NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Vạn Lương
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Vạn Lương

(thư thứ nhất)

Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, vô tri, vô thức, bị ép vào thế bất đắc dĩ, đành đem những gì chính mình biết, chính mình làm được, thưa với người khác; nào đáng khen ngợi quá lố như thế? Văn Sao, Thọ Khang Bảo Giám trên núi đã hết, sau mấy bữa nữa sẽ bảo người bạn ở Thượng Hải thay mặt gởi đi. Nói đến chuyện quy y, sao không chọn bậc đạo đức cao siêu, mà lại thờ ông Tăng già cả, ngu độn, hủ bại, [ngờ nghệch] như con rối làm thầy? Tuy vậy, muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, hoàn toàn cậy vào lòng Thành của chính mình. Nay do ông đã thờ ông Tăng [ngây ngô] như con rối làm thầy, thì cần biết rằng: Tuy con rối không có điểm nào hay, nhưng cũng không có điểm nào dở. Bởi nó không có lòng riêng tư, tâm mưu mẹo, nên con rối cũng có chỗ để học theo. Những gì chưa thể cùng người khác đánh giá, quyết định được, hãy nhất loạt bỏ đi.

Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Lương, nghĩa là dùng trí huệ để làm cầu bến trong đường hiểm sanh tử, khiến cho khắp hết thảy [mọi người] thoát ngay đường hiểm, lên được chỗ an ổn. Hiện nay thế đạo bại hoại đến cùng cực, xét đến căn nguyên đều do gia đình không khéo dạy dỗ. Từ nhỏ trọn chẳng đem đạo lý làm người dạy bảo, huống là những sự lý phước thiện, họa dâm, nhân quả, báo ứng v.v… ư? Vì thế, những kẻ ấy vừa nghe tà thuyết bèn nương theo, cố nhiên coi chuyện giết cha gian dâm mẹ là bổn phận chánh đáng! Nếu không [tệ hại] như thế thì khi có được quyền thế, địa vị, cũng sẽ mặc tình làm càn, gây thảm độc cho thiên hạ. Không có được quyền lực ấy thì kết đảng hoành hành, gây lụy cho địa phương! Nguồn gốc đều là do không được cha mẹ hiền khéo dạy dỗ mà ra! Vì thế, nói: “Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm”.

Nhưng con người từ lúc mới sanh chịu ảnh hưởng rất sâu từ mẹ. Do vậy, phải có hiền mẫu thì mới có hiền nhân, mà hiền mẫu phải khởi đầu từ hiền nữ. Vì thế, muốn cho thiên hạ thái bình, ắt phải bắt nguồn từ dạy dỗ con cái, nhưng dạy con gái lại càng khẩn yếu hơn dạy con trai vì nữ nhân có thiên chức giúp chồng dạy con. Từ xưa, những bậc thánh hiền [được thành thánh hiền] đều nhờ có mẹ hiền, huống là những kẻ tầm thường kém cỏi ư? Nếu không có hiền nữ sẽ không có hiền thê, hiền mẫu. Đã không có hiền thê, hiền mẫu thì những kẻ được [người nữ ấy] giúp đỡ, dạy dỗ đều thành kẻ ác hết, đều ngăn trở điều lành! Đấy chính là cội nguồn khiến cho nước ta nước không ra nước, dân chẳng thành dân vậy! Ông muốn hoằng pháp, hãy nên lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” làm tông chỉ chủ yếu, lại còn đề xướng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi để hết thảy mọi người biết được khổ nhân, khổ quả. Lại còn làm cho họ sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương để mong đích thân chứng được nhân vui, quả vui. Những điều khác đã nói cặn kẽ trong Văn Sao, ở đây không ghi đầy đủ nữa! Gởi đến một gói Gia Ngôn Lục, sách này giản lược, rất hợp cơ nghi (Ngày mồng Một tháng Sáu năm Dân Quốc 17 – 1928)

 (thư thứ hai)

Cổ nhân nói: “Do đất mà té, do đất mà đứng dậy, rời khỏi đất mà mong đứng được thì quyết chẳng có lẽ ấy”. Nay thế đạo loạn lạc đến cùng cực, bỏ hiếu, bỏ luân thường, vứt bỏ hổ thẹn, đúng là muốn cho con người trọn chẳng khác gì cầm thú thì mới sướng bụng. Nguyên do đều là vì Lý Học bài bác những chuyện nhân quả, tội phước, báo ứng và sanh tử luân hồi. Đấy chính là cội rễ chung của sự loạn lạc hiện thời. Điều khiến cho cội rễ [loạn lạc] ấy được nẩy nở xum xuê chính là vì trong gia đình không khéo dạy dỗ, trong nhà trường chỉ biết học theo lối cử nghiệp, cầu công danh, trọn chẳng nhắc đến chuyện “đánh đổ những ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, thành ý, chánh tâm” v.v… Vì thế, người đọc sách quá nửa đều là mưu mẹo, dối trá; mãi cho đến gần đây, gió Âu vừa thổi qua thì những kẻ chưa được khéo dạy ấy ai mà chẳng buông lung, hớn hở? Do vậy, giết cha dâm mẹ vẫn tự khoe khoang. Những thói xấu ác ấy đều do chẳng giảng đến luân thường, thiên chức của cha – con, chồng – vợ v.v… và chẳng bàn đến nhân quả, báo ứng, cho nên các thói xấu ấy càng đặc biệt lừng lẫy mạnh mẽ!

Nếu ai nấy chú trọng luân thường, hiếu hữu v.v…và biết thiện – ác đều có báo ứng, dẫu đem cái chết để uy hiếp, buộc phải làm những chuyện giết cha, dâm mẹ v.v… cũng chỉ đành mặc cho chúng nó giết, quyết chẳng chịu làm theo lời bọn ấy. Do vậy, biết rằng: Thiên hạ loạn lạc là do gia đình không khéo dạy dỗ và chẳng nói đến nhân quả báo ứng mà ươm thành. Biết bao người thuộc giới chánh khách, quân sự, giáo dục, hỏi đến nguồn gốc loạn lạc và nguồn gốc để thái bình đều đáp không được! Tức là chẳng biết cái nhân gây ra té ngã mà cũng chẳng biết cái nhân để đứng dậy. Ông đã nhận lãnh chức vụ Ủy Viên Học Vụ, trước hết hãy nên đem ý này nói với hết thảy học sinh và hết thảy mọi người, rồi mới lại dạy họ nương theo Ngũ Giới Thập Thiện do Phật dạy và pháp môn Tịnh Độ để tu trì thì sẽ dễ cảm hóa, chẳng đến nỗi bị phản đối không chấp nhận. Nếu không, bọn họ sẽ khó thuận theo, do bọn họ vẫn còn coi trọng Lý Học và những ngôn luận mù quáng trong thời gần đây, làm sao có thể khiến cho họ vui lòng thật sự khâm phục cho được?

Nhóm Trần Bằng Côn đã muốn quy y thì nay tôi đặt pháp danh cho mỗi người. Hãy nên bảo bọn họ ai nấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, trước hết làm người lành trong thế gian, rồi lại tu trì theo pháp môn Tịnh Độ, sẽ đáng gọi là Phật tử thật sự! Nếu không, chỉ hữu danh vô thực, rốt cuộc có ích gì đâu? Trần Bằng Côn pháp danh là Huệ Siêu, Lưu Thao pháp danh Huệ Tiềm, Dương Phụng Nghi pháp danh Huệ Thục, Mậu Bành Thị pháp danh Huệ Trinh. Những sách đã in không còn bao nhiêu, đợi sau này in ra sẽ châm chước gởi cho mấy gói, như Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú v.v… (Ngày mồng Chín tháng Mười năm Dân Quốc 17 – 1928)

(thư thứ ba)

Thư nhận được đầy đủ. Pháp danh của ba người được viết trong một tờ giấy khác, từ rày đừng gởi thư đến nữa, mà cũng đừng giới thiệu người khác quy y do không có mục lực để thù tiếp! Gởi đến cũng không trả lời. Bản thảo cuốn Gia Đình Giáo Dục Tùng Thư ngàn muôn phần xin đừng gởi tới. Nếu gởi tới sẽ đem gởi trả lại ngay vì Quang mục lực cực suy. Ngay như để trả lời lá thư này còn phải dùng cả kính lão lẫn kính lúp mới gắng gượng xem thư, trả lời. Vị sư thay Quang giảo chánh, đối chiếu (xét ra vị này chính là lão pháp sư Đức Sâm) do trong năm trước, chánh quyền Cám Châu (Giang Tây) muốn diệt chùa Thọ Lượng của thầy ấy (hủy phá ngôi chùa cực cổ) để mở đường, mở ngôi chợ bán rau nhỏ, nên thầy ấy đã hướng đến những vị tai to mặt lớn trong giới quân đội, chánh trường để cầu cứu. Chánh phủ lại ép buộc phải xây dựng ngay; nếu không, sẽ vẫn phế bỏ, thầy ấy bèn kiệt lực lo liệu hòng [nhà chùa được] khôi phục.

Năm ngoái, sau khi quân đội đã rút đi, chuyên viên [quy hoạch] trong khu ấy bèn lên kế hoạch giải quyết dứt điểm, trình công văn lên Trung Ương, đưa kế hoạch trưng thu toàn bộ tài sản nhà chùa. Trung Ương ra lệnh trưng thu tám phần mười. Chùa miếu nằm trong khu vực bị đóng quân đã trống rỗng như chùi, trọn không có tài sản tích cóp, lại bị trưng thu tám phần mười thì Tăng sẽ chết đói hết sạch. [Sư Đức Sâm] lại cậy những vị tai to mặt lớn các giới trình công văn, nhưng tin tức nhất loạt chẳng thông vì kẻ thừa hành ở Trung Ương chèn ép không trình lên. Tới năm nay lại cậy người có quen biết sâu đậm phân giải với gã viên chức chuyên lo chuyện ấy thì sự việc [trưng thu nhà chùa] mới được ngưng dứt.

Hai ba năm qua, thầy ấy đã vì chuyện ở Giang Tây mà nhọc nhằn tột bậc, nên đã nhuốm bệnh. Cửu Hoa Chí, theo dự định sẽ được in trong mùa Đông năm ngoái, nhưng do chuyện này phải ngưng lại. Chẳng biết năm tới, năm sau nữa có in ra được hay không? Quang đã bảy mươi bảy tuổi, sẽ chết trong sớm tối, bất luận chuyện gì đều chẳng dám mó tay vào. Người trong Hoằng Hóa Xã cũng không rảnh rỗi, lại thiếu khả năng để duyệt xét; sợ ông không thông cảm nên mới nói đại lược nguyên do. Mong hãy sáng suốt soi xét. Mậu Vân Phong pháp danh là Huệ Tuấn, Châu Hiểu Sơ pháp danh là Huệ Lãng, Châu Hồng Sanh pháp danh là Huệ Thâm. Gởi cho ông Tịnh Độ Ngũ Kinh, Kỹ Lộ Chỉ Quy, Sức Chung Tân Lương mỗi thứ một gói (Ngày mồng Bốn tháng Chín năm Dân Quốc 25 – 1936)