KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
ĐOÀN TRUNG CÒN, NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
  NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính

 

DUYÊN DỨT VỀ NGUỒN

Phẩm thứ nhì

Phật lại bảo đại chúng: “Nay thời khắc đã đến, toàn thân ta đều đau nhức.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn vừa nói dứt lời liền nhập Sơ thiền, phóng hào quang Niết-bàn, quán xét khắp thế giới, nhập Tịch diệt định.[23]

Đức Thế Tôn nhập Sơ thiền rồi,[24] ra khỏi Sơ thiền lại nhập Đệ nhị thiền; ra khỏi Nhị thiền lại nhập Đệ tam thiền; ra khỏi Tam thiền lại nhập Đệ tứ thiền; ra khỏi Tứ thiền lại nhập Hư không xứ; ra khỏi Không xứ lại nhập Vô biên thức xứ; ra khỏi Vô biên thức xứ lại nhập Vô sở hữu xứ;[25] ra khỏi Vô sở hữu xứ lại nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ; ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ lại nhập Diệt tận định.

Sau đó, Như Lai ra khỏi Diệt tận định liền quay trở lại nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ; ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ liền quay trở lại nhập Vô sở hữu xứ; ra khỏi Vô sở hữu xứ liền quay trở lại nhập Vô biên thức xứ; ra khỏi Vô biên thức xứ liền quay trở lại nhập Hư không xứ; ra khỏi Hư không xứ liền quay trở lại nhập Đệ tứ thiền; ra khỏi Đệ tứ thiền liền quay trở lại nhập Đệ tam thiền; ra khỏi Đệ tam thiền liền quay trở lại nhập Đệ nhị thiền; ra khỏi Đệ nhị thiền liền quay trở lại nhập Sơ thiền.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn sau khi đã [thị hiện] nhập tất cả các cảnh giới thiền định theo hai chiều thuận nghịch như vậy rồi, liền bảo khắp đại chúng rằng: “Ta dùng trí Bát-nhã hết sức thâm sâu để quán xét khắp trong Ba cõi:[26] trong khắp Sáu nẻo [luân hồi],[27] hết thảy núi non, biển cả, đất đai và tất cả các loài sanh sống trong đó. [Ta thấy rõ rằng trong] Ba cõi này, tính chất căn bản [chung] là lìa khỏi [thực thể], [quán xét đến chỗ] rốt ráo đều vắng lặng diệt mất, đồng với tướng trạng của hư không; không có tên gọi, không có nhận biết, vĩnh viễn dứt trừ mọi sự hiện hữu.

“[Các pháp trong Ba cõi này] vốn xưa nay bình đẳng, không [tự có] niệm tưởng là cao hay thấp, không thấy, không nghe, không biết, không hiểu; không thể bị trói buộc, không thể được giải thoát; không có chúng sanh, không có mạng sống [của chúng sanh], không sanh không khởi, không dứt không mất; chẳng phải thế gian cũng chẳng phải không là thế gian; Niết-bàn và sanh tử đều không thể đạt đến, hai bờ mé ấy bình đẳng như nhau, vì cùng bình đẳng với tất cả các pháp. [Thấy được như vậy rồi thì tự mình] trụ yên trong an nhàn tĩnh lặng, không có việc gì phải làm; chỗ rốt ráo an bày đều không thể đạt được; nương theo pháp và pháp tánh vô trụ mà hành xử, dứt trừ tất cả các tướng, không một tướng nào còn hiện hữu.

“Tướng của pháp là như vậy. Ai rõ biết như vậy gọi là người xuất thế; [ai] không rõ biết những điều này là [không thoát khỏi] cội nguồn sanh tử. Đại chúng các người nên phá tan vô minh, diệt trừ cội nguồn sanh tử.”

Đức Thế Tôn sau khi thuyết dạy như trên lại [thị hiện] nhập siêu thiền;[28] sau khi ra khỏi Sơ thiền liền nhập Đệ tam thiền; ra khỏi Tam thiền liền nhập Hư không xứ; ra khỏi Hư không xứ liền nhập Vô sở hữu xứ; ra khỏi Vô sở hữu xứ liền nhập Diệt tận định.

Sau khi ra khỏi Diệt tận định, Thế Tôn liền nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ; ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ liền nhập Vô biên thức xứ; ra khỏi Vô biên thức xứ liền nhập Đệ tứ thiền; ra khỏi Đệ tứ thiền liền nhập Đệ nhị thiền; ra khỏi Nhị thiền liền nhập Sơ thiền.

Sau khi đã [thị hiện] siêu thiền [qua các cảnh giới thiền định] bằng cách thuận và nghịch như vậy, đức Thế Tôn lại bảo khắp đại chúng rằng: “Ta dùng trí tuệ Đại Bát-nhã để quán xét khắp trong Ba cõi: các loài có tình thức, không có tình thức, kẻ nghe pháp và người thuyết pháp, hết thảy [đến chỗ rốt ráo] đều không có người bị trói buộc, không có người được giải thoát; không có chủ thể, không có [đối tượng] nương theo; không thể nắm giữ, không ra khỏi Ba cõi, không đi vào các cảnh giới hiện hữu; xưa nay vốn là thanh tịnh, không có nhơ bẩn, không có phiền não, đồng như hư không; không bình đẳng, chẳng phải không bình đẳng; dứt hết mọi động niệm, tư tưởng, tâm thức.

“Tướng của pháp như vậy gọi là Đại Niết-bàn. Chân thật thấy được pháp này gọi là giải thoát; những kẻ phàm phu không rõ biết như vậy gọi là vô minh.”

Đức Thế Tôn sau khi thuyết dạy như vậy rồi lại [thị hiện] nhập siêu thiền, sau khi ra khỏi Sơ thiền [lại lần lượt nhập và xuất các cảnh giới thiền,] cho đến nhập Diệt tận định. Sau khi ra khỏi Diệt tận định, [lần lượt quay ngược lại nhập và xuất các cảnh giới thiền,] cho đến nhập Sơ thiền.

Sau khi đã [thị hiện] siêu thiền [qua các cảnh giới thiền định] bằng cách thuận và nghịch như vậy, đức Thế Tôn lại dạy Đại chúng rằng: “Ta dùng con mắt [trí tuệ của] Phật để quán xét khắp trong Ba cõi: Tất cả các pháp [đều có] nguồn gốc ban đầu từ vô minh; tánh [của vô minh] vốn là giải thoát, nếu tìm kiếm [giải thoát] trong khắp mười phương, rốt cùng cũng không thể được; vì cội gốc [vô minh] là không, nên hết thảy cành nhánh đều được giải thoát. Vì vô minh được giải thoát, cho nên lần lượt đến già chết[29] cũng đều được giải thoát. Vì nhân duyên ấy, nay ta trụ yên trong hào quang thường tịch diệt, gọi là Đại Niết-bàn.”

Lúc ấy, ngài A-nan hết sức bi ai, buồn đau khốn khổ, lòng dạ rối loạn, tình thức hôn mê như người quá say không còn nhận biết gì nữa, không nhìn thấy Bốn chúng, cũng không biết đức Như Lai đã nhập Niết-bàn hay chưa.

Đức Thế Tôn khi ấy đã [thị hiện] siêu thiền, nhập và xuất các cảnh giới thiền định ba lần, quán xét khắp pháp giới, lại vì khắp đại chúng mà thuyết pháp ba lần như vậy; cộng cả thảy Như Lai đã hai mươi bảy lượt xuất và nhập các cảnh giới thiền định.[30]

Vì ngài A-nan không [còn tỉnh táo nhận] biết, nên mỗi khi Phật nhập một cảnh giới thiền định đều theo hỏi ngài A-na-luật rằng: “Phật đã nhập Niết-bàn hay chưa?” Cả thảy là hai mươi bảy lần hỏi. [Mỗi lần như vậy,] ngài A-na-luật vì rõ biết sâu xa rằng đức Như Lai chỉ nhập các cảnh giới thiền định nên đều trả lời: “Phật chưa nhập Niết-bàn.”

Lúc ấy, tất cả đại chúng cũng đều hoảng loạn, không biết được Như Lai đã vào Niết-bàn hay chưa!

Bấy giờ, sau khi đã ba lần nhập và xuất các cảnh giới thiền định cũng như ba lần chỉ dạy cho đại chúng rồi, đức Thế Tôn bèn nằm duỗi người trên giường thất bảo, nghiêng hông bên phải xuống dưới, đầu hướng về phương bắc, mặt hướng về phương tây; có những chuỗi ngọc xinh đẹp nhiệm mầu trang nghiêm quanh giường thất bảo. Trong rừng cây sa-la khi ấy có tám cây mọc sóng đôi thành bốn cặp, một cặp phía tây, trước mặt Như Lai; một cặp phía đông, sau lưng Như Lai; một cặp phía bắc, trên đầu Như Lai; một cặp phía nam, dưới chân Như Lai.

Lúc ấy, đức Thế Tôn nằm trên giường báu dưới rừng cây sa-la. Đến khoảng nửa đêm, Phật nhập Đệ tứ thiền, vắng lặng an nhiên không một tiếng động; trong khoảnh khắc ấy Phật nhập Niết-bàn.

Đấng Đại giác Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi, trong rừng sa-la ấy, hai cặp cây đứng phía đông và phía tây Phật liền hợp [tán cây] thành một, hai cặp cây sóng đôi đứng phía nam và phía bắc Phật cũng hợp [tán cây] thành một, tạo thành một cái lọng lớn che kín phía bên trên giường báu Phật nằm. Trong chốc lát, những cây ấy đều đau buồn chuyển thành màu trắng muốt như [lông] con hạc trắng; cành lá, hoa trái, [cho đến] vỏ cây, thân cây đều nứt nẻ, rơi rụng, dần dần khô héo, gãy rụng, không còn gì cả…

Lúc ấy, từ vô lượng muôn ức thế giới nhiều như số cát sông Hằng của chư Phật mười phương, tất cả những cõi đất đều chấn động mạnh, phát ra đủ mọi thứ âm thanh, [nghe như] tiếng than thở rằng: “Khổ thay, khổ thay! Thế gian [đã trở thành] trống rỗng!”

[Những âm thanh ấy] lại tạo thành những tiếng diễn đạt lẽ vô thường, khổ, không và sự buồn đau ai oán.

Bấy giờ, tất cả núi non trong các thế giới mười phương, như núi Mục-chân-lân-đà, núi Ma-ha Mục-chân-lân-đà, núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi, núi Tu-di, Bảo sơn, Hương sơn, Kim sơn, Hắc sơn… tất cả núi non trên khắp các cõi đất đều cùng lúc rúng động, sụp lở, phát ra những âm thanh vang dội khắp thế giới, [nghe như] tiếng than thở rằng: “Khổ thay, khổ thay! Vì sao chỉ trong chốc lát thế gian đã trở thành không nơi nương tựa? Mặt trời trí tuệ đã lặn khuất sau núi Đại Niết-bàn! Tất cả chúng sanh mất đi đấng cha lành chân thật, mất đi bậc trời [xứng đáng cho tất cả mọi người] cung kính, [từ nay] không còn nơi chiêm ngưỡng!”

Lúc ấy, tất cả biển cả trong các thế giới mười phương đều ngầu đục, cuồn cuộn nổi sóng, phát ra đủ mọi âm thanh, [nghe như] tiếng than thở rằng: “Khổ thay, khổ thay! Đấng Chánh giác đã ra đi! Chúng sanh tội lỗi khổ não, trôi giạt mãi trong biển cả sanh tử như đêm dài tăm tối, mê lạc mất con đường chân chánh, biết nhờ đâu mà được giải thoát?”

Tất cả sông ngòi, kênh rạch, suối khe, ao hồ, giếng nước… [bỗng nhiên] đều ngiêng đổ khô cạn.

Bấy giờ, mặt đất và hư không trong khắp các thế giới mười phương đều vắng lặng u ám, mặt trời, mặt trăng không còn chiếu sáng. Sự tối tăm, sầu não lan khắp thế giới. Ngay trong lúc ấy, bỗng nhiên nổi lên cuồng phong mù mịt, chấn động kinh hồn, thổi tung bụi cát như che lấp cả thế giới.

Trên mặt đất, tất cả các loại cỏ, cây, cỏ thuốc, cây lớn [bỗng nhiên] hoa, trái, cành lá thảy đều khô gãy, rơi rụng, không còn gì cả.

Ngay trong lúc ấy, tất cả chư thiên [hiện ra] đầy khắp hư không trong mười phương thế giới, than khóc bi ai, chấn động cả Tam thiên đại thiên thế giới, rải xuống như mưa vô số trăm ngàn các loại hương, hoa tốt đẹp nhất cõi trời, đầy khắp cõi Tam thiên đại thiên thế giới, chất lại thành đống cao như núi Tu-di để cúng dường Như Lai.

Từ trên không trung lại đổ xuống như mưa vô số cờ phướn, chuỗi ngọc, lọng báu, ngọc như ý, đều là những vật báu của cõi trời, đầy khắp hư không, biến thành một đài báu bốn mặt có châu ngọc, bảy món báu đan xen vây quanh, chói sáng rực rỡ để cúng dường Như Lai.

Từ trên không trung lại trỗi lên vô số giai điệu âm nhạc cõi trời rất mầu nhiệm như tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn hát… đủ mọi thứ âm thanh, [nghe như] tiếng than thở rằng: “Khổ thay, khổ thay! Phật đã nhập Niết-bàn, thế gian [bây giờ] trống rỗng, tất cả chúng sanh phải mù lòa, quỷ la-sát tham cầu phiền não tràn lan khắp nơi, sự khổ não vô thường biến dị tiếp nối không dứt, bánh xe đau đớn chẳng ngừng quay!”

Lúc ấy, ngài A-nan buồn khổ mê muội không còn nhận biết gì nữa, không biết Như Lai đã nhập Niết-bàn hay chưa, trước mắt chỉ thấy toàn những cảnh tượng khác thường, liền quay sang hỏi lại ngài A-na-luật: “Phật đã nhập Niết-bàn rồi phải không?”

Ngài A-na-luật đáp rằng: “Đại giác Thế Tôn đã nhập Niết-bàn!”

Ngài A-nan vừa nghe qua câu này thì buồn đau cực độ, ngã nhào xuống đất như người đã chết, hơi thở dứt hẳn, tâm thức mờ mịt không còn biết gì nữa cả.

Lúc ấy, ngài A-na-luật dùng nước trong mát tưới lên mặt A-nan [cho tỉnh lại], đỡ dậy, rồi dùng phương tiện khéo léo mà an ủi rằng: “Buồn khổ thay! Đau đớn thay! Nhưng biết làm sao được? Thôi ông cũng đừng buồn đau sầu não thái quá mà rối loạn tâm. Nhân duyên giáo hóa của Như Lai đã dứt, hết thảy chư thiên và loài người không ai có thể lưu giữ ngài lại được. Khổ thay, khổ thay! Nhưng biết làm sao được? Ngờ đâu hôm nay bậc thầy của chư thiên và nhân loại, khi việc cần làm đã làm xong, không ai có thể lưu giữ được? Biết làm sao được! Nay ông và tôi, chúng ta phải cùng nhau kìm nén nỗi đau này!”

Ngài A-na-luật lại an ủi thêm: “A-nan! Tuy Phật nhập Niết-bàn nhưng vẫn còn lưu lại xá-lợi và Pháp bảo cao quý nhất, thường trụ ở thế gian, có thể làm chỗ quay về nương theo cho tất cả chúng sanh. Nay ông và tôi, chúng ta nên chuyên cần tinh tấn đem Pháp bảo ấy truyền trao cho chúng sanh, khiến họ được thoát khỏi các nỗi khổ, [như vậy mới] báo đáp được ân đức của Như Lai.”

Lúc ấy, ngài A-nan nghe lời an ủi khuyên nhủ rồi, dần dần tỉnh ngộ, [nhưng vẫn còn] nghẹn ngào rơi lệ, không kìm nổi sự bi ai.

Bấy giờ, trong phạm vi vuông vức mười hai do-tuần ở rừng sa-la thuộc thành Ca-thi-na, đại chúng và chư thiên, loài người tụ tập đầy kín; mỗi khoảnh đất chỉ bằng mũi nhọn một cây kim cũng chứa được đến vô lượng người, [nhưng phạm vi này vẫn] không còn một khoảng trống nào. [Dù vậy, tất cả đại chúng đều] không hề chen chúc che chướng lẫn nhau.

Lúc ấy, vô số ức Bồ Tát và tất cả đại chúng đều mê muội, hoang mang rối loạn, không thể biết được là đức Như Lai đã nhập Niết-bàn hay chưa, chỉ thấy trước mắt toàn những cảnh khác thường biến động. Các vị liền đồng thanh cất tiếng hỏi ngài A-na-luật: “Phật đã nhập Niết-bàn rồi phải không?”

Lúc ấy, ngài A-na-luật nói với đại chúng, tất cả chư thiên và nhân loại rằng: “Đại giác Thế Tôn đã nhập Niết-bàn!”

Nghe qua lời ấy rồi, có vô số người trong đại chúng đồng thời cảm thấy sầu khổ choáng ngợp trong lòng, nghẹn ngào không nói được gì, thảy đều ngã nhào xuống đất, mê man bất tỉnh. Lại có những người [ngay khi ấy] nhập diệt theo Phật. Lại có những người lòng dạ rối bời tán loạn. Lại có những người thân tâm đều rúng động, run rẩy. Lại có những người nắm chặt tay nghẹn ngào rơi lệ. Lại có những người luôn tay đấm ngực, than khóc lớn tiếng. Lại có những người [không nén được đau thương,] vò đầu bứt tóc.

Lại có những người kêu thét lên: “Đau đớn thay, đau đớn thay! Cay đắng khổ não thay!”

Lại có những người than tiếc: “Sao Như Lai vội nhập Niết-bàn quá sớm như vậy!”

Lại có những người than thở rằng: “Than ôi! Chúng ta đã mất đi một vị trời đáng tôn kính.”

Lại có những người kêu than: “Ôi! Thế gian [đã trở thành] trống rỗng! Chúng sanh [từ nay phải chịu] mù lòa!”

Lại có những người than thở: “Con quỷ lớn phiền não từ nay sẽ lan tràn khắp chốn!”

Lại có những người than rằng: “Than ôi! Hạt giống lành của chúng sanh đã dứt, không còn nảy sanh mầm chồi được nữa!”

Lại có những người ta thán: “Ôi! Ma vương từ nay vui sướng, cởi bỏ áo giáp [vì chẳng còn ai đối trị]!

Lại có những người tự chê trách thân tâm, quán xét lý vô thường; lại có những người thực hành pháp quán chân chánh, liền được giải thoát.

Lại có những người đau xót than rằng: “Nay chúng ta không còn chỗ để quy y.”

Trong [số đại chúng] lại có những người [quá đau đớn nên] toàn thân rướm máu, rỉ chảy xuống mặt đất.

[Tất cả đại chúng] như vậy, thuộc các loài khác nhau, tiếng nói khác nhau, thảy đều cất tiếng bi ai, chấn động khắp các thế giới.

Lúc ấy, Đại Phạm Thiên vương Thi-khí là vị đứng đầu thế giới Ta-bà, biết rằng Phật đã nhập Niết-bàn, liền cùng chư thiên từ cảnh trời Sơ thiền vượt qua hư không mà đáp xuống, cất tiếng khóc lớn, nghẹn ngào tuôn lệ, phủ phục trước thân Như Lai, rồi ngã lăn ra đất mê man, hồi lâu mới tỉnh lại. Không tự chế được sự bi thương, ngài đứng trước thân Phật đọc kệ than rằng:

Thế Tôn xưa từng có thệ nguyện,
Vì chúng con thị hiện Ta-bà;
Che giấu sức tự tại vô lượng,
Dùng pháp thích hợp độ chúng sanh.
Phương tiện giảng thuyết tùy người nghe,
Ai ai cũng đều được an lạc;
Khuyến khích dẫn dụ cho thoát khổ,
Niết-bàn nẻo cuối cùng hướng đến.
Như Lai như mẹ hiền thương con,
Dòng sữa đại bi thường nuôi dưỡng;
Ngờ đâu một sớm dứt ra đi,
Trời, người bơ vơ không chỗ dựa!

Đau đớn thay! Mầm thiện chúng sanh,
Không còn cam lộ giúp tăng trưởng;
Từ nay mầm thiện phải suy diệt,
Nghiệp ác kéo lôi vào nẻo ác.

Thế gian trống rỗng, biết làm sao!
Mắt tuệ chánh chân diệt mất rồi!
Chúng sanh lạc vào đêm tăm tối,
Chìm trong Ba cõi, khổ xoay vần!

Tội lỗi chúng sanh, ai cứu giúp?
Nương xá-lợi Phật được giải thoát;
Nguyện cầu sức đại bi Như Lai,
Che chở cứu giúp con thoát khổ.

Ngờ đâu đau đớn giữa cõi này,
Như Lai buông bỏ, nhập Niết-bàn!

Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân cùng đại chúng [chư thiên] từ trên hư không hạ xuống kêu than rằng: “Khổ thay, khổ thay!”

Thiên Đế lớn tiếng than khóc, đau thương tuôn lệ, phủ phục trước thân Như Lai, rồi ngã lăn ra đất mê man, hồi lâu mới tỉnh lại, đau đớn nghẹn ngào quỳ mọp trước thân Phật đọc kệ than rằng:

Như Lai bao kiếp tu hạnh khổ,
Đều vì thương xót mọi chúng sanh.
Thành tựu đạo Vô thượng Chánh giác,
Nuôi dưỡng chúng sanh đồng như con.

Pháp lành ban ra là thuốc quý,
Trị bệnh vượt hơn mọi thầy hay;
Mây đại từ bi che mát chúng,
Mưa tuệ cam lộ tưới khắp cả.

Mặt trời trí tuệ phá vô minh,
Chúng sanh mê mờ gặp Thánh đạo;
Trăng sáng ánh từ soi sáu nẻo,
Ba cõi nhờ ơn được thoát khổ.

Ngờ đâu nay dứt lòng đại bi,
Nhập cảnh Niết-bàn, không ai thấy!
Nay biết nơi đâu, nguyện đại bi?
Nỡ bỏ chúng sanh không luyến tiếc!

Chúng con muôn loài trong Ba cõi,
Như bê con mất mẹ sắp chết;
Bốn chúng nắm tay nhau than khóc,
Đau thương đấm ngực động Ba cõi.
Khổ thay, khổ thay! Hỡi người đời,
Cớ sao một sớm thành côi cút?
Chúng con dứt phước, khổ biết bao!
Mầm thiện úa tàn, không xanh lại.

Cầu mong Pháp bảo, xá-lợi Phật,
Chiếu sáng giúp ta thoát cõi khổ!
Buồn thay! Đau đớn thay! Chúng ta,
Biết bao giờ gặp lại Như Lai?

Bấy giờ, ngài A-na-luật bi thương than khóc, đau xót khôn lường, rồi quỳ mọp xuống trước thân Phật đọc kệ than tiếc rằng:

Chánh giác Pháp vương nuôi chúng con,
Nhờ dòng sữa pháp, lớn Pháp thân;
Pháp thân chúng sanh nay chưa thành,
Hành trang trí tuệ còn ít ỏi!

Ước chi Pháp âm thường giảng thuyết,
Khiến chúng sanh nghe đều ngộ Đạo;
Thêm ánh đại từ năm sắc chiếu,
Giúp chúng sanh đều được giải thoát.
Cớ sao sớm dứt, nhập Niết-bàn!
Chúng sanh khổ biết nương về đâu?
Đại bi Thế Tôn nay không còn,
Chúng con bơ vơ ắt phải chết!
Tuy rõ biết Thế Tôn phương tiện,
Chúng con không thể không bi thương!
Bốn chúng mê muội, tâm tán loạn,
Buồn đau chấn động khắp Ba cõi!
Thế Tôn riêng vào chốn an vui,
Chúng sanh quá khổ, còn mong gì?

Thuở xưa Thế Tôn vì chúng con,
Nhiều kiếp đầu rơi, tay chân đứt;
Nay thành đạo Vô thượng Chánh giác,
Sao chẳng ở lâu, sớm nhập diệt?
Chúng con Bốn chúng giữa vô minh,
Ma vương vui mừng cởi áo giáp!

Thương thay! Nguyện Thế Tôn đại bi,
Ánh từ xá-lợi soi khắp chúng.
Lại mong Thế Tôn thương Bốn chúng,
Gia hộ Pháp bảo truyền không dứt!

Hận sao không thể chết theo được,
Dẫu chút sống thừa có là bao?
Khổ thay! Đau đớn khôn nhẫn chịu!
Chẳng còn cơ hội gặp Như Lai!

Lúc ấy, ngài A-nan đã ngất đi hồi lâu, dần dần tỉnh lại, đưa tay vò đầu, đấm ngực, nghẹn ngào tuôn lệ, không kìm nổi đau thương, quỳ mọp xuống trước thân Phật đọc kệ than rằng:

Con nhờ sức nguyện của Thế Tôn,
May được cùng sanh trong dòng Thích;
Kể từ Như Lai thành Chánh giác,
Đã hai mươi năm theo kề cận.
Hết lòng kính dưỡng, tình chưa trọn,
Một sớm nỡ dứt vào Niết-bàn.
Thương thay! Cay đắng, buồn khổ thay!
Đêm dài vô tận lòng xiết đau!

Thân con chưa thoát mọi nghi tình,
Vỏ bọc vô minh còn kiên cố.
Thế Tôn chưa giúp con phá vỡ,
Sao nỡ sớm dứt nhập Niết-bàn?
Con như trẻ sơ sanh non nớt,
Mất mẹ, không lâu ắt phải chết;
Sao Thế Tôn nỡ đành dứt bỏ,
Riêng ngoài Ba cõi hưởng an vui?

Nay con sám hối trước Thế Tôn,
Hầu Phật hai mươi năm đã tròn;
Đi, đứng, nằm, ngồi nhiều biếng trễ,
Chưa đủ vui lòng đức Thế Tôn.
Nguyện đức Chánh giác đại từ bi,
Ban cho cam lộ, được an vui.
Con nguyện mai sau vô số kiếp,
Luôn được cận kề hầu Thế Tôn.
Ngưỡng nguyện Thế Tôn phóng từ quang,
Chiếu khắp thế gian, cứu độ con.
Đau đớn thay! Tỏ bày khôn xiết!
Nghẹn lời không kể hết Phật ân!

Lúc ấy, vô số ức Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng, hết thảy đại chúng cõi trời và cõi người đều nắm tay nhau bi thương than khóc, nước mắt tuôn tràn, không ai ngăn được lòng đau xót. Rồi tất cả bảo nhau cùng nén lệ sầu, bày biện vô số hương hoa tươi đẹp như hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la, hoa mạn-thù-sa, hoa ma-ha mạn-thù-sa; vô số các loại chiên-đàn, trầm thủy [quý giá được lấy từ những vùng] ven biển xa xôi, cõi trời và cõi người; trăm ngàn muôn thứ hương thơm hòa trộn, vô số loại hương bột, hương nước; cùng những lọng báu, cờ phướn quý giá, chuỗi ngọc trai quý… đầy khắp cả hư không, rồi đưa đến trước thân Như Lai, bi thương đau xót [dâng lên] cúng dường.

Bấy giờ, hết thảy đại chúng và nhân dân nam, nữ, già, trẻ trong thành Câu-thi-na đều bi thương, đau xót rơi lệ, mỗi người đều bày biện vô số hương hoa tươi đẹp cùng những phướn, lọng… các thứ, còn nhiều hơn cả những phẩm vật đã nói trên, cùng đưa đến trước thân Như Lai, bi thương đau xót [dâng lên] cúng dường.

Lúc ấy, Bốn vị thiên vương cùng với đại chúng chư thiên đều bi thương, đau xót rơi lệ, mỗi người cũng đều bày biện vô số hương hoa, đủ các loại phẩm vật cúng dường, nhiều gấp ba lần những phẩm vật đã nói trên, nước mắt ràn rụa cùng nhau đến chỗ Như Lai, cũng đưa tất cả phẩm vật đến trước thân Như Lai, bi thương đau xót [dâng lên] cúng dường.

[Các vị Thiên vương và đại chúng chư thiên ở] năm cõi trời [còn lại][31] cũng giống như vậy, [đều bày biện phẩm vật cúng dường] nhiều hơn đã nói trên [để dâng lên cúng dường đức Như Lai].

Chư thiên ở Sắc giới và Vô sắc giới lại cũng như vậy, [đều bày biện phẩm vật cúng dường] nhiều hơn đã nói ở trên, mang đến [dâng lên] cúng dường đức Như Lai.

KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN BỐN MƯƠI MỐT

[23] Tịch diệt định hay Đại tịch diệt định: một trong Thất chủng vô thượng của đức Như Lai, tức Trụ vô thượng, nghĩa là đức Như Lai tuy thị hiện trong khắp các cõi phàm thánh, trời người, nhưng vốn thường an trụ trong Tịch diệt định. Đây là điều mà ngoài Phật ra không ai có thể hơn được, nên gọi là Trụ vô thượng. Nay đức Như Lai sắp thị hiện Niết-bàn nên trước hết thị hiện cho Đại chúng thấy ngài nhập Tịch diệt định, nhưng thật ra ngài vẫn thường an trú trong phép định này. Đoạn tiếp theo Phật thị hiện nhập và xuất tất cả các cảnh giới thiền định theo từng thứ bậc, nhưng vẫn không hề ra khỏi Tịch diệt định này.

[24] Nguyên bản Hán văn có một đoạn lặp lại ý câu trước đó, chúng tôi ngờ là do lỗi khi khắc bản, vì trong bản chữ Vạn thì hai phần này nằm ở hai trang khác nhau. Khi chuyển dịch, chúng tôi chỉ ghi lại đủ ý, không ghi đoạn mang ý trùng lặp.

[25] Vô sở hữu xứ: nguyên bản Hán văn dùng Bất dụng xứ, là tên gọi khác của Vô sở hữu xứ. Chúng tôi chọn dùng tên gọi Vô sở hữu xứ vì đã xuất hiện nhiều lần trong kinh này cũng như quen thuộc hơn với nhiều người.

[26] Ba cõi: tức Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Tất cả chúng sanh hữu tình đều không ra ngoài Ba cõi này.

[27] Sáu nẻo luân hồi: cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Hết thảy chúng sanh trong vòng luân hồi đều rơi vào một trong sáu nẻo này, tùy theo nghiệp lực.

[28] Siêu thiền hay siêu việt thiền, thường gặp hơn là danh xưng siêu việt tam-muội, chỉ cách xuất nhập thiền định tự tại của Phật và các vị Bồ Tát, không theo trình tự thông thường như hàng Thanh văn, như từ Sơ thiền lên Nhị thiền, Tam thiền… Với siêu việt tam-muội, hành giả có thể trực nhập bất cứ cảnh giới thiền định nào tùy ý, không cần phải theo trình tự. Vì thế cũng gọi là Tự tại định.

[29] Lần lượt đến già chết: câu này nói tóm ý cả 12 nhân duyên, từ vô minh cho đến già chết (lão tử).

[30] Từ Sơ thiền lên đến Diệt tận định là 9 cảnh giới thiền định, cả thảy ba lần là 27 lượt.

[31] Trong sáu cõi trời thuộc Dục giới (Lục dục thiên) thì ngoài cõi trời của Tứ thiên vương (Tứ vương thiên) còn năm cõi trời khác là Đao-lợi thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên. Mỗi cõi trời đều có một vị Thiên vương đứng đầu chư thiên chúng.