NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Mục Tông Tịnh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Mục Tông Tịnh

(thư thứ nhất)

Quang già rồi, lại bị chuyện [tu chỉnh, giảo chánh] Nga Mi, Cửu Hoa Sơn Chí thúc bách chẳng thể chần chừ được. Do các nơi gởi thư từ đến quá phiền phức nên hơn cả năm mà chưa thể làm xong được. Nay thì sau tháng Mười Một đã tận lực cự tuyệt hết thảy thư từ. Từ rày đừng gởi thư đến nữa, gởi đến quyết không trả lời. Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Tịnh; nghĩa là lấy pháp môn Tịnh Độ của đức Phật làm gốc, tự hành, dạy người. Lại gởi cho ông Văn Sao, Gia Ngôn Lục, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Phật Học Cứu Kiếp Biên, gộp chung thành một gói, mong hãy đọc kỹ. Từ rày về sau, ngàn vạn lần đừng gởi thư đến, cũng đừng bảo người khác gởi thư đến. Lần này tôi đã phá lệ, quyết chẳng phá lệ lần thứ hai, lần thứ ba đâu nhé! (Ngày mồng Ba tháng Chạp năm Dân Quốc 21 – 1932)

(thư thứ hai)

Sao lại thô tâm như thế, gởi thư đến chỉ ghi tỉnh không ghi huyện, làm sao gởi được? Lại chẳng viết tục danh, chỉ dùng pháp danh! Đã dùng [pháp danh] lâu ngày thì còn được, chứ mới dùng thì ai mà biết được! Đây cũng là lỗi thiếu thông hiểu nhân tình thế thái! Một đệ tử ở Quý Châu gởi thư tới, nhờ gởi sang nhà người em trai ông ta ở Nam Kinh, gởi đi bằng thư bảo đảm, người canh cửa không biết đến pháp danh của ông ta, bảo [ở đấy] không có người đó, bèn đem thư gởi trả lại. Không lâu sau, người ấy đích thân đến đất Tô, mới biết ông ta chẳng hiểu chuyện đời!

Pháp danh của lệnh nhạc mẫu[1] và lệnh tử được ghi trong tờ giấy khác. Đức hạnh đẹp đẽ của lệnh nhạc mẫu thật đáng khâm phục, vì thế có pháp danh là Đức Ý. Lệnh tử đã có thiện căn từ đời trước, nên đặt pháp danh là Phước Duệ. Duệ (睿) chính là trí huệ; có phước, có huệ thì sẽ có thể tự lợi, lợi người. Niệm Quán Âm thì không chỉ khuyên bảo tịnh hữu niệm mà hãy nên tuyên cáo trong thôn [mình ở] và những thôn lân cận, bất luận già – trẻ – trai – gái đều nên ăn chay, niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Mọi người ai nấy ở trong nhà mình, vừa làm việc vừa niệm, thường niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, chắc chắn chẳng bị ôn dịch. Năm trước, các xứ bị dịch tả thật dữ dội; tại vùng phụ cận của trấn Tự Tiền thuộc huyện Trừng Thành, tỉnh Thiểm Tây, cả mấy trăm người chết. Trong thôn của một đệ tử có năm sáu chục nhà, [ông ta] dạy mọi người đều niệm [Quán Âm] nên chỉ có hai kẻ xấu bị chết, những người khác đều bình an.

Cư sĩ Hà Hồng Cát ở huyện Cam Cốc tỉnh Cam Túc đề xướng niệm Phật. Phàm những chỗ niệm Phật, tật dịch chẳng xâm nhập bờ cõi. Ông khuyên tịnh hữu niệm là biện pháp nhỏ; dạy già – trẻ – trai – gái trong cả thôn đều niệm mới là biện pháp lớn. Tốt nhất là ăn chay trường; nếu chẳng thể thì cũng nên bớt ăn mặn. Dẫu chưa thể ăn chay cũng phải niệm. Đang trong lúc hung hiểm này, chỉ có niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát là được cứu vớt, che chở. Những kẻ sợ chết muốn được yên vui sẽ chẳng đến nỗi vẫn chẳng nghĩ làm như vậy là đúng mà coi thường. Tụ tập đạo hữu để niệm thì nên chia thành ba ban: Một ban đi nhiễu, niệm ra tiếng, hai ban tịnh tọa niệm thầm. Như thế sẽ thành ra niệm suốt ngày nhưng chẳng đến nỗi quá mệt. Nếu cùng nhau niệm ra tiếng hết thì một lúc lâu sau do quá mệt chắc sẽ đến nỗi đổ bệnh. Do chẳng khéo lập cách, đâm ra làm cho kẻ vô tri bảo Phật pháp chẳng linh, oan uổng tạo khẩu nghiệp. Chẳng thể không biết [điều này]! (Ngày mồng Bốn tháng Giêng năm Dân Quốc 24 – 1935)

(thư thứ ba)

Pháp danh của lệnh lang phạm tổ húy[2], xin hãy tùy ý thay đổi. Nay đặt là Trí Duệ, sẽ chẳng đến nỗi phạm nữa. Nếu vẫn phạm thì xin hãy tự đổi, không cần phải yêu cầu Quang đổi. Phong tục làng quê miền Nam miền Bắc khác nhau. Phương Nam cũng có vùng kỵ tên húy rất nghiêm, cũng có vùng [đặt tên cho] con lại dùng chữ chánh yếu trong tên cha, như cha tên Bằng, con tên là Tiểu Bằng. Cha tên Khiêm, con tên Tục Khiêm. Đối với pháp danh có khi chuyên dùng một chữ nên ông – cháu, cha – con đều cùng một chữ. Quang chẳng đặt pháp danh theo dòng phái, dùng chữ tùy ý[3]. Hễ có nhiều người [quy y] mà không ai thưa bày điều gì thì dùng cùng một chữ. Hễ có ai thưa bày thì mỗi người dùng một chữ để khỏi phạm lỗi trái với thế tục! Tăng Tử có tên tự là Tử Dư, Mạnh Tử cũng có tên tự là Tử Dư. Tử Tư[4] theo học với Tăng Tử, Mạnh Tử chính là môn nhân của Tử Tư. Do đây có thể thấy được: Cổ nhân khoan dung mà người hiện thời lại nghiêm ngặt! Đại sự phải nương theo lý, tiểu sự phải thuận theo thói tục, đấy chính là chuẩn mực để giữ thân cư xử trong cõi đời vậy (Ngày Rằm tháng Giêng năm Dân Quốc 24 – 1935)

(thư thứ tư)

Pháp danh của Dương mẫu được viết trong một tờ giấy khác, ảnh chụp của Quang chẳng tiện gởi đi. Do chiến sự, bưu điện không chịu nhận bưu kiện. Nay gởi Khuyến Niệm Quán Âm Văn, mong hãy [dùng bài văn ấy] để khuyên rộng rãi. Tôi vốn cho in bài này năm mươi vạn bản, nhưng do chiến tranh nên phải đình lại. Sau này có lẽ sẽ in ra, bưu cục chịu nhận thì sẽ gởi tới, cũng không thể nói chắc chắn, vì thời cuộc vậy! Thầy Đức Sâm bệnh tình đã khá được tám phần, từ rày ông chớ nên lôi thôi, [gởi thư tới lui mà] chẳng nói lên được điều gì. Hơn nữa, chưa từng gặp gỡ, gởi thư đến [thì người nhận] phải trả lời. Đừng nói là người bệnh, ngay cả người mười phần khỏe mạnh hằng ngày cũng chẳng rảnh rỗi để đáp ứng được!

Từ năm Dân Quốc thứ bảy, thứ tám (1918-1919) đến nay, Quang ở chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà, trọn chẳng làm chuyện gì khác, nhận được thư bèn trả lời đến nỗi hằng ngày chỉ lo trả lời thư. Những vị pháp sư giảng kinh muôn phần chẳng thể hễ nhận được đến liền trả lời ngay được, do không có sức lực, tinh thần để thù tiếp như vậy đâu! Chiến sự dữ dội, hãy lấy chuyện trì chú Đại Bi và niệm Quán Âm làm điều chánh yếu. Không có chuyện gì quan trọng đừng gởi thư tới. Chiến sự chưa ngưng dứt thì vĩnh viễn đừng gởi thư tới. Bởi lẽ, trì tụng còn không kịp, rảnh rỗi đâu mà phúc đáp! (Ngày Mười Chín tháng Tám năm Dân Quốc 26 – 1937)

Tu Tịnh nghiệp và học Giáo khác nhau, một đằng chú trọng khai giải, một đằng chú trọng thực hành. Dẫu có chỗ chẳng biết, bèn bỏ mặc đó, xem lại đôi ba lượt, phần nhiều sẽ có chỗ trước – sau thấu hiểu ý nghĩa. Dẫu chưa hiểu trọn vẹn, cũng thấu hiểu được phần nào ý nghĩa kinh văn, sẽ có thể hiểu được ý. Nếu hễ có nghi bèn đi hỏi mà [người bị hỏi] là kẻ trọn chẳng có một việc gì thì cũng không sao, chứ đối với người bận rộn suốt ngày hoặc người đang gặp đủ chuyện phiền phức, nỡ nào bắt người ta phải nhọc nhằn thêm? Quang già rồi, chẳng thể đáp ứng những câu hỏi! Ngay như thầy Đức Sâm vì chuyện chùa Thọ Lượng ở Giang Tây và chuyên viên [quy hoạch tỉnh ấy lập kế hoạch] trưng thu tài sản nhà chùa mà bận bịu thành bệnh, cũng chớ nên gây thêm mệt nhọc cho thầy ấy!

(thư thứ năm)

Hơn ba mươi pháp danh được viết trong một tờ giấy khác. Chương trình của Lệ Trạch Liên Xã rất hay, mắt Quang giống như lòa từ khi mới sanh, phải dùng cả kính lão lẫn kính lúp mới miễn cưỡng xem được. Vì thế, dùng chữ phần nhiều không đúng pháp. Từ rày trở đi xin đừng gởi thư đến nữa. Gởi tới nhất quyết không trả lời. Có ai muốn quy y, hãy bảo họ quy y với vị Tăng ở nơi ấy, hoặc quy y với pháp sư Đức Sâm. Nếu chẳng thông cảm, tức là muốn cho Quang vĩnh viễn chẳng thấy được ánh mặt trời trong khoảng thời gian tạm bợ “buổi sáng không bảo đảm được buổi tối” này. Chắc quý vị cũng chẳng đến nỗi không thấu hiểu tình người như thế đâu! (ngày Mười Hai tháng Mười Một năm Dân Quốc 28 – 1939)

Mắt Quang [suy yếu như thế] là do túc nghiệp cảm thành, trong Liên Xã chớ nên cầu nguyện cho Quang, mà cũng đừng bắt chước người đời vô tri chúc thọ gây bại hoại cho Phật môn! Suốt đời Quang nghe thấy chuyện Tăng được chúc thọ mà thẹn giùm. Các ông hãy tự mình tu trì, đừng lôi tên Quang vào thói tục vô đạo lý ấy để những người có tri kiến chê cười sát rạt vậy!

(thư thứ sáu)

Pháp danh gởi lầm là ở chỗ gần[5], chừng mấy bữa nữa sẽ gởi đến. Đã viết tờ khác ghi những tên được thêm vào hôm nay để gởi đi, chắc sẽ không sai nữa. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ. Từ rày đừng gởi thư tới nữa, cũng đừng giới thiệu người khác đến quy y. Do buổi sáng không bảo đảm được buổi tối, nếu chết thì cũng chỉ vì nhọc nhằn; nếu không chết thì cũng không thể duy trì lâu dài chuyện bị sai khiến này, mà nên lo an hưởng tuổi già, chứ không nên già rồi mà vẫn phải vất vả! Từ năm Dân Quốc thứ bảy (1918) đến nay, Quang hằng ngày bận bịu vì người khác, nay có muốn vì người khác bận bịu thì mục lực đã không thể sử dụng được nữa rồi! Đối với các vị có cùng chí hướng, đều nên đem lời này nói với họ để đôi bên khỏi uổng phí tâm tư mà hoàn toàn chẳng có lợi ích gì! (Ngày Hai Mươi Mốt tháng Chạp năm Dân Quốc 28 – 1939)

***

[1] Lệnh nhạc mẫu: Tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng mẹ vợ của người khác.

[2] Pháp danh của con trai ông Mục Tông Tịnh là Phước Duệ, chữ Phước trùng với tên của một vị Tổ tiên của ông Mục, nên gọi là “phạm Tổ húy”.

[3] Tổ Ấn Quang xuất gia với một vị thầy thuộc Tông Lâm Tế. Trong các pháp phái nhà Thiền, tùy theo chi phái mà có những bài kệ quy định chữ đầu của pháp danh. Chẳng hạn dòng Lâm Tế đến đời thứ 21, ngài Vạn Phong Thời Ủy chùa Thiên Đồng, đã đặt ra bài kệ truyền phái quy y như sau: “Tổ đạo giới định tông. Phương quảng chứng viên thông, Hạnh siêu minh thiệt tế. Liễu đạt ngộ chân không. Như nhật quang thường chiếu. Phổ châu lợi ích đồng. Tín hương sanh phước huệ. Tương kế chấn từ phong”. Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch, Tổ Minh Hải Pháp Bảo, Tổ Liễu Quán Thiệt Diệu đều thuộc dòng kệ này; rồi các ngài lại biệt xuất những dòng kệ khác. Sau này, tại Trung Hoa cũng có nhiều phân phái Lâm Tế đặt ra những bài kệ truyền dòng khác. Không rõ ngài Đạo Thuần trưởng lão, tức vị thầy thế độ của Tổ Ấn Quang (pháp danh của Tổ bắt đầu bằng chữ Thánh, tức Thánh Lượng, Ấn Quang là pháp hiệu) thuộc chi phái Lâm Tế nào.

[4] Tử Tư là tên tự của Khổng Cấp (483-402 trước Công nguyên), còn có mỹ hiệu là Thánh Thuật, cháu nội của Khổng Tử, là con trai của Khổng Lý. Tử Tư theo học với Tăng Tử (Tăng Sâm), từng ra làm quan dưới triều Lỗ Mục Công. Tương truyền, sách Trung Dung do chính Tử Tư biên soạn.

[5] Ý nói : Ông Mục Tông Tịnh đứng ra xin quy y cho những người khác ở nơi xa. Trong số ấy có những người ở gần, có người ở nơi xa. Bản liệt kê pháp danh của những người bị Tổ viết lầm tên là danh sách của những người ở gần chỗ ông Mục Tông Tịnh.