NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

VẢI DƯ

Năm 1992, có một phụ nữ ở nông thôn bị đau bao tử nhiều năm không lành. Mẹ chồng cô đến hỏi Quả Lâm. Quả Lâm đáp:

– Y phục các bé và nội y nhà các vị được may bằng đủ loại vải hết có phải không?

Bà đáp:

– Dạ phải. Là con dâu tôi may. Nó là thợ khéo tay, may giỏi nhất nhà chúng tôi.

Quả Lâm lại hỏi:

– Có phải đồ này được may từ số vải dư không hoàn trả khách mà ra?

Bà đáp:

– Thuở đời nay có thợ may nào mà không ăn vải thừa chứ hả?

Quả Lâm bảo:

– Tiền may cũng đã tính và thu phí rồi, thấy vải dư nhiều thì phải hoàn trả, trừ phi khách nói không cần, chịu biếu cho. Nếu lấy của người tùy tiện như vậy thì là trộm. Muốn bệnh lành cần phải sám hối và phải xuất ra số tiền tương đương để làm việc công ích. Bởi vì xài trộm vật dư của dân làng, thì phải làm công ích cho dân làng, như vậy bệnh mới lành.

Lợi dụng tín nhiệm người khác, xài trộm của người, bao gồm: Kẻ làm nghề xây dựng mà trộm vật liệu, thì phải tính từ con ốc, đinh vít, cho đến sơn tường v.v… nếu cứ lấy đại đem về tu bổ nhà mình; làm công mà trộm đồ chủ… thì những của lấy trộm đó, cho dù là người không biết, thì sớm hay muộn gì quả cũng sẽ trổ trên thân thôi. Lúc đó tổn thất phải gánh nếu đem so với những món đồ mà mình nổi tâm tham chiếm lấy, tính ra còn nhiều hơn vạn bội! Bởi nhân ác đã trồng dẫu không trả đời này thì cũng phải trả ở đời sau. Cũng có thể xảy ra các tai nạn bất ngờ như: Bị người trộm, bị dọa nạt trấn lột hoặc bị lửa thiêu cháy trụi tài sản… Bất kể bạn hành thiện hay tạo ác chi, đều là: “Xuân gieo một hạt, Thu gặt trăm hạt”. Nếu đã minh bạch lý này rồi, thì phải lo tận lực sám hối cho tiêu tội, nên đem những đồ, tài vật mình từng trộm, cắp, quy ra thành tiền, dùng vào việc ích lợi cho quốc gia nhân dân. Khi bồi hoàn phải tính thêm tiền lãi vào đấy. Nếu làm được vậy, thì có thể xóa tội, tạo thành lợi chung. Trong lòng bạn chẳng cần nhớ mình đã làm việc tốt gì mà chỉ cần nghĩ mình phải hoàn trả nợ đủ chưa và biết sinh tâm sám hối, thì tương lai oán kết ắt sẽ tiêu tan.

Sám văn:

Từ vô thỉ cho đến nay, hoặc làm chúng sinh đói khát, hoặc giựt lương thực của người, hoặc bức ép chúng sinh uống mặn, nuốt đắng, hoặc đoạn nguồn nước uống của người; bao nhiêu nghiệp ác như vậy, sinh ra oán thù, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.

Giải thích:

Đoạn nước uống của người là đại tội. Hiện nay việc làm nguồn nước ô nhiễm là vấn đề đáng hãi hùng kinh tâm! Có nhiều người là Giám đốc các xưởng giấy, xưởng hóa học v.v… vì si mê hám lợi, không lưu tâm tạo công đức. Vì tiết kiệm tiền, sợ tốn kém, họ đã cho xả nước ô nhiễm vào sông ngòi, kênh rạch, tạo ảnh hưởng xấu trầm trọng cho lưu vực, khiến người không thể uống hay dùng nước… Kể cả trồng trọt cũng bị thất thu. Hành động kém ý thức này gây ra tổn thất cực lớn cho quốc gia và nhân dân.

Điều đáng nói là: Quốc gia dù có bỏ ra phí tổn gấp trăm lần thu nhập của các công xưởng này, cũng chẳng khôi phục được nguồn nước trong lành như cũ. Đây chính là hành vi làm chúng sinh đói kém, đoạn lương thực, thức uống của người, ép chúng sinh vào con đường khổ.

Chỉ làm một người đói khát thôi, là tội rất lớn rồi, huống nữa là hại vô số người, khiến bao người thiếu thức ăn tốt, nguồn nước sạch để dùng! vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn nước… xảy ra trên thế giới ngày càng trầm trọng.

Bạn đừng tưởng mình quăng xác vật chết xuống sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch… là người bị ô nhiễm chứ không phải mình, đừng nghĩ là: Khi bạn quăng rác, nội tạng vật… xuống cống, rãnh… là ai đó bị lụy chứ không phải mình. Thực ra bạn tạo tội ác vô cùng nghiêm trọng. Bạn vào công viên hưởng không khí thoáng mát và ra đi sau khi xả rác đầy trong đó… bạn làm ô nhiễm môi trường, dòng nước, khiến dân không có nước sạch xài, khiến người phu quét đường phải nhọc nhằn thanh lý mớ rác xả bừa bãi, người thợ móc cống phải dầm mình trong làn nước xú uế để thông cống, vớt vật dơ… Tất cả khổ nhọc bạn khiến người phải nếm trải, bạn sẽ nhận lại gấp trăm ngàn: Sẽ gặp cảnh ngập lụt lầy lội, không có nước sạch xài, phải sinh sống ở nơi ô nhiễm hôi thối, phải ăn uống hay bị trúng độc, sức khỏe kém… vì những nhân ác bạn gieo cho người. Đây là những quả báo gần nhất, mà bạn phải trả trong nhân gian.

Vì vậy chúng ta rất cần tuyên truyền lý nhân quả Phật dạy rộng khắp trong xã hội, hầu giúp cải thiện nhân tâm thế giới. Như Phật pháp từng thuyết: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Nếu lòng người thanh tịnh thiện lương, ai ai cũng biết tôn trọng giữ gìn bảo vệ lợi ích chung, tự nhiên sẽ chiêu cảm được nguồn nước trong lành. Nếu lòng người đầy tam độc, tham, sân, si hừng thịnh, thì nước sẽ bị ô nhiễm đổi sắc đen, chát, mặn… đây là kết quả tất nhiên.

Sám văn:

Từ vô thỉ đến nay, chúng con xa lìa minh sư, thân cận bạn ác, do ba nghiệp tạo nhiều lỗi, phóng túng giết hại người vô tội, khiến họ chết yểu oan uổng. Thường đánh đập chúng sinh hoặc triệt phá ao hồ, bít lấp ngòi rãnh, làm hại các loài thủy tộc… Hoặc thiêu đốt núi rừng, bủa giảng chài lưới, sát hại tất cả chúng sinh. Oán thù, tội lỗi như vậy vô lượng vô biên ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.

Giải thích:

Có một anh nọ bị bệnh. Đi y viện khám không tìm ra nguyên nhân, anh bèn đến chỗ tôi nhờ giải thích giùm.

Tôi bèn hỏi anh chàng bị bệnh:

– Có phải anh hay dùng chân đá vào bộ phận nọ… của vật?

Dạ, thỉnh thoảng con chó cứ đeo theo dưới chân, gặp lúc tâm tư đang bực nên con tống cho nó một đạp.

Tôi bảo:

– Hãy kiểm xem chỗ đau của anh xem, có phải cũng giống nơi chỗ… anh đã làm tổn thương con chó?

Anh ta gật đầu nói đúng.

Định luật vũ trụ rất kỳ diệu: “Nhân như vậy quả như vậy”. Nếu bạn đầu độc chuột, giết côn trùng, tất nhiên sẽ có ngày bạn ăn uống bị trúng độc. Bạn dùng điện bẫy chuột, chích cá… thì sẽ có ngày bạn bị chết vì chính dây điện này. Không những hiện đời bị ác báo, mà đời sau do oán kết sâu, khiến bạn bị vô số oan gia truy tìm. Chỉ có sám hối mới giải được oán kết. Nhân quả là tối công bình, không hề thiên lệch với bất kỳ ai. Phật dạy: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, có thể tu thành, vì vậy phải biết tôn trọng mạng sống muôn loài.