NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Hồ Huệ Triệt
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ Hồ Huệ Triệt
(thư thứ nhất)
Ba vị lão nhân xin quy y, ông hãy nên bảo họ: “Phải nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chớ nên chỉ biết gieo thiện căn, cầu phước báo đời sau. Sanh về Tây Phương liền liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Cầu đời sau thì sẽ do phước tạo nghiệp, do nghiệp đọa lạc trong tam đồ ác đạo”. Những điều còn lại hãy chiếu theo bức thư dài, ở đây không viết cặn kẽ! Thiệu Cát Thành pháp danh là Huệ Thành, bà Trương Lập Chí nhà họ Thiệu pháp danh là Huệ Lập. Kẻ có chí, sự ắt thành. Tự lập được thì không có gì chẳng tốt đẹp. Bà Phùng Tu Thành nhà họ Trương, pháp danh là Huệ Tu. Nương theo trí huệ của đức Phật mà tu thì chắc chắn sẽ có thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Sanh lòng tin phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là cái được gọi bằng [từ ngữ] “trí huệ của Phật” đấy! Xin hãy nói với bọn họ [những điều này]. (Ngày Hai Mươi Hai tháng Mười Một năm Dân Quốc 22 – 1933, viết dưới đèn)
(thư thứ hai)
Ở Nam Thông, thói cầu cơ rất phổ biến. Giang Dịch Viên bị [linh quỷ] giáng cơ khen ngợi đến nỗi đầu óc mê muội. Đã thế, ông ta còn đem lời giáng cơ hiệu triệu khắp bốn huyện Thông, Hải, Khải, Như; ý ông ta còn muốn hiệu triệu cả nước. Các ông đừng bị ông ta lung lạc. Chánh nhân quân tử trong thế gian còn chẳng chịu khen ngợi người khác quá lố, huống là bậc thánh nhân đắc đạo ư? Cơ bút đều là do linh quỷ giả mạo (Trong một trăm trường hợp có đến chín mươi chín trường hợp [giả mạo]). Hơn nữa, quá nửa là do kẻ phù cơ ngụy tạo. Dịch Viên do ham được ca ngợi mà mê muội đến tột cùng, rốt cuộc coi lời giáng cơ như thánh chỉ. Nếu chẳng ham được khen ngợi, sẽ coi những gì mình được khen ngợi giống như bị quở trách thì đâu đến nỗi mất trí điên cuồng, chân – ngụy, tà – chánh chẳng phân? Xin hãy nói với các liên hữu, ngõ hầu chẳng đến nỗi hoại loạn Phật pháp, gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh không có cùng tận vậy! (Ngày Hai Mươi tháng Năm năm Dân Quốc 28 – 1939)
Lợi ích thật sự do niệm Phật chỉ có bậc đại trí huệ và ngu phu ngu phụ có thể đạt được. Những kẻ tưởng chừng như có trí huệ, chẳng muốn làm ngu phu ngu phụ đều chẳng thể đạt được! Như Dịch Viên thoạt đầu tri kiến còn khá, đề xướng khá tha thiết, nhiều lần có cảm ứng. Nay chánh tri kiến đã không còn, chuyên muốn đem thầy ông ta là Tường Công thờ trong Liên Trì Hải Hội để báo ân. Do món vật tư dục ấy ngăn chướng cái tâm, chánh tri chánh kiến bèn biến thành tà tri tà kiến! Nếu chẳng mau chóng sửa đổi thì trong tương lai cũng không có cách gì vãng sanh được! Muốn theo sau Từ Khâu, Nguyện Nguyệt, e rằng cũng không có cách gì để đạt được. Tờ bán nguyệt san tôi chưa hề thỉnh để xem đọc qua. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Phàm những sách báo không quan trọng khẩn yếu đều chẳng đọc, do không có mục lực để làm chuyện ấy!
(thư thứ ba)
Hãy hết sức răn nhắc xã hữu đừng nhiễm phong cách si dại của Dịch Viên. Nếu không, sẽ trở thành ngoại đạo trong Phật pháp, đâm ra phá hoại Phật pháp, làm cho chúng sanh lầm lạc, nghi ngờ trọn chẳng cùng tận! Dịch Viên hèn kém cùng cực đến mức như thế chính là điều Quang trọn không thể nào lường được! Bệnh ấy là do ham đội mũ cao và tưởng Trương Kiển[1] là Bồ Tát, chẳng tự biết toàn thân đã té trong hầm phân, há đáng gọi là thanh tịnh, thơm sạch được ư? Hãy nên tha thiết răn dạy con cháu biết tốt – xấu, kẻo sau này chúng không hiểu sẽ tưởng tà là chánh, coi thối là thơm. Hiện tại vận nước nguy ngập, thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra, hãy nên bảo hết thảy mọi người cùng niệm Phật hiệu và danh hiệu Quán Thế Âm để làm kế dự phòng (Ngày mồng Hai tháng Bảy năm Dân Quốc 28 – 1939)
(thư thứ tư)
Thư ngày mồng Sáu tháng Ba chưa nhận được. Bà Châu Xảo Trinh nhà họ Mã có thể nói là có thiện căn đời trước; đấy là những chuyện có chứng cứ đích xác, cần gì Quang phải làm chứng? Nếu không có tướng lành để làm căn cứ [chứng nghiệm sự vãng sanh] thì xin chứng minh còn được. Nay đã có chuyện thần hồn du ngoạn cõi Tịnh Độ, lại được Quán Âm báo kỳ hạn vãng sanh, mà vẫn cầu chứng thì thành ra tri kiến của kẻ chẳng biết pháp môn Tịnh Độ rồi! Xin hãy gởi [chuyện này] cho Phật Học Thư Cục để họ đăng tải trên tờ bán nguyệt san, tài liệu chánh yếu của họ mang tánh chất khác với tờ báo Tân Thân.
Tuy nhiên, hoằng dương Phật pháp thì phải chú trọng nơi chân thật chẳng hư vọng. Nếu tùy ý tô vẽ thì lỗi ấy cũng chẳng nhỏ nhoi đâu! Vì sao vậy? Vì sẽ khiến cho người ta do chuyện tô vẽ này mà nói những người vãng sanh xưa nay đều là không thật. Nếu xác thật không ngụy tạo thì đăng tải chẳng trở ngại gì! Nếu không, hãy gạt bỏ những chuyện tô vẽ, chỉ đăng tải những chuyện thuộc về bản chất. Nếu không có căn cứ trọng yếu, hãy nên thủ tiêu đi. Đối với chuyện quy y thì đã sanh về Tây Phương, dự vào địa vị thánh, thân cận Tam Thánh, còn quy y phàm Tăng làm chi nữa? Quang một mực chẳng thích người khác giả vờ! Nếu chân thật chẳng dối trá, cố nhiên nên đăng báo. Nếu không, kẻ viết bài văn ấy phạm tội lỗi, mà người chết cũng trọn chẳng được hưởng lợi ích gì! (Ngày Hai Mươi Tám tháng Ba năm Dân Quốc 29 – 1940)
***
[1] Trương Kiển (1853-1926), tự Quý Trực, hiệu Tường Am, người trấn Thường Lạc, huyện Hải Môn, từng đỗ Trạng Nguyên cuối đời Thanh vào năm 1894, được bổ làm Hàn Lâm Đương Tu Soạn. Ông tích cực chủ trương đường lối kinh tế thực tiễn để giúp dân làm giàu và cứu vớt người nghèo, nâng cao dân trí, lập ra nhiều xí nghiệp, được coi là một trong những nhà tư bản tiên phong của Trung Hoa. Ông lập ra trường đại học Sư Phạm dân lập Nam Thông là ngôi trường đào tạo giáo viên theo đường lối dân tộc, thực tiễn, cũng như góp phần thành lập trường Cao Đẳng Sư Phạm Nam Kinh.