chum, đếm vừa đúng mười con. Bà kinh hãi, lập tức mang thả hết đi. Chuyện này xảy ra vào niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 9.21

Những sự bố thí đều có phước báo, mọi việc rõ ràng, không phải không chứng cứ.

Giảng rộng:

Những người làm việc phóng sinh, hoặc được thêm phúc lành, hoặc được tăng tuổi thọ, hoặc tránh được tai nạn, hoặc tật bệnh tiêu trừ, hoặc sinh về cõi trời, hoặc chứng đắc đạo quả, tùy theo sự bố thí khác nhau mà được phước báo, hết thảy đều có chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, làm việc thiện thì chiêu cảm điều lành chỉ là chuyện tất nhiên, người có tâm tu thiện lẽ nào lại mong chờ phước báo? Không mong đợi phước báo mà phước báo tự đến, lẽ nhân quả là như vậy, người phóng sinh cần phải biết.

Hoặc được ghi chép trong sách vở, hoặc rõ ràng tai nghe mắt thấy.

Giảng rộng:

Những sự việc được dẫn ra trên đây, chuyện đã qua thì được ghi chép trong sách vở, có nguồn gốc chứng cứ, chuyện gần đây thì rõ ràng tai nghe mắt thấy, có nhiều người cùng thấy cùng nghe. Khảo xét chuyện đời xưa, chứng nghiệm chuyện đời nay, nhất định không thể là hư dối sai lệch.

Nguyện cho tất cả mọi người mỗi khi nhìn thấy vật [mạng sắp bị giết hại] đều phát tâm từ bi, xả bỏ tài sản không bền chắc để thực hành phương tiện cứu giúp.

Giảng rộng:

Câu văn này rộng khuyên tất cả người đời nên phát tâm từ bi, xả bỏ tài sản ở thế gian để thực hành những phương tiện cứu giúp muôn loài.

Nói tài sản không bền chắc, là vì tài sản thế gian có thể bị lũ lụt cuốn trôi, có thể bị hỏa tai thiêu rụi, có thể bị vua quan tịch thu, có thể bị giặc cướp cướp mất, thật mong manh vô thường, không phải là loại tài sản bền chắc. Nay xả bỏ loại tài sản không bền chắc ấy để làm việc phúc đức, chính là đổi tài sản không bền chắc để có được tài sản bền chắc.

Nếu là người không có tiền bạc, chỉ cần phát tâm từ bi đối với muôn loài, đó cũng là tạo được phúc đức. Hoặc khuyên bảo khuyến khích người khác làm việc phóng sinh, hoặc nhìn thấy người khác phóng sinh thì ngợi khen, tán thán, vui mừng theo với việc làm ấy, khiến cho tâm niệm lành của họ càng thêm tăng trưởng, đó cũng là tạo được phúc đức.

Nếu bảo vệ được nhiều mạng sống, ắt tích chứa âm đức lớn lao, nhưng dù chỉ cứu sống được một con sâu nhỏ, đó cũng là việc thiện.

Giảng rộng:

Người có khả năng thì ra tay cứu sống nhiều vật mạng, tất nhiên được âm đức lớn lao. Đến như người không có khả năng, dù chỉ cứu sống một con sâu nhỏ, cũng là việc thiện. Đừng cho rằng việc thiện nhỏ không mang lại lợi ích nên không làm. Người đời không hiểu được lý lẽ này, nên thường chọn những loài nhỏ bé để có thể mua được nhiều con mà phóng sinh, đối với những con vật to lớn thì dù gặp nó sắp chết giữa đường cũng đưa mắt nhìn rồi đi qua. Như thế chỉ là tham muốn phúc đức cho bản thân mình, không phải là thương xót nỗi khổ của chúng sinh. Tâm địa như thế thì phước báo hết sức nhỏ nhoi, phải hết sức cẩn thận, không nên suy nghĩ theo cách như vậy!

Ngày ngày đều thêm việc thiện, tháng tháng tích lũy càng nhiều, thực hành càng rộng thì phước báo càng cao.

Giảng rộng:

Việc thiện không phân biệt lớn nhỏ, quý nhất ở chỗ có thể kiên trì thực hiện lâu dài. Ngày ngày đều có tăng thêm thì tháng tháng đều có sự tích lũy. Việc thiện nhiều, tất nhiên phạm vi làm thiện càng mở rộng, thực hành càng rộng thì phước báo càng cao.

Lòng từ phủ khắp nhân gian, tiếng lành cảm thông thiên giới.

Giảng rộng:

Khởi tâm từ làm việc thiện lâu dài, công đức tích lũy sâu rộng nên khắp cõi người đều hay biết. Lòng người đã kính phục tin theo, ắt lòng trời cũng yêu cũng quý. Có người cho rằng, trời cao lồng lộng mênh mang xa tít, làm sao có thể cảm thông với việc làm ở cõi người? Đó là họ không biết rằng, các vị Thiên vương vào những ngày Lục trai22 đều xem xét khắp nhân gian,tất cả việc thiện đều biết, tất cả những việc xấu ác đều thấy rõ. Hơn nữa, người tu theo mười nghiệp lành thì cõi trời được ưu thế, người làm mười nghiệp ác thì a-tu-la được ưu thế, nên Thiên đế lúc nào cũng muốn người làm điều thiện.23 Chỉ cần có một người làm việc thiện, các vị thần vương liền lập tức báo lên Thiên đế. Những điều này trong Kinh điển có ghi chép rõ ràng, không phải nói theo suy đoán.

Rửa sạch trong lòng không oán cừu nghiệp chướng, phước lành tụ hội trong đời này; vun bồi tưới tẩm căn lành, an vui còn mãi đến đời sau.

Giảng rộng:

Không giết hại, chỉ làm việc phóng sinh, đối với muôn loài không có oán cừu. Không chỉ được an vui trong đời hiện tại, mà nhờ căn lành này nên trong nhiều đời sau cũng sẽ được sống lâu hưởng phúc lâu dài, cho đến tương lai trọn thành quả Phật, hết thảy muôn loài  chúng sinh hữu tình đều kính phục nương theo, như thế đều là những an vui còn mãi đến đời sau.

Nếu được thì [khi phóng sinh] nên niệm Phật trợ lực, tụng đọc Kinh điển.

Giảng rộng:

Gặp sinh mạng [sắp chết] có thể ra tay cứu sống, tuy là công đức hiền thiện, nhưng như thế chỉ cứu được cái thân xác thịt của chúng sinh, không giúp ích được cho sinh mạng trí tuệ sẵn có trong mỗi chúng sinh ấy. Vì thế, [trong khi làm việc phóng sinh] rất nên xưng niệm hồng danh đức Phật A-di-đà, vốn có đủ muôn vạn đức tốt, và cung kính trì tụng các phẩm Kinh điển Đại thừa. Tuy nhiên, cứu vật phóng sinh phải làm gấp rút như cứu lửa, nên việc trì tụng Kinh điển rất bất tiện, chỉ có thể dùng pháp niệm Phật [mới thật khả thi], giúp ích được những con vật được phóng sinh. Nếu đã mua được vật sống rồi lại để qua đêm, chờ sáng mới thả, hoặc sáng sớm mua về, đến sau trưa vẫn còn giam giữ, chờ đợi thiết lập đạo trường, tụ tập kẻ nam người nữ, kéo dài thời gian như thế ắt vật mạng chịu không nổi phải chết đi phần lớn. Làm việc phóng sinh mà như thế chỉ là hư rỗng, không thật lòng.

Nên vì những con vật được thả ra mà hồi hướng công đức, nguyện cho chúng sau khi chết sẽ được sinh về Tây phương Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khỏi ba đường ác.

Giảng rộng

Nhờ công đức niệm Phật, nguyện cho các con vật được phóng sinh một khi chấm dứt đời sống hiện tại sẽ được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc, được hóa sinh từ hoa sen, đạt quả vị không còn thối chuyển, vĩnh viễn xa  lìa các đường ác, mãi mãi chấm dứt vòng luân chuyển khổ đau.

Ba đường ác, đó là nói trong sáu đường luân hồi thì có ba đường là xấu ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.24

Được như thế ắt tâm lượng càng thêm lớn lao, cội đức càng sâu hơn nữa.

Giảng rộng:

Thấy sự khổ não của chúng sinh [sắp chết] mà ra tay làm việc phóng sinh, thì đối với người sẵn có tâm lành sẽ nuôi lớn thành tâm Bồ-đề lớn lao hơn nữa, cho nên nói là “càng thêm lớn lao”.

Phóng sinh ắt được phước báo, đối với người đã gieo trồng phước đức thế gian, ắt nay thành đức hạnh xuất thế, cho nên nói là “càng sâu hơn nữa”.

Nhờ đó nhanh chóng thành tựu đạo nghiệp, được sinh về chín phẩm đài sen cõi Phật.

Giảng rộng:

Tâm lượng lớn lao, cội đức sâu vững, việc ấy làm sao suy nghiệm để biết? Nói chung, làm việc lợi tha chính là tâm hạnh của Bồ Tát. Thực hành pháp phóng sinh này để hỗ trợ thêm cho sự nghiệp tu tập đạo pháp, ắt sẽ như thuyền buồm thuận gió, nhanh chóng thẳng đến bờ bến là Niết-bàn. Trong ba phước lành của nghiệp thanh tịnh thì việc nuôi dưỡng tâm từ không giết hại là cao trổi nhất. Nay đã có thể giữ giới không giết hại, lại thêm làm việc phóng sinh; đã có thể làm việc phóng sinh, lại thêm dùng Chánh pháp cứu chúng sinh [sau khi chết] được sinh về Tịnh độ; người dụng tâm tu tập được như thế, một khi đã trọn hết báo thân này, quyết định sẽ được sinh về chín phẩm đài sen nơi Cực Lạc, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa.

Nay xin rộng khuyên hết thảy người đời, mong đừng vì thấy bản thân tôi đức hạnh mỏng manh, thân phận nhỏ nhoi mà ngờ vực không tin nhận.