CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
16. TRẦN VĂN ĐẸC (1919-2008) 89 Tuổi
Ông Trần Văn Đẹc sinh năm 1919, cư ngụ tại ấp Đông, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Song thân là cụ ông Trần Văn Thái và cụ bà Nguyễn Thị Báu. Ông đứng thứ Tám trong gia đình có nhiều anh em.
Khi đến tuổi trưởng thành ông kết hôn với bà Ngô Thị Cầu, sinh được chín người con, sáu trai ba gái. Gia đình ông sanh sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn.
Tính tình ông rất thẳng thắn và liêm chính, tận tâm giúp đỡ mọi người xung quanh bằng khả năng hiện có của mình.
Thuở thiếu thời ông cũng có nghiên cứu Phật Pháp, nhưng chỉ dừng lại ở ‘Làm lành, lánh dữ’ và chay lạt mỗi tháng 4 ngày. Bất cứ việc gì, hễ bất minh bất chánh mà danh văn lợi dưỡng có to lớn thế mấy, cũng chẳng bao giờ làm mê mờ được lòng dạ ông, không xoay lật được đức “liêm khiết” và “công chính” vốn sẵn trời ban cho ông.
Ông thường dạy con cháu phải ăn ngay, ở thật, tròn đạo làm người. Ông hay nói:
-“Thà nghèo thanh hơn giàu mà trược; Lo vun trồng cội phước về sau”. Thà rằng mình nghèo khổ mà ngay thẳng chân thật thì nó vẫn tốt; Còn nếu mình ham giàu, ham phú quý mà trái với đạo lý, ngược với nghĩa nhân thì nó vẫn không tốt… cũng rất là uổng!
Đúng như lời khai thị của chư Cổ Đức:
“…Sự đời dẫu lắm say mê,
Cái thân giả tạm không hề trường miên.
Thân khi hết quí quyền cũng hết,
Vật dẫu còn người chết phủi đi;
Hơn nhau thử hỏi cái gì?
Đời thì danh chánh, Đạo thì nghĩa chơn.
Danh chánh được thế nhơn khen ngợi.
Đạo chơn thì hồn khỏi đọa sa.
Chánh danh thì cũng tạm là
Chỉ chơn đạo mới thật qua khổ sầu.
Người sanh sống nơi đâu bất luận,
Mang xác phàm đều cũng như nhau;
Nằm trong thế giới khổ đau,
Nên tu hành để sớm đào tẩu ra.
Theo đường Phật Thích Ca chỉ vạch,
Nghe lời Chơn Sư mách cơ huyền;
Bồ đề khỏa lấp não phiền.
Niết Bàn thay thế nơi miền tử sanh
Dữ là họa còn lành là phước,
Đời khổ đau đạo đức an vui;
Từ Bi nếu thắm lòng người,
Khiến đời phàm tục đổi đời Thần Tiên,
Kiếp thống khổ chớ yên chịu khổ,
Cảnh mê ly, đừng có mê ly.
Khôn ngoan hay kẻ ngu si,
Nên tìm con lộ vĩnh kỳ giải oan,
Hối sớm chớ sắp tàn mới hối.
Tu mau đừng gần trối mới tu;
Thân người như tử hình tù,
Phút qua là mỗi phút thu ngắn đời
Nên cải thiện cho nguôi lửa nghiệp,
Đừng tùng gian khỏi kiếp chìm sâu;
Bởi mê nên lắm đau sầu
Rán bừng tỉnh để hết câu khổ nàn.
Đồng tu niệm xóm làng hòa nhã
Đồng hiền lành già trẻ an vui
Khiến cho đời sống tốt tươi,
Mà còn cứu được hồn người siêu sanh.
Gian truân cũng nhớ hành chánh đạo,
Tham dục bao đừng tạo ác nhân;
Làm lành cho khỏi đọa thân,
Tu chơn cho khỏi quây quần cõi mê.
Tu cho thần thức kề bên Phật;
Tu cho phàm thân hết khổ đời;
Hỡi người ở khắp mọi nơi.
Tu cho xã hội con người bình thanh.
Việc lương thiện đua tranh thì tốt,
Điều ác gian bóc hốt không nên.
Luật trời báo ứng chớ quên.
Hễ vay mượn trước phải đền trả sau.
Xưa đã chẳng ai nào thoát khỏi,
Nay cũng không người giỏi trốn qua.
Khởi ý quấy khá ngăn chận lại,
Sanh niệm lành thì hãy làm ra.
Tốt hơn khắp cả người ta,
Lấy câu Nhơn Quả để mà ở ăn.
Lợi mình mà hại người ta,
Lợi bao nhiêu nữa cũng là thôi đi.
Tổn hại kẻ việc gì cũng bỏ,
Ích lợi người dù khó cũng làm.
Lòng nhân đem trị tánh tham,
Không gây tội kiếp chẳng làm đọa thân”.
******
Khi tuổi đã bước sang giai đoạn ‘cổ lai hy’ (70 tuổi), thấy các con trong nhà và bà bạn đều đã phát tâm trường chay nên ông cũng phát tâm theo. Vả lại lúc này các con đã lớn khôn gánh vác hết mọi chuyện gia đình, do đó ông rất nhàn nhã, một bề lo tịnh dưỡng chuyên chí tu hành.
Khi đã chay lạt tu hành thì ông tuân thủ giới luật rất nghiêm nhặt, lấy giới làm thầy, cụ thể nổi bật nhất là ông bỏ hẳn rượu chè, nói lời hòa ngôn ái ngữ, nhất quyết một lòng niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Từ Phụ A Di Đà.
Ông thường xem nghe sám kệ, hai phẩm ‘Đường Giải Thoát’ và ‘Thần Cơ Thật Luận’ là hai phẩm mà ông yêu thích nhất. Được biết trước kia ông vốn có thành kiến khá nặng, thậm chí còn lên tiếng phản đối ngăn cản khi thấy các con mình xem nghe. Nhưng sau này, qua quá trình nghiên cứu kỹ càng, ông bỗng nhiên trở nên say sưa ưa thích nhiễm nghiền. Mỗi khi có bạn đồng tu hay người thân ghé thăm, ông hay mở máy phát ra để cùng nhau nghe, và còn sang ra nhiều đĩa trao tặng cho họ lúc từ giã ra về. Trong ấy có những đoạn như sau:
“Nhìn thấy chúng sanh trên quả đất,
Đang quay cuồng theo vật dục tâm.
Mạnh yên thân còn yếu dập bầm,
Vì sự sống cạnh tranh không ngớt.
Mọi nỗi khổ vẫn chưa thấy bớt,
Sanh rồi già rồi chết nối liền.
Còn bịnh kia tật nọ liên miên,
Đủ cách chết kể không hết được.
Chết vì bịnh chết vì bạo ngược,
Chết thiên tai hoặc chết nhơn tai.
Dù rằng người đủ sức đủ tài,
Cũng không trốn khỏi ngày chết đến.
Thế mà cõi tục trần cứ mến,
Tạo tác thêm nhiều chuyện bất lành.
Để lưu chuyền mãi nghiệp tử sanh
Và cuộc sống hiện tình thêm khổ.
Không cứu được mẹ cha tông tổ,
Lại còn làm xấu hổ gia môn,
Hại đời mình còn hại nhi tôn,
Thật là một người không hiếu nghĩa.
Nên phản tỉnh đạo mầu trau trỉa,
Cứu độ mình và cả tông môn,
Truyền nghiệp lành cho đám nhi tôn,
Noi theo đó lánh thân khỏi tục.
Mình lục đục cháu con lục đục,
Khiến cả dòng họ mất cơ duyên.
Bặt lối đường đi đến Phật Tiên,
Muôn kiếp vẫn còn nguyên tại thế.
Khổ này qua khổ kia liền kế,
Lặn hụp trong sầu bể không ngừng.
Càng ngày càng u ám tinh thần,
Không còn sức quày chân trở lại.
Khi có cuộc tang điền thương hải,
Các nạn tai đổ giải trên mình,
Thân sống cam trôi nổi linh đinh,
Linh hồn cũng gập ghình mây gió.
Sống hay chết vẫn nằm trong rọ,
Bị nghiệp mê lôi cổ đi luôn.
Mang lấy thân sống dại chết cuồng,
Chịu đựng kiếp vào trần ra khổ.
Lặn lộn cảnh sớm khai chiều đổ,
Mang mển đời nay đẻ mai chôn.
Lo miếng cơm chạy chọt bồn chồn,
Vì manh vải cúi lòn bận rộn,
Lúc nào cũng lo như bị nhộn.
Sống trong đời hỗn độn đua chen,
Chỉ làm cho tâm trí tối đen
Chung cuộc vẫn đem chôn xuống đất.
Có cảnh Phật còn hoài không mất,
Mà không tìm qua được cho an.
…
Nguyện sanh về cõi Lạc Bang,
Thành tâm trì niệm Đài Vàng điểm tên.
Đừng chần chờ! Hãy cố lên!
Ngàn năm một thuở chớ nên lỡ làng!!!”.
******
Công khóa bình thời của ông mỗi ngày là ba lần lễ bái sám nguyện, cứ sau lễ bái sám nguyện thì ông ngồi niệm Phật vài mươi phút tùy theo sức khỏe. Thỉnh thoảng ông tham dự những lễ cúng tuần quanh vùng, hay lễ tôn trí Tam Bảo cho chư vị đồng tu gần nhà mới vừa phát tâm hướng về cửa Phật. Mỗi khi gặp gỡ các bạn đạo, hoặc lúc thân quyến hay con cháu ghé thăm ông đều đem Phật pháp ra bàn luận, nhất là khuyên cố gắng sống ngay thẳng chân thật tròn đạo làm người, tin sâu nhân quả bỏ ác làm lành, chí thành niệm Phật cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Sức khỏe của ông tương đối ổn định, mấy mươi năm cuối đời chưa từng nhập viện, nếu có bệnh thì cũng bệnh sơ sịa, cảm xoàng mà thôi.
Ông có thói quen trước khi đi ngủ và lúc thức dậy thường niệm lớn 3 lần như sau:
–Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh, A Di Đà Phật.
Con ông thấy lạ, hỏi duyên cớ, ông giải thích:
-Đó là ba làm đơn nạp sẵn cho Đức Phật A Di Đà, đến chừng tắt thở là Ngài rước mình liền!
Năm 2001, vì nhận thấy việc cộng tu thực sự có lợi ích vô cùng to lớn cho người hành trì pháp môn Tịnh Độ, nên ông phát tâm hiến mảnh đất 6000 mét vuông tạo nơi chốn cho các đồng đạo đến niệm Phật, con cháu ông cùng chư liên hữu hợp lực thực hiện, từ đó chương trình niệm Phật định kỳ được tổ chức liên tục mãi về sau.
Năm 2002, người con trai thứ Tám của ông rước hai ông bà về nhà của chú ở xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc để tiện bề phụng dưỡng, mà nơi đây cũng yên tịnh thuận lợi cho việc công phu tu trì.
Cuộc đời tu của ông chân thật và bình dị, không có chi nổi bật cho lắm, âm thầm lặng lẽ trôi qua mười mấy năm như một ngày.
*********
Vào đêm 18 tháng 5 năm 2008, bà bạn đường 86 tuổi trở bệnh, các con cháu khắp nơi đều tề tựu kéo về. Sáng hôm sau bỗng nhiên ông sốt nhẹ, thân quyến liền vô cho ông một chai nước biển. Vô một chai nước biển cho ông xong các con cháu khắp nơi về cũng đã đầy đủ, ông bèn cho họp hết tất cả lại, rồi trong tư thế ngồi trên giường xem thấy không có dáng dấp gì của người bệnh hoạn cả, ông chậm rãi tâm sự mọi điều, dặn dò sắp xếp mọi chuyện hậu sự, di chúc ước nguyện của mình, nhất là việc duy trì đạo tràng đã thành lập ở 7 năm trước, mong muốn các con cháu phải cố gắng gìn giữ bền vững, ngõ hầu tạo cơ duyên thuận lợi cho những người phát tâm đến niệm Phật được đều đặn trong tương lai.
Kế đến ông nhắc nhở con cháu về cách thức tu hành, cũng chỉ là lặp lại những câu nói như trước kia khi còn khỏe mạnh mà ông đã từng nói. Nhắc nhở đâu đó xong rồi, ông niệm lớn:
–Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh, A Di Đà Phật.
Ông niệm đến lần thứ ba thì bảo:
-Ba mệt rồi, thôi đỡ ba nằm xuống!
Khi các con đỡ ông nằm xuống, đầu hướng về ngôi thờ Tam Bảo, ông niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi đầu vừa chạm vào gối thì cũng vừa dứt tiếng “Phật”, đồng thời ông cũng tự xuôi tay xuôi chân, thẳng thóm nghiêm trang nhẹ nhàng an tường trút hơi thở cuối cùng, lúc đó là 3 giờ rưỡi chiều, ngày 19 tháng 5 năm 2008. Ông hưởng thọ 89 tuổi.
Gia đình thân quyến hộ niệm cho ông đến 7 giờ sáng ngày hôm sau mới tiến hành lễ an táng. Thi thể ông khi ấy nhìn không khác một người đang nằm ngủ!
**********
Bà vợ của ông tên là Ngô Thị Cầu, nhỏ hơn ông 3 tuổi. Tính tình vui vẻ, tháo vác đảm đang, tràn đầy nghị lực nhẫn nại mọi khó khổ.
Theo truyền thống ông bà, bà cũng tín ngưỡng Phật Trời, ăn chay mỗi tháng 4 ngày, hằng niệm Phật và trao tâm sửa tánh.
Khi bà tuổi đã ngoài sáu mươi, các con cháu trong nhà đã trường chay nên cũng khuyến tấn bà phát tâm dùng theo. Ban đầu bà còn do dự vì e ngại mình không đủ sức thực hiện. Qua nhiều lần các con động viên bà mới thực hành, một khi đã thực hành thì chết sống gì bà cũng không bỏ cuộc, đến độ thể trạng suy gầy hết sức tưởng tượng nổi, là trọng lượng chỉ còn 28 ký lô!
Có lần bà nhập viện để phẫu thuật bẹng do thoát vị, bác sĩ biết bà dùng chay nên nói:
-Bà phải ăn mặn mới đủ dinh dưỡng, mới đủ chất… mới mổ được!
-Không! Tôi đã nguyện ăn chay cho đến chết rồi. Nếu ăn mặn để mổ mới sống thì thôi khỏi mổ!
Bác sĩ thấy bà cương quyết quá, bèn cười, nói:
-Nói thì nói vậy thôi, chứ… chích thuốc bồi dưỡng rồi mổ chứ có gì đâu!
Hằng ngày bà rất thích nghe các băng đĩa Phật Pháp phần chính yếu là những phẩm trong bộ Hiển Đạo và Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ.
Đối với pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh bà rất tin tưởng và cố gắng nỗ lực trong công phu trì niệm thường nhật. Sự dụng công tu của bà so với ông tương đối giống y như nhau.
Năm 2003, bà bị sỏi mật hoành hành bà đau đớn dữ dội. Khi khám nghiệm bác sĩ cho biết kích thước của viên sỏi là 29 ly, vì bà quá cao niên (81 tuổi) nên không thể tiến hành phẫu thuật. Về nhà có người bày cho uống nước sắc của rau bợ, bà y theo. Trải qua 35 ngày sau, xét nghiệm thì kết quả cho thấy viên sỏi hoàn toàn biến mất.
Cách sau đó một khoảng thời gian không bao lâu thì bà bị tai biến nhẹ. Vào Bệnh Viện Đa Khoa Sa Đéc vài ba đợt, cuối cùng đành an phận với nghiệp duyên là phải nằm luôn cho đến khi mãn phần là gần 5 năm. Đặc biệt trong thời gian gần 5 năm này bà có thể tự xoay trở người qua lại, và tự ngồi dậy được, chứ không phải liệt nằm một chỗ giống như các trường hợp tai biến thường thấy, do vì khi ngồi dậy bà thấy choáng váng chóng mặt nên nằm nghe dễ chịu hơn. Một điểm hết sức lạ là bà không ăn uống được bất cứ thực phẩm nào ngoại trừ sữa bột Ensure. Uống sữa mà không cần phải thêm đường, gần 5 năm trời mà không ngao ngán, tiêu tiểu vẫn bình thường, thể lực và vóc dáng vẫn mập mạp hồng hào như người khỏe mạnh không khác, đến giờ công phu bà vẫn công phu bình thường, có điều là chỉ nằm một chỗ mà thôi!
Dường như nhờ bệnh mà bà niệm Phật tinh chuyên hơn, tâm tình luôn luôn tuôn tràn niềm hoan hỷ, môi bà lúc nào cũng tươi cười, gặp ai đến thăm bà cũng khuyên nhắc họ rán lo niệm Phật tu hành.
Ngày 18 tháng 5 bà bị sốt, con cháu các nơi tựu về, chiều hôm sau thì ông vãng sanh. Từ đó bà yếu dần, con cháu túc trực niệm Phật với bà.
Trải qua 16 ngày, bà đột nhiên rơi vào hiện tượng lạ, hiện tượng này vô cùng quái gỡ dị thường, ngay cả con gái, dâu và cháu bà đều là các công viên chức của các bệnh viện cũng bó tay, không thể lý giải!
Nghĩa là cơ quan hệ tim mạch và hệ hô hấp cứ 30 hoặc 60 giây ngưng hoạt động hoàn toàn, rồi 30 hoặc 60 giây hoạt động trở lại, tức là hai trạng thái chết – sống đắp đổi thay nhau suốt 3 ngày đêm, rồi bà mới nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng lúc gần 4 giờ chiều, ngày mùng 9 tháng 6 năm 2008. Thọ 86 tuổi.
Cuộc hộ niệm vẫn tiếp tục duy trì đến sáng hôm sau mới lo phần hậu sự, khi ấy gương mặt bà tươi tỉnh như người đang ngủ, các khớp xương đều mềm mại.
Trong thời gian 3 ngày cuối đời con cháu và đồng tu vây quanh chia ca hộ niệm cho bà xuyên suốt. Trong khoảng thời gian hệ tim mạch và hô hấp hoạt động thì bà vẫn uống nước, vẫn ra dấu khi có ai hỏi điều gì, và tỉnh táo cho đến giây phút ra đi, chỉ có điều là bà không nói chuyện được mà thôi.
(Thuật theo lời Trần Hữu Nghĩa – con trai thứ Mười của hai ông bà)