NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Hùng Hách
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ Hùng Hách
Hằng ngày niệm Phật, cầu Phật tiếp dẫn người đời trước đã khuất được vãng sanh là đủ rồi, cần gì phải đặt pháp danh? [Về chuyện thọ] Ngũ Giới, hãy nên dựa theo cách đã nói trong bức thư gởi cho bà Từ Phước Hiền nơi cuốn một bộ Văn Sao: Ở trước đức Phật lễ bái, tự thệ thọ giới. Theo Luật, [cư sĩ chỉ được phép] đắp loại y năm miếng thẳng, gọi là Mạn Y[1], không có những sọc ngang một dài một ngắn. Người đời nay phần nhiều chẳng đúng pháp, hoặc đắp y năm điều một dài một ngắn, hoặc đắp y bảy điều hai dài một ngắn, đều là trái luật. Ngay cả với Mạn Y đúng pháp, người tại gia cũng chỉ nên đắp khi lễ bái, trì tụng, kính lễ Tam Bảo, chớ nên thường đắp. Y năm điều của người xuất gia trước kia khá ngắn hẹp, giống như một cái khăn bông lớn thường chẳng rời thân, vì thế gọi là Vụ Y (y mặc để làm lụng). Nay thì y năm điều và y bảy điều to rộng như nhau, khi làm việc cũng chẳng thể đắp. Đấy chính là sự khác biệt giữa chế định xưa và nay vậy.
Hiện thời, bất luận là ai đều nên chuyên tu Tịnh nghiệp, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Gần đây do chiến sự dữ dội, càng nên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cho nhiều. Nay tôi gởi kèm thêm một tờ Khuyến Niệm Quán Âm Văn, mong hãy nói với hết thảy mọi người. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, lại còn hằng ngày niệm Phật, niệm Quán Âm và chú Đại Bi để cầu chúc cho quốc dân, cầu siêu cho những người đã khuất nên không rảnh rỗi để nói nhiều.
***
[1] Do khi xưa khổ vải quá hẹp nên để may Mạn Y (y trơn) phải ghép năm miếng lại. Nhưng năm miếng ấy phải dài bằng nhau, không được cắt thành dài ngắn khác biệt. Hiện thời hầu như không thấy Mạn Y gồm năm miếng nữa mà Mạn Y luôn được may bằng cả khổ vải. Mạn Y thường được đắp bởi Sa Di và người tại gia thọ Bồ Tát Giới (cũng có trường hợp người thọ Ngũ Giới đắp y nhưng khá hiếm). Tại Trung Hoa, Mạn Y của Sa Di và cư sĩ giống hệt nhau; riêng tại Việt Nam, Mạn Y của Sa Di và Sa Di Ni được may có một sọc nổi lên chính giữa tấm y. Y năm điều (An Đà Hội: Antarvāsa) của tăng sĩ cũng gồm năm miếng ghép lại, nhưng mỗi miếng ấy lại được cắt thành hai miếng nhỏ, một dài một ngắn (tức là gồm mười miếng tất cả. Gọi là “y năm điều” là do đếm theo chiều dọc của Y). Miếng đầu tiên và miếng cuối cùng của Y năm điều phải có hai miếng ngắn ở trên. Do cách may như vậy nên Tổ Ấn Quang mới viết “y năm điều một dài một ngắn”. Y bảy điều (Uất Đa La Tăng: Uttarāsamga) do gồm bảy miếng lớn ghép theo chiều dọc nên gọi tên như vậy. Mỗi miếng lại cắt thành hai miếng dài hai miếng ngắn ghép lại. Y này dùng để thọ trai, lễ bái, giảng kinh, tụng kinh nên thường gọi là Nhập Chúng Y. Các miếng này được may đâu lại, dằn chỉ cho nổi lên thành vằn nên Tổ gọi là “hoành văn” (sọc ngang). Y của chư tăng Trung Hoa cắt thành từng miếng, nhưng may khít nhau, mỗi miếng không may chừa mép như y của chư Tăng Việt Nam.