TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
PHẦN THỨ HAI
CHƯƠNG V: BA-LA-ĐỀ ĐỀ-XÁ-NI[1]
ĐIỀU 1
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni xin váng sữa[2] để ăn. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm, nói: «Tỳ-kheo nầy không biết hổ thẹn, cầu xin không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng Như vậy có gì là chánh pháp? Xin ván sữa để ăn, như bọn tặc nữ dâm nữ không khác!»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô lại xin váng sữa để ăn ?»
Quở trách rồi, tỳ-kheo-ni thiểu dục liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni lại xin váng sữa để ăn?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Các tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, xin váng sữa để ăn, phạm pháp đáng chê trách phải sám hối. Nên đến các tỳ-kheo-ni khác nói: ‹Thưa đại tỉ, tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay đến đại tỉ xin sám hối.[3]› Đây gọi là pháp hối quá.
Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy rồi, có vị nghi, không dám vì người bệnh xin, chính mình bệnh cũng không dám xin, người khác vì mình xin cũng không dám dùng. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép, mình bệnh được xin, vì người bệnh được xin, người khác vì mình xin được dùng.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh mà xin váng sữa để ăn, phạm pháp đáng chê trách phải sám hối. Nên đến các tỳ-kheo-ni khác nói: ‹Thưa đại tỉ, tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi đến đại tỉ sám hối.› Gọi là pháp hối quá.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni nào, không bệnh mà xin váng sữa để ăn, một miếng nuốt là một ba-la-đề đề-xá-ni.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Vì mình có bệnh, vì người bệnh mà xin, hoặc người khác vì mình xin, hay mình vì người khác xin, hoặc không xin mà được. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 2 – ĐIỀU 8
2. Xin dầu, 3. Xin mật, 4. Xin đường mía, 5. Xin sữa, 6. Xin sữa đặc, 7. Xin cá, 8. Xin thịt; cũng như xin váng sữa không khác.[4]
Bốn giới trên của tỳ-kheo, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Bốn giới dưới, tỳ-kheo ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la.
Chúng học giới, cùng đại Tăng không khác. Nên không chép ra.[5]
********
[1] Bản Hán không ghi chương. Chỉ ghi chú nhỏ ở cuối thiên ba-dật đề: «Đã nói xong 178 pháp ba-dật-đề.» Bản Việt đặt thành chương riêng biệt để thống nhất hình thức với luật tỳ kheo. Thiên này có 8 điều, tất cả đều biệt giới. Ngũ phần 14 (T22n1421, tr.100a16), phần ii, thiên thứ 5, «Ni luật hối quá pháp,» 8 pháp ba-la-đề đề-xá-ni. Tăng kỳ 40 (T22n1425, tr.544a08): tám pháp đề-xá-ni. Thập tụng 47 (T23n1435, tr.345a23). Căn bản ni 20 (T23n1443, tr.1016a27): «Đệ tứ bộ ba-la-đề đề-xá-ni pháp.» Pali, Vin.iv. 346, Bhikkhunīvibhaṅga, «5. Pāṭidesanīyakaṃ.»
[2] Hán: tô 酥. Pali: sappi, thục tô, tô nhũ, hay đề hồ. Giải thích: các loại tô làm từ sữa bò, sữa sơn dương, hay sữa trâu.
[3] Pali: gārayhaṃ dhammaṃ āpajjiṃ asappāyaṃ pāṭidesanīyaṃ, phạm pháp đáng bị chê trách, không thích đáng, cần phải phát lồ.
[4] Xin 8 thứ, Tứ phần, Ngũ phần, Tăng kỳ: tô, du, mật, thạch mật, nhũ, lạc, ngư, nhục 酥油蜜黑石蜜乳酪魚肉. Thập tụng: nhũ, lạc sanh tô, thục tô, du, ngư, nhục bô 乳酪生酥 熟酥油魚肉脯. Pali: sappi, dadhi, tela, madhu, phāṇita, maccha, maṃsa, khīra.
[5] Hết quyển 30.