KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm

 

HỘI THỨ HAI

LXXIX. PHẨM VÔ KHUYẾT

(Từ giữa quyển 474 đến quyển 475)

Bấy giời cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Như Đại Bồ-tát tuy tinh tấn tu hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; an trụ nội Không cho đến vô tính tự tính Không; an trụ chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; tu hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ; tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; tu hành tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; tu hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát; tu hành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Nhưng nếu đạo Bồ-đề tu chưa được viên mãn thì chẳng thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.

Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nên tu đạo Bồ-đề như thế nào để được viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đầy đủ phương tiện thiện xảo thù thắng, do lực phương tiện thiện xảo này, nên khi tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng thấy có sự bồ thí, chẳng thấy người thí, chẳng thấy người thọ thí, cũng chẳng lìa các pháp như vậy mà hành bồ thí Ba-la-mật-đa. Khi Đại Bồ-tát ấy bố thí như vậy, thì có khả năng chiếu sáng ba đạo Bồ-đề, tu đạo Bồ-đề sớm được thành tựu.

Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo tu đạo Bồ-đề làm cho viên mãn, thì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề .

Như vậy, Thiện Hiện! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đầy đủ phương tiện thiện xảo thù thắng, do lực phương tiện thiện xảo này, nên tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến tu tất cả hạnh Đại Bồ-tát và Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đều nên nói rộng tùy theo sở thích của vị ấy.

Bấy giờ, cụ thọ Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dũng mãnh, chuyên cần chơn chánh tu đạo Bồ-đề?

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo, chẳng hòa hợp sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng lìa xa sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng hòa hợp nhãn xứ cho đến ý xứ; chẳng lìa xa nhãn xứ cho đến ý xứ. Chẳng hòa hợp sắc xứ cho đến pháp xứ; chẳng lìa xa sắc xứ cho đến pháp xứ. Chẳng hòa hợp nhãn giới cho đến ý giới; chẳng lìa xa nhãn giới cho đến ý giới. Chẳng hòa hợp sắc giới cho đến pháp giới; chẳng lìa xa sắc giới cho đến pháp giới. Chẳng hòa hợp nhãn thức giới cho đến ý thức giới; chẳng lìa xa nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Chẳng hòa hợp nhãn xúc cho đến ý xúc; chẳng lìa xa nhãn xúc cho đến ý xúc. Chẳng hòa hợp nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ; chẳng lìa xa nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Chẳng hòa hợp địa giới cho đến thức giới; chẳng lìa xa địa giới cho đến thức giới. Chẳng hòa hợp nhân duyên cho đến tăng thượng duyên; chẳng lìa xa nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Chẳng hòa hợp các pháp từ duyên sanh ra; chẳng lìa xa các pháp từ duyên sanh ra. Chẳng hòa hợp vô minh cho đến lão tử; chẳng lìa xa vô minh cho đến lão tử. Vì sao vậy? Vì các pháp như vậy đều không có tự tánh để hợp, để lìa.

Này Xá-lợi Tử! Nếu khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo, chẳng hòa hợp bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng lìa xa bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hòa hợp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; chẳng lìa xa nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Chẳng hòa hợp chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; chẳng lìa xa chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng hòa hợp Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; chẳng lìa xa Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Chẳng hòa hợp bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; chẳng lìa xa bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Chẳng hòa hợp bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chẳng lìa xa bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Chẳng hòa hợp tám giải thoát cho đến mười biến xứ; chẳng lìa xa tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Chẳng hòa hợp pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; chẳng lìa xa pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Chẳng hòa hợp Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; chẳng lìa xa Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Chẳng hòa hợp Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; chẳng lìa xa Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Chẳng hòa hợp tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; chẳng lìa xa tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Chẳng hòa hợp năm loại mắt, sáu phép thần thông; chẳng lìa xa năm loại mắt, sáu phép thần thông. Chẳng hòa hợp mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng lìa xa mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Chẳng hòa hợp ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ; chẳng lìa xa ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Chẳng hòa hợp pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; chẳng lìa xa pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Chẳng hòa hợp trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng lìa xa trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Chẳng hòa hợp quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề; chẳng lìa xa quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Chẳng hòa hợp tất cả hạnh Đại Bồ-tát; chẳng lìa xa tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Chẳng hòa hợp Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; chẳng lìa xa Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. vì sao vậy? Vì các pháp như vậy đều không có tự tánh để hợp, để lìa.

Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì dũng mãnh, chuyên cần chơn chánh tu đạo Bồ-đề như vậy.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều không có tự tánh để hợp, để lìa thì tại sao Đại Bồ-tát hướng đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu học? Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát không học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không bao giờ đắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu Đại Bồ-tát không học Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không bao giờ đắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà mình mong cầu.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề phải có phương tiện thiện xảo thì mới chứng được, chẳng phải không có phương tiện thiện xảo mà có thể chứng được.

Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu thấy có tự tánh của pháp để đắc thì nên chấp giữ; còn chẳng thấy có tự tánh của pháp để đắc thì chấp giữ cái gì? Nghĩa là chẳng chấp thủ đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa. Đây là sắc cho đến thức. Đây là nhãn xứ cho đến ý xứ. Đây là sắc xứ cho đến pháp xứ. Đây là nhãn giới cho đế ý giới. Đây là sắc giới cho đến pháp giới. Đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Đây là nhãn xúc cho đến ý xúc. Đây là nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Đây là địa giới cho đến thức giới. Đây là nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Đây là các pháp từ duyên sanh ra. Đây là vô minh cho đến lão tử. Đây là nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Đây là chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Đây là Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Đây là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Đây là bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đây là tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Đây là pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Đây là Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Đây là Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Đây là tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Đây là năm loại mắt, sáu phép thần thông. Đây là mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Đây là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Đây là pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Đây là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đây là quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Đây là tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Đây là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đây là Dị sanh. Đây là Thanh văn. Đây là Độc giác. Đây là Bồ-tát. Đây là Như Lai.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, như thật rõ biết tánh của tất cả pháp đều chẳng thể nắm giữ. Nghĩa là Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, đều chẳng thể nắm giữ. Sắc cho đến thức cũng chẳng thể nắm giữ. Nhãn xứ cho đến ý xứ cũng chẳng thể nắm giữ. Sắc xứ cho đến pháp xứ cũng chẳng thể nắm giữ. Nhãn giới cho đến ý giới cũng chẳng thể nắm giữ. Sắc giới cho đến pháp giới cũng chẳng thể nắm giữ. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng chẳng thể nắm giữ. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng chẳng thể nắm giữ. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ cũng chẳng thể nắm giữ.

Địa giới cho đến thức giới cũng chẳng nằm giữ. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng chẳng thể nắm giữ. Các pháp từ duyên sanh ra cũng chẳng thể nắm giữ. Vô minh cho đến lão tử cũng chẳng thể nắm giữ. Nội Không cho đến vô tính tự tính Không cũng chẳng thể nắm giữ. Chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn cũng chẳng thể nắm giữ.

Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo cũng chẳng thể nắm giữ. Bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo cũng chẳng thể nắm giữ. Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng chẳng thể nắm giữ. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng chẳng thể nắm giữ. Pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện cũng chẳng thể nắm giữ.

Tịnh quán địa cho đến Như Lai đại cũng chẳng thể nắm giữ. Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa cũng chẳng thể nắm giữ. Tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa cũng chẳng thể nắm giữ. Năm loại mắt, sáu phép thần thông cũng chẳng thể nắm giữ. Mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng chẳng thể nắm giữ. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ cũng chẳng thể nắm giữ. Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng chẳng thể nắm giữ. Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng chẳng thể nắm giữ.

Quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề cũng chẳng thể nắm giữ. Tất cả hạnh Đại Bồ-tát cũng chẳng thể nắm giữ. Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng chẳng thể nắm giữ. Tất cả Dị sanh, Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai cũng chẳng thể nắm giữ.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì như thật rõ biết tánh của tất cả pháp chẳng thể nắm giữ, nên không bị chướng ngại đối với tất cả pháp.

Này Xá-lợi Tử! Chẳng thể nắm giữ Ba-la-mật-đa ấy, tức là không chướng ngại Ba-la-mật-đa. Không chướng ngại Ba-la-mật-đa như vậy, tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Các Đại Bồ-tát nên học như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát khéo học như vậy, thì đối với tất cả pháp đều không có chỗ đắc; sự học còn chẳng được, huống nữa là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, huống nữa là được Bát-nhã ba-la-mật-đa, huống nữa là được pháp của Dị sanh, Thanh  văn, Độc giác, Bồ-tát và Phật. Vì sao vậy? Này Xá-lợi Tử! Vì không có một chút pháp nào là thật có tự tánh. Trong tất cả pháp không có tự tánh, những gì là pháp Dị sanh? Những gì là pháp Dự lưu? Những gì là pháp Nhất lai? Những gì là pháp Bất hoàn? Những gì là pháp A-la-hán? Những gì là pháp Độc giác? Những gì là pháp Bồ-tát? Những gì là pháp Như Lai?

Này Xá-lợi Tử! Các pháp như vậy đã chẳng thể đắc được, thì nương vào những pháp nào mà có thể nêu bày có Bổ-đặc-già-la. Bổ-đặc-già-la đã chẳng thể đắc được, thì sao có thể nói đây là Dị sanh, đây là Dự lưu, đây là Nhất lai, đây là Bất hoàn, đây là A-la-hán, đây là Độc giác, đây là Bồ-tát, đây là Như Lai?

Khi ấy, Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều không có tự tánh, đều chẳng thật có, thì dựa vào những việc gì mà có thể rõ biết đây là Dị sanh, đây là pháp Dị sanh; nói rộng cho đến đây là Như Lai, đây là pháp Như Lai?

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Thật có sắc hoặc đã, hoặc đang như các kẻ Dị sanh ngu si chấp không? Thật có thọ, tưởng, hành, thức hoặc đã, hoặc đang như các kẻ Dị sanh ngu si chấp không? Như vậy cho đến, thật có tất cả hạnh Đại Bồ-tát hoặc đã, hoặc đang như các kẻ Dị sanh ngu si chấp không? Thật có Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật hoặc đã, hoặc đang như các kẻ Dị sanh ngu si chấp không? Thật có Dị sanh, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát, Phật hoặc đã, hoặc đang như các kẻ Dị sanh ngu si chấp không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Không, bạch Thế Tôn! Chỉ do Dị sanh ngu si điên đảo có chấp như vậy.

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, bằng phương tiện thiện xảo, tuy quán các pháp đều không có tự tánh, đều chẳng thật có, nhưng dựa vào tục đế để cầu hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; vì các hữu tình mà phương tiện giảng nói, khiến cho được hiểu biết chơn chánh, lìa xa các điên đảo.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo, tuy quán các pháp đều không có tự tánh, đều chẳng thật có, nhưng dựa vào tục đế để cầu hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; vì các hữu tình mà phương tiện giảng nói, khiến cho được hiểu biết chơn chánh, lìa xa các điên đảo?

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thành tựu phương tiện thiện xảo như vầy: Đó là hoàn toàn không thấy có một chút thật pháp nào có thể trụ ở trong. Do trụ trong ấy mà có chướng ngại. Do chướng ngại nên bị thối mất. Do thối mất nên tâm liền yếu hèn. Do tâm yếu hèn nên sanh biếng nhác.

Này Xá-lợi Tử! Vì tất cả pháp đều không thật có, lìa ngã và ngã sở, đều lấy vô tánh làm tự tánh, bản tánh không tịch, tự tướng không tịch. Chỉ có tất cả Dị sanh ngu si mê lầm điên đảo, chấp trước sắc uẩn cho đến thức uẩn. Chấp trước nhãn xứ cho đến ý xứ. Chấp trước sắc xứ cho đến pháp xứ. Chấp trước nhãn giới cho đến ý giới. Chấp trước sắc giới cho đến pháp giới. Chấp trước nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Chấp trước nhãn xúc cho đến ý xúc. Chấp trước nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ.

Chấp trước địa giới cho đến thức giới. Chấp trước nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Chấp trước các pháp từ duyên sanh ra. Chấp trước vô minh cho đến lão tử. Chấp trước bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chấp trước nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Chấp trước chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Chấp trước Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Chấp trước bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Chấp trước bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Chấp trước tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Chấp trước pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện .

Chấp trước Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Chấp trước Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Chấp trước tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Chấp trước năm loại mắt, sáu phép thần thông. Chấp trước mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Chấp trước ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Chấp trước pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Chấp trước trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Chấp trước quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Chấp trước tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Chấp trước Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Chấp trước Dị sanh, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai.

Do nhân duyên này, nên các Đại Bồ-tát quán tất cả pháp đều không thật có, lìa ngã  và ngã sở; đều lấy vô tánh làm tự tánh, bản tánh không tịch, tự tướng vắng lặng, mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tự an lập như huyễn sư, vì các hữu tình mà nói pháp; vì những người san tham mà nói pháp bố thí; vì những người phá giới mà nói tịnh giới; vì những người sân nhuế mà nói an nhẫn. Vì những người biếng nhác mà nói tinh tấn; vì những người tâm tán loạn mà nói tĩnh lự; vì những người ngu si mà nói Bát-nhã.

Các Đại Bồ-tát ấy an lập hữu tình, khiến cho trụ bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa rồi, lại vì họ mà nói Thánh pháp thù thắng có thể ra khỏi sanh tử, khiến cho các hữu tình nương vào đó tu học, mà được quả Dự lưu, hoặc được quả Nhất lai, hoặc được quả Bất hoàn, hoặc được quả A-la-hán, hoặc được quả Độc giác, hoặc nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, hoặc trụ bậc Đại Bồ-tát, hoặc chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Khi ấy, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, sao chẳng gọi là có sở đắc; nghĩa là các hữu tình thật chẳng có, mà làm cho họ an trụ bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; lại vì họ mà giảng nói Thánh pháp thù thắng có thể ra khỏi sanh tử, khiến cho được quả Dự lưu, cho đến chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với các hữu tình, thật chẳng có chỗ đắc. Vì sao vậy? Này Xá-lợi Tử! Vì khi các Đại Bồ-tát ấy hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chẳng thấy chút hữu tình nào có thể đắc, chỉ có thế tục giả gọi là hữu tình.

Này Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, an trụ nhị đế, vì các hữu tình mà giảng nói chánh pháp. Thế nào gọi là nhị đế? Một là thế tục đế. Hai là thắng nghĩa đế.

Này Xá-lợi Tử! Trong hai đế, tuy nêu bày hữu tình đều chẳng thể được, nhưng khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình mà tuyên nói chánh pháp, khiến cho các hữu tình nghe chánh pháp rồi, rõ biết ở trong hiện pháp còn chẳng thể đắc ngã, huống nữa là sẽ được chứng quả mà mình mong cầu và người năng chứng.

Như vậy, Xá-lợi Tử! Khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện thiện xảo, tuy vì hữu tình tuyên nói chánh pháp, khiến cho tu chánh hạnh, được chứng quả, nhưng tâm của vị ấy hoàn toàn không thấy có sở đắc. Vì đã thấu đạt tất cả pháp đều chẳng thể được.

Khi ấy, cụ thọ Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát ấy, tuy đối với các pháp, chẳng đắc tánh nhất, chẳng đắc tánh khác, chẳng đắc tánh chung, chẳng đắc tánh riêng, nhưng mặc giáp đại công đức như vậy. Do mặc giáp đại công đức như vậy, nên chẳng hiện ở cõi dục, chẳng hiện ở cõi sắc, chẳng hiện ở cõi vô sắc, chẳng hiện ở cõi hữu vi, chẳng hiện ở cõi vô vi. Tuy giáo hóa hữu tình, làm cho ra khỏi ba cõi, nhưng đối với hữu tình, hoàn toàn không có sở đắc; cũng lại chẳng thấy có hữu tình được tạo ra. Do chẳng thấy có hữu tình được tạo ra, nên không buộc không mở. Do không buộc không mở, nên không nhiễm không tịnh. Do không nhiễm không tịnh, nên các cõi sai khác đều chẳng rõ biết. Do các cõi sai khác đều chẳng rõ biết, nên không có nghiệp, không có phiền não. Do không nghiệp không phiền não, nên không có quả dị thục. Đã không có quả dị thục, lẽ nào có ngã và hữu tình lưu chuyển các đường, các loại sai khác hiện ở ba cõi…

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Này Xá-lợi Tử! Nếu các hữu tình trước có sau không thì Bồ-tát, chư Phật đều có nhầm lẫn. Nếu các cõi sanh tử trước có sau không thì Bồ-tát, chư Phật cũng có nhầm lẫn. Lý trước không sau có cũng chẳng đúng. Cho nên, này Xá-lợi Tử! Dù Phật có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời thì pháp tướng thường trụ, chơn như, pháp giới, tánh chẳng hư vọng trọn không thay đổi. Vì tất cả pháp, pháp tánh, pháp giới, pháp trụ, pháp định, chơn như, thật tế, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác đều như hư không. Trong ấy, còn không có ngã v.v… có thể đắc, huống nữa là có các pháp như sắc v.v… có thể đắc. Đã không có các pháp như sắc v.v… có thể đắc, thì lẽ nào có các cõi sanh tử. Các cõi sanh tử đã chẳng thể đắc thì lẽ nào có sự thành thục hữu tình, khiến cho họ được giải thoát! Chỉ dựa vào thế tục mà giả nói là có.

Này Xá-lợi Tử! Từ Phật quá khứ, các Đại Bồ-tát nghe tất cả pháp tự tánh đều không, nhưng chỉ các hữu tình thì điên đảo chấp trước. Cho nên, sau khi nghe xong, Đại Bồ-tát buộc niệm tư duy như thật, vì giải thoát cho các hữu tình điên đảo chấp trước, mà cầu hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Trong khi cầu hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Đại Bồ-tát chẳng nghĩ rằng: Đối với pháp này, ta đã được, sẽ được, khiến cho hữu tình kia đã vượt qua, sẽ  vượt qua chỗ chấp trước các khổ sanh tử.

Này Xá-lợi Tử! Vì giải thoát cho các hữu tình thoát khỏi sự điên đảo chấp trước, các Đại Bồ-tát ấy mặc áo giáp công đức đại thệ trang nghiêm, dũng mãnh tinh cần chơn chánh, không luyến ái, không thối bỏ Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không còn do dự đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nghĩa là ta sẽ chứng được hay không chứng được đây! Chỉ chánh niệm rằng: Ta nhất định sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà ta mong cầu, làm lợi ích chơn thật cho các hữu tình, nghĩa là làm cho họ thoát khỏi sự mê lầm điên đảo, thoát khỏi sự luân hồi các cõi, thọ khổ sanh tử.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tuy cởi sự mê lầm điên đảo cho các hữu tình, thoát khỏi các cõi sanh tử, nhưng không có sở đắc, chỉ dựa vào thế tục mà nói có việc ấy.

Này Xá-lợi Tử! Như nhà ảo thuật, hoặc đệ tử của ông ta dựa  vào thuật Đế võng (Phạm thiên), hóa làm vô lượng trăm ngàn ức các loài hữu tình, lại hóa làm đủ loại thức ăn thượng diệu, bố thí cho hữu tình đều được no đủ. Làm việc ấy xong, huyễn sư xướng rằng: Ta đã được phước tụ rộng lớn.

Này Xá-lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Huyễn sư ấy, hoặc đệ tử của ông ta, thật có làm cho hữu tình no đủ không?

Xá-lợi Tử đáp:

– Không, bạch Thế Tôn.

Phật bảo:

– Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Từ lúc mới phát tâm, vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, nên tu hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. An trụ nội Không cho đến vô tính tự tính Không. An trụ chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. An trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Tu hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tu hành tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông. Tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu hành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Viên mãn đạo đại Bồ-đề của Bồ-tát, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tuy làm việc ấy, nhưng đối với hữu tình và tất cả pháp, hoàn toàn không có sở đắc, cũng chẳng nghĩ rằng: Ta đem pháp này điều phục các loài hữu tình như vậy, khiến cho họ lìa xa điên đảo chấp trước, không còn luân hồi sanh tử các cõi.

Bấy giời cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Vì sao nói đạo đại Bồ-đề của Bồ-tát, các Đại Bồ-tát tu hành đạo này, phương tiện thiện xảo thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật thì sớm chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện! Từ lúc mới phát tâm, các Đại Bồ-tát đã hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; đã hành nội Không cho đến vô tính tự tính Không; đã hành chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; đã hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; đã hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; đã hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; đã hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ; đã hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; đã hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; đã hành tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; đã hành năm loại mắt, sáu phép thần thông; đã hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; đã hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; đã hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; và vô lượng vô biên Phật pháp khác đều là đạo đại Bồ-đề của Bồ-tát.

Các Đại Bồ-tát tu hành đạo này, phương tiện thiện xảo thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, sớm chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mà không có tưởng hữu tình, tưởng cõi Phật…

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Khi các Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo thành thục hữu tình như thế nào?

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện! Có Đại Bồ-tát khi tu hành bố thí Ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo, tự hành bố thí, cũng khuyên người khác hành bố thí, ân cần truyền trao dạy bảo cho người kia rằng: Các thiện nam tử! Các ông chớ dính mắc vào sự bố thí. Nếu dính mắc vào sự bố thí thì sẽ lại thọ thân. Nếu thọ thân nữa thì do đây mà lưu chuyển, sẽ thọ vô lượng khổ lớn dữ dội. Này các thiện nam! Trong thắng nghĩa đế hoàn toàn không có sự bố thí, cũng không có người thí, người thọ thí, vật thí và các quả thí. Các pháp như vậy đều bản tánh không. Trong bản tánh không không có pháp để nắm giữ. Tánh không của các pháp cũng chẳng thể nắm giữ.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, tuy đối với hữu tình, tự mình hành bố thí, cũng khuyên người khác bố thí, nhưng đối với sự bố thí, người thí, người thọ thí, vật thí và quả thí đều chẳng thể đắc được. Bố thí Ba-la-mật-đa như vậy, gọi là vô sở đắc Ba-la-mật-đa.

Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát ấy đối với pháp vô sở đắc này, dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa hữu tình, làm cho họ trụ quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Độc giác Bồ-đề, hoặc hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Như vậy, Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thì thành thục hữu tình, làm cho được lợi ích lớn.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy tự mình hành bố thí, cũng khuyên người khác hành bố thí, không khen ngợi trái ngược với pháp hành bố thí, hoan hỷ tán dương người hành bố thí.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy hành bố thí như vậy rồi, thì được sanh vào nhà đại tộc Sát-đế-lợi, hoặc sanh vào nhà đại tộc Bà-la-môn, hoặc sanh vào đại tộc Cư sĩ giàu có tài bảo, hoặc làm tiểu vương trong một nước nhỏ giàu sang tự tại, hoặc làm đại vương trong một nước lớn giàu sang tự tại, hoặc làm Chuyển luân vương trong bốn châu giới giàu sang tự tại. Đại Bồ-tát ấy sanh vào các chỗ tôn quí như vậy, dùng tứ nhiếp sự thu nhiếp các hữu tình. Trước là dạy cho hữu tình an trụ bố thí, do nhân duyên bố thí này mà tâm họ được điều hòa an lành. Thứ đến làm cho họ an trụ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã. Lại khiến cho họ an trụ bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Lại khiến cho họ an trụ bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Lại khiến cho họ an trụ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện .

Đại Bồ-tát ấy khiến cho các hữu tình an trụ các thiện pháp như vậy rồi, thì làm cho họ hướng nhập Chánh tánh ly sanh, được quả Dự lưu cho đến được quả A-la-hán; hoặc làm cho hướng nhập Chánh tánh ly sanh, dần dần chứng được Độc giác Bồ-đề; hướng nhập Chánh tánh ly sanh, dần dần tu học các địa Bồ-tát, sớm hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại dạy họ rằng: Này các thiện nam! Các ông nên phát nguyện sớm chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm các việc thù thắng lợi ích cho các hữu tình. Các loài hữu tình hư vọng phân biệt, chấp chặt các pháp hoàn toàn không có tự tánh cho là có tự tánh. Do điên đảo hư vọng chấp có như vậy, cho nên các ông phải thường chuyên cần tinh tấn tự mình loại trừ điên đảo, cũng khuyên người khác đoạn trừ điên đảo. Tự mình giải thoát sanh tử, cũng làm cho người khác thoát khỏi sanh tử. Tự mình được lợi lớn, cũng làm cho người khác được lợi lớn.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thường nên tu hành bố thí Ba-la-mật-đa như vậy. Do tu bố thí Ba-la-mật-đa, nên từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không đọa vào cõi ác, hay nơi biên địa bần tiện. Vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, nên đời đời sanh trong cõi người làm Chuyển luân vương, giàu sang tự tại, được nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Vì tùy theo uy thế của nghiệp mà được quả như vậy. Nghĩa là khi Bồ-tát đó làm Chuyển luân vương, thấy kẻ ăn xin đến, liền nghĩ rằng: Vì việc gì mà ta lưu chuyển trong sanh tử, làm Chuyển luân vương. Trụ trong sanh tử, lẽ nào ta chẳng làm lợi ích cho các hữu tình mà được quả thù thắng ấy. Ngoài việc này, không làm việc khác! Nghĩ vậy xong, Bồ-tát bảo kẻ ăn xin: Ngươi cần gì, ta sẽ thí cho. Khi ngươi lấy vật như lấy vật của ta, ngươi chớ nghĩ là ta cho ngươi. Vì sao vậy? Vì ta nhờ các ngươi mà được lợi ích, được thọ thân đây đầy đủ tài vật, nên tài vật đây là do các ngươi mà có. Các ngươi cứ tùy ý lấy dùng, hoặc đem cho người khác, chớ có nghi ngại.

Khi Đại Bồ-tát thương xót các hữu tình như vậy, thì sẽ sớm được viên mãn vô duyên đại bi. Do đại bi đây sớm viên mãn, nên tuy luôn làm lợi ích cho vô lượng hữu tình, nhưng đối với hữu tình, hoàn toàn không có sở đắc, cũng lại chẳng được quả thù thắng. Bồ-tát rõ biết như vậy, nhưng vì thế tục mà nói làm đủ loại việc lợi ích cho các hữu tình. Lại như thật biết các việc làm ấy đều như tiếng vang, tuy hiện tương tự có nhưng không chơn thật. Do đây, đối với pháp, Bồ-tát đều không nắm giữ.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thường nên tu hành bố thí Ba-la-mật-đa như vậy, đó là bố thí cho hữu tình, song hoàn toàn không nhớ ghĩ. Thậm chí đến cả xương thịt của mình, Bồ-tát còn thí, huống nữa là không xả các tài vật bên ngoài! Bồ-tát bố thí các tài vật, nhiếp thọ hữu tình, khiến cho sớm được giải thoát sanh, già, bệnh, chết.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Những tài vật nào nhiếp thọ hữu tình, khiến cho sớm được giải thoát sanh, già, bệnh, chết?

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện! Đó là tài vật bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; hoặc tài vật nội Không cho đến vô tính tự tính Không; hoặc tài vật chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; hoặc tài vật Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; hoặc tài vật bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; hoặc tài vật bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; hoặc tài vật tám giải thoát cho đến mười biến xứ; hoặc tài vật pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; hoặc tài vật Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; hoặc tài vật Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; hoặc tài vật tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; hoặc tài vật năm loại mắt, sáu phép thần thông; hoặc tài vật mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc tài vật pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; hoặc tài vật trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; hoặc tài vật quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề; hoặc tài vật tất cả hạnh Đại Bồ-tát; hoặc tài vật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật.

Này Thiện Hiện! Các tài vật thiện pháp như vậy nhiếp thọ hữu tình, làm cho sớm được giải thoát sanh, già, bệnh, chết. Các Đại Bồ-tát thường dùng các loại tài vật như vậy nhiếp thọ hữu tình, làm cho sớm được giải thoát sanh, già, bệnh, chết.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình hành bố thí, cũng khuyên các hữu tình bố thí xong; nếu thấy hữu tình hủy phạm tịnh giới, thì vô cùng thương xót, dạy họ rằng:

Nay các ông nên thọ trì tịnh giới, ta sẽ thí cho các ông đủ loại tài vật, khiến cho không còn thiếu thốn. Do các ông thiếu thốn các đồ dùng, tài vật, nên hủy phạm tịnh giới, làm các nghiệp ác. Ta sẽ cung cấp đầy đủ tài vật tùy theo chỗ các ông thiếu thốn. Các ông an trụ luật nghi giới rồi, dần dần làm cho khổ cạn mỏng, nương vào pháp tam thừa, tùy theo pháp thích hợp với mình mà được thoát ly sanh tử, đạt đến chỗ an vui rốt ráo.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ Ba-la-mật-đa, tự thọ trì tịnh giới, cũng khuyên người khác thọ trì tịnh giới, không tán dương trái với pháp thọ trì tịnh giới, hoan hỷ tán thán người thọ trì tịnh giới.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, khuyên các hữu tình an trụ tịnh giới, giải thoát tất cả khổ sanh, già, bệnh, chết, chứng được an lạc lợi ích rốt ráo.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, nếu thấy hữu tình oán giận lẫn nhau, thì nên thương xót dạy họ như vầy:

Vì nhân duyên gì mà các ông oán giận lẫn nhau? Nếu các ông vì sự thiếu thốn, tương duyên lưu chuyển làm các điều ác thì nên theo ta mà đòi, ta sẽ giúp cho. Những tài vật gì các ông cần dùng, ta đều thí cho, khiến cho không còn thiếu thốn. Các ông không nên oán hận lẫn nhau, mà nên tu an nhẫn, phát khởi tâm từ.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, khuyên các hữu tình tu an nhẫn xong, vì muốn họ kiên cố nên dạy thêm như vầy:

Nhân duyên sân hận hoàn toàn không cố định chắc thật, đều do tâm phân biệt hư vọng sanh ra, vì tất cả pháp đều bản tánh không. Đối với việc không thật, vì duyên gì mà các ông vọng khởi sân hận, sát hại lẫn nhau. Các ông chớ duyên vào tâm phân biệt hư vọng mà oán hận lẫn nhau, tạo các ác nghiệp sẽ đọa địa ngục, bàng sanh, cõi quỉ và cõi ác khác thọ các khổ não. Khổ ấy đớn đau, sắc bén dữ dội, cắt xé thân tâm thật khó nhẫn được. Các ông chớ chấp việc chẳng thật có, mà oán hận nhau, tạo nghiệp ác ấy. Do nghiệp ác đây mà thân người hạ liệt còn khó có được, huống nữa là được sanh lên trời, hoặc được gặp Phật, nghe chánh pháp, tu hành theo lời Phật dạy.

Các ông nên biết, thân người khó được, Phật xuất hiện ở đời khó gặp, sanh được niềm tin lại còn khó hơn. Nay các ông đã đủ các việc ấy, chớ vì sân nhuế mà làm mất thời giờ quí báu ấy. Nếu để mất thời giờ ấy thì chẳng thể tìm cầu được. Cho nên các ông đối với các hữu tình, chớ khởi sân nhuế, nên tu an nhẫn.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình hành an nhẫn, cũng khuyên người khác hành an nhẫn, không tán dương trái với pháp hành an nhẫn, hoan hỷ tán thán người hành an nhẫn.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, khuyên các hữu tình tu hành an nhẫn. Các loài hữu tình do sự triển chuyển ấy, dần dần nương vào tam thừa mà được giải thoát.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình thân tâm biếng nhác, mà vô cùng thương xót, dạy bảo như  vầy:

Vì duyên gì mà các ông lại biếng nhác, không chuyên cần tinh tấn tu các thiện pháp?

Những hữu tình kia thưa rằng: Chúng tôi thiếu thốn tài vật, nên đối với các việc thiện, chúng tôi chẳng chuyên cần tu tập được.

Bồ-tát liền bảo: Ta có thể thí cho các ông những tài vật mà các ông thiếu thốn. Các ông nên chuyên cần tu tập các pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn v.v…

Các hữu tình được Bồ-tát ấy thí cho các tài vật thì không còn thiếu thốn, liền phát khởi thân tâm tinh tấn, tu các thiện pháp sớm được viên mãn. Do các thiện pháp được viên mãn, nên dần dần phát sanh các pháp vô lậu. Nhờ pháp vô lậu nên được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Độc giác Bồ-đề, hoặc hướng nhập các địa Bồ-tát, dần dần chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình hành tinh tấn, cũng khuyên người khác hành tinh tấn, không tán dương trái với pháp hành tinh tấn, hoan hỷ tán thán người hành tinh tấn.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, làm cho các hữu tình sớm lìa xa biếng nhác, chuyên cần tu các thiện pháp, sớm được giải thoát, lại có khả năng làm lợi lạc cho các hữu tình.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình các căn tán loạn, quên mất chánh niệm, thì rất thương xót, dạy bảo như vầy:

Vì duyên gì các ông không tu tĩnh lự, làm cho tán loạn, thất niệm, trầm luân sanh tử, thọ khổ vô cùng?

Những hữu tình kia đáp: chúng tôi thiếu thốn tài vật, nên đối với tĩnh lự, chúng tôi không chuyên cần tu tập được.

Bồ-tát liền bảo: Ta có thể thí cho các ông những tài vật mà các ông thiếu. Từ nay các ông không nên phát khởi tầm tứ hư vọng, phan duyên trong ngoài, nhiễu loạn tâm mình.

Các hữu tình được Bồ-tát ấy thí cho tài vật, không còn thiếu thốn, liền có khả năng đoạn trừ tầm tứ hư vọng, nhập định sơ thiền, dần dần lại nhập đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền; nương vào các tĩnh lự này, lại dẫn phát bốn loại vô lượng từ, bi, hỷ, xả. Tĩnh lự, vô lượng làm chỗ nương tựa, lại có thể dẫn phát bốn định vô sắc. Tĩnh lự, vô lượng, vô sắc điều hòa tâm khiến cho nhu nhuyến rồi, tu bốn niệm trụ, triển chuyển cho đến tám chi thánh đạo. Do đây lại có thể dẫn phát các thiện pháp thù thắng không, vô tướng, vô nguyện…Tùy theo pháp thích hợp với mình mà được quả tam thừa.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình tu tĩnh lự, cũng khuyên người khác tu tĩnh lự, không tán dương trái với pháp tu tĩnh lự, hoan hỷ tán thán người tu tĩnh lự.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, khuyên các hữu tình sớm lìa tán loạn, tu các tĩnh lự, được lợi lạc lớn.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình ngu si điên đảo, thì rất thương xót dạy bảo rằng: Vì duyên gì các ông không tu diệu tuệ, ngu si điên đảo thọ khổ vô cùng?

Những hữu tình ấy đáp: Chúng tôi thiếu tài vật, nên đối với diệu tuệ, chúng tôi không chuyên cần tu được.

Bồ-tát liền bảo: Tôi có thể thí cho các ông các vật mà các ông thiếu thốn. Các ông nên nhận nó. Trước tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự được viên mãn, rồi quán sát kĩ thật tướng các pháp, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nghĩa là khi ấy, nên quán sát kĩ có một chút pháp nào có thể nắm giữ được chăng? Ngã, hữu tình, cho đến tri giả, kiến giả có thể nắm giữ được chăng? Sắc cho đến thức có thể nắm giữ được chăng? Sắc xứ cho đến ý xứ có thể nắm giữ được chăng? Sắc xứ cho đến pháp xứ có thể nắm giữ được chăng? Nhãn giới cho đến pháp giới có thể nắm giữ được chăng? Sắc giới cho đến pháp giới có thể nắm giữ được chăng? Nhãn thức giới cho đến ý thức giới có thể nắm giữ được chăng? Nhãn xúc cho đến ý xúc có thể nắm giữ được chăng? Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ có thể nắm giữ được chăng?

Địa giới cho đến thức giới có thể nắm giữ được chăng? Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên có thể nắm giữ được chăng? Các pháp từ duyên sanh ra có thể nắm giữ được chăng? Vô minh cho đến lão tử có thể nắm giữ được chăng? Dục giới, sắc giới, vô sắc giới có thể nắm giữ được chăng?

Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể nắm giữ được chăng? Nội Không cho đến vô tính tự tính Không có thể nắm giữ được chăng? Chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn có thể nắm giữ được chăng? Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo có thể nắm giữ được chăng? Bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo có thể nắm giữ được chăng? Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc có thể nắm giữ được chăng? Tám giải thoát cho đến mười biến xứ có thể nắm giữ được chăng? Pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện có thể nắm giữ được chăng?

Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa có thể nắm giữ được chăng? Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa có thể nắm giữ được chăng? Tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa có thể nắm giữ được chăng? Năm loại mắt, sáu phép thần thông có thể nắm giữ được chăng? Mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng có thể nắm giữ được chăng? Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ có thể nắm giữ được chăng? Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả có thể nắm giữ được chăng? Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng có thể nắm giữ được chăng?

Quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề có thể nắm giữ được chăng? Tất cả hạnh Đại Bồ-tát có thể nắm giữ được chăng? Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật có thể nắm giữ được chăng?

Các hữu tình ấy đã được tài vật, không còn thiếu thốn, nương vào lời Bồ-tát dạy, trước tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự được viên mãn rồi, lại quán sát kĩ thật tướng các pháp, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi quán sát kĩ các pháp như trước đã nói, thấu rõ thật tánh các pháp đều không thể đắc. Vì không thể đắc nên không chấp thủ. Do không chấp thủ nên không thấy chút pháp nào có sanh có diệt, có nhiễm có tịnh. Khi đối với các pháp, các hữu tình ấy không nắm giữ, nên đối với tất cả chỗ, không khởi phân biệt. Nghĩa là không phân biệt, đây là địa ngục, bàng sanh, cõi quỉ, hoặc A-tố-lạc, hoặc trời, hoặc người; cũng không phân biệt đây là trì giới, đây là phạm giới; cũng không phân biệt đây là Dị sanh, đây là bậc Thánh, đây là Dự lưu, đây là Nhất lai, đây là Bất hoàn, đây là A-la-hán, đây là Độc giác, đây là Bồ-tát, đây là Phật, đây là hữu vi, đây là vô vi. Do hữu tình kia không phân biệt như vậy nên theo pháp thích hợp với mình, mà dần dần chứng được Niết-bàn của tam thừa, rốt ráo an lạc.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình tu Bát-nhã, cũng khuyên người khác tu Bát-nhã, không khen ngợi trái với pháp tu Bát-nhã, hoan hỷ tán thán người tu Bát-nhã.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, khuyên các hữu tình chuyên cần tu Bát-nhã, khiến cho được lợi ích an lạc rốt ráo.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng khuyên người khác hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa rồi, lại thấy hữu tình luân hồi các cõi, thọ vô lượng khổ chưa được giải thoát. Vì muốn làm cho họ thoát khỏi sanh tử khổ, nên trước hết Bồ-tát dùng đủ loại tài vật để làm lợi ích, sau đó đem các pháp vô lậu xuất thế, phương tiện thiện xảo mà nhiếp hóa họ.

Các hữu tình ấy được tài vật rồi, không còn thiếu thốn, thân tâm quyết định mạnh mẽ, có thể an trụ nội Không cho đến vô tính tự tính Không; cũng có thể an trụ chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cũng có thể an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; cũng có thể tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; cũng có thể tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; cũng có thể tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ; cũng có thể tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; cũng có thể tu Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; cũng có thể tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; cũng có thể tu tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; cũng có thể tu năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng có thể tu mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng có thể tu pháp không quên mất tánh luôn luôn xả; cũng có thể tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng có thể tu vô lượng vô biên các Phật pháp khác.

Các hữu tình ấy do được các pháp vô lậu nhiếp thọ, nên giải thoát sanh tử, chứng được Niết-bàn, an lạc cứu cánh.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, tự mình hành đủ loại pháp vô lậu thù thắng, cũng khuyên người khác hành đủ loại pháp vô lậu thù thắng, không tán dương trái với pháp hành đủ loại pháp vô lậu thù thắng, hoan hỷ tán thán người hành đủ loại pháp vô lậu thù thắng.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, dùng pháp vô lậu nhiếp thọ hữu tình, khiến cho họ giải thoát các khổ sanh tử, chứng được Niết-bàn thường vui rốt ráo, cũng có thể vì người khác làm lợi ích lớn.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình không có nơi nương tựa, thiếu thốn đủ điều, nhiều khổ não, liền sanh tâm thương yêu, với những lời an ủi:

Ta có thể vì các ngươi mà làm nơi nương tựa, khiến cho các ngươi thoát khỏi các việc thọ khổ. Với các vật cần dùng như: đồ ăn, thức uống, y phục, đồ nằm, xe cộ, nhà cửa, hương hoa, kỉ nhạc, đèn sáng, tài bảo, người hầu và các loại tài vật cần dùng khác mà các ngươi cần, các ngươi cứ tùy ý đòi, chớ có nghi ngại. Ta sẽ theo ý các ngươi mà cho tất cả, khiến cho các ngươi được lợi ích an lạc mãi mãi.

Khi các ngươi nhận vật ta bố thí, thì như nắm giữ vật của mình, chớ có nghĩ tưởng khác. Vì sao vậy? Vì nhiều đời nhiều kiếp, ta tích tụ được tài vật, được lợi lạc, chỉ vì nhờ các ngươi. Nay các ngươi cứ tự nhiên, đối với tài vật này, tùy ý lấy dùng. Thọ nhận rồi, trước hết các ngươi nên tự dùng cho chơn chánh, tu tập các nghiệp thiện; sau đó lấy tài vật này thí cho các hữu tình, cũng làm cho họ tu các nghiệp thiện. Nghĩa là khiến cho tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; cũng khiến cho an trụ nội Không cho đến vô tính tự tính Không; cũng khiến cho an trụ chơn như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn; cũng khiến cho an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; cũng khiến cho tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; cũng khiến cho tu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; cũng khiến cho tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ; cũng khiến cho tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; cũng khiến cho tu Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa; cũng khiến cho tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; cũng khiến cho tu tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa; cũng khiến cho tu năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng khiến cho tu mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng khiến cho tu pháp không quên mất tánh luôn luôn xả; cũng khiến cho tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng khiến cho tu vô lượng vô biên các Phật pháp khác.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát ấy chỉ dạy cho các hữu tình như vậy rồi, tùy theo pháp mà họ thích hợp, lại khiến cho họ tu tập các pháp vô lậu, trụ quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Độc giác Bồ-đề, hoặc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Như  vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo thành thục hữu tình, làm cho họ thoát khỏi cõi ác sanh tử, chứng đắc Niết-bàn của tam thừa, làm lợi ích cho mình, cho người, rốt ráo an lạc.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa và đạo đại Bồ-đề của Bồ-tát, phương tiện thiện xảo thành thục hữu tình như thế nào?

Phật bảo:

– Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo, thấy các hữu tình thiếu thốn tài vật, phiền não mạnh mẽ, chẳng thể tu các thiện pháp thì liền bảo rằng:

Các ông nếu vì thiếu thốn tài vật mà chẳng thể tu thiện, thì ta sẽ thí cho các loại tài vật. Các ông chớ khởi phiền não ác nghiệp, nên tu tập các pháp thiện như: bố thí v.v…

Đại Bồ-tát ấy an trụ tịnh giới Ba-la-mật-đa, nên nhiếp thọ các loài hữu tình như vầy: Đối với người san tham, nên khiến cho họ tu bố thí, không còn luyến tiếc thân mạng, tiền của. Đối với người phá giới, khiến cho họ tu tịnh giới, khéo thọ trì thực hành mười thiện nghiệp đạo, trụ luật nghi giới, không khuyết, không mất, không nhơ không tạp, cũng không chấp thủ. Đối với người sân nhuế, khiến cho họ tu an nhẫn. Đối với người biếng nhác, khiến cho họ tu tinh tấn. Đối với người tâm tán loạn, khiến cho họ tu tĩnh lự. Đối với người ngu si, khiến cho họ tu diệu tuệ. Đối với người chấp các pháp, khiến cho họ tu pháp Không. Đối với người không có các loại công đức thù thắng khác, khiến cho họ tu học đầy đủ.

Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát an trụ tịnh giới Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, phương tiện thiện xảo, khiến cho họ thoát khỏi cõi ác sanh tử, chứng đắc Niết-bàn của tam thừa, làm lợi ích cho mình, cho người, rốt ráo an lạc.

Thiện Hiện nên biết, Các Đại Bồ-tát tu hành bốn Ba-la-mật-đa khác, và đạo đại Bồ-đề của Bồ-tát khác, mỗi mỗi đều có thể làm phương tiện thiện xảo, dùng tất cả thiện pháp thành thục hữu tình, khiến cho họ thoát khỏi cõi ác sanh tử, chứng đắc Niết-bàn của tam thừa, làm lợi ích cho mình, cho người, rốt ráo an lạc. Mỗi mỗi rộng nói như pháp bố thí trên.