NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Hạ Thọ Kỳ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Hạ Thọ Kỳ

Cha ông tuổi đã cao, hãy nên khuyên cụ lập tức toàn thân buông xuống, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Lúc niệm trong tâm phải niệm cho rõ ràng, miệng niệm cho rõ ràng, tai nghe cho rõ ràng. Dẫu chẳng mở miệng, niệm thầm trong tâm thì vẫn phải từng câu từng chữ nghe cho thật rõ ràng, vì tâm vừa khởi niệm liền có tướng của tiếng! Tai chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình vẫn rành rẽ, rõ ràng. Nếu thường nghe được rõ ràng thì tâm sẽ quy về một chỗ, tinh thần chẳng rong ruổi bên ngoài. Vì thế, mắt cũng chẳng nhìn chi khác, mũi không ngửi gì khác, thân cũng chẳng buông lung, cho nên gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Niệm Phật như thế gọi là “tịnh niệm” (ba câu này, Sư tự khuyên đậm thêm). Do nhiếp tâm nơi Phật hiệu thì tuy chưa thể hoàn toàn không có tạp niệm, nhưng đã giảm nhẹ nhiều lắm! Nếu có thể thường xuyên giữ cho liên tục thì ở mức độ nông cạn là đắc nhất tâm bất loạn, mức độ sâu là đắc Niệm Phật tam-muội. Đây chính là ý nghĩa trọng yếu để lúc thường ngày gắng chuyên tâm dốc chí.

Hằng ngày thường nghĩ sắp vãng sanh, trong tâm chẳng giữ lại chuyện gì. Có chuyện gì cần giao phó liền giao phó sẵn. Con cháu có điều gì cần hỏi thì hãy hỏi sẵn đi. Đợi đến lúc lâm chung, cả nhà niệm Phật, không nên hỏi chuyện gì hết, cũng không có chuyện gì cần phải giao phó, mọi người đồng thanh niệm Phật. Nếu chính người ấy đã nắm chắc [sự vãng sanh], chính mình tự tắm rửa, thay quần áo là tốt nhất. Nếu chính người ấy không thể làm được thì vạn phần chớ nên lau rửa, thay quần áo sẵn cho người ấy, hỏi chuyện, khóc lóc v.v… Hễ có những chuyện phô trương mù quáng kiểu đó, chắc chắn [người sắp mất] bị phá hoại chánh niệm, chẳng được vãng sanh! Bảo người sắp chết ngoảnh mặt về phương Tây, trước mặt thờ một bức tượng Phật tiếp dẫn, nghĩ đi theo Phật vãng sanh, một mực niệm cho đến khi đã tắt hơi được hơn ba tiếng đồng hồ (Đây là thời gian tối thiểu, vẫn phải nên niệm nhiều hơn) rồi mới làm những chuyện tắm rửa, thay quần áo, khóc lóc v.v… thì chẳng đến nỗi làm hỏng đại sự. Khóc lóc cũng chớ nên bỏ, nhưng phải chú trọng nén buồn niệm Phật, chớ nên khóc lóc phô trương bề ngoài. Người già lâm chung nên [làm] như thế mà người trẻ tuổi cũng như thế thì chắc chắn được vãng sanh.

Thêm nữa, con gái từ nhỏ cần phải dạy cho nó tánh tình nhu hòa, chẳng nổi nóng, tập quen lâu ngày sẽ thành thiên tánh, lợi ích ấy chẳng thể nói tận! Chưa lập gia đình mà nổi nóng thì hoặc là bặt kinh hoặc bị băng huyết, có gia đình rồi cũng thế: hoặc bị sẩy thai, hoặc khiến cho tánh chất của đứa trẻ trong bụng trở thành bạo ác. Sanh con ra, trong khi cho con bú, nếu nổi nóng đùng đùng thì khi cho đứa trẻ bú, nó sẽ chết ngay. Chẳng nổi nóng quá mức thì nửa ngày hoặc một ngày sau nó mới chết, không đứa nào chẳng chết! Nổi nóng nhè nhẹ thì tuy nó không chết nhưng cũng sẽ sanh bệnh, không đứa nào không bị bệnh. Nếu nổi nóng liên tiếp một hai ba ngày thì đứa trẻ bị trúng độc ngày càng nhiều hơn, cũng khó thể nào không chết. Điều này danh y, thần y nước ta xưa – nay đều chưa hề nói đến. Hãy đem nghĩa này nói với hết thảy nam – nữ sẽ cứu được mạng trẻ khi chưa sanh ra.

Nữ nhân tánh tình nhu hòa thì gia đạo cũng yên vui, hòa thuận, con cái do họ sanh ra tánh tình cũng đều từ thiện, nhu hòa. Tôi thường nói: “Dạy con là căn bản để thiên hạ thái bình, nhưng dạy con gái lại càng thật quan trọng, do con người sanh ra bẩm thụ tánh khí của mẹ, nhìn theo oai nghi của mẹ nhiều hơn cha rất lớn”. Có hiền nữ thì mới có hiền thê, chồng của hiền thê ắt là hiền nhân, con của hiền mẫu ắt là hiền sĩ. Bà Thái Nhậm dạy con từ trong thai, nên Văn Vương sanh ra liền có thánh đức. Ấy là dạy dỗ từ thuở còn chưa sanh ra. Quang đã tám mươi rồi, buổi sáng không bảo đảm được buổi tối. Tất cả thư từ giao cho thầy Thư Ký của Thường Trụ lo giùm, Quang chẳng hỏi đến. Do ông ở tại phương xa nên thầy ấy mới đặc biệt chú ý, đưa cho Quang đọc để trả lời. Phương pháp tu trì đã có trong các sách Tịnh Độ và Văn Sao, ở đây không ghi cặn kẽ. Mong ông cũng đem những điều đã nói trong thư này bảo với Dã Công, Tông Huống (Ngày Rằm tháng Năm năm Dân Quốc 28 – 1939).

Chớ nên thường gởi thư đến, thường gởi thư đến thì Quang chẳng thể phúc đáp. Tăng nhân hiện thời đa phần theo thói tục, mới bốn mươi năm mươi đã cử hành chúc thọ. Có người đem chuyện ấy nói với Quang, Quang nói: “Tôi thà bị phạt chặt đầu, chẳng muốn nghe đến chuyện chúc thọ!” Có ai muốn chúc thọ cho Quang tức là đã lôi Quang vào phường hạ lưu hèn kém nhất!