KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm
HỘI THỨ HAI
LXXXIV. PHẨM NÓI THẬT
(Giữa quyển 478)
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Có người thật thấy đã không tạp nhiễm và không thanh tịnh, có người chẳng thật thấy cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp vô sở hữu.
Bạch đức Thế Tôn! Có người thật nói đã không tạp nhiễm và không thanh tịnh, có người chẳng thật nói cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp không có tự tánh.
Bạch đức Thế Tôn! Pháp không có tự tánh là không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Pháp có tự tánh cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Các pháp có tự tánh và không có tự tánh cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp đều dùng vô tánh làm tự tánh vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu người thật thấy và người thật nói không nhiễm không tịnh, người chẳng thật thấy và người chẳng thật nói cũng không nhiễm không tịnh, thì tại sao đức Thế Tôn có lúc nói có pháp thanh tịnh?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Ta nói tất cả pháp tánh bình đẳng là pháp thanh tịnh.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Sao gọi tất cả pháp tánh bình đẳng?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Vì các pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới như hư không, cảnh giới bất tư nghì, dù có Phật ra đời hay không có Phật ra đời thì tánh tướng của các pháp vẫn thường trụ. Ðấy gọi là tất cả các pháp tánh bình đẳng. Tánh bình đẳng đây gọi là pháp thanh tịnh. Ðây nương vào thế tục nói là thanh tịnh, chẳng phải nương vào thắng nghĩa. Vì sao vậy? Vì trong thắng nghĩa đế đã không có sự phân biệt, cũng không có hý luận, dứt bỏ tất cả đường danh tự, ngôn ngữ.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như mộng, như tượng, như tiếng vang, như quáng nắng, như ảo ảnh, như huyễn hóa và như thành Tầm hương, tuy hiển hiện như có nhưng không thật có, vậy làm sao các Đại Bồ-tát nương vào pháp chẳng thật có đây để phát tâm hướng tới Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, bằng lời thệ như vầy: Ta sẽ viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ta sẽ viên mãn thù thắng thần thông Ba-la-mật-đa. Ta sẽ viên mãn phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba-la-mật-đa. Ta sẽ viên mãn bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Ta sẽ viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Ta sẽ viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Ta sẽ viên mãn tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Ta sẽ viên mãn nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Ta sẽ viên mãn chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Ta sẽ viên mãn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Ta sẽ viên mãn Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Ta sẽ viên mãn tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Ta sẽ viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông. Ta sẽ viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Ta sẽ viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Ta sẽ viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Ta sẽ viên mãn ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Ta sẽ phát khởi vô lượng quang minh chiếu khắp mười phương vô biên thế giới. Ta sẽ phát khởi âm thanh vi diệu biến khắp mười phương vô biên thế giới, tùy theo tâm, tâm sở pháp của các hữu tình hiểu biết khác nhau mà nói nhiều thứ pháp môn vi diệu khiến được lợi vui?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Tất cả pháp mà ông đã nói đây há chẳng phải đều như mộng, như ảnh tượng, như tiếng vang, như quáng nắng, như ảo ảnh, như huyễn hóa, như thành Tầm hương sao?
Thiện Hiện thưa rằng:
– Như vậy! Như vậy! Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như mộng cho đến như thành Tầm hương đều không thật có, thì tại sao khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phát đại thệ nguyện rằng: Ta sẽ viên mãn tất cả công đức, làm lợi ích an vui cho vô lượng hữu tình?
Bạch đức Thế Tôn! Các vật loại được thấy trong mộng, nói rộng cho đến hiện ra thành Tầm hương, hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa còn chẳng có, huống nữa là có khả năng viên mãn. Tất cả pháp khác cũng như vậy đều không thật có .
Bạch đức Thế Tôn! Các vật loại được thấy trong mộng, nói rộng cho đến hiện ra thành Tầm hương, hành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ còn chẳng có, huống nữa là có khả năng viên mãn. Tất cả pháp khác cũng như vậy đều không chẳng thật có.
Bạch Thế Tôn! Các vật loại được thấy trong mộng, nói rộng cho đến hiện ra trong thành Tầm hương, thành tựu tất cả sự nghiệp sở nguyện còn chẳng thật có, huống nữa là có khả năng viên mãn. Tất cả pháp khác cũng như vậy đều không thật có.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Pháp chẳng thật có còn chẳng thể hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, huống nữa là có khả năng viên mãn. Như vậy cho đến pháp chẳng thật có còn chẳng thể hành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ, huống nữa là có khả năng viên mãn. Pháp chẳng thật có chẳng thể thành tựu sự nghiệp sở nguyện. Pháp chẳng thật có chẳng thể chứng được sở cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và vô lượng vô biên thiện pháp khác chẳng thật có, nên chẳng thể chứng được sở cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Này Thiện Hiện! Ông phải biết các pháp như thế, tất cả đều là pháp suy nghĩ tạo tác. Các pháp có suy nghĩ tạo tác đều chẳng thể chứng được trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các pháp như thế đối với đạo Bồ-đề tuy có thể dẫn phát, song đối với quả ấy không có dụng giúp đỡ. Bởi các pháp này không sanh, không khởi, không có thật tướng nên khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, từ sơ phát tâm, tuy khởi các loại thiện nơi thân, ngữ, ý như là tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, như vậy cho đến hoặc tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, nhưng biết tất cả đều như mộng, như bóng, như tiếng vang, như quáng nắng, như ảo ảnh, như huyễn hóa và như thành Tầm hương đều chẳng thật có.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các pháp như thế tuy chẳng thật có, nhưng nếu chẳng viên mãn thì quyết định chẳng thể thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nghĩa là Đại Bồ-tát nếu chẳng viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thì quyết định chẳng thể thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dù tu tất cả thiện pháp cũng đều như thật biết như mộng cho đến như thành Tầm hương. Nghĩa là nếu tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa thì như thật biết như mộng cho đến như thành Tầm hương. Như vậy cho đến nếu tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thì như thật biết như mộng cho đến như thành Tầm hương. Nếu thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì như thật biết như mộng cho đến như thành Tầm hương. Cũng như thật biết tâm hành sai khác của các loài hữu tình như mộng cho đến như thành Tầm hương .
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp chẳng lấy làm có, chẳng lấy làm không. Hoặc do lấy như thế nên chứng được trí nhất thiết trí thì cũng biết pháp kia như mộng cho đến như thành Tầm hương, chẳng lấy làm có, chẳng lấy làm không. Vì sao vậy? Vì bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều chẳng thể lấy được. Pháp thiện, bất thiện cũng chẳng thể lấy được. Pháp hữu ký, vô ký cũng chẳng thể lấy được. Pháp hữu lậu, vô lậu cũng chẳng thể lấy được. Pháp thế gian, xuất thế gian cũng chẳng thể lấy được. Đại Bồ-tát này biết tất cả pháp chẳng thể lấy rồi cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp đều chẳng thể lấy, đều chẳng thật có, như mộng cho đến như thành Tầm hương. Chẳng thể lấy, chẳng thể chứng được pháp, nhưng các hữu tình đối với pháp như thế chẳng biết, chẳng thấy. Đại Bồ-tát này vì làm lợi ích cho các hữu tình kia, nên cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này từ sơ phát tâm, vì muốn làm lợi vui cho các hữu tình nên tu hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, chẳng vì việc mình, chẳng vì việc nào khác. Vì muốn lợi vui cho các hữu tình nên cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chẳng vì việc mình, chẳng vì việc nào khác.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thấy các người ngu ở trong phi ngã mà tưởng trụ ngã, ở trong phi hữu tình mà tưởng trụ hữu tình, như vậy cho đến chẳng phải người biết mà tưởng trụ người biết; đối với chẳng phải người thấy mà tưởng trụ nơi người thấy. Thấy việc đây rồi, Đại Bồ-tát này rất thương xót, phương tiện giáo hóa khiến xa lìa điên đảo vọng tưởng chấp trước, an trí trong cõi cam lồ vô tướng. Trụ trong cõi này chẳng còn khởi tưởng ta cho đến tưởng người thấy biết. Khi đó, tất cả sự dao động, tán loạn, hý luận, phân biệt chẳng hiện hành nữa. Tâm thường an trụ cõi vắng lặng đạm bạc không hý luận.
Này Thiện Hiện! Nhờ phương tiện đây, nên Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tự đối với các pháp không có chấp trước, cũng dạy người đối với tất cả pháp không chấp trước. Ðây là nương thế tục, chẳng nương thắng nghĩa, vì trong thắng nghĩa không có chấp trước ta, người sai khác, chẳng thể đắc vậy.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Khi Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, pháp mà Phật chứng được là nương vào thế tục mà nói là được, hay nương vào thắng nghĩa nói là được?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Khi Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, pháp mà Phật chứng là nương vào thế tục mà nói là được, chẳng nương vào thắng nghĩa. Nếu nương vào thắng nghĩa, thì năng đắc sở đắc đều chẳng thể được. Vì sao vậy? Vì Nếu bảo người này được pháp như vậy thì bèn có sở đắc. Kẻ có sở đắc thì liền chấp có hai. Kẻ chấp có hai thì chẳng thể được quả, cũng không hiện quán.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu chấp có hai thì chẳng thể được quả, cũng không có hiện quán; nếu chấp không hai thì có thể được quả hiện quán sao?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Kẻ chấp có hai chẳng được quả, cũng không có hiện quán. Kẻ chấp không hai cũng lại như thế, vì có sở chấp vậy. Như chấp có hai, hoặc chẳng chấp hai, chẳng chấp chẳng hai thì gọi là được quả, cũng gọi là hiện quán. Vì sao vậy? Vì nếu do chấp đây mà được quả, cũng có hiện quán, và do chấp kia nên chẳng được quả, cũng không hiện quán đều là hý luận. Chẳng phải trong tánh bình đẳng tất cả pháp có các hý luận. Nếu lìa hý luận mới được gọi là pháp tánh bình đẳng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh, trong đây sao gọi pháp tánh bình đẳng?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Nếu ở chỗ này đều không có hữu tánh, cũng không có vô tánh, cũng chẳng thể nói là tánh bình đẳng thì như vậy mới gọi là pháp tánh bình đẳng.
Này Thiện Hiện! Phải biết tánh bình đẳng đã chẳng thể nói, cũng chẳng thể biết, trừ tánh bình đẳng không pháp có thể đắc, lìa tất cả pháp không tánh bình đẳng.
Này Thiện Hiện! Phải biết pháp tánh bình đẳng, Thánh giả dị sanh đều chẳng thể hành, vì chẳng phải cảnh ấy vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Pháp tánh bình đẳng há cũng chẳng phải là cảnh Phật sở hành sao?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Pháp tánh bình đẳng, tất cả Thánh giả đều chẳng thể hành, cũng chẳng thể chứng. Nghĩa là các vị Dự lưu, hoặc các vị Nhất lai, hoặc các vị Bất hoàn, hoặc các vị A-la-hán, hoặc các vị Ðộc giác, hoặc các vị Bồ-tát, hoặc các vị Như Lai đều chẳng thể lấy pháp tánh bình đẳng làm cảnh sở hành. Trong đây, tất cả hý luận phân biệt đều chẳng thể hành vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Phật đối với các pháp đều được tự tại, như thế có thể nói pháp tánh bình đẳng cũng chẳng phải cảnh sở hành của chư Phật sao?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Phật đối với các pháp tuy được tự tại, nếu tánh bình đẳng cùng Phật có khác, thì có thể nói là cảnh giới sở hành của Phật. Nhưng tánh bình đẳng cùng Phật không khác, làm sao có thể nói Phật hành cảnh ấy.
Này Thiện Hiện! Phải biết, nếu pháp tánh bình đẳng của các dị sanh, hoặc pháp tánh bình đẳng của các Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác, Bồ-tát, Như Lai, tất cả pháp tánh bình đẳng như vậy đều đồng một tướng, đó là vô tướng. Một tướng bình đẳng đây không hai không khác, nên chẳng thể nói đây là pháp tánh bình đẳng của dị sanh, nói rộng cho đến đây là pháp tánh bình đẳng của Như Lai. Ở trong một pháp tánh bình đẳng này, các tánh bình đẳng đã bất khả đắc. Ở trong tướng của dị sanh và Dự lưu… sai khác cũng bất khả đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu trong tánh bình đẳng của tất cả pháp, các tướng sai khác đều bất khả đắc thì các pháp dị sanh, Dự lưu… và hữu tình cũng không sai khác.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Trong tánh bình đẳng của tất cả pháp, các dị sanh, hoặc các Thánh giả, cho đến pháp Như Lai và hữu tình đều không sai khác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu trong tánh bình đẳng của tất cả pháp, dị sanh, Thánh giả, pháp Như Lai và hữu tình đều không sai khác thì tại sao có Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo xuất hiện ở thế gian?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Pháp tánh bình đẳng của Phật, Pháp, Tăng bảo, mỗi mỗi có khác chăng?
Thiện Hiện thưa rằng:
– Bạch đức Thế tôn! Như con hiểu nghĩa Phật đã nói, thì pháp tánh bình đẳng của Phật, Pháp, Tăng bảo đều không sai khác. Vì sao vậy? Vì pháp tánh bình đẳng của Phật, Pháp, Tăng bảo, tất cả pháp như thế đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng, đó là vô tướng. Nhưng Phật Thế Tôn đối với pháp vô tướng, phương tiện khéo léo kiến lập nhiều thứ danh tướng của pháp và hữu tình sai khác, như gọi đây là dị sanh và pháp, cho đến đây là Như Lai và pháp.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Đối với pháp vô tướng, chư Phật phương tiện khéo léo kiến lập nhiều thứ danh tướng của pháp và hữu tình sai khác.
Lại nữa, Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Nếu các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác chẳng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hoặc chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chẳng vì hữu tình kiến lập danh tướng các pháp sai khác thì các loại hữu tình có thể tự biết đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là cõi quỷ, đây là người, đây là trời Tứ đại vương chúng cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đây là sắc cho đến thức; đây là nhãn xứ cho đến ý xứ; đây là sắc xứ cho đến pháp xứ; đây là nhãn giới cho đến ý giới; đây là sắc giới cho đến pháp giới; đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; đây là nhãn xúc cho đến ý xúc; đây là nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ; đây là địa giới cho đến thức giới; đây là nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; đây là theo duyên sanh ra các pháp; đây là vô minh cho đến lão tử; đây là pháp thiện, pháp ác; đây là pháp hữu ký, vô ký; đây là pháp hữu lậu, vô lậu; đây là pháp thế gian, xuất thế gian, đây là pháp hữu vi, vô vi; đây là bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; đây là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; đây là nội Không cho đến vô tính tự tính Không; đây là chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; đây là Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; đây là bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; đây là pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; đây là tám giải thoát cho đến mười biến xứ; đây là Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; đây là Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; đây là tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; đây là năm loại mắt, sáu phép thần thông; đây là mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; đây là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; đây là pháp không quên, tánh luôn luôn xả; đây là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; đây là trí nhất thiết tướng diệu nguyện; đây là trí nhất thiết trí; đây là Tam bảo, đây là Tam thừa; các loại hữu tình đối với danh tướng sai khác như thế có thể tự biết chăng?
Thiện Hiện thưa rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Không. Nếu Phật chẳng vì hữu tình kiến lập các danh tướng sai khác như thế thì các loài hữu tình chẳng thể tự biết các danh tướng sai khác như thế.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Vì vậy, đối với pháp vô tướng, Như Lai tuy vì hữu tình, phương tiện khéo léo kiến lập các loại danh tướng sai khác, nhưng đối với tánh bình đẳng của các pháp thì không thể làm dao động. Tuy đối với hữu tình, Như Lai làm đại ân đức, song ở trong ấy chẳng thể giữ lấy tướng.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Ví như đức Như Lai đối với tánh bình đẳng của tất cả pháp đều không thể làm dao động. Như vậy, tất cả dị sanh, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác, Bồ-tát đối với tánh bình đẳng của tất cả pháp cũng không thể làm dao động chăng?
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Vì tất cả pháp và các hữu tình đều chẳng ra khỏi tánh bình đẳng vậy. Như tánh bình đẳng, nên biết chơn như nói rộng cho đến cảnh giới bất tư nghì cũng lại như thế. Các pháp dị sanh và các Thánh giả đối với chơn như bình đẳng không sai khác nhau.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Như các dị sanh và các Thánh giả cùng với tánh của tất cả pháp bình đẳng không sai khác nhau. Nhưng tướng của tất cả pháp đây và tướng của các hữu tình đều khác nhau nên tánh cũng phải khác. Vậy thì pháp tánh cũng phải khác nhau. Nghĩa là sắc cho đến thức, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Nhãn xứ cho đến ý xứ, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Sắc xứ cho đến pháp xứ, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Nhãn giới cho đến ý giới, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Nhãn xúc cho đến ý xúc, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau.
Ðịa giới cho đến thức giới, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Các pháp theo duyên sanh ra, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Vô minh cho đến lão tử, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Tướng tham, sân, si đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Tướng dị sanh, kiến thú, đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau.
Tướng bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Tướng bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Tướng của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau.
Nội Không cho đến vô tính tự tính Không, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau.
Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Năm loại mắt, sáu phép thần thông, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau.
Phàm phu ngu si dị sanh cho đến Như Lai, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Pháp thiện, bất thiện, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Pháp hữu ký, vô ký, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Pháp hữu lậu, vô lậu, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Pháp thế gian, xuất thế gian, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau. Pháp hữu vi, vô vi, tướng đều khác nhau nên tánh cũng phải khác nhau.
Bạch đức Thế Tôn! Các pháp như thế, nếu tướng đều khác nhau thì pháp tánh cũng phải khác nhau. Vậy đối với các pháp tướng khác nhau, làm sao có thể an lập nơi một tướng pháp tánh? Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm sao chẳng phân biệt pháp và các hữu tình có các thứ tánh? Nếu Đại Bồ-tát chẳng phân biệt pháp và các hữu tình có các thứ tánh, thì chẳng thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nếu chẳng thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì chẳng thể từ bậc Bồ-tát này tiến đến bậc Bồ-tát khác. Nếu chẳng được từ bậc Bồ-tát này tiến đến bậc Bồ-tát khác thì chẳng thể nhập vào chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Nếu chẳng vào được chánh tánh ly sanh của Bồ-tát thì chẳng thể vượt qua các bậc Thanh văn và Ðộc giác. Nếu chẳng vượt qua được các bậc Thanh văn và Ðộc giác thì chẳng thể viên mãn thần thông Ba-la-mật-đa. Nếu chẳng viên mãn được thần thông Ba-la-mật-đa thì chẳng thể đối với các thần thông, du hý tự tại. Nếu đối với các thần thông, chẳng hu hý tự tại được thì chẳng thể viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu chẳng viên mãn được bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa thì chẳng thể từ cõi Phật này tới cõi Phật khác, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn.
Nếu chẳng được từ cõi Phật này tới cõi Phật khác, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn thì chẳng thể ở chỗ chư Phật trồng các căn lành. Nếu chẳng được ở chỗ chư Phật trồng các căn lành thì chẳng thể nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình. Nếu chẳng được nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình thì chẳng thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe chánh pháp độ chúng hữu tình khiến cho lìa hẳn sanh tử ác thú.
Phật bảo:
– Thiện Hiện! Như ông đã nói, các dị sanh và các Thánh giả cùng với tánh của tất cả pháp bình đẳng không sai khác. Nhưng tướng của tất cả pháp đây và tướng của các hữu tình đều khác nhau nên tánh cũng phải khác. Vậy thì pháp tánh cũng phải khác nhau. Đối với các pháp tướng khác nhau, làm sao có thể an lập nơi một tướng pháp tánh? Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm sao chẳng phân biệt pháp và các hữu tình có các thứ tánh, cho đến nói rộng như trên?
Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Pháp tánh của các sắc là tánh không chăng? Pháp tánh của các thọ, tưởng, hành, thức là tánh không chăng? Như vậy cho đến tất cả pháp tánh hữu vi, vô vi là tánh không chăng?
Thiện Hiện thưa rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả pháp tánh đều là tánh không.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Ở trong tánh không, tướng khác nhau của các pháp có thể đắc được chăng? Nghĩa là tướng khác nhau của sắc, nói rộng cho đến tất cả tướng khác nhau của hữu vi, vô vi có thể đắc được chăng?
Thiện Hiện thưa rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Chẳng được. Ở trong tánh không, tất cả tướng khác nhau đều chẳng thể đắc.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Do đây phải biết, pháp tánh bình đẳng chẳng phải là tất cả phàm phu ngu si dị sanh, cũng chẳng lìa tất cả phàm phu ngu si dị sanh. Như vậy cho đến chẳng phải là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, cũng chẳng lìa Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Pháp tánh bình đẳng chẳng phải là sắc cũng chẳng lìa sắc; chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy cho đến chẳng phải pháp hữu vi và vô vi, cũng chẳng lìa pháp hữu vi và vô vi.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Vậy pháp tánh bình đẳng chính là hữu vi, chính là vô vi.
Phật bảo:
– Này Thiện Hiện! Pháp tánh bình đẳng chẳng phải là hữu vi, chẳng phải là vô vi. Nhưng lìa pháp hữu vi, pháp vô vi thì chẳng thể được; lìa pháp vô vi, pháp hữu vi cũng chẳng thể được.
Thiện Hiện nên biết! Cõi hữu vi, hoặc cõi vô vi, hai cõi như thế chẳng hợp chẳng tan, vô sắc, vô kiến, vô đối, một tướng đó là vô tướng. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nương thế tục mà nói, chẳng nương thắng nghĩa. Vì sao vậy? Vì chẳng phải trong thắng nghĩa, thân hành, ngữ hành, ý hành có thể được; chẳng lìa thân hành, ngữ hành, ý hành, thắng nghĩa có thể được.
Thiện Hiện nên biết! Pháp tánh bình đẳng của pháp hữu vi và pháp vô vi gọi là thắng nghĩa, chẳng phải lìa tất cả hữu vi, vô vi riêng có thắng nghĩa. Cho nên, khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng động thắng nghĩa mà hành hạnh Đại Bồ-tát, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp độ chúng hữu tình, khiến cho dứt hẳn sanh, lão, bệnh, tử, chứng được Niết-bàn tuyệt đối thường vui.