Cẩm Nang Phóng Sinh
Nguyễn Minh Tiến
Soạn dịch và chú giải

 

Lời nói đầu

Hiện nay, việc thực hành phóng sinh được rất nhiều Phật tử quan tâm. Nhưng trong khi thực hành, nhiều người cũng đã gặp không ít trở ngại. Một phần là từ những biện luận phản bác của người khác, xuất phát từ những sai lầm có thật của một số người khi phóng sinh. Một phần khó khăn nữa là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa phóng sinh, khiến người thực hành đôi khi không khỏi tự mình băn khoăn thối chí. Cuối cùng, trở ngại thường gặp nhất vẫn là cách thức hay nghi thức cụ thể để thực hành một cuộc phóng sinh ở nhiều nơi thường khác biệt nhau – đôi khi có phần không hợp lý – khiến người Phật tử rất khó vững tâm làm theo.

Dựa vào lời dạy của các bậc cao tăng danh sĩ như Đại sư Liên Trì, Đại sư Ấn Quang, Từ Vân Sám chủ Tuân Thức, Cư sĩ Tăng Đại Kỳ… chúng tôi biên soạn bản Cẩm nang phóng sinh này với nội dung đầy đủ và tiện dụng, hy vọng có thể giúp ích, tạo sự dễ dàng và củng cố quyết tâm cho những người thực hành phóng sinh.

Mặc dù đã hết sức cẩn trọng khi thực hiện công việc, nhưng sai sót có thể là điều khó tránh. Chúng tôi mong nhận được sự chỉ dạy từ quý độc giả gần xa để những lần tái bản sẽ được hoàn thiện hơn.

NGUYỄN MINH TIẾN

***

Tiểu sử Đại sư Liên Trì

Đại sư Liên Trì là một cao tăng đời Minh, sinh năm 1532 và viên tịch vào năm 1612. Ngài tên húy là Chu Hoành, tên tự là Phật Tuệ, pháp hiệu Liên Trì, khai sáng và trụ trì chùa Vân Thê ở núi Vân Thê thuộc Hàng Châu.

Ngài sinh trong gia đình thế gia vọng tộc, từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, năm 17 tuổi thi đỗ, văn chương nổi tiếng khắp trong vùng. Gần nhà có một bà lão suốt ngày chuyên tâm niệm Phật, ngài theo hỏi nguyên do, bà đáp: “Chồng tôi trước đây niệm Phật, lúc lâm chung được tự tại vãng sinh, nên tôi biết công đức của việc niệm Phật không thể suy lường.” Ngài nghe qua hết sức cảm động, từ đó có ý nương theo Tịnh độ, liền viết mấy chữ “Sống chết là việc lớn” treo nơi bàn viết để tự nhắc nhở mình.

Năm ngài 27 tuổi thì mất cha, năm 32 tuổi mất mẹ, liền quyết chí xuất gia tu hành, nói với người vợ rằng: “Chuyện ân ái thoáng qua không thường còn, việc sống chết không ai thay thế được cho ai, nay tôi quyết lòng xuất gia, bà phải tự bảo trọng.” Người vợ rơi lệ nói: “Ông đi trước một bước, tôi tự biết tính toán.” Đại sư liền đến cầu xuất gia với Hòa thượng Tính Thiên ở Tây Sơn, người vợ sau đó cũng xuống tóc xuất gia.

Đại sư sau khi thọ giới Cụ túc thì đi khắp nơi tham học Phật pháp. Năm 1571, ngài đến Hàng Châu thấy núi Vân Thê cảnh trí hùng vĩ, nhưng có con hổ dữ thường làm hại dân làng. Ngài khởi tâm từ bi liền vào núi tác pháp Du- già Diệm khẩu thí thực, từ đó về sau, con hổ không bao giờ còn hại người nữa. Năm ấy hạn hán, dân làng khốn khổ, khẩn thỉnh ngài cầu mưa. Ngài chống tích trượng đi quanh ruộng niệm Phật, trời liền đổ cơn mưa lớn. Từ đó dân làng kính tin, cùng nhau góp sức dựng chùa Vân Thê thỉnh ngài trụ trì.

Đại sư đạo cao đức trọng, một đời hóa độ không biết bao nhiêu người hữu duyên, trước tác để lại rất nhiều, như: A-di-đà kinh sớ sao (4 quyển), Vãng sanh tập (3 quyển), Tịnh độ nghi biện (1 quyển), Thiền quan sách tấn (2 quyển), Phạm võng kinh giới sớ phát ẩn (5 quyển), Lăng-già kinh mô tượng ký (1 quyển), Truy môn sùng hạnh lục (1 quyển), Sơn phùng tạp lục (3 quyển), Trúc song tùy bút (2 quyển)… Toàn tập của ngài gọi là “Vân thê pháp vị”, tính tổng cộng là 32 quyển. Trong đó lưu hành rộng rãi nhất là các tác phẩm A-di-đà kinh sớ sao, Trúc song tùy bút, Vãng sanh tập, Tịnh độ nghi biện, Giới sát phóng sinh văn…

Bài văn Giới sát phóng sinh của ngài là một trong những kiệt tác được muôn đời ngợi khen vì văn chương diễm lệ, ý hướng sâu xa cảm động lòng người, chỗ biện giải lại rõ ràng minh bạch, lập luận sắc bén khiến người tin phục. Chính vì vậy, nhắc đến việc khuyên người giới sát phóng sinh thì xưa nay đều thừa nhận bài văn này là tác phẩm có tác động sâu rộng nhất.

***

Lời tựa văn Giới sát phóng sinh

Đại sư Liên Trì thuở thiếu thời đã tinh thông lục nghệ,1 văn chương lưu truyền nổi tiếng khắp gần xa. Ngài khổ công nghiên cứu sâu xa giáo pháp cả Ba thừa, 2 nắm được tông chỉ, đạt được chứng ngộ, siêu việt thường tình. Ngài dũng mãnh khoác áo giáp tinh tấn, sáng suốt nắm giữ bảo châu trí tuệ, hết sức xót thương những người còn mê muội nên đối với Giới luật lại đặc biệt lưu tâm răn nhắc nhiều nhất về giới không giết hại.

Hết thảy muôn loài mang máu huyết thần khí đều có tri giác cảm nhận, hết thảy những sinh vật động đậy bay nhảy đều cùng chung một thể tánh với ta. Để làm đầy bụng mình, có lẽ nào lại nên giết hại muôn vật? Trời cao sẵn đức hiếu sinh, thể theo đó nên dẫn dắt người còn lạc lối.

Ôi, tấm lòng trắc ẩn thì người người đều có, mà cái thảm cảnh cắt xẻ nấu nướng lại xảy ra rõ ràng ở khắp mọi nơi. Giam nhốt giết mổ muôn loài, xưa nay người ta vẫn luôn xem như chuyện thường tình, vần xoay giết hại vật loại, xem ra ta có khác chi loài cầm thú? Ong châm muỗi đốt còn sinh bực dọc, sao nỡ cắt xẻ băm vằm muôn vật chẳng đoái thương? Phân thây xẻ thịt muôn loài rồi cho vào miệng làm no bụng, thử tỉnh tâm xét lại xem đức nhân của mình nằm ở chỗ nào? Thử nghĩ đến quả báo ngày sau, oán cừu đối mặt làm sao chối chạy? Một khi đã trôi giạt vào vòng xoáy mạnh được yếu thua, xoay vòng ăn nuốt lẫn nhau, ắt phải đi mãi theo đường vay trả, trả vay mà đắm chìm vĩnh viễn trong luân hồi sinh tử.

Vì thế, đức Như Lai đã thắp lên ngọn đuốc trí tuệ rực sáng giữa chốn trùng trùng u tối, cứu chúng sinh khổ đau thoát khỏi tám nạn, dạy người chấm dứt nhân giết hại, ắt không còn bị trói buộc vào nghiệp quả xấu ác. Thời nay giáo pháp ngày càng suy mạt, người ta đã từ lâu mê mờ quên mất lời dạy nhiệm mầu của đức Như Lai. Đại sư Liên Trì đã một mình quét sạch bùn nhơ năm dục, 3 giảng rõ giềng mối nơi Ba cõi, trong biển âm thanh xướng lên [bài văn này như] con thuyền trí tuệ nguyện lực, cứu giúp người đang đắm chìm trong bể khổ, đưa hết thảy về nơi chân thật nhất như.

Ôi, ý chỉ tốt đẹp thay! Pháp vốn không phân đốn tiệm, chứng nhập rồi đều đạt cảnh giới chẳng phân hai; đạo vốn không chia thánh phàm, quan trọng nhất là đức tin sâu vững. Chỉ cần có thể vâng giữ làm theo giới không giết hại của thầy trao, rồi quán xét thật kỹ xem nguyên nhân khởi lên ý niệm giết hại trong lòng ta là từ đâu đến.

Là từ tâm linh diệu nhận biết này chăng? Hay từ thân thể xương da máu thịt này? Nhưng gốc của tâm vốn là từ bi, do đâu khởi sinh ý niệm tàn độc giết hại? Thân thể xương thịt vốn không có thức rõ biết, sao có thể chứa đủ tham, sân? [Xét rằng khi] tâm rỗng không ắt lời khen tiếng chê đều không biết đến, nên sự ham thích mùi vị đó không do nơi thân xác thịt. Nhưng khi thân thể tịch lặng thì sự yêu thích hay ghét bỏ cũng không thể tự sinh khởi, nên chỗ muốn giết hại lại không thật do nơi tâm.

Cả thân và tâm đều không phải chỗ khởi sinh, vậy trong đó [ý niệm giết hại] từ đâu mà đến? Cho nên biết rằng, cả thân và tâm vốn đềuthanh tịnh, chỉ do từ lâu huân tập những điều huyễn hoặc mê vọng mà thành trói buộc. Đạt đến chỗ diệu huyền của bản thể thanh tịnh, ắt việc giữ giới [không giết hại] này chẳng còn do nơi ngoại cảnh; giải trừ được sự trói buộc che lấp của huyễn hoặc mê vọng, ắt lòng đại bi không còn bị ngăn ngại trong tâm. Nhập vào đại định, thành tựu quả Phật, đều do từ chỗ này.

Tôi thuở nhỏ từng được nghe lời dạy của Mạnh tử rằng “Người quân tử tránh xa chốn bếp núc”,4đó là do lòng từ hết sức thương yêu loài vật, [không muốn nhìn thấy sự giết hại]. Nay lại được đọc thêm bản văn Giới sát này của Đại sư Liên Trì, thật là một ý niệm lợi ích đến cả côn trùng, bảo vệ sự sống cho muôn vật. [Xem qua bản văn này rồi] liền dạy con cháu phải học lấy làm theo, lại mong mỏi có thể gìn giữ rộng truyền ra khắp mọi nơi.

Tứ tiến sĩ xuất thân,5 Quang lộc Đại phu, Thái tử Thái bảo,6Lại bộ Thượng thư,

Vũ Anh Điện Đại học sĩ, Tri chế cáo quốc sử điển chí tổng tài quán, người trấn Hải Ngu7 là Nghiêm Nột soạn8