LUẬN ĐỀ BÀ BỒ TÁT PHÁ LĂNG GIÀ KINH TRUNG NGOẠI ĐẠO TIỂU THỪA TỨ TÔNG
(Luận Bồ-tát Đề-bà phá chấp 4 tông của ngoại đạo Tiểu thừa trong Kinh Lăng-già)
Bồ-tát Đề-bà tạo luận
Bồ-đề-lưu-chi dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
Hỏi: Ngoại đạo có lập 4 tông pháp, trái ngược với Phật pháp, đó là gì ?
Đáp: Có các ngoại đạo nói tất cả pháp là một.
Có các ngoại đạo nói tất cả pháp là khác.
Có các ngoại đạo nói tất cả pháp là như nhau.
Có các ngoại đạo nói tất cả pháp không như nhau.
Đó là các ngoại đạo hư vọng chấp trước vì cho là thật có vật.
Hỏi: Các ngoại đạo nào nói tất cả pháp là một ?
Đáp: Luận sư ngoại đạo Tăng-khư nói tất cả pháp là một.
Luận sư ngoại đạo Tì-thế sư nói tất cả pháp là khác.
Luận sư ngoại đạo Ni-kiền tử nói tất cả pháp là như nhau.
Luận sư ngoại đạo Nhã-đề tử nói tất cả pháp là không như nhau.
Hỏi: Ngoại đạo Tăng-khư nói tất cả pháp là một như thế nào ?
Đáp: Ngoại đạo Tăng-khư nói hai pháp ngã và giác là một. Bởi vì sao ? Vì hai tướng sai biệt là không thể được.
Hỏi: Vì sao hai tướng sai biệt là không thể được ?
Đáp: Như bò và ngựa là hai pháp khác nhau. Hai tướng khác nhau đó có thể thấy có thể thủ. Nói đây là bò và đây là ngựa.
Nhưng ngã mà lìa giác thì không thể có ngã, lìa ngã không thể có giác. Như trong kinh có nói: Thể tướng của ngã và giác như lửa và cái nóng. Hai pháp không thể sai biệt.
Hỏi: Vì sao không thể sai biệt ?
Đáp: Vì pháp đó không thể nói là khác. Ví như xấp vải trắng, không thể nói đây là trắng, đây là xấp vải. Hai pháp sai biệt như xấp vải trắng. Nhân quả tất cả pháp cũng như vậy.
Hỏi: Ngoại đạo Tì-thế sư nói tất cả pháp khác thế nào ?
Đáp: Họ nói khác, là ngã và giác khác nhau. Bởi vì sao ? Vì nói pháp khác.
Hỏi: Sao gọi là nói pháp khác ?
Đáp: Như nói đây là trắng, đây là xấp vải, đây là Thiên đức, đây là xấp vải Thiên đức. Ngã và giác khác nhau cũng như vậy. Đây là ngã, đây là trí.
Hỏi: Có gì khác nếu nói pháp ấy không thể nói là một ?
Đáp: Ví như xấp vải trắng, đây là trắng đây là xấp vải. Như vậy tất cả nhân quả đều khác, nên không thể nói là một.
Hỏi: Ngoại đạo Ni-kỉền tử nói tất cả pháp như nhau là thế nào ?
Đáp: Nói tất cả pháp như nhau, là như ngã và giác không thể nói là một, không thể nói là khác.
Lại có nghĩa khác là vì có thể nói là một có thể nói là khác.
Hỏi: Sao gọi là chẳng phải một chẳng phải khác, cũng một cũng khác ?
Đáp: Như ngã với sinh mạng, dụng và tướng có khác vì phương tiện khác nên nói. Như tham sân si v.v… được nói là có khác. Ví như đèn sáng, được nói là một, được nói là khác. Bởi có đây thì có kia, không có đây thì không có kia, nên được nói là một. Đèn khác xứ, sáng khác xứ, nên được nói là khác. Giống như nhân quả của đèn sáng, xấp vải trắng, tất cả pháp cũng như vậy, cũng được nói là một, cũng được nói là khác, cho nên nói là như nhau.
Hỏi: Ngoại đạo Nhã-đề tử nói tất cả pháp không như nhau thế nào ?
Đáp: Không như nhau, nghĩa là tất cả pháp không thể nói một không thể nói khác, là vì lỗi kiến chấp một bên. Bởi các luận sư nói một, khác, như nhau đều có lỗi. Cho nên người trí không lập ba pháp như vậy.
Hỏi: Lỗi như thế nào ?
Đáp: Nếu tách rời trắng không có xấp vải. Trắng mất xấp vải cũng phải mất. Nếu khác trắng mà có xấp vải thì phải có xấp vải chẳng phải trắng, có trắng chẳng phải xấp vải. Cho nên các pháp một, khác, như nhau, tôi đều không lập.
Hỏi: Tuy nhiên một, khác, như nhau v.v… tất cả pháp không thể nói không ?
Đáp: Đây là các ngoại đạo hư vọng phân biệt. Đó là tướng tà kiến, không phải tướng trí. Đều là bất thiện.
Nghĩa này là thế nào ?
Lại nữa, một v.v… là pháp hư vọng phân biệt. Do không được nói tức pháp đó, pháp đó một không được nói cái bình. Bình một, vì bình tức là bình. Cho nên cũng không được nói pháp khác. Pháp khác một, bởi không được nói chung với bình. Xấp vải một, bởi tướng bình khác, tướng xấp vải khác. Lấy pháp khác lìa pháp khác, pháp khác không được một không được khác. Bởi pháp khác không thành pháp khác. Bởi pháp khác không được nói pháp khác. Nếu hai pháp nói một nói khác, hai pháp đó phải nói một nói khác. Nếu không nói một không nói khác thì đây là hư vọng phân biệt. Nếu hai pháp đó là một thì không được nói pháp đó là khác.
Nếu không hai sao nói một ?
Bởi pháp đó đợi nhau thành nên dựa vào thế đế hư vọng phân biệt. Trong đệ nhất nghĩa đế không có lỗi hý luận hư vọng phân biệt của ngoại đạo.
Trên đây là giải đáp chung bốn tướng tà kiến của ngoại đạo.
Từ đây trở xuống giải đáp riêng bốn nghĩa. Như vậy mỗi mỗi quan sát nghĩa hư vọng phân biệt không thành tựu của các ngoại đạo Ca-tì-la, Ưu-lâu-khư v.v…
Nghĩa ấy như thế nào ?
Nói tất cả pháp là một, nghĩa ấy không đúng. Bởi diệt thì phải diệt, không diệt thì không được diệt.
Đều diệt đều không diệt là nghĩa thế nào ?
Ông trước đã nói tướng của ngã và giác sai biệt là không thể được, như xấp vải trắng. Tôi đã phá nghĩa này rồi. Bởi vì sao ? Vì nghĩa này không phù hợp với các kinh luận. Ông nói các pháp sai biệt không thể được, nghĩa này không đúng. Như bàn tay móng tay, pháp đó hai tướng sai biệt không thể được.
Đó là nói nghĩa gì ?
Như móng tay, ngón tay gọi là bàn tay. Nếu khác pháp này thì không thể được bàn tay. Như vậy xấp vải trắng là một không thể được, cũng như bàn tay với ngón tay. Nếu cái này diệt cái kia cũng phải diệt.
Nghĩa ấy như thế nào ?
Nếu cái trắng mất, xấp vải cũng phải mất. Như chặt bàn tay tức chặt ngón tay. Nếu ý ông bảo cái trắng mất xấp vải không mất thì nghĩa ấy không đúng. Nếu xấp vải không mất thì trắng cũng phải không mất. Cũng giống như chặt bàn tay mà còn ngón tay, thì chặt ngón tay bàn tay cũng phải còn.
Nếu ý ông bảo xanh vàng đỏ v.v… chỉ mất màu trắng mà không mất xấp vải thì sao gọi là một ? Nếu không như vậy thì xanh vàng đỏ v.v… các màu không mất. Không như vậy xấp vải không mất thì các màu xanh vàng trắng v.v… cũng phải không mất.
Hỏi: Xanh vàng đỏ v.v… phủ lên màu trắng mà không diệt mất cái trắng. Nghĩa này thế nào ?
Đáp: Xấp vải cũng vậy, phủ lên xấp vải mà không diệt mất xấp vải. Lại nghĩa này cũng không phải vậy. Giặt xấp vải rồi trở lại thấy màu trắng. Cho nên xấp vải cũng vậy. Phủ lên xấp vải mà không diệt mất xấp vải. Cho nên trắng tức là xấp vải, xấp vải tức là trắng.
Nếu xấp vải mất rồi làm sao thấy các màu xanh vàng đỏ trắng ? Nếu ý ông bảo trắng diệt mất lớp phủ chẳng phải diệt mất xấp vải, diệt mất lớp phủ xấp vải không diệt mất trắng. Nếu vậy là có pháp diệt lớp phủ, có pháp không diệt không phủ, thì sao nói là một ? Cho nên nghĩa một là bất thành.
Đã giải đáp xong chủ trương nói tất cả pháp là một của luận sư ngoại đạo Tăng-khư.
Hỏi: Luận sư ngoại đạo Ca-na-đà nói tất cả pháp khác nhau, nghĩa là ngã với giác khác nhau. Bởi nói pháp khác, nên đây là ngã đây là giác. Như xấp vải trắng, đây là trắng đây là xấp vải.
Đáp: Nghĩa này không đúng, vì không có thí dụ. như người nói đây là bàn tay đây là ngón tay. Người ấy tuy nói lời này không thể nói pháp khác. Cho nên không được nói ngã giác khác. Như xấp vải trắng bởi thấy thế gian có hai thứ sai biệt: một là tướng hai là xứ. Tướng sai biệt là sắc hương vị xúc không khác vì tướng có tướng khác. Xứ sai biệt là như thóc đậu v.v… có xấp vải trắng không khác tướng có sai khác. Như sắc hương vị xúc kia. Nếu không vậy thì có bốn lỗi.
Nghĩa này thế nào ?
Trắng mất xấp vải cũng mất. Như sắc hương vị xúc kia. Ví như lửa hòa hợp nung đốt cái bình thành màu đỏ rồi lại làm màu xanh. Hương vị cũng vậy. Nếu không vậy thì sắc hương vị xúc cũng phải không diệt. Như xấp vải trắng kia không thể khác được. Nếu trắng diệt xấp vải cũng phải diệt. Xấp vải không diệt trắng cũng không diệt.
Hỏi: Nghĩa này không đúng. Căn cứ vào pháp kia có pháp này. Ví như bức họa vẽ trên vách. Nương nơi vách mà có bức họa. Vách mất bức họa cũng mất. Họa mất vách không mất, ví như trắng mất mà xấp vải không mất, nghĩa cũng như vậy.
Đáp: Ví dụ này của ông sự việc không tương tự. Vách có trước, bức họa là làm sau, còn xấp vải trắng kia không có trước sau. Không thể nói cái trắng này có trước, xấp vải làm sau.
Đã trả lời xong về nghĩa tất cả pháp khác của luận sư ngoại đạo Vệ-thế sư.
Hỏi: Luận sư ngoại đạo Ni-kiền tử nói tất cả pháp như nhau. Luận sư Ca-tì-la đều có lỗi vì nói một khác. Cho nên tôi nói như nhau mà không như nhau. Ví như đèn sáng. Có cái này là có cái kia, có cái kia là có cái này. Không cái này là không cái kia, không cái kia là không cái này. Như có đèn có sáng, có sáng có đèn. Không đèn không sáng, không sáng không đèn. Khác là năng chiếu sở chiếu. Bởi đèn khác xứ, sáng khác xứ. Cho nên nói khác. Như ngã giác, xấp vải trắng v.v… cũng được nói một cũng được nói khác. Ví như màu trắng nơi xấp vải không thể nói hai cái đó có chỗ riêng biệt đây là trắng đây là xấp vải như thế gian chỉ đây là con bò đây là con ngựa v.v… xấp vải trắng không như vậy. Cho nên tôi không nói khác cũng không nói là một. Nếu một thì trắng mất xấp vải cũng phải mất. Lại nữa, nếu một thì cũng không nên nói xấp vải đỏ, xấp vải đen v.v… Cho nên tôi được nói là một được nói là khác.
Nghĩa này thế nào ?
Đáp: Nghĩa này không đúng. Như trước đã nói lỗi cùa Tăngkhư, Tì-thế sư v.v… với đây cũng không khác.
Những nghĩa nào là Tăng-khư một, như trước nói ? Những nghĩa nào là Tì-thế sư khác, như trước nói ? Trước nói như thế nào ?
Như trước nói đèn sáng một, là đèn tức là sáng, sáng tức là đèn. Đây chỉ số khác nhau mà nghĩa không khác.
Nếu vậy đèn cũng phải sáng, sáng cũng phải là đèn. Nếu hai pháp này một thì sao khác xứ ?
Như tay với ngón tay không sai biệt. Chân với tay có sai biệt.
Tay với ngón tay không sai biệt, nếu một sao nói là khác ?
Cho nên không được nói một nói khác. Nghĩa một khác đây bất thành.
Đã trả lời xong về nghĩa tất cả pháp như nhau của luận sư ngoại đạo Ni-kiền tử.
Hỏi: Luận sư Nhã-đề tử nói các luận sư Tăng-khư v.v… nói tất cả pháp là một, khác, như nhau đều có lỗi. Tôi, Nhã-đề tử không nói tất cả pháp là một, khác, như nhau. Như trong luận của tôi không chấp nhận nghĩa này, chỉ chấp nhận không như nhau. Cho nên tôi không có các lỗi như Tăng-khư v.v…
Tuy nhiên không được nói không chẳng như nhau.
Nghĩa này là thế nào ?
Đáp: Nghĩa này không đúng. Vì không có thí dụ. Bởi không thí dụ, tôi nói thế đế có pháp như vậy, còn trong đệ nhất nghĩa đế không có tướng như vậy. Cho nên đây thành nghĩa của tôi nói.
Đây là nói nghĩa gì vậy ?
Bởi không pháp kia tức không pháp này, không pháp thể kia cũng không pháp thể này. Bởi pháp này không thành pháp kia, pháp kia không thành pháp này. Bởi pháp này rốt ráo chẳng phải pháp kia, pháp kia cũng rốt ráo chẳng phải pháp này. Bởi trắng chẳng phải xấp vải, bởi xấp vải chẳng phải trắng. Bởi diệt không phải diệt. Bởi một thì tức trắng là xấp vải, xấp vải tức là trắng. Không vậy thì diệt là diệt, không diệt là không diệt.
Nếu vậy thì sao gọi là hư vọng phân biệt ?
Pháp đó là một, khác, như nhau, không như nhau. Nếu vậy xấp vải cũng phải chẳng phải xấp vải, chẳng phải không phải xấp vải. Trắng cũng phải chẳng phải trắng, chẳng phải chẳng trắng. Cho nên chẳng phải trắng chẳng được trắng. Như vậy một, khác, như nhau, không như nhau đều là hư vọng phân biệt. Chỉ là lời nói không có thật nghĩa. Như vậy ngã giác nhân quả v.v… các nghĩa cũng đều như vậy.
Đã trả lời xong về nghia tất cả pháp không như nhau của luận sư ngoại đạo Nhã-đề tử./.
HẾT